Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI CUỐI 16: LÊN ĐƯỜNG ĐỊNH CƯ

Bài TRINH HAO TAM

Người tỵ nạn ở trong trại sau khi được phái đoàn Mỹ chấp thuận cho đi định cư thì bắt buộc phải có người ở Mỹ bảo trợ gọi là “Sponsor” để giúp đỡ trong bước đầu khi đến Mỹ như làm giấy tờ, nơi ăn chốn ở, tìm việc làm, học tiếng Anh, học lái xe v.v…Người bảo trợ gia đình tôi là người em chú bác ruột tên Trịnh Hữu Châu con của chú Tư tôi là ông Trịnh Ngọc Sanh, cha tôi thứ Ba chú này thứ Tư. Chú Tư tôi du học bên Pháp đậu kỹ sư công chánh ở trường Ecole Central Paris. Về VN ông làm Giám Đốc Nha Thủy Vận (sau này cũng Nha này mướn tôi) và sau cùng là Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh. Rồi sau đó chú tôi qua làm Ủy Ban Sông Mê Kong một tổ chức của Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở ở Bangkok và chú tôi về hưu sống ở Nice thành phố miền Nam nước Pháp.

Trịnh Hữu Châu có tên Pháp là Eugene Trinh theo mẹ sang Pháp từ  1952 nhưng mùa hè thường về VN sống với chú tôi ở số 99 Bis đường Trần Quý Cáp Sài Gòn. Thỉnh thoảng cũng về quê Trà Vinh đi bắt cá lia thia với tôi. Sau khi đậu Tú Tài ở Pháp, Châu sang Mỹ du học, đậu Tiến Sĩ Vật Lý Học ở trường Yale thuộc thành phố New Haven tiểu bang Connecticut. Cuối năm 1979 Châu được cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA thu nhận và trở thành phi hành gia của phi thuyền Columbia trên chuyến bay lên không gian vào năm 1992.

Ở trại tỵ nạn Songkhla hơn 3 tháng, chiều 26-3-1979 gia đình tôi 7 người gồm 3 con và 2 cháu trai kêu tôi bằng cậu ruột lên xe buýt để lên Bangkok khám sức khỏe để chờ chuyến bay đi Mỹ. Trước khi đi cũng có một bữa tiệc chia tay linh đình với món cà ry gà do em rể tôi nấu. Xe buýt qua phà Songkhla chạy suốt đêm, nửa khuya ngừng lại một quán ăn bên đường cho chúng tôi ăn uống. Thức ăn toàn là các món cà ry nấu với nước dừa theo kiểu ẩm thực của người Mã Lai. Nhưng chúng tôi rất thích thú vì được đi ăn nhà hàng lần đầu tiên sau hơn 3 tháng nằm trong trại. Lần cuối cùng ăn quán hủ tiếu bò viên là ở trước rạp Minh Châu Cần Thơ. Bữa đó nhìn hai con ăn ngon lành mà lòng tôi tan nát, không biết tôi sẽ đem con tôi đi về đâu? Tới bờ hạnh phúc hay vùi thân trong lòng biển?

Đến sáng thì tới Bangkok nhằm giờ cao điểm kẹt xe vô cùng, chúng tôi được đưa về trại tỵ nạn chuyển tiếp Lumpini (Lâm Tỳ Ni). Nơi đây tập trung các sắc dân tỵ nạn như Việt, Cambodia, Lào để chụp hình phổi và chờ chuyến bay. Ai bị bịnh phổi thì phải ở lại chữa trị cho lành mới được vào Mỹ. Sau đó máy bay có chỗ trống mới được in vé phát cho người tỵ nạn chờ tới ngày ra phi trường Bangkok. Lúc đó còn phi trường cũ ở phía Bắc thành phố. Tiền vé máy bay do hội thiện nguyện bảo lãnh ứng trước, sau này qua Mỹ trả góp lần lần. Hôi bảo lãnh gia đình tôi là hội tỵ nạn của người Tiệp Khắc.

Những ngày sống trong trại Lâm Tỳ Ni này tôi không thấy Phật cũng như bầy quỷ nữ múa ca rù quến đức Phật mà chỉ thấy người Miên và Lào và ăn ngủ cùng sạp với họ. Sáng ra nhân viên trại bắt đi chùi rữa cầu tiêu, sau đó cho tự do ra ngoài chơi nhưng 2 giờ chiều là phải về lại đủ mặt vì sau đó nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn vào phát vé máy bay. Nhà bàn có cung cấp các bữa ăn nhưng rất dỡ vì tiền ít và nấu theo kiểu Miên Lèo không hạp khẩu vị. Chúng tôi đón xe túc túc ra ngoài chơi đi ăn cơm gà Hải Nam hay hủ tiếu Triều Châu. Trên đại lộ Lumpini này đi ngang hai tòa đại sứ Mỹ và VN nằm gần nhau treo hai lá cờ một yêu một ghét. Tôi dẫn các con cháu vào sở thú Bangkok chơi, đi ăn kem, đi trên đại lộ du lịch “hoành tráng” Sukkumvit coi đèn.

