HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 7: CHÈO GHE TRỐN VÀO RỪNG U MINH
Bài và hình: TRINH HAO TAM
Ngày 3-12-1978 Năm giờ sáng ông bà Hai chèo xuồng trở
lại, bà Hai nấu nước pha cà phê để tôi và ông Hai uống. Tháng này trời còn tối
đen, mấy ghe xuồng đi chợ sớm, mái chèo quậy dòng nước sông nháng lên những ánh
sáng trông như ánh lửa. Nước sông ở đây từ trong rừng đổ ra, tích tụ lâu năm
cây lá rừng nên có nhiều chất lân tinh (phosphore) phát ra ánh sáng trắng xanh
như tia lửa xẹt. Đối với người ở vùng khác đến đây như chúng tôi thì lấy làm lạ
hiện tượng này.
Ông Hai ngồi uống cà phê nét mặt trầm ngâm lo lắng
nói với tôi: “Tao sợ chuyến này làm ăn khó êm xuôi lắm vì thiên hạ vượt biên qúa
nhiều nên tụi công an ở đây nó cảnh giác lắm. Tao có một thằng cháu nó làm công
an ở gần đây, tao định nhờ nó đi trên ghe với thằng Vui khi đem ghe mầy ra cửa ở
ngả dưới. Có thằng đó thì công an ở đồn biên phòng bớt nghi ngờ vì thằng đó
quen biết với tụi nó. Tao dặn thằng đó nói là có giang đi Rạch Giá thăm bên vợ.
Cũng đề phòng việc công an trên bót rủ rê thằng này ở lại nhậu nhẹt. Tao đã nhắn
với nó rồi nhưng sáng nay phải chèo ghe lên gặp nó, nếu thuận tiện thì chiều
nay đem ghe ra cửa và tụi mầy vào rừng đón, rồi sáng sớm ngày mai là tụi mầy đi
được.
Tôi hỏi về người tài công ở biệt khu Hải Yến đã nhờ
ông Hai móc nối thì ông Hai nói đã chuẩn bị xong, nó sẽ ra ghe bằng xuồng của
nó trước khi trời hừng sáng. Rồi ông Hai xuống ghe tam bản bươn bả chèo đi miệt
phía trên.
Xế trưa thằng Lâm con ông Hai và thằng Vui rể ông
Hai lái chiếc ghe biển số MH3637 của nó đi ngang. Tụi nó đi lên ghe lớn của tôi
đậu khuất trong rạch vô ruộng để cho thằng công an cháu ông Hai, thằng Hùng con
út ông Hai, thằng Thanh 14 tuổi cháu của tôi, và Vui là người điều khiển ghe
này ra cửa. Có nghĩa là Cá Mập ra cửa biên phòng chiều nay với 2 người lớn và 2
đứa nhỏ.
Khoảng 3 giờ chiều nhìn lên miệt sông trên, tôi thấy
ghe Cá Mập của tôi từ rạch ruộng tiến ra sông Ông Đốc và đi ngược dòng sông để
ra cửa dưới cách đó 6, 7 cây số. Nó đi được một khoảng thì chạy trở lại, tôi
không biết có chuyện gì? Sau này mới biết là lúc đó tụi nó quên mang theo giấy
tờ ghe MH3637 dùng cho Cá Mập khi ra cửa nên trở lại lấy.
Môt lúc sau thì Lâm lái chiếc MH3637 ngang qua ghe
tôi, thấy chỉ có một mình nó đứng lái. Tôi hỏi nó ra sao thì nó chỉ gật đầu rồi
lái đi thẳng về làng. Ông Hai một chốc cũng chèo xuồng trở lại và ổng nói chiều
nay khi cơm nước ở đây xong thì sẽ đem 2 ghe này với chúng tôi trên đó tiến vào
gần làng hơn. Chờ cho thằng cháu công an từ biển lội lên cho hay đã đem Cá Mập
ra được rồi thì 3 ghe bọn tôi sẽ chui vào rừng U Minh ngay. Còn ghe anh Tư Phúc
đã chở cánh Lê Xâu lên nhà Vui ở trong làng thì ổng chưởi thề nói là tụi nó lên
nấu cơm, làm gà vịt ăn rần rần, sợ lối xóm nghi quá! “Điệu này chắc tao bỏ Lê
Xâu lại quá, khi không lên xóm làm chi!”
