HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 11: GIỮA HAI LẰN RANH SINH TỬ TRÊN BIỂN
Bài và hình: TRINH HAO TAM
Không hiểu làm sao ghe lại chạy ngược vào bờ? Lẽ ra
trước mũi ghe phải là biển rộng mênh mông với chân trời mù xa tít, đằng này trước
mũi ghe là rừng U Minh cây dày đặc! Tôi giành tay lái rú ga lên thì ghe lại
quay một vòng tròn 360 độ như chong chóng xoay. Tôi sợ hệ thống điều khiển bánh
lái hư như đứt hoặc kẹt dây xích cáp, kêu Thời ra phía sau bánh lái xem trong
lúc tôi xoay vòng tay lái. Thời nói vẫn hoạt động bình thường, không có vướng
hoặc kẹt đồ vật nào hết. Tôi nghĩ là ghe mắc cạn, chân vịt và bánh lái nằm dưới
lớp bùn sình dưới đáy biển. Cùng lúc đó lại có hai ghe thả lưới cào chạy tới mà
ghe tôi lại không có bảng số, không treo cờ “tổ quốc”. Tôi đem lon nước sơn định
vẽ số đăng bộ 3637 nhưng chưa kịp vẽ! Nếu họ nghi ngờ là ghe vượt biên mà tôi lại
mắc cạn ở đây thì chỉ có nước chết! Tôi tống ga lên, sình non phía sau lái nổi
lên cuồn cuộn và may mắn thay ghe lại vọt đi được! Nghĩa là ghe bị mắc cạn vì
sình non.
Tôi xem lại la bàn để trước mặt và đưa ghe tiến về
hướng Tây có chữ W 270 độ rồi từ đó băng băng đi ra. Hai ghe cào đi cập theo bờ,
nếu có rượt, rượt cũng không kịp. Sau khi bỏ họ khá xa, tôi trở lại vận tốc khoảng
nửa ga, không dám chạy nhanh vì sợ máy hư. Nếu là tài công có kinh nghiệm bị mắc
cạn như vậy là chuyện bình thường nhưng đối với tôi và Thời trong hoàn cảnh này
thật là lên ruột!
Trời bắt đầu mưa lất phất và u ám mây đen. Phía Bắc
nằm cạnh bờ rừng là hòn Đá Bạc chỉ thấy tảng đá lớn màu trắng có lẽ do phân
chim. Theo dự trù chúng tôi sẽ đi chếch lên theo hướng Tây Bắc để tránh 2 hòn,
hòn Chuối và hòn Buông nằm cách bờ 17 hải lý vì sợ có công an biên phòng hay hải
quân đóng trên đó. Nhưng khi lái theo hướng này thì sóng đánh ngang dữ dội, mấy
lần ướt cả boong tàu, vì để thông gió sợ dưới hầm ngộp nên không có đậy nấp hầm,
khiến nước rớt xuống làm những người dưới đó ướt loi ngoi. Sau đó tôi phải
nương theo chiều sóng gió mà đi theo hướng Tây Nam. Vì sóng to gió lớn, ghe lại
nhỏ chao đảo lung tung nên trên la bàn chúng tôi không giữ được môt phương độ
nhất định nào. Sau nhiều lần bị sóng phủ ngang, đại úy Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn
Hồng Son nghiên cứu thấy rằng nếu đi trong khoảng 2 con số 210 và 240 thì an
toàn, ghe xuôi theo sóng gió, không bị sóng đánh ngang.
Đến 10 giờ sáng ghe chúng tôi đi ngang qua Hòn Buông
nằm bên trái và cách nó rất gần chừng 2 km, thấy có vài căn nhà tôn có lẽ là đồn
lính. Dưới cầu tàu bằng ván thô sơ chỉ vài chiếc ghe nhỏ không đáng ngại. Tuy
chúng không ra bắt mình được nhưng họ có đại liên hay trọng pháo có thể bắn ra,
trong khi ghe mình rất khã nghi vì không bảng số, không treo cờ, giống như một
ghe lưu thông bất hợp pháp!
Lúc đó từ hướng ngược lại có một tàu vỏ sắt treo cờ
đỏ sao vàng chạy đến, có lẽ chở hàng hóa gì đó, tôi nghị là chạy nội địa vì tàu
nhỏ, lớp sơn cũ kỹ, chắc là từ Sài Gòn đi Rạch Giá thôi chứ không có qua tới
Bangkok. Ngang qua chúng tôi cũng không thấy ai ra dòm hay vẫy tay chào!
