Pages

Powered By Blogger

Monday, March 27, 2017


CẦU THÁP LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM




  

Cạnh Tháp Luân Đôn (Tower of London) là cây Cầu Tháp (Tower Bridge) bắc ngang dòng sông Thames. Là một trong những kiến trúc biểu tượng cho thành phố Luân Đôn, Cầu Tháp được hoàn thành năm 1894 có kiểu Gothic, là cây cầu treo (suspension) vừa là cầu quay (bascule), nhịp giữa có thể được quay lên cao để tàu thuyền có thể lưu thông qua lại dưới cầu.



Ai đến viếng Tháp cổ thành Luân Đôn chắc phải bước lên Cầu Tháp vì đây là một công trình đồ sộ vừa cổ kính và mỹ thuật rất hấp dẫn lôi cuốn du khách mọi lứa tuổi. Hai kiến trúc, Tháp cổ thành và Cầu Tháp, nằm cạnh bên nhau rất cân đối hài hòa, người ta tưởng rằng cả hai đều được xây dựng trong cùng thời gian nhưng thật ra khác biệt đến 800 năm. Trong khi Tháp Luân Đôn được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 thì Cầu Tháp được xây vào cuối thế kỷ 19. Cả hai đều là di tích cổ, một cái xưa thật là xưa, một cái xưa...vừa vừa.



LỊCH SỬ CẦU THÁP



Khởi thủy từ khi thành lập, Luân Đôn chỉ có một cây cầu duy nhất bắc ngang sông Thames là cầu Luân Đôn (London Bridge, khoảng 1965 khi làm cầu mới, cây cầu cũ được dời về hồ Havasu, Arizona). Khi thành phố phát triển dần về hướng Tây để thành lập vùng Westminster, rất nhiều cây cầu được xây thêm cũng về phía Tây Luân Đôn (ở về hướng Tây an toàn hơn vì khi cướp biển Vikings từ biển tràn vào phải đến phía Đông trước và nơi đây đã có thành Luân Đôn áng ngữ). Vào thế kỷ 19 nước Anh phát triển vượt bực, được xem là đế quốc hùng mạnh có thuộc địa khắp 5 châu. Trên bờ sông Thames phía Đông Luân Đôn trở thành một giang hải cảng sầm uất, từ nơi đây tàu thuyền ra vào bằng cửa biển ở hướng Đông chỉ cách 70 km. Hàng ngày qua lại giữa hai bờ sông Thames chỉ có cầu London Bridge nên giao thông rất chậm chạp vì nạn kẹt cầu hàng giờ. Chính quyền Luân Đôn muốn xây thêm cầu về phía Đông để giải tỏa bớt lưu thông nhưng vấn đề được đặt ra là xây cầu phía hạ lưu sẽ gây trở ngại cho tàu thuyền ra vào bến cảng. Xây cầu cao rất tốn kém và ngựa thời ấy kéo xe lên không nỗi, do đó giải pháp là phải xây cầu nhịp giữa có thể nhấc lên được để tàu thuyền chui qua bên dưới?



Cuối cùng năm 1876, một ủy ban xây “cây cầu đặc biệt” được thành lập và mở cuộc thi vẽ kiểu. Có hơn 50 họa đồ dự án được đệ nạp (còn lưu giữ, du khách có thể xem ở Tower Bridge Exhibition). Duyệt xét và bàn cãi lợi hại cho đến cuối năm 1884 mới chấp thuận đồ án của 2 kiến trúc sư Horace Jones và John Wolfe Barry.



CÔNG TÁC XÂY CẦU



Công tác xây cầu mất đến 8 năm ròng rã, 5 hãng thầu kết hợp cùng nhau xây và mướn đến 432 thợ đủ mọi ngành nghề về xây dựng. Hai trụ móng cầu khổng lồ được chôn sâu dưới lòng sông cho đến lớp đất cứng để chịu đựng sức nặng cả công trình. Hơn 11 ngàn tấn thép dùng làm khung sườn cho 2 tháp và cầu đi bộ (walkways) ở phía trên cây cầu (cây cầu đi bộ này có nhiệm vụ nối kết 2 tháp bên trên và 2 trụ móng dưới sông làm cấu trúc chắc hơn). Phần phía ngoài 2 tháp xây bằng đá hoa cương Cornish và đá xanh Portland để bảo vệ khung thép bên trong và tô điểm vẻ đẹp bên ngoài (du khách có thể tìm hiểu thêm về cách xây cầu và thành phần nhân sự liên hệ ở Tower Bridge Exhibition).



Khi cầu xây xong, Cầu Tháp Luân Đôn là cây cầu quay lớn nhất từ trước đến nay. Muốn quay được nhịp giữa cầu lên thời ấy người ta phải dùng những máy bôm (pumping engines) chạy bằng hơi nước. Nước được nấu sôi cho bốc hơi và hơi nước được tích lũy trong 6 bồn chứa khổng lồ cho đến khi đủ hơi nước để nhấc nhịp cầu lên. Lúc đó đã sẵn sàng để đưa hơi nước qua máy kéo mà nâng nhịp cầu lên hoặc hạ xuống. Chỉ cần một phút để nâng nhịp cầu lên tối đa là 86 độ. Hai tháp hai bên mỗi tháp chỉ nâng nửa nhịp cầu mà thôi. Cho tới năm 1976 hơi nước để chạy máy kéo được thay thế bằng máy chạy diesel và điện. Máy kéo chạy bằng hơi nước, bồn chứa và nồi nấu nước hiện vẫn còn trưng bày ở Tower Bridge Exhibition (khu chân cầu phía Nam).



Ngày nay du khách có thể viếng phòng triển lãm Cầu Tháp (Tower Bridge Exhibition) nằm trong hai tháp, hai cầu đi bộ trên cao và phòng máy hơi nước ở chân cầu phía Nam. Vé vào xem (giá 6 pound đồng Anh cho người lớn) bán ở phòng vé nơi đầu cầu phía Bắc và có thể mua trước qua mạng Internet. Hai cầu đi bộ trên cao, ngày xưa bộ hành có thể qua cầu trong lúc cầu đang quay. Đến năm 1910 hai cầu đi bộ này đóng cửa vì nhiều vấn đề như mãi dâm và móc túi diễn ra ngay trên cầu. Năm 1982 hai cầu đi bộ được mở lại cho du khách lên xem và là một phần của phòng tiển lãm. Cầu đi bộ cách mực nước lúc thủy triều cường 143 feet (44 m) là điểm để khách du ngắm cảnh khu phố cổ Luân Đôn như Tháp Cổ Thành, nhà thờ cổ St. Paul và dòng sông Thames thơ mộng, đẹp nhất là lúc hoàng hôn.



Hiện nay hàng ngày có hơn 40,000 xe cộ qua lại vì cây cầu nằm trên trục lộ Vòng Đai Bên Trong Luân Đôn (London Inner Ring Road) và không phải trả lộ phí khi qua cầu. Tốc độ giới hạn qua cầu là 20 mile/giờ (32 km/g) và cấm xe nặng trên 18 tấn. Trên cầu có gắn máy ảnh để chụp hình  những xe phạm luật lưu thông (Luân Đôn là thành phố gắn nhiều máy ảnh nhất thế giới). Cầu quay khoảng 1,000 lần trong một năm và từ năm 2000 điều khiển quay cầu bằng vi tính. Số lượng tàu thuyền qua lại dưới cầu nay đã giảm nhưng nếu muốn qua cần phải báo trước 24 tiếng đồng hồ để biết giờ giấc khi nào cầu sẽ được quay lên. Hôm nay khi chúng tôi đến đây cầu ở vị trí bình thường nhưng hôm sau trên đường ra bến phà để sang đất Pháp nhằm đúng lúc cầu quay, xe cộ sắp hàng dài chờ đợi nên xe buýt chỡ đoàn du lịch chúng tôi phải quanh lại và tìm đường khác để qua sông. Cũng có nhiều tai nạn do cầu gây ra như ngày cuối năm 1952 một xe buýt hai tầng đã rơi xuống sông khi cầu mới vừa quay lên. Ngày 5 tháng Tư 1968 một phi công phản lực FGA 9 đã lái chui qua dưới cầu đi bộ và anh chàng phi công đã bị bắt khi máy bay vừa đáp. Tháng Năm 1997 đoàn xe hộ tống Tổng Thống Bill Clinton qua chưa hết thì bất ngờ cầu quay lên khiến đoàn xe bị cắt làm hai đoàn!



Trên cầu gió thoang thoãng rất mát, nhìn lên hướng Bắc là khu Luân Đôn có từ thời đế quốc La Mã thống trị đất Anh, ngày nay khu vực này là khu kinh tế tài chính với nhiều cao ốc ngân hàng đồ sộ trong đó có Bank of England là một ngôi nhà cổ kính trong khi ngân hàng Thụy Sĩ mới xây có hình nhọn ở đầu như trái cà na. Chúng tôi đi qua cầu về hướng Nam, trên sông là chiến hạm Belfast neo nơi cầu tàu cho du khách viếng thăm như một nhà bảo tàng. Trên bờ là Tòa Thị Chính của đô thị Đại Luân Đôn, tòa nhà cũng có hình dáng rất đặc biệt như vỏ của loài tôm tích. Trước Tòa Thị Chính giáp với bờ sông là công viên, dập dìu du khách dạo chơi hóng mát. Trời đã về chiều trong khi chúng tôi dự trù còn đi nhiều nơi nữa nên không ghé lại hai nơi này mà xuống cầu đi dọc bờ sông phía Đông Nam để tìm quán cà phê có nhà vệ sinh (ở đây không có nhà vệ sinh công cộng). Đây là khu bến tàu ngày còn lưu lại những kho hàng là những dãy nhà lầu tường gạch lợp ngói đỏ, ngày nay biến cải thành văn phòng dịch vụ, cửa hàng tạp hóa, hàng hoa tươi và nhà hàng, quán cà phê. Chúng tôi vào một quán cà phê nho nhỏ nhưng khá đông du khách, gọi cà phê (giá tương đối rẻ là 2 pound) và bánh ngọt. Nhân viên quán là những người trẻ (chắc là sinh viên đi làm thêm) rất tử tế và vui vẻ. Mặc dù có bảng là phòng vệ sinh chỉ dành cho khách hàng nhưng tôi thấy du khách ngoài đường buớc vào sử dụng, các nhân viên trẻ này cũng không nói gì.



Chúng tôi đi ngược qua cầu để trở lại nhà ga xe điện ngầm Tower Hill dùng tuyến District để tới ga Monument rồi lấy tuyến  Central ra ở ga  St. Paul để viếng nhà thờ St. Paul cổ kính. Nhưng khi tới ga Monument thì đường đi qua tuyến Central đóng lại sửa chữa nên đi không được. Thôi đành trở lại tuyến District mà trở về ga Embankment rồi đổi qua tuyến Northern đi lên hướng Bắc viếng khu đông vui Soho một lần nữa. Hôm nay chìều thứ Bảy khu ăn chơi có phố Tàu Soho đông nghẹt người đi bộ nhất là ở khu chung quanh nhà ga Tottenham Court Road, người ta từ dưới nhà ga tuôn ào lên để đi dạo phố, ăn uống, mua sắm. Chúng tôi không ăn ở đây mà đi bộ trở về hướng khách sạn mình cư ngụ cạnh nhà ga Waterloo. Đi trên cây cầu xe điện Hungerford Bridge nhìn phía bờ sông thấy người ta tập trung rất đông trong những ngôi nhà lớn cạnh cầu tàu Festival Pier, không biết họ ở đó làm gì, xem hòa nhạc hay văn nghệ gì đó? Qua khỏi cầu, đi xuống con đường dẫn vào những ngôi nhà lầu lớn mới biết là “food court” những quán ăn và quán bia lộ thiên bên Đức gọi là “Vườn Bia” (Beer Garden). Nhìn menu trưng bên ngoài thấy các món không mấy hạp khẩu vị (phần nhiều là món Ý, Mễ Tây Cơ và có nhà hàng Nhật nữa) chúng tôi trở về vòng quay London Eye và ăn ở nhà hàng China Buffet với giá 7 pound một người. Giá này tương đối là rẻ nhất cho một bữa ăn ở Luân Đôn nên “tiền nào của nấy”, mấy hôm nay “ chuyên trị” toàn là đồ Tây nên được cơm trắng, rau cải xào chấm xì dầu cũng hạnh phúc...lang thang lắm rồi, còn đòi cơm gà, cá gỏi với lại...xôi gấc gì nữa!



