Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.” (Ca dao)
Khi lúa đã gặt xong cũng là mùa chim cu tìm bạn, chúng gọi nhau tíu tít ở các cánh đồng, cũng là lúc nông dân Trà Vinh chuẩn bị ăn Tết. Ðầu tháng Chạp không khí đã rộn ràng trên phố xá chợ Trà Vinh. Các tiệm sách như Nam Cường, Ngọc Minh, Nam Huê, Kim Anh, Thanh Tâm đã treo những tấm lịch màu sắc rực rỡ, vui tươi in hình những thắng cảnh miền Nam như Chợ Bến Thành, Lăng Lê Văn Duyệt, nhà thờ Ðức Bà hay những nghệ sĩ cải lương, danh ca tân nhạc được nhiều người mến mộ như Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Túy Phượng, Kim Vui, Kim Tuyến...
Lịch muôn màu, muôn vẻ, người nào cũng xinh, cô nào cũng đẹp. Ngoài lịch tháng khổ lớn, còn lịch nhỏ gỡ từng ngày như Lịch Tam Tông Miếu hay lịch sách của các tờ báo. Ngoài lịch, dân Trà Vinh ăn Tết còn phải đọc báo Xuân nên các tiệm sách cũng bày la liệt những tờ báo Xuân khổ lớn. Hình bìa báo Xuân cũng trình bày đẹp đẽ không thua gì lịch vì nhiều người mua báo Xuân cũng vì thích tấm hình bìa. Báo Xuân Sài Gòn Mới và Phụ nữ Diễn Dàn của bà Bút Trà đưa cả hình của ái nữ là cô Kim Châu làm hình bìa vì cô cũng là một nhà văn được nhiều người mến mộ. Các dãy phố quanh chợ, các tiệm bazar như Tường Ký, Kim Chung, Dũ Long, Triều Hưng Lợi, Công Bình... ban đêm đốt đèn sáng rực.
Hàng hóa được trưng bày nào là áo lạnh, áo thêu, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay, radio xách tay, đèn pin, viết máy, đèn ngủ, tượng thờ... Các tiệm bách hóa khác bán hàng hóa thông dụng hơn như Quãng Dũ Thành, Công Hưng treo những tranh in tứ thời trên giấy dài hay tranh cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh Chém Chằng để các vùng quê người ta mua về dán trên vách đến khi vàng úa thì thay tranh khác. Ðồ trang hoàng trong những ngày Tết còn có những sợi bông giấy dúng như đờn accordéon tua tụi, nhiều màu kết cờ những nước trên thế giới để treo trên trần nhà. Những tiệm này còn bán cờ tướng, cờ cá ngựa, bộ bầu cua cá cọp, pháo v.v... Sang qua những tiệm chạp phô, hàng xén như Nghĩa Hưng Long của ông Ban Ngô Khương, La Xương Ký, Kê Ký, Chú Cấy thì quang cảnh còn nhộn nhịp hơn nữa, đậu xanh, đậu đen, đường thẻ, đường cát, bột mì, bột bán, bột khoai, bún tàu, hột dưa, chà là, mứt bí, mứt dừa đựng trong những thùng thiết, những bao bố tời để tận ra tới hàng ba.
Những tiệm chạp phô này thường là đại lý bổ hàng sỉ từ Chợ Lớn nên họ phải làm luôn việc phân phối về các chợ quận, quang cảnh thật tấp nập, kẻ ra người vào, cân đo đong đếm, vác lên xe hàng, chất lên xe ba bánh. Thật là chộn rộn, đông vui, háo hức! Người người chuẩn bị đón Xuân, nhà nhà lo ăn Tết! Những tiệm bánh, tiệm rượu như Hiệp Phong, Vĩnh Xương, Minh Lợi, Minh Phát, những tiệm trà như Vinh Phát hiệu con cua, Cẩm Ký hiệu con khỉ, bánh hộp, rượu ngoại quốc mắc tiền để đầy chật tủ.
