Pages

Powered By Blogger

Wednesday, September 5, 2012

KÝ SỰ DU LỊCH
VIẾNG CHỢ TRỜI “BỐN CON HỔ” Ở BUDAPEST
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM


Theo báo Người Việt số ngày 2-9-12 chợ trời “Tứ Hổ” ở Hungary đứng trước nguy cơ bị chính quyền đóng cửa vì là nơi “hội tụ của các băng đảng tội phạm và làm ăn phi pháp”. Cũng theo báo Người Việt: “Tin này khiến hàng chục ngàn thương nhân Việt Nam đang sinh sống tại Hungary cũng như người cung cấp hàng hóa từ Việt Nam lo lắng. Chợ trời Tứ Hổ đóng cửa sẽ khiến họ mất đi nguồn lợi tức đáng kể. Ðó là chưa kể việc họ lo lắng không biết phải làm việc gì để sinh nhai trong thời gian tới”.
Để độc giả biết qua khu chợ trời nói trên sinh hoạt buôn bán ra sao, xin đăng bài phóng sự viếng chợ trời “Tứ Hổ” ở Budapest thủ đô Hung Gia Lợi (Hungary) của tác giả cách vài năm, thiết nghĩ ngày nay cũng không thay đổi bao nhiêu:
Đi đến đâu nơi xứ người tôi cũng muốn tìm đến khu thương mại VN để thăm dân cho biết sự tình, xem đồng hương làm ăn sinh sống ra sao? Môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của đồng bào mỗi nơi khác nhau nên tâm tư hoài bảo của người Việt mỗi xứ mỗi khác. Hỏi thăm vài ba câu sẽ gặp đôi điều rất lạ để ghi lại trong những chuyện bên lề chuyến đi. Ở Budapest cũng vậy, sau những ngày theo Tour du lịch để được hướng dẫn đi thăm các di tích thắng cảnh của thành phố. Sáng hôm nay là ngày được tự do dong ruỗi muốn đi đâu thì đi, tôi có ý định tìm tới thăm khu chợ trời có người VN buôn bán. Chiều hôm qua tôi hỏi bà Maria, hướng dẫn viên du lịch người Hung, về khu thương mại VN ở Budapest. Tưởng bà không biết nhưng bà trả lời ngay là bà thường đến đó! Nghe vậy mừng quá sẵn cầm bản đồ Budapest trong tay, tôi đưa cho bà và nhờ bà chấm vị trí khu VN trên bản đồ. Rồi từ đó tôi sẽ liệu phương tiện mà đi: dễ thì đi bằng xe điện hay xe buýt công cộng, còn khó thì kêu taxi. Bà Maria khoanh một vòng nhỏ trên bản đồ ở góc đường Kóbanyai út và Fuimei út thuộc Quận 8 gần nghĩa trang Kerepesi và bà cho biết bà thường tới đây để mua sắm quần áo vì hàng hóa hợp thời trang giá lại hợp với...túi tiền. Bà chỉ chúng tôi nên dùng Métro cho rẻ, hết Métro đổi qua xe buýt, hết xe buýt đi bộ một khoảng vài trăm thước là tới, bà nói rất dễ tìm.

Ăn sáng ở khách sạn xong, bốn người chúng tôi (vợ chồng tôi và vợ chồng cô em gái tôi định cư ở Đức) chuẩn bị gọn gàng, đem theo dù (vì trời có vẻ âm u) và nước uống. Quan trọng hơn hết, không bao giờ được quên là máy chụp hình và pin phải sạt đầy đủ vì máy mới, nòng zoom cực mạnh mà...hết pin thì cũng như không! Khách sạn Wien chúng tôi cư ngụ thuộc Quận 11 nằm ở hướng Nam bên thành phố núi Buda, trong khi khu chợ VN nằm ở hướng Tây bên thành phố thương mại Pest. Từ khách sạn tọa lạc trên con đường chính tên Budaorsi chúng tôi lấy xe buýt số 139 lên hướng Bắc để đến ga xe điện ngầm đầu tiên của tuyến đường M2. Xe buýt mang số 139 buổi sáng rất đông người nên không còn ghế ngồi, nếu ở VN thì chắc có vài bạn trẻ sẽ đứng lên nhường ghế cho tôi nhưng ở đây thì không có tục lệ...kính già, yêu trẻ, tử tế với phụ nữ đó! Nhưng một lúc sau cũng có một phụ nữ dẫn thằng con trai đi học xuống xe và tôi lập tức... “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”! Đi xe buýt số 139 này không sợ lạc vì chạy tới ga xe điện ngầm là trạm cuối đường nên hành khách xuống xe hết, mình cũng xuống theo. Ga Pályaudvar là ga đầu của tuyến Métro M2  chạy từ Buda sang Pest cũng tấp nập người đi. Chúng tôi đi thang bộ xuống hầm và mua vé dùng trong một ngày, có nghĩa là trong hệ thống xe điện ngầm Métro, với vé này có thể đi đến bất cứ ga nào cũng được miễn sao dùng trong ngày đó. Tôi nhớ vé này giá khoảng 4, 5 USD gì đó.