NHẬN XÉT VỀ LUÂN ĐÔN



Ăn tối xong chúng tôi về khách sạn ngủ sớm để ngày mai ra đi khi trời chưa sáng vượt qua eo biển Anh quốc sang đất Pháp. Sau những ngày thăm viếng Luân Đôn qua những cung điện, hoàng thành là những di tích lịch sử oai hùng cũng như ăn uống, tiếp xúc với dân chúng, cá nhân tôi có những cảm nghĩ về nước Anh như sau:



Về dân chúng Anh tôi thấy họ can cường, bảo thủ và thân thiện. Can cường là cho dù vốn bản tính hiếu hòa nhưng cũng sẵn sàng đương đầu nếu an ninh bị đe dọa và có thể áp dụng lối “đánh phủ đầu” nên nhiều khi bị coi là “hiếu chiến”. Họ rất tôn trọng và lo đóng góp cho quân đội, hầu hết các nhân vật hoàng gia đều tình nguyện tham gia quân đội. Trong lịch sử Anh là những chuổi ngày chiến đấu, tham dự hầu hết các cuộc chiến tranh khu vực và thế giới.



Bảo thủ là tuy người Anh thông minh, cầu tiến nhưng luôn coi trọng truyền thống văn hóa dân tộc lên trên hết, muốn duy trì những tập tục cổ xưa, bằng chứng là nước Anh vẫn giữ chế độ quân chủ có vua chúa, nữ hoàng. Nhưng khác với chế độ vua chúa thời phong kiến, ngày nay thể chế chính trị Anh quốc gọi là chế độ “ Quân Chủ Lập Hiến”, nền dân chủ được đảm bảo, vua chỉ có tính cách nghi lễ tượng trưng, quyền lập hiến, lập pháp có Thượng Viện và Hạ Viện do dân bầu nên người dân quyết định được đường lối của quốc gia và những luật lệ trong cuộc sống.



Dân chúng nước Anh, suy nghĩ và tính tình rất gần giống với người Mỹ nhưng tử tế và thân thiện hơn người Mỹ. Hỏi thăm đường đi nước bước là họ chỉ dẫn một cách cặn kẽ tận tình cho tới mình phải ngại. Dân Anh cũng kỹ luật nhưng không làm lụng cật lực như người Mỹ, họ thích hưởng thụ đời sống và ưa chuộng thiên nhiên, văn chương, nghệ thuật như các dân tộc Âu Châu khác.



Đó là người dân, còn thành phố Luân Đôn rất cổ xưa nên đường phố nhỏ hẹp, quanh co không rộng lớn thẳng tắp như bên Mỹ. Nhà cửa thường là nhà lầu, nhỏ hẹp nên người dân thường thích sinh hoạt bên ngoài nhiều hơn. Thành phố Luân Đôn giá cả đắt đỏ đứng thứ 3 trên thế giới sau Moscow và Tokyo nhưng phương tiện giao thông công cộng rẻ tiền và hữu hiệu, các công viên, viện bảo tàng đều miễn phí cho tất cả mọi người không phân biệt cư dân hay du khách. An ninh tương đối tốt hơn Pháp và Ý Đại Lợi và ngang với Đức là cường quốc đứng đầu Âu Châu. Đặc biệt là cuộc sống về đêm ở Luân Đôn rất tưng bừng, vui nhộn. Cuộc sống dân chủ, thoải mái nên Luân Đôn đuợc nhiều chính khách trên thế giới chọn làm nơi sống lưu vong như cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và gần đây nhất là cựu Thủ Tướng Thái Thaksin Sinawatra.



Năm 2012 Luân Đôn đã được chọn để tổ chức (đăng cai) Thế Vận Hội Mùa Hè sau Bắc Kinh, là thành phố đầu tiên tổ chức Thế Vận Hội lần thứ 3 (lần trước là vào năm 1908 và 1948). Làng thế vận nơi diễn ra các cuộc tranh tài đang được xây cất ở vùng phía Đông Luân Đôn là vùng dân nghèo kém phát triển. 
THÁP CỔ THÀNH LUÂN ĐÔN
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM





Khi du lịch Luân Đôn du khách thường được đưa đi viếng Palace of Westminster, tháp Big Ben, tu viện Westminster Abbey, hoàng cung Buckingham v.v... và cứ tưởng nơi đây là trung tâm của Luân Đôn. Thật ra đây là trung tâm của Đại Đô Thị Luân Đôn (Great London) tức Luân Đôn “ngày nay” thuộc “quận” Westminster chứ Luân Đôn cổ xưa, nơi thành phố được thành lập đầu tiên bởi người La Mã cách nay hơn 2 ngàn năm, lại nằm về hướng Đông cách Westminster 5 km. Nơi này còn lưu lại nhiều di tích lịch sử của Luân Đôn cổ như một phần bức tường thành bằng đá, Tháp Luân Đôn (Tower of London), Vương Cung Thánh Đường St. Paul và Cầu Tháp (Tower Bridge) đồ sộ.

Chúng tôi đến thăm khu Luân Đôn cổ bằng xe điện ngầm London Underground, từ Westminster đi tuyến xe District và ra ở nhà ga Tower Hill. Như tên đã gọi, ra khỏi nhà ga là chúng tôi đứng trên khu đồi cao, nhìn xuống phía Nam là Tháp Luân Đôn như một thành lũy thời Trung Cổ và chiếc Cầu Tháp đồ sộ bắc ngang dòng sông Thames chảy lặng lờ. Nhìn xuống hai nơi đó du khách tấp nập nhất là con đường dọc theo bờ sông dẫn vào thành tháp cổ và đường lên cầu. Cạnh nhà ga người ta còn để lại một đoạn tường thành bằng đá. Đây là một đoạn trong bức tường thành London Wall dài 3 km, cao 6 mét và dầy 2.5 mét có 6 cửa dân chúng ra vào do người La Mã xây trong khoảng thời gian từ 190 đến 225 AD. Chúng tôi băng qua con đường lớn tên là Byward St. Tower Hill (hình như có đường hầm băng qua mà chúng tôi không thấy nên băng ngang qua lộ nơi ngã tư có đèn giao thông).

THÁP LUÂN ĐÔN (TOWER OF LONDON)

Tháp Luân Đôn người ta thường gọi tắt là “The Tower” trong khi “tước hiệu” chính thức của nó là “Her Majesty’s Royal Palace and Fortress” có nghĩa là “Hoàng Cung và Thành Trì của Nữ Hoàng”. Là một di tích lịch sử nằm ở trung tâm Luân Đôn bên bờ phía Bắc sông Thames thuộc quận London of Tower Hamlets. Tháp Luân Đôn người ta cũng gọi là Tháp Trắng vì lâu đài xây đầu tiên ở giữa có 4 ngọn tháp xây bằng đá trắng lấy từ đất Pháp bởi vua William the Conqueror vào năm 1078. Vua William the Conqueror thuộc người Norman là sắc dân gốc Vikings sinh sống ở miền Bắc nước Pháp đã xâm lăng Anh quốc vào năm 1066 và giết chết vua Anh Harold Godwinson. William the Conqueror đốt phá phía Nam cầu London nhưng không đụng đến thành phố London, sau đó ông ta cho xây hoàng thành Tower of London kiến cố bên ngoài thành Luân Đôn cạnh bờ sông để dễ tiếp tế, làm thành lũy chống lại cướp biển và những nhóm nổi loạn. Ngày nay tháp Luân Đôn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều lâu đài nằm bên trong hai lớp tường thành và bao bọc bởi hào nước nay đã cạn làm vòng đai.

Tháp Luân Đôn nguyên thủy được sử dụng như một thành lũy ngăn cướp biển Vikings. Vào thế kỷ 12 vua Richard the Lionheart xây thêm bức tường thành và đào hào dẫn nước từ sông Thames vào. Dự án dẫn nước này thất bại nên đến thế kỷ 13, vua Henry III phải mướn chuyên gia về đào kinh người Hòa Lan làm lại. Ông cho tu bổ lại tường thành cho vững chắc hơn và phá một khoảng trống huớng Đông ở bức tường thành La Mã để Tháp Luân Đôn thông với thành phố. Vua Henry III cho xây thêm nhiều dinh thự để biến tháp thành hoàng cung cho vua và hoàng gia ở. Đến đời vua Edward I cho xây thêm tường thành bao bọc phía ngoài, lấp hào nước bên trong và đào lại hào bên ngoài bức tường mới xây. Sau này các dinh thự hư cũ xuống cấp, hoàng cung dời ra Westminster thì tháp trở thành nhà tù để giam giữ những nhân vật thuộc hoàng gia kể cả các vua chúa (như nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi năm 1558 và bị giam rồi chết ở đây năm 1603 vì hỗ trợ cho nhóm phản loạn Protestant). Ngoài ra qua nhiều triều đại khác nhau, tháp còn là nơi tra tấn, tử hình, kho báu, nuôi thú dữ, lầu quan sát thiên văn và từ năm 1303 là nơi cất giữ các vương miện của triều đình Anh quốc.

Chúng tôi mua vé vào xem bên trong Tháp Luân Đôn, nơi bán vé là một ngôi nhà hiện đại xây phía Tây tháp, có sân xi măng rộng để du khách sắp hàng mua vé. Nơi nhà bán vé có trưng bày vài báu vật hoàng gia như vương miện, long bào để quảng cáo trước những gì được trưng bày trong nhà bảo tàng bên trong Tháp Luân Đôn. Phía Nam của tháp giáp với bờ sông ngày xưa là bến tàu để chuyển vận vũ khí, lương thực tiếp tế nhưng ngày nay là bờ sông để du khách ngắm cảnh đẹp chiếc cầu Tower Bridge cổ kính và hoành tráng. Nơi đây có lối vào Tháp Luân Đôn là cửa Nam của tường thành, trước khi vào phải qua một chiếc cầu đá bắc ngang hào nước nay đã cạn chỉ trồng cỏ xanh. Bên trong thành là những lối đi nhỏ hẹp quanh co qua những dinh cơ ngày trước xây bằng đá không có cửa sổ trông hoang lạnh u buồn. Kiến trúc chính xây ở giữa là toà Tháp Trắng, một lâu đài có 4 tháp cao xây 4 góc, 3 tháp hình vuông nhưng tháp Đông Bắc hình tròn. Bên ngoài nhà Bảo Tàng Vương Miện (Crown Jewel House) có ngự lâm quân gác và những cỗ đại bác ngày trước. Bên trong nhà Bảo Tàng chứa nhiều vương miện đính kim cương và đá màu.

NHỮNG BÓNG MA Ở THÁP LUÂN ĐÔN

Nước Anh cảnh vật thường ẩn hiện trong sương mù âm u hoang lạnh nên nổi tiếng là xứ sở có nhiều ma nhất trên thế giới. Tháp Luân Đôn là một lâu đài cổ gần một ngàn năm từng là nơi giam giữ, tra tấn và chém đầu rất nhiều nhân vật tiếng tăm nên Tháp Luân Đôn có nhiều hiện tượng ma quái. Thí dụ như vào tháng Giêng 1816 một ngự lâm quân gác bên ngoài Bảo Tàng Vương Miện la lên rằng bị một con gấu lớn tấn công. Đó là chuyện lạ không thể giải thích được vì vòng thành tường cao, cổng kín, gấu làm sao vào được? Vài ngày sau người lính này chết vì qúa...kinh hãi! Tháp Luân Đôn nhiều huyền thoại về hồn ma xuất hiện như hồn ma của vua Henry VI, Lady Jane Grey, Magaret Pole và nổi tiếng nhất là hồn ma của hoàng hậu Anne Boleyn bị xử trảm chém đầu vào năm 1536 về tội ngoại tình và làm phản chống lại chồng là vua Henry VIII. Nhiều nhân chứng cho rằng họ từng thấy hoàng hậu Anne xuất hiện ở nhà nguyện St. Peter-ad-Vincula là nơi bà được chôn, bóng bà tha thướt trong xiêm y lộng lẫy đi vòng quanh lâu đài Tháp Trắng và dưới cánh tay...cặp chiếc đầu của mình!

