Pages

Powered By Blogger

Monday, May 23, 2016


LÊN MIỀN NÚI ÐỎ SEDONA, ARIZONA

KỲ 2

Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

 


Sedona là một vùng núi đá đỏ nằm trên cao nguyên phía Bắc của thành phố Phoenix, nơi đây còn lưu lại nhà cửa trên hang núi của người da đỏ. Người xưa tin rằng vùng núi này tích tụ nhiều năng lượng có thể chữa được nhiều thứ bệnh. Ngày nay Sedona là một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng và là nơi thích hợp cho người về hưu xa lánh bụi trần.



Từ trung tâm thành phố du khách nhìn thấy rất rõ những ngọn núi đá đỏ sừng sững bao quanh, hình dáng đứng thẳng như những hòn non bộ được đặt trên một chân đế, dưới chân đế có cây xanh, trên ngọn núi thì chỉ là đá đỏ hay vàng cam và thay đổi màu sắc theo góc độ tia nắng cao thấp của mặt trời. Vùng núi này ngày xưa hàng triệu năm trước nằm dưới đáy biển rồi bị những cơn địa chấn đẩy chúng nhô lên khỏi mặt nước, sau đó bị những trận mưa, lụt, gió, bão tác động tạo nên hình dáng hoành tráng lạ lùng như ngày nay. Trên những núi đó hiện nay còn để lại những căn nhà đục trong vách đá hay xây bằng đá trên sườn núi và những tranh vẽ trong hang động. Ðó là di tích còn lại của những thổ dân đã sinh sống ở đây khoảng 1,000 năm trước. Ðiều kỳ lạ là nhóm thổ dân này ngày nay hoàn toàn biến mất, không còn lại một người nào, những bộ lạc sinh sống bây giờ hoàn toàn khác xa ngôn ngữ, phong tục của nhóm thổ dân đó. Họ có thể bị bịnh dịch, thiên tai hay phi thuyền không gian đưa đi sang một hành tinh khác? Không ai có thể giải thích được. Nếu có thì giờ lưu lại nơi đây năm ba ngày, du khách lên núi sẽ thấy tận tường những di tích kiến trúc của họ. 



Ngày xưa người dân da đỏ sống trong vùng tin rằng những ngọn núi đá đỏ là giang sơn riêng của thần linh ngự trị, chỉ có những bậc tù trưởng xếp xòng bộ lạc hay những thầy thuốc (vì trị bịnh theo “khoa học” huyền bí nên còn được gọi là phù thủy) mới được phép lên núi để cúng vái, tế lễ cầu xin thần linh “truyền tâm ấn” để họ về trị bịnh cho nhân dân. Trong vùng Arizona mỗi khi mưa giông sấm sét là lằn sét hay đánh xuống ngọn những núi đá đỏ nên người ta tin rằng những ngọn núi đó tích trữ rất nhiều năng lượng thiên nhiên có thể chữa được những chứng bịnh. Một nhóm người lấy tên là “New Age” cho rằng ở Sedona có 4 ngọn núi chứa năng lượng điện từ (vortex power) có khã năng chữa bịnh, giảm căng thẳng thần kinh, 4 ngọn núi đó là Bell Rock, ngọn núi ở phi trường Sedona (phiá Tây Nam thành phố trên một trảng đất cao 4,800 feet), Catheral Rock (7 miles về hướng Tây Nam Sedona) và  ngọn ở Boyton Canyon (8 miles phiá Tây Bắc). Nhóm “New Age” cho rằng con người mắc bịnh là do năng lượng trong cơ thể mất quân bình (giống như thuyết âm dương của người Tàu) nên cần phải tới vùng Sedona hấp thụ năng lượng và cả những người không bịnh tật cũng nên đến đây để cân bằng lại  tâm linh, nhân điện. Ngày nay trong vùng Sedona có những thiền đường để du khách có thể ngồi tham thiền theo phương pháp Zen hay tập dưỡng sinh Yoga và những hồ tắm thư giãn Spa, phòng chữa bịnh bằng vật lý tri liệu massage dùng những cục đá nóng để đả thông huyệt đạo. Những phương pháp này phụ nữ Mỹ giàu có rất thích nên những người hành nghề massage ở đây cũng kiếm bộn bạc.



Tháng 10 năm 1901 ông Theodore Carl Schnebly nguyên quán từ làng Gorin, Missouri trôi nổi đến đây với vợ và hai con tên Ellsworth và Pearl, lúc đó vùng Sedona chỉ có chừng 6 gia đình người da trắng. Ông khai khẩn đất hoang để trồng cây trái, rau cải và mở cửa hàng tạp hóa để bán các sản phẩm ông trồng. Người dân ở đây than phiền thư từ rất lâu tới, từ bưu điện gần nhất là Flagstaff nhiều khi phải mất cả tháng mới tới vùng này. Ông thấy cửa hàng của mình cũng rộng rãi và lúc đó cũng là nhà trọ cho lữ khách đi lại từ Jerome đến Flagstaff. Ông muốn xin phép mở trạm bưu điện ở cửa hàng mình. Trong đơn xin phép gởi Tổng Nha Bưu Ðiện vì địa phương này chưa có tên nên ông đề là “Red Rock Crossing Station”. Tổng nha Bưu Ðiện bác tên này vì cho rằng quá dài không đủ chỗ trong cái mộc đóng trên con tem và đề nghị ông chọn tên khác. Ông không biết chọn tên nào, hai chữ “Schnebly Station” cũng còn dài, bỗng ông sực nhớ tới vợ ông là Sedona nên ông lấy tên vợ đặt cho trạm bưu điện. Từ đó Sedona trở thành điạ danh chính thức của vùng này. Vợ ông gốc gác người da đỏ mà ông gặp đâu đó ở Arizona trên con đường trôi nổi từ Missouri qua miền Tây.



Thành phố Sedona thành lập năm 1988 rộng 19 dặm vuông nằm giữa hai quận Coconino và Yavapai, tư nhân chỉ làm chủ 51 phần trăm đất ở Sedona, còn lại thuộc rừng quốc gia Coconino National Forest. Thành phố du lịch và cho người về hưu sống khoảng đời tuổi vàng còn lại nên tuổi trung bình của 10,000 người dân ở đây khá cao là 50. Vì trên cao nguyên cuối cùng của rặng Rocky Mountains với cao độ 4,500 feet nên khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, mùa hè không quá 75 độ và đông không dưới 46. Là một thành phố nghỉ mát nên Sedona sống về du lịch và là nơi có cảnh trí lạ lùng đẹp đẽ nên rất nhiều cuốn phim được quay tại đây và phòng thương mại Sedona có nguyên một ban chỉ dẫn cho những ai muốn thực hiện phim ảnh.



Chúng tôi rời Sedona sau 2 tiếng đồng hồ đi loanh quanh thăm thú, lên xe rẽ trái vào con đường 179 xuôi Nam sau 15 miles sẽ gặp xa lộ 17 để về Phoenix. Trên con đường về, lại đi trúng ngay một thắng cảnh đó là ngọn núi đá đỏ Bell Rock. Dừng xe lại tại một bãi đậu bên đường lấy trái cây trong thùng lạnh ra ăn và chụp hình ngọn Bell Rock cũng như ngọn núi khác bên cạnh. Khu rừng nơi bãi đậu xe có các cây xương rồng rất đẹp, nhiều loại khác nhau, tôi thử nhổ một cây con giống như cây khóm lá xanh trắng rất xinh đẹp để đem về trồng nhưng nhổ không lên lại còn bị gai đâm chảy máu và đất trắng rất cứng như xi măng mà lúc đầu tôi tưởng là cát mịn! Tôi “ngộ” một điều: Trên đời hoa đẹp không phải dễ hái, hoa đã không suy suyển, người hái lại còn mang thương tích hận lòng!



Ông trời lại nỡ...phụ lòng người ngay mắc nạn, đi tiếp chúng tôi lại gặp một khu Outlet Center, ôi thôi đủ mặt các cửa hàng đồ hiệu, quần áo, dày dép, son phấn, nồi niêu, chén dĩa. Các bà như lạc vào chốn thiên thai mê hồn trận, còn các ông đứng bên ngoài nhìn trời hiu quạnh, nhìn “lá hoa về chiều lạnh lùng...mềm đưa trong nắng lưa thưa” mong sao cho sớm ra về! Thoát cơn bĩ cực đỡ hao tốn tiền!



Chúng tôi về tới Phoenix lúc 7 giờ chiều, mùa Thu trời tối âm u, mặt trời đi ngủ sớm. Hôm sau buổi sáng đi thăm thú vài nơi ở Phoenix, vào khu mua sắm Scottsdale Fashion Square là một trung tâm mua sắm sang trọng tránh rét luôn tiện quan sát các cửa hàng ở Phoenix bày hàng như thế nào? Khi ăn trưa ở Panda Express trong khu Food Court, một bà già Mỹ đứng sắp hàng sau tôi thấy tôi là người Á Đông nên hỏi: “Cậu ở đâu tới?” Tôi trả lời là từ Los Angeles qua. Bà già vui như gặp đồng hương: “Tôi ở San Francisco nghe người ta nói về Phoenix dưỡng già rất là thoải mái. Tôi mới về đây vài tháng thấy nóng và buồn quá, chắc là phải trở lại California thôi nhưng nhà đã bán mất rồi! Mua lại cái khác thì bây giờ giá lại quá cao!” Chúng tôi ra phi trường Phoenix lúc 3 giờ để về lại miền Nam California kết thúc chuyến đi Arizona nhân dịp Lễ Cựu Chiến Binh.

LÊN MIỀN NÚI ÐỎ SEDONA, ARIZONA

KỲ 1

Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

 


Sedona là một thành phố du lịch nằm trên cao độ 4,500 feet ở vùng cao nguyên Tây Bắc tiểu bang Arizona, cách Phoenix 135 miles về hướng Bắc. Nơi được mệnh danh là chốn đẹp nhất trên trần gian với 1 triệu 8 mẫu Anh (acres) rừng quốc gia bao quanh và những ngọn núi đá đỏ nằm rải rác khắp đó đây. Hàng năm Sedona thu hút khoảng 4 triệu du khách về đây vui chơi giải trí ngoài trời, ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ lạ lùng.



Đi bộ hay đạp xe trên những con đường mòn, lái xe Jeep mui trần vào những con đường đá đỏ len qua những cây xương rồng cổ thụ cao hơn 30 feet, đó là những thú vui, những thư giãn của người dân Mỹ cho bỏ những ngày dài làm lụng căng thẳng, miệt mài. Sedona là tên của thành phố không mang một ý nghĩa gì cao siêu mà chỉ đơn giản là tên của một người đàn bà da đỏ. Vậy nàng là ai, một Bà Chúa Xứ, một Thiên Y Thánh Mẫu như ở Việt Nam hay là một giai nhân tuyệt sắc?



