Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 9: ĐÓI KHÁT TUYỆT VỌNG TRONG RỪNG U MINH

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Niên trở lại cho biết sao lạ quá không thấy ai hết? Tôi hỏi lúc nãy nhìn có thấy rõ không? Niên xác nhận thấy một người đàn ông trong chòi cây, chắc sợ khi thấy đông người đó bỏ trốn? Chuyện này đến giờ thoát đi được tôi cũng không biết thực hư như thế nào? Cũng như chuyện Niên dẫn đi quanh co trong rừng suốt đêm với ý đồ để chúng tôi kiệt sức đi không nỗi mà bỏ vàng, đô la lại hay là vì Niên không biết hướng ra biển? Trên đời có những điều mình không sao biết được?

Đi thêm nửa giờ nữa chúng tôi đến một vùng ngập nước nhưng có cây to và vài cây khô mục ngã nằm trên mặt nước nên có thể mắc võng hoặc nằm trên thân cây ngã để nghỉ ngơi, ít ra được khô ráo, người không nằm dưới nước. Việc đầu tiên là nhờ Niên đi ngược lại xem bà Nội và Chu, Tổ thế nào? Vì đã bỏ 3 người quá xa từ lúc lội qua cánh đồng năng. Ở cánh đồng năng (một loại cỏ lát cao và rậm rạp) thì tương đối dễ lội không gặp sình lầy và có thể đạp lên cỏ năng mà đi. Chúng tôi mắc võng cho mấy đứa nhỏ nằm và móc bịt gạo xấy ra phân phát. Mấy đứa con tôi đưa tay ra run run xin cho con một miếng và mấy đứa con nít khác cũng vậy! Nước thì không ai có hết, di chuyển gấp rút đêm qua nên không ai kịp đem theo nước uống! Vợ ông Lê Xâu đưa cho tôi một miếng mứt chanh ngậm cho đỡ khát. Con nít mỗi đứa một miếng gạo xấy khô khan nhưng vì đói quá nên nước miếng tiết ra nuốt cũng dễ dàng và coi có vẽ ngon lắm! Thằng con 2 tuổi tôi khóc đòi trở về nhà đi học lại và muốn ba dẫn đi ăn cơm tấm bì chả! Tình cảnh lúc đó khiến tôi đau lòng, tâm trạng tan nát, vì đâu mà bọn tôi phải lâm vào hoàn cảnh này?

Niên quả là dẽo dai thật, độ nửa giờ sau thì anh ta cõng bà Nội tới, Chu và Tổ tuy thanh niên nhưng mệt nhọc lê lết phía sau. Niên nói nhóm chúng tôi cứ dừng lại nghỉ mệt và ẩn trốn nơi đám cây cao này, để anh ta đi ra biển một mình nghe ngóng tình hình. Đông người ra bờ biển trống trải sợ lộ vì các ghe tàu qua lại sẽ nhìn thấy.

Niên đi rồi tôi kêu hai thằng cháu ruột gọi tôi bằng cậu trèo lên một cây lớn quan sát tình hình và xem có thấy biển không? Nó nói thấy nhưng khá xa! Vết rắn cắn thì không thấy nhức nhối gì, tôi biết là không sao vì rắn dưới nước thường không độc. Tôi lên cháng ba cây ngủ một giấc say vì qúa mệt lã, đêm qua không ngủ, lội rừng sình lầy suốt đêm và không ăn , không uống!

Tôi thức giấc vừa lúc Niên trở lại cho hay bờ biển cách độ 500 thước, thấy ghe Cá Mập mình đậu mút ngoài xa. Kêu tụi trên ghe nhưng không sao nghe được vì qúa xa và nhìn cũng không thấy được người trên ghe. Chúng tôi mừng quá vì Cá Mập đã đem ra được nhưng còn ngỗn ngang nhiều điều như có dầu, lương thực và nước uống chưa? Làm sao lội ra ghe cho khỏi bị phát hiện? Tôi biết một điều là phải lội ra ghe vào ban đêm để các ghe tàu, dân lưới cá, người đi làm củi không thấy.

Hỏi anh ta là biết vị trí bờ biển đó hay chưa, Niên nói xác định được vì nhìn thấy Hòn Đá Bạc nằm ở phía trên hướng Bắc cách vài cây số. Điều này khá quan trọng để Niên trở về thông báo vị trí Cá Mập cho ông Hai biết để ra đúng nơi mà bốc người lên ghe. Niên nghỉ ngơi một chốc, ăn nắm cơm xấy còn lại mà tôi để dành cho anh ta rồi tất tả lội rừng trở về làng Ông Đốc. Tôi dặn anh ta chiều nay khi trở ra nhớ mang nước và thức ăn vì bọn tôi đã đói khát. Bọn tôi sẽ tự di chuyển ra hướng bờ biển sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức.

Niên đi rồi vì nôn nóng thấy Cá Mập nên bọn tôi cũng chuẩn bị lên đường đi tiếp đoạn lội rừng còn lại. Lần đi này mới thấy đôi chân đau nhức rất nhiều, có lẽ các vết thương do cây sướt, tróc móng, rắn cắn bắt đầu làm độc khi ngâm trong bùn sình dơ bẩn! Cố đi trong hy vọng và nửa giờ sau ra được tới bờ biển sình lầy. Nhìn thấy Cá Mập neo đậu một chỗ cách bờ chừng 1,500 thước, nằm về phía Bắc một chút, nhấp nhô trên sóng nước màu đen đục trong khi bầu trời nhiều mây xám nhưng không mưa. Nhiều lúc sóng to Cá Mập hụp xuống tưởng chìm đâu mất. Tôi nghiệp thằng cháu tên Thanh và Hùng 2 thằng nhỏ ở ngoài đó! Nhưng tụi nó may mắn là khỏi lội rừng suốt đêm đói khát như bọn tôi.