HOÀNG HẬU ANNE BOLEYN

Hoàng hậu Anne Boleyn (1501/1507(?) – 1536) là vợ thứ hai trong 6 đời vợ của vua Henry VIII cai trị nước Anh từ 1509 đến 1547, bà được tấn phong hoàng hậu vào năm 1533 và đồng thời là mẹ của nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603) lên ngôi 25 năm sau (1558). Anne Boleyn là con một vị quan ngoại giao trong triều đình, chị của Anne là Mary vốn là tình nhân của vua Henry VIII. Khi gặp Anne Boleyn nhà vua say mê tài sắc của nàng và tìm cách ve vãn chiếm cho bằng được trái tim của nàng nhưng nàng không ưng nếu không được tấn phong làm hoàng hậu. Lấy lý do hoàng hậu hiện tại là Catherine of Aragon không sinh được con trai để nối ngôi, nhà vua xin giáo hội La Mã hủy bỏ hôn nhân nhưng không được đức giáo hoàng Clement VII chấp thuận. Nhà vua bèn cất chức hồng y nước Anh lúc đó là Wolsey và bổ nhiệm Thomas Cranmer thay thế. Ông này cho hủy hôn thú của nhà vua và chỉ năm ngày sau cho phép nhà vua kết hôn với Anne Boleyn. Đức giáo hoàng cắt phép thông công đối với vua Henry và hồng y Cranmer. Sự tranh chấp giữa vua nước Anh và đức giáo hoàng đi đến kết qủa là từ đó giáo hội nước Anh tách khỏi La Mã để trở thành Anh giáo. Thay vì trước đây giáo hội La Mã có quyền trên nhà vua bây giờ vua Anh có quyền trong Anh giáo và được hiến pháp ghi là “Supreme Governor of the Church of England”. Chức vị nhà vua trong Anh giáo truyền cho tới bây giờ, áp dụng cả với nữ hoàng Elizabeth II hiện nay.

Sau khi được tấn phong hoàng hậu, cùng trong năm 1533 Anne Boleyn sinh được con gái là công chúa Elizabeth. Vì không có con trai làm nhà vua thất vọng, cộng thêm những lời đàm tiếu thêu dệt của những người thân với cựu hoàng hậu thất sũng, nhà vua nghi ngờ hoàng hậu phản bội mình, tư tình với nhiều quan chức trong cung. Năm sau hoàng hậu lại sẩy thai, vua Henry cho đó là một hành động phản bội và nghi ngờ bào thai đó mình không phải là tác giả. Vua Henry ngầm trao đổi với hai thái sư cố vấn là hồng y Cranmer và Cromwell là muốn phế bỏ hoàng hậu Anne và cũng không trở lại với hoàng hậu trước là Catherine, mà là...cưới vợ mới để có con trai nối ngôi vua. Hồng y Cranmer một thời cùng phe ủng hộ nàng Anne, nay nghe lời đàm tiếu thế nào không biết lại thay đổi lập trường, ra mặt chống lại hoàng hậu Anne. Vô tư trước tình thế trong triều đình bất lợi với không biết bao nhiêu kẻ thù rình rập toan hại mình, hoàng hậu Anne lại có tánh phung phí tiền của, tiêu xài những số tiền lớn để mua xiêm y, trang sức, quạt lông công, kiệu hoa lộng lẫy, giường tủ đắt giá từ các nước xa xôi trên thế giới. Nàng lại có đoàn gia nhân nhiều hơn hoàng hậu trước đến 250 người hầu hạ cho riêng nàng và 60 viên chức “maids-of-honour” phục dịch trong công tác “giao tế nhân sự”.

Vận xấu rình rập đã đến, ngày 8 tháng Giêng 1536 hoàng hậu trước là Catherine of Aragon qua đời, công chúa Mary là con của bà tung tin là do hoàng hậu Anne đầu độc. Vua Henry VIII lại té ngựa trọng thương trong cuộc diễn hành và hoàng hậu Anne đang có thai 15 tuần buồn phiền lại sẩy thai, giám định thai nhi lại là một bé trai tức là nhà vua tương lai nước Anh lại chết khi còn trong bụng mẹ. Trăm dâu lại đổ đầu tằm, ngày đám tang Catherine là ngày cuộc hôn nhân của nhà vua với Anne xem như đà chấm dứt. Qua tới tháng Tư 1536, thầy dạy nhạc cho Anne là Mark Smeaton bị bắt giam về tội tư tình với hoàng hậu, ông này phủ nhận nhưng bị tra tấn cực hình đã nhận tội. Một người khác là Henry Norris cũng bị bắt nhưng ông này thuộc hàng qúi tộc nên không bị tra tấn. Rồi đến Sir Francis Weston, William Brereton và sau cùng là người em ruột của hoàng hậu là George Boleyn cũng bị bắt về tội thông dâm với hoàng hậu. Có dư luận cho rằng sự quan hệ tình dục chỉ là hoàng hậu muốn thụ thai con trai theo ý muốn của nhà vua. Ngày 2 tháng Năm 1536 hoàng hậu Anne bị bắt trong lúc ăn trưa và bị giãi về Tháp Luân Đôn và ba ngày sau nàng bị chém đầu về các tội thông dâm, loạn luân và phản bội mặc dù không có chứng cớ rõ ràng! Đêm trước đó hồng y Cranmer đã tuyên bố hôn nhân giữa nàng với vua Henry hoàn toàn hủy bỏ cũng như trước đây với Catherine. Vua Henry cũng không cung cấp một quan tài xứng đáng cho Anne và xác cùng thủ cấp để chung trong thùng đựng những mũi tên và được vùi lấp không đề tên tuổi trong nhà nguyện St. Peter ad Vincula. Đến khi xây lại nhà nguyện dưới thời nữ hoàng Victoria, xác Anne mới được nhận diện và cải táng với bia đá cẩm thạch như ngày nay.

Những lời buộc tội Anne không có chứng cớ thuyết phục nhưng thời ấy người ta cho rằng Anne Boleyn là ác qũy được sai lên trần gian để phá rối giáo hội La Mã vì Anne có dị tướng với bàn tay trái 6 ngón, có một nốt ruồi to nơi cổ mà nàng che đi bằng đồ trang sức thành thử phải triệt tiêu nàng bằng mọi cách. Quan điểm xã hội thay đổi theo thời gian, sau khi nàng chết nhiều dư luận binh vực cho nàng, rằng những người cực đoan cuồng tín đã góp phần trong vụ án đưa đến cái chết cho nàng.Trong số binh vực có nhà nghiên cứu về các thánh tử đạo Anh giáo là John Foxe cho rằng chính Anne đã cứu Anh giáo ra khỏi tà đạo đi sai lời Chúa, hoàng hậu Anne đích thực là thánh tử đạo và là vị nữ anh hùng của Anh Giáo Cải Cách (English Reformation). Từ dư luận đó dẫn đưa con gái của Anne lên ngôi nữ hoàng lấy danh hiệu là Elizabeth I vào năm 1558 (sau này bà cũng bị giam và chết nơi đây cũng vì tội phản loạn). Qua nhiều thế kỷ, hoàng hậu Anne Boleyn được lưu danh về những công tác văn hóa, nghệ thuật và quần chúng nhớ đến bà như một “hoàng hậu có nhiều ảnh hưởng và vị trí quan trọng nhất trong lịch sử Anh quốc”. Có 2 bộ phim mô tả cuộc đời hoàng hậu Anne Boleyn là “Anne of the Thousand Days” (1969) và “The Other Boleyn Girl” (2008).

Trong sân Tháp Luân Đôn có nhiều con quạ đen, chúng cất tiếng kêu thảm não. Người ta cho rằng chúng không bay được, thế kỷ trước người ta muốn xua đuổi chúng đi nhưng một chiêm tinh gia đã nói nếu bầy qụa bay đi thì chế độ sẽ tàn lụi? Đi trong lâu đài giữa những bức tường đá hoang lạnh, dường như thấp thoáng bóng hình nàng Anne Boleyn, hoàng hậu với nhiều huyền thoại thâm cung bí sử, là đề tài cho nhiều quyển sách từ thế kỷ trước và những bộ phim đương thời.

HỆ THỐNG XE ĐIỆN NGẦM Ở LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM







Rời hoàng cung Buckingham Palace xe buýt hãng du lịch Trafalgar đưa chúng tôi về trụ sở chính của Trafalgar nằm trên đường Bressenden Place ở phía Bắc và rất gần nhà ga xe điện Victoria Station. Đến đây thì coi như chương trình tham quan thành phố Luân Đôn (London City Tour) kết thúc và sau đó ai muốn đi thêm các Tour nhiệm ý (Optional Tour) phải trả tiền thêm, còn không thì tự do dong ruỗi. Bà hướng dẫn viên du lịch Diana chào từ giã và tiếp tục dẫn những người theo Tour nhiệm ý đi thăm lâu đài Windsor. Tuy chia tay nhiều người còn nán lại ở văn phòng du lịch để lấy bản đồ, chương trình những chuyến du lịch khác và cũng để trao đổi kinh nghiệm sau một ngày thăm thú ở Luân Đôn với những chuyện vui khi lần đầu đến một thành phố lạ như không biết mở nước phòng tắm trong khách sạn, đi mua sắm, ăn uống giá cả trên trời và đi xe điện ngầm lộn tàu, lạc tùm lum v.v...Nhiều chuyện cười ra nước mắt nhưng không thể kéo dài câu chuyện được vì chỉ còn một buổi chiều và một đêm ở Luân Đôn, ngày mai mạnh ai nấy bắt đầu nhập Tour của mình. Gia đình chúng tôi ba người phải tìm một nơi nào để ăn trưa nên kéo nhau đi về hướng nhà ga Victoria.



NHÀ GA VICTORIA Ở LUÂN ĐÔN



Nhà ga có 3 tầng lầu kiến trúc khá xưa xây bằng gạch đỏ, dĩ nhiên là phải có đồng hồ thật lớn gắn trên cao. Ngày xưa không có đồng hồ đeo tay nên cần xem giờ ngưòi ta phải tìm các đồng hồ công cộng ở chợ búa, nhà thờ, bưu điện, nhà ga. Nhà ga Victoria lớn và đông khách nhất ở Luân Đôn sau khi nhà ga Waterloo đóng cửa ngưng hoạt động vì trang bị qúa xưa lỗi thời cho những đoàn tàu cao tốc. Năm 2007 nhà ga Victoria này đón đến 66 triệu lượt hành khách. Ga Victoria về xe điện chia ra hai khu: Khu phía Đông thuộc tuyến đường Chatham Line với các sân ga (platform) từ số 1 đến 8 là đầu tuyến đường từ Luân Đôn đi thành phố Kent và khu phía Tây tuyến đường Brighton Line với các sân ga số 9 đến 19 để đi về thành phố Surrey và Sussex kể cả đi phi trường Gatwick (phi trường thứ 2 ở Luân Đôn sau phi trường Heathrow) và Brighton. Nhà ga hoạt động từ năm 1862 đến đầu thế kỷ 20 được xây lại và hoàn tất năm 1908 với kiến trúc hiện nay. Năm 1980 sửa lại khu thương mại bên trong nhà ga (Victoria Place) với các quán bán thức ăn như Burger King, Starbucks Coffee như ta thấy hiện nay. Bước vào bên trong thấy nhà ga thật lớn, trần cao lợp kính trong nên ánh sáng mặt trời lùa vào, hàng quán bán buôn nhộn nhịp, người đi tấp nập. Lướt qua các tiệm bán thức ăn chỉ thấy các món ăn liền như hotdog, hamburger, fish and chips nên chúng tôi trở ra ngoài tìm món nào khá hơn fast food và cũng muốn vào nhà hàng để xem ẩm thực nước Anh thế nào?



Chúng tôi trở ra con đường Victoria Street, đây là con đường lớn đi về hướng tháp đồng hồ Big Ben. Hai bên đường là những dãy phố lầu với tiệm buôn, nhà hàng, quán cà phê tấp nập khách hàng. Đi ngang qua rạp hát Victoria Palace là một rạp hát cổ hoạt động từ năm 1911 có 1,550 ghế. Đặc biệt mái rạp có thể đóng mở đuợc bằng cách trượt lên nhau (sliding roof) giúp bên trong rạp có thoáng khí nhất là lúc rạp đông người ngột ngạt với khói thuốc hút. Ở Luân Đôn tôi thấy nhiều kiến trúc có loại mái nhà trượt như vậy và họ làm mái bằng nhựa plastic trong vừa nhẹ, vừa lấy được ánh sáng mặt trời khỏi tốn điện thắp đèn.



