KÝ SỰ DU LỊCH
ĐƯỜNG ĐẾN VIENNA THỦ ĐÔ ÁO QUỐC
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Chúng tôi rời khách sạn Holiday Inn ở Passau là thành phố có 3 sông giao nhau gần biên giới Đức-Áo lúc 7 giờ 30. Buổi sáng mùa thu trời u ám nhiều mây, Passau vẫn còn đang ngáy ngủ chỉ có mấy cụ già trong áo măng tô ra phố uống cà phê và đi chợ trời mua rau cải, trái cây. Xe chúng tôi qua cầu trên sông Donau tức là sông Danube viết theo tiếng Đức, từ giã những nóc giáo đường đang mập mờ trong sương phủ để nhập vào xa lộ A8 đi về hướng đông là hướng các thành phố Linz và Wien (tiếng Anh là Vienna ). Con đường có ba làn xe mỗi chiều mặc dù là xa lộ xuyên Âu Châu và xe lưu thông cũng ít. Tốc độ trên xa lộ Đức không giới hạn có những xe BMW hay Mercedes phóng đến 180 cây số giờ (113 mile giờ) nhưng xe buýt chỉ chạy được 100 cây số giờ thôi và tài xế Đức rất kỷ luật họ lái xe rất thong thả, an toàn. Anh chàng tài xế xe chúng tôi tên Manfred người Đức gốc Ba Lan thỉnh thoảng còn dùng micro để giải thích những di tích lịch sử dọc hai bên đường và kể những chuyện tiếu lâm. Mỗi khi bắt đầu câu chuyện anh ta mở lời bằng hai tiếng “À zô” cũng như Nhật là “À no” và Mỹ là “Hmm”. Anh ta ghiền thuốc lá và chỉ phì phèo thuốc lá mỗi hai tiếng đồng hồ khi ghé những trạm xăng có quán cà phê cho chúng tôi đi nhà vệ sinh và xuống xe cho thư giãn. Nhà vệ sinh sử dụng phải trả tiền là 50 xu tiền Euro nhưng nhiều nơi nếu du khách mua đồ hay ăn uống, 50 xu này sẽ được trừ ra.
Nửa giờ sau tài xế thông báo đến biên giới Áo quốc. Trạm biên giới có những dãy nhà vắng vẻ treo cờ Đức và Áo và để cho nhân viên quan thuế qua lại từ bên này qua bên kia xa lộ, họ xây cây cầu vượt có mái che như dãy nhà phía bên trên xa lộ. Xe buýt chúng tôi không phải dừng lại mà cứ vọt qua, chỉ những xe vận tải hàng hóa lớn phải đậu lại mà thôi. Nước Áo có 8.2 triệu dân, ngôn ngữ cũng nói tiếng Đức nhưng nghe nói là tiếng Đức cổ, đúng và hay hơn tiếng Đức dùng bên Đức. Áo cũng nằm trong Liên Hiệp Âu Châu (Europe Union) nên cũng dùng tiền tệ là đồng Euro.
Phong cảnh trong nước Áo cũng giống như bên Đức, những đồng ruộng thoai thoải trồng cải mù tạt (mustard) vàng mượt cả cánh đồng. Những cánh rừng nho nhỏ cây cối um tùm rậm rạp nằm rải rác trên những sườn đồi. Những dòng sông lặng lờ chảy qua những ngôi làng lúc nào cũng có ngôi nhà thờ tháp cao ở giữa nhưng không thấy bóng người. Điều làm tôi ngạc nhiên là Âu Châu dân chúng sống thưa thớt trái với Trung Quốc thành phố nào cũng cả chục triệu dân, nơi nào người cũng đông di chuyển như những đoàn quân diễn tập. Đường chúng tôi đang đi nằm về miền bắc nước Áo nằm trong thung lũng sông Danube và con đường song song với dòng sông Danube chảy từ tây sang đông. Miền nam nước Áo là vùng núi Alps cao ngất có nhiều ao hồ mùa đông tuyết phủ nơi có thành phố núi Graz và Salzburg là quê hương của nhà soạn nhạc Mozart cũng là nơi quay những cảnh trong phim “The Sound of Music”.
Tài xế Manfred cho biết sắp sửa đi ngang qua một nhà dòng nơi đây làm rượu bia rất danh tiếng. Đầu tiên các tu sĩ cất bia để nhà dòng uống nhưng sau đó vì bia ngon nổi tiếng nên các thày dòng bán ra thị trường gây qũy cho tu viện. Ngôi nhà dòng xây trên đồi trông như một lâu đài cổ. Anh ta có nói tên nhưng tiếng Đức tôi không ghi lại được. Chúng tôi ngang qua phía nam của thành phố Linz là một thành phố lớn từng là cố đô nước Áo. Từ đây xa lộ đổi thành A1 và hai giờ sau đó chúng tôi đến ngoại ô thủ đô Vienna mà người địa phương gọi là Wien.
