Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI CUỐI 16: LÊN ĐƯỜNG ĐỊNH CƯ

Bài TRINH HAO TAM

Người tỵ nạn ở trong trại sau khi được phái đoàn Mỹ chấp thuận cho đi định cư thì bắt buộc phải có người ở Mỹ bảo trợ gọi là “Sponsor” để giúp đỡ trong bước đầu khi đến Mỹ như làm giấy tờ, nơi ăn chốn ở, tìm việc làm, học tiếng Anh, học lái xe v.v…Người bảo trợ gia đình tôi là người em chú bác ruột tên Trịnh Hữu Châu con của chú Tư tôi là ông Trịnh Ngọc Sanh, cha tôi thứ Ba chú này thứ Tư. Chú Tư tôi du học bên Pháp đậu kỹ sư công chánh ở trường Ecole Central Paris. Về VN ông làm Giám Đốc Nha Thủy Vận (sau này cũng Nha này mướn tôi) và sau cùng là Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh. Rồi sau đó chú tôi qua làm Ủy Ban Sông Mê Kong một tổ chức của Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở ở Bangkok và chú tôi về hưu sống ở Nice thành phố miền Nam nước Pháp.

Trịnh Hữu Châu có tên Pháp là Eugene Trinh theo mẹ sang Pháp từ  1952 nhưng mùa hè thường về VN sống với chú tôi ở số 99 Bis đường Trần Quý Cáp Sài Gòn. Thỉnh thoảng cũng về quê Trà Vinh đi bắt cá lia thia với tôi. Sau khi đậu Tú Tài ở Pháp, Châu sang Mỹ du học, đậu Tiến Sĩ Vật Lý Học ở trường Yale thuộc thành phố New Haven tiểu bang Connecticut. Cuối năm 1979 Châu được cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA thu nhận và trở thành phi hành gia của phi thuyền Columbia trên chuyến bay lên không gian vào năm 1992.

Ở trại tỵ nạn Songkhla hơn 3 tháng, chiều 26-3-1979 gia đình tôi 7 người gồm 3 con và 2 cháu trai kêu tôi bằng cậu ruột lên xe buýt để lên Bangkok khám sức khỏe để chờ chuyến bay đi Mỹ. Trước khi đi cũng có một bữa tiệc chia tay linh đình với món cà ry gà do em rể tôi nấu. Xe buýt qua phà Songkhla chạy suốt đêm, nửa khuya ngừng lại một quán ăn bên đường cho chúng tôi ăn uống. Thức ăn toàn là các món cà ry nấu với nước dừa theo kiểu ẩm thực của người Mã Lai. Nhưng chúng tôi rất thích thú vì được đi ăn nhà hàng lần đầu tiên sau hơn 3 tháng nằm trong trại. Lần cuối cùng ăn quán hủ tiếu bò viên là ở trước rạp Minh Châu Cần Thơ. Bữa đó nhìn hai con ăn ngon lành mà lòng tôi tan nát, không biết tôi sẽ đem con tôi đi về đâu? Tới bờ hạnh phúc hay vùi thân trong lòng biển?

Đến sáng thì tới Bangkok nhằm giờ cao điểm kẹt xe vô cùng, chúng tôi được đưa về trại tỵ nạn chuyển tiếp Lumpini (Lâm Tỳ Ni). Nơi đây tập trung các sắc dân tỵ nạn như Việt, Cambodia, Lào để chụp hình phổi và chờ chuyến bay. Ai bị bịnh phổi thì phải ở lại chữa trị cho lành mới được vào Mỹ. Sau đó máy bay có chỗ trống mới được in vé phát cho người tỵ nạn chờ tới ngày ra phi trường Bangkok. Lúc đó còn phi trường cũ ở phía Bắc thành phố. Tiền vé máy bay do hội thiện nguyện bảo lãnh ứng trước, sau này qua Mỹ trả góp lần lần. Hôi bảo lãnh gia đình tôi là hội tỵ nạn của người Tiệp Khắc.

Những ngày sống trong trại Lâm Tỳ Ni này tôi không thấy Phật cũng như bầy quỷ nữ múa ca rù quến đức Phật mà chỉ thấy người Miên và Lào và ăn ngủ cùng sạp với họ. Sáng ra nhân viên trại bắt đi chùi rữa cầu tiêu, sau đó cho tự do ra ngoài chơi nhưng 2 giờ chiều là phải về lại đủ mặt vì sau đó nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn vào phát vé máy bay. Nhà bàn có cung cấp các bữa ăn nhưng rất dỡ vì tiền ít và nấu theo kiểu Miên Lèo không hạp khẩu vị. Chúng tôi đón xe túc túc ra ngoài chơi đi ăn cơm gà Hải Nam hay hủ tiếu Triều Châu. Trên đại lộ Lumpini này đi ngang hai tòa đại sứ Mỹ và VN nằm gần nhau treo hai lá cờ một yêu một ghét. Tôi dẫn các con cháu vào sở thú Bangkok chơi, đi ăn kem, đi trên đại lộ du lịch “hoành tráng” Sukkumvit coi đèn.

Chiều ngày 28-3-1979 nhận được xấp vé máy bay Air France 7 vé. Chuyến đầu tiên số AF199 từ Bangkok bay qua Paris lúc 20 giờ 25 tối mai 29-3-79. Chuyến kế tiếp AF077 từ Paris đi New York phi trường John F. Kennedy bay lúc 1 giờ trưa ngày 30-3-79. Tôi ra ngoài đánh điện tín cho chị vợ tôi ở Paris, chị này trước 75 là tiếp viên hàng không Air Vietnam để xem có gặp được ở phi trường Charles De Gaulle không? Gặp thì tốt, không gặp cũng không sao.

Chiều 29-3-79 xe buýt chở chúng tôi cùng một số người tỵ nạn nữa ra phi trường Bangkok để bay qua Paris. Chuyến máy bay chiều thứ Năm này từ Ho Chi Minh City sang trên máy bay có nhiều người Việt hồi hương về Pháp, tôi hỏi thăm tin tức quê nhà nhưng họ mới thoát đi được nên không ai dám nói gì!

Vừa cất cánh là được dọn ăn tối đồ Tây chánh gốc Paris nên các con tôi thích lắm. Một đêm rất dài trên máy bay, sáng ra là máy bay tới Pháp. Ở phi trường Paris gặp chị vợ tôi và một bà đầm người Pháp, bà này là người của hội Hồng Thập Tự có nhiệm vụ vào phi trường thăm hỏi chúng tôi có cần gì không. Chị vợ tôi khi xin nhân viên phi trường cho vào gặp chúng tôi thì tình cờ gặp bà này, bà này can thiệp nói cả chục năm hai chị em không gặp nhau nên họ đành cho vào.

Chúng tôi bay tiếp đi New York cũng trải qua một ngày rất dài trên máy bay và đến phi trường Kennedy vào buổi chiều mới sang Xuân nên rất lạnh. Có ông Xuân làm cho hội Tỵ Nạn Tiệp Khắc ra thăm hỏi trao số tiền 350$ cho gia đình tôi gồm 7 người, mỗi người 50$ do hội cho. Và trao vé máy bay đi tiếp về Hartford (thủ phủ bang Connecticut) từ phi trường nội địa ở New York là phi trường La Guardia. Ông Xuân đưa ra buýt để chúng tôi qua phi trường La Guardia và ông Xuân đi về.

Tới phi trường La Guardia đói bụng quá thấy quán Mac Donald’s treo hình khoai tây chiên tôi nói là “fried potatoes” họ không hiểu vì không nói là “French Fried” (không biết họ gọi khoai chiên là Tây Chiên) nên họ không hiểu đưa cho 7 cây cà rem, trời lạnh bụng đói meo mà ăn cà rem vô lạnh quá!

Máy bay đi Hartford là máy bay nhỏ cánh quạt chở đâu hai mươi mấy người của hãng American Airlines bay hơn nửa giờ thì tới. Eugene Trinh cùng người chị là Christine ra đón bằng 2 xe Volswagen (một xe van và một xe con cóc) chạy về thành phố New Haven là nơi ở của hai người.

