KÝ SỰ DU LỊCH
LUÂN ĐÔN ĐÔ THỊ CỔ KÍNH
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Luân Đôn là vùng đô thị lớn nhất và là thủ đô của Anh quốc có chiều dài lịch sử đến 2 ngàn năm thành hình từ thời đế quốc La Mã. Luân Đôn có rất nhiều di tích lịch sử, một mình sở hữu đến 4 Di Sản Văn Hóa Thế Giới là Cung Điện Westminster (Palace of Westminster, bao gồm Tu Viện Westminster (Westminster Abbey) và nhà thờ St. Margaret), Hoàng Thành Luân Đôn (Tower of London), Làng Hàng Hải Greenwich và Vườn Thượng Uyển Kew mỗi năm thu hút hàng triệu du khách. Ngày nay Luân Đôn là một trong những trung tâm của thế giới dẫn đầu về thương mại, tài chánh và văn hóa, ảnh hưởng toàn cầu trong các lãnh vực như chính trị, giáo dục, giải trí, truyền thông, thời trang và nghệ thuật.
Cung điện Westminster và tháp Big Ben
PHI TRƯỜNG HEATHROW
Tám giờ 10 phút sáng phi cơ chúng tôi đáp xuống phi trường Heathrow (ký hiệu LHR) ở phía Tây thành phố London (Luân Đôn). Mặc dù là phi trường lớn và bận rộn nhất Âu Châu nhưng quang cảnh có vẻ yên tịnh, trầm lắng khác với không khí nhộn nhịp, hối hả của phi trường Los Angeles (LAX), có lẽ mang nét đặc thù của dân Âu Châu, cái gì cũng nhàn nhã, tà tà. Phi trường cách trung tâm thủ đô London 15 miles (24 km) có 2 phi đạo chính nằm theo hướng Đông Tây và 5 nhà ga hành khách (terminals). Terminal số 5 mới khánh thành ngày 14-3-2008 chỉ dành riêng cho hãng máy bay nhà là British Airways và sẵn sàng đón những chuyến bay Airbus kiểu mới A380 sau khi chuyến bay đầu tiên thử nghiệm vào ngày 18-3-2008 vừa qua với Singapore Airlines chở 470 hành khách thành công. Chuyến bay số SQ308 này đánh dấu chuyến bay thương mại đầu tiên đến Âu Châu bằng phi cơ mới khổng lồ A380.
Ra khỏi phi cơ quang cảnh nhà ga cũng rộng rãi, sáng sủa, các bảng hướng dẫn khá rõ ràng. Nhân viên chỉ dẫn phi trường đa số là phụ nữ Ấn Độ nhưng nhân viên di trú kiểm soát Passport (thông hành hay hộ chiếu) là phụ nữ Anh. Cô nhân viên xem Passport tôi là một người đàn bà trẻ khuyết tật không có cánh tay phải. Cô làm việc bằng tay trái, dù tàn tật nhưng cô ta vẫn đi làm và vui vẻ không mặc cảm về khuyết tật của mình. Xem 3 thông hành của gia đình chúng tôi và mẫu giấy “xin” nhập cảnh rất đơn giản (chỉ hỏi tên họ, số Passport và địa chỉ cư trú ở Anh) phát trên máy bay, cô ta hỏi với nụ cười: “Vào nước Anh để làm gì và ở bao lâu?” Cô ta còn chúc “du lịch vui vẻ”. Đối với tôi phi trường là bộ mặt của quốc gia, thái độ của nhân viên nhà nước ở phi trường khiến du khách có muốn trở lại nữa hay không? Cũng như nhà vệ sinh ở phi trường nói lên được nếp sống văn minh của dân nước đó tân tiến hay lạc hậu.
