HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 13: NHẬP TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA
Bài TRINH HAO TAM
Một giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 1978 sau 3 ngày 3
đêm lênh đênh trên biển đầy sóng gió, ghe tôi 44 người đâm vào tỉnh Songkhla
Thái Lan mà cứ tưởng mình đi vào Mã Lai vì gió thổi bạt hướng. Nơi tấp vào là
căn cứ hải quân Hoàng Gia tỉnh Songkhla, chúng tôi được binh sĩ và gia đình họ
tiếp đãi cơm nước rất nồng hậu, Đến 10 giờ thì cảnh sát Thái đem xe vận tải chở
về trại tỵ nạn của người Việt cũng nằm sát bờ biển phía trước bót cảnh sát gần
một cái đầm nước mặn của thành phố Songkhla.
Thủ tục nhập trại đầu tiên là khai tên tuổi lý lịch,
xuất phát từ đâu ở VN và đi bằng ghe gì, số mấy. Số này dùng để gọi tên của
nhóm người đi trong ghe đó, ghe tôi số MH3637. Lấy lý lịch này là do Ban Đại Diện
trại tỵ nạn thực hiện phỏng vấn, sau đó photo copy ra nhiều bản để chuyển cho
Cao Ủy Tỵ Nạn thuộc Liên Hiệp Quốc và tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok để họ cứu xét
cho đi định cư. Bất cứ người tỵ nạn nào cũng phải được nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn
phỏng vấn cũng như phái đoàn Mỹ sau đó. Điều kiện ưu tiên định cư Mỹ phải là
nhân viên sở Mỹ trước 1975, sĩ quan hay binh lính hay công chức chế độ VNCH,
sau đó là những người có thân nhân đang ở Mỹ thường là di tản trong biến cố
30-4-1975. Luật di trú Mỹ bắt buộc mỗi người định cư khi sang Mỹ phải có một tổ
chức từ thiện và một cá nhân bảo trợ để giúp đỡ hội nhập những ngày mới cho đỡ
bở ngỡ.
Tôi tới bờ chỉ còn một quần ngắn và một cái áo
jacket đi mưa, tất cả giấy tờ để trong buồng lái ghe đều bị gió thổi bay mất.
Thế là cứ khai đúng sự thật và chờ đợi. Khoảng mỗi tuần nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn
đến trại một lần, nhân viên tòa đại sứ Mỹ 2 tuần một lần. Mỗi ngày có ông bà mục
sư Miller đến mang theo đồ tiếp tế như thuốc men, quần áo, sữa bột, đồ hộp.
Trại tỵ nạn Songkhla lúc chúng tôi tới là trại cũ
chiếm bờ biển ngay phía trước bót cảnh sát. Có lẽ là chính quyền Thái Lan cũng
không tiên liệu được làn sóng người vượt biên lại ồ ạt như vậy nên không tổ chức
một khu trại đàng hoàng. Ghe người vượt biên tới cảnh sát lúc đầu bắt nhốt vào
nhà tạm giam, sau đó vì hết chỗ giam nên cho ở khu bờ biển có hàng rào kẽm gai
rào lại. Lều sạp ở đây hổn độn mạnh ai nấy cất. Đi vệ sinh thì một dãy nhà cầu
dựng trên biển bằng những cột bê tông, muốn ra phải đi trên một cây cầu gỗ rất
dài. Khi tôi tới đây trong trại có hơn 1,000 người. Mỗi ngày Cao Ủy Liên Hiệp
Quốc mướn nhà thầu tới phát gạo, bắp cải, trứng, cá và thịt heo, lâu lâu có đường,
muối, dầu ăn. Bịnh hoạn có phòng y tế do một vài bác sĩ cũng là người vượt biên
tình nguyện. Trật tự có ban an ninh trật tự do những anh quân nhân, cảnh sát
tình nguyện để canh giữ mỗi sáng khi phân phối thực phẩm hay khi phát thơ. Thư
từ bưu điện đưa đến giao cho Ban Thư Tín, tình nguyện viên trong Ban Thư Tín tới
giờ phát kêu tên trên loa cùng với số ghe để biết mà đến nhận. Thư tín ở đây rất
quan trọng vì đó là nguồn liên lạc với bên ngoài, thông báo cho thân nhân biết
mình đã đến an toàn, tin tức quê nhà vì lúc đó VN cô lập với thế giới bên
ngoài. Thư từ bưu điện phải mất một tháng từ VN mới tới Mỹ. Mỗi tuần chỉ có một
chuyến máy bay Air France ghé Tân Sơn Nhất vào chiều thứ Năm để ngừng lại
Bangkok trước khi bay đi Paris. Cuối tháng 3-1979 cũng trên chuyến bay từ Sài
Gòn này chúng tôi bay qua Paris rồi New York để đến Mỹ định cư!
Buổi trưa đầu tiên lên trại Songkhla chúng tôi không
có nơi nào để tá túc phải ở trong gian nhà tôn không vách dùng làm lớp học.
