Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 15: MỘT NGÀY TRONG TRẠI TỴ NẠN SONGKHLA

Bài và hình: TRINH HAO TAM

Một ngày mới ở trại tỵ nạn Songkhla bắt đầu bằng tiếng loa phóng thanh tiếp vận tin tức đài VOA và BBC qua một chiếc radio đặt trên văn phòng Ban Đại Diện. Sau đó Ban Thông Tin Báo Chí đọc thông báo về những sinh hoạt trong trại, lịch trình các phái đoàn đến phỏng vấn để nhận người tỵ nạn, danh sách những thuyền nhân mới đến trong những ngày qua và nhắn tin tìm thân nhân. Tìm thân nhân như tên tuổi người muốn tìm, vượt biên ở VN ngày nào, xuất phát từ đâu, ai có tin tức gì xin báo cho ai. Những lời nhắn này do người trong trại nhắn hay qua thư tín gởi bằng bưu điện cho văn phòng trại tỵ nạn nhờ đọc.

Sau đó khoảng 7 giờ là họp chợ nhỏ do người Thái mang hàng đến bán trước cổng trại gần bót cảnh sát. Hàng bán ở đây là quần áo, đồ gia dụng như mùng mền, giày dép, xà bông, đồ nấu ăn v.v…Thực phẩm gồm thịt cá, rau cải, trái cây, bánh kẹo, bao thơ, giấy viết, tem gởi thư, thuôc hút v.v…Nếu hôm nào có phái đoàn tới phỏng vấn thì danh sách người được phỏng vấn được dán trên bảng thông cáo trước văn phòng và đọc trên loa phóng thanh nhiều lần. Danh sách những ai được “approved” chấp thuận cho đi định cư cũng được niêm yết. Rồi những người đó được chụp hình cầm tấm bảng tên ngày sinh trước ngực để dán vào tấm giấy Visa để trình tại phi trường khi nhập cảnh vào nước đó. Một tờ Visa khổ giấy 8.5x11 inch dùng nguyên cho gia đình có thể gọi là Visa tập thể. Thí dụ như tôi ngày đi định cư Mỹ, khi tới phi trường New York không ai có căn cước gì ráo. Nhân viên di trú chỉ nhìn vào tờ Visa đó với hình của mỗi người rồi cấp cho mỗi người một tờ giấy nhỏ I-94 để nhập cảnh vào Mỹ.

Ở chợ có quán hủ tiếu Nam Vang của ông Tàu lai Miên tên là Tang A Buốn, ông này đến Songkhla khai là vượt biên đi từ Phú Quốc. Vì không thuộc diện được Mỹ chấp thuận cho đi định cư nên ông ta và gia đình đã ở trại từ mấy năm rồi, từ trại cũ chuyển sang. Nhưng ông dường như cũng chẳng màng đi Mỹ, ở trại bán hủ tiếu sinh sống qua ngày là được rồi!

Ban ngày trong trại cũng có lớp học dạy chữ Việt cho các trẻ con và lớp tiếng Anh cho người lớn do Ban Giáo Dục phụ trách. Ai bệnh hoạn đau ốm thì lên Phòng Y Tế có bác sĩ cũng là người vượt biên thăm khám, chẩn bịnh. Nếu đau nặng thì được đưa ra ngoài bệnh viện Songkhla chữa trị. Thời gian tôi ở đó có bác sĩ (tôi quên tên) trước 1975 là Trưởng Ty Y Tế Tỉnh Chương Thiện coi sóc phòng y tế trại.

Khoảng 10 giờ khi xe chở thực phẩm đến đậu trước văn phòng Ban Đại Diện thì Ban Thực Phẩm ra khiêng xuống và thông báo trên loa, kêu các gia đình đến lấy. Chúng tôi mỗi người đều có một tấm giấy căn cước ID do Trưởng Trại cấp, có dán hình Polaroid (hình màu chụp có liền, từ trong máy đưa ra). Giấy này dùng để nhận thư từ, thực phẩm và trình khi đi phỏng vấn. Tấm căn cước ID này thô sơ nhưng dùng cho tới khi có Visa do Tòa Đại Sứ Mỹ cấp.