KHU CHỢ TRỜI BỐN CON HỔ

Xuống xe điện ngầm ở ga Keleti pu. tức là ga số 3 sau nhà ga trung ương, chúng tôi lấy xe điện trên mặt đường số 24 để đi đến khu chợ trời. Xe điện 24 là loại xe nhỏ chỉ có 3 toa tàu, chạy bằng dây điện từ nóc tàu móc vào dây treo dọc theo đường ray. Đến ngã tư đường Fiumei út và Kobanyai út chúng tôi xuống xe đi bộ về hướng Đông chừng vài trăm thước là thấy khu Chợ Trời Bốn Con Hổ (4 Lions Market) nằm bên trái và bên phải là một khu phố khác cũng có chợ trời nhưng bên trong một ngôi nhà lớn. Đến đây chúng ta sẽ thấy khung cảnh quen thuộc của chợ VN với những bảng hiệu 3 thứ tiếng Việt, Tàu và Hung như “Bán Sỉ Hải Sản”, “Hớt Tóc”, “Thời Trang, Y Phục”, “Da Giày”, “Điện Máy”, “Đồ Chơi” v.v...Những chậu bonsai, thiên tuế (sago palm), quần áo may sẵn, đồ chơi quen thuộc của khu Bolsa hay Chợ Tàu Los Angeles xuất hiện bày ra trên dĩa hè. Không có những ngôi chợ thực phẩm Á đông lớn nhưng có một vài cửa hàng bày rau muống, rau thơm, nước mắm, xì dầu, mì gói, các CD, DVD nhạc VN, tuồng cải lương v.v...Khu Chợ Trời Bốn Con Hổ có hàng trăm sạp hàng có mái che bằng vật liệu nhẹ bày bán quần áo, áo khoát, áo lông, giày dép, bóp phụ nữ, va li, túi xách, đồ điện tử, đồ chơi làm từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Khu Chợ Trời Bốn Con Hổ đa số người bán hàng là người Trung Quốc chỉ có khoảng 10 đến 20% là người VN. Tôi nhận ra đồng hương VN là vì nghe họ nói chuyện hoặc mở nhạc VN hay cầm trên tay những tờ báo tiếng Việt. Báo tiếng Việt ở đây tôi thấy có 2 tờ đều in đen trắng hay một màu ở khổ 8.5 x 11  inches: tờ Bạn Đường là nhật báo phát hành 6 ngày trong tuần với tiêu đề là “Báo của người Việt tại Đông Âu” địa chỉ tòa soạn là “H – 1076 Budapest, Garay u.23. Nhật báo Bạn Đường có 24 trang, trách nhiệm biên tập là Trọng Hiếu, không ghi giá bán nhưng nghe nói là khoảng 1 USD. Tờ thứ nhì là “Nhịp Cầu Thế Giới”, bán nguyệt san tin tức và văn hóa, dầy 36 trang ghi giá là 200 Forint (1 USD), chủ bút là Hoàng Linh. Nội dung cả hai tờ báo là tin tức Hung Gia Lợi, VN, thế giới, văn nghệ, thể thao, phụ nữ, giải trí, ô chữ, tử vi và quảng cáo, rao vặt. Những quảng cáo như rao bán các sạp hàng (gọi là Pavilon) ở chợ trời Bốn Con Hổ với giá hạ còn 300,000 Forints (1,500 USD) (Là chủ sạp hàng nhưng mỗi tháng còn phải trả tiền thuê chỗ cho chủ Chợ Trời). Những rao vặt như nhà hàng, quán karaoke, bán sỉ quần áo, văn phòng dịch vụ như phiên dịch, làm giấy tờ, nộp hồ sơ xin định cư, nhập quốc tịch, mua bán bất động sản, bán vé máy bay, bán các căn hộ chung cư, nhà có vườn, giữ trẻ, kèm trẻ, dạy tiếng Hung, tiếng Hoa v.v...