Rồi từ đó tôi bắt đầu cuộc sống lưu vong trên xứ lạ quê người. Hai người em họ chú bác xa rời quê hương từ nhỏ nên cũng có những suy nghĩ khác với mình. Nên sau 3 tháng sống ở Connecticut tôi dọn về vùng nắng ấm miền Nam California nơi gần Little Saigon lập lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.

Những người trong ghe vượt biên với tôi như thông dịch viên Nguyễn Văn Thời, biên tập viên Nguyễn Hồng Son đều có Sponsor đi Mỹ tiểu bang Texas. Ông Lê Xâu cùng tổ chức chuyến đi với tôi, có con vượt biên cùng với em tôi chuyến trước bảo lãnh sẽ đi Portland bang Oregon. Gia đình em gái tôi 3 người có anh chồng đang du học Tây Đức thì sẽ sang Tây Đức. Hai đứa cháu là Hải và Thanh có em di tản trong đợt 1975 đang ở Montreal Canada nên sẽ đi Canada.  Còn lại mấy người kia thì chờ đợi Mỹ tái phỏng vấn theo diện nhân đạo nếu không có nước nào nhận. Vài tháng sau thì cả gia đình Chu và Tổ 7 người cũng đi Mỹ vì được Thời sang trước bảo lãnh ngược lại. Sau này các gia đình Dương Sum, Lý Trụ cũng được đinh cư Mỹ có lẽ do ông Lê Xâu bảo lãnh. Sáu Mập đi Anh quốc vì có bà con đi trước bên đó. Nguyên ghe tôi chắc không tới một năm, mọi người đều giã từ trại Songkhla đi hết, tái lập cuộc đời mới.

Chuyến vượt biên đầy gian nan nguy khốn đã thêm cho tôi nghị lực để vượt qua những khó khăn trên xứ lạ quê người. Vượt biên mình còn đi được thì tất cả mọi trở ngại trên xứ này đều là chuyện nhỏ không đáng quan tâm. Tuy nhiên mọi sự tôi tin rằng có ơn trên che chở chứ mình không khả năng tài giỏi gì.

ĐÓN XEM LOẠT BÀI NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐỊNH CƯ TRÊN NƯỚC MỸ.

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 15: MỘT NGÀY TRONG TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Một ngày mới ở trại tỵ nạn Songkhla bắt đầu bằng tiếng loa phóng thanh tiếp vận tin tức đài VOA và BBC qua một chiếc radio đặt trên văn phòng Ban Đại Diện. Sau đó Ban Thông Tin Báo Chí đọc thông báo về những sinh hoạt trong trại, lịch trình các phái đoàn đến phỏng vấn để nhận người tỵ nạn, danh sách những thuyền nhân mới đến trong những ngày qua và nhắn tin tìm thân nhân. Tìm thân nhân như tên tuổi người muốn tìm, vượt biên ở VN ngày nào, xuất phát từ đâu, ai có tin tức gì xin báo cho ai. Những lời nhắn này do người trong trại nhắn hay qua thư tín gởi bằng bưu điện cho văn phòng trại tỵ nạn nhờ đọc.

Sau đó khoảng 7 giờ là họp chợ nhỏ do người Thái mang hàng đến bán trước cổng trại gần bót cảnh sát. Hàng bán ở đây là quần áo, đồ gia dụng như mùng mền, giày dép, xà bông, đồ nấu ăn v.v…Thực phẩm gồm thịt cá, rau cải, trái cây, bánh kẹo, bao thơ, giấy viết, tem gởi thư, thuôc hút v.v…Nếu hôm nào có phái đoàn tới phỏng vấn thì danh sách người được phỏng vấn được dán trên bảng thông cáo trước văn phòng và đọc trên loa phóng thanh nhiều lần. Danh sách những ai được “approved” chấp thuận cho đi định cư cũng được niêm yết. Rồi những người đó được chụp hình cầm tấm bảng tên ngày sinh trước ngực để dán vào tấm giấy Visa để trình tại phi trường khi nhập cảnh vào nước đó. Một tờ Visa khổ giấy 8.5x11 inch dùng nguyên cho gia đình có thể gọi là Visa tập thể. Thí dụ như tôi ngày đi định cư Mỹ, khi tới phi trường New York không ai có căn cước gì ráo. Nhân viên di trú chỉ nhìn vào tờ Visa đó với hình của mỗi người rồi cấp cho mỗi người một tờ giấy nhỏ I-94 để nhập cảnh vào Mỹ.

Ở chợ có quán hủ tiếu Nam Vang của ông Tàu lai Miên tên là Tang A Buốn, ông này đến Songkhla khai là vượt biên đi từ Phú Quốc. Vì không thuộc diện được Mỹ chấp thuận cho đi định cư nên ông ta và gia đình đã ở trại từ mấy năm rồi, từ trại cũ chuyển sang. Nhưng ông dường như cũng chẳng màng đi Mỹ, ở trại bán hủ tiếu sinh sống qua ngày là được rồi!

Ban ngày trong trại cũng có lớp học dạy chữ Việt cho các trẻ con và lớp tiếng Anh cho người lớn do Ban Giáo Dục phụ trách. Ai bệnh hoạn đau ốm thì lên Phòng Y Tế có bác sĩ cũng là người vượt biên thăm khám, chẩn bịnh. Nếu đau nặng thì được đưa ra ngoài bệnh viện Songkhla chữa trị. Thời gian tôi ở đó có bác sĩ (tôi quên tên) trước 1975 là Trưởng Ty Y Tế Tỉnh Chương Thiện coi sóc phòng y tế trại.

Khoảng 10 giờ khi xe chở thực phẩm đến đậu trước văn phòng Ban Đại Diện thì Ban Thực Phẩm ra khiêng xuống và thông báo trên loa, kêu các gia đình đến lấy. Chúng tôi mỗi người đều có một tấm giấy căn cước ID do Trưởng Trại cấp, có dán hình Polaroid (hình màu chụp có liền, từ trong máy đưa ra). Giấy này dùng để nhận thư từ, thực phẩm và trình khi đi phỏng vấn. Tấm căn cước ID này thô sơ nhưng dùng cho tới khi có Visa do Tòa Đại Sứ Mỹ cấp.

Đến chiều là có thư đến, mọi người háo hức chờ đợi, loa phóng thanh sẽ gọi tên người nhận lên nhận thư. Chúng tôi chờ đợi thư thân nhân ở ngoại quốc đứng ra bảo trợ hay tìm giúp người bảo trợ, chờ đợi những tấm Money Order gởi cho tiền bạc để xây xài trong lúc ở trại. Thư thân nhân từ VN gởi sang rất ít không biết vì bị “mất” hay thân nhân ngại gởi. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư của bà ngoại các con tôi từ thành Hồ gởi sang. Mỗi lần có thư bà ngoại bày tỏ nỗi lòng thương nhớ các cháu ngoại là em rể tôi “diễn đọc” cho cả láng trại nghe, với giọng bi ai sầu thãm, thỉnh thoảng ngưng lại chùi chùi nước mắt, mặc dù hắn ta diễu nhưng các bà cả láng xạp xung quanh đều khóc!

Trại Songkhla đầu năm 1979 làn sóng người vượt biên vừa đi chui vừa bán chính thức lên cao, dân số lên khoảng 3,000 người là một xã hội VN thu nhỏ với những sinh hoạt vừa tốt vừa không tốt. Khi nhận được tiến thân nhân gởi giúp thế nào cũng có sinh nhật, liên hoan, nhậu nhẹt, nhảy đầm, cờ bạc. Rượu vào lời ra rồi sinh ra đánh lộn, đâm chém, ghen tương khi có ông dẫn nhiều bà cùng vượt biên một lượt. Một lần có bà lên thưa với ông Cao Ủy Tỵ Nạn là “My husband onion me!” (Chồng tôi nó hành tôi).

Chúng tôi đã trải qua đêm Giáng Sinh 1978 đầu tiên được tự do ở trại cũ. Trại cũ nằm sát bờ biển, phía trên là đường lộ nên rất chật hẹp. Dọn được một bãi đất trống, lấy ván gỗ làm một sân khấu nhỏ với hang đá bằng giấy bao xi măng, nhành dương làm cây Noel. Đêm ấy có một linh mục người Mỹ đến làm lễ Giáng Sinh cho đồng bào tỵ nạn trong trại. Đêm Thánh nghèo nàn đơn sơ nhất trên thế giới nhưng trong lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì đã tìm được tự do. Nhìn về đất nước đã trốn thoát nhớ những đêm Giáng Sinh trước 1975 lòng tôi mang nặng một nỗi u hoài!