NHÀ HÀNG Ở LUÂN ĐÔN



Chúng tôi vào một khu thương xá ở hướng Bắc nhà ga với những cửa hiệu bán buôn lẻ. Đi qua nhiều nhà hàng, đặc biệt luật lệ ở đây bắt buộc nhà hàng phải dán thực đơn ở bên ngoài để thực khách biết có những món gì và giá cả ra sao trước khi vào. Nhà hàng trong thương xá mới xây tương đối lịch sự, giá món ăn khá đắt, mỗi món trung bình cũng khoảng 20 pound (40 USD). Vốn họ hàng với ông Trùm Sò nên tôi nhẩm tính với giá tiền này ở Bolsa ăn được gia đình 4 người! Cuối cùng cũng phải vào một nhà hàng có lối trang trí Mễ Tây Cơ, thực đơn có một số món ăn Mễ nhưng vẫn có các món người Anh thường ăn. Các món truyền thống của người Anh là thịt bò quay (roast) hay heo hoặc trừu ăn với khoai tây nướng hay chiên. Họ cũng thường ăn dồi heo (ham) luộc hoặc chiên. Mỗi món ăn chính thường đuợc trang trí với chút rau cải như đậu que, cải bông xanh hoặc trắng, cà rốt, dưa leo, cà chua v.v...Món nổi tiếng ở Anh là món “fish and chips” là cá lăn bột chiên và khoai tây chiên ăn với muối và...dấm chua. Món này thông dụng nhất để mang đi (bên Mỹ gọi là “to go” nhưng ở Anh gọi là “carry out”!)



Trong nhà hàng ăn này cũng khá đông khách, nhân viên phục vụ là các thanh niên và thiếu nữ trẻ đều bận rộn. Người lấy order cho bàn chúng tôi là một anh chàng giống như người Ấn Độ rất vui vẻ nhiệt tình. Tôi hỏi thì chàng ta nói là người Nepal. Tôi gọi món Beefsteak và thấy bàn bên cạnh người ta có dĩa bánh mì Pháp nướng bơ vàng và sốt cà đỏ, củ hành bên trên, đang đói nên thấy rất hấp dẫn. Anh ta nói bánh mì phải kêu riêng chứ không đi chung với thịt bò! Tôi gọi bánh mì nhưng một lúc sau anh ta bưng ra một dĩa với vài lát bánh mì Pháp không có bơ hay cà gì cả mà chỉ có một chén nhỏ dầu olive. Bánh mì chấm dầu olive ăn theo lối Địa Trung Hải nghe nói rất tốt cho sức khỏe nhưng tôi chưa ăn bao giờ. Tôi nhờ anh ta đổi cho bánh mì có bơ. Nhìn vào thực đơn thấy giá bánh mì không với dầu olive là 3 đồng bảng Anh (pound) và bánh mì bơ sốt cà là 4 pound. Chỉ 4 miếng bánh mì nhỏ mà đến 8 đô la! Món Beefsteak được dọn ra dĩa không to như ở Mỹ và thịt được sắc vuông vuông như thịt bò lúc lắc, bên cạnh là khoai tây chiên cũng sắc như vậy. Trong thực đơn món này là 15 pound (30 USD) nhưng ăn không được no, trong khi bên Mỹ thì dĩa Beefsteak ở các nhà hàng như Coco, Denny’s nhiều khi ăn không hết, bánh mì lại không tính tiền và muốn bao nhiêu cũng được! Thật tình ở xứ Ăng lê này cái gì cũng mắc mỏ, chắc là đồng lương phải cao dân chúng mới sống nổi.



ĐI XE ĐIỆN NGẦM



Ăn trưa xong chúng tôi định bụng phải đi thăm thú nhiều nơi ở thành phố Luân Đôn này, chứ chẳng lẽ về khách sạn ngủ? Kêu taxi (có xe đen kiểu xưa và xe vàng kiểu mới) thì rất đắt nên tôi định bắt chước người Luân Đôn đi xe điện ngầm. Trước nhà ga Victoria có cầu thang dẫn xuống ga xe điện ngầm. Hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn gọi là “Underground” hay nhiều người gọi là “Tube” vì đường xe như cái ống có tiết diện hình bán nguyệt. Bên trên mỗi nhà ga xe điện ngầm đều có tấm bảng vẽ dấu hiệu vòng tròn đỏ với một gạch ngang màu xanh lục và chữ “London Underground”. Ga xe điện ngầm Victoria cũng là ga nhộn nhịp nhất Luân Đôn. Có 3 tuyến đường quan trọng chạy ngang qua là các tuyến Circle line, District line và Victoria line nối được với đường xe trên mặt đất National Rail vì nhà ga Victoria nằm ngay bên trên. Ga xe điện ngầm Victoria là một trong những nhà ga xe điện ngầm đầu tiên của Luân Đôn và cả thế giới, hoạt động từ năm 1868. Năm 2007 có 76 triệu hành khách sử dụng nhà ga này. Nhà ga xây cách nay 140 năm hiện qúa tải với số người hàng ngày lên xuống qúa đông, nguy hiễm nhất là khi đám đông chen lấn trên thềm ga, có người té xuống đường tàu (năm qua 2007 một sinh viên Việt Nam thiệt mạng tại Luân Đôn, có lẽ là án mạng vì kỳ thị chủng tộc). Vì vậy ga này có hệ thống an toàn khi dưới ga qúa đông người thi cửa xuống ga đóng lại, chỉ cho người lên mà thôi. Hiện có kế hoạch nâng cấp và cải tiến nhà ga (thêm ngõ lên xuống ở phía đường Bressenden Place) dự định hoàn tất năm 2014.



Chúng tôi đi xuống nhà ga mua vé, tiện lợi và tiết kiệm nhất là mua vé có gía trị nguyên ngày, lên xuống bao nhiêu chuyến xe cũng được. Không biết giá vé là bao nhiêu cũng như làm biếng đọc các bảng hướng dẫn, thấy có quày chỉ dẫn và bán vé (information and ticket) với một ông đội kết, mang kính ngồi trong đó. Tôi đến hỏi và mua mỗi người một vé (tôi quên mất giá vé, dường như là 6 hay 7 pound gì đó). Giá này chỉ đi được trong phạm vi vùng 1 (Zone 1) là trung tâm Luân Đôn. Tôi thấy chỉ cần đi trong vùng 1 vì các di tích lịch sử cũng nằm trong trung tâm thành phố mà thôi. Hệ thống London Underground chia ra 6 vùng bao phủ hầu hết 32 “Quận” của Đại Đô Thị Luân Đôn (Greater London) và các vùng ngoại ô như Essex, Hertfordshire và Buckinghamshire với 275 nhà ga, tổng chiều dài 400 km (250 miles) đường sắt là hệ thống xe điện ngầm có đường tàu dài nhất thế giới. Tuy nhiên phân nửa đường tàu ngầm lại nằm trên mặt đất nhất là những vùng ngoại ô. Nằm sâu nhất dưới mặt đất là ga Hampstead, phải đi xuống sâu 181 feet trong khi cạn nhất là ga Westminster, nóc đường hầm chỉ cách mặt đất 8 feet. Hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn bắt đầu hoạt động từ ngày 10 Tháng Giêng 1863 do hãng Metropolitan Railway khai thác. Hiện nay hệ thống có tất cả 11 tuyến đường, năm 2007 mở thêm tuyến 12 là East London line nhưng đã ngưng để xây thêm và chuyển giao cho hãng London Overground sẽ mở lại vào năm 2010. Cũng nên biết là vùng phía Đông Luân Đôn là khu dân nghèo, nhiều dân da màu. Người dân Luân Đôn không cần phải sắm xe hơi, đi đâu chỉ cần xe điện ngầm và các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, xe “tram” là xe điện chạy trên mặt đất hoặc đi tàu buýt chạy trên sông Thames. Giá xăng ở Luân Đôn rất đắt khoảng 1 pound 1 lít (tức khoảng 8 USD 1 gallon) nhưng người Luân Đôn vẫn phớt tỉnh Ăng lê trong khi giá xăng ở Cali lên 4.5 USD 1 gallon là dân Mỹ đã kêu ca om sòm!



Chúng tôi định đi xem Tower Bridge là cây cầu có 2 tháp bên trên, kỳ quan này nằm cạnh Tower of London tức hoàng thành Luân Đôn ngày xưa. Đây là vùng Luân Đôn cũ có từ thời đế quốc La Mã cách nay hai ngàn năm cách ga Victoria, Westminster khoảng 5 km về hướng Đông nằm cạnh sông Thames. Tìm trong bản đồ hệ thống xe điện ngầm thấy hoàng thành Luân Đôn gần ga Tower Hill và muốn đến ga đó phải đi tuyến xe District hoặc Circle và cách Victoria 6 ga. Tôi chọn tuyến District và nhìn bảng chỉ dẫn xem bến ga (platform) tuyến đó nằm ở đâu? Đến bến đậu của tuyến District còn phải tìm bến nào đi về hướng Đông để khỏi đi nhầm hướng ngược lại. Thường họ ghi hướng đường tàu là Nam Bắc hay Đông Tây, gặp tuyến đường không đúng 4 hướng chính thì họ ghi tên nhà ga cuối tuyến đó, nhìn trong bản đồ tuyến District ga cuối cùng hướng Đông là ga Upminster. Trong xe trên trần cũng có bản đồ tuyến xe đang đi và khi tàu tới ga nào, tên của ga đó vẽ to rất dễ thấy, để hành khách biết mình đang đi đến đâu và còn mấy ga nữa là đến ga mình xuống xe. Đại khái là đi xe điện ngầm ở thành phố lạ là phải có bản đồ để mình chọn đúng tuyến đường và đúng ga mình xuống. Bản đồ hệ thống xe điện ngầm có thể lấy miễn phí ở nhiều nơi hay trong Internet cũng có.



Chúng tôi đến bến chờ xe điện tới. Khoảng 5 phút thì có đoàn tàu chạy tới, cửa mở, chờ cho người xuống hết thì mình lên. Ở Luân Đôn thấy hành khách chờ lên xe không có sắp hàng trong khi bên Nhật là phải sắp hàng. Lên xe không có ghế trống chúng tôi phải đứng và nắm những dây thòng lọng nhưng khi tàu chạy gần tới ga kế là Westminster thì có một cô gái xuống và cô ta ra hiệu nhường ghế cho tôi chắc là vì...thấy tôi đẹp lão! Lúc đứng, trên xe đông người, bên cạnh là một thanh niên da đen, anh ta nói với tôi là hãy cẩn thận coi chừng bị móc túi. Trước đó tôi cảm thấy túi quần sau hình như có bàn tay nào đó làm bộ đụng, rờ vào nhưng tôi đã nhanh lấy tay giữ túi quần. Dám anh ta lắm chứ ai nữa? Vụ này tôi đã đề phòng trước nên tiền bạc để trong nhiều túi khác nhau, mỗi nơi một ít, túi sau mà anh ta sờ nắn nhìn thấy cộm nhưng bên trong chỉ có bản đồ và mấy coupon giãm giá!



Vì là hệ thống xe điện ngầm xưa nhất trên thế giới nên London Underground có những vấn đề và khuyết điểm như: toa xe điện nhỏ hẹp hơn các nước khác, dưới nhà ga đôi khi rất nóng nực tháng Hè có thể lên đến 100 độ F (38 độ C), nhiều nhà ga không có nhà vệ sinh hay có nhưng phải trả tiền, khoảng cách giữa thềm ga và sàn xe nhiều khi rất xa, nguy hiểm cho trẻ con và người tàn tật có thể lọt xuống đường rây, giá vé cao nhất so sánh với các thành phố khác. Nhiều khi sửa chữa, sân ga và đuờng tàu bị đóng, nên khi xuống nhà ga phải xem có bảng trắng thông báo điều gì không? Biết cách sử dụng xe điện ngầm thì di chuyển trong thành phố Luân Đôn rất nhanh, dễ dàng và không tốn nhiều tiền. Bây giờ di chuyển ở Luân Đôn tôi không còn ngán nữa mà dễ như cơm sườn, đi đâu cũng tới! Tôi cảm thấy mình...sành điệu như người Luân Đôn thứ thiệt mặc dù không có áo đuôi tôm và nón Charlot!

