HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 14: SINH HOẠT TRONG TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA
Bài TRINH HAO TAM
Hơn 3 tháng sống trong trại tỵ nạn Songkhla để chờ
đi định cư nước thứ ba, một số người trong ghe tôi tình nguyện tham gia công
tác trong Ban Đại Diện. Nguyễn Văn Thời bạn tôi trước là Trung Sĩ Thông Dịch
Viên Sư Đoàn 21 làm thông dịch viên cho trại. Ban thông dịch trại có đến gần chục
người với 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, để giúp các phái đoàn phỏng vấn
người tỵ nạn. Biên Tập Viên Cảnh Sát Nguyễn Văn Son trong ban an ninh trật tự,
hai em trẻ Chu và Tổ trong ban Thực Phẩm. Tôi giữ vai trò Chánh Văn Phòng Ban Đại
Diện lo vấn đề sổ sách, tiếp nhận, lập danh sách, lý lịch người tỵ nạn mới đến
để chuyển cho Cao Ủy Tỵ Nạn, tiếp các phái đoàn các nước đến phỏng vấn nhận người
tỵ nạn.
Lý lịch người tỵ nạn thì căn cứ theo giấy tờ họ mang
theo, hỏi họ số quân, đơn vị đóng tại đâu và nhiều câu hỏi liên quan đến ngành
nghề của họ. Mình cứ ghi hết vào hồ sơ từng gia đình rồi sưu tra đối chiếu sau.
Phái đoàn Mỹ ưu tiên chỉ nhận các nhân viên sở Mỹ, quân nhân, công chức chế độ
VNCH và những người đang có thân nhân hiện sống tại Mỹ. Nếu thân nhân sống tại
Mỹ thì tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ ở đâu thì phía Mỹ sẽ liên lạc để nhờ thân
nhân ấy bảo trợ cho người tỵ nạn. Có vài trường hợp người Thái Lan hay người ở
đâu mình không biết cũng giả dạng làm ngưới tỵ nạn để mong được định cư. Họ
không nói rành tiếng Việt là mình nghi ngờ, hỏi nơi sinh sống họ trả lời ấm ớ,
đưa cho họ xem tiền VNCH nhưng che khuất số mệnh giá, họ không biết là giấy bạc
bao nhiêu là mình biết giả dạng thuyền nhân để mong định cư các nước Âu Mỹ.
Mình giao họ lại cho cảnh sát Thái Lan muốn đưa đâu thì đưa. Nhiều khi họ đút
tiền để cảnh sát Thái đưa vào trại tỵ nạn.
Những người vượt biên Mỹ không ưu tiên nhận thì đưa danh
sách cho các nước nhận nhân đạo như Canada, Úc, Pháp, Anh, Hòa Lan v.v…Sau hết
nếu không nước nào nhận thì Mỹ sẽ phỏng vấn trở lại để nhận. Diện này thì ở lại
hơi lâu 2, 3 năm là trung bình. Nhưng cứ ở trước sau gì Mỹ cũng nhận với điều
kiện không phạm kỷ luật trong trại. Có nhiều thanh niên ít học càng ở lâu càng trở
nên phá phách côn đồ như tống tiền, cướp phá trong trại. Số này rất ít, là vấn
nạn cho Ban Đại Diện cũng như đồng bào trong trại. Muốn cho họ đi định cư thì
không nước nào nhận, ở lại thì quậy phá, gây rối an nịnh trật tự. Có một người
nổi tiếng côn đồ trong trại, nhiều lần bị cảnh sát Thái giam tù vài năm đến nỗi
anh ta nói được tiếng Thái đã hành hung đánh tôi cho rằng vì tôi mà anh ta
không được phái đoàn Mỹ chấp thuận cho đi định cư. Sau đó anh ta bị bắt giam, ở
tù vài tuần được thả ra anh ta đánh luôn Đại Úy Cảnh Sát Thái là bạn tôi, lúc
đó tôi đã đi định cư Mỹ nên không biết về sau anh ta đi đâu?
