CUNG ĐIỆN KENSINGTON Ở LUÂN ĐÔN
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Luân Đôn là thành phố có lịch
sử trải dài hai ngàn năm và qua nhiều triều đại vua chúa nên thành phố có rất
nhiều cung điện, thành quách từng là nơi các vì vua, nữ hoàng làm việc và cư ngụ.
Trong những ngày ở Luân Đôn tôi có dịp viếng thăm nhiều nơi trong đó có cung điện
Kensington nơi công nương Diana đã từng cư ngụ. Ngày nay du khách mỗi khi đến
thăm cung điện Kensington đều tưởng nhớ đến dáng dấp mỹ miều của công nương và
nơi đây mặc dù là một phần của hoàng cung nhưng không ai ở chỉ làm nhà bảo tàng
trưng bày những y phục của nàng cũng như di vật của nữ hoàng Victoria .
CUNG ĐIỆN KENSINGTON
Sau khi xe buýt đưa chúng tôi
vòng quanh Hyde Park và Kensington Gardens, xe dừng lại trước thính đường Royal
Albert Hall ở phía Nam Kensington Gardens. Chúng tôi vào vườn Kensington Gardens
bằng cửa Nam
có tên là Queen Gate. Buổi sáng sớm ngày thứ Bảy 4 tháng Năm 2008 trong công viên
còn hơi sương lạnh nhưng cũng có nhiều người vào công viên dẫn chó đi dạo hay
chuẩn bị cho một buổi picnic họp mặt nào đó. Cây cối nơi đây phần nhiều là những
cây miền ôn đới, miên Nam Cali không có, rất xanh tươi và toàn những cây cao lớn
đang trổ hoa mơn mởn đầy nhựa sống. Phía Tây vườn Kensington là một tòa nhà cổ
kính, bà hướng dẫn viên du lịch Diana cho biết đó là cung điện Kensington đã từng
là hoàng cung từ thế kỷ 17 là nơi nhiều ông
hoàng, bà chúa đã sinh ra và lớn lên nơi đây trong đó có nữ hoàng danh tiếng
Victoria, nữ hoàng Mary (bà nội của nữ hoàng Elizabeth II đương nhiệm) được
sinh ra tại đây năm 1867. Gần đây nhất là nơi cư ngụ của Công Nương Diana khi nàng
về làm dâu triều đình (1981) và cũng nơi đây nàng sống những ngày cô đơn tẻ lạnh
cho đến khi bị tai nạn qua đời ở Paris
năm 1997.
Lịch sử lâu đài Kensington được
bắt đầu từ năm 1689 khi vua William III vì bị bịnh không muốn sống ở London không khí bụi bậm nên mua lại ngôi nhà từ ông Nottingham . Nhà vua truyền cho ông Christopher Wren sửa
ngôi nhà thành cung điện và lấy thêm 100 mẫu đất của công viên Hyde Park bên cạnh làm vườn cây quanh nhà. Đến đời hoàng
hậu Caroline vợ vua George II bà cho đào thêm hồ nước Round Pound ở phía Đông
sau cung điện và một hồ nước lớn khác là Long Water trong khu công viên Hyde Park . Nữ hoàng Victoria được sinh ra tại cung điện Kensington
năm 1819 và lớn lên tại đây cho đến khi lên làm vua năm 18 tuổi (1837). Bà kết
hôn năm 1840 với anh họ mình là hoàng tử Albert I. Sau khi ông này qua đời năm
1861, bà thương nhớ ông nên đã cho xây Đài Tưởng Niệm Albert (Albert Memorial) ở
phía Đông Nam cung điện và hoàn tất năm 1876. Đài cao 180 feet bên trong có tượng
Albert I thếp vàng nguy nghiêm lộng lẫy. Bà cũng cho xây thêm khu vườn hoa theo
kiểu Ý Đại Lợi bên cạnh cung điện.