Những tiệm radio và sau này có thêm truyền hình như Huỳnh Ðịnh Ký, Thanh Quang, Phục Hưng mở radio với âm thanh thật lớn phát những bản nhạc Xuân như Ly Rượu Mừng, Ðón Xuân, Câu Chuyện Ðầu Năm... khiến cho không khí càng thêm tết. Các tiệm vải như Tường Nguyên, Tín Nguyên, Lưỡng Phước, Lưu Nhuận Thái khách hàng chật tiệm để mua vải về may hay đem đến những tiệm may để cắt những bộ Âu phục vừa ý. Các tiệm may thật đắt khách, thợ may bận rộn suốt ngày, nhiều nơi phải đốt đèn sáng may đến một hai giờ khuya.
Nhiều tiệm may đến hai mươi tháng Chạp là từ chối không nhận đồ may nữa. Những tiệm may gần chợ là các tiệm Hồng Huỳnh, Kim Toàn, Minh Vân, Văn Minh... Trà Vinh cũng có hai, ba tiệm đóng giày tập trung gần ngã tư tiệm radio Huỳnh Ðịnh Ký, gần Tết các tiệm này rất đắt khách không thua gì các tiệm may. Sang đến các tiệm vàng, thường tập trung xung quanh chợ như các tiệm Ngọc Thành, Hiệp Thành, Phước Thành, Tín Thành, Thuận Quang, Kim Cương, Kim Huê, Việt Hưng... nữ trang làm sẵn bằng vàng 18 trưng bày trong những tủ kiến, rọi đèn vàng hực, trông rất lộng lẫy.
Người ta sắm nữ trang trước đeo ăn Tết, sau là làm của vì vàng rất dễ bán mỗi khi túng hụt cần tiền. Gần đến ngày Tết, khoảng 25 tháng Chạp trở đi các tiệm hớt tóc, uốn tóc rất đông khách vì ai cũng muốn có một mái tóc mới để đón mừng năm mới. Thường trong những ngày này hớt tóc cũng uốn tóc đều tăng giá nhưng không ai phàn nàn vì "một năm mới có một lần". Phố phường cận Tết người ta đi lại rất đông, trong các tiệm nước bán cà phê, hũ tíu cũng chật khách hàng. Những tiệm gần chợ là Túy Hương, Hớn Hồ, Lạc Viên, Vĩnh Lạc, ở bến xe đò là Ðông Mỹ, Vinh Lạc, Dân Chúng. Gần rạp hát là Hồng Lạc, xa hơn một đổi là Hồng Hoa Lệ. Buổi chiều các tiệc tất niên được tổ chức ở các nhà hàng như A Lý, Hương Lan, quán nhậu Lai Rai ở Tri Tân, xe gắn máy dựng chật đường và người ta ăn uống rất tưng bừng, náo nhiệt.
Trước bến xe đò là quán cơm Ban Mai, cơm bình dân nhưng nấu rất ngon, quân nhân, công chức độc thân thường ăn cơm tháng ở đây. Kế đó trước cửa Chùa Ông Bổn là một xe cháo trắng và những xe thịt phá lấu, bò viên, hương vị rất thơm ngon.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjMNPAcR5VZJqNNilLjvE8Qiiz0KlDtcW1AGqmZd1oLTfZiOfN8sXNmeb_DgKJu7WUbCLP3Z0p8xezd2C7giVu0M5pGENwYxsHVjjNSDkGIe3hy_NeIADNMpJEwWLc-v0prjMFQBC4Kch4/s320/02chohoa1.jpg)
Chợ Tết Trà Vinh
BA ÐÊM CHỢ TẾT
Chợ đêm Tết luôn luôn nhóm 3 đêm, bắt đầu từ đêm 27, nếu năm nhuần không có 30 thì bắt đầu nhóm đêm 26. Trước ngày chợ đêm nhóm, nhà cầm quyền tỉnh đã cho vẽ những lằn vôi trắng ấn định chỗ bày hàng và lối đi cũng như giăng đèn ở phía ngoài nhà lồng chợ cho sáng sủa. Chợ Trà Vinh có 3 nhà lồng, nhà lồng phía trên gần bùng binh thì bán vải. Những sạp vải trong chợ cố định, ban đêm nếu không bán người ta cất vải dưới sạp, khóa lại. Những sạp vải hay những gian hàng bán tạp hóa, đường đậu, kim chỉ phía ngoài nhà lồng, ban đêm phải đẩy sạp về.