Chúng tôi trên chiếc SUV Sequoia rời khỏi khu đại vực Grand Canyon lúc 11 giờ trưa. Ðường ra khỏi Grand Canyon rất dễ cứ theo bảng chỉ dẫn mà đi. Ra khỏi khu công viên quốc gia Grand Canyon chúng tôi theo con đường 180, rồi 64 xuôi Nam để đi về thành phố Williams, nhưng khi gần tới Williams không vào thành phố mà theo xa lộ xuyên bang 40 East đi về Flagstaff. Tới Flagstaff phải đổi qua xa lộ 17 (đi Phoenix) nhưng lái vài miles lại phải đổi ngay vào con đường nhỏ 89A để đi Sedona. Phải khen Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, bảng chỉ dẫn trên đường rất rõ ràng, trên xa lộ thay vì chỉ  treo mã số của con đường sắp đến, họ lại treo 2 số, chỉ thêm con đường kế tiếp. Thí dụ như chúng tôi cần biết lối (lane) nào để đổi qua xa lộ 40 sau đó vài chục miles phải đổi một lần nữa qua xa lộ 17 thì trên bảng họ treo luôn 2 số: 40 East (đi Albuquerque) và 17 South (đi Phoenix) ngay trên 2 lanes sẽ nối vào 2 xa lộ nói trên. Trên xa lộ xuyên bang 40 hướng Ðông nhìn thấy đỉnh núi Humphreys 12,633 feet tuyết phủ trắng trên ngọn, đây là điểm cao nhất của tiểu bang Arizona.



CON ÐƯỜNG 89A QUA OAK CREEK CANYON



Từ Flagstaff đến Sedona khoảng cách chừng 30 miles đi trên con đường ngoạn cảnh 89A ngang qua vùng núi Oak Creek Canyon phong cảnh hai bên đường rất đẹp. Rẽ ra từ xa lộ 17 bên tay mặt, con đường mỗi bên chỉ một lane, hai bên là rừng thông xanh cây cao vút, dưới mặt đất là cỏ xanh, có nhiều nơi cho người ta cắm trại qua đêm. Xe chạy được 5 miles thì con đường trở nên ngoằn ngoèo để vượt qua một ngọn đèo và bảng giới hạn vận tốc xuống còn 45 mile giờ. Qua những khúc quanh rất ngặt nghèo, một bên là vực sâu của hố núi với những dây leo, rễ bám chằng chịt. Một bên là vách núi đá dựng thẳng đứng lên gần như  90 độ, trên vách đá lại có những cây thông già cằn cỗi, rễ cây cố bám vào đá như những cây bonsai hàng trăm tuổi. Quang cảnh qua đèo rất giống đèo Ngoạn Mục trên đường từ Phan Rang lên Ðơn Dương để đi Ðà Lạt nhưng cây nơi đây lại cao và dầy đặc hơn, dây leo cũng um tùm, chằng chịt và những núi đá bắt đầu nhuộm màu đỏ hay vàng cam. Xe qua một khoảng đất trống để xe dừng lại ngắm cảnh gọi là Scenic Overlook. Từ điểm này người ta có thể chụp những tấm ảnh với con đường như rắn bò trên sườn núi.



Ðây là vùng Oak Creek Canyon có dòng suối chảy dưới những tảng đá dọc theo bên mặt của con đường. Bên trong là rặng núi đá đỏ cảnh quan kỳ thú và rừng cây sồi (oak) râm mát, bên bờ suối nước trong men theo con đường người ta xây những khu nhà nghỉ dưỡng (resort) đầy thơ mộng, nổi tiếng như Oak Creek Canyon Lodge. Khi còn cách Sedona 7 miles chúng tôi đi ngang qua Slide Rock State Park nơi này người ta cho xuống suối tắm. Những gia đình gốc Mễ Tây Cơ đến đây cắm trại, nướng thịt và tắm suối rất đông, nhiều nơi xe ra vào gây cảnh kẹt xe tắt nghẽn lưu thông, cảnh sát tuần tra xa lộ phải đứng xuống đường điều khiển chận xe cộ, cho xe từ những bãi đậu bên trong ra vào. Xe chúng tôi nối đuôi những xe trước qua đoạn đường đông người này, những lề đường trống là người tới trước đã chen vào đậu xe. Xe ngang qua một khu chợ trời bán sản phẩm thủ công của người da đỏ và do chính những bà sắc tộc da đỏ bán nhưng đậu xe không được nên chúng tôi đành phải đi luôn. Giao thông trì trệ nhưng không có “ách tắc”, xe chạy chầm chậm là cơ hội cho mình quan sát cảnh vật hai bên đường.



Người Mỹ rất yêu chuộng thiên nhiên, có ngày giờ rảnh rỗi là tìm về sống với thiên nhiên núi rừng hay sông suối, họ dựng lều bên suối, nướng thịt bò bầm ăn với bánh mì tròn to hơn cái bánh bao gọi là món Hamburger hay nướng một thứ dồi thịt dài dài như cái lạp xưởng! Ở Việt Nam mình ăn dồi thịt với cháo lòng nhưng bên này người Mỹ ăn dồi thịt với bánh mì gọi là món Hot Dog! Tuy dịch sát nghĩa là món “chó nóng” nhưng ở đây không phải thịt chó mà là thịt heo hay bò hoặc gà. Miền Bắc Việt Nam có món dồi chó nổi tiếng: “Sống trên đời không ăn dồi chó. Chết xuống âm phủ biết còn có hay không?” Dồi chó được nướng nóng thơm phức mới đúng thật là “Real Hot Dog”. Còn Hot Dog bên Mỹ chỉ là hàng nhái, hàng dỏm một “chút gì để nhớ, để thương” cũng như ta nấu món…giả cầy vậy! Bên Mỹ Picnic “dã ngoại” ngoài trời nào cũng không thể thiếu hai món quốc hồn quốc túy là Hamburger và Hot Dog. Có một điều tôi vẫn thắc mắc là một bịch (túi) bánh mì để ăn với Hamburger hay Hot Dog bán trong chợ thì chỉ có 6 bánh “bun” nhưng không hiểu sao một bịch thịt dồi Hot Dog lại có đến 8 cái dồi? Hai cái dư ra để làm gì? Có người nói rằng có nhiều khi ăn một bánh mì kẹp trong đó 2 miếng thịt. Hamburger thì được và có tên gọi là “Double Burger” nhưng với Hot Dog thì với một bánh mì không thể nào nhét vào đó 2 Hot Dog được (dễ trong một bánh mà chen hai dồi)! Hot Dog là món ăn của người Mỹ hay người Đức nhưng kỷ lục ăn được nhiều Hot Dog nhất trong cuộc thi ăn Hot Dog tại Hoa Kỳ trong dịp lễ Ðộc Lập 4 tháng 7 vừa qua, không lọt vào tay người Mỹ mà người thắng cuộc lại là một anh chàng Nhật Bản! Chắc là vì Hot Dog có hình dạng gần giống với Sushi, cũng là một cuộn “roll” dài dài nên anh chàng Nhật vốn có nhiều kinh nghiệm ăn Sushi nên thắng cuộc dễ dàng khi ăn Hot Dog?



SEDONA THÀNH PHỐ DU LỊCH



Qua khỏi vùng Oak Creek Canyon cây xanh râm mát xe tới trung tâm Sedona lại nằm trên một ngọn đồi trống trải ít cây cối. Sedona là thành phố nhưng rất nhỏ, đi dăm ba phút lại trở về chốn cũ, nên gọi là làng hay thị trấn thì đúng hơn. Sedona chỉ có một con đường chính là đuờng 89A đi ngang qua thành phố và khu trung tâm thương mại nằm nơi ngả ba 89A với con đường 179 ra xa lộ 17 để về Phoenix. Khu buôn bán này có tên là Tlaquepaque nơi đây con đường chính được mở rộng ra dùng làm chỗ đậu xe dọc hai bên con đường và bên trong là những con đường nhỏ hẹp nhưng hoa lá xinh tươi dẫn vào các hàng quán, khách sạn. Có những nhà hàng thực khách ngồi nơi mái hiên (patio) vừa nhâm nhi cốc rượu vừa ngắm cảnh thiên nhiên núi đồi hùng vĩ.



Chúng tôi dừng lại tìm chỗ đậu xe nhưng không đuợc cuối cùng phải rẽ vào con đường nhỏ dưới trũng thấp bên hướng Ðông đi vào một khách sạn Resort mới có chỗ đậu. Ðoạn đường phố thị này dài chừng 1 mile nhưng hai bên là những dãy phố tấp nập người đi. Những cửa hàng ở đây chuyên bán đồ kỷ niệm, tranh tượng, thủy tinh, đồ da, đá qúy và những vật dụng trang trí trong nhà, nghệ thuật theo phong cách miền Viễn Tây hay các sắc tộc da đỏ. Giá cả khá cao nhưng tiền nào của nấy, sản phẩm làm công phu, vật liệu tốt và nghệ thuật cũng sắc sảo hài hoà. Những món đồ mỹ nghệ nơi đây cũng khó tìm thấy ở những nơi khác trên đất Mỹ vì Sedona cũng khá nổi tiếng là một thành phố nghệ thuật. Những khu du lịch khác tràn lan những món hàng kỷ niệm “Made In China” nhưng ở đây thì không. Có đến 27 phòng trưng bày nghệ thuật (art gallery) trong khu này. Có những gian hàng trưng bày tranh, du khách được chứng kiến người hoạ sĩ đang ngồi bên khung cửa sổ vẽ cảnh núi bên ngoài hay nhà điêu khắc đang mê say nắn tượng một mỹ nhân. Trong khu thương mại này còn có những văn phòng du lịch tổ chức những chuyến đi thăm Grand Canyon hay Las Vegas cho du khách về đây nghỉ ngơi có dịp thăm thú những danh thắng lân cận. Họ cũng cho mướn xe Jeep để du khách có thể thong dong lái dạo chơi trong sa mạc hay cho mướn ngựa để khách lãng du có thể sống lại thời lập quốc, cỡi ngựa tung hoành ngang dọc trong vùng đồng cỏ hay lên tới tận chân những ngọn núi đá đỏ thần linh huyền bí.



Thành phố núi đá đỏ này được mang tên bà Sedona Arabella Miller Schnebly (1877-1950), bà là vợ của ông Theodore Carlton Schnebly trưởng ty Bưu Điện đầu tiên được thành lập năm 1902 lúc ấy thành phố chỉ có 55 cư dân! Sedona trở thành địa điểm du lịch vào thập niên 1950 vừa là khu nghỉ dưỡng, nghỉ hưu cho những ai thích nơi chốn yên tịnh, không khí trong lành.

GRAND CANYON SKYWALK

CÓ NÊN ĐI HAY KHÔNG?