Đến chiều là có thư đến, mọi người háo hức chờ đợi, loa phóng thanh sẽ gọi tên người nhận lên nhận thư. Chúng tôi chờ đợi thư thân nhân ở ngoại quốc đứng ra bảo trợ hay tìm giúp người bảo trợ, chờ đợi những tấm Money Order gởi cho tiền bạc để xây xài trong lúc ở trại. Thư thân nhân từ VN gởi sang rất ít không biết vì bị “mất” hay thân nhân ngại gởi. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư của bà ngoại các con tôi từ thành Hồ gởi sang. Mỗi lần có thư bà ngoại bày tỏ nỗi lòng thương nhớ các cháu ngoại là em rể tôi “diễn đọc” cho cả láng trại nghe, với giọng bi ai sầu thãm, thỉnh thoảng ngưng lại chùi chùi nước mắt, mặc dù hắn ta diễu nhưng các bà cả láng xạp xung quanh đều khóc!

Trại Songkhla đầu năm 1979 làn sóng người vượt biên vừa đi chui vừa bán chính thức lên cao, dân số lên khoảng 3,000 người là một xã hội VN thu nhỏ với những sinh hoạt vừa tốt vừa không tốt. Khi nhận được tiến thân nhân gởi giúp thế nào cũng có sinh nhật, liên hoan, nhậu nhẹt, nhảy đầm, cờ bạc. Rượu vào lời ra rồi sinh ra đánh lộn, đâm chém, ghen tương khi có ông dẫn nhiều bà cùng vượt biên một lượt. Một lần có bà lên thưa với ông Cao Ủy Tỵ Nạn là “My husband onion me!” (Chồng tôi nó hành tôi).

Chúng tôi đã trải qua đêm Giáng Sinh 1978 đầu tiên được tự do ở trại cũ. Trại cũ nằm sát bờ biển, phía trên là đường lộ nên rất chật hẹp. Dọn được một bãi đất trống, lấy ván gỗ làm một sân khấu nhỏ với hang đá bằng giấy bao xi măng, nhành dương làm cây Noel. Đêm ấy có một linh mục người Mỹ đến làm lễ Giáng Sinh cho đồng bào tỵ nạn trong trại. Đêm Thánh nghèo nàn đơn sơ nhất trên thế giới nhưng trong lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì đã tìm được tự do. Nhìn về đất nước đã trốn thoát nhớ những đêm Giáng Sinh trước 1975 lòng tôi mang nặng một nỗi u hoài!

Chúng tôi lại ăn được một cái Tết tuy thiếu thốn nghèo nàn nhưng cũng vô vàn vui tươi hạnh phúc. Lúc đó đã chuyển qua trại mới khang trang hơn. Sân khấu được thiết lập ngay trước văn phòng ban Đại Diện. Trên sân khấu có bàn thờ  tổ quốc uy nghi với lá cờ vàng 3 sọc đỏ và bản đồ VN hình chữ S, có hoa cúc, hoa vạn thọ, lư hương nghi ngút. Sớ táo quân được em rể tôi là Phùng Khải Tuấn (10 năm nay làm Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Công Hòa Liên Bang Đức) tấu đọc rất khôi hài. Đến giờ giao thừa là lễ Dâng Hương Tế Lễ với ba cụ cao niên tượng trưng 3 miền Bắc Trung Nam giọng đọc hùng hồn dõng dạc đưa tâm tình của đồng bào trong trại hướng về đất nước thân yêu đang đắm chìm trong ngục tù khoắc khoải.

Thời gian trong trại trôi qua rất nhanh, làn sóng người vượt biên đổ xô đến ngày càng đông. Có ngày phải tiếp nhận 2, 3 nhóm người từ các địa phương khác chuyển về. Càng đi đông những thảm cảnh hãi hùng càng nhiều, nhiều ghe bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp, giết người, dù hàng ngàn trang giấy cũng không thể nào kể hết được. Rất tội tình cho dân Việt Nam sinh nhầm thế kỷ man rợ, vượt biên chạy trốn ra đi trong bờ thì bị bắt tù tội, mất cửa mất nhà, tán gia bại sản. Ra khơi sóng gió, bão tố, thuyền chìm, ghe hư máy lênh đênh đói khát! Biển yên sóng lặn thì lại gặp cướp Thái Lan hãm hiếp, cướp bóc. Bốn mươi năm qua rồi nhưng tiếng kêu than vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây!

“Thuyền trôi xa về đâu ai biết

Thuyền có về ghé bến tự do

Trời cao xanh hay trời oan nghiệt

Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ!”

(Lời Kinh Đêm – Việt Dũng)

 

No comments:

Post a Comment