Người đầu tiên tôi gặp rất vui vẻ là cô Hương khoảng dưới 40 tuổi bán quần áo, quần jean, đồ lót phụ nữ ở một gian hàng chợ trời trong nhà (ngày xưa là kho hàng của hãng sản xuất bình điện xe) đối diện với Chợ Trời Bốn Con Hổ. Cô nói tiếng nghe như người miền Trung, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Đa số ở đây người miền Bắc, còn cô là người Trung à?
Cô cho biết là:
- Em người Quảng Bình sang đây hợp tác lao động từ 1988.
Tôi chụp hình nhưng cô e thẹn, ngại ngùng che mặt hoài không cho chụp.

Người thứ nhì tôi gặp trong Chợ Trời Bốn Con Hổ là một người đàn ông trên 55 nhưng trông còn trẻ hơn số tuổi, anh cho biết tên Nguyễn Thái Nhiên, cũng rất cởi mở. Tôi hỏi anh:
- Anh là người miền Bắc?
- Vâng, tôi là người Hà Nội.
- Anh sang đây năm nào và theo diện gì?
- Sang đây lâu lắm rồi, có hơn mười mấy năm và đi theo diện hợp tác lao động?
- Anh có gia đình vợ con tại đây không?
- Vợ con, bố mẹ gia đình vẫn còn ở Hà Nội.
- Anh có về thăm nhà không?
- Chừng như năm nào tôi cũng đều về hết.
- Anh buôn bán ở đây có khá không?
- Phải nói là thoải mái hơn là ở VN.
- Anh làm chủ một cửa hàng ở chợ trời này?
- Tôi có 3 cửa hàng, tôi điều hành một còn hai cửa hàng kia cho người ta thuê.
- Tiền thuê mỗi cửa hàng như vậy là bao nhiêu một tháng?
- Một ngàn đồng mỗi tháng.
Thấy đắt qúa nên tôi hỏi lại:
- Anh nói một ngàn đô la Mỹ mỗi tháng?
- Vâng, một ngàn tiền Mỹ.
- Mỗi ngày tiền thuê trên 33 đô la, như vậy lời bao nhiêu mỗi ngày mới đủ sống?
- Phải trên vài trăm mới có lãi, chủ yếu là bán buôn (bán sỉ) cho người Hung từ các làng quê về mua để bán lại.
- Chủ chợ trời này là người Hung?
- Vâng người Hung, ngày xưa đây là hãng sản xuất bình điện ắc quy, nơi chợ trời này là bãi chất hàng lên tàu hỏa để chở sang Tiệp và Ba Lan.

Tác giả Trịnh Hảo Tâm bên trong chợ “Bốn Con Hổ”