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM



Grand Canyon Skywalk là cây cầu bằng thép hình móng ngựa chữ U, sàn được lát kính dầy trong suốt được xây phía trên của đại vực Grand Canyon, một thắng cảnh nổi tiếng ở Arizona. Nhưng chiếc cầu Skywalk này nằm về phía Tây của thắng cảnh Grand Canyon và trong khu vực chánh phủ bảo tồn dành cho người da đỏ. Khoảng cách từ cầu đến đáy thung lũng phía dưới sâu khoảng 4,000ft. (1,2000m). Du khách đi trên cầu ngắm cảnh đại vực phía dưới sâu thâm thẩm sẽ có cảm giác chơi vơi như lơ lửng giữa trời có lẽ giống như đi trên cầu Ô Thước bắc ngang sông Ngân Hà do hàng ngàn chim ó kết lại cho Ngưu Lang và Chúc Nữ gặp nhau mỗi năm một lần.



Kiến trúc cầu Skywalk là sở hữu và điều hành bởi bộ lạc da đỏ Hualapai là sắc dân địa phương sinh sống lâu đời tại đây. Cầu Skywalk được xây với tổn phí là 30 triệu USD và được khánh thành vào ngày 20 Tháng Ba 2007 hiện được kinh doanh mở cửa cho công chúng vào xem với tiền vé khá cao cộng thêm nhiều điều giới hạn như không được sử dụng máy ảnh khiến du khách không mấy thiện cảm. Lại thêm địa điểm cầu Skywalk tọa lạc trong vùng sa mạc đất đá hoang dã thuộc Grand Canyon West cách Las Vegas 120 miles (192km) về phía Đông Nam với 14 miles (22km) là đường đất chưa tráng nhựa, lái xe đi vào rất dằn sốc bụi bậm.



Vậy mà tôi lại đi vào trong đó mới mệt, số là năm rồi gia đình chị tôi từ Việt Nam qua Mỹ thăm con bằng tua du lịch. Trong lịch trình chuyến đi có đi Las Vegas và từ Las Vegas có một ngày thăm Grand Canyon Skywalk. Nghe nói về kiến trúc này từ lâu nhưng chưa biết hay dở thế nào nên tôi tháp tùng chuyến đi, trước là cùng đi ngoạn cảnh với người thân, sau là viếng thăm cho biết một công trình xây cất đặc biệt và khá tốn kém.



Sau một ngày thăm thú nạp tiền cho Las Vegas, sáng hôm sau cả đoàn khoảng 30 người trên một chiếc xe buýt của hãng du lịch có văn phòng ở Monterey Park gần Los Angeles (không biết chủ hãng này là Đài Loan hay Trung Quốc nhưng công ty du lịch ở Sài Gòn hợp đồng với hãng du lịch này). Sau khi ăn phở ở Las Vegas đoàn du lịch lên đường đi về hướng Đông ghé xem bên ngoài của đập Hoover Dam rồi theo con đường số 93 đi thêm khoảng 40 miles về hướng Đông Nam. Kế đến rẽ trái vào đường Pierce Ferry Road đi thêm 28 miles nữa lên hướng Đông Bắc gặp ngã ba với đường Diamond Bar Road thì xe buýt dừng lại trong bãi đậu xe trước một ngôi nhà như là một văn phòng. Đây là trạm xe trung chuyển Shuttle của công ty khai thác cầu Skywalk, theo lời của anh chàng hướng dẫn viên du lịch thì xe buýt của hãng du lịch ở Los Angeles không được đi vào khu Skywalk vì đây là đất tư nhân của bộ lạc Hualapai, con đường chưa được trải nhựa rất nguy hiểm nên phải đi bằng xe Shuttle của Skywalk. Lệ phí đi vào đất bộ lạc cộng tiền xe Shuttle khứ hồi và bữa ăn trưa là 70 USD, đoàn du lịch từ Sài Gòn sang thì đã bao gồm trong giá tua nên khỏi đóng thêm. Riêng tôi phải đóng 70 USD cho công ty khai thác Skywalk. Tôi thấy giá cao với lại quan cảnh Grand Canyon mình đã từng viếng qua nhiều lần rồi nên không muốn vào. Nhưng ngặt nếu không vào thì ngồi đây chờ đoàn du lịch của chị tôi trở ra phải đến chiều!



Ngồi ở trạm chờ nhìn ra sa mạc hơn nửa giờ thì xe Skywalk Shuttle đến, hành lý cồng kềnh cứ để trong xe buýt tua có ông tài xế giữ xe trông coi, chúng tôi chuyển sang xe Shuttle. Con đường vào Grand Canyon West là con đường đất đá bụi bay mịt mùng lại dằn sốc lắc lư như con tàu đi. Mỗi lần có xe chạy ngược chiều (thường là xe Shuttle, chỉ gặp vài chiếc tư nhân), hai xe nép sát vào lề tránh nhau như cảnh giao thông ở miền núi vùng sâu vùng xa quê hương xứ Việt! Trời thì nóng 90 độ F (nhưng đỡ là xe có máy lạnh) và khung cảnh hai bên đường là sa mạc đất đá xương rồng cây Joshua hoang dại không có gì xem.



Lắc lư trên con đường gió cát 14 miles mất độ nửa giờ thì xe chúng tôi đi vào khu bộ lạc Hulapai với lác đác những căn nhà gỗ thông lấp thấp. Đây là địa điểm mà bộ lạc đặt tên là Eagle Point nơi có cầu kính Skywalk tọa lạc. Chúng tôi đi về phía cầu là một ngôi nhà bê tông hai tầng với chiếc cầu hình chữ U đưa ra ngoài cách bờ vực 21m. Khi đến nơi định vào xem thì an ninh ở đây kiểm soát vé do hướng dẫn viên đưa ra (hướng dẫn viên này là một thành viên trong đoàn du lịch từ Sài Gòn sang, anh ta là nhân viên đài truyền hình biết chút tiếng Anh nên hãng tua có lẽ cho anh ta đi miễn phí, đổi lại anh phải hướng dẫn đoàn và cầm tất cả các giấy tờ cứ theo chương trình mà đi).



Nhân viên giữ cầu Skywalk nói là vé của tôi 70$ cũng như của đoàn chỉ là “access” vào khu bảo tồn, đi Shuttle vào đây và ăn trưa. Muốn đi lên cầu phải mua vé thêm 40$ nữa và tất cả vật dụng cá nhân kể cả điện thoại di động, máy hình không được mang lên cầu. Lý do là để bảo đảm đồ vật không rơi xuống vực sâu cũng như rớt lên mặt kính cầu! Phải để vật dụng cá nhân trong những tủ sắt (lockers) do họ cung cấp. Hình ảnh chuyên nghiệp do họ chụp và du khách có thể mua lại sau khi viếng cầu (giá 30$ một tấm!). Họ quảng cáo giá trọn gói như sau: “Legacy package must be purchased to access (phải mua để vào) Grand Canyon West and the Skywalk - $70.95 plus tax (cộng thuế), $8 impact fee (?) & $3 fuel surcharge (thuế nhiên liệu)”. Nội vụ trọn gói là $82 bao gồm:

- Vé vào Skywalk để đi trên cầu lát bằng kính

- Một bữa ăn ở điểm ngắm cảnh do mình chọn

- Phiếu giảm giá $5 để mua đồ kỷ niệm trên $25

- Bằng chứng nhận có đến viếng của bộ lạc Hulapai

- Chụp hình với dân bộ lạc

- Xe Shuttle Hop-On Hop-Off để viếng Eagle Point, Guano Point và Hualapai Ranch.



Tốn thêm 40$ mà không được chụp hình nên chúng tôi không ai vào. Đứng cạnh bờ vực sâu 4,000ft mà không có hàng rào an ninh rất ớn, sợ trợt chân té xuống vực sâu thì dù có la “Hualapai” cũng không ai nghe. Vào sân bên trong toàn là đất đá không cây cối chỉ có mấy căn lều nhọn chóp và vài người da đỏ mặc sắc phục thổ dân đánh trống đi tới đi lui. Đa số du khách tới đây là người Trung Quốc theo những tua du lịch như chúng tôi và chỉ thấy một số ít mua vé đi vào Skywalk. Chắc là do ế khách thăm viếng nên công ty khai thác Skywalk hợp đồng với các hãng du lịch Trung Quốc để đưa du khách tới đây. Người Trung Quốc chắc cũng nghe nói Grand Canyon là một danh thắng hùng vĩ của nước Mỹ nên cũng muốn tới xem. Nay thấy trong chương trình du lịch nước Mỹ cũng có viếng thăm Grand Canyon thì họ yên chí mua tua nhưng đâu biết là Grand Canyon West Skywalk nhếch nhác buị bậm nắng nôi và làm tiền đủ mọi thứ. Sau khi du lịch Mỹ đi thăm Grand Canyon West do bộ lạc da đỏ làm chủ này, họ thất vọng mà đâu biết rằng Grand Canyon National Park ở chỗ khác là South Rim, là một thắng cảnh thiên nhiên vực sâu núi thẫm bao la hùng vĩ và tiện nghi mọi bề với khách sạn, nhà hàng.



Còn bữa ăn trưa đã bao gồm trong chương trình du lịch của đoàn chị tôi từ Việt Nam sang cũng như tôi phải mua riêng cho tôi 70$ thì là một bữa…cơm tù! Chúng tôi phải đứng sắp hàng với người Trung Quốc giữa nắng nóng sa mạc chói chang. Đến một cái cửa sổ, phục vụ bên trong cũng là người Trung Quốc để nhận một dĩa nhựa cơm chiên hay mì xào (mình chọn) với gà chiên  hay thịt xá xíu và ly soda nước ngọt. Rồi mang ra những bàn tròn bên ngoài ngồi ăn. Ngoài quán ăn này nơi đây không có một chỗ bán thức ăn nào khác như McDonald’s hay Pizza Hut nào!



Nhân viên điều hành ở đây đa số là người da trắng nhưng thái độ phục vụ không lịch sự như ta thường thấy ở bên ngoài. Thông cáo dán ở đây cũng như trên Website cho rằng đây là đất do bộ lạc Hualapai làm chủ và quản lý nên họ có quyền, thí dụ như du khách chỉ được đậu xe nơi những bãi đã chỉ định, không được tự lái xe trong khu Grand Canyon West này. Mọi di chuyển phải đi bằng xe Shuttle mà đi thì phải mua những “gói” (package) giá trời ơi. Nhiều du khách Mỹ lái xe trên con đường đất đá đi vào phải đậu xe tại chỗ, còn muốn dạo chơi ngắm cảnh hay lên Skywalk phải chấp nhận giá cả quy định là 82$ nhưng cũng không được chụp hình trên cầu kính. Muốn có hình lại phải trả thêm!



Grand Canyon West Skywalk là vậy, có nên đi hay không? Bạn đọc có thể lên mạng Google tìm hiểu, tùy theo sở thích sẽ có câu trả lời. Riêng tôi đi một chuyến chắc là…Hualapai, Bái Bai!