Chúng tôi lại ăn được một cái Tết tuy thiếu thốn nghèo nàn nhưng cũng vô vàn vui tươi hạnh phúc. Lúc đó đã chuyển qua trại mới khang trang hơn. Sân khấu được thiết lập ngay trước văn phòng ban Đại Diện. Trên sân khấu có bàn thờ  tổ quốc uy nghi với lá cờ vàng 3 sọc đỏ và bản đồ VN hình chữ S, có hoa cúc, hoa vạn thọ, lư hương nghi ngút. Sớ táo quân được em rể tôi là Phùng Khải Tuấn (10 năm nay làm Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Công Hòa Liên Bang Đức) tấu đọc rất khôi hài. Đến giờ giao thừa là lễ Dâng Hương Tế Lễ với ba cụ cao niên tượng trưng 3 miền Bắc Trung Nam giọng đọc hùng hồn dõng dạc đưa tâm tình của đồng bào trong trại hướng về đất nước thân yêu đang đắm chìm trong ngục tù khoắc khoải.

Thời gian trong trại trôi qua rất nhanh, làn sóng người vượt biên đổ xô đến ngày càng đông. Có ngày phải tiếp nhận 2, 3 nhóm người từ các địa phương khác chuyển về. Càng đi đông những thảm cảnh hãi hùng càng nhiều, nhiều ghe bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp, giết người, dù hàng ngàn trang giấy cũng không thể nào kể hết được. Rất tội tình cho dân Việt Nam sinh nhầm thế kỷ man rợ, vượt biên chạy trốn ra đi trong bờ thì bị bắt tù tội, mất cửa mất nhà, tán gia bại sản. Ra khơi sóng gió, bão tố, thuyền chìm, ghe hư máy lênh đênh đói khát! Biển yên sóng lặn thì lại gặp cướp Thái Lan hãm hiếp, cướp bóc. Bốn mươi năm qua rồi nhưng tiếng kêu than vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây!

“Thuyền trôi xa về đâu ai biết

Thuyền có về ghé bến tự do

Trời cao xanh hay trời oan nghiệt

Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ!”

(Lời Kinh Đêm – Việt Dũng)

 

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 14: SINH HOẠT TRONG TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA

Bài TRINH HAO TAM

Hơn 3 tháng sống trong trại tỵ nạn Songkhla để chờ đi định cư nước thứ ba, một số người trong ghe tôi tình nguyện tham gia công tác trong Ban Đại Diện. Nguyễn Văn Thời bạn tôi trước là Trung Sĩ Thông Dịch Viên Sư Đoàn 21 làm thông dịch viên cho trại. Ban thông dịch trại có đến gần chục người với 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, để giúp các phái đoàn phỏng vấn người tỵ nạn. Biên Tập Viên Cảnh Sát Nguyễn Văn Son trong ban an ninh trật tự, hai em trẻ Chu và Tổ trong ban Thực Phẩm. Tôi giữ vai trò Chánh Văn Phòng Ban Đại Diện lo vấn đề sổ sách, tiếp nhận, lập danh sách, lý lịch người tỵ nạn mới đến để chuyển cho Cao Ủy Tỵ Nạn, tiếp các phái đoàn các nước đến phỏng vấn nhận người tỵ nạn.

Lý lịch người tỵ nạn thì căn cứ theo giấy tờ họ mang theo, hỏi họ số quân, đơn vị đóng tại đâu và nhiều câu hỏi liên quan đến ngành nghề của họ. Mình cứ ghi hết vào hồ sơ từng gia đình rồi sưu tra đối chiếu sau. Phái đoàn Mỹ ưu tiên chỉ nhận các nhân viên sở Mỹ, quân nhân, công chức chế độ VNCH và những người đang có thân nhân hiện sống tại Mỹ. Nếu thân nhân sống tại Mỹ thì tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ ở đâu thì phía Mỹ sẽ liên lạc để nhờ thân nhân ấy bảo trợ cho người tỵ nạn. Có vài trường hợp người Thái Lan hay người ở đâu mình không biết cũng giả dạng làm ngưới tỵ nạn để mong được định cư. Họ không nói rành tiếng Việt là mình nghi ngờ, hỏi nơi sinh sống họ trả lời ấm ớ, đưa cho họ xem tiền VNCH nhưng che khuất số mệnh giá, họ không biết là giấy bạc bao nhiêu là mình biết giả dạng thuyền nhân để mong định cư các nước Âu Mỹ. Mình giao họ lại cho cảnh sát Thái Lan muốn đưa đâu thì đưa. Nhiều khi họ đút tiền để cảnh sát Thái đưa vào trại tỵ nạn.

Những người vượt biên Mỹ không ưu tiên nhận thì đưa danh sách cho các nước nhận nhân đạo như Canada, Úc, Pháp, Anh, Hòa Lan v.v…Sau hết nếu không nước nào nhận thì Mỹ sẽ phỏng vấn trở lại để nhận. Diện này thì ở lại hơi lâu 2, 3 năm là trung bình. Nhưng cứ ở trước sau gì Mỹ cũng nhận với điều kiện không phạm kỷ luật trong trại. Có nhiều thanh niên ít học càng ở lâu càng trở nên phá phách côn đồ như tống tiền, cướp phá trong trại. Số này rất ít, là vấn nạn cho Ban Đại Diện cũng như đồng bào trong trại. Muốn cho họ đi định cư thì không nước nào nhận, ở lại thì quậy phá, gây rối an nịnh trật tự. Có một người nổi tiếng côn đồ trong trại, nhiều lần bị cảnh sát Thái giam tù vài năm đến nỗi anh ta nói được tiếng Thái đã hành hung đánh tôi cho rằng vì tôi mà anh ta không được phái đoàn Mỹ chấp thuận cho đi định cư. Sau đó anh ta bị bắt giam, ở tù vài tuần được thả ra anh ta đánh luôn Đại Úy Cảnh Sát Thái là bạn tôi, lúc đó tôi đã đi định cư Mỹ nên không biết về sau anh ta đi đâu?

Về điều hành trại thì trại thuộc cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc dưới quyền điều hành của một nhân viên chức vụ là Cao Ủy. Ông này là chỉ huy lớn nhất của trại, giao thiệp để mượn hay mướn đất xây dựng trại, cung cấp lương thực mỗi ngày cho trại, trả chi phí vận chuyển người lên Bangkok để đi định cư. Nhưng vị Cao Ủy này phải coi nhiều trại nên không có mặt thường xuyên ở trại mà giao việc điều hành trực tiếp hàng ngày cho ông Trại Trưởng là người tỵ nạn do dân trong trại bầu lên trong một buổi đại hội trước văn phòng trại. Thường Trại Trưởng phải cứng cỏi, nghiêm chĩnh, khéo chỉ huy nên thường là một sĩ quan VNCH cấp bực cao. Thời gian tôi ở đó làm việc dưới quyền 2 trại trưởng là Thiếu Tá Phạm Kim Long (?) và sau đó là linh mục Tô Đức Bạch lớn tuổi tiết tháo nho phong như cụ Trần Văn Hương. Vui nhất là mỗi buổi sáng sớm cha Bạch lên phát loa với một bài giáo huấn thường mở đầu bằng câu “Cám ơn Chúa đã cho chúng ta qua một ngày bình yên…”

Những trưởng ban làm việc trong trại dân không bầu mà do Trưởng Trại mời gọi tham gia sau khi thấy những người đó có khã năng làm được việc. Khi mới vào trại tôi thường làm thông dịch cho ông bà mục sư Miller mang nhu yếu phẩm vào trại cho đồng bào. Nhiều khi ông bà lái xe đưa tôi ra ngoài tỉnh Songkhla để mua nhu yếu phẩm, tôi phụ với ông bà đem vô trại. Từ đó anh Phạm Kim Long trại trưởng mời tôi nhận nhiệm vụ làm trưởng văn phòng, phụ công việc điều hành trại.