HOÀNG CUNG BUCKINGHAM Ở LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM







Cung điện Buckingham là hoàng cung chính thức của hoàng gia Anh ở Luân Đôn đồng thời cũng là nơi diễn ra những nghi lễ có tính cách quốc gia, những tiệc tiếp tân và cũng là địa điểm thu hút khách du lịch mỗi khi tới Luân Đôn. Công trường rộng lớn trước hoàng cung là nơi dân chúng tập trung mỗi khi có biến cố trọng đại và hàng ngày du khách cũng tập trung nơi đây để xem ngự lâm quân đổi gác vào lúc 11 giờ 30.



Ngày thứ nhì ở Luân Đôn là ngày thứ bảy 3 tháng Năm 2008, buổi sáng chúng tôi được đưa đi tham quan thành phố và đã viếng qua các di tích lịch sử như cung điện Westminster, tu viện Westminster Abbey, công viên Hyde, cung điện Kensington. Sau đó lên xe đi về phía hoàng cung Buckingham nhưng vì trước hoàng cung không thể đậu xe nên chúng tôi xuống xe ở khu St. James về hướng Đông Bắc hoàng cung và cách 15 phút đi bộ. Nơi đây có cung điện St. James, trước khi xây điện Buckingham cung điện St. James một thời cũng là hoàng cung. Từ khi thu giang sơn về một mối, qua một ngàn năm triều đình Anh quốc đã chọn những cung điện sau đây làm hoàng cung:



Palace of Westminster (1049-1530)

Palace of Whitehall (1530-1698)

St. James Palace (1702-1837)

Buckingham Palace (1837-?)



Hiện nay Thái Tử Charles cùng vợ mới (nhưng là bồ cũ) là Camilla cư ngụ tại đây, phía sau là ngôi nhà Clarence House trước đây mẹ của nữ hoàng Elizabeth II là Hoàng Hậu Queen Elizabeth, The Queen Mother (1900-2002) cư ngụ cho tới khi bà qua đời năm 2002 thọ 101 tuổi! Chồng của bà là vua George IV (gọi nữ hoàng Victoria bằng bà cố) làm vua từ 1936 đến 1952 thì băng hà và con gái lớn là công chúa Elizabeth II lên nối ngôi cha cho đến nay. So với các cung điện khác điện St. James khá khiêm nhường và hiện nay ngoài cổng chính chỉ có một lính gác. Bà Diana hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi ở Luân Đôn khi đi ngang qua còn hỏi thăm, nói chuyện chơi với anh lính này! Anh này mặc quân phục thường, không có áo đỏ, nón lông đen nên chắc không phải là ngự lâm quân của nữ hoàng. Ngự lâm quân khi gác rất nghiêm chỉnh, ruồi bu trên mặt còn không đuổi được.



Chúng tôi tiếp tục đi về hướng Nam gặp đại lộ có tên The Mall chạy theo hướng Đông Tây, phía Đông là khải hoàn môn Admiralty Arch và đầu phía Tây là hoàng cung Buckingham Palace. Hai bên đại lộ The Mall là công viên cỏ xanh mượt và hàng cây thẳng tắp hai bên đường. Dân chúng và du khách đứng dọc theo hai bên đại lộ rất đông để chờ xem phiên đổi gác của các toán ngự lâm quân vào lúc 11 giờ 30.



NGỰ LÂM QUÂN ĐỔI GÁC



Mới 10 giờ 45 nghe tiếng quân nhạc rộn ràng từ hướng khải hoàn môn vọng về. Khi đoàn quân nhạc tới gần hóa ra không phải đoàn quân Anh Cát Lợi mà là đoàn quân nhạc...Mã Lai với quân phục màu trắng, đội nón Ấn Độ và ngoài quần dài còn quấn thêm xà rông ngắn. Được biết trong những năm gần đây, đội quân canh gác hoàng cung không nhất thiết phải là quân Anh mà còn có thể là quân đội các nước trong khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Đoàn quân Mã Lai hôm nay là toán nhận ca gác mới còn 2 toán mãn ca gác một toán xuất phát từ phía điện St. James Palace và một toán khác từ dãy nhà Wellington Barracks ở phía trước hoàng cung. Hai toán mãn ca gác đều là ngự lâm quân Anh đồng phục đại lễ áo đỏ quần đen và đội nón lông đen to tròn có tên là nón da gấu (Bearskins). Nón trông có vẻ nặng nề nhưng chỉ nặng 665 gram có trưng bày trong Guards Museum cạnh hoàng cung và mọi người đến xem có thể đội thử.



Ba toán quân gặp nhau trước cổng hoàng cung với hai đoàn quân nhạc, kỵ binh cỡi ngựa, nghi thức long trọng với nhiều thao tác quân đội mà ở xa chúng tôi nhìn không rõ và cũng không nhớ được hết các động tác. Ba toán ngự lâm quân này bàn giao ca gác trước hoàng cung rồi đoàn quân Mã Lai chia hai toán tiến về địa điểm gác là điện St James Palace và hoàng cung Buckingham. Dân chúng và du khách xem đen ngẹt, vỗ tay tán thưởng và bấm máy hình liên tục.



Trong mùa Hè từ tháng 4 đến tháng 7 mỗi ngày đều có nghi thức đổi ca gác vào lúc 11 giờ 30 nhưng du khách muốn xem nên đến sớm từ 9 giờ 30 để chọn vị trí tốt để quay phim, chụp hình. Từ tháng 8 đến tháng 4 là tháng mùa Đông, cách khoảng một ngày mới đổi ca gác. Có tháng ngày lẻ, có tháng ngày chẳng, muốn biết chính xác lịch trình nên vào trang mạng www.changing-the-guard.com . Không phải chỉ ở cung điện Buckingham mới có nghi thức đổi gác mà ở điện Windsor cũng có diễn nghi thức này.



Chúng tôi theo đoàn người đi về phía hoàng cung. Trước hoàng cung Buckingham là một quảng trường lớn, mùa Xuân hoa nở rực rỡ. Giữa quảng trường là đài tưởng niệm nữ hoàng Victoria xây năm 1911 bởi điêu khắc gia Sir Thomas Brock gồm tượng bà ngồi bằng đá trắng, bên trên là tượng thiên thần thếp vàng rất uy nghi lộng lẫy. Cung điện Buckingham nằm sau một hàng rào cao bằng song sắt với cánh cổng không lớn lắm. Cung điện là một kiến trúc 3 tầng đơn giản nhưng uy nghi, hòa hợp giữa nét tân thời và cổ kính. Phía trước cung điện là hai công viên Green Park và St. James Park mở cửa cho công chúng vào chơi. Phía sau là Buckingham Palace Gardens như là vườn thượng uyển kín cổng cao tường, rào lại với những gai sắt tua tủa. Hôm qua đi bên ngoài tôi có hỏi anh chàng tài xế xe buýt thì anh ta nói đã nhiều lần có người xâm nhập vào hoàng cung bằng cách leo rào! Tuy nhiên mỗi năm vào tháng Tám và Chín, hoàng cung mở cửa cho công chúng vào xem State Rooms là các đại sảnh trưng bày bộ sưu tầm nghệ thuật hoàng gia (Royal Art Collections). Giờ mở cửa từ 9 giờ 30 cho đến 4 giờ 30 chiều. 



LỊCH SỬ CUNG ĐIỆN BUCKINGHAM



Ngôi nhà đầu tiên ở đây do công tước vùng Buckingham tên John Sheffield xây năm 1705 như một nhà nghỉ mát vùng nông thôn. Vua George III vốn là bạn của công tước mua lại ngôi nhà cho vợ mình vào năm 1761 và nhờ William Chambers sửa chữa nới rộng thêm và ông đặt tên là “ngôi nhà của Hoàng Hậu”. Đến năm 1826 người kế vị là vua George IV bắt đầu trùng tu và biến ngôi nhà thành hoàng cung để gia đình nhà vua ở. Người cháu gái gọi vua George IV bằng chú là Victoria lên ngôi năm 1837 chính thức dùng cung điện Buckingham làm hoàng cung. Triều đại Victoria là triều đại huy hoàng nhất nước Anh vì kinh tế phát triển và Anh quốc bành trướng thuộc địa khắp năm châu. Năm 1850 bà cho đại trùng tu cung điện và xây thêm cánh kiến trúc phía Đông bao gồm một sảnh đường khiêu vũ rộng 40 mét. Tiền diện rộng lớn của hoàng cung nhìn về đại lộ The Mall như chúng ta thấy ngày nay được xây vào năm 1913 dưới triều vua George V do kiến trúc sư Aston Webb thiết kế và xây cất.



Theo ấn bản năm 1999 của tập sách in bởi Royal Collection Department cho biết cung điện Buckingham có tất cả 19 đại sảnh tiếp tân, 52 phòng ngủ chính, 188 phòng ngủ của nhân viên làm việc, 92 văn phòng và 78 phòng tắm và vệ sinh. Số nhân viên phục vụ trong cung điện là 450 người, hàng năm chi phí một ngân khoản của quốc gia là 40 triệu đồng bảng Anh (pound) nhưng báo chí đối lập cho rằng chi phí cao hơn nhiều, có thể gấp đôi lấy từ “qũy đen” của hoàng gia thu được từ du khách, các buổi tiếp tân gây qũy v.v...Hiện nay cung điện Buckingham là nơi cư ngụ chính thức của nữ hoàng Elizabeth II và chồng là hoàng tế Philip. Thái tử Charles, người em gái kế là công chúa Ann, hoàng tử Andrew và hoàng tử Edward không cư ngụ tại cung điện Buckingham.



NỮ HOÀNG ELIZABETH II



Chủ nhân hiện nay của cung điện Buckingham là nữ hoàng Elizabeth II, bà tên thật là Elizabeth Alexandra Mary sinh ngày 21 tháng Tư 1926 là vua đương tại vị của nước Anh và 16 quốc gia trong khối Thịnh Vượng Anh như Canada, Australia, New Zealand, Jamaica, Barbados, Bahamas, Grenada, Papua New Guinea, quần đảo Solomon v.v...Tổng cộng dân số các nước này hơn 129 triệu người. Khi bà mới sinh ra, ông nội của bà là vua George V đang tại vị và bà đứng hạng thứ 3 nối ngôi sau người bác và cha của bà. Ai cũng nghĩ rằng ngôi vua khó đến với bà vì người bác sẽ có vợ và có con trai. Đầu năm 1936 ông nội của bà là vua George V băng hà, bác của bà đăng quang lên làm vua lấy niên hiệu là Edward VIII nhưng ông này là một dân chơi, đa tình đa cảm quen với rất nhiều phụ nữ đã có chồng trong đó có bà Wallis Simpson là người Mỹ đã ly dị chông. Vua đòi cưới bà này nhưng triều đình không chịu nhất là Thủ Tướng Anh nhất định đòi từ chức nếu vua lấy bà Mỹ này! Rốt cục vua từ chức bỏ ngai vàng để theo tiếng gọi con tim. Người kế vị là cha của nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi lấy niên hiệu là George VI vào cuối năm 1936. Ông này lại không có con trai, chỉ có 2 người con gái, ngoài Elizabeth còn người em gái của bà là công chúa Margaret.