Nhà lồng thứ hai bán thịt, nơi đây có những thớt thịt đặt trên cao cho vừa tay người bán và mỗi thớt được ngăn cách bằng lưới sắt, có lẽ để ngăn ngừa trộm thịt. Chợ này cũng bán luôn thịt chín như thịt heo quay, vịt quay, lạp xưởng. Chợ cuối cùng gần bờ sông là chợ cá. Chợ cá thì trống rỗng, không có quầy hay sạp gì hết. Người bán đựng cá trong rổ hay thau nhôm và ban đêm chợ cá biến thành rạp chiếu bóng của ông Huỳnh Ðịnh Ký, lấy tôn dừng lại che kín bốn bề, cũng có ghế ngồi đàng hoàng.
Phim thì chiếu những phim cũ mà Sài Gòn đã chiếu trước đó cả năm. Phim Âu Mỹ, Tàu, Ấn Ðộ gì cũng có và cả phim Việt Nam như phim "Phật Thích Ca Ðắc Ðạo" với tài tử La Thoại Tân đóng vai Phật và phim "Lý Chân Tâm Anh Hùng...Cỡi Củi"! Du khách đến Trà Vinh thường thấy những băng ngồi xi măng đề chữ nhà thuốc Lâm Thành Ý tự Em Ba Ý đều muốn biết nhà thuốc này to lớn thể nào mà quảng cáo khắp Trà Vinh. Nhà thuốc không to lớn, đồ sộ như người ta tưởng mà chỉ là một căn phố lụp xụp bên hông chợ cá, bán đủ thứ hàng mà lại đốt đèn dầu leo lét vì không mắc điện!
Bên ngoài ba nhà lồng người ta bày bán đủ thứ nhưng cũng chia ra khu vực từng loại mặt hàng. Miếng đất tráng xi măng có nền cao gần các tiệm vàng là các xe hủ tíu, mì, cà phê, nước đá. Trước chợ ban ngày bán bông, trái cây, ban đêm bán đồ ăn như bánh mì thịt, xá xíu, phá lấu, kem, sâm bổ lượng, bánh giá, bánh bò, bánh tiêu, xà cháo quảy. Bên hông chợ ban ngày bán những món ăn hàng cho các bà nội trợ như bún, chè, cháo, bánh canh, xôi, bắp nấu. Ban đêm thì để trống nhưng trong 3 đêm chợ Tết thì nơi đây bán rau cải, gà vịt, bầu bí, khoai bắp. Sau nhà lồng bán thịt là nơi bán đồ đan bằng tre như rổ, thúng, nia, sàn, nôm cá, chiếu, chén bát và vật dụng nhà bếp.
Bên hông chợ cá trong những đêm chợ Tết là chợ dưa hấu vì gần bến sông. Dưa hấu Trà Vinh được trồng miệt Ba Ðộng, Long Toàn, trái tròn có vỏ màu xanh đậm, ruột đỏ, bón bằng khô cá nên rất ngọt. Dưa hấu được chở lên chợ Trà Vinh bằng ghe nên chợ dưa nằm gần bờ sông cho tiện bề chuyển vận. Dưa hấu là một thứ không thể thiếu trong ba ngày Tết để chưng cúng trên bàn thờ ông bà. Dù cho có nghèo không tiền sắm Tết, người ta cũng phải mua một cặp dưa hấu để trên bàn thờ.
