HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 10: LỘI SÌNH LẦY RA GHE LỚN
Bài và hình: TRINH HAO TAM
Sau tiếng hú thứ 3 một lúc sau thì Niên xuất hiện với
ánh đèn pin cùng với bà Hai gánh hai thúng đồ ăn thức uống cùng một cô cháu gái
tên Lệ Hoa và một thằng bé mà tôi không biết? Bà Hai đem cho chúng tôi một
thùng ny long nước 15 lít, một nồi cơm đã hẫm có mùi thiu thiu vì trời nóng và
để quá lâu và một xoong thịt heo kho khô. Chúng tôi phân phát nước uống trước,
mỗi người một ly nhỏ sau đó ăn cơm với thịt kho. Tuy đói khát nhưng ăn không thấy
ngon lắm mà vẫn còn hải hùng lo sợ!
Bà Hai nói đêm nay ông Hai sẽ đem ghe cũ MH3637 ra cửa
Ông Đốc, trường hợp nếu ban đêm ít ghe ra cửa, sợ công an có thì giờ xuống khám
xét còn không thì đợi đến hừng sáng ngày mai lúc đó ghe đánh cá ra rất đông,
chúng nó cho đi dễ dàng hơn. Về tình hình ghe Cá Mập tôi đang đậu ngoài bờ biển,
bà Hai cho biết đêm qua sau khi đem được ra ở cửa dưới, rể ông Hai là Vui lính
VNCH lái lên hướng Bắc để định đón chúng tôi vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ lội được
ra tới biển vào nửa khuya. Nhưng đợi hoài không thấy xuất hiện, cho đến sáng vẫn
không thấy, nghi rằng chúng tôi đã bị bắt đâu đó ở xóm người Bắc. Đó là lúc
chúng tôi lội trong rừng mà nghe tiếng máy ghe nổ nhưng Niên dẫn đi lòng vòng
mà không ra được bờ biển!
Đến sáng trắng trong lúc chạy lên xuống ven bờ quan
sát xem chúng tôi ở đâu thì có một ghe lạ dường như nghi ngờ chạy theo. Vui làm
bộ lái Cá Mập về làng, lúc đó ghe kia mới bỏ đi. Chờ nó đi xa Vui lái đến và đậu
ngoài kia, rồi cùng thằng công an cháu ông Hai bỏ ghe lại cho Hùng 12 tuổi con
ông Hai và Thanh 14 tuổi cháu tôi ở trên ghe giữ. Nếu ai có hỏi nói ghe hư máy,
người lớn về làng kiếm thợ ra sửa. Vui và công an có giang ghe khác về làng.
Trong lúc chúng tôi ăn cơm, bà Hai lo lắng không biết
ông Hai thế nào, đã đem MH3637 ra được chưa hay là phải chờ đến sáng. Đến 11 giờ
khuya bổng nghe văng vẳng tiếng máy ghe chạy ngoài biển. Bà Hai quen tiếng nên
nói đó là ghe ông Hai. Cá Mập đậu trên hướng Bắc một chút nên khi ghe chạy
ngang qua nơi chúng tôi ẩn náu, ông Hai dùng đèn pha nhấp nháy. Mừng quá tôi lấy
đèn pin nhấp nháy lại.
Thế là chúng tôi bắt đầu lội sình để ra ghe đậu cách
bờ rất xa chừng hơn 1 cây số. Bờ biển sình lầy này do lá cây mục lâu năm tích tụ
nên nó rất nhão và độ dốc của bờ biển rất lài. Tôi ước định độ dốc là 1/400
nghĩa là ra 400 mét mới sâu được 1 mét. Để ghe khỏi bị mắc cạn phải đậu rất xa
bờ, đối với Cá Mập có chiều sâu 2.1 mét thì ghe phải đậu nơi sâu chừng 3 mét.