Một hôm có hai người trong một ghe mới nhập trại trong vài ngày trước lên trình báo với văn phòng vài chuyện về chuyến đi, trong hai người có một anh trẻ hơn tôi vài tuổi dáng xanh xao ốm yếu. Anh ta giới thiệu mình là Nguyễn Tất Nhiên tác giả nhiều bài thơ mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc rất phổ biến trước 1975. Từ đó buổi tối chúng tôi hay ngồi ở quán cà phê của bà xã anh trong trại mà nghêu ngao đàn hát những bản như “Em Hiền Như Ma Sơ”, “Hai Năm Tình Lân Đận”, có một bài mới sáng tác sau 1975 là “Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự” lời và nhạc do anh đặt luôn. Nguyễn Tất Nhiên thích thơ Nguyên Sa ca tụng Paris nên khi phái đoàn Pháp đến anh xin đi định cư nước Pháp. Khoảng 1980, 81 gì đó tôi xuống Bolsa chơi gặp anh chàng ở một quán cà phê. Sau phút giây ngạc nhiên, mừng rỡ tôi hỏi chắc là qua Cali chơi? Nguyễn Tất Nhiên cho biết là qua ở luôn cho vui vì Paris lạnh và buồn vì ít người Việt Nam. Hôm đó mặc dù mới sang Mỹ anh lái xe chưa rành nhưng cũng ráng lái chiếc Datsun B210 lên căn apartment tôi mướn ở Pomona thăm gia đình tôi. Đó là kỷ niệm với Nguyễn Tất Nhiên, con người tài hoa, đa sầu đa cảm đa tình nhưng khó khăn khi hội nhập với cuộc sống mới xa lạ xứ người. Chàng ta đã yên nghĩ trong Peak Family hai mươi mấy năm rồi!

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 13: NHẬP TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA

Bài TRINH HAO TAM

Một giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 1978 sau 3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển đầy sóng gió, ghe tôi 44 người đâm vào tỉnh Songkhla Thái Lan mà cứ tưởng mình đi vào Mã Lai vì gió thổi bạt hướng. Nơi tấp vào là căn cứ hải quân Hoàng Gia tỉnh Songkhla, chúng tôi được binh sĩ và gia đình họ tiếp đãi cơm nước rất nồng hậu, Đến 10 giờ thì cảnh sát Thái đem xe vận tải chở về trại tỵ nạn của người Việt cũng nằm sát bờ biển phía trước bót cảnh sát gần một cái đầm nước mặn của thành phố Songkhla.

Thủ tục nhập trại đầu tiên là khai tên tuổi lý lịch, xuất phát từ đâu ở VN và đi bằng ghe gì, số mấy. Số này dùng để gọi tên của nhóm người đi trong ghe đó, ghe tôi số MH3637. Lấy lý lịch này là do Ban Đại Diện trại tỵ nạn thực hiện phỏng vấn, sau đó photo copy ra nhiều bản để chuyển cho Cao Ủy Tỵ Nạn thuộc Liên Hiệp Quốc và tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok để họ cứu xét cho đi định cư. Bất cứ người tỵ nạn nào cũng phải được nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn phỏng vấn cũng như phái đoàn Mỹ sau đó. Điều kiện ưu tiên định cư Mỹ phải là nhân viên sở Mỹ trước 1975, sĩ quan hay binh lính hay công chức chế độ VNCH, sau đó là những người có thân nhân đang ở Mỹ thường là di tản trong biến cố 30-4-1975. Luật di trú Mỹ bắt buộc mỗi người định cư khi sang Mỹ phải có một tổ chức từ thiện và một cá nhân bảo trợ để giúp đỡ hội nhập những ngày mới cho đỡ bở ngỡ.

Tôi tới bờ chỉ còn một quần ngắn và một cái áo jacket đi mưa, tất cả giấy tờ để trong buồng lái ghe đều bị gió thổi bay mất. Thế là cứ khai đúng sự thật và chờ đợi. Khoảng mỗi tuần nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn đến trại một lần, nhân viên tòa đại sứ Mỹ 2 tuần một lần. Mỗi ngày có ông bà mục sư Miller đến mang theo đồ tiếp tế như thuốc men, quần áo, sữa bột, đồ hộp.

Trại tỵ nạn Songkhla lúc chúng tôi tới là trại cũ chiếm bờ biển ngay phía trước bót cảnh sát. Có lẽ là chính quyền Thái Lan cũng không tiên liệu được làn sóng người vượt biên lại ồ ạt như vậy nên không tổ chức một khu trại đàng hoàng. Ghe người vượt biên tới cảnh sát lúc đầu bắt nhốt vào nhà tạm giam, sau đó vì hết chỗ giam nên cho ở khu bờ biển có hàng rào kẽm gai rào lại. Lều sạp ở đây hổn độn mạnh ai nấy cất. Đi vệ sinh thì một dãy nhà cầu dựng trên biển bằng những cột bê tông, muốn ra phải đi trên một cây cầu gỗ rất dài. Khi tôi tới đây trong trại có hơn 1,000 người. Mỗi ngày Cao Ủy Liên Hiệp Quốc mướn nhà thầu tới phát gạo, bắp cải, trứng, cá và thịt heo, lâu lâu có đường, muối, dầu ăn. Bịnh hoạn có phòng y tế do một vài bác sĩ cũng là người vượt biên tình nguyện. Trật tự có ban an ninh trật tự do những anh quân nhân, cảnh sát tình nguyện để canh giữ mỗi sáng khi phân phối thực phẩm hay khi phát thơ. Thư từ bưu điện đưa đến giao cho Ban Thư Tín, tình nguyện viên trong Ban Thư Tín tới giờ phát kêu tên trên loa cùng với số ghe để biết mà đến nhận. Thư tín ở đây rất quan trọng vì đó là nguồn liên lạc với bên ngoài, thông báo cho thân nhân biết mình đã đến an toàn, tin tức quê nhà vì lúc đó VN cô lập với thế giới bên ngoài. Thư từ bưu điện phải mất một tháng từ VN mới tới Mỹ. Mỗi tuần chỉ có một chuyến máy bay Air France ghé Tân Sơn Nhất vào chiều thứ Năm để ngừng lại Bangkok trước khi bay đi Paris. Cuối tháng 3-1979 cũng trên chuyến bay từ Sài Gòn này chúng tôi bay qua Paris rồi New York để đến Mỹ định cư!

Buổi trưa đầu tiên lên trại Songkhla chúng tôi không có nơi nào để tá túc phải ở trong gian nhà tôn không vách dùng làm lớp học. Chúng tôi nằm trên những băng gỗ dài nhỏ hẹp đong đưa vì đinh đã long nhưng trong lòng rât vui vì mình còn sống và được đi đứng trên đất liền. Mặc dù mỗi bước đi lạng quạng ngả nghiêng vì say đất. Thấy người ta bán thức ăn, đồ uống, bánh trái thèm quá nên moi trong áo mưa ra 100 đô la đổi ra tiền Thái, nhớ lúc đó 1 đô ăn 35 Bath Thái. Ra quán hủ tiếu của ông Tang A Buốn làm mỗi người một tô hũ tiếu Nam Vang và uống cô ca thật là no bụng mát lòng! Không hạnh phúc nào bằng, sung sướng nhất là thoát được chế độ áo vàng, không còn lo sợ khi mỗi đêm có tiếng gõ cửa, không còn thấy màu cờ đỏ treo trên những dinh thự Sài Gòn thân yêu trước đây.

Sau một đêm nằm trong lớp học cả bọn nhât là đám con nít vài ba tuổi bị mưa mái tôn dột ướt loi ngoi. Sáng hôm sau có người đi ngang hỏi muốn mua cái sạp hay không? Họ sắp đi định cư bán lại với giá 350 đô la. Sau khi bàn tính trong gia đình em và cháu kêu bằng cậu đến 12 người vừa lớn vừa nhỏ, chúng tôi đồng ý mua cũng lấy tiền từ trong manh áo..cơ hàn! Hôm nay Ban Đại Diện mở kho ra cho chúng tôi lựa được mỗi người 2 bộ quần áo để có mà thay đổi. Đã được tắm nước sạch bằng một cái vòi nước phông tên. Một cái vòi nước này cung cấp cho 1,000 người trong trại tỵ nạn. Những vết thương trốc móng, bị rắn cắn, ô rô xước, cây đâm được xức thuốc đỏ, dán băng keo nên thấy cũng đỡ.