LÊN THĂM ÐẠI VỰC GRAND CANYON

KỲ 4 (KẾT THÚC)

Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

 


Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 mẫu acres (1,900 dặm vuông) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách. Qua hàng triệu năm dòng sông Colorado chảy qua đã đào rộng một vùng thung lũng thành dãy vực sâu dài 277 miles có chiều sâu trung bình 4,000 feet (1 mile có 5,280 feet) và chiều rộng có nơi đến 15 miles. Năm 1919 thắng cảnh Ðại Vực Grand Canyon được U.S. Congress bảo tồn thành công viên quốc gia và 60 năm sau được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Thế Giới, kho tàng chung của nhân loại dành cho những thế hệ mai sau.



Đến thăm thắng cảnh Grand Canyon nếu sức khỏe bình thường không có vấn đề gì thì cũng nên xuống khám phá dưới đại vực xem cảnh trí dưới đó như thế nào và cũng có thể xuống trầm mình dưới dòng nước mát của con sông nổi tiếng Colorado đã chảy qua ngàn dặm núi non . Ca dao có câu “Lên non tắm ngọn sông Đào, muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh”, tắm nơi đây chắc sẽ sảng khoái vô cùng và mọi bệnh tật đều tiêu tan.



HERMIT TRAIL



Con đường đi xuống cách Hermit’s Rest 500 feet về hướng Tây, đường đi không được tu bổ nên phải thận trọng và nên mang giày loại hiking vì có nhiều bậc thang đất đá. Nước chỉ có nước suối thiên nhiên cần phải khữ trùng trước khi uống. Ðiểm đến là Dripping Springs sâu 1,700 feet, chiều dài con đường là 3.5 miles đi mất từ 3 đến 4.5 tiếng đồng hồ.



Nhiều người muốn ngắm cảnh dọc đường mòn xuống đáy vực nhưng không muốn đi bộ vất vả và Grand Canyon cũng có cách giải quyết cho họ bằng cách cho họ cỡi lừa với điều kiện thân hình phải nhẹ nhàng vì nếu quá khổ sợ lừa bị...gãy xương sống! Những chuyến du ngoạn xuống đáy vực bằng lừa có thể đi 1 hoặc 2 ngày có thể gọi hỏi chi tiết ở số (928) 683-2631 hay hỏi tại quày du lịch ở Bright Angel Lodge. Vì đã xảy ra những tai nạn chết người và lừa khi lừa bị hoảng sợ, người đi bộ trên đường mòn gặp đoàn lừa nên:

-         Ra khỏi con đường mòn, đứng im lặng đừng động đậy thái quá làm lừa hoảng hốt và theo lời hướng dẫn của anh nài dẫn đoàn lừa

-         Chỉ trở lại con đường mòn khi con lừa cuối cùng trong đoàn đã qua khỏi 50 feet.



Khi đi bộ trèo núi (hiking) khách bộ hành cần phải chuẩn bị y phục, nón, giày nhẹ nhàng thích hợp. Nước uống đầy đủ và thức ăn mang theo nên hơi mặn một chút vì cơ thể sẽ cần muối và nên ăn sáng đầy đủ trước khi lên đường, đây không phải là lúc cần ăn kiêng. Phải trừ hao thời giờ, nên nhớ rằng thời gian đi lên dốc gấp đôi thời gian xuống dốc, không nên hấp tấp vội vã vì sẽ làm mau mệt. Mỗi giờ đồng hồ nên dừng lại nghỉ ngơi 10 phút trong bóng mát. Hiking không cần phải có giấy phép nhưng nên cho một người khác biết lộ trình và ngày giờ mình trở lại để trong trường hơp đi lạc người ta dễ tìm kiếm.



NHỮNG CHUYẾN XE KHÔNG MẤT TIỀN



Ðể bảo vệ thiên nhiên tránh không khí bị ô nhiễm, trong vùng Grand Canyon bờ phiá Nam có 3 lộ trình xe buýt miễn phí (free shuttle bus) chuyên chở du khách qua lại từ địa điểm này sang địa điểm khác để ngoạn cảnh. Du khách muốn đi không cần vé, những trạm xe ngừng trên đường có bảng vẽ hình đầu chiếc xe buýt, mỗi lộ trình có màu riêng được sơn trong khung chữ nhật nơi cửa xe và có những xe đề tên lộ trình trước xe. Thú vật nhà như chó mèo không được lên xe buýt. Có 3 lộ trình như sau:

-         Hermits Rest Route (lộ trình sơn màu đỏ) dài 8 miles khởi hành từ  Hermits Route Transfer, điạ điểm xe khởi hành nằm trên con đường đi bộ cạnh bờ vực phiá Tây lữ quán Bright Angel Lodge và cuối lộ trình là Hermits Rest. Lộ trình này chạy dọc theo bờ vực đi về hướng Tây trên con đường dành riêng cho xe buýt, không cho xe tư  nhân lưu thông. Trên đường này xe dừng lại ở 8 điểm ngắm cảnh dọc theo bờ vực nhưng khi chuyến xe trở về chỉ ngừng lại tại 2 địa điểm Mohave và Hopi Point mà thôi.

-         Village Route (lộ trình sơn màu xanh lục) lộ trình này chạy một vòng trong làng Grand Canyon Village qua nhà ga xe lửa, các khách sạn, khu chợ. Về hướng Ðông xe buýt chạy tới Yavapai Observation Station (cạnh bờ vực) và tới Canyon View Information Plaza gần Mather Point. Trạm khởi hành Village Route Transfer cũng ở gần địa điểm Hermits Route Transfer.

-         Kaibab Trail Route (lộ trình sơn màu xanh lá cây) lộ trình này ở về phiá Ðông và xe đi từ Canyon View Information Plaza đến Yaki Point và ngược lại.



Trong mùa hè tìm chỗ đậu xe hơi khó ở các bãi đậu nhất là từ  9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tuy nhiên xe có thể đậu bên lề các con đường nếu những nơi này không có để bảng cấm đậu. Chính quyền công viên khuyên du khách nên đậu xe một chỗ, di chuyển trong công viên nên sử dụng xe buýt miễn phí để tránh giao thông ứ nghẽn và gây ô nhiễm môi trường. Xe buýt miễn phí trong mùa hè (tháng 5 cho tới tháng 9) chạy mỗi ngày từ 4 giờ 30 sáng cho đến một tiếng đồng hồ sau khi mặt trời lặn và cứ mỗi 15 phút là có một chuyến (7 giờ 30 cho đến lúc mặt trời lặn), sáng sớm hay chiều tối thì cứ nửa giờ.



Trong công viên Grand Canyon có nhiều nai loại nhỏ con mule deer, nhiều dê núi big horn và sóc, thỏ, chó sói và một ít gấu cũng như sư tử núi. Theo tài liệu được phát không ở Visitor Center cho thấy vùng Grand Canyon có đến 1,500 loại cây cối thảo mộc, 355 giống chim, 89 loại động vật có vú, 47 loại bò sát, 9 loại ếch nhái và 17 loại cá. Có 5 bộ tộc người da đỏ sống trong vùng là Hopi, Navajo, Havasupai, Paiute và Haulapai. Muốn tìm hiểu thêm về Grand Canyon có thể gọi Grand Canyon National Park (928) 638-7888, về phòng khách sạn gọi Xanterra Parks and Resorts (928) 638-2526, về các dịch vụ thương mại gọi Grand Canyon Chamber of Commerce (928) 638-2901. Nhiều đồng hương Việt Nam ở Quận Cam, các tiểu bang xa, các nước Âu Châu và cả ở trong nước đã gọi điện thoại, email hỏi về các Tour du lịch do người Việt tổ chức đi Grand Canyon, Yosemite, Lake Tahoe và Yellowstone. Hiện nay các văn phòng du lịch, bán vé máy bay ở Little Saigon đều có những Tour xe buýt thăm viếng các thắng cảnh trên.



Sau khi thăm qua những nơi cần đến ở Grand Canyon, chúng tôi rời Grand Canyon Village để đi Sedona 160 miles về phiá Nam cách 3 tiếng đồng hồ lái xe để xem những núi đá đỏ mà người da đỏ tin là rất huyền bí. Rời khu rừng thông yên tịnh, bầu trời xanh và không khí mát mẻ dù ngay mùa hè của vùng Ðại Vực du khách nào cũng bồi hồi  luyến tiếc, thầm nghĩ chắc vài năm sau sẽ trở lại để ở đôi ba ngày hòa mình vào không gian yên tịnh nơi đây. Nơi nào đẹp tôi cũng hứa sẽ trở lại mà thế giới còn biết bao nhiêu cảnh đẹp cần phải đến nhưng cuộc đời thì qúa ngắn ngủi, biết làm sao đi cho hết?



Cũng xin lưu ý Grand Canyon ở đây là công viên quốc gia “Grand Canyon National Park” nơi có cảnh trí hùng vĩ thơ mộng và đường xá tiện nghi đầy đủ. Khác với “Grand Canyon West” gần Las Vegas là vùng đất chính phủ bảo tồn dành cho bộ lạc da đỏ Haulapai. Bộ lạc này giao cho công ty tư nhân khai thác xây lên cây cầu có sàn lót bằng kính trong suốt gọi là “Skywalk” nhìn xuống Grand Canyon. Con đường tư nhân vào đây không trải nhựa, cát bụi mịt mùng, lên cây cầu kính giá vé rất cao và không được chụp hình, muốn có hình kỷ niệm phải mua lại của công ty. Quán ăn, nước uống nơi đây nhếch nhác, công ty khai thác độc quyền. Nhiều công ty du lịch ở Trung Quốc, Việt Nam có lẽ vì không biết hay do giá rẻ vì đường đi gần, hợp đồng với họ trong chương trình đi viếng Grand Canyon đưa du khách trong nước đến đây khiến du khách bực mình và có cái nhìn không đúng với thắng cảnh Grand Canyon của nước Mỹ. Do đó khi mua Tour nên xem kỹ chương trình coi có phải là Grand Canyon National Park hay Grand Canyon West Skywalk. Nếu muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ lại có cây cao bóng mát, dòng sông hiền hòa thì phải chọn Grand Canyon National Park chứ không phải Grand Canyon West Skywalk ngoại trừ muốn đi lên cầu kính cho biết cảm giác thế nào?

LÊN THĂM ÐẠI VỰC GRAND CANYON

KỲ 3

Bài và hình:TRỊNH HẢO TÂM

 


Grand Canyon là thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kỳ quan của thế giới nằm về hướng Tây Bắc tiểu bang Arizona do dòng sông Colorado tạo thành. Grand Canyon có hai bờ Bắc và Nam nhưng bờ phía Nam là nơi du khách thường đến ngoạn cảnh nhất vì nơi đây đường xá thuận lợi, có phố xá khách sạn, nhà hàng. Grand Canyon Village là ngôi làng ở bờ phía Nam, du khách có thể nghỉ đêm ở các khách sạn, nhà trọ nơi đây hay đi bộ xuống khám phá đại vực.