Thành phố Vienna
Về khía cạnh lịch sử, thành phố Vienna thành lập từ năm 500 BC, nguyên thủy là vùng định cư Celtic. Năm 15 BC là tỉnh tiền đồn của đế quốc La Mã chống lại các bộ lạc người Đức ở phía Bắc. Thời Trung Cổ là đế đô của triều đại Babenburg bị quân Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ xăm lăng vào thế kỷ 16 – 17. Đến năm 1805 là thủ đô của đế quốc Áo. Sau Đệ Nhất Thế Chiến 1918 là thủ đô của Đệ Nhất Cộng Hòa Áo. Áo bị Đức chiếm năm 1938 khai mào cho Đệ Nhị Thế Chiến và sau khi Đức đầu hàng, chiến tranh kết thúc chính quyền Áo tái lập ngày 27-04-1945. Sau 1945 Áo giữ thế trung lập. Sau chiến tranh lạnh kết thúc Vienna liên kết nhiều với các nước Đông Âu. Dân số Vienna 1 phần 3 có gốc Slavic hay Hung Gia Lợi, 50% theo đạo Thiên Chúa Giáo La Mã và 8% theo đạo Hồi.
Xe chúng tôi từ hướng Tây đi vào vùng ngoại ô thành phố bằng đại lộ Wiener-Bundesstrasse, con đường chạy cập theo con sông nhỏ chảy vào khu phố cổ quận 1. Xe đậu lại ở khu hoàng cung mùa hè Schonbrunn Palace để chúng tôi thăm viếng chụp hình cũng như đón bà hướng dẫn viên du lịch địa phương Vienna . Bà cũng nói tiếng Đức, người mảnh mai trên 60 tuổi, bà có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn chúng tôi trong khi tham quan ngắm cảnh ở thành phố Vienna . Chúng tôi đến đây lúc 10 giờ, du khách rất đông phải sắp hàng để mua vé. Điểm đặc biệt của cung điện này là hoàng đế nước Pháp Nã Phá Luân (Napoléon) đã từng ngự trị nơi đây.
Trịnh Hảo Tâm trước lâu đài Belvedere xây 1721 ở Vienna
Cung điện mùa hè Schonbrunn Palace sơn màu vàng hoàn tất năm 1700 dưới triều vua Leopold I bởi kiến trúc sư chuyên xây hoàng cung là Johann Fischer von Erlach. Hoàng cung được nới rộng dưới triều nữ hoàng Áo Maria Theresia và thời ấy có đến 2,000 căn phòng, có nhà nguyện và rạp hát riêng cũng như sở thú thành lập năm 1752 đuợc xem là sở thú đầu tiên trên thế giới. Nã Phá Luân sống tại đây từ 1806 đến 1809 và vua Francis Joseph I chào đời tại đây năm 1830 cũng như sống những năm cuối đời tại cung điện này. Cung điện được triều đại Habsburg dùng làm nơi nghỉ mát trong những tháng hè.
Tại sao hoàng đế nước Pháp là Nã Phá Luân lại sống trong hoàng cung nước Áo? Lật lại những trang sử Pháp thì được biết Nã Phá Luân có tên là Napoléon Bonaparte sinh năm 1769 tại đảo Corse ở miền Nam nước Pháp. Ông tốt nghiệp trường Quân Sự Hoàng Gia Pháp với chức vụ thiếu úy. Tham gia vào cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, vốn là một sĩ quan thông minh tài giỏi, ông từng lập chiến công với trận đánh ở quân cảng Toulon nằm ở miền Nam nước Pháp vẫn còn bị quân bảo hoàng và quân Anh chiếm đóng. Giải phóng được Toulon ông được thăng chuẩn tướng. Sau đó ông dẹp được bạo loạn tại Paris năm 1795 do những thành phần bảo hoàng gây rối và kể từ đó đường công danh của ông rộng mở.