Năm bà 13 tuổi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, bà và người em là công chúa Margaret bỏ điện Buckingham mà di tản về lâu đài Windsor. Triều đình khuyên nên đem 2 công chúa lánh nạn ở British Columbia, Canada nhưng bà mẹ là hoàng hậu cho rằng: “Hai đứa trẻ không thể nào đi nếu không có tôi đi theo mà tôi không thể nào rời xa nhà vua và nhà vua cũng không thể nào rời nước Anh!” Năm 1940 công chúa Elizabeth bắt đầu nói trên đài phát thanh BBC trong chương trình “Giờ Thiếu Nhi” để nói chuyện với những trẻ em di tản. Công chúa cũng đã gặp hoàng tử Philip năm nàng mới 13 tuổi và yêu ông này, bắt đầu từ đó nàng viết thư cho hoàng tử trong lúc hoàng tử đang phục vụ trong lực lượng Hải quân hoàng gia. Năm 1945 khi tròn 18 tuổi công chúa Elizabeth xin vua cha cho nàng gia nhập quân đội trong lực lượng Nữ Quân Nhân và nàng học để trở thành tài xế quân xa. Năm 1947 Elizabeth kết hôn với hoàng tử Philip tước hiệu Duke of Edinburgh vốn là hoàng tử của Hy Lạp và cũng là hoàng tử Đan Mạch. Ông này có họ hàng với Elizabeth (anh em họ xa) vì cũng là hậu duệ của nữ hoàng Victoria (nữ hoàng Victoria mai mối để các con cháu của mình kết hôn với hoàng gia các nước Âu châu nên hoàng tử Philip là hoàng tử 2 nước). Sau khi thành hôn Elizabeth và chồng cư ngụ trong ngôi nhà Clarence House phía sau điện St. James Palace, bà cũng theo chồng di chuyển ở nhiều nơi vì ông này phục vụ trong Hải quân.



Năm 1952 phụ vương là vua George VI qua đời vì bệnh ung thư phổi, bà lên ngôi lấy hiệu là Elizabeth II. Lễ đăng quang diễn ra vào ngày 2 tháng Sáu 1953 tại nhà thờ Westminster Abbey, tính đến nay (2008) là 56 năm chỉ thua bà cố 4 đời là nữ hoàng Victoria (1819-1901) trên ngôi trị vì gần 64 năm! Bà là người kín đáo, khôn khéo nhưng không kém cứng rắn trong chính trị. Bà giữ kỹ luật triều đình chặt chẽ, ít hé lộ những quan điểm để công chúng biết (như vấn đề tham gia gởi quân sang Iraq). Không khi nào chịu cho báo chí phỏng vấn nhưng mỗi ngày bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để đọc các văn bản và báo chí. Mỗi tuần đều có cuộc họp riêng với Thủ Tướng Anh và suốt nửa thế kỷ làm vua, bà đã làm việc với 11 vị Thủ Tướng. Sở thích cá nhân của nữ hoàng là đua ngựa, nhiếp ảnh và nuôi chó.



Tài sản riêng của nữ hoàng theo tạp chí Forbes ước lượng khoảng 280 triệu bảng Anh (khoảng 560 triệu USD) cùng một số bất động sản và cổ phần khó định đuợc giá. Bộ sưu tập nghệ thuật của hoàng gia (Royal Art Collection) trị giá ít nhất cũng 10 tỷ bảng Anh nhưng là tài sản quốc gia phải trao lại cho những người kế vị.



Nữ hoàng Elizabeth II có 4 người con là thái tử Charles (sinh năm 1948), công chúa Anne (1950), hoàng tử Andrew (1960), hoàng tử Edward (1964) và 8 cháu nội ngoại. Thái tử Charles sẽ kế vị bà, đã có 2 đời vợ là công nương Diana và Camilla, có với Diana 2 con trai là William và Harry (bà Camilla cũng có con riêng với chồng trước). Công chúa Anne đã từng ly dị và kết hôn lần thứ hai, có 2 người con (1 trai, 1 gái). Công chúa Anne khi mới sinh đứng hạng 3 nối ngôi (khi mẹ chưa lên ngôi), nay tụt xuống hạng 10. Hoàng tử Andrew từng thành hôn và ly dị với Sarah Ferguson có 2 con gái là Beatrice (sinh năm 1988) và Eugenie (1990). Andrew đứng hạng 4 và Beatrice hạng 5, Eugenie hạng 6 nối ngôi. Hoàng tử út hết là Edward (hạng 7) cưới Sophie Jomes năm 1999 hiện có 2con (1 trai và 1 gái đứng thứ 8 và 9).



Hiện nữ hoàng Elizabeth tuy lớn tuổi nhưng sức khoẻ còn tốt và không có dấu hiệu cho thấy bà thoái vị muốn về hưu mặc dù thái tử Charles đã 60 luôn luôn sẵn sàng để lên ngôi. Năm bà tròn 80 theo cuộc thăm dò thì đa số dân nước Anh muốn bà ở ngôi vị cho đến khi qua đời. Năm 2007 bà và hoàng tế Philip công du Hoa Kỳ đánh dấu 400 năm người Anh sang định cư đầu tiên ở thành phố Jamestown thuộc bang Virginia. Hiện bà cùng chồng là hoàng tế Philip sống ở hoàng cung Buckingham trung tâm Luân Đôn. Những ngày có sự hiện diện của bà thì lá cờ nước Anh được treo trên cột cờ trên nóc tòa nhà. Hôm nay lá cờ Anh quốc có trên cột cờ nhưng ủ rũ vì trời lặng gió chứng tỏ bà có trong cung. Tôi làm bộ hỏi bà Diana: “Hôm nay nữ hoàng có ra gặp chúng ta không?” Bà trả lời lơ lửng: “Không chừng?”

Friday, March 24, 2017




CUNG ĐIỆN KENSINGTON Ở LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM



Luân Đôn là thành phố có lịch sử trải dài hai ngàn năm và qua nhiều triều đại vua chúa nên thành phố có rất nhiều cung điện, thành quách từng là nơi các vì vua, nữ hoàng làm việc và cư ngụ. Trong những ngày ở Luân Đôn tôi có dịp viếng thăm nhiều nơi trong đó có cung điện Kensington nơi công nương Diana đã từng cư ngụ. Ngày nay du khách mỗi khi đến thăm cung điện Kensington đều tưởng nhớ đến dáng dấp mỹ miều của công nương và nơi đây mặc dù là một phần của hoàng cung nhưng không ai ở chỉ làm nhà bảo tàng trưng bày những y phục của nàng cũng như di vật của nữ hoàng Victoria.



CUNG ĐIỆN KENSINGTON



Sau khi xe buýt đưa chúng tôi vòng quanh Hyde Park và Kensington Gardens, xe dừng lại trước thính đường Royal Albert Hall ở phía Nam Kensington Gardens. Chúng tôi vào vườn Kensington Gardens bằng cửa Nam có tên là Queen Gate. Buổi sáng sớm ngày thứ Bảy 4 tháng Năm 2008 trong công viên còn hơi sương lạnh nhưng cũng có nhiều người vào công viên dẫn chó đi dạo hay chuẩn bị cho một buổi picnic họp mặt nào đó. Cây cối nơi đây phần nhiều là những cây miền ôn đới, miên Nam Cali không có, rất xanh tươi và toàn những cây cao lớn đang trổ hoa mơn mởn đầy nhựa sống. Phía Tây vườn Kensington là một tòa nhà cổ kính, bà hướng dẫn viên du lịch Diana cho biết đó là cung điện Kensington đã từng là hoàng cung từ thế kỷ 17  là nơi nhiều ông hoàng, bà chúa đã sinh ra và lớn lên nơi đây trong đó có nữ hoàng danh tiếng Victoria, nữ hoàng Mary (bà nội của nữ hoàng Elizabeth II đương nhiệm) được sinh ra tại đây năm 1867. Gần đây nhất là nơi cư ngụ của Công Nương Diana khi nàng về làm dâu triều đình (1981) và cũng nơi đây nàng sống những ngày cô đơn tẻ lạnh cho đến khi bị tai nạn qua đời ở Paris năm 1997.



Lịch sử lâu đài Kensington được bắt đầu từ năm 1689 khi vua William III vì bị bịnh không muốn sống ở London không khí bụi bậm nên mua lại ngôi nhà từ ông Nottingham. Nhà vua truyền cho ông Christopher Wren sửa ngôi nhà thành cung điện và lấy thêm 100 mẫu đất của công viên Hyde Park bên cạnh làm vườn cây quanh nhà. Đến đời hoàng hậu Caroline vợ vua George II bà cho đào thêm hồ nước Round Pound ở phía Đông sau cung điện và một hồ nước lớn khác là Long Water trong khu công viên Hyde Park. Nữ hoàng Victoria được sinh ra tại cung điện Kensington năm 1819 và lớn lên tại đây cho đến khi lên làm vua năm 18 tuổi (1837). Bà kết hôn năm 1840 với anh họ mình là hoàng tử Albert I. Sau khi ông này qua đời năm 1861, bà thương nhớ ông nên đã cho xây Đài Tưởng Niệm Albert (Albert Memorial) ở phía Đông Nam cung điện và hoàn tất năm 1876. Đài cao 180 feet bên trong có tượng Albert I thếp vàng nguy nghiêm lộng lẫy. Bà cũng cho xây thêm khu vườn hoa theo kiểu Ý Đại Lợi bên cạnh cung điện.



CÔNG NƯƠNG DIANA



Theo những người cư ngụ phía ngoài cung điện Kensington kể lại ngày trước họ thường thấy công nương Diana dẫn 2 con là hoàng tử William và Harry đi học hoặc chạy chơi trong vườn. Sau hôn lễ năm 1981, Thái Tử Charles và Diana cư ngụ trong hai apartments số 8 và 9 liền nhau. Sau khi ly dị công nương Diana vẫn cư ngụ tại đây cùng hai con là William và Harry là 2 hoàng tử đứng thứ hạng số 2 và 3 nối ngôi vua nước Anh. Diana tên thật là Diana Frances Spencer có tước hiệu triều đình là Princess of Wales sinh ngày 1 tháng Bảy 1961 vốn dòng họ vua chúa nước Anh (nàng là hậu duệ của vua Charles II). Nàng kết hôn với Thái Tử Charles, tước hiệu Prince of Wales (người sẽ kế vị ngai vàng) vào ngày 29 tháng Bảy 1981 tại nhà thờ St. Paul vì có nhiều ghế ngồi hơn nhà thờ Westminster Abbey là nơi thường cử hành quan hôn tang tế những nhân vật thuộc hoàng gia. Cuối thập niên 1980 hôn nhân giữa hai người có dấu hiệu rạn nứt. Qua bạn bè và báo chí cả hai than phiền và đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân đưa đến cuộc sống không hạnh phúc này. Diana cho rằng một người thứ ba là Camilla Parker Bowles đã phá vỡ hôn nhân của hai người. Trước kia vào những năm 1970 Camilla vốn là người tình của Thái tử Charles nhưng triều đình không tán thành vì cô này theo đạo Công Giáo La Mã trong khi triều đình muốn chọn vợ cho Thái Tử phải là người theo Anh giáo, dòng dõi triều đình và nhất là phải còn...trinh tiết cho tới khi kết hôn. Vì vậy hoàng gia đã chọn Diana làm hoàng hậu tương lai của nước Anh.



Diana và Thái Tử Charles ly thân vào cuối năm 1992. Trong khi nàng đổ lỗi cho Camilla phá vỡ hạnh phúc hai người thì vào tháng Mười 1993 trong một lá thư viết cho một người bạn, Diana cho rằng chồng nàng đang yêu một người đàn bà khác là Tiggy Legge Bourke và muốn cưới cô này? Trước đó ít lâu Diana cũng thú nhận trên chương trình truyền hình Panorama là vì cô đơn không hạnh phúc nên nàng cũng có cuộc tình riêng với anh chàng dạy...cỡi ngựa Jonathan Dimbleby. Sau những sóng gió lời qua tiếng lại hai người chính thức ly dị vào ngày 28 tháng Tám 1996 và Diana nhận tiền cấp dưỡng một lần là 17 triệu Bảng Anh. Trước đây khi là vợ Thái Tử Charles nàng có tước hiệu là “Her Royal Highness Princess of Wales”, bây giờ nàng chỉ còn là “Diana, Princess of Wales” mà thôi vì sẽ không là hoàng hậu, nàng vẫn là mẹ của hai hoàng đế tương lai nước Anh và nàng vẫn sống trong apartments ở cung điện Kensington. Hai con trai của Diana là William và Henry (Harry) thuỡ nhỏ đi học ở trường thuộc khu thượng lưu Notting Hill gần nhà sau đó sống với cha và học nội trú. Sau khi ly dị, Diana hoạt động cho hội Hồng Thập Tự trong công tác tháo gỡ mìn (land mines) trên những vùng có chiến tranh như ở Phi Châu, Campuchia và những hoạt động từ thiện khác nữa. Vì những hoạt động nhân đạo này nàng nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 1997.