Tổng kết lại chi phí của chuyến vượt biên, ngồi trong trại tỵ nạn tôi ghi lại phần ông Lê Xâu gồm 18 người (8 người lớn, 10 con nít) ông chi 62,796$ (đồng tiền mới, mỗi đồng bằng 500$ VNCH). Phần cánh tôi 26 người (16 người lớn, 10 con nít) tôi chi 89,318$. Tổng cộng chi phí là 152,113$ (tức khoảng 76 triệu tiền VNCH). Giá vàng ở Sài Gòn trước ngày vượt biên khoảng 1,500$ một lượng tức chi phí chuyến vượt biên khoảng 100 lượng vàng.

Giáng Sinh 1978 chúng tôi ở trại cũ và qua tháng Giêng thì dọn sang trại mới. Trại mới do Cao Ủy Tỵ Nạn xây nhưng kinh phí chắc là do Mỹ đài thọ hết. Trại Songkhla mới nằm miền ngoại ô vắng vẻ nhà cửa phía Nam tỉnh lỵ Songkhla. Trong một bãi đất rộng sát bờ biển cát vàng với những hàng dương 6 dãy nhà tôn dài rộng được dựng lên và bên trong đóng sạp gỗ dùng làm chỗ ngủ. Còn lại phần phía trước dùng làm bếp nấu nướng. Tất cả dựng trên cát không lót hay tráng xi măng gì hết. Phía sau là những dãy nhà cầu lợp tôn và phân rơi xuống trong hầm tự hoại (septic tank) như đa số nhà cầu ở VN. Một số giếng nước được đào trong khu trại nhưng sau đó vài tháng không biết các hầm nhà cầu xây thế nào mà nước dơ từ hầm cầu ngấm vào giếng, khiến giếng nước có màu đen ngòm và hôi thúi không dùng được. May có một số vòi phông tên dẫn từ nước thành phố nên chúng tôi dùng tạm để nấu ăn. Có hôm giếng bớt hôi thì tắm hoặc được ra tắm biển rồi xả lại bằng nước phông tên. Trước đây thì trại rào lại và không cho ra biển tắm, sau khi giếng ô nhiễm thì cho ra tắm và dạo biển. Tuy nhiên vẫn là trái cấm, rời trại phải có giấy phép của cảnh sát đóng phía ngoài trước cổng trại. Ngoài sân này mỗi sáng có chợ họp do người Thái mang hàng đến bán như quần áo, dày dép, xà bông, dầu gội đầu…và thực phẩm như thịt cá, trái cây rau cải để thêm vào phần thực phẩm Cao Ủy phân phát hàng ngày thường là không đủ ăn.

Vấn đề nhà cửa nơi trại mới dư cung ứng cho số 1,000 người từ trại cũ chuyển sang. Mỗi gia đình tùy theo số người mà chiếm một diện tích vừa đủ để ngủ. Lúc đó tôi giữ vai trò Chánh Văn Phòng Ban Đại Diện nên được phân phối ở dãy đầu tiên gần văn phòng. Nhiệm vụ tôi là đi đón, tiếp nhận từ cảnh sát giao, phỏng vấn, lập danh sách người vượt biên mới tới. Tiếp các phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn, phái đoàn các nước đến phỏng vấn người tỵ nạn để cho định cư. Nhận văn thơ, điện thoại thông báo ngày người tỵ nạn lên đường…Rất bận rộn nhưng cũng rất vui vì có dịp phục vụ đồng hương cùng hoàn cảnh ra đi.

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 12: TỚI BẾN VINH QUANG!

Bài TRINH HAO TAM

Mười hai giờ khuya đêm thứ ba trên biển tức rạng ngày 8-12-1978 trong lúc Thời đang lái thì nó kêu vực tôi dậy: “Thức dậy coi Tâm ơi, đèn nhiều quá?”. Tôi lồm cồm ngội dậy nhìn trước mũi ghe thấy nhiều ánh đèn chi chít ở rất xa. Đèn không tập trung ở một chỗ mà rải rác nhiều nơi ở chân trời vì rât xa nên thấy nhấp nháy. Tôi nói; “Một thành phố nào đó của Mã Lai chắc là Kota Baru. Mầy cứ tiến vô đó nhưng nhớ chạy chầm chậm dò đường sợ gặp đá ngầm gần bờ biển!” Hướng chúng tôi đi canh theo la bàn là vùng biển phía Bắc Mã Lai để tránh hải tặc Thái Lan.

Nửa giờ sau đó dãy ánh đèn gần hơn, tôi có thể nhìn thấy ngọn đèn đỏ trên tháp cao nhất đó là đèn hướng dẫn không lưu của phi trường. Dưới ánh sáng lờ mờ của màn đêm tôi nhận ra một cái hòn nằm ở phía trước thành phố. Đối chiếu với bản đồ thì bờ biển Kota Baru không có cái hòn như vậy. Vậy đây là đâu, thành phố nào? Lúc đó tôi đã thông báo xuống dưới hầm là sắp tới bờ, nhiều người bò lên boong tàu để nhìn. Tôi nhờ ông Lê Xâu cầm cái đèn pha rọi về phía trước để xem trên đường tiến vào bờ có đá hay không? Đèn này cũng như đèn để ở cabin rọi la bàn còn cháy được nhờ một bình ắc quy riêng để trong cabin.

Hai mươi phút sau đó ghe chúng tôi đi ngang qua cái hòn nằm bên phía trái ghe. Đèn thành phố càng gần hơn nữa, tôi nhìn thấy những dãy nhà lầu mà trên những khung cửa sổ còn đốt đèn sáng. Tôi nói Thời bớt ga đi nhưng sóng đưa vô quá mạnh khiến ghe chạy ào ào vô bờ. Rồi một tiếng “xạt” ghe đụng đáy cát, mọi người trên boong chúi nhủi về phía trước. Ông Lê Xâu té quăng đèn pha xuống biển! Thằng Sáu Mập dưới hầm lú đầu lên hỏi “Chìm hả? Ghe chìm hả!”. Tôi quát “Chìm gì, tới rồi!”.

Bãi cát với những làn sóng sủi bọt hiện ra trước mắt. Mắc cạn bị sóng đánh ghe lắc qua lắc lại kèm theo các tiếng “Xạt, xạt” đồ đạc trên cabin như la bàn, bình ắc quy ngã lăn tứ tung. Tôi chạy ra boong ghe cầm cái sào tre dài thọc xuống biển thấy cạn sịt. Tôi kêu Thời nhảy xuống. Thời là người đầu tiên nhảy xuống nước. Thời mập nhảy xuống đụng cát mạnh nên trặt chân, la lên một tiếng đau đớn và từ đó đi cà nhắc để lên bãi.

Tôi nhảy xuống kế tiếp, rồi từ đó người này đỡ người kia lần lượt rời ghe lên hết trên bờ. Qúa vui mừng háo hức vì tới giờ phút này mới biết mình còn sống. Tôi kêu mọi người lấy đồ lên hết, đừng để quên một thứ gì. Chúng tôi tập trung một đám quây quần nhau nằm dài trên bãi cát, lúc đó trời lại lất phất mưa, ai có thứ gì thì lấy ra che, nhiều người đành chịu ướt. Sau 3 ngày đêm lội rừng sình lầy, rồi 3 ngày đêm trên biển sóng gió, người chúng tôi ai nấy đều bùn sình dơ dáy nhưng nhờ nước biển khi lội lên đã rữa sạch được phần nào. Mấy hôm nay thiếu nước bây giờ có mưa lại được uống chút nước mưa ngọt ngào.