Ghe ông Hai đã cập vào ghe Cá Mập và nhấp nháy đèn để
chúng tôi thấy mà lội ra. Con nít người lớn nào đẫn đứa nào đã được phân công cẩn
thận. Tôi vừa lội xuống là sình ngập đến háng thì làm sao mà đi được! Rút chân
này lên thì chân kia cũng lại lún sâu đến háng! Rút chân lên đã khó khăn lại
còn túi đồ trên lưng và ai cũng có con nít! Chúng tôi mới nghĩ ra cách là không
thọc chân xuống sình nữa mà nằm dài trên mặt sình rồi dùng hai tay mà trườn đi
như rắn. Nhờ vậy mà chúng tôi di chuyển được khá hơn, nhìn theo ánh đèn trên
hai ghe mà đi tới mặc dù rất chậm chạp còn chậm hơn rùa bò! Trong đêm tối ánh
trăng non bị mây mưa che khuất, ngoài tiếng gió biển và tiếng sóng rì rào ngoài
xa còn lại là tiếng người gọi nhau ơi ới. Con nít có lẽ vì quá kinh hãi mà im
thinh thít chỉ còn tiếng người lớn gọi nhau mà thôi. Lệ Hoa là một cô gái nông
thôn mạnh khỏe, sau khi đưa thằng con giữa 4 tuổi của tôi ra ghe thì trở vào
giúp mấy người đàn bà tiếp tục bơi trên sình lầy.
Bơi cạn trên mặt sình non gần một tiếng đồng hồ, tôi
và con trai lớn 6 tuổi và hai đứa cháu đã ra được tới mực nước. Đến đây sình bớt
lún và nhờ nước biển nâng người lên nên lội cũng mau hơn trước đó nhưng gặp nước
thì lạnh và gió cũng thổi mạnh hơn bên trong gần rừng. Thật ra bãi sình là trở
ngại thiên nhiên khiến cho chúng tôi khó khăn vất vả nhưng nhờ đó mà vấn đề an
ninh được đảm bảo hơn, Ai dám bén mảng đến vùng đất này chi cho mệt xác! Cho dù
công an trong làng biết bọn tôi ở đây cũng ngại ra bắt vì địa thế quá hiểm ác,
bãi biển thì lầy lội, rừng tràm thì rậm rạp.
Tôi ngồi ở mực nước biển lúc đánh vào lúc rút ra để
chờ vợ, đứa con gái nhỏ 2 tuổi và mấy người khác nữa. Bà Hai lội chung với vợ
tôi để phụ giúp, đưa cho vợ tôi một cái thau nhựa và đặt con gái tôi vào bên
trong rồi đẩy đi trượt trên mặt sình. Đến mực nước thì hai người bám vào thau
mà lội ra ghe. Tôi thấy ghe đậu quá xa cách mực nước nơi tôi ngồi hơn 100 thước,
lúc đầu tôi sợ sâu làm sao bơi nỗi nhưng mấy người đi trước nói là cạn lắm, ra
đi. Thằng Niên từ ngoài ghe lội vào mang theo một thùng ny lông 20 lít rỗng bên
trong làm trái nổi. Nó đưa thùng đó cho tôi và ẩm con trai tôi ra ghe. Ôm thùng
lội một lúc thì gặp vợ tôi và bà Hai, cái thau nhựa không đủ sức nên vợ tôi phải
bám vào thùng ny lông với tôi. Lúc đó có vợ chồng ông Lý Trụ tháp tùng cũng bám
vào thùng ny lông và để thằng con trai cho tôi cõng trên lưng.
Hai mươi phút sau thì nước sâu hụt chân nhưng nhờ ôm
thùng nên chúng tôi vẫn nổi và đúng lúc đó thì đã ra tới ghe. Chúng tôi được
người đi trước kéo lên, tôi lạnh quá run cầm cập vì trên người chỉ có cái quần
đùi và một cái áo mưa ngắn bằng nhựa ny lông màu lính. Bà nội cùng với Chu, Tổ
và các cô tụi nó còn kẹt bên trong kêu ới ới. Tôi la vọng vào nói sẽ chờ, không
bỏ lại bất cứ ai. Ông Hai nói rằng đã cho ông tài công hay và dặn 12 giờ phải
ra đây, bây giờ đã 3 giờ sáng (ngày 5-12-1978) vẫn chưa thấy giã chèo xuồng ra.