Sau khi lấy hành lý (hơi chậm nhưng không thất lạc món nào), ra cửa có rất nhiều hãng du lịch cầm bảng đón khách hàng của mình nhưng hãng Trafalgar tổ chức chuyến du lịch Scenic Europe chúng tôi tham gia thì không thấy ai ra đón. Trong lúc chúng tôi hoang mang chờ đợi người tới đón thì có một nhóm người Mỹ da màu cười nói vui vẻ đi ngang qua thấy chúng tôi cài trên ngực phù hiệu Trafalgar. Một bà trong nhóm 5 người đó nói rằng họ cũng đi theo Tour Trafalgar, bà cho biết là hãng xe Shuttle đưa chúng ta về khách sạn có tên là “Dot 2 Dot” quày của họ ở chỗ cho mướn xe, chúng ta nên tới đó. Có lẽ trước khi đi hãng Trafalgar có nói mà tôi không hiểu nên ra khỏi nơi nhận hành lý là cứ chờ người của Trafalgar tới đón! Qủa nhiên đi thêm một quãng ngắn là tới quày của các hãng cho mướn xe trong đó có hãng “Dot 2 Dot” hãng này có hợp đồng với các khách sạn mà Trafalgar đặt phòng, có nhiệm vụ đưa khách hàng của Trafalgar về khách sạn. Cô nhân viên “Dot 2 Dot” có sẵn danh sách của chúng tôi, sau khi chờ đợi thêm vài du khách nữa của Trafalgar lần lượt tới, cô đưa chúng tôi ra phía ngoài và lên một xe Mini Bus 20 chỗ ngồi. Tài xế là một anh chàng người Pakistan vui vẻ, anh ta đứng lên bảo chúng tôi nịt dây an toàn, chỉ 2 cửa thoát hiểm (có lẽ luật bắt buộc) và phát mỗi người một cuốn sổ (booklet) giới thiệu về London . Trong đó có bản đồ đường phố, xe điện ngầm, xe buýt, các trang quảng cáo và các phiếu giảm giá (coupon) của các nhà hàng ăn, quán rượu, các nơi giải trí. Tập quảng cáo này rất hữu ích, tôi dùng nó trong 2 ngày đêm ở London .
ĐƯỜNG VÀO LONDON
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn” nhưng đường vào London buồn hay vui tùy tâm trạng mỗi người. Cho dù mỗi sáng ở Cali đều nghe “tiếng nói từ Luân Đôn” qua đài BBC nhưng đây là lần đầu tôi đến London nên tâm trạng háo hức bồn chồn như sắp sửa gặp mặt ai đó trong cuộc hẹn hò. Tôi đã biết London qua sách vở, phim ảnh, truyền hình du lịch và những ngày trước khi lên đường tôi đã để thời giờ tìm hiểu thêm về London , không ngờ là một thành phố qúa lớn, có rất nhiều di tích lịch sử trải dài qua 2 thiên niên kỷ. Lịch sử London là lịch sử cả khối Âu Châu và nền văn minh Anh quốc là nền văn minh cả thế giới vì trong thế kỷ 19 “mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc Anh”. Anh quốc có thuộc địa trên khắp 5 châu của thế giới. Giờ Greenwich (một “quận” của London) được chọn là giờ quốc tế và kinh độ đi ngang qua đây được chọn là “Kinh độ 0” tức điểm mốc địa dư để rồi từ đó chia trái đất ra 360 kinh độ (180 kinh độ Đông và 180 kinh độ Tây bắt đầu từ kinh độ số 0 ở Greenwich). Như vậy London là tâm của địa cầu kể cả thời gian lẫn không gian. Cuộc đời giang hồ trôi nổi của tôi đã qua nhiều nơi nhưng hôm nay mới đến được trung tâm của thế giới hỏi không khỏi nôn nao sao được?
Từ phi trường Heathrow vào London đường dài 15 miles (24 km), sau khi quanh co trong vùng phi trường xe Van chúng tôi vào xa lộ. Xa lộ không thênh thang rộng lớn nhiều lane như Cali nhưng quang cảnh hai bên đồng cỏ, cây cối mơn mởn xanh tươi đầy mạch sống. Hôm nay ngày 2 tháng 5, miền Bắc Âu Châu như mới vào Xuân nên hoa nở khắp nơi, rực rỡ nhất là những cây đào, cây mận, mộc lan và dường như cỏ dại nào cũng đều nở hoa. Hầu hết cây cối ở đây đều khác với Cali và dù cho cùng loại như đào, mận, dáng dấp màu sắc hoa lá cũng khác với Cali, xanh tươi và rực rỡ có lẽ nơi đây nhiều mưa và sương mù vì Anh quốc là một hòn đảo.