LỮ QUÁN EL TOVAR



Du khách đến làng Grand Canyon Village đứng ngắm cảnh nơi đây sẽ thấy một ngôi nhà xưa to lớn 3 tầng, vách gỗ màu xám nâu phiá trước mặt tiền cẩn đá chung quanh là bãi cỏ xanh và những cây phong to lớn. Ðó là lữ quán El Tovar năm nay là 2015 vừa tròn 110 tuổi. Chúng tôi bước vào khách sạn cổ này, phiá trước là một mái hiên (bungalow) trống trải không vách được chống đở bằng những cột cẩn đá to lớn, nơi đây có để những chiếc ghế gỗ để du khách ngồi thư giãn ngắm cảnh hay chờ xe đến đón. Bên gian trong là phòng tiếp tân với quày làm việc của nhân viên trực khách sạn. Cầu thang lên lầu, hành lang đi vào nhà hàng tất cả đều trang trí bằng gỗ sơn màu nâu có vẻ âm u huyền bí và cả những chùm đèn trên trần cũng rất xưa cũ. Không phải là khách ngụ trong khách sạn nhưng chúng tôi tự nhiên dạo chơi nơi đây và sau đó còn sử dụng nhà vệ sinh nữa nhưng cũng không ai hỏi han gì! Sau này khi tham khảo tài liệu tôi mới biết có văn bản đàng hoàng: “The famed El Tovar dining room, lounge, gift store and lobby are open to the public”.



Lữ quán này 100 năm trước là khách sạn sang trọng và to lớn nhất tại Grand Canyon sau khi đường xe lửa từ Williams lên Grand Canyon dài 80 miles được hoàn thành do hãng Topeka và Sante Railway bắt đầu khai thác từ năm 1901. Ðể cho đường xe lửa mới mở có khách đi, chính hãng xe lửa đứng ra xây cất khách sạn El Tovar lấy tên nhà thám hiểm người Tây Ban Nha là Don Pedro de Tobar người da trắng đầu tiên đã lặn lội trèo lên vùng này và khám phá ra đại vực Grand Canyon. Kiến trúc sư Charles Whittlesey nguyên quán ở Alton, Illinois đã có kinh nghiệm xây cất 25 năm vùng Chicago được giao công tác thiết kế và xây cất khách sạn. Ông đã dùng kiểu nhà thịnh hành thời ấy là kiểu Victorian và vật liệu dùng để xây là những gì có trong thiên nhiên tại địa phương. Whittlesey chính yếu dùng đá tại đây và gỗ Douglas Fir được chuyển vận lên từ Oregon. Bà Mary Elizabeth Jane Colter là kiến trúc sư xây dựng nhiều nhà ở Grand Canyon trong đó có Hopi House gần đó cũng góp phần trang trí nội thất khách sạn. Khách sạn có 3 tầng và một tầng hầm, tầng một là phòng Rendezvous Room là phòng lễ tân đón tiếp khách mướn và trả phòng, hai tiệm bán qùa lưu niệm (gift shops), quầy rượu (lounge) và nhà hàng ăn uống cũng như một số ít phòng ngủ cho những ai không muốn ở trện lầu. Tầng 2 và 3 toàn là phòng ngủ trong đó có 12 suites sang trọng dành cho quốc khách, minh tinh màn bạc và những nhà tỷ phú. Bốn vị Tổng Thống Mỹ đã từng ở khách sạn El Tovar là Theodor Roosevelt (người đặt viên đá đầu tiên xây cổng Roosevelt Arch ở Yellowstone), Herbert Hoover (người vận động xây đập thủy điện Hoover ở gần Las Vegas), George H. W. Bush (tức Bush cha) và Bill Clinton (không biết Monica Lewinski lúc ấy có đi theo làm...thư ký thực tập hay không?) Những người nổi tiếng đã từng cư ngụ tại khách sạn là nhà bác học Albert Einstein, minh tinh màn ảnh Elizabeth Taylor, hai tài tử và minh tinh phim câm thời xưa là Douglas Fairbanks và Mary Pickford.



Ngày nay du khách tới thăm và nghỉ mát ở Grand Canyon không phải chỉ ở khách sạn El Tovar mà còn 5 khách sạn khác nữa cũng ở quanh đây trong vùng Grand Canyon Village cũng do công ty Xanterra độc quyền khai thác. Tổng cộng 6 khách sạn có tới 907 phòng. Bữa ăn tối tại El Tovar nghe tài liệu du lịch mô tả rất lãng mạn, tình tứ và thơ mộng nhưng tôi chưa dám thử vì chỉ quen các món canh chua, cá kho, phở, cơm, bún mà thôi!



Rời khách sạn cổ 100 năm El Tovar chúng tôi theo con đường bộ hành đi dọc theo tường đá thấp xây bên bờ vực. Bờ phiá bên kia là North Rim chỉ cách bờ bên này khoảng 10 miles nhưng nếu muốn qua bên ấy bằng xe hơi phải đi vòng 215 miles mất gần 5 tiếng đồng hồ. Những khách sạn kế cận El Tovar là Kachina Lodge, Thunderbird Lodge cả 2 giá phòng 122$-132$ và Bright Angel Lodge giá 50$-130$ đều là những lữ quán xưa cũ và cùng một công ty khai thác với khách sạn El Tovar là công ty Xanterra có số điện thoại là  888-29-PARKS hay 888-297-2757. Riêng khách sạn El Tovar là khách sạn lớn nhất có giá 129$ đến 300$. Nhà hàng trong El Tovar cũng rất nổi tiếng vì tính chất lịch sử nơi những vị Tổng Thống, những danh nhân thế giới, minh tinh màn bạc đã từng ngồi ăn tối nơi đây. Nhà hàng mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 11 giờ đêm và bữa ăn tối phải gọi đặt chỗ trước ở số (928) 638-2631 Ext. 6432.



BRIGHT ANGEL LODGE



Nhà trọ này nằm cuối hết trong khu 9 ngôi nhà cổ cạnh bờ vực Grand Canyon, được xây năm 1935 bởi Mary Jane Colter (1869-1958) một nữ kiến trúc sư nổi tiếng miền Tây Nam Hoa Kỳ. Bà yêu thích phong cảnh thiên nhiên vùng Grand Canyon nên đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc tại đây. Phong cách kiến trúc của bà nặng về thiên nhiên, tận dụng những vật liệu xây cất có tại địa phương như đá tảng và gỗ tùng bách nên công trình xây cất của bà hài hoà với phong cảnh chung quanh. Tại Grand Canyon bà Mary Jane Colter đã xây những công trình như Hopi House theo kiểu nhà của người da đỏ, lữ quán Bright Angel Lodge xưa kia là nơi bà ở, Lookout Studio căn nhà ngoạn cảnh cạnh bờ vực gần đó, Hermit’s Rest là cổng bằng đá cuối con đường men theo đại vực đi về hướng Tây, Guest Lodge là ngôi nhà du khách nghỉ đêm ở Phantom Ranch nằm dưới đáy vực và tháp đá Indian Watchtower ở Desert View cuối con đường đi về hướng Ðông cách Grand Canyon Village khoảng 20 miles. Mỗi năm có gần 5 triệu du khách vào thăm Grand Canyon họ đều thăm viếng hay nhìn thấy các công trình kiến trúc mà bà Mary Jane Colter đã để lại cho hậu thế.



Bright Angel Lodge có tất cả 89 phòng vừa trong khách sạn vừa ở những căn cabin nằm riêng rẽ bên ngoài. Những phòng giá rẻ 50$ phải sử dụng phòng tắm chung ở lối đi. Lữ quán có nhà hàng ăn cũng như quán cà phê phục vụ những bữa ăn cho du khách.



BRIGHT ANGEL TRAIL, LỐI MÒN DƯỚI ĐẠI VỰC



Những con đường mòn đi xuống vực sâu đều nằm gần Bright Angel Lodge như Bright Angel Trailhead nằm cuối con đường bộ hành cặp theo bờ vực về hướng Tây. Ðây là con đường đất không tráng nhựa có vài nơi có bóng cây, điểm đến cuối cùng là Indian Garden cách điểm khởi hành 4.6 miles và đi bộ phải mất từ 3 đến 4.5 tiếng đồng hồ do đó những ai muốn đi và về trong ngày phải cân nhắc kỷ lưỡng chứ đừng xuống tới đáy vực, không khí rất oi nồng ngột ngạt vì không có gió, lúc đó trở lên không nỗi, đồ ăn thức uống lại không có, phải kêu trực thăng đến bốc lên thì rất phiền hà và tốn tiền bạc! Dưới đáy cách phiá trên bờ vực là 3,060 feet có nhà vệ sinh và nước sạch. Dọc đường đi xuống có 2 nơi nghỉ chân là ở địa điểm 1.5 mile và 3 mile có nhà vệ sinh nhưng nước uống chỉ có trong mùa hè, mùa Ðông không có nước vì ống dẫn nước có thể bị đóng băng.



Từ Indian Garden đến dòng sông Colorado phải đi thêm 3 miles nữa. Vượt qua con sông bằng cầu Bright Angel Suspension Bridge sau đó đi thêm 1 mile nữa sẽ tới Phantom Ranch có bãi đất để cắm trại che lều, có nhà vệ sinh, nước uống, trạm điện thoại nhưng phải mua giấy phép cắm trại là 10$ và 8$ lệ phí một đêm cho một người. Giấy phép và lệ phí cắm trại qua đêm dưới vực mua ở Backcountry Information Center (928) 638-7875 hay ở Visitor Center tại Canyon View Information Center gần Mather Point. Từ Phantom Ranch có con đường mòn qua bờ phiá Bắc (North Rim) Grand Canyon  theo con đường North Kaibab Trail. Nhiều người quen với tôi hãnh diện khi khoe rằng đã từng vượt bằng đường mòn từ bờ Nam sang bờ Bắc của Grand Canyon và họ đã dùng con đường này. Thằng con trai út tôi lúc còn nhỏ 14, 15 tuổi từng gia nhập hướng đạo và toán của nó cũng đã vượt đại vực Grand Canyon bằng con đường này nhưng nó đi ngược lại từ bờ Bắc đi bộ qua bờ Nam và có xe đón phía bên này.

LÊN THĂM ÐẠI VỰC GRAND CANYON

KỲ 2

Bài và hình:TRỊNH HẢO TÂM



Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 acres (1,900 sq. miles) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách.



Ðịa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Mather Point, vì bãi đậu xe đã hết chỗ nên chúng tôi đậu xe dọc theo con đường đi vào bãi. Mather Point là nơi nhìn xuống thung lũng sâu nhất nên cảnh quan nơi đây rất hùng vĩ, từ nơi ngoạn cảnh xuống tới dòng sông Colorado ngoằn ngoèo chảy phía dưới vực chiều sâu gần 1 mile rưỡi. Những người sợ độ cao đứng nơi này nhìn xuống rất chóng mặt còn những ai thích chụp ảnh thì nơi đây qủa là lý tưởng để ghi lại những hình ảnh đẹp.



