Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 8: GIAN NAN LỘI RỪNG U MINH

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Ngày 4-12-1978 Khoảng 1 giờ đêm nghe tiếng mái chèo sột soạt, chúng tôi không biết ai đi trong giờ này giữa rừng. Tôi chợt nảy ý nghĩ nếu không phải là người bọn mình thì ai đi giờ này đúng vị trí này? Khi tiếng động đến gần, nghe tiếng quen thuộc của anh Tư Phúc có chở theo vợ chồng Lý Trụ và thằng con nhỏ 4 tuổi mà hồi chiều không kịp xuống ghe để vô rừng. Tư Phúc đi với thằng Lâm cho biết cũng chưa liên lạc với ông tài công gốc Tàu Nùng biệt khu Hải Yến vì ổng ở bên kia sông không dám qua vì sợ đi tới đi lui người ta để ý. Tôi liệu bề không có tài công mình có dám đi hay không? Có người lo sợ nhưng tôi thấy chắc đi được vì tôi cũng đi biển đôi ba lần, có một lần suýt chết trong chuyến từ Phú Quốc về Rạch Giá vì trời giông bão và đi ngược sóng mà ghe còn không lật huống chi thời tiết bình thường. Bây giờ đã leo lên lưng cọp rồi thì phải cỡi thôi. Người ta có thể lựa chọn khi còn lựa chọn được, huống gì bây giờ mình chỉ có một con đường!

Sau khi Tư Phúc đưa Lý Trụ ra nhập bọn, anh ta và Lâm chèo ghe trở về làng để xem ông Hai định như thế nào cho công cuộc vượt rừng ra bãi biển được êm xuôi. Còn lại khu rừng đêm mênh mông với bóng đêm dày đặc và muôn triệu con muỗi đói, bọn tôi đã đủ 44 người không sót ai chỉ thiếu ông tài công thôi!

Chờ đợi trong đêm giữa rừng U Minh trên hai chiếc ghe đầy nhóc người, rủi VC đi tuần ban đêm thì chắc bọn tôi sẽ bị bắn chết! Nhưng không bao lâu ông bà Hai và thằng rể bộ đội Niên chèo ghe ra tới. Tôi hỏi về tình hình đem ghe lớn ra cửa dưới thế nào? Ông Hai cho biết không có tin tức gì hết! Thằng cháu công an vẫn chưa thấy lội sình về báo tin nhưng ông nói bây giờ cứ cho di chuyển lần ra bãi đáp rồi tính tới nữa. Tôi hỏi đi bộ bao lâu thì tới? Ổng nói độ 2, 3 tiếng đồng hồ. Tôi đã nhìn trên bản đồ thấy ông nói cũng hợp lý vì từ đây ra bãi biển ở hướng Tây đô chùng 4, 5 cây số thôi, lội sình lầy trong thời gian như vậy là đúng.

Thế là chúng tôi bắt đầu đi, từ 2 ghe bước xuống nước sình lầy lội bì bõm, tiếng người kêu réo, tiếng la trẻ con om sòm gây vang động cả một khu rừng đêm âm u ma quái. Tất cả tiến về ánh đèn pin yếu ớt của thằng Niên dẫn đầu đi trước, lâu lâu nó dừng lại chờ, quơ quơ ánh đèn pin cho mọi người thấy tiền tới. Nó quen đi rừng sình lầy nên đi mau quá, khiến đàn bà con nít đi theo không kịp nên họ sợ bị bỏ lại, lâu lâu kêu réo cầu cứu!

Đi và đi mãi, độ một giờ đồng hồ sau thì cả đoàn thấm mệt, nhiều người ướt nhem vì đã ngã xuống nước sình. Nhiều người đã bị gốc cây sốc vào chận chảy máu và con nít bắt đầu khóc. Vì mang nặng tôi đã liệng đi 3 hộp sữa đặc Ông Thọ vốn đem theo cho đứa con gái nhỏ nhất 2 tuổi và quăng xuống sình một mớ quần áo mà lúc này thấy không cần thiết nữa.Tôi cũng cởi luôn chiếc quần dài vì dính sình nặng nề, ngứa ngáy nhưng đi một lúc thì hối tiếc vì gai góc cây ô rô quào vào hai chân trầy trụa không biết bao nhiêu đường rướm máu. Chân không giày dép nên đã trốc móng chân cái bên phải nhưng không có thời giờ để cảm thấy đau nữa vì tay chân lạnh cóng và răng đánh bù cạp run lập cập. Chúng tôi đã nghe tiếng máy tàu nổ từ xa vọng lại, tiếng máy Yanmar nổ dồn dập như thúc dục bọn tôi phải tiến nhanh lên để tìm đường vượt thoát, càng kéo dài thời gian càng gặp nhiều điều bất trắc!

Đi mãi tới khi rạng sáng thấy nơi chân trời phía Đông hừng lên ánh sáng mà bờ biển cũng chưa thấy và tiếng máy tàu đã không còn nghe nữa! Lúc đó Niên dẫn đầu suỵt suỵt lên vài tiếng, ra dấu bọn tôi giữ im lặng và chỉ về phía Nam cho rằng hình như có người ở đó và phải tránh đi hướng khác.