Dọc bờ sông là chợ Bông, cũng giống như dưa hấu, bông cũng được chuyên chở bằng ghe. Thường bông được trồng ở xóm ngoài Vàm, cách chợ chỉ vài ba cây số nhưng cũng có những người trồng bông ở xa hơn, tận bên Cái Mơn Bến Tre. Chợ bông rất tấp nập vừa người mua cũng như người đi xem. Những tiệm buôn nhất là các tiệm vàng thường phải mua bông để trang hoàng cửa tiệm trong những ngày Tết. Hoa mắc nhất là những chậu Mai vàng nở đúng trong ngày Tết, kế đến là Thược dược, Cúc đại đóa có nhiều cánh, cây Tắc có những trái chín vàng, những cây Ớt kiểng đầy trái đỏ và rẻ nhất là bông giấy, bông Vạn thọ vì dễ trồng. Thanh niên đi học Sài gòn về ăn Tết hay đi từng nhóm với bạn bè, vừa xem hoa Tết cũng vừa ngắm những bông hoa biết nói các cô gái Trà Vinh. Sinh viên đại học đi học ở Sài Gòn thời ấy rất có giá, nhiều nhà giàu sẵn sàng gả con cho những người đã có Tú Tài đôi.
Chợ đêm rất đông vui, náo nhiệt nhất là những năm cho đốt pháo, tiếng pháo lẻ nổ đì đùng. Các cô gái giựt mình la oai oái còn các thanh niên nghịch ngợm vui cười thỏa thích. Người ta đi chợ suốt đêm, xe đò, xe lam 3 bánh chạy suốt sáng, chở người, chở hàng hóa từ các vùng quê lên chợ và ngược lại. Những năm trúng mùa lúa dân quê càng ăn Tết lớn, mua sắm càng nhiều.
Sáng 30 Tết quang cảnh đã có vẻ nhộn nhịp, hối hả. Xe chạy đầy đường và bóp chuông, bóp còi inh ỏi. Ai nấy đều hấp tấp muốn xong việc đang làm về nhà sớm để dọn dẹp nhà cửa, sân vườn chuẩn bị nghi thức Rước Ông Bà, Cúng Giao Thừa. Mười hai giờ trưa khi tiếng còi hụ phát ra từ Nhà Việc Làng Long Ðức là mọi người buôn bán trong chợ hối hả dọn dẹp hàng hóa để về nhà. Những thầy phú lít thổi tu hít đốc thúc bạn hàng phải dọn cho nhanh để nhân công hốt rác còn dọn dẹp. Rác thật là nhiều có luôn những rau cải, trái cây héo dập người bán bỏ lại ngoài chợ không muốn "chở củi về rừng".