Ðây là bờ phiá Nam của Grand Canyon nhìn sang bờ phiá Bắc cách nhau chỉ 10 miles nhưng nếu muốn sang bờ bên kia bằng xe hơi phải mất 5 tiếng đồng hồ trên con đường dài 215 miles, phải qua thành phố Las Vegas đến St. George và vòng trở xuống. Bờ phiá Bắc (North Rim) rất vắng vẻ ít người thăm viếng và con đường đến đây đóng cửa vào mùa Ðông vì băng tuyết. Nhà trọ và nơi cắm trại hoặc đậu xe Camper ở bờ phiá Bắc từ giữa tháng 5 cho đến giữa tháng 10 vẫn có cho du khách sử dụng nhưng cần phải gọi dành chỗ trước. Những chi tiết này có thể hỏi tại Visitor CenterCanyon View Information Plaza ngang bên kia đường gần Mather Point.



Từ Mather Point có con đường đi bộ trải nhựa nằm dọc theo bờ thung lũng về hướng Tây để đến làng Grand Canyon Village, nơi đây có khách sạn, tiệm buôn, nhà hàng ăn uống và ngân hàng. Con đường đi bộ này dài 2.5 miles, vừa đi vừa ngắm cảnh vực sâu rất đẹp và ngang qua Yavapai Observation Station đây là điểm ngắm được cảnh vực sâu mở ra rộng nhất.



LÀNG GRAND CANYON VILLAGE



Chúng tôi trở lại lấy xe và chạy vào làng. Làng không có cảnh gì đẹp nhưng là khu thương mại duy nhất ở Grand Canyon. Trước khi tới làng du khách sẽ ngang qua khu Market Plaza có một chợ tên là General Store, bưu điện, ngân hàng, nhà trọ Yavapai Lodge, khu cắm trại, nhà giặt quần áo và nhà tắm nước nóng, gần đó là bịnh xá. Bịnh xá hay trạm y tế ở trên đường Clinic Road là một “Walk-In Clinic” không cần phải lấy hẹn trước. Ở đây có 2 bác sĩ để chăm sóc cho du khách bị tai nạn khi leo trèo, bị rắn cắn hay ngã bịnh bất ngờ đồng thời cũng có một nha sĩ lo cho những ai đau răng bất thình lình. Bịnh xá này là chi nhánh của bịnh viện Flagstaff Medical Center. Giờ mở cửa hàng ngày từ  9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và đóng cửa 2 ngày cuối tuần, số điện thoại là (928) 638-2551. Trường hợp khẩn cấp du khách có thể gọi 911 để được chăm sóc.



Ngang qua đây tôi thấy những ngôi nhà nhỏ vách gỗ thông cũ kỷ, mái gỗ rêu phong và phiá trước hiên nhà là những chậu hoa Geranium, chắc là những nhà trọ cho thuê. Ði tới không đầy một mile sẽ đến Grand Canyon Village, nơi đây có trạm xăng, ga ra sửa xe và nhà ga xe lửa. Nhiều du khách nhất là người Mỹ lớn tuổi thích đi xe lửa vào Grand Canyon, họ lái xe tới thị trấn Williams, bỏ xe nơi đây và ngồi xe lửa chạy bằng diesel với đầu máy phun khói mà vào Grand Canyon. Họ muốn đi lại con đường ngày xưa 100 năm trước du khách thời ấy đã từng đi. Ðoạn đường ngày nay chỉ có 65 miles và mất 2 giờ 15 phút, trên xe có những nhạc công miền Viễn Tây đi tới đi lui giúp vui du khách. Du khách có thể tới sớm ở ga Williams để có thời giờ ăn sáng ở Max và Thelma’s Restaurant cũng như dạo xem những gift shops, nhà bảo tàng Railway’s Museum và Grand Canyon Railway Hotel. Xe lửa chia ra làm 5 hạng ghế, tiền nào của nấy, hạng nhất toa xe được mô phỏng như kiểu Harriman 1923 có tầng cao để ngắm cảnh bao quát xung quanh. Từ Williams du khách có thể đi về trong ngày theo lịch trình 10 giờ sáng khởi hành ở Williams Depot và đến Grand Canyon lúc 12 giờ 15. Buổi chiều từ Grand Canyon đi lúc 3 giờ 30 và về lại Williams lúc 5 giờ 45.Những ai thích đi xe lửa có thể gọi để biết chi tiết ở số 1-800-THE-TRAIN (1-800-843-8724) hay vào website www.thetrain.com .



Phiá Bắc của Grand Canyon Village dọc theo con đường Trail cạnh bờ vực là một dãy khách sạn cỗ có những cái đã hơn 100 tuổi.



HOPI HOUSE, KIẾN TRÚC ÐẦU TIÊN Ở GRAND CANYON



Ngôi nhà xây bằng đá đỏ có tên là Hopi House nằm gần bãi đậu xe, đây là ngôi nhà đầu tiên được xây dựng tại Grand Canyon Village năm 1905 do bà Mary Jane Colter vẽ kiểu và thiết kế. Hopi là tên một bộ lạc da đỏ sống trong vùng Arizona khoảng 1,000 năm về trước và còn lưu truyền bộ tộc cho đến ngày nay. Người Hopis theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà là chủ nhân gia đình, chủ nhà và chủ ruộng đất còn đàn ông làm ngoài nương rẫy thường trồng bắp là món ăn chính của họ. Bà Mary Colter vẽ kiểu Hopi House mô phỏng theo kiểu nhà bằng đá của người Hopi: có 3 tầng, các nhà tầng trên nhỏ hơn tầng dưới và lên bằng một thang cây dựng bên ngoài bức tường nhà. Ngôi nhà Hopi House tại Grand Canyon do chính thợ xây người Hopis và dùng đá đỏ địa phương được đẽo bằng tay chất lên thành tường và kết dính với nhau bằng một chất vôi vửa, đà ngang trần nhà được làm bằng gỗ sần sùi đốn tại địa phương. Ngôi nhà này ngày trước được dùng làm nơi trao đổi hàng hóa của người da đỏ (trading post) vì họ không sử dụng tiền mà chỉ trao đổi với nhau nông phẩm để lấy vật dụng, thí dụ như trao bắp, đậu để lấy đồ gốm gia dụng hay nữ trang làm bằng đá. Ngày nay Hopi House vẫn là nơi trao đổi hàng hóa của người da đỏ nhưng không còn lấy thực phẩm nữa mà lấy…tiền cho gọn nhẹ. Hàng hoá của người da đỏ được du khách ưa chuộng để làm quà kỷ niệm là đồ trang sức, đồ gốm nhiều màu, vải thổ cẩm dệt thô sơ bằng tay để treo trang trí hay làm thảm trải nhà. Tôi vào đi một vòng trong Hopi House có máy lạnh và nhạc trống người da đỏ dập dồn được thu vào CD và phát ra những loa giấu trên trần nhà. Trên lầu vài người phụ nữ da đỏ (?) biểu diễn cách dệt vải thổ cẩm và xay bắp thành bột trong những cối xay bằng đá để làm bánh tortilla. Nơi quày có bán những món ăn ngọt trong đó có kẹo dẻo mùi cây xương rồng.



Năm 1987 Hopi House được phong tặng là danh thắng lịch sử quốc gia (National Historic Landmark) và trong quá  khứ nhà bác học lừng danh người Ðức Albert Einstein (1879-1955) cùng vợ đã từng viếng nơi đây năm 1931 và chụp hình lưu niệm với những phụ nữ bộ lạc Hopi trong chuyến viếng Hoa Kỳ lần thứ hai theo lời mời của viện California Institute of Technology.



Phía trước Hopi House là sân cỏ có nhiều cây tùng bách và cạnh đó là bờ vực với tường chắn bằng đá xây dọc theo con đường tản bộ, vài du khách thong thả dạo chơi, vài người khác nhắm máy ảnh xuống vực sâu mong chụp được những chú nai mule deer đang thẩn thơ gặm những chồi lá non còn ướt đẫm giọt sương mai.

LÊN THĂM ÐẠI VỰC GRAND CANYON

KỲ 1

Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

 


Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 acres (1,900 sq.miles) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách. Qua hàng triệu năm dòng sông Colorado chảy qua đã đào rộng một vùng thung lũng thành dãy vực sâu dài 277 miles có chiều sâu trung bình 4,000 feet (1 mile có 5,280 feet) và chiều rộng có nơi đến 15 miles. Năm 1919 thắng cảnh Ðại Vực Grand Canyon được Quốc Hội Hoa Kỳ bảo tồn thành công viên quốc gia và 60 năm sau được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Thế Giới, kho tàng chung của nhân loại dành cho những thế hệ mai sau.



Sau khi nghỉ đêm ở thị trấn giữa đàng Flagstaff chúng tôi khởi hành sớm lên Grand Canyon bằng con đường 180 dài khoảng 100 miles đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Con đường vắng vẻ, mỗi chiều một lane xe chạy với vận tốc giới hạn là 55 miles một giờ. Hai bên là rừng thông không nhà cửa rất an toàn có thể chạy nhanh hơn nhưng mọi người vẫn giữ tốc độ 55 miles để thong dong ngắm cảnh hai bên đường. Rừng thông xanh mát, phiá Bắc trước mặt là ngọn núi San Francisco đỉnh cao nhất là ngọn Humphreys tuyết phủ. Hết rừng thông thì qua những những cánh đồng xanh cỏ dại có những xóm nhà cất xa con đường vào sâu bên trong. Hầu hết những ngôi nhà đều rất mới và có những cái còn đang xây, dường như là nhà nghỉ mát của những người giàu có từ Phoenix lên hay từ Las Vegas qua. Không thấy chợ búa ngay cả một trạm xăng cũng không có, mua sắm có lẽ họ trở về Flagstaff. Nơi đây có cao độ trên 5,000 feet nên không khí rất mát ngay cả mùa hè và bầu trời trong xanh không một chút ô nhiễm. Phía trước xe tôi là 5 yên hùng xa lộ mặc áo da cỡi trên 5 chiếc mô tô Harley rất ngầu. Nhưng họ vẫn chạy chậm giữ vận tốc 55 miles và xe tôi vẫn chầm chậm theo sau họ. Tôi nói đùa với mọi người trong xe rằng mình là nhân vật quan trọng nên đi chơi có mô tô mở đường, nhưng phiá sau lại không có ai hộ tống!