Đến khi trời sáng hẳn thì bọn tôi đã kiệt sức, nhìn lại người nào cũng mặt mày xanh nhợt, môi thâm tím ngắt vì lạnh và các con tôi tay chân run lập cập. Vợ tôi cõng đứa con gái nhỏ, còn hai đứa con trai 4 và 6 tuổi dắt nhau lết bết theo tôi vì tôi chẳng còn đủ sức để dắt chúng nữa! Trong cái túi xách tôi mang trên vai gồm một bọc cơm xấy, một bao ny long đựng thuốc trị bịnh, các giấy tờ quan trọng của đời người và phim hình kỷ niệm mang theo cũng như cái la bàn trực thăng, bản đồ và chiếc địa bàn nhỏ như đồng hồ. Tất cả bây giờ trở nên nặng trĩu ước lượng hơn 10 kí lô vì đã thấm nước mặn mà nước muối thì nặng hơn nước ngọt nhiều. Những món đồ đó rất quan trọng không bỏ được.

Bọn tôi hỏi Niên gần tới chưa? Nó bảo là gần rồi nhưng tụi tôi đi chậm quá và nó phải dẫn tránh đồn công an biên phòng đóng ở ngoài bờ biển nên phải đi ngược lên trên hướng Bắc. Mặc dù quá đuối sức bọn tôi cũng dìu dắt nhau với hy vọng ra tới bờ biển gặp ghe và lên ngay cho khỏe và nếu ghe chưa ra được cũng được nằm nghỉ ngơi chờ đợi. Tiếp tục đi có những lúc phải lội qua những đám ô rô lá gai nhọn nhưng lúc này ô rô cũng không nghĩa lý gì nữa và chúng tôi cũng càn vô đại mà người này theo đường vạch của người trước mà đi. Có những nơi nước sâu tới cổ, tôi phải cõng hai đứa con trai lên vai để chúng khỏi bị ngộp nước. Mỗi bước chân lút sâu xuống sình, rút lên được cũng mất nhiều sức lực. Bọn tôi rút kinh nghiệm là mỗi người đi một chỗ khác nhau, tránh vết lún của người trước khiến chân lún càng sâu với sình non nơi đây lá cây rừng tích tụ lâu năm rất nhão, lún hoài khó rút chân lên được. Trên bầu trời buổi rạng đông hàng đàn diều hâu, kên kên tập trung theo bọn tôi kêu nhau chí chóe, chờ bọn tôi bỏ xác trong rừng để làm tiệc, đánh chén no nê!

Khoảng 10 giờ trưa 4-12-1978 có nhiều người đàn bà đã đi hết nỗi, mặt mày tái xanh nhợt nhạt, anh Dương Sum vốn vợ là y tá có đem theo lọ thuốc trợ tim Cortonyl nên chuyền tay cho mỗi người ngậm vài giọt. Tội nghiệp bà cụ người Tàu 71 tuổi, bà nội của Diệp Quang Chu và Diệp Chiêu Tổ đã qúa đuối sức, hai thằng phải dìu hai bên đi sau chót.

Bọn tôi bắt đầu nghi ngờ bộ đội Niên là người dẫn đường đã đưa chúng tôi đi lòng vòng, khi lên Bắc khi xuống Nam mà không đi thẳng ra hướng Tây là phía biển, với dụng ý là chúng tôi kiệt sức bỏ tư trang vàng bạc lại. Tôi kêu nó dừng lại và đặt vấn đề, tôi cho biết theo bản đồ bờ biển không xa mấy, tại sao đi hơn 10 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới? Anh ta cho rằng để tránh các đồn công an đóng trong rừng mà những ngày trước anh ta thám sát đã thấy. Tôi móc địa bàn ra chỉ cho Niên thấy là bờ  biển ở hướng Tây và chỉ về hướng đó.

Không biết vì tại tôi chỉ hướng hay âm mưu đen tối bại lộ mà Niên sau đó đi một lèo đúng về hướng Tây? Bọn tôi cũng bỏ mặc nó đi trước, không còn kêu nó chờ nữa. Đi một lúc thì thấy Niên ngồi trên cây ngay trước mặt chờ đợi tự bao giờ? Đến gần 12 giờ trưa nghe tiếng sóng đánh rì rào phía trước và gió mang mùi nước biển thoang thoảng trong không khí. Biết là sắp tới bờ biển nhưng leo lên cây vẫn không thấy biển đâu mà rừng U Minh xanh ngát vẫn chạy ngút tận chân trời!

Chắc còn cũng phải hơn một cây số nữa mới tới biển, thế là cả nhóm định tìm chỗ nghỉ chân nhưng xung quanh nước hơi sâu, ngồi xuống nước tới cổ, làm sao ngồi được! Bổng cả bọn dừng lại vì phía trước chen lẫn trong cây cối hiện ra một chòi lá dựng lên bằng các thân cây nhỏ. Bộ đội Niên suỵt suỵt ra hiệu cho cả bọn dạt ra một hướng khác mà đi. Đi một chốc nó bảo tôi: “Để tôi chạy đến điều đình xem vì dường như có người trong đó!”. Tôi đồng ý thì vừa lúc đó cảm thấy đau ở cổ chân như bị một con gì cắn phải? Nhìn xuống thì một con như con rắn nhỏ phóng trên mặt nước vọt chạy! Tôi cúi xuống thấy vết cắn chảy máu và in 4 dấu răng. Chắc bị rắn cắn nên liền nặn máu ra và có ý nghĩ rằng số tôi đã cùng rồi. Tôi tiếc là chưa đem được vợ con, em cháu, bạn bè tới bến vinh quang! Tôi chết đã đành nhưng số phận các người còn lại sẽ ra sao? Tôi cầu xin Thượng Đế  cho họ bình an thoát đi được!

No comments:

Post a Comment