Chúng tôi theo Nguyễn Thái Nhiên đến quán Hà Nội ở gần dãy nhà kho cho các tiểu thương trong chợ trời mướn để chứa hàng hóa. Tại đây có một dãy quán ăn gồm 4, 5 căn của người VN bán cà phê, bia, thức ăn trưa cho đồng hương buôn bán trong chợ trời. Các quán có vẻ lôi thôi, nhếch nhác giống như ở trại tỵ nạn ngày trước, phía trong quán là quày pha cà phê và những thau chứa thức ăn nấu sẵn mà người Hung gọi là Bufé. Những món ở đây tôi thấy có sườn chiên, cá kho, canh cải, rau muống xào, cà ry gà v.v...Nhiều khách hàng VN cũng như người Hung, Thổ Nhĩ Kỳ khuân vác trong chợ trời đang ngồi ăn trên những dãy bàn dài đặt phía patio bên ngoài. Các quán không tên chỉ có quán duy nhất có đề bảng hiệu màu xanh là quán Hà Nội. Quán Hà Nội đang có mấy người Thổ ngồi ăn chiếm hết một bàn dài nên chúng tôi sang quán bên cạnh. Mấy hôm nay uống cà phê trong khách sạn nhạt nhẻo qúa nên tôi kêu ly cà phê đen Trung Nguyên nhưng quán này chỉ có cà phê Hung Gia Lợi, tôi phải qua quán Hà Nội kêu ly cà phê Trung Nguyên với giá 300 Forints (1.5 USD) trong khi cà phê Hung ở quán tôi ngồi chỉ có 100 Forints. Gọi tắt là “cà phê Hung” chứ thực ra Hung là xứ lạnh không trồng được cà phê, cũng nhập cảng đâu đó từ Nam Mỹ. Quán Hà Nội có bán phở nhưng chúng tôi không có ăn, một phần vì chưa đói, hai là vì quán bày biện lôi thôi sợ không sạch!

                                                              Trong quán ăn Hà Nội

Đến gần 12 giờ trưa khách đến ăn bắt đầu đông, toàn là đàn ông VN đa số đến từ miền Bắc. Thấy chúng tôi là những khuôn mặt lạ nên có một số người hỏi thăm, tưởng chúng tôi từ Nga, Ba Lan mới qua để...bán chợ trời. Một lát sau có anh chàng trẻ, tuổi độ 35 nói giọng miền Đà Nẵng từ phía sau quán đi ra hút thuốc, chào tôi và vui vẻ muốn góp chuyện. Anh ta cho biết tên Thắng đang làm đầu bếp cho quán này và là người Đà Nẵng đi lao động ở Hung 15 năm nay, anh tự giới thiệu:

- Cháu ở Đè Nẽn sang đây theo chương trình đi lao động từ lúc 20 tuổi.
- Anh có vợ con gì chưa?
- Buồn quá chú ơi! Ngày cháu đi vừa mới cưới vợ, cháu định đi ra nước ngoài lao động để kiếm tiền gởi về nuôi vợ và gây dựng một số vốn để vợ lòm en. Nhưng đi nem, sấu nem (5, 6 năm) không có gởi về đồng nào!
- Anh làm không có dư?
- Cũng có dư chứ chú! Nhưng dư không nhiều, cháu lại cờ boạc...thua hết!
- Thì mình đừng chơi, để dành tiền gởi về?
- Chú nghĩ coi, bên này xa xứ buồn lắm, cuối tuần rẻn rang không đi lòm chỉ có nước tụ họp nhau nhậu nhẹt và cờ boạc, mới đầu đánh lai rai với nhau cho vui. Thét rồi đâm ra ghiền và đánh lớn, lòm được bao nhiêu thua hết! Không có tiền gởi về, riết rồi vợ cũng bỏ luôn, nghe nói có chồng khác!
- Anh có trở về Đà Nẵng lần nào không?
- Không có tiền nên mười mấy nem nay đâu có về! Cháu nhớ nhà lắm chứ, nhưng về không có tiền cho cha mẹ, anh em thì càng thêm nhục!
- Anh không tìm nghề khá hơn để kiếm tiền nhiều hơn?
- Không biết chữ, không biết tiếng, không có vốn thì chỉ đi lòm công hoặc nấu en thôi!
- Anh biết nấu nhiều món không?
- Cháu nấu món Tàu, Tây gì cũng hết xẩy vì đã từng nấu nhà hàng, nhất là mấy món nhậu thì...bá chấy! Chú mà en...không muốn về Mỹ nữa!

Mỗi người một hoàn cảnh riêng, có người sống thoải mái gởi tiền về nuôi gia đình, có người còn lang bạt ngược xuôi vì tuổi trẻ nhiều đam mê mà ở nơi đâu “cờ bạc vẫn là bác thằng bần”! Budapest cũng không là ngoại lệ!

TRỊNH HẢO TÂM
   
                               Chợ trung tâm Budapest giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn

No comments:

Post a Comment