Đêm 31 tháng Tám 1997 Diana tử nạn xe cộ trong đường hầm ở Pont de l’Alma cùng với bạn trai là Dodi Al-Fayed, con của nhà tỉ phú Ai Cập chủ thương xá sang trọng Harrods ở Luân Đôn và khách sạn Ritz ở Paris. Nguyên nhân tai nạn là tài xế say rượu chạy qúa tốc độ để tránh báo chí săn đuổi chụp hình. Đám tang của Diana được tổ chức tại nhà thờ Westminster Abbey và người thương tiếc nàng đã đem hoa đến cung điện Kensington chất trong vườn cây xung quanh cung điện như một biển đầy hoa. Ngày nay ở nơi đó có xây vườn chơi Diana Memorial Playgroud và Diana Fountain để tưởng nhớ đến người đàn bà trẻ đẹp người, đẹp nết. Người ta không quên những hình ảnh của nàng đang thăm hỏi những trẻ em bị cụt tay chân vì mìn và hình ảnh nàng ẵm bế những đứa trẻ bị bịnh liệt kháng (AIDS) bẫm sinh.



Vào cung điện Kensington có nhiều điều để xem nhưng nếu không có nhiều thời giờ thì nên xem những nơi sau đây:



- Bộ trưng bày những y phục của Công Nương Diana, mốt riêng của nàng là những kiểu áo hở cổ hợp với vẻ sang trọng qúy phái của nàng.

- Phòng ngủ của nữ hoàng Victoria: nơi 6 giờ sáng ngày 20 tháng Sáu 1837 nàng được báo tin trở thành nữ hoàng nước Anh lúc vừa 18 thanh xuân. Dù làm vua nhưng bà mẹ của Victoria vẫn ngủ cùng phòng với con gái để săn sóc cho nàng.

- Cầu thang của vua (King’s Staircase) độc đáo với những bức vẽ trên tường, trên trần nhà của William Kent.

- Phòng ngủ của hoàng hậu Mary of Modena vợ vua James II có những chiếc giường cổ nhất trong bộ sưu tập hoàng gia Anh.

- Bộ sưu tập y phục hoàng cung mặc trong những  nghi thúc lễ lộc như áo cưới nữ hoàng Victoria, áo nịt của vua George IV lúc còn nhỏ, áo công chúa Margaret v.v...

- Nhà hàng Orangery, nhà hàng cung đình rất sang trọng nhưng giá thức ăn, bánh ngọt, trà, cà phê không cao hơn bên ngoài.

- Vườn hoa Sunken Garden thiết lập từ 1908, một cõi không gian tĩnh lặng với hoa thơm cỏ lạ, bể nước, phông tên v.v...



Vé vào xem cung điện Kensington Palace là 12.30 Pound cho người lớn, trẻ em dưới 16 tuổi nửa giá và cung điện mở cửa 7 ngày một tuần từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều trong mùa Hè và 5 giờ chiều trong mùa Đông.



KHU MUA SẮM MAYFAIR



Rời cung điện Kensington xe chúng tôi đi về hướng Đông của công viên Hyde Park để đến khu Mayfair. Tuy là khu phố cổ với những con đường nhỏ nhưng nhà cửa, kiến trúc thanh lịch và là khu có giá bất động sản đắt nhất Luân Đôn. Nơi đây có những hiệu buôn sang trọng nằm trên con đường Bond Street với những cửa hàng thời trang, y phục, nữ trang và đồ cổ. Ngày trước chủ nhân những ngôi nhà nơi đây là Sir Thomas Bond nên lấy tên ông đặt cho con đường này. Chúng tôi đi ngang qua những cửa tiệm đầy ấp những cổ vật trang trí trong nhà như tranh tượng, điêu khắc, bình hoa, đồ đồng, giàn đèn treo trên trần nhà. Khu Mayfair còn là một khu văn hóa nghệ thuật có Viện Royal Academy of Arts là cơ quan dẫn đầu về nghiên cứu nghệ thuật Anh Cát Lợi. Buổi sáng sớm thứ Bảy khách mua sắm không đông nhưng toàn đi trên những hiệu xe sang trọng đắt tiền như Rolls Royce, Ferrari, Lamborghini, Mercedes, BMW v.v...Khu phố mua sắm sang trọng này đông đảo nhất là những đêm thứ Sáu và ngày Chủ nhật, dập dìu người dạo phố đi lũ lượt như ngày hội.



Xe chúng tôi chạy về hướng Nam để tới khu St. James nằm giữa 2 công viên Green Park và St. James Park. Ở góc Đông Bắc Green Park có khách sạn The Ritz nằm ở số 150 đường Piccadilly là một trong những khách sạn sang trọng nhất Luân Đôn. Khách sạn mở cửa từ năm 1906 rất nổi tiếng về cung cách phục vụ thanh lịch và hiện nay giá một phòng cũng phải từ 250 Pound trở lên. Qua khỏi khách sạn Ritz xe chúng tôi vào con đường St. James vắng vẻ tìm chỗ đậu và chúng tôi xuống xe đi bộ về hướng Nam tới đại lộ The Mall là con đường dẫn đến điện Buckingham là nơi hiện nay Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị cư ngụ. Trên đường St. James hẹp và vắng, hai bên là những cửa hàng sang trọng và những biệt thự cổ kính, tường gạch đỏ cao khỏi đầu. Chúng tôi đi ngang qua một lâu đài nhỏ bên tay phải, ngoài cổng có một ngự lâm quân gác và bà hướng dẫn du lịch cho biết đó là St. James Palace ngày xưa một thời cũng là hoàng cung trước khi có điện Buckingham.



CUNG ĐIỆN ST. JAMES



Cung điện St James được xây bằng gạch đỏ, mặt tiền có đồng hồ lớn ở giữa và hai bên là hai tháp kiến trúc như thành quách thời trung cổ. Cung điện được xây từ năm 1531 đến năm 1536 bởi vua Henry VIII. Sau khi cung điện Whitehall bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1702, nữ hoàng Anne cho di chuyển hoàng cung về cung điện St. James này. Nữ hoàng Victoria sau khi lên ngôi năm 1837 cũng chọn nơi đây làm hoàng cung trong khi chờ sửa sang lại điện Buckingham. Đám cưới của bà và hoàng tử Albert năm 1840 cũng được tổ chức tại đây và năm 1952 nữ hoàng Elizabeth II cũng đọc bài diễn văn đầu tiên tại cung điện này. Đây cũng là nhà của mẹ nữ hoàng cho tới khi bà mất cách đây vài năm. Hiện nay cung điện St. James vẫn dùng làm hoàng cung là nơi cư trú của Thái Tử Charles và người vợ mới (nhưng người tình cũ) là bà Camilla. Bà Camilla làm đám cưới với Thái Tử Charles năm 2005 tại lâu đài Windsor và hiện nay có tước hiệu của công nương Diana trước kia là “Her Royal Highness Princess of Wales” nhưng bà ngại người ta nghĩ đến Diana nên dùng tước hiệu là “Her Royal Highness The Duchess of Cornwall” ba chữ “The Duchess of Cornwall” là tước hiệu trước đây của bà. Bà quen với Thái Tử Charles từ năm 1970 nhưng có chồng vào năm 1973 và sau đó ly dị với ông này năm 1996 vì có chuyện vụng trộm với Thái Tử Charles. “Xấu đẹp tùy người đối diện”, trong đôi mắt của thái tử Charles, Camilla... là tất cả mặc dù bà hơi luống tuổi. Con tim có những lý lẻ mà “ở chốn nhân gian không thể hiểu”, thái tử Charles có Diana, vừa xinh người lại đẹp nết nhưng thái tử  không nhận ra mà chỉ mơ...màng những chuyện gì đâu! Hay là:



Có duyên lấy được vợ già

Vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh.

                                 (Ca dao)



Chúng tôi đã thăm qua cung điện Kensington ngày trước Diana đã từng  giam hãm tuổi xuân, giờ đây được xem là giang sơn riêng của nàng mặc dù chỉ lảng vảng vong linh. Cung điện St. James là chốn tự do của thái tử Charles sau khi ly thân với Diana, nay lại toại lòng bên bà Camilla. Hai người không ở điện Kensington vì ngại hình bóng Diana. Chúng tôi sẽ tới điện Buckingham bên cạnh đây là nơi  mẹ thái tử Charles là nữ hoàng Elizabeth II cư trú. Khổng Tử có nói: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng đối với nữ hoàng, đâu cần gì “tề gia” mà vẫn “trị quốc” vững vàng. Trên chính trường nhiều ông theo đạo “thờ bà”, vợ hét một tiếng là run lên cầm cập nhưng ra ngoài là những lãnh tụ lẫm liệt oai phong!

NHỮNG KIẾN TRÚC LỊCH SỬ Ở LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM







Luân Đôn có chiều dài lịch sử đến hai ngàn năm, là một thành phố cổ xưa lập nên từ thời hưng thịnh của đế quốc La Mã lúc ấy cai trị khắp Âu Châu. Đến Luân Đôn có nhiều di tích cần xem, hàng chục cung điện phải viếng. Mỗi kiến trúc là kỳ công sáng tạo của một triều đại vua chúa, đánh dấu một giai đoạn lịch sử lừng lẫy.



Ngày thứ nhì ở Luân Đôn, buổi sáng đoàn du lịch chúng tôi được bà Diana của hãng du lịch Trafalgar đưa đi một vòng thành phố để viếng qua các cung điện, giáo đường, công viên, các khu mua sắm nổi tiếng của thủ đô vương quốc Anh. Xe buýt chúng tôi dừng lại ở quảng trường phía trước Cung Điện Westminster. Sau khi xem qua bên ngoài và chụp ảnh Tháp Đồng Hồ Big Ben và tòa nhà Nghị Viện tức Houses of Parliament, chúng tôi đi về hướng Tây sang nhà thờ St. Margaret và Tu Viện Westminster Abbey cả hai kiến trúc này đều rất cổ xưa, trải qua nhiều triều đại vua chúa và chứng kiến nhiều biến cố lịch sử thăng trầm của vương quốc Anh.



NHÀ THỜ ST. MARGARET



Nhà thờ St. Margaret nằm ở góc đường phía Bắc Tu Viện Westminster Abbey, so với Tu Viện nhà thờ có vẻ khiêm tốn vì nhỏ hơn, diện tích chỉ bằng 1/8 của Tu Viện. Đây là nhà thờ thuộc giáo hội Anh giáo được xây lần đầu vào thế kỷ 12 bởi các tu sĩ dòng Benedictine dùng làm nhà thờ giáo xứ cho các tín đồ cư ngụ trong vùng. Nhà thờ xây lại vào năm 1486 và kéo dài đến 1523 mới xong hoàn toàn và trở thành nhà thờ họ đạo Palace of Westminster. Tháp chuông bên trái nhà thờ được xây vào năm 1734 bằng đá tảng lấy từ Ba Lan. Bên trong nhà thờ được bảo tồn nguyên vẹn do công lao của Sir George Gilbert Scott từ năm 1877 và còn lưu lại những cổ vật từ các triều vua Tudor. Nhà thờ đã từng làm lễ thành hôn cho nhiều nhân vật danh tiếng trong đó có Thống Chế Hải Quân Samuel Pepys (1633-1703) và Sir Winston Churchill (1874-1965) người giữ chức Thủ Tướng Anh trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Nhà Thờ St. Margaret còn là nhà thờ riêng của Nghị Viện Anh (Houses of Parliament) là cơ quan nằm bên cạnh.



TU VIỆN WESTMINSTER ABBEY



Tu viện Westminster nằm về phía Tây tòa nhà Nghị Viện, là một kiến trúc lịch sử hơn là cơ sở tôn giáo. Từ năm 1066 mỗi khi có lễ đăng quang phong vương đều được cử hành tại đây trừ các vua Edward V và Edward VIII. Tu viện còn là nơi an táng rất nhiều vua chúa, chính khách và giới nghệ sĩ. Bên trong tu viện tàng trữ rất nhiều huyệt mộ, hình tượng và bia ghi công. Nhiều quan tài phải để dựng đứng vì thiếu chỗ. Người ta ước lượng có khoảng 3,300 người được chôn cất trong tu viện này và các sảnh đường phụ thuộc! Nhiều người rất nổi tiếng như Charles Darwin, Sir Isaac Newton và David Livingstone.