Tôi và Thời dẫn nhau đi vào trong phía các dãy nhà lầu đang thắp đèn sáng, không một bóng người vì bây giờ 2, 3 giờ sáng. Thấy các bảng ngoài sân toàn là ghi chữ như con lăng quăn tôi cứ nghĩ đây là Mã Lai nhưng khi tới trước dãy nhà thấy treo tấm hình lớn của vua Thái Lan, chúng tôi mới biết là đất Thái Lan. Rồi thấy một tấm bia lớn bằng hai thứ tiếng, trong đó đọc được “Thai Royal Navy – Songkhla Division” mới biết đây là thành phố Songkhla nằm ở cực Nam Thái Lan gần biên giới Mã Lai. Không gặp ai, đi lòng vòng trong căn cứ hải quân nửa đêm với quần áo dơ dáy như hai đặc công sợ bị an ninh canh gác bắn nên chúng tôi dẫn nhau về phía ghe mình đậu.

Khoảng 4 giờ sáng có một thanh niên cao ốm dẫn một đàn bò đi dọc theo bờ biển, khi thấy đám người chúng tôi đang đêm lại ngồi lù lù dưới bờ biển, thanh niên này dắt đàn bò bỏ chạy. Một lúc sau nhiều người đàn bà Thái từ dãy nhà căn cứ hải quân túa ra đi về phía chúng tôi hỏi thăm ríu rít. Rồi họ trở vào mang ra cho đồ ăn thức uống và sữa cho mấy đứa con nít. Các con tôi thấy mấy bọc bánh tay run run xin họ. Sau 3 năm sống dưới chế độ tâm thần đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy lại “đồ Mỹ” bơ thừa sữa cặn của đế quốc “giãy chết”! Thấy lại tình người dù khác dân tộc màu da nhưng họ có lòng nhân đạo thương yêu đồng loại trong khi người cùng một nước với chúng tôi đối xử với nhau còn thua súc vật!

Rồi mấy anh lính hải quân ra, họ khiêng theo một nồi canh dưa cải chua nấu với sườn heo còn nóng hỗi, một nồi cơm nóng còn bốc khói. Có lẽ đây là thức ăn từ “nhà bàn” trong căn cứ hải quân cho buổi điểm tâm của lính sáng nay. Chưa bao giờ chúng tôi được thiết đãi một bữa cơm ngon như vậy. Môt anh lính biết chút tiếng Anh nói với chúng tôi rằng chút nữa cảnh sát tỉnh Songkhla sẽ đem xe ra chở chúng tôi về trại tỵ nạn nằm cách đây khoảng 5 km. Tôi viết một câu vào giấy nhờ anh lính ra bưu điện đánh điện tín qua Pháp cho chú tôi hay là chúng tôi đã “có chuyến du lịch thành công” để chú tôi đánh về VN cho ba má tôi hay vì đi cả tuần nay chắc ở nhà ngày đêm cầu nguyện và mong tin. Tôi lấy trong áo mưa có hai lớp tờ giấy 5 đô la để nhờ anh đánh điện tín giùm. Khoảng 10 giờ cảnh sát đem xe vân tải ra chở chúng tôi về trại tỵ nạn Songkhla cũng nằm cạnh bờ biển. Ở đó trải qua một mùa Giáng Sinh đầu tiên thật vui tuy khó khăn thiếu thốn nhưng được tự do, tương lai rộng mở, quyền con người được tôn trọng.

Từ gian nan nguy khốn, cận kề cái chết chúng tôi may mắn được tiến lần sang sự sống. Từ thất bại lúc ban đầu bước đến thành công vào kết thúc. Thật ra chúng tôi không tài giỏi gì mà tât cả nhờ ơn trên che chở phù hộ. Tưởng nhớ và xót thương cho hàng trăm ngàn người đã bỏ thân xác ngoài biển cả. Tôi cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho những ai đã gây ra thảm cảnh nói trên. Tôi nghĩ rằng họ đã ăn năn hối cải và rất cần được tha thứ để sau này vong linh được siêu thoát, con cái được nhờ. Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 11: GIỮA HAI LẰN RANH SINH TỬ TRÊN BIỂN

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Không hiểu làm sao ghe lại chạy ngược vào bờ? Lẽ ra trước mũi ghe phải là biển rộng mênh mông với chân trời mù xa tít, đằng này trước mũi ghe là rừng U Minh cây dày đặc! Tôi giành tay lái rú ga lên thì ghe lại quay một vòng tròn 360 độ như chong chóng xoay. Tôi sợ hệ thống điều khiển bánh lái hư như đứt hoặc kẹt dây xích cáp, kêu Thời ra phía sau bánh lái xem trong lúc tôi xoay vòng tay lái. Thời nói vẫn hoạt động bình thường, không có vướng hoặc kẹt đồ vật nào hết. Tôi nghĩ là ghe mắc cạn, chân vịt và bánh lái nằm dưới lớp bùn sình dưới đáy biển. Cùng lúc đó lại có hai ghe thả lưới cào chạy tới mà ghe tôi lại không có bảng số, không treo cờ “tổ quốc”. Tôi đem lon nước sơn định vẽ số đăng bộ 3637 nhưng chưa kịp vẽ! Nếu họ nghi ngờ là ghe vượt biên mà tôi lại mắc cạn ở đây thì chỉ có nước chết! Tôi tống ga lên, sình non phía sau lái nổi lên cuồn cuộn và may mắn thay ghe lại vọt đi được! Nghĩa là ghe bị mắc cạn vì sình non.

Tôi xem lại la bàn để trước mặt và đưa ghe tiến về hướng Tây có chữ W 270 độ rồi từ đó băng băng đi ra. Hai ghe cào đi cập theo bờ, nếu có rượt, rượt cũng không kịp. Sau khi bỏ họ khá xa, tôi trở lại vận tốc khoảng nửa ga, không dám chạy nhanh vì sợ máy hư. Nếu là tài công có kinh nghiệm bị mắc cạn như vậy là chuyện bình thường nhưng đối với tôi và Thời trong hoàn cảnh này thật là lên ruột!

Trời bắt đầu mưa lất phất và u ám mây đen. Phía Bắc nằm cạnh bờ rừng là hòn Đá Bạc chỉ thấy tảng đá lớn màu trắng có lẽ do phân chim. Theo dự trù chúng tôi sẽ đi chếch lên theo hướng Tây Bắc để tránh 2 hòn, hòn Chuối và hòn Buông nằm cách bờ 17 hải lý vì sợ có công an biên phòng hay hải quân đóng trên đó. Nhưng khi lái theo hướng này thì sóng đánh ngang dữ dội, mấy lần ướt cả boong tàu, vì để thông gió sợ dưới hầm ngộp nên không có đậy nấp hầm, khiến nước rớt xuống làm những người dưới đó ướt loi ngoi. Sau đó tôi phải nương theo chiều sóng gió mà đi theo hướng Tây Nam. Vì sóng to gió lớn, ghe lại nhỏ chao đảo lung tung nên trên la bàn chúng tôi không giữ được môt phương độ nhất định nào. Sau nhiều lần bị sóng phủ ngang, đại úy Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Hồng Son nghiên cứu thấy rằng nếu đi trong khoảng 2 con số 210 và 240 thì an toàn, ghe xuôi theo sóng gió, không bị sóng đánh ngang.

Đến 10 giờ sáng ghe chúng tôi đi ngang qua Hòn Buông nằm bên trái và cách nó rất gần chừng 2 km, thấy có vài căn nhà tôn có lẽ là đồn lính. Dưới cầu tàu bằng ván thô sơ chỉ vài chiếc ghe nhỏ không đáng ngại. Tuy chúng không ra bắt mình được nhưng họ có đại liên hay trọng pháo có thể bắn ra, trong khi ghe mình rất khã nghi vì không bảng số, không treo cờ, giống như một ghe lưu thông bất hợp pháp!

Lúc đó từ hướng ngược lại có một tàu vỏ sắt treo cờ đỏ sao vàng chạy đến, có lẽ chở hàng hóa gì đó, tôi nghị là chạy nội địa vì tàu nhỏ, lớp sơn cũ kỹ, chắc là từ Sài Gòn đi Rạch Giá thôi chứ không có qua tới Bangkok. Ngang qua chúng tôi cũng không thấy ai ra dòm hay vẫy tay chào!