Hết rừng thông cao và rậm, qua những cánh đồng xanh có những xóm nhà, con đường lại qua những vùng trống trải, mênh mông vô tận có những cây thông thấp cằn cỗi vì tác dụng của gió nên dáng thông khúc khuỷu như những cây bonsai. Ước gì có một hai cây trồng trước sân nhà thì thú vị biết bao! Dù đất đai cằn cỗi, không ai tưới nước bón phân chúng vẫn sống được nơi đây. Xe chúng tôi sắp tới ngả ba nơi con đường 64 từ Williams lên gặp nhau và địa danh nơi đây có tên là Vallé, có nhà trọ, khách sạn, trạm xăng, tiệm tạp hoá và một phi trường nhỏ bên ngoài có trưng bày một chiếc máy bay phế thải. Chúng tôi dừng lại nơi trạm xăng Chevron đổ xăng, thăm nhà vệ sinh xem...có vệ sinh không và mua cà phê. Nơi đây có tiệm tạp hóa khá lớn bán những món đồ kỷ niệm của người da đỏ, chúng tôi xem các món đồ và mua cà phê nhưng cà phê trong máy chỉ có đắng chứ không thơm nhưng bù lại có những tài lệu về Grand Canyon, bản đồ miễn phí. Nơi quày tính tiền cũng có bán vé vào cửa Grand Canyon để khỏi phải nối đuôi sắp hàng chờ mua vé ở cỗng vào Grand Canyon vì nơi cỗng có một lane riêng dành cho những xe đã có vé.



Chúng tôi lên xe tiếp tục con đường 180, nơi đây có cao độ 5,900 feet còn 23 miles là tới cỗng phiá Nam công viên Grand Canyon. Rừng thông và cây cối dầy đặc trở lại và khi còn cách cỗng South Entrance Station 2 miles chúng tôi gặp phi trường Grand Canyon ở bên trái, những nhà giàu có máy bay riêng họ sẽ đáp nơi đây. Ở trong phi trường còn có bán vé những chuyến bay du ngoạn để ngắm cảnh Grand Canyon từ trên cao bằng máy bay 2 động cơ 19 chỗ ngồi với 2 phi công và bay mỗi tiếng đồng hồ đó là hãng Grand Canyon Airlines. Máy bay một động cơ 7 chỗ ngồi là hãng Air Grand Canyon nên gọi giữ chỗ trước nhưng đến bất ngờ cũng vẫn...welcome! Còn muốn tham quan bằng trực thăng thì có tới 3 hãng là Grand Canyon Helicopters, Papillon Helicopters và Maverick Helicopters.



LÀNG TUSAYAN BÊN NGOÀI CỖNG VÀO GRAND CANYON



Qua khỏi phi trường là làng Tusayan quang cảnh rất nhộn nhịp với khách sạn, nhà hàng và tiệm thức ăn nhanh duy nhất ở đây là McDonald’s. Nhà hàng có Wendy’s,  Yippee-Ei-O Steakhouse, Jennifer’s Bakery...Khách sạn và nhà trọ có 4, 5 cái, bề thế nhất là The Grand Hotel. Năm 1998 tôi đi ngang qua đây trong chuyến thăm Grand Canyon lần đầu tiên thì làng này rất thưa vắng chỉ một vài nhà trọ nhưng hôm nay nơi này rất đông vui, nhộn nhịp du khách và nơi bãi đất trống lại có dựng lều vãi bán chợ trời các món hàng thủ công, mỹ thuật, quà kỷ niệm nữa gọi là “Art Festival”. Từ sáng tới giờ là 9 giờ chưa ăn gì nên chúng tôi ghé vào McDonald’s ăn sáng và trong quán rất đông sắp hàng chờ mua thức ăn. Cà phê trong các quán “fast food” Mỹ có lẽ cà phê McDonald’s là ngon nhất, có mùi thơm, vị đắng dịu dàng lại châm thêm thả dàn!



Tại làng Tusayan này nổi tiếng nhất là rạp hát chiếu bóng IMAX với màn ảnh rộng chiếu phim về thắng cảnh Grand Canyon là “Grand Canyon: The Hidden Secrets”. Phim sẽ đưa khán giả theo cánh chim ó bay lượn từ trên cao nhìn xuống vực sâu với dòng sông Colorado chảy xiết rồi qua những dấu vết để lại ngược dòng thời gian 10,000 năm về trước chứng tỏ đã có người ở đây cho đến cuộc thám hiểm chinh phục sông Colorado của thiếu tá John Wesley Powell năm 1869. Rạp hát này nằm trong khu National Geographic Visitor Center cùng một chủ với nguyệt san của hội nghiên cứu địa dư National Geographic đã xuất bản đều đặn hàng tháng gần 100 năm nay.



Tusayan là tên một làng của bộ lạc da đỏ sắc tộc Pueblo sống trong vùng Grand Canyon 800 năm về trước. Tusayan ngày trước không phải ở đây mà ở gần Desert View cách Grand Canyon Village 20 miles về hướng Ðông trên đường 64. Tại đó còn lưu dấu tích người da đỏ gọi là Tusayan Ruin và có một nhà bảo tàng mở cửa từ  9 giờ sáng đến 5 giờ chiều không có lệ phí.



NHỮNG ÐIỀU AN TOÀN NÊN BIẾT KHI VIẾNG GRAND CANYON



Lên xe đi chưa tới một mile, phiá trước đã thấy xe sắp hàng dài nối đuôi chờ mua vé vào cỗng. Giá vé cho một xe là 30$ và có giá trị 7 ngày. Anh chàng nhân viên công viên (ranger) bán vé mặc đồng phục ka ki vàng gần giống như hướng đạo đưa biên nhận, tài liệu chỉ dẫn và cẩn thận nhắc là vé có giá trị 7 ngày, ra vô bao nhiêu lần cũng được. Grand Canyon cũng có một đài phát thanh AM, du khách trên xe có thể vặn đài này để theo dõi những chỉ dẫn cần thiết, thời tiết, vấn đề lưu thông như đường nào bị đóng, bãi đậu xe nào đã đầy chỗ. Những vấn đề về an toàn du khách cần lưu ý khi vào ngoạn cảnh là:



-         Cẩn thận coi chừng té ngã xuống vực sâu nhất là khi mãi mê chụp hình ở điểm ngắm cảnh Mather Point, nơi đây những bờ đá cạnh vực sâu có thể trơn trượt. Chỉ nên đứng phía sau hàng rào và để ý đến tình trạng mặt đất nơi mình đứng.

-         Sấm sét rất thường xảy ra nơi bờ vực phía Nam Grand Canyon vì vị trí này rất cao so với thế đất dưới vực sâu nên rất dễ dẫn điện truyền xuống từ lằn chớp khi mưa giông. Khi trời mưa hay mây đen vần vũ trên bầu trời hãy rời ngay khu vực trống trải cạnh bờ vực vào trong nhà hay trong xe và đóng cửa lại. Tránh che dù hay đứng dưới gốc cây tại bờ vực khi trời sấm chớp.

-         Không đưa thực phẩm cho những con sóc (squirrel) ăn vì tai nạn thường xảy ra nhất nơi đây là du khách bị những con sóc cắn. Tại Grand Canyon có rất nhiều thú rừng ra...chào đón du khách như những con nai, chó sói, bầy sóc, nên tránh xa chúng vì chúng có thể cắn và lây bịnh truyền nhiễm như bịnh dịch hạch. Cho thú rừng ăn là vi phạm luật lệ bảo vệ thiên nhiên có thể bị phạt tới 5,000$.

-         Coi chừng bị sư tử núi (Mountain Lions) tấn công vì trong vùng có rất nhiều nai, sói, sóc là mồi ngon nên sư tử cũng thường tìm tới. Khi đi bộ những nơi vắng vẻ nên đi nhiều người, không nên cho trẻ con lang thang một mình mà phải luôn coi chừng chúng.

-         Khi đi bộ bằng những đường mòn (trails) tránh đi lâu ngoài trời nắng, dừng chân nghỉ mỗi tiếng đồng hồ dưới bóng mát, uống nhiều nước và ăn thực phẩm mặn. Trước khi đi nên nghiên cứu bản đồ, hoạch định giờ giấc, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống, quần áo, nón giày nhẹ nhàng. Muốn xuống dưới đáy vực gần con sông Colorado nên đi nguyên một ngày. Cắm trại ngủ qua đêm dưới đáy vực ở Phantom Ranch phải xin giấy phép và đóng lệ phí. Nhìn xuống đáy vực thấy rất gần nên nhiều người muốn đi và về trong ngày, nhiều người đi không nỗi vì đường dốc đi rất mệt và dưới vực không có gió nên khí hậu nóng và ngộp. Nhiều người mệt, đuối sức lên không nỗi phải kêu trực thăng tới cứu, trả chi phí cấp cứu rất nhiều tiền!

-         Xuống ngoạn cảnh dưới vực có thể đi bằng lừa, đi và về trong ngày hay 2 ngày có thể hỏi chi tiết ở  (928) 638-2631 hay ở khách sạn Bright Angel Lodge nơi quày các Tour ngoạn cảnh. Muốn ngoạn cảnh bình minh hay hoàng hôn ở Desert View và Hermits Rest cũng liên lạc nơi và số điện thoại nói trên.



Đường vào Grand Canyon còn nhiều thắng cảnh hữu tình, bài tới sẽ lần lượt đưa các bạn đến thăm Grand Canyon Village, nơi có nhiều khách sạn cổ tuổi hơn trăm năm. Đứng cạnh bờ vực trước khách sạn, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của danh thắng thuộc hàng kỳ quan của thế giới.

TỪ PHOENIX ĐI FLAGSTAFF, ARIZONA

Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

 


Arizona là tiểu bang nằm ở miền Tây Nam Hoa Kỳ kế cận California là nơi nắng ấm quanh năm và có một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ nổi tiếng đó là đại vực Grand Canyon có chiều sâu hơn 1 mile do dòng sông Colorado tạo thành. Viếng thắng cảnh này du khách thường phải đến thị trấn Flagstaff phong cảnh êm đềm với những núi non bao phủ một màu xanh của rừng thông Ponderosa ngút ngàn.



Sau hai ngày dong ruỗi ở Phoenix qua các thành phố ngoại ô như Mesa, Chandler, Gilbert thăm đồng hương trong giới làm Nail cho biết sự tình. Tối nay thứ Bảy chúng tôi dự tính sẽ lên đường đi thăm thắng cảnh Grand Canyon cùng với gia đình của Nhàn, một người bà con định cư ở Phoenix kinh doanh trong nghề Nail.

Buổi sáng thứ bảy vợ chồng Nhàn Nguyễn còn bận tiệm Nail nên chúng tôi lái xe đi riêng, Phoenix thành phố sa mạc cũng không có gì đặc biệt để xem ngoại trừ những người ở vùng tuyết lạnh, thích thú với vùng sa mạc lạ lẫm. Tôi đi qua vườn bách thảo (Phoenix Botanical Garden) toàn là những loại cây xương rồng gai góc. Vườn bách thú bên cạnh với những giống thú cũng như ở Cali, nên cuối cùng đi xem các khu nhà sang trọng ở thành phố Scottsdale nằm về phía Đông của Phoenix. Đây là khu dân cư giàu có cũng như Beverly Hills của Los Angeles, nhà cửa rộng lớn và sân vườn theo lối sa mạc với xương rồng, đá cảnh rất đặc biệt. Cuối cùng vào tránh nóng ở shopping center có tên Superstition Springs Center ở thành phố Mesa.