Theo truyền thuyết cho rằng ngày xưa nơi đây đã có một đền thờ, thờ kính Thánh Phêrô do các ngư phủ dựng nên vì vị thánh này đã giúp ngư dân đánh bắt được nhiều cá hồi. Tu viện Westminster Abbey bắt đầu được xây bằng đá từ năm 1045 đến 1050 bởi vua Edward the Confessor để dùng làm tu viện cho các tu sĩ dòng Benedictine Anh giáo. Sau đó được xây thêm từ năm 1245 đến 1272 khi vua Henry III quyết định cho xây tu viện theo kiểu Gothic. Phần lớn kiến trúc hiện nay được vua Henry VII cho xây thêm từ 1503 đến 1512 và hai ngọn tháp chuông phía Tây được xây năm 1745. Phần mới nhất là cửa vào phía Bắc hoàn tất trong thế kỷ 19.



Nhà thờ Westminster Abbeycó kiến trúc kiểu Gothic với hai tháp chuông hai bên đối xứng nhau (như nhà thờ Đức Bà Paris, Sài Gòn...) là tài sản của Hoàng Gia Anh và là địa điểm truyền thống dùng làm nơi đăng quang, quốc táng, đám cưới hoàng gia và những nghi lễ trọng đại. Hôn lễ của Công Nương Diana vào năm 1981 được cữ hành tại nhà thờ St. Paul chứ không ở Westminster Abbey vì nhà thờ St. Paul nhiều ghế cho qua khách hơn, nhưng đám tang Công Nương ngày 6 tháng Chín 1997 được tổ chức trọng thể tại nhà thờ này.



Nhà thờ mở cửa cho du khách vào tham quan từ thứ Hai cho đến thứ Bảy và ngày Chủ Nhật chỉ dành cho việc thờ phượng. Vé vào cửa cho người lớn là 12 Pound và với vé này có thể vào nhà bảo tàng và nhà thờ St. Margaret. Trong nhà bảo tàng có trưng bày những cổ vật của hoàng gia như yên ngựa, kiếm, nón giáp của vua Henry V mang theo trong lễ an táng vào năm 1422, ngai vàng của nữ hoàng Mary II ngồi trong lễ tấn phong v.v...Tuy nhiên khi vào trong nhà thờ du khách không được quay phim, chụp hình và ăn mặc đứng đắn.



Rời nhà thờ Westminster Abbey, bà hướng dẫn du lịch Diana đưa chúng tôi sang tòa nhà lớn bên kia đường là Middlesex Guidhall để giải khát và dùng nhà vệ sinh vì theo luật du lịch cứ đi 2 tiếng đồng hồ là phải cho chúng tôi nghỉ giải lao. Bên trong có bán cà phê và thức ăn nhẹ. Xong đâu đó chúng tôi ra xe và tiếp tục hành trình theo con đường Victoria Street đi ngang qua Vương Cung Thánh Đường Công Giáo La Mã Westminster Cathedral. Nhà thờ cổ kính được xây vào thế kỷ 19 theo kiến trúc La Mã với một tháp chuông bên cạnh nhà thờ (chứ không hai tháp chuông đối xứng với nhau như kiến trúc Gothic). Xe tiếp tục ngang qua nhà ga lớn Victoria, nhà ga này cũng  đồ sộ và cổ kính cả trên trăm năm. Vùng xung quanh nhà ga người đi tấp nập vì ngoài ga xe điện đi các tỉnh xa còn có 3 trạm xe điện ngầm và những khách sạn lớn ở xung quanh như khách sạn Mỹ Holiday Inn.



CÔNG VIÊN HYDE PARK



Xe tiếp tục rẽ lên hướng Bắc đến công viên Hyde Park là một trong 3 công viên nằm cạnh nhau (2 công viên kia là Green Park và St. James Park) được gọi là Công Viên Hoàng Gia (Royal Parks) vì tất cả nằm gần hoàng cung Buckingham Palace. Luân Đôn nổi tiếng nhiều khoảng cây xanh vì có rất nhiều công viên và công viên Hyde Park là công viên lớn nhất ở khu trung tâm thành phố lại rất gần khu mua sắm sang trọng Mayfair. Đặc điểm của Luân Đôn là các công viên và nhà bảo tàng đều miễn phí cho công chúng và du khách vào xem.



Công viên Hyde Park rộng 360 acres (142 hectares) là nơi hàng năm diễn ra nhiều lễ hội như kỷ niệm, ăn mừng, hoà nhạc, là nơi dân chúng có thể picnic, chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền và cỡi ngựa. Giữa công viên có hồ nước lớn The Serpintine người ta có thể xuống bơi lội hoặc chèo thuyền, có sân khấu hòa nhạc và nhiều đền tưởng niệm như đền tưởng niệm nạn nhân chiến tranh (War Memorial), tưởng niệm nạn nhân Đức Quốc Xã (Holocaust Memorial). Ở góc Đông Bắc công viên có một cổng tam quan bằng đá hoa cương rất đẹp tên là Marble Arch. Cổng được xây năm 1827 thiết kế bởi John Nash mô phỏng theo kiểu cổng Constantine ở Roma, dùng làm cổng chính cho hoàng cung Buckingham Palace. Vì xây qúa hẹp nên xe ngựa không đi vào được nên cổng được dời đến nằm ở góc công viên như vị trí hiện giờ. 



Cạnh cổng Marble Arch về phía bên trong công viên là Speaker’s Corner nơi người ta có thể tự do diễn thuyết, truyền đạt những tư tưởng, học thuyết dù đối nghịch với hoàng gia cũng không bị khép tội phá rối an ninh trật tự. Vào thế kỷ 19 công viên Hyde Park là nơi dân chúng thường tập trung để hội thảo nhiều vấn đề thời sự. Năm 1872 sau biến cố cảnh sát đàn áp giải tán một buổi hội thảo chính trị gây rối loạn. Chính quyền đồng ý dùng góc công viên này làm nơi mọi người tự do phát biểu ý kiến. Từ đó mỗi ngày Chủ Nhật người ta có thể đứng trên bục diễn đàn nói lên ý kiến của mình, mọi người lắng nghe nhưng đôi khi cử tọa cũng phản đối cắt ngang lời nói hoặc tranh luận.



Về lịch sử công viên Hyde Park, năm 1536 vua Henry VIII thu nhận vùng đất này từ các tu sĩ ở Westminster Abbey và nhà vua dùng làm nơi săn bắn. Đến đời vua Charles I cho rào lại và dùng làm công viên mở cửa cho dân chúng vào năm 1637. Công viên hiện nay được quy hoạch theo họa đồ năm 1825 của kiến trúc sư Decimus Burton. Hồ nước nhân tạo giữa công viên được hoàng hậu Caroline vợ vua George II cho đào năm 1730 và hiện nay người ta dùng để chèo thuyền hoặc bơi lội. Phía Nam công viên có một con đường dài đến 4 miles (6.4 km) được gọi là Rotten Row. Vào thế kỷ 17 vua William III vẫn dùng con đường này để đi từ cung điện Kensington Palace (nằm về phía Tây) để đến cung điện St. James ở phía Đông. Nhận thấy con đường qúa tối tăm nguy hiểm nên nhà vua cho dựng những cột đèn dầu dọc theo con đường. Đây là công lộ đầu tiên ở Luân Đôn được thắp sáng và tên gọi “Rotten Row” thoát thai từ chữ Pháp “route du roi” (con đường vua đi).



Xe buýt chúng tôi chạy quanh công viên Hyde Park và vườn Kensington Gardens vì 2 công viên này nằm cạnh nhau và cách bởi hồ nước nhân tạo nằm giữa 2 công viên. Ngày xưa 2 nơi này là một nhưng sau đó được tách làm hai: Hyde Park phần nhiều là bãi cỏ xanh, nhà hàng và những nơi picnic vui chơi, Kensington Gardens có nhiều vườn hoa và trồng nhiều cây cối, kỳ hoa dị thảo.



VƯỜN KENSINGTON GARDENS



Xe chúng tôi chạy gần hết một vòng bên ngoài hai công viên và dừng lại trước một tòa nhà tròn màu huyết dụ có rất nhiều cửa sổ. Bà hướng dẫn du lịch cho biết đó là Royal Albert Hall (Hoàng Gia Đại Sảnh Albert) nằm bên ngoài phía Nam vườn Kensington Gardens. Tòa nhà do nữ hoàng Victoria đặt tên để tưởng nhớ chồng bà là Hoàng Tế Albert đã qua đời. Sảnh Đường Albert trước kia là một thính đường theo kiểu La Mã sau được nữ hoàng trùng tu lại và hiện nay dùng để tổ chức những buổi hòa nhạc, hội họp trong đó có Nhạc Hội Mùa Hè (Summer Music Festival) do đài BBC tổ chức hàng năm. Bên kia đường phía trong Kensington Gardens là Đài Tưởng Niệm Albert (Albert Memorial) xây xong năm 1876 bên trong là tượng Hoàng Tế Albert thếp vàng đứng trên bệ cao rất hoành tráng uy nghiêm.



Nữ hoàng Victoria (1819-1901) được sinh ra ở cung điện Kensington Palce (trong vườn hoa này) là cháu nội vua George III. Khi mới sinh ra, bà chỉ đứng hạng thứ 5 nối ngôi nhưng 4 người đứng trước bà đều bị bịnh và chết bất đắc kỳ tử trong đó có cha bà chết lúc bà mới được 8 tháng. Sáu ngày sau ông nội bà đương kim hoàng đế là vua George III cũng qua đời. Chú bà lên làm vua lấy danh hiệu là George IV đến năm 1830 ông này qua đời và không có con nên truyền ngôi lại cho người em là vua William IV (ông này còn 1 người anh nữa nhưng cũng đã chết). Năm 1837 vua William IV chết lúc đó Victoria mới 18 tuổi  và được đưa lên làm nữ hoàng Anh. Ngày 24 tháng 5 1837 bà tròn 18 tuổi, đến ngày 20 tháng 6 Victoria được mẹ mình đánh thức dậy và cho bà hay là vua William IV 71 tuổi băng hà vì trụy tim. Trong nhật ký bà đã viết như sau khi được báo tin lên ngôi: “Mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy lúc 6 giờ sáng và nói với tôi là Giám Mục Canterbury và Lord Conyngham đã hiện diện tại đây và muốn gặp tôi. Tôi ngồi dậy và một mình bước sang phòng bên cạnh với bộ đồ ngủ để gặp 2 vị đó. Lord Conyngham báo với tôi rằng “Người chú xấu số của cô nương là nhà vua không còn nữa và từ lúc 2 giờ 12 phút sáng nay cô là...nữ hoàng nước Anh!”.



Bà cai trị suốt hơn 63 năm, thời gian trị vì lâu nhất nước Anh. Triều đại Victoria là triều đại huy hoàng nhất nước Anh vì thời ấy nước Anh phát triển và mở rộng các thuộc địa trên khắp thế giới. Bà kết hôn với người anh họ của mình là Hoàng tử Albert vào năm 1840 lúc bà 20 tuổi đang là nữ hoàng. Hoàng tử Albert không những là người đồng hành mà còn là cố vấn cho bà trong những vấn đề chính trị. Bà và chồng đã từng bị ám sát hụt ít nhất là 3 lần.



Hai mươi mốt năm sau (1861) Hoàng tế Albert qua đời vì bịnh thương hàn do ảnh hưởng bởi tình trạng vệ sinh yếu kém ở lâu đài Windsor. Cái chết của chồng khiến nữ hoàng u sầu buồn bã và bà chỉ mặc một màu đen hết suốt cuộc đời còn lại. Bà tránh xuất hiện trước công chúng và ít khi nào ra phố Luân Đôn nhiều năm sau đó và tự gọi mình là “góa phụ Windsor”. Chồng chết lúc bà 42 tuổi và không tái giá cho đến khi bà qua đời  ngày 22 tháng Giêng 1901 hưởng thọ 81 tuổi khi còn đương vị nữ hoàng. Để tạo ảnh hưởng chính trị có lợi cho nước Anh, trong cuộc đời làm vua của bà, nữ hoàng Victoria đã giàn xếp, mai mối hôn nhân cho 9 người con và 42 cháu nội ngoại kết hôn với vua chúa các nước lân bang, kết tình thông gia với các nước này nên bà có danh hiệu là “The grandmother of Europe”.