Qua vùng ven đô xanh ngát ruộng đồng, xe chúng tôi vào vùng ngoại ô lưa thưa nhà cửa và những cao ốc chung cư. Có những cao ốc rất xưa tường xây gạch đỏ, trên nóc có những ống khói to thoát khói cho nhiều đơn vị gia cư ở phía dưới, bên cạnh tua tủa những ăng ten truyền hình. Khi vào đến thành phố nhà cửa vẫn mang nét cổ xưa, tường đá, mái ngói xanh rêu cổ kính êm đềm. Hôm nay là sáng thứ Sáu không biết dân chúng London có đi làm hay không mà đường sá vắng vẻ, khách bộ hành trên đường trong những áo khoát blouse sậm màu có vẻ thanh thản an nhàn. Dân London có vẻ chuộng màu đen nên ngoài y phục đen, xe cộ lưu thông cũng nhiều xe sơn đen, xe nhà nhiều kiểu giống xe xưa sơn đen và cả taxi cũng màu đen. Đặc biệt ở London có những xe buýt 2 tầng gọi là “double deck” thường không sơn đen mà sơn đỏ rất tươi. Vì là thành phố cổ, tuổi đời cả ngàn năm đường phố nhỏ hẹp, nhiều nơi vì dốc đồi đường lại quanh co nên xe di chuyển khá chậm chạp. Chiều lưu thông chạy bên trái ngồi trên xe nhiều lúc rất hồi hộp và nghĩ rằng dù có mướn xe ở London chắc chắn rằng mình không dám lái vì đến ngã tư không biết quẹo vào đường nào cho đúng! Ở những ngã tư có 2 làn vạch sơn trắng dành cho người đi bộ băng ngang qua đường, lại phải vẽ thêm hai chữ “Look Right” để nhắc nhở người đi bộ nhìn về hướng xe đang tới.
Anh chàng tài xế xe Van Shuttle người Pakistan nhỏ con rất vui vẻ, anh ta cầm micro nói luôn suốt buổi. Lúc nói về các khu phố đang đi qua, lúc nói về thời tiết. Anh ta cho biết tuần qua mưa dai dẳng suốt tuần, lưu thông rất chậm vì kẹt xe. Hôm nay trời có nắng nhưng buổi chiều có thể mưa lất phất trở lại. Tôi hỏi anh ta người nước nào, anh ta nói là cha mẹ người Pakistan nhưng anh sinh trưởng ở Nam Phi và ở London được 15 năm. Anh ta đưa những người cũng là khách du lịch hãng Trafalgar nhưng khác Tour với chúng tôi về các khách sạn trước (khác Tour nên khác khách sạn). Còn 3 người chúng tôi anh ta nói là đưa về sau cùng vì khách sạn ở giữa trung tâm khu Westminster , cuối tuyến đường của anh ta. Có những khách sạn ở những con đường rất hẹp chỉ vừa đủ cho 2 xe qua lại, nên khi một xe đậu trước khách sạn cho người xuống cũng như hành lý là các xe khác phải nối đuôi nhau chờ! Mỗi lần có người xuống là tôi phải xuống theo vì vợ tôi sợ họ lấy nhầm hành lý của mình nên “sai” tôi xuống đứng nhìn!
Cuối cùng sau một đoạn đường vất vả vì kẹt xe và ngừng lại nhiều nơi, chúng tôi về tới khách sạn của mình. Đó là khách sạn Park Plaza County Hall ở cạnh nhà ga Waterloo thuộc “quận” Lambeth. Khách sạn nằm phía Đông của tòa nhà County Hall, tòa nhà xưa này chắc không còn là County Hall nữa mà là các cửa hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm cho du khách ngày đêm tấp nập vì gần cầu Westminster và vòng quay London Eye. London Eye (Con Mắt London) là một cái vòng quay lớn cạnh bờ sông Thames, khi tôi mới đến tưởng là trò chơi Ride nhưng thật ra nó là “observation wheel”, du khách mua vé lên đó để ngắm cảnh London.