CÔNG NƯƠNG DIANA
Theo những người cư ngụ phía
ngoài cung điện Kensington kể lại ngày trước họ thường thấy công nương Diana dẫn
2 con là hoàng tử William và Harry đi học hoặc chạy chơi trong vườn. Sau hôn lễ
năm 1981, Thái Tử Charles và Diana cư ngụ trong hai apartments số 8 và 9 liền
nhau. Sau khi ly dị công nương Diana vẫn cư ngụ tại đây cùng hai con là William
và Harry là 2 hoàng tử đứng thứ hạng số 2 và 3 nối ngôi vua nước Anh. Diana tên
thật là Diana Frances Spencer có tước hiệu triều đình là Princess of Wales sinh
ngày 1 tháng Bảy 1961 vốn dòng họ vua chúa nước Anh (nàng là hậu duệ của vua
Charles II). Nàng kết hôn với Thái Tử Charles, tước hiệu Prince of Wales (người
sẽ kế vị ngai vàng) vào ngày 29 tháng Bảy 1981 tại nhà thờ St. Paul vì có nhiều
ghế ngồi hơn nhà thờ Westminster Abbey là nơi thường cử hành quan hôn tang tế
những nhân vật thuộc hoàng gia. Cuối thập niên 1980 hôn nhân giữa hai người có
dấu hiệu rạn nứt. Qua bạn bè và báo chí cả hai than phiền và đổ lỗi cho nhau về
nguyên nhân đưa đến cuộc sống không hạnh phúc này. Diana cho rằng một người thứ
ba là Camilla Parker Bowles đã phá vỡ hôn nhân của hai người. Trước kia vào những
năm 1970 Camilla vốn là người tình của Thái tử Charles nhưng triều đình không tán
thành vì cô này theo đạo Công Giáo La Mã trong khi triều đình muốn chọn vợ cho
Thái Tử phải là người theo Anh giáo, dòng dõi triều đình và nhất là phải còn...trinh
tiết cho tới khi kết hôn. Vì vậy hoàng gia đã chọn Diana làm hoàng hậu tương
lai của nước Anh.
Diana và Thái Tử Charles ly
thân vào cuối năm 1992. Trong khi nàng đổ lỗi cho Camilla phá vỡ hạnh phúc hai
người thì vào tháng Mười 1993 trong một lá thư viết cho một người bạn, Diana
cho rằng chồng nàng đang yêu một người đàn bà khác là Tiggy Legge Bourke và muốn
cưới cô này? Trước đó ít lâu Diana cũng thú nhận trên chương trình truyền hình
Panorama là vì cô đơn không hạnh phúc nên nàng cũng có cuộc tình riêng với anh
chàng dạy...cỡi ngựa Jonathan Dimbleby. Sau những sóng gió lời qua tiếng lại
hai người chính thức ly dị vào ngày 28 tháng Tám 1996 và Diana nhận tiền cấp dưỡng
một lần là 17 triệu Bảng Anh. Trước đây khi là vợ Thái Tử Charles nàng có tước
hiệu là “Her Royal Highness Princess of Wales ”, bây giờ nàng chỉ còn là
“Diana, Princess of Wales” mà thôi vì sẽ không là hoàng hậu, nàng vẫn là mẹ của
hai hoàng đế tương lai nước Anh và nàng vẫn sống trong apartments ở cung điện
Kensington. Hai con trai của Diana là William và Henry (Harry) thuỡ nhỏ đi học ở
trường thuộc khu thượng lưu Notting Hill gần nhà sau đó sống với cha và học nội
trú. Sau khi ly dị, Diana hoạt động cho hội Hồng Thập Tự trong công tác tháo gỡ
mìn (land mines) trên những vùng có chiến tranh như ở Phi Châu, Campuchia và những
hoạt động từ thiện khác nữa. Vì những hoạt động nhân đạo này nàng nhận được giải
Nobel Hòa Bình năm 1997.