Chúng tôi nằm trên những băng gỗ dài nhỏ hẹp đong đưa vì đinh đã long nhưng
trong lòng rât vui vì mình còn sống và được đi đứng trên đất liền. Mặc dù mỗi
bước đi lạng quạng ngả nghiêng vì say đất. Thấy người ta bán thức ăn, đồ uống,
bánh trái thèm quá nên moi trong áo mưa ra 100 đô la đổi ra tiền Thái, nhớ lúc
đó 1 đô ăn 35 Bath Thái. Ra quán hủ tiếu của ông Tang A Buốn làm mỗi người một
tô hũ tiếu Nam Vang và uống cô ca thật là no bụng mát lòng! Không hạnh phúc nào
bằng, sung sướng nhất là thoát được chế độ áo vàng, không còn lo sợ khi mỗi đêm
có tiếng gõ cửa, không còn thấy màu cờ đỏ treo trên những dinh thự Sài Gòn thân
yêu trước đây.
Sau một đêm nằm trong lớp học cả bọn nhât là đám con
nít vài ba tuổi bị mưa mái tôn dột ướt loi ngoi. Sáng hôm sau có người đi ngang
hỏi muốn mua cái sạp hay không? Họ sắp đi định cư bán lại với giá 350 đô la.
Sau khi bàn tính trong gia đình em và cháu kêu bằng cậu đến 12 người vừa lớn vừa
nhỏ, chúng tôi đồng ý mua cũng lấy tiền từ trong manh áo..cơ hàn! Hôm nay Ban Đại
Diện mở kho ra cho chúng tôi lựa được mỗi người 2 bộ quần áo để có mà thay đổi.
Đã được tắm nước sạch bằng một cái vòi nước phông tên. Một cái vòi nước này
cung cấp cho 1,000 người trong trại tỵ nạn. Những vết thương trốc móng, bị rắn
cắn, ô rô xước, cây đâm được xức thuốc đỏ, dán băng keo nên thấy cũng đỡ.
Tổng kết lại chi phí của chuyến vượt biên, ngồi
trong trại tỵ nạn tôi ghi lại phần ông Lê Xâu gồm 18 người (8 người lớn, 10 con
nít) ông chi 62,796$ (đồng tiền mới, mỗi đồng bằng 500$ VNCH). Phần cánh tôi 26
người (16 người lớn, 10 con nít) tôi chi 89,318$. Tổng cộng chi phí là 152,113$
(tức khoảng 76 triệu tiền VNCH). Giá vàng ở Sài Gòn trước ngày vượt biên khoảng
1,500$ một lượng tức chi phí chuyến vượt biên khoảng 100 lượng vàng.
Giáng Sinh 1978 chúng tôi ở trại cũ và qua tháng
Giêng thì dọn sang trại mới. Trại mới do Cao Ủy Tỵ Nạn xây nhưng kinh phí chắc
là do Mỹ đài thọ hết. Trại Songkhla mới nằm miền ngoại ô vắng vẻ nhà cửa phía
Nam tỉnh lỵ Songkhla. Trong một bãi đất rộng sát bờ biển cát vàng với những hàng
dương 6 dãy nhà tôn dài rộng được dựng lên và bên trong đóng sạp gỗ dùng làm chỗ
ngủ. Còn lại phần phía trước dùng làm bếp nấu nướng. Tất cả dựng trên cát không
lót hay tráng xi măng gì hết. Phía sau là những dãy nhà cầu lợp tôn và phân rơi
xuống trong hầm tự hoại (septic tank) như đa số nhà cầu ở VN. Một số giếng nước
được đào trong khu trại nhưng sau đó vài tháng không biết các hầm nhà cầu xây
thế nào mà nước dơ từ hầm cầu ngấm vào giếng, khiến giếng nước có màu đen ngòm
và hôi thúi không dùng được. May có một số vòi phông tên dẫn từ nước thành phố
nên chúng tôi dùng tạm để nấu ăn. Có hôm giếng bớt hôi thì tắm hoặc được ra tắm
biển rồi xả lại bằng nước phông tên. Trước đây thì trại rào lại và không cho ra
biển tắm, sau khi giếng ô nhiễm thì cho ra tắm và dạo biển. Tuy nhiên vẫn là
trái cấm, rời trại phải có giấy phép của cảnh sát đóng phía ngoài trước cổng trại.
Ngoài sân này mỗi sáng có chợ họp do người Thái mang hàng đến bán như quần áo,
dày dép, xà bông, dầu gội đầu…và thực phẩm như thịt cá, trái cây rau cải để
thêm vào phần thực phẩm Cao Ủy phân phát hàng ngày thường là không đủ ăn.
Vấn đề nhà cửa nơi trại mới dư cung ứng cho số 1,000
người từ trại cũ chuyển sang. Mỗi gia đình tùy theo số người mà chiếm một diện
tích vừa đủ để ngủ. Lúc đó tôi giữ vai trò Chánh Văn Phòng Ban Đại Diện nên được
phân phối ở dãy đầu tiên gần văn phòng. Nhiệm vụ tôi là đi đón, tiếp nhận từ cảnh
sát giao, phỏng vấn, lập danh sách người vượt biên mới tới. Tiếp các phái đoàn
Cao Ủy Tỵ Nạn, phái đoàn các nước đến phỏng vấn người tỵ nạn để cho định cư. Nhận
văn thơ, điện thoại thông báo ngày người tỵ nạn lên đường…Rất bận rộn nhưng
cũng rất vui vì có dịp phục vụ đồng hương cùng hoàn cảnh ra đi.
No comments:
Post a Comment