Dưa hấu và bông Tết nếu còn thì bán giá rất rẻ. Nhiều người ít tiền chờ đến trưa 30 để mua đồ Tết cho rẻ. Có những năm hàng ít mà người mua đông, những người chờ đến giờ chót mới mua, đành xách giỏ không ra về! Phố xá người ta thu dọn, rữa nhà, rữa cửa và bày biện bông hoa, bánh mứt, rượu trà trên bàn. Ðến chiều đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng vài tiếng pháo nổ đì đùng đâu đó. Ở bến xe đò, vài chuyến xe khách cuối năm đỗ khách xuống. Ðó là những người từ phương xa về ăn Tết muộn. Tay xách nách mang những túi quà để biếu người thân hay đôi khi chỉ là những ổ bánh mì làm quà cho lũ nhỏ. Ba giờ chiều, tiếng trống lân đã văng vẳng từ xóm Lò Heo. Hai ba đoàn lân xuất hành, dừng lại trước chùa Ông Bổn để lạy ba lạy rồi tới dinh Ông Chánh Tỉnh múa ra mắt, chúc Tết Tỉnh Trưởng sau đó trở về xóm Lò Heo. Buổi chiều 30 Tết là một buổi chiều đoàn tụ, những đứa con đi làm ăn xa đã trở về ngồi quanh bếp lửa nấu bánh tét. Dưới ánh lửa hồng ấm áp, ông bà, cha mẹ, con cháu hàn huyên những mẫu chuyện vui buồn trong năm, nhắc nhở những kỷ niệm gia đình ngày nào.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiW7br_MUg4i3A1TeA_8ky7X1E1kQKNPxJwbMV-M9iQZdRzrbYCbTZG7_MwknNN9Ha0dOuFelxvrJ7Hd9VCVr_6vNhU2T_gIRyqAmMkMrSeXMci0zdnXY7l3N43ERYYzePM05M_F2RTX2s/s320/benchoTV.bmp)
Bến sông chợ Trà Vinh
Giờ giao thừa đến, pháo nổ vang rền khắp mọi nơi, mùi trầm hương ngào ngạt khắp không gian. Trên bàn thờ gia tiên khói bay nghi ngút, người ta đang cúng giao thừa, rước hương linh ông bà, cha mẹ trở về ăn Tết. Giờ giao thừa cũng là thời khắc người ta tin rằng là giờ bàn giao giữa con vật cầm tinh cho năm cũ và năm mới. Sau khi cúng giao thừa xong, nhiều nhà giữ tục lệ đi chùa để cầu Trời Phật phù hộ cho năm mới an vui, may mắn. Những chùa như Phước Hòa trên đường Cây Dầu Lớn, Chùa Long Khánh mé sông gần chợ, chùa Lưỡng Xuyên ở Thanh Lệ, chùa Tịnh Ðộ ở Long Bình đông đảo người đến hái lộc, xin xâm cho đến gần sáng.
Sáng Mồng Một Tết quang cảnh phố xá vắng vẻ hơn ngày thường, chợ búa không nhóm, bến xe trống trải không một chiếc xe đò nào. Không khí thật yên tĩnh chỉ mùi nhang trầm tản mác khắp nơi. Lâu lâu một tràng pháo nổ giòn. Khi nắng đã lên người ta bắt đầu ra đường để đi chúc Tết, mừng tuổi lẫn nhau. Ai cũng mặc quần áo mới, giầy mới, guốc mới. Ngoài đường tiếng guốc khua trên mặt lộ nghe rộn rã.
Có những người quanh năm không mang guốc hay giày, bây giờ mang vào thấy đau chân nên tháo ra, xách trên tay đi cho thoải mái. Con nít xúng xính trong bộ đồ mới còn thẳng nếp dẫn nhau ra chợ mua đồ ăn sáng. Trong gia đình, con cháu mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Mừng tuổi là dịp để con cháu biểu lộ sự vui mừng vì cha mẹ, ông bà được sống lâu. Ông bà, cha mẹ được con cháu mừng tuổi thì đáp lại bằng những món tiền mới đựng trong phong bao nhỏ màu đỏ gọi là "lì xì". Nhờ những món tiền lì xì này mà con cháu mới có dịp quây quần với nhau để chơi "bầu cua cá cọp" hay bài cào thật là vui nhộn suốt mấy ngày Tết.
Ông bà lấy sự quây quần, chơi đùa của con cháu làm niềm vui an ủi tuổi già. Ngoài đường người ta đi chúc Tết lẫn nhau, chúc Tết hàng xóm, láng giềng cho có vẻ xã giao, lịch sự mặc dù ngày thường vì cạnh tranh nghề nghiệp không ưa nhau. Người ta chúc Tết người làm ơn, giúp đỡ cho mình, chúc Tết bà con họ hàng vai vế lớn hơn. Dân chúc Tết quan, quan nhỏ chúc Tết quan lớn. Các ty sở trưởng mặc đồ lớn, thắt cà vạt, hẹn nhau vào chúc Tết quan Tỉnh Trưởng.