Ông Hai còn nói thêm rằng :”Ở trong làng họ đã biết, nếu tụi bây không đi trước
hừng đông thì sáng ra thế nào cũng bị bắt!” Tôi nghĩ đó là lời dọa để chúng tôi đi cho rồi!
Mặt biển hoàn toàn vắng vẻ không một bóng ghe và
sóng vỗ mạnh khiến ghe đậu một chỗ bị nhồi lắc, nhô lên hụp xuống liên hồi, đi
tới lui phải vịn không thôi lảo đảo muốn té. Kiểm điểm lại dầu Diesel chạy máy
thấy được 2 phuy 400 lít và 4 can nhựa chứa tât cả 80 lít. Như vậy tổng cộng có
480 lít, số dầu này quá ít so với dự trù trước đây là 800 lít. Nếu máy tiêu thụ
6 lít một giờ thì chúng tôi chỉ chạy được 80 tiếng đồng hồ tức 3.3 ngày đêm. Đoạn
hải trình từ đây đến các đảo có trại tỵ nạn Mã Lai khoảng 500 km nếu tốc độ đạt
được 7km một giờ thì phải mất 72 tiếng đồng hồ. Nếu ngược sóng đi chậm hơn sẽ
không đủ dầu đến Mã Lai như dư trù. Nói thêm là chúng tôi không dám vào
Cambodia vì sợ Khmer Đỏ “anh em” với đảng ta cáp duồn, không dám vào Thái Lan
vì sợ hải tặc, đến một vùng đất tự do gần VN nhất là chỉ có Mã Lai.
Về nước uống chúng tôi chỉ có một phuy 200 lít đặt nằm
ngang ở phía sau lái. Dầu và nước tuy thiếu nhưng đã có trên ghe, Những người
cuối cùng lội bãi sình tôi nhờ Niên và Vui lội xuống vào trong dìu họ lên ghe.
44 người chúng tôi đủ mặt hết chỉ thiếu ông tài công đã trả 10 lượng vàng (hoặc
là ông Hai lấy?) mà không ra! Nhiều người đã xuống hầm tàu nằm la liệt trong
cơn mệt mõi. Cả gia đình ông Hai hổ trợ cho cuộc vượt biên chúng tôi đã có mặt
đầy đủ chỉ thiếu anh Tư Phúc, còn thằng Lâm lúc nãy bị con cá ngát đâm nên nhức
nhối nằm dưới ghe ông Hai. Tiền Cộng Hòa Miền Nam VN đem theo tới đây còn bao
nhiêu chúng tôi gom hết trao cho gia đình ông Hai.
Năm giờ 30 Thời bạn tôi đề máy ghe Yanmar cho nổ
nhưng rồi nó lại tắt. Tôi hết hồn lo lắng nhưng sau đó đề lại nổ được và nổ êm
luôn. Tôi rú ga thì thấy nó vẫn lên đều. Gia đình ông Hai đã xuống ghe MH3637 để
trở về làng và một tốp phải đi bộ lội rừng về vì khi ghe vào cửa sợ công an
khám xét thình lính thấy đông người thì tai hại lắm!
Thời lái ghe chúng tôi tiến ra hướng chính Tây, nhắm
đường chân trời trống mà tiến ra. Tôi lo kiểm soát la bàn hành lý, thứ này thứ
nọ. Độ nửa giờ sau khi nhìn lại phía trước mũi ghe thì thấy ghe tiến vô bờ trở
lại! Rừng cây U Minh phía trước mặt! Tôi hoảng hồn không biết chuyện gì đã xảy
ra? Sao lại đi trở vô?
No comments:
Post a Comment