Chiều thứ bảy đóng cửa tiệm Nail sớm trong khi khách Mỹ quen vẫn còn đến nên vợ chồng Nhàn phải cáo lỗi để ra về nhà ở Gilbert đón hai chúng tôi cùng với hai đứa con trai. Chúng tôi tất cả lên chiếc SUV Sequoia 3 hàng ghế, tôi ngồi phiá trước để làm hoa tiêu chỉ đường và Nhàn cầm tay lái. Chúng tôi ghé chợ Bashas nơi góc đường Chandler Heights và Power Road để mua trái cây, nước uống và vài món ăn vặt đem theo đường. Sau đó ra trạm xăng để đổ đầy thùng. Trong lúc đổ xăng thì bất ngờ trời vần vũ, những đám mây đen kéo về cùng những làn gió mát mang mùi hơi nước. Nơi chân trời hướng Ðông thỉnh thoảng loé sáng lên những lằn chớp và tiếng sét. Bỗng thấy những người đang đổ xăng chạy vội vào xe đóng cửa lại. Trong vài giây gió thổi lên lồng lộng bao nhiêu giấy rác nơi trạm xăng vụt bay lên trời và cát bụi kéo tới mịt mù. Lúc đầu tôi đứng chịu trận tưởng cơn phong ba bão cát rồi sẽ qua đi nhưng rốt cuộc chịu không thấu, cát bụi thổi vào mặt rát rạt và tôi chạy vội vào xe đóng cửa lại. Ngồi trong xe, xe lắc lư chòng chành như con thuyền vượt biên, nhìn qua cửa kính bên ngoài cát bụi mịt mờ chỉ thấy một màu xám trắng và những ánh đèn xe xuyên qua cát bụi. Lần đầu tiên trong đời chứng kiến một trận bảo sa mạc kéo dài trong 5 phút.



Lạ một điều độ 10 phút sau trận cuồng phong sa mạc rồi cũng qua đi và chúng tôi lên đường trực chỉ hướng Bắc. Chiều cuối tuần nhưng Phoenix không nhiều xe nên chúng tôi thênh thang trên xa lộ và thành phố không mấy lớn nên 20 phút sau xe đã xa rời đô thị bỏ lại vùng ánh sáng ở phía sau. Quang cảnh hai bên đường vẫn là sa mạc với những lùm cây thấp, thỉnh thoảng một vài cây xương rồng to lớn với hai ba nhánh vượt cao lên. Xa lộ từ 4 làn xe mỗi chiều đã giảm xuống còn 2 làn xe. Màn đêm đã xuống và con đường thiên lý từ từ lên cao độ 2,000 rồi 3,000 feet, nhiệt độ bên ngoài đồng hồ trong xe ghi nhận lúc khởi hành là 92 độ xuống còn 75. Xe qua những vùng như Dead Man River, Rock Springs và qua khỏi Black Canyon 80 miles cách Phoenix chúng tôi dừng lại ở trạm nghỉ (rest area) ven đường. Lúc này đã 9 giờ rưỡi nhưng nơi trạm nghỉ du khách khá đông, có nhà vệ sinh và tủ bán nước ngọt. Nơi đây có điểm vọng cảnh nhìn xuống thung lũng sâu leo lét vài ánh đèn nhà ai ở phía dưới? Gió mát lồng lộng thổi trong khi phía Bắc thỉnh thoảng sáng lên những lằn chớp mưa giông và trẻ con kêu nhau ơi ới tranh nhau nhìn vào ống dòm bỏ 25 xu nhưng trời đêm cũng không thấy gì ngoài ánh đèn dưới vực sâu.



Trở lên xe chúng tôi tiếp tục con đường 17 North càng lúc càng lên cao và rừng thông xuất hiện hai bên đường. Khi qua khỏi Camp Verde đường bắt đầu xấu nhiều nơi hơi lồi lõm và có bảng đang sửa chữa, vận tốc giới hạn 55 miles giờ. Một chiếc xe Honda Prelude trắng vượt rất nhanh qua chúng tôi, nửa phút sau một xe Highway Patrol chớp đèn mui qua mặt xe chúng tôi và một phút sau đó thì xe cảnh sát tuần tra xa lộ đã chận chiếc Prelude phóng nhanh. Ðừng thấy đêm tối mà chạy ẩu, cảnh sát thường núp đâu đó bên cánh rừng như thợ săn rình mồi! Con đường quanh co lên cao, tai tôi lùng bùng và bảng ghi cao độ 4,000 feet, nhiệt độ bên ngoài là 55. Lấy tay sờ kính xe thấy lạnh thật! Qua ánh sáng trăng lưỡi liềm mờ tối, tôi cũng thấy được rừng thông cây càng cao lớn hơn và dọc đường đi thỉnh thoảng có những bảng vàng vẽ hình con nai đang nhảy và hàng chữ phiá dưới “Caution: Deer Crossing”. Rồi từ đó câu chuyện lan man về thịt nai được chúng tôi kể cốt ý làm cho tài xế không buồn ngủ. Thịt nai mềm và ngon hơn thịt bò lại có mùi...thịt rừng khen khét có thêm vài ly tâm hồn sẽ lâng lâng sảng khoái biết dường nào!



THỊ TRẤN VEN ÐƯỜNG FLAGSTAFF



Mười một giờ 30 chúng tôi đến thành phố Flagstaff, đây là một thị trấn nhỏ chuyên đón du khách đi trượt tuyết hay nghỉ lại đêm khi vào thăm Grand Canyon. Ðến đây xa lộ 17 từ Phoenix lên chấm dứt và chúng tôi đổi qua xa lộ 40 East là con đường thiên lý đi từ BarstowCalifornia sang tận North Carolina. Sở dĩ có tên Flagstaff có nghĩa là “cột cờ” vì ngày xưa vào năm 1855 trung úy Edward Fitzgerald Beale có nhiệm vụ đi đo đạc để thành lập tuyến đường đi từ Rio Grande thuộc New Mexico sang thành lũy Fort Tejon ở California. Ông cho lính đốn cây thông thật cao và thẳng làm cột và treo cờ Hoa Kỳ trên đó. Từ đó những đoàn xe ngựa từ miền Ðông sang California tìm vàng cứ nhắm cột cờ mà tiến tới và hạ trại ngủ đêm tại đây vì nơi đây có dòng suối tắm giặt và lấy nước. Vài năm sau đó Flagstaff là thị trấn duy nhất trên đường từ  Albuquerque qua California. Thành phố đuợc thành lập năm 1928 và hiện dân số 68,870 người. Kinh tế ngày xưa là khai thác rừng, chăn nuôi, ngày nay có một vài cơ sở kỹ nghệ và du lịch.



Xe chúng tôi ra khỏi xa lộ 40 ở Exit 198 vào đường Butler Ave., nơi đây có rất nhiều khách sạn, nhà trọ (motel) ban đêm những bảng hiệu có đèn rất dễ nhìn thấy. Vì không biết giờ giấc của Nhàn như thế nào nên mãi cho tới sáng hôm qua chúng tôi mới có dịp ngồi lại thống nhất chương trình đi Grand Canyon nên gọi điện thoại đặt phòng thì những khách sạn tốt đã hết, đành phải đặt 2 phòng ở Motel 6 mà chỉ còn những phòng có hút thuốc. Bước ra khỏi xe bên ngoài rất lạnh, tôi vào văn phòng trả tiền nhà trọ, lấy thẻ khóa phòng và đem hành lý vào thì nghe nực nồng mùi thuốc lá. Chúng tôi mỗi gia đình một phòng có 2 giường, trải qua một đêm chập chờn nửa tỉnh nửa mê vì mùi thuốc, thêm nữa cứ vài tiếng đồng hồ thì xe lửa Amtrack chạy qua kéo những hồi còi inh ỏi. Sáu giờ sáng tôi thức dậy tắm nước nóng thật lâu cho đỡ nhức mỏi cũng như cho “đáng đồng tiền bát gạo” vì nhà trọ chật chội, nực nồng mùi thuốc lá mà Motel 6 tính đến 82$ một phòng! Kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài thấy cảnh vật bên ngoài khác hẳn ở Phoenix, thông xanh xứ lạnh Ponderosa Pine chạy xa tấp lên những vùng cao và hướng Bắc một ngọn núi trên đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Giở bản đồ mới biết là ngọn Humphreys 12,633 feet là đỉnh cao nhất tiểu bang Arizona nằm trong dãy núi San Francisco.



Bảy giờ mọi người tắm táp đã xong, chúng tôi lên xe tiếp tục lên đường để vào Grand Canyon. Có 3 con đường để đi Grand Canyon là 64, 180 và 89, đường nào cũng vắng vẻ, dễ đi và phong cảnh hữu tình. Ðường 64 từ Williams lên tôi đã đi rồi năm 1998 nên hôm nay chọn con đường khác là 180. Xe chầm chậm qua trung tâm thành phố Flagstaff, bỗng thấy bảng con đường số 66 rất quen thuộc ở Nam California có tên là Foothill Blvd. không ngờ lên tới đây cũng gặp lại nó. Con đuờng lịch sử  Historic Route 66 là con đường thời xưa cũ lúc chưa có xa lộ nối từ Chicago qua đến Miền Nam California. Flagstaff chỉ có mấy con đường, buổi sáng chủ nhật rất vắng vẻ, nhà cửa nóc nhọn cũ kỹ ẩn mình sau rừng thông với những con đường quanh co rất giống Ðà Lạt. Ðẹp và lãng mạn nhất là con phố cổ đường  San Francisco chạy theo hướng Bắc Nam ở trung tâm thành phố với phố xá, quán ăn thanh vắng êm đềm bên những chậu hoa Geranium một loại hoa mà lá chúng mùi nồng hăng hắc, dễ trồng nhưng ở đây nhờ trên miền cao mát lạnh nên hoa to lớn và màu sắc đậm đà rực rỡ. Bận đi Grand Canyon chứ phải có chút thời gian để la cà qua phố xá miền cao chụp những tấm hình quán vắng với chậu hoa, những căn nhà xưa nóc nhọn bên rừng thông xanh mát. Nói đến Arizona ai cũng nghỉ là vùng đất khô cằn sỏi đá, chỉ có sa mạc với xương rồng. Flagstaff cũng là Arizona nhưng nơi đây rừng thông xanh mượt nhiều hoa thơm cỏ lạ, con phố lãng mạn êm đềm:



“Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương…

(Còn Chút Gì Để Nhớ - Phạm Duy)