Các chùa người ta đi cúng bái, cầu xin phước lộc thật đông. Tiếng chuông mỏ, câu kinh, tiếng kệ hòa quyện với nhau như khúc nhạc trầm bổng. Nhà thờ giáo dân đi lễ Mừng tuổi Chúa lúc 8 giờ, sau đó ông Trùm đại diện giáo dân chúc Tết cha sở. Trưa một chút cha sở lại đi thăm và chúc tết những giáo hữu già cả, đau yếu. Nhà thờ Tin Lành trên đường Cây Dầu Lớn mặc dù tín hữu không đông lắm nhưng cũng tập trung nghe giảng và hát thánh ca cho đến trưa. Ngoài chợ khi mặt trời đứng bóng thì người ta đi rất đông. Các quán cà phê, nước đá, xe mì, hủ tíu đều chật người ngồi ăn có khi khách còn phải đứng chờ bàn trống. Gần các tiệm vàng, các sòng "bầu cua cá cọp" tụ tập trên vỉa hè ăn thua rất huyên náo.
Các đoàn lân đến từng hiệu tiệm để múa chúc mừng gia chủ đầu năm và được gia chủ treo món tiền thưởng bằng những tờ giấy bạc mới ở trên cao kèm theo vài cọng xà lách xanh. Lân phải trèo lên một thân tre lớn chắc chắn để lên ngoặm tiền trong lúc ông địa đứng phía dưới tay phe phẩy quạt và chỉ chỏ món tiền sợ lân không thấy. Lúc lân múa đến hồi cao điểm, gia chủ đốt vài tràng pháo, tiếng pháo nổ dòn tan khiến cho lân múa càng hăng đúng với câu: "Lân gặp pháo, Rồng gặp mây". Pháo tốt phải là pháo nổ tiếng lớn và dòn, không lép, xác pháo phải tan thành từng mảnh nhỏ với sắc hồng ngập cả sân nhà.
Rạp hát bóng ở đường số 1, gần ngỏ vô xóm Lò Heo, một ngày chiếu liên tục từ sáng đến khuya vẫn đầy rạp. Chiếu trong mấy ngày Tết không phải một phim mà 4, 5 phim xen kẽ với nhau. Nội dung phim nào khúc đầu cũng éo le, gây cấn, trái ngang nhưng đến hồi kết cục phải là một đoạn kết có hậu, oán trả ơn đền, trùng phùng hội ngộ thì mới đắt khách. Ngày đầu năm khán giả tin rằng xem những vở tuồng vui, "happy ending" thì mới hên và hạnh phúc suốt năm. Ngày Tết nhân dịp gia đình đoàn tụ, người ta cũng thường tới các tiệm chụp hình để chụp một bức ảnh gia đình làm kỷ niệm.
Các cô gái độc thân muốn ghi lại nét đẹp tuổi thanh xuân cũng đến tiệm chụp hình, chụp một bức chân dung để tặng bạn bè, dán trong tập "Lưu Bút Ngày Xanh" với những dòng lưu niệm thật thà, cảm động: ‘Thân nhau mới tặng ảnh này, dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ đau lòng bạn thân!’. Những tiệm chụp hình thường phía trước có một tủ kiếng chưng những hình mẫu với những người đẹp xứ Trà Vinh trong tư thế đứng ngồi đủ kiểu. Nào nét mặt u buồn với cặp mắt nhìn xa xăm. Nào miệng cười tươi như hoa mới nở. Kiểu nữ sinh, áo dài trắng, tay nghiêng nghiêng nón, tay e ấp ôm cập táp trước ngực. Kiểu thể thao, áo thun, quần sọt, tay cầm vợt tennis, chân mang... guốc cao gót đứng nghiêng nghiêng. Kiểu nghệ sĩ ôm đàn guitar mắt mơ huyền nhìn về một khung trời xa xăm nào đó..
