Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 12: TỚI BẾN VINH QUANG!

Bài TRINH HAO TAM

Mười hai giờ khuya đêm thứ ba trên biển tức rạng ngày 8-12-1978 trong lúc Thời đang lái thì nó kêu vực tôi dậy: “Thức dậy coi Tâm ơi, đèn nhiều quá?”. Tôi lồm cồm ngội dậy nhìn trước mũi ghe thấy nhiều ánh đèn chi chít ở rất xa. Đèn không tập trung ở một chỗ mà rải rác nhiều nơi ở chân trời vì rât xa nên thấy nhấp nháy. Tôi nói; “Một thành phố nào đó của Mã Lai chắc là Kota Baru. Mầy cứ tiến vô đó nhưng nhớ chạy chầm chậm dò đường sợ gặp đá ngầm gần bờ biển!” Hướng chúng tôi đi canh theo la bàn là vùng biển phía Bắc Mã Lai để tránh hải tặc Thái Lan.

Nửa giờ sau đó dãy ánh đèn gần hơn, tôi có thể nhìn thấy ngọn đèn đỏ trên tháp cao nhất đó là đèn hướng dẫn không lưu của phi trường. Dưới ánh sáng lờ mờ của màn đêm tôi nhận ra một cái hòn nằm ở phía trước thành phố. Đối chiếu với bản đồ thì bờ biển Kota Baru không có cái hòn như vậy. Vậy đây là đâu, thành phố nào? Lúc đó tôi đã thông báo xuống dưới hầm là sắp tới bờ, nhiều người bò lên boong tàu để nhìn. Tôi nhờ ông Lê Xâu cầm cái đèn pha rọi về phía trước để xem trên đường tiến vào bờ có đá hay không? Đèn này cũng như đèn để ở cabin rọi la bàn còn cháy được nhờ một bình ắc quy riêng để trong cabin.

Hai mươi phút sau đó ghe chúng tôi đi ngang qua cái hòn nằm bên phía trái ghe. Đèn thành phố càng gần hơn nữa, tôi nhìn thấy những dãy nhà lầu mà trên những khung cửa sổ còn đốt đèn sáng. Tôi nói Thời bớt ga đi nhưng sóng đưa vô quá mạnh khiến ghe chạy ào ào vô bờ. Rồi một tiếng “xạt” ghe đụng đáy cát, mọi người trên boong chúi nhủi về phía trước. Ông Lê Xâu té quăng đèn pha xuống biển! Thằng Sáu Mập dưới hầm lú đầu lên hỏi “Chìm hả? Ghe chìm hả!”. Tôi quát “Chìm gì, tới rồi!”.

Bãi cát với những làn sóng sủi bọt hiện ra trước mắt. Mắc cạn bị sóng đánh ghe lắc qua lắc lại kèm theo các tiếng “Xạt, xạt” đồ đạc trên cabin như la bàn, bình ắc quy ngã lăn tứ tung. Tôi chạy ra boong ghe cầm cái sào tre dài thọc xuống biển thấy cạn sịt. Tôi kêu Thời nhảy xuống. Thời là người đầu tiên nhảy xuống nước. Thời mập nhảy xuống đụng cát mạnh nên trặt chân, la lên một tiếng đau đớn và từ đó đi cà nhắc để lên bãi.

Tôi nhảy xuống kế tiếp, rồi từ đó người này đỡ người kia lần lượt rời ghe lên hết trên bờ. Qúa vui mừng háo hức vì tới giờ phút này mới biết mình còn sống. Tôi kêu mọi người lấy đồ lên hết, đừng để quên một thứ gì. Chúng tôi tập trung một đám quây quần nhau nằm dài trên bãi cát, lúc đó trời lại lất phất mưa, ai có thứ gì thì lấy ra che, nhiều người đành chịu ướt. Sau 3 ngày đêm lội rừng sình lầy, rồi 3 ngày đêm trên biển sóng gió, người chúng tôi ai nấy đều bùn sình dơ dáy nhưng nhờ nước biển khi lội lên đã rữa sạch được phần nào. Mấy hôm nay thiếu nước bây giờ có mưa lại được uống chút nước mưa ngọt ngào.