Cách mạng Pháp làm chấn động cả Âu Châu, các thế lực phong kiến châu Âu liên kết để tấn công nước Pháp. Năm 1796 các nước Anh, Nga, Áo liên kết với nhau tập trung tấn công nước Pháp. Chính phủ Pháp phái 4 đạo quân ra chận đánh và Nã Phá Luân được bổ nhiệm làm tư lệnh đạo quân thứ 4 đánh sang nước Ý để ngăn chận quân Áo. Chỉ trong một thời gian ngắn ông đánh tan quân Áo tại Ý và tiến quân vào lãnh thổ nước Áo tới sát kinh đô Vienna làm Áo phải ký hiệp định đình chiến. Sau đó để ngăn chận sự bành trướng của nước Anh khi nước này đem quân từ Ai Cập tiến sang Ấn Độ, Nã Phá Luân được cử làm tư lệnh đoàn quân Đông chinh đã nhanh chóng đánh chiếm Ai Cập. Nhưng tại châu Âu tình hình chuyển biến bất lợi cho Pháp, quân Pháp bị đánh bại trên các chiến trường, các vùng đất tại Ý đều bị mất. Nã Phá Luân quyết định phải trở về Pháp.
Năm 1800 Nã Phá Luân thân chinh cầm quân vượt dãy núi Alps sang Ý đánh đoàn quân Áo tan tác tại trận Marengo. Sau thất bại đó liên quân Anh, Áo, Nga phải ký hòa ước Amiens trả lại Pháp những thuộc địa của Pháp trước kia. Ông đánh bại những kẻ thù của Pháp nên đầu năm 1804 ông tự thăng làm hoàng đế nước Pháp lấy hiệu là Napoléon Đệ Nhất. Năm 1806 nước Anh không cam chịu thất bại đã thành lập một liên minh mới chống Pháp nhưng đã bị Nã Phá Luân đánh bại tại Austerlitz. Thừa thắng ông chiếm luôn kinh đô Vienna của Áo và Áo phải gả công chúa Marie Louise cho Nã Phá Luân để cầu hòa. Đó là lý do tại sao Nã Phá Luân lại sinh sống trong cung điện Schonbrunn của hoàng gia Áo. Sau đó ông còn đánh nước Phổ (nước Đức ngày nay) và chiếm Berlin làm Nga và Phổ phải ký hiệp ước cầu hòa cử ông làm “bảo hộ liên bang sông Rhein” tức có quyền điều binh trong một vùng rộng lớn của nước Phổ.
Thời kỳ đầu những năm 1800 Nã Phá Luân được xem như là hoàng đế cả một vùng Tây Âu, ông mang danh hiệu vua nước Ý và phong người em mình là Louis Bonaparte làm vua Hòa Lan, người anh là Joseph Bonaparte được phong làm vua Napoli. Trong thời gian này ông ra lịnh phong tỏa kinh tế đối với nước Anh. Năm 1810 lợi dụng lúc hoàng gia Tây Ban Nha rối loạn, Nã Phá Luân đưa 30 vạn quân chiếm Tây Ban Nha và cử anh mình là Joseph làm quốc vương Tây Ban Nha.
Sau khi quân Pháp thất trận, trên toàn châu Âu các nước đã liên kết với nhau để chống lại Napoléon. Không khí chống Pháp nổi lên khắp nơi, năm 1814 liên quân Anh, Nga, Áo, Phổ và quân Pháp đánh nhau dữ dội tại Leipzig. Quân Pháp bại trận. Thừa thắng liên quân đã tấn công chiếm thủ đô Paris. Napoléon phải thoái vị và bị đày ra đảo Elba một hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải. Triều đình phong kiến Bourbon trở về nước Pháp bắt đầu chiếm lại đất đai đã bị mất trong cuộc cách mạng.
Một buổi tối tháng 3 năm 1815 Nã Phá Luân từ đảo Elba bí mật trở về Lyon . Triều đình Bourbon phái nhiều quân đoàn đến đánh nhưng tất cả đều hô to “Hoàng đế vạn tuế” rồi chạy theo ông. Ông trở lại ngôi vị hoàng đế mà không tốn một viên đạn nào! Tin tức Nã Phá Luân quay trở về khiến các nước châu Âu hốt hoảng, họ vội vàng liên minh với nhau kéo quân từ bốn phương tám hướng đổ về nước Pháp. Nã Phá Luân chỉ huy quân Pháp đánh bại nhiều cánh của liên quân tại Bỉ. Cuối cùng tháng 6 năm 1815, trong trận chiến tại Waterloo, quân Pháp bại trận trước liên quân Anh, Hoà Lan và Phổ, Nã Phá Luân buồn bã kéo quân trở về Paris, lần thứ hai ông bị buộc thoái vị và bị đày ra đảo Saint Helena tại đây ông đã sống cho đến năm 1821. Ngày 5-5-1821 vị hoàng đế Pháp một thời bá chủ châu Âu Napoléon I qua đời. Đến năm 1840 chính phủ Pháp đưa thi hài ông trở về Paris.
Đường phố Vienna
No comments:
Post a Comment