Những tiệm chụp hình kể từ hướng Tri Tân trở ra chợ là các tiệm Tân Tân, Hoa Nam, Phương Dung, Mỹ Lai, Nam Việt và Anh Hà dưới nhà đèn. Người ta còn rủ nhau đi chơi Xuân nhất là những nhóm thanh niên, thiếu nữ. Từng nhóm đi xe đạp, cỡi xe gắn máy hay bao xe lam để lên Ao Bà Om chụp hình, ăn mía, ăn bún nước lèo. Lên Càng Long viếng chùa Nguyễn Văn Hảo, vô chợ Vũng Liêm ăn bún nem chua. Khách du Xuân còn đi vườn dừa Thanh Lệ hay ra Vàm Trà Vinh hóng gió mát, đi Bến Ðáy, Ba Ðộng tắm biển, mua dưa hấu, đuông chà là...
Chiều tối trở về nhà, nếu ngán những món ăn hàng quán thì nhà nào trên bếp cũng đầy món ăn như thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, dưa cải. Canh xà bần cải nấu với giò heo, lòng heo. Ngoài ra còn bánh tét nhưn chuối, nhưn đậu, bánh ít nhưn đậu, nhưn dừa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Người dân Trà Vinh ăn Tết như vậy suốt 3 ngày. Sáng Mùng Bốn Tết chợ bắt đầu nhóm trở lại nhưng rất lưa thưa cho đến trưa thì cũng tan chợ vì người ta vẫn còn ăn Tết. Nhiều người ăn Tết kéo dài cho đến hết Mùng Mười hoặc ăn luôn nguyên tháng cho đúng câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai trồng đậu, tháng ba trồng cà...”
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiLf1zispdBDqyZ9sve6TFCODn04sHAo9EyKU6NepZMCilvBiU_4R8Qw0GA3PLPq5Al55-jDpDvylIDrSp0mhC2b4C0LJhAOKcnWA3ogJf1rrzD1_hE7o5rDezJ7UOo5DVYLiXlp80R_yg/s320/TiemHiepPhong.jpg)
Những cái Tết Trà Vinh ngày trước, bây giờ đều trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng quý báu và càng quý hơn nữa đối với những người Trà Vinh xa xứ, vì vận nước phải ra đi sinh sống xứ người. Nay ăn Tết ở hải ngoại, nơi đây cũng đủ hết không thiếu món gì nhưng tất cả dường như nhạt nhẽo, không hương vị, thiếu vắng một cái gì đó. Có lẽ thiếu tình nước, tình quê đã bao năm ấp ủ chúng ta từ ngày còn nằm võng đong đưa kẻo kẹt trong những trưa hè. Nhắc lại những kỷ niệm, những hình bóng quê nhà với tâm tình cùng đồng hương giữ thơm quê mẹ. Nhắn gởi lại thế hệ con em rằng quê hương Trà Vinh là một nơi chốn rất đẹp, người dân rất chân tình, mộc mạc. Dù có nổi trôi chân trời góc biển nào, dù có nói bằng ngôn ngữ nào, đã gốc Trà Vinh thì Trà Vinh vẫn đợi chúng ta về…
TRỊNH HẢO TÂM
(Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Nhâm Thìn 2012)
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjYg83y3GPhLQ4gB-uCNNsvlj68sHXelWdc5L9RIHQnEZdjEgm3FrclfBnHjsqaZKI9DKfeBBWOfvHqDbQP6dD3TEU-_OCQbFFdfStkQpRdkLV4CB-JlE5OvVJDNGM435BeFyXxwTtLsNg/s320/aobaom.jpg)
Ao Bà Om một thắng cảnh của Trà Vinh
No comments:
Post a Comment