Đến khách sạn khoảng 10 giờ nhưng nhận phòng chưa được vì giờ Check-in là 2 giờ chiều. Vì trái giờ nên rất buồn ngủ (giờ này Cali đã 2 giờ sáng), trên máy bay bị nhồi vì Turbulance, ngồi xe từ phi trường về đây kẹt xe, thắng tới thắng lui nên mệt mõi, rã rời mong mau có phòng để tắm rữa, nghỉ ngơi. Nhân viên ở đây chắc là sinh viên làm thêm hay sao mà làm việc chậm chạp, lề mề (chắc phong thái Ăng lê mà tôi chưa quen) nhưng hứa là sẽ dọn phòng cho chúng tôi càng sớm nếu có thể vì thấy chúng tôi ai nấy đều mệt mõi. Khách sạn là một buyn đinh cao 14 tầng có 398 phòng thuộc loại 4 sao nhưng phòng lễ tân để khách chờ đợi rất nhỏ hẹp, khách hàng lại ra vào thường xuyên ồn ào chộn rộn. Chúng tôi rời phòng lễ tân lên tầng trên là nhà hàng ngồi nghỉ ở các sofa cho yên tịnh hơn, sau khi hành lý đã gởi tạm vào phòng chứa đồ. Trong lúc vợ tôi còn chóng mặt ngồi nghỉ chờ phòng tôi mang máy ảnh ra phía bờ sông Thames và cầu Westminster đi dạo một vòng quan sát xem gần khách sạn có những gi?
Cách khách sạn vài trăm mét là tòa nhà County Hall có 6 tầng lầu, được biết bắt đầu xây năm 1911 nhưng mãi đến năm 1922 mới hoàn tất và vua George V khánh thành. Được dùng làm trụ sở cho Greater London Council (hội đồng thành phố London) suốt 63 năm sau đó bán lại cho tư nhân và hiện nay dùng như một thương xá trong đó có nhà bảo tàng phim ảnh (The Movieum of London), hồ nuôi cá (Aquarium), các quán cà phê và nhà hàng, có nhà hàng Nhật và tiệm ăn Buffet Tàu giá 7 Đồng Bảng Anh (Pound Sterling) mỗi người, hôm sau chúng tôi ăn ở đây, thức ăn tương đương với Chinese Buffet dở nhất ở Cali nhưng đông du khách vào ăn vì 7 Pound một bữa ăn ở đây được xem là rất rẻ mặc dù tính theo hối xuất hiện nay là 14 USD!
Cạnh bờ sông về phía Bắc là vòng quay London Eye, tôi thấy người ta sắp một hàng dài ngoằn ngoèo chờ để lên xem. Vòng quay có chiều cao 443 feet (135m), di chuyển rất chậm đứng từ xa mình tưởng nó không quay. Du khách đứng trong lồng kính nhìn xuống thành phố. Mỗi chuyến lên ngắm cảnh mất nửa tiếng đồng hồ và giá vé cho người lớn là 15 Pound.
Bến du thuyền, vòng quay London Eye và tòa nhà County Hall
Dọc theo bờ sông Thames du khách đủ mọi quốc tịch tấp nập như trẩy hội và địa điểm này được xem là nơi đông du khách nhất của London . Tôi băng qua cầu Westminster để sang phía có tháp đồng hồ Big Ben. Bờ sông cạnh đầu cầu, đối diện với Big Ben là cầu tàu Westminster Pier, bến của những chuyến du thuyền chạy trên sông Thames. Ở đây quy tụ nhiều hàng quán, có quán bán Hot Dog, mùi thịt nướng thơm ngạt ngào với giá mỗi cái là 3 Pound nhưng không gọi là Hot Dog mà gọi là Sausage. Trời xanh nhưng thỉnh thoảng nhiều cụm mây đen bay đến rơi xuống lất phất những hạt mưa Xuân và gió trên sông thổi bần bật khá lạnh nhưng vẫn không làm du khách nản lòng, họ chụp hình, kêu réo, cười nói rộn rã vui tươi. Khi thấy hình ảnh tháp đồng hồ Big Ben nhiều người tưởng là London nhưng thật ra nơi đây không nằm trong Thành Phố Luân Đôn (City of London) mà là thuộc Thành Phố Westminster (City of Westminster), cả 2 đều là “Quận” (Boroughs) trong 32 “Quận” của Đại Đô Thị Luân Đôn (Greater London) có dân số năm 2006 là 7,355,400 người.
Tác giả Trịnh Hảo Tâm trong khu Phố Tàu Soho London
Đến Westminster Luân Đôn lại nhớ về Westminster Cali nơi có Little Saigon. Westminster chính gốc Luân Đôn chỉ có Fish And Chips và Hot Dog trong khi Little Saigon thì đủ mọi món ngon vật lạ. Westminster Cali có Little Saigon trong khi London lại có Little Hanoi. Nói về Hà Nội là phải nói tới 36 phố phường và thịt chó Quảng Bá Hồ Tây. Không biết Little Hanoi ở London có những món ngon...ngày ấy hay không?
TRỊNH HẢO TÂM
No comments:
Post a Comment