Qua khỏi hai hòn thì sự che gió Đông Bắc của bán đảo Cà Mau không còn hữu hiệu nữa nên sóng gió càng mãnh liệt hơn. Tôi đoán chừng là cấp 7, cấp 8, trời đen tối và mưa lất phất. Từng đợt sóng màu xanh đen xô tới rượt theo ghe tôi. Tôi phải giữ ga cầm chừng, chạy bằng với vận tốc sóng và phải nương theo hướng sóng mà đi theo. Lệch một chút là sóng đánh ngang phủ trên mặt nấp hầm! Khi nằm dưới đáy của đợt sóng, nhìn ra thì bốn bề ghe tôi là những bức tường nước! Khi con sóng đưa ghe lên là chúng tôi cất cánh như phi cơ, chỉ thấy toàn bầu trời đen! Trước khi đi, ra bãi sau Vũng Tàu cái nhìn những đợt sóng đầu bạc cao không tới một thước, tôi đã lo sợ. Hôm nay sóng cao bằng một tòa nhà 2 tầng 7, 8 mét, có sợ cũng không xong, có tránh cũng không được. Đã leo lên lưng cọp là phải cỡi!

Vài người say sóng bắt đầu ói mữa ngay tại hầm tàu nhưng nhờ có đem theo mấy kí lô bao ny long nên cứ cho vào đó rồi liệng ra ngoài. Vài người chịu sóng được thì nhấm nháp bánh mì khô, thịt chà bông, kẹo, củ sắn, cam chanh. Trên buồng lái cabin, bọn tôi 4 người gồm Thời, Son, Tổ và tôi thay phiên nhau lái. Vợ con chúng tôi cũng nằm la liệt trên sạp của cabin. Con gái út tôi 2 tuổi nắm tóc mẹ nó đòi ăn, đưa nó hộp sữa đặc để cho nó ngậm mà nút. Nửa giờ sau nó đau bụng tiêu chảy lênh láng trên sạp, hóa ra hộp sữa quá hạn từ lâu, bên trong sữa có màu nâu sẩm. Tôi phải ra bên ngoài múc nước biển mà rữa sạp. Nước lại qua khe gỗ lọt xuống hầm, khiến nhiều người nằm dưới đó kêu la oai oái!

Đêm đầu tiên trên biển cả khoảng 12 giờ khuya, thấy rất nhiều đèn phía trước mặt. Chúng tôi chớp tắt đèn theo tín hiệu SOS và một con tàu lớn đèn đuốc sáng trưng pha lại nhưng tôi không hiểu được gì hết! Tôi chạy theo nhưng tàu đó vọt mất bỏ lại chúng tôi phía sau.

Ngày thứ nhì trên biển là ngày 6-12-1978, thời tiết không thay đổi mà còn có vẻ tàn tệ hơn. Trời vẫn mưa lất phất, bầu trời đầy mây đen không một chút ánh nắng, từng đợt sóng cuồn cuộn rượt theo ghe tôi. Tiếng máy vẫn nổ đều đặn và ghe tôi sau hai ngày nhảy sóng vẫn có vẻ vững vàng. Hai lần người lái mệt lã ngủ quên, ghe đi trật hướng, sóng đánh ngang phủ ghe, đánh lên cabin khiến miếng mica chắn gió bay mất cuốn theo chiếc quần dài của tôi để trên bệ, trong đó có cái ví với giấy tờ tùy thân. Cơn sóng phủ ghe cũng khiến máy đang nổ bổng giảm vòng quay RPM, tôi sợ nó tắt luôn nhưng may mắn làm sao một hồi khục khặc nó cũng nổ trở lại. Từ đó một người lái và một người canh chừng!

Vì nước tạt vào nên bộ phận phát điện dưới hầm máy hư hết không hoạt động được. Ngày đầu cái bôm thiết giáp M113 bôm nước lườn ra ngon lành bây giờ đành chịu.Bôm cọ cũng nghẹt vì rác lẫn trong nước dưới lườn chạy vào bôm. Nước vô lườn khoảng 2 tấc phải múc vào cái nồi gang, mang lên boong tàu đổ ra ngoài.

Ngày thứ nhì trôi qua đầy sóng gió, nước đã uống hết gần nửa thùng, bao gạo để phía sau bị nước phủ ngấm nở ra tòe loe. Có nấu cũng không nấu được vì ghe lắc lư nhồi sốc, nhưng cũng không ai ăn gì được mà chỉ nằm mơ màng thiêm thiếp. Khi cận kề cái chết, nằm giữa hai lằn sinh tử con người dường như phó thác cho Thương Đế, không còn biết lo sợ gì cả, tới đâu thì tới!

Sáng ngày thứ ba trên biển 7-12-1978 lại đến, sóng gió giảm dần nhưng đất liền vẫn không thấy. Thằng cháu lên hỏi “Cậu Ba nói thiệt đi, chừng nào tới?” Tôi trả lời “Sắp tới rồi, mình đi đúng hướng, thời tiết đỡ hơn, đừng lo thế nào cũng tới!” Nói là nói cho nó an tâm nhưng trong lòng tôi vẫn lo lắng!

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 10: LỘI SÌNH LẦY RA GHE LỚN

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Sau tiếng hú thứ 3 một lúc sau thì Niên xuất hiện với ánh đèn pin cùng với bà Hai gánh hai thúng đồ ăn thức uống cùng một cô cháu gái tên Lệ Hoa và một thằng bé mà tôi không biết? Bà Hai đem cho chúng tôi một thùng ny long nước 15 lít, một nồi cơm đã hẫm có mùi thiu thiu vì trời nóng và để quá lâu và một xoong thịt heo kho khô. Chúng tôi phân phát nước uống trước, mỗi người một ly nhỏ sau đó ăn cơm với thịt kho. Tuy đói khát nhưng ăn không thấy ngon lắm mà vẫn còn hải hùng lo sợ!

Bà Hai nói đêm nay ông Hai sẽ đem ghe cũ MH3637 ra cửa Ông Đốc, trường hợp nếu ban đêm ít ghe ra cửa, sợ công an có thì giờ xuống khám xét còn không thì đợi đến hừng sáng ngày mai lúc đó ghe đánh cá ra rất đông, chúng nó cho đi dễ dàng hơn. Về tình hình ghe Cá Mập tôi đang đậu ngoài bờ biển, bà Hai cho biết đêm qua sau khi đem được ra ở cửa dưới, rể ông Hai là Vui lính VNCH lái lên hướng Bắc để định đón chúng tôi vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ lội được ra tới biển vào nửa khuya. Nhưng đợi hoài không thấy xuất hiện, cho đến sáng vẫn không thấy, nghi rằng chúng tôi đã bị bắt đâu đó ở xóm người Bắc. Đó là lúc chúng tôi lội trong rừng mà nghe tiếng máy ghe nổ nhưng Niên dẫn đi lòng vòng mà không ra được bờ biển!

Đến sáng trắng trong lúc chạy lên xuống ven bờ quan sát xem chúng tôi ở đâu thì có một ghe lạ dường như nghi ngờ chạy theo. Vui làm bộ lái Cá Mập về làng, lúc đó ghe kia mới bỏ đi. Chờ nó đi xa Vui lái đến và đậu ngoài kia, rồi cùng thằng công an cháu ông Hai bỏ ghe lại cho Hùng 12 tuổi con ông Hai và Thanh 14 tuổi cháu tôi ở trên ghe giữ. Nếu ai có hỏi nói ghe hư máy, người lớn về làng kiếm thợ ra sửa. Vui và công an có giang ghe khác về làng.

Trong lúc chúng tôi ăn cơm, bà Hai lo lắng không biết ông Hai thế nào, đã đem MH3637 ra được chưa hay là phải chờ đến sáng. Đến 11 giờ khuya bổng nghe văng vẳng tiếng máy ghe chạy ngoài biển. Bà Hai quen tiếng nên nói đó là ghe ông Hai. Cá Mập đậu trên hướng Bắc một chút nên khi ghe chạy ngang qua nơi chúng tôi ẩn náu, ông Hai dùng đèn pha nhấp nháy. Mừng quá tôi lấy đèn pin nhấp nháy lại.