Thế là 2 ghe bọn tôi nấu cơm ăn nhanh lên. Dọn dẹp
xong nồi niêu, chén bát và thu xếp hành trang để chuẩn bị lội rừng. Ông Hai cho
máy ghe tôi nổ còn người thì ngồi xuống dưới khoang hết. Chạy được một khoảng
thì thấy xóm nhà đầu làng Ông Đốc và nhìn ra cửa sông thấy biển chạy tận chân
trời thì bổng nhiên máy Yanmar ghe tôi hụt hặc rồi tắt lịm. Kéo mấy hơi nó cũng
không nổ được. Bất ngờ lúc đó có một xuồng đuôi tôm nhỏ ở hướng trên về đi
ngang qua. Thấy ông Hai họ kêu lên um xùm và hỏi về hồi nào, bao lâu sẽ trở lên
Cần Thơ? Hỏi ghe hư thế nào mà máy không chạy? Họ đòi kéo dùm về làng. Ông Hai
từ chối khéo nói không sao đâu bị quên châm dầu để rồi sẽ về sau và may mắn xuồng
đó rời đi. Khi qua rồi thì ông Hai nói đó là mấy đứa em thằng Vui rể ông. Ông sợ
là tụi nó về làng nói gặp ông dọc đường, muốn lánh mặt mà điệu này chắc chiều
nay phải xuất đầu lộ diện cho dân lối xóm thấy!
Máy nổ không được thì phải chèo tay, chèo đến gần
làng thì ổng nói tụi bây đậu rải rác ra ở đây để tao về nói là ghe hư phải chèo
xuồng nhỏ về. Ổng chưa kịp đi thì thằng bộ đội Niên chèo ghe ra cho biết là em
của Vui về làng nói um xùm. Nói là thấy ông Hai chở một đám đông người Sài Gòn
chắc là định vượt biên đi ngoại quốc? Ông Hai hết hồn, ổng kêu Niên ở lại đây
đem tụi tôi vào rừng còn bà Hai ổng kêu đi kiếm Tư Phúc và cánh Lê Xâu ngay để
tập trung tại đây. Bọn tôi một tốp dồn lên ghe Tư Phúc, một tốp qua ghe đuôi
tôm của Thời, Son còn ổng chèo ghe tôi hư máy về cho xóm làng thấy. Ổng tính
toán và ứng phó tình huống rất nhanh chắc vì có kinh nghiệm trước đây sơ tán du
kích khi quốc gia hành quân.
Nửa giờ sau ghe anh Tư Phúc đến, ảnh không có mặt
trên ghe mà do bà Hai lái đến chở gia đình ông Lê Xâu. Rồi một tốp người trên
ghe tôi chuyển qua ghe đó, một tốp dồn qua xuồng đuôi tôm của Thời, Son. Còn
gia đình tôi và vợ chồng em gái cùng đứa cháu hơn 1 tuổi lên xuồng do bộ đội
Niên chèo. Xuồng nhỏ mà chở nhiều người nên nó chịu không nỗi và vô nước. Bọn
tôi ngồi yên không dám nhúc nhích vì sợ xuồng lật mặc dù chèo cặp sát bờ sông
nhưng cũng khá sâu vì ngày hôm qua tôi nhảy xuống tắm sát mé mà vẫn ngập đầu
như thường!
Thấy nguy hiểm cho mấy đứa nhỏ nên tôi kêu thằng
Niên chèo lại gần ghe Tư Phúc do bà Hai lái với máy F10 còn nổ tốt. Gia đình
tôi qua đó thì ghe đã chật ních người, tôi phải đứng phía sau gần bánh lái kế
bên bà Hai. Trời đã sẫm tối, nhà hai bên bờ sông đã lên đèn dầu leo lét và lúc
đó đi gần đến xóm nhà của dân miền Bắc mà chính quyền VC mới đem vào để khai
phá rừng làm ruộng, nghe tiếng họ giọng miền Bắc kêu nhau ơi ới.