Chiều ngày 28-3-1979 nhận được xấp vé máy bay Air France 7 vé. Chuyến đầu tiên số AF199 từ Bangkok bay qua Paris lúc 20 giờ 25 tối mai 29-3-79. Chuyến kế tiếp AF077 từ Paris đi New York phi trường John F. Kennedy bay lúc 1 giờ trưa ngày 30-3-79. Tôi ra ngoài đánh điện tín cho chị vợ tôi ở Paris, chị này trước 75 là tiếp viên hàng không Air Vietnam để xem có gặp được ở phi trường Charles De Gaulle không? Gặp thì tốt, không gặp cũng không sao.

Chiều 29-3-79 xe buýt chở chúng tôi cùng một số người tỵ nạn nữa ra phi trường Bangkok để bay qua Paris. Chuyến máy bay chiều thứ Năm này từ Ho Chi Minh City sang trên máy bay có nhiều người Việt hồi hương về Pháp, tôi hỏi thăm tin tức quê nhà nhưng họ mới thoát đi được nên không ai dám nói gì!

Vừa cất cánh là được dọn ăn tối đồ Tây chánh gốc Paris nên các con tôi thích lắm. Một đêm rất dài trên máy bay, sáng ra là máy bay tới Pháp. Ở phi trường Paris gặp chị vợ tôi và một bà đầm người Pháp, bà này là người của hội Hồng Thập Tự có nhiệm vụ vào phi trường thăm hỏi chúng tôi có cần gì không. Chị vợ tôi khi xin nhân viên phi trường cho vào gặp chúng tôi thì tình cờ gặp bà này, bà này can thiệp nói cả chục năm hai chị em không gặp nhau nên họ đành cho vào.

Chúng tôi bay tiếp đi New York cũng trải qua một ngày rất dài trên máy bay và đến phi trường Kennedy vào buổi chiều mới sang Xuân nên rất lạnh. Có ông Xuân làm cho hội Tỵ Nạn Tiệp Khắc ra thăm hỏi trao số tiền 350$ cho gia đình tôi gồm 7 người, mỗi người 50$ do hội cho. Và trao vé máy bay đi tiếp về Hartford (thủ phủ bang Connecticut) từ phi trường nội địa ở New York là phi trường La Guardia. Ông Xuân đưa ra buýt để chúng tôi qua phi trường La Guardia và ông Xuân đi về.

Tới phi trường La Guardia đói bụng quá thấy quán Mac Donald’s treo hình khoai tây chiên tôi nói là “fried potatoes” họ không hiểu vì không nói là “French Fried” (không biết họ gọi khoai chiên là Tây Chiên) nên họ không hiểu đưa cho 7 cây cà rem, trời lạnh bụng đói meo mà ăn cà rem vô lạnh quá!

Máy bay đi Hartford là máy bay nhỏ cánh quạt chở đâu hai mươi mấy người của hãng American Airlines bay hơn nửa giờ thì tới. Eugene Trinh cùng người chị là Christine ra đón bằng 2 xe Volswagen (một xe van và một xe con cóc) chạy về thành phố New Haven là nơi ở của hai người.

Rồi từ đó tôi bắt đầu cuộc sống lưu vong trên xứ lạ quê người. Hai người em họ chú bác xa rời quê hương từ nhỏ nên cũng có những suy nghĩ khác với mình. Nên sau 3 tháng sống ở Connecticut tôi dọn về vùng nắng ấm miền Nam California nơi gần Little Saigon lập lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.

Những người trong ghe vượt biên với tôi như thông dịch viên Nguyễn Văn Thời, biên tập viên Nguyễn Hồng Son đều có Sponsor đi Mỹ tiểu bang Texas. Ông Lê Xâu cùng tổ chức chuyến đi với tôi, có con vượt biên cùng với em tôi chuyến trước bảo lãnh sẽ đi Portland bang Oregon. Gia đình em gái tôi 3 người có anh chồng đang du học Tây Đức thì sẽ sang Tây Đức. Hai đứa cháu là Hải và Thanh có em di tản trong đợt 1975 đang ở Montreal Canada nên sẽ đi Canada.  Còn lại mấy người kia thì chờ đợi Mỹ tái phỏng vấn theo diện nhân đạo nếu không có nước nào nhận. Vài tháng sau thì cả gia đình Chu và Tổ 7 người cũng đi Mỹ vì được Thời sang trước bảo lãnh ngược lại. Sau này các gia đình Dương Sum, Lý Trụ cũng được đinh cư Mỹ có lẽ do ông Lê Xâu bảo lãnh. Sáu Mập đi Anh quốc vì có bà con đi trước bên đó. Nguyên ghe tôi chắc không tới một năm, mọi người đều giã từ trại Songkhla đi hết, tái lập cuộc đời mới.

Chuyến vượt biên đầy gian nan nguy khốn đã thêm cho tôi nghị lực để vượt qua những khó khăn trên xứ lạ quê người. Vượt biên mình còn đi được thì tất cả mọi trở ngại trên xứ này đều là chuyện nhỏ không đáng quan tâm. Tuy nhiên mọi sự tôi tin rằng có ơn trên che chở chứ mình không khả năng tài giỏi gì.

ĐÓN XEM LOẠT BÀI NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐỊNH CƯ TRÊN NƯỚC MỸ.

No comments:

Post a Comment