Qua khỏi hai hòn thì sự che gió Đông Bắc của bán đảo
Cà Mau không còn hữu hiệu nữa nên sóng gió càng mãnh liệt hơn. Tôi đoán chừng
là cấp 7, cấp 8, trời đen tối và mưa lất phất. Từng đợt sóng màu xanh đen xô tới
rượt theo ghe tôi. Tôi phải giữ ga cầm chừng, chạy bằng với vận tốc sóng và phải
nương theo hướng sóng mà đi theo. Lệch một chút là sóng đánh ngang phủ trên mặt
nấp hầm! Khi nằm dưới đáy của đợt sóng, nhìn ra thì bốn bề ghe tôi là những bức
tường nước! Khi con sóng đưa ghe lên là chúng tôi cất cánh như phi cơ, chỉ thấy
toàn bầu trời đen! Trước khi đi, ra bãi sau Vũng Tàu cái nhìn những đợt sóng đầu
bạc cao không tới một thước, tôi đã lo sợ. Hôm nay sóng cao bằng một tòa nhà 2
tầng 7, 8 mét, có sợ cũng không xong, có tránh cũng không được. Đã leo lên lưng
cọp là phải cỡi!
Vài người say sóng bắt đầu ói mữa ngay tại hầm tàu
nhưng nhờ có đem theo mấy kí lô bao ny long nên cứ cho vào đó rồi liệng ra
ngoài. Vài người chịu sóng được thì nhấm nháp bánh mì khô, thịt chà bông, kẹo,
củ sắn, cam chanh. Trên buồng lái cabin, bọn tôi 4 người gồm Thời, Son, Tổ và
tôi thay phiên nhau lái. Vợ con chúng tôi cũng nằm la liệt trên sạp của cabin.
Con gái út tôi 2 tuổi nắm tóc mẹ nó đòi ăn, đưa nó hộp sữa đặc để cho nó ngậm
mà nút. Nửa giờ sau nó đau bụng tiêu chảy lênh láng trên sạp, hóa ra hộp sữa
quá hạn từ lâu, bên trong sữa có màu nâu sẩm. Tôi phải ra bên ngoài múc nước biển
mà rữa sạp. Nước lại qua khe gỗ lọt xuống hầm, khiến nhiều người nằm dưới đó
kêu la oai oái!
Đêm đầu tiên trên biển cả khoảng 12 giờ khuya, thấy
rất nhiều đèn phía trước mặt. Chúng tôi chớp tắt đèn theo tín hiệu SOS và một
con tàu lớn đèn đuốc sáng trưng pha lại nhưng tôi không hiểu được gì hết! Tôi
chạy theo nhưng tàu đó vọt mất bỏ lại chúng tôi phía sau.
Ngày thứ nhì trên biển là ngày 6-12-1978, thời tiết
không thay đổi mà còn có vẻ tàn tệ hơn. Trời vẫn mưa lất phất, bầu trời đầy mây
đen không một chút ánh nắng, từng đợt sóng cuồn cuộn rượt theo ghe tôi. Tiếng
máy vẫn nổ đều đặn và ghe tôi sau hai ngày nhảy sóng vẫn có vẻ vững vàng. Hai lần
người lái mệt lã ngủ quên, ghe đi trật hướng, sóng đánh ngang phủ ghe, đánh lên
cabin khiến miếng mica chắn gió bay mất cuốn theo chiếc quần dài của tôi để
trên bệ, trong đó có cái ví với giấy tờ tùy thân. Cơn sóng phủ ghe cũng khiến
máy đang nổ bổng giảm vòng quay RPM, tôi sợ nó tắt luôn nhưng may mắn làm sao một
hồi khục khặc nó cũng nổ trở lại. Từ đó một người lái và một người canh chừng!
Vì nước tạt vào nên bộ phận phát điện dưới hầm máy
hư hết không hoạt động được. Ngày đầu cái bôm thiết giáp M113 bôm nước lườn ra
ngon lành bây giờ đành chịu.Bôm cọ cũng nghẹt vì rác lẫn trong nước dưới lườn
chạy vào bôm. Nước vô lườn khoảng 2 tấc phải múc vào cái nồi gang, mang lên
boong tàu đổ ra ngoài.
Ngày thứ nhì trôi qua đầy sóng gió, nước đã uống hết
gần nửa thùng, bao gạo để phía sau bị nước phủ ngấm nở ra tòe loe. Có nấu cũng
không nấu được vì ghe lắc lư nhồi sốc, nhưng cũng không ai ăn gì được mà chỉ nằm
mơ màng thiêm thiếp. Khi cận kề cái chết, nằm giữa hai lằn sinh tử con người dường
như phó thác cho Thương Đế, không còn biết lo sợ gì cả, tới đâu thì tới!
Sáng ngày thứ ba trên biển 7-12-1978 lại đến, sóng
gió giảm dần nhưng đất liền vẫn không thấy. Thằng cháu lên hỏi “Cậu Ba nói thiệt
đi, chừng nào tới?” Tôi trả lời “Sắp tới rồi, mình đi đúng hướng, thời tiết đỡ
hơn, đừng lo thế nào cũng tới!” Nói là nói cho nó an tâm nhưng trong lòng tôi vẫn
lo lắng!
No comments:
Post a Comment