Thằng Niên chèo xuồng một mình dẫn đầu, tôi lại sang
ghe của Thời, Son với máy đuôi tôm Kohler 7 mui lợp lá cũng chật ních người.
Ghe này đi kế tiếp và ghe bà Hai với gia đình Lê Xâu đi ở đàng sau chót. Đến
xóm người Bắc thì rẽ vào con rạch nhỏ để đi vào rừng tràm đước nhưng khi đi
ngang dưới cầu gỗ thì ghe tôi lại vướng vào một đáy cá giăng dưới cầu, chân vịt
máy đuôi tôm quay không được, Thời phải lặn xuống gỡ ra, trong lúc đó bọn tôi lấy
một cái mùng trùm lên trước mui ghe nơi cửa ra vào để dân trong xóm ra không thấy
bên trong ghe nghẹt người! May mắn trời tối họ không để ý tưởng ghe trong xóm
đi chợ về muộn hoặc ghe đi đốn củi trong rừng.
Gỡ được lưới đáy mà không gặp rắc rối nào, bọn tôi
toát mồ hôi lạnh và tiến dần vô con rạch hẹp. Đi một lúc không thấy ghe bà Hai
đến nên chúng tôi chậm lại để chờ. Phía trước mặt giữa rừng lại có một mái nhà
đốt ngọn đèn dầu nơi đặt vó cá trước nhà. Chúng tôi sợ nhà có người sẽ phát hiện,
may là lúc đó bọn con nít vì thấy mọi người sợ hãi nên cũng nín re không dám
khóc. Ghe bà Hai tiến đến, bà hỏi thằng Niên tới con rạch vào rừng chưa? Con rạch
này sẽ dẫn chúng tôi băng rừng để đi về hướng Tây mà ra bãi biển. Bộ đội Niên
theo lệnh ông Hai phân công trước đây đã vô khu rừng này điều nghiên thám sát,
xem nhà cửa dân chúng thế nào, có trạm gát công an, dân phòng gì hay không?
Kế hoạch ban đầu là các ghe chúng tôi vẫn đậu ngoài
sông Ông Đốc, chờ khi đem được Cá Mập ra biển mới lội vô rừng mà ra ghe. Neo
ngoài sông vẫn là chuyện bình thường của dân nghèo như đi lấy cũi bán, đi làm
ruộng mướn, ít bị nghi ngờ. Nhưng tình hình lúc này lại khác, là trong xóm có
thể đã nghi ngờ nên chúng tôi phải vào rừng ẩn náu, ông Hai trở về nhà như
không có chuyện gì. Ẩn náu trong rừng khá nguy hiểm vì dân chúng có thể bắt gặp,
công an đi tuần bất ngờ cũng phát hiện và khó khăn cho ông Hai để liên lạc. Khổ
một cái là nằm trong vùng nguy hiểm mà không biết Cá Mập ra biển được hay chưa?
Đang chờ ông Hai liên lạc với bọn thằng Lâm, thằng cháu làm công an đi theo Cá
Mập. Mong cho Cá Mập đã ra khơi là chúng tôi lội rừng ngay ra ngoài đó.
Đàn muỗi rừng U Minh vẫn tấn công tới tấp, tôi mặc áo lính vải kaki mà chúng vẫn chích được. Hôm nay ở thành phố gần tới mùa Giáng Sinh, nơi rừng sâu này nhìn lên những cây tràm, mắm, hàng ngàn con đom đóm đồng loạt chớp tắt ngọn đèn dưới đuôi chúng cùng một lúc, không khác gì những cây Giáng Sinh trang hoàng nơi thành phố. Tìm một hy vọng yên bình trong đêm trốn tránh cực kỳ căng thẳng lo âu.
No comments:
Post a Comment