Thế là chúng tôi bắt đầu lội sình để ra ghe đậu cách bờ rất xa chừng hơn 1 cây số. Bờ biển sình lầy này do lá cây mục lâu năm tích tụ nên nó rất nhão và độ dốc của bờ biển rất lài. Tôi ước định độ dốc là 1/400 nghĩa là ra 400 mét mới sâu được 1 mét. Để ghe khỏi bị mắc cạn phải đậu rất xa bờ, đối với Cá Mập có chiều sâu 2.1 mét thì ghe phải đậu nơi sâu chừng 3 mét.

Ghe ông Hai đã cập vào ghe Cá Mập và nhấp nháy đèn để chúng tôi thấy mà lội ra. Con nít người lớn nào đẫn đứa nào đã được phân công cẩn thận. Tôi vừa lội xuống là sình ngập đến háng thì làm sao mà đi được! Rút chân này lên thì chân kia cũng lại lún sâu đến háng! Rút chân lên đã khó khăn lại còn túi đồ trên lưng và ai cũng có con nít! Chúng tôi mới nghĩ ra cách là không thọc chân xuống sình nữa mà nằm dài trên mặt sình rồi dùng hai tay mà trườn đi như rắn. Nhờ vậy mà chúng tôi di chuyển được khá hơn, nhìn theo ánh đèn trên hai ghe mà đi tới mặc dù rất chậm chạp còn chậm hơn rùa bò! Trong đêm tối ánh trăng non bị mây mưa che khuất, ngoài tiếng gió biển và tiếng sóng rì rào ngoài xa còn lại là tiếng người gọi nhau ơi ới. Con nít có lẽ vì quá kinh hãi mà im thinh thít chỉ còn tiếng người lớn gọi nhau mà thôi. Lệ Hoa là một cô gái nông thôn mạnh khỏe, sau khi đưa thằng con giữa 4 tuổi của tôi ra ghe thì trở vào giúp mấy người đàn bà tiếp tục bơi trên sình lầy.

Bơi cạn trên mặt sình non gần một tiếng đồng hồ, tôi và con trai lớn 6 tuổi và hai đứa cháu đã ra được tới mực nước. Đến đây sình bớt lún và nhờ nước biển nâng người lên nên lội cũng mau hơn trước đó nhưng gặp nước thì lạnh và gió cũng thổi mạnh hơn bên trong gần rừng. Thật ra bãi sình là trở ngại thiên nhiên khiến cho chúng tôi khó khăn vất vả nhưng nhờ đó mà vấn đề an ninh được đảm bảo hơn, Ai dám bén mảng đến vùng đất này chi cho mệt xác! Cho dù công an trong làng biết bọn tôi ở đây cũng ngại ra bắt vì địa thế quá hiểm ác, bãi biển thì lầy lội, rừng tràm thì rậm rạp.

Tôi ngồi ở mực nước biển lúc đánh vào lúc rút ra để chờ vợ, đứa con gái nhỏ 2 tuổi và mấy người khác nữa. Bà Hai lội chung với vợ tôi để phụ giúp, đưa cho vợ tôi một cái thau nhựa và đặt con gái tôi vào bên trong rồi đẩy đi trượt trên mặt sình. Đến mực nước thì hai người bám vào thau mà lội ra ghe. Tôi thấy ghe đậu quá xa cách mực nước nơi tôi ngồi hơn 100 thước, lúc đầu tôi sợ sâu làm sao bơi nỗi nhưng mấy người đi trước nói là cạn lắm, ra đi. Thằng Niên từ ngoài ghe lội vào mang theo một thùng ny lông 20 lít rỗng bên trong làm trái nổi. Nó đưa thùng đó cho tôi và ẩm con trai tôi ra ghe. Ôm thùng lội một lúc thì gặp vợ tôi và bà Hai, cái thau nhựa không đủ sức nên vợ tôi phải bám vào thùng ny lông với tôi. Lúc đó có vợ chồng ông Lý Trụ tháp tùng cũng bám vào thùng ny lông và để thằng con trai cho tôi cõng trên lưng.

Hai mươi phút sau thì nước sâu hụt chân nhưng nhờ ôm thùng nên chúng tôi vẫn nổi và đúng lúc đó thì đã ra tới ghe. Chúng tôi được người đi trước kéo lên, tôi lạnh quá run cầm cập vì trên người chỉ có cái quần đùi và một cái áo mưa ngắn bằng nhựa ny lông màu lính. Bà nội cùng với Chu, Tổ và các cô tụi nó còn kẹt bên trong kêu ới ới. Tôi la vọng vào nói sẽ chờ, không bỏ lại bất cứ ai. Ông Hai nói rằng đã cho ông tài công hay và dặn 12 giờ phải ra đây, bây giờ đã 3 giờ sáng (ngày 5-12-1978) vẫn chưa thấy giã chèo xuồng ra. Ông Hai còn nói thêm rằng :”Ở trong làng họ đã biết, nếu tụi bây không đi trước hừng đông thì sáng ra thế nào cũng bị bắt!” Tôi nghĩ  đó là lời dọa để chúng tôi đi cho rồi!

Mặt biển hoàn toàn vắng vẻ không một bóng ghe và sóng vỗ mạnh khiến ghe đậu một chỗ bị nhồi lắc, nhô lên hụp xuống liên hồi, đi tới lui phải vịn không thôi lảo đảo muốn té. Kiểm điểm lại dầu Diesel chạy máy thấy được 2 phuy 400 lít và 4 can nhựa chứa tât cả 80 lít. Như vậy tổng cộng có 480 lít, số dầu này quá ít so với dự trù trước đây là 800 lít. Nếu máy tiêu thụ 6 lít một giờ thì chúng tôi chỉ chạy được 80 tiếng đồng hồ tức 3.3 ngày đêm. Đoạn hải trình từ đây đến các đảo có trại tỵ nạn Mã Lai khoảng 500 km nếu tốc độ đạt được 7km một giờ thì phải mất 72 tiếng đồng hồ. Nếu ngược sóng đi chậm hơn sẽ không đủ dầu đến Mã Lai như dư trù. Nói thêm là chúng tôi không dám vào Cambodia vì sợ Khmer Đỏ “anh em” với đảng ta cáp duồn, không dám vào Thái Lan vì sợ hải tặc, đến một vùng đất tự do gần VN nhất là chỉ có Mã Lai.

Về nước uống chúng tôi chỉ có một phuy 200 lít đặt nằm ngang ở phía sau lái. Dầu và nước tuy thiếu nhưng đã có trên ghe, Những người cuối cùng lội bãi sình tôi nhờ Niên và Vui lội xuống vào trong dìu họ lên ghe. 44 người chúng tôi đủ mặt hết chỉ thiếu ông tài công đã trả 10 lượng vàng (hoặc là ông Hai lấy?) mà không ra! Nhiều người đã xuống hầm tàu nằm la liệt trong cơn mệt mõi. Cả gia đình ông Hai hổ trợ cho cuộc vượt biên chúng tôi đã có mặt đầy đủ chỉ thiếu anh Tư Phúc, còn thằng Lâm lúc nãy bị con cá ngát đâm nên nhức nhối nằm dưới ghe ông Hai. Tiền Cộng Hòa Miền Nam VN đem theo tới đây còn bao nhiêu chúng tôi gom hết trao cho gia đình ông Hai.

Năm giờ 30 Thời bạn tôi đề máy ghe Yanmar cho nổ nhưng rồi nó lại tắt. Tôi hết hồn lo lắng nhưng sau đó đề lại nổ được và nổ êm luôn. Tôi rú ga thì thấy nó vẫn lên đều. Gia đình ông Hai đã xuống ghe MH3637 để trở về làng và một tốp phải đi bộ lội rừng về vì khi ghe vào cửa sợ công an khám xét thình lính thấy đông người thì tai hại lắm!

Thời lái ghe chúng tôi tiến ra hướng chính Tây, nhắm đường chân trời trống mà tiến ra. Tôi lo kiểm soát la bàn hành lý, thứ này thứ nọ. Độ nửa giờ sau khi nhìn lại phía trước mũi ghe thì thấy ghe tiến vô bờ trở lại! Rừng cây U Minh phía trước mặt! Tôi hoảng hồn không biết chuyện gì đã xảy ra? Sao lại đi trở vô?