Chúng tôi tập trung nghỉ ngơi bên trong rừng, ghe tàu có chạy ngang bên ngoài cũng không thấy được. Để có nơi khô ráo nằm ngồi, chúng tôi chặt một mớ nhánh cây mắm lá xanh tươi chất thành đống trên bùn sình và ngồi lên. Ngồi một lúc chà cây lún xuống  nên phải chặt thêm lót lên trên. Giờ đây mới có dịp nhìn lại thấy ai nấy như người rừng, bùn khô dính từ  ngực đến chân, con nít trông như những tượng đá trong nghĩa địa. Tôi chỉ còn trên người quần xà lỏn và cái áo mưa ngắn tới lưng bằng ny long có cái chụp trên đầu. Cái áo như áo mưa của các anh Honda ôm này là vật bất ly thân tôi không bỏ được, lý do tôi sẽ tiết lộ sau?

Không nước uống, không một vât gì ăn được, không một chỗ khô ráo để nghỉ ngơi.Cây mắm nhỏ leo lên ngồi thì không được, còn dưới thì sình non. Lá mắm cắn thử thì thấy đắng và chua, có lẽ ít có loại thảo mộc nào sống ở nước mặn mà ăn được. Nghĩ thế tôi chỉ nhấm vài lá mắm cho miện đỡ khô khát! Cả một ngày chúng tôi không tiêu tiểu vì có ăn uống gì đâu mà tiêu tiểu! Tôi mong cho trời mưa nhưng lại ít có mây đen chỉ bay ngang qua rồi thôi!

Bốn năm giờ chiều gì đó mấy đứa con nít sau khi ngủ được một giấc mệt nhọc đã tỉnh dậy, ngứa ngáy vì dính sình, cơn khát cháy cổ và cái đói hành hạ nên chúng kêu khóc vang cả một vùng bãi sình mênh mông vắng lặng. Tôi không biết làm sao hơn, lục trong túi xách còn hai cặp lạp xưởng dính nước sình mặn và kế đó tôi đập được một con cá thòi lòi lớn bằng ngón chân cái dài gần hai tấc. Rồi thằng cháu tôi cũng bắt được một con cua biển khá to. Thế là tụi tôi tìm cách nhóm lửa để nướng các “sơn hào hải vị”. Diêm quẹt mang theo thì ướt hết, các nhánh mắm tươi làm sao cháy. Mấy đứa nhỏ mới đi gở một số lá khô còn dính lưới nhện trên cây và lấy trong túi xách ra một số giấy bạc Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam còn khô. Lấy miệng hà hơi nóng vào diêm quẹt ướt cho khô và quẹt một hồi cũng cháy. Khó khăn lắm mới nhóm được lửa và nướng các thứ trên rồi chia cho mấy đứa nhỏ. Tụi nó nhai ngấu nghiến nhưng mỗi đứa chỉ được một miếng to bằng ngón tay cái! Ăn chưa đủ đòi nữa, không có lại khóc. Tôi có mang theo tượng Đức Mẹ Lộ Đức mà ba tôi tặng khi hành hương bên đó về, tượng bằng ny long bên trong có chứa độ 10cc nước thánh lấy từ con suối nhà thờ Lộ Đức (Lourdres) bên Pháp. Vì đức tin tôi mang theo tượng Đức Mẹ trong chuyến vượt biên mong được phù hộ tới bến an lành. Nay tôi phải lấy nước thánh ra cho các con tôi uống đỡ khát! Cầu mong sao Đức Mẹ phù hộ chúng tôi thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian này!

Trời đã xế chiều, 6, 7 giờ mà thằng Niên cũng chưa thấy ra? Hay là ông Hai muốn gạt chúng tôi sau khi đã lấy được tiền? Hoặc có gì trắc trở trong làng hay ông Hai đã bị bắt vì câu chuyện đã đổ bể? Những câu hỏi đó cứ ám ảnh trong đầu! Tất cả đều thấy chuyến vượt biên hầu như bế tắt, thất bại! Chúng tôi bàn nhau nếu đến sáng mai mà vẫn không có tin tức gì, không ai ra liên lạc, tiếp tế thì 7 giờ sáng mai thì chúng tôi sẽ chia ra làm 4 toán do tôi và 3 người đàn ông khác làm trưởng toán để trở lại Sông Ông Đốc tìm cách trốn thoát. Đàn bà, con nít cứ đi về làng Ông Đốc là nơi gần nhất có dân cư, để VC bắt cũng không sao. Còn đàn ông, thanh niên đi ngược trở lại dòng sông Ông Đốc về hướng Cà Mau, Chương Thiện, cố trốn tránh để không bị bắt.

Lúc đó độ 8 giờ tối ngày 4-12-1978 đang tuyệt vọng thì bổng nghe tiếng hú rất xa vọng lại. Đúng là tiếng hú của Niên một con chồn rừng không biết mệt. Bọn tôi hú đáp lại vang cả khu rừng. Mười phút sau tiếng hú thứ nhì có vẻ gần hơn, chúng tôi hú đáp lại. Năm phút sau tiếng hú thứ ba càng gần hơn nữa… 

No comments:

Post a Comment