Tôi và Thời dẫn nhau đi vào trong phía các dãy nhà lầu đang thắp đèn sáng, không một bóng người vì bây giờ 2, 3 giờ sáng. Thấy các bảng ngoài sân toàn là ghi chữ như con lăng quăn tôi cứ nghĩ đây là Mã Lai nhưng khi tới trước dãy nhà thấy treo tấm hình lớn của vua Thái Lan, chúng tôi mới biết là đất Thái Lan. Rồi thấy một tấm bia lớn bằng hai thứ tiếng, trong đó đọc được “Thai Royal Navy – Songkhla Division” mới biết đây là thành phố Songkhla nằm ở cực Nam Thái Lan gần biên giới Mã Lai. Không gặp ai, đi lòng vòng trong căn cứ hải quân nửa đêm với quần áo dơ dáy như hai đặc công sợ bị an ninh canh gác bắn nên chúng tôi dẫn nhau về phía ghe mình đậu.

Khoảng 4 giờ sáng có một thanh niên cao ốm dẫn một đàn bò đi dọc theo bờ biển, khi thấy đám người chúng tôi đang đêm lại ngồi lù lù dưới bờ biển, thanh niên này dắt đàn bò bỏ chạy. Một lúc sau nhiều người đàn bà Thái từ dãy nhà căn cứ hải quân túa ra đi về phía chúng tôi hỏi thăm ríu rít. Rồi họ trở vào mang ra cho đồ ăn thức uống và sữa cho mấy đứa con nít. Các con tôi thấy mấy bọc bánh tay run run xin họ. Sau 3 năm sống dưới chế độ tâm thần đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy lại “đồ Mỹ” bơ thừa sữa cặn của đế quốc “giãy chết”! Thấy lại tình người dù khác dân tộc màu da nhưng họ có lòng nhân đạo thương yêu đồng loại trong khi người cùng một nước với chúng tôi đối xử với nhau còn thua súc vật!

Rồi mấy anh lính hải quân ra, họ khiêng theo một nồi canh dưa cải chua nấu với sườn heo còn nóng hỗi, một nồi cơm nóng còn bốc khói. Có lẽ đây là thức ăn từ “nhà bàn” trong căn cứ hải quân cho buổi điểm tâm của lính sáng nay. Chưa bao giờ chúng tôi được thiết đãi một bữa cơm ngon như vậy. Môt anh lính biết chút tiếng Anh nói với chúng tôi rằng chút nữa cảnh sát tỉnh Songkhla sẽ đem xe ra chở chúng tôi về trại tỵ nạn nằm cách đây khoảng 5 km. Tôi viết một câu vào giấy nhờ anh lính ra bưu điện đánh điện tín qua Pháp cho chú tôi hay là chúng tôi đã “có chuyến du lịch thành công” để chú tôi đánh về VN cho ba má tôi hay vì đi cả tuần nay chắc ở nhà ngày đêm cầu nguyện và mong tin. Tôi lấy trong áo mưa có hai lớp tờ giấy 5 đô la để nhờ anh đánh điện tín giùm. Khoảng 10 giờ cảnh sát đem xe vân tải ra chở chúng tôi về trại tỵ nạn Songkhla cũng nằm cạnh bờ biển. Ở đó trải qua một mùa Giáng Sinh đầu tiên thật vui tuy khó khăn thiếu thốn nhưng được tự do, tương lai rộng mở, quyền con người được tôn trọng.

Từ gian nan nguy khốn, cận kề cái chết chúng tôi may mắn được tiến lần sang sự sống. Từ thất bại lúc ban đầu bước đến thành công vào kết thúc. Thật ra chúng tôi không tài giỏi gì mà tât cả nhờ ơn trên che chở phù hộ. Tưởng nhớ và xót thương cho hàng trăm ngàn người đã bỏ thân xác ngoài biển cả. Tôi cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho những ai đã gây ra thảm cảnh nói trên. Tôi nghĩ rằng họ đã ăn năn hối cải và rất cần được tha thứ để sau này vong linh được siêu thoát, con cái được nhờ. Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

No comments:

Post a Comment