Về điều hành trại thì trại thuộc cơ quan Tỵ Nạn Liên
Hiệp Quốc dưới quyền điều hành của một nhân viên chức vụ là Cao Ủy. Ông này là
chỉ huy lớn nhất của trại, giao thiệp để mượn hay mướn đất xây dựng trại, cung
cấp lương thực mỗi ngày cho trại, trả chi phí vận chuyển người lên Bangkok để
đi định cư. Nhưng vị Cao Ủy này phải coi nhiều trại nên không có mặt thường
xuyên ở trại mà giao việc điều hành trực tiếp hàng ngày cho ông Trại Trưởng là
người tỵ nạn do dân trong trại bầu lên trong một buổi đại hội trước văn phòng
trại. Thường Trại Trưởng phải cứng cỏi, nghiêm chĩnh, khéo chỉ huy nên thường
là một sĩ quan VNCH cấp bực cao. Thời gian tôi ở đó làm việc dưới quyền 2 trại
trưởng là Thiếu Tá Phạm Kim Long (?) và sau đó là linh mục Tô Đức Bạch lớn tuổi
tiết tháo nho phong như cụ Trần Văn Hương. Vui nhất là mỗi buổi sáng sớm cha Bạch
lên phát loa với một bài giáo huấn thường mở đầu bằng câu “Cám ơn Chúa đã cho
chúng ta qua một ngày bình yên…”
Những trưởng ban làm việc trong trại dân không bầu
mà do Trưởng Trại mời gọi tham gia sau khi thấy những người đó có khã năng làm
được việc. Khi mới vào trại tôi thường làm thông dịch cho ông bà mục sư Miller
mang nhu yếu phẩm vào trại cho đồng bào. Nhiều khi ông bà lái xe đưa tôi ra
ngoài tỉnh Songkhla để mua nhu yếu phẩm, tôi phụ với ông bà đem vô trại. Từ đó
anh Phạm Kim Long trại trưởng mời tôi nhận nhiệm vụ làm trưởng văn phòng, phụ
công việc điều hành trại.
Một hôm có hai người trong một ghe mới nhập trại
trong vài ngày trước lên trình báo với văn phòng vài chuyện về chuyến đi, trong
hai người có một anh trẻ hơn tôi vài tuổi dáng xanh xao ốm yếu. Anh ta giới thiệu
mình là Nguyễn Tất Nhiên tác giả nhiều bài thơ mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc
rất phổ biến trước 1975. Từ đó buổi tối chúng tôi hay ngồi ở quán cà phê của bà
xã anh trong trại mà nghêu ngao đàn hát những bản như “Em Hiền Như Ma Sơ”, “Hai
Năm Tình Lân Đận”, có một bài mới sáng tác sau 1975 là “Chiều Trên Đường Hồng
Thập Tự” lời và nhạc do anh đặt luôn. Nguyễn Tất Nhiên thích thơ Nguyên Sa ca tụng
Paris nên khi phái đoàn Pháp đến anh xin đi định cư nước Pháp. Khoảng 1980, 81
gì đó tôi xuống Bolsa chơi gặp anh chàng ở một quán cà phê. Sau phút giây ngạc
nhiên, mừng rỡ tôi hỏi chắc là qua Cali chơi? Nguyễn Tất Nhiên cho biết là qua ở
luôn cho vui vì Paris lạnh và buồn vì ít người Việt Nam. Hôm đó mặc dù mới sang
Mỹ anh lái xe chưa rành nhưng cũng ráng lái chiếc Datsun B210 lên căn apartment
tôi mướn ở Pomona thăm gia đình tôi. Đó là kỷ niệm với Nguyễn Tất Nhiên, con
người tài hoa, đa sầu đa cảm đa tình nhưng khó khăn khi hội nhập với cuộc sống
mới xa lạ xứ người. Chàng ta đã yên nghĩ trong Peak Family hai mươi mấy năm rồi!
No comments:
Post a Comment