Đêm 31 tháng Tám 1997 Diana tử
nạn xe cộ trong đường hầm ở Pont de l’Alma cùng với bạn trai là Dodi Al-Fayed,
con của nhà tỉ phú Ai Cập chủ thương xá sang trọng Harrods ở Luân Đôn và khách
sạn Ritz ở Paris .
Nguyên nhân tai nạn là tài xế say rượu chạy qúa tốc độ để tránh báo chí săn đuổi
chụp hình. Đám tang của Diana được tổ chức tại nhà thờ Westminster Abbey và người
thương tiếc nàng đã đem hoa đến cung điện Kensington chất trong vườn cây xung
quanh cung điện như một biển đầy hoa. Ngày nay ở nơi đó có xây vườn chơi Diana
Memorial Playgroud và Diana Fountain để tưởng nhớ đến người đàn bà trẻ đẹp người,
đẹp nết. Người ta không quên những hình ảnh của nàng đang thăm hỏi những trẻ em
bị cụt tay chân vì mìn và hình ảnh nàng ẵm bế những đứa trẻ bị bịnh liệt kháng
(AIDS) bẫm sinh.
Vào cung điện Kensington có
nhiều điều để xem nhưng nếu không có nhiều thời giờ thì nên xem những nơi sau đây:
- Bộ trưng bày những y phục của
Công Nương Diana, mốt riêng của nàng là những kiểu áo hở cổ hợp với vẻ sang trọng
qúy phái của nàng.
- Phòng ngủ của nữ hoàng Victoria : nơi 6 giờ sáng
ngày 20 tháng Sáu 1837 nàng được báo tin trở thành nữ hoàng nước Anh lúc vừa 18
thanh xuân. Dù làm vua nhưng bà mẹ của Victoria
vẫn ngủ cùng phòng với con gái để săn sóc cho nàng.
- Cầu thang của vua (King’s
Staircase) độc đáo với những bức vẽ trên tường, trên trần nhà của William Kent.
- Phòng ngủ của hoàng hậu
Mary of Modena vợ vua James II có những chiếc giường cổ nhất trong bộ sưu tập
hoàng gia Anh.
- Bộ sưu tập y phục hoàng
cung mặc trong những nghi thúc lễ lộc như
áo cưới nữ hoàng Victoria ,
áo nịt của vua George IV lúc còn nhỏ, áo công chúa Margaret v.v...
- Nhà hàng Orangery, nhà hàng
cung đình rất sang trọng nhưng giá thức ăn, bánh ngọt, trà, cà phê không cao hơn
bên ngoài.
- Vườn hoa Sunken Garden
thiết lập từ 1908, một cõi không gian tĩnh lặng với hoa thơm cỏ lạ, bể nước, phông
tên v.v...
Vé vào xem cung điện
Kensington Palace là 12.30 Pound cho người lớn, trẻ em dưới 16 tuổi nửa giá và
cung điện mở cửa 7 ngày một tuần từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều trong mùa Hè và
5 giờ chiều trong mùa Đông.
KHU MUA SẮM MAYFAIR
Rời cung điện Kensington xe
chúng tôi đi về hướng Đông của công viên Hyde Park để đến khu Mayfair .
Tuy là khu phố cổ với những con đường nhỏ nhưng nhà cửa, kiến trúc thanh lịch và
là khu có giá bất động sản đắt nhất Luân Đôn. Nơi đây có những hiệu buôn sang
trọng nằm trên con đường Bond
Street với những cửa hàng thời trang, y phục, nữ
trang và đồ cổ. Ngày trước chủ nhân những ngôi nhà nơi đây là Sir Thomas Bond nên
lấy tên ông đặt cho con đường này. Chúng tôi đi ngang qua những cửa tiệm đầy ấp
những cổ vật trang trí trong nhà như tranh tượng, điêu khắc, bình hoa, đồ đồng,
giàn đèn treo trên trần nhà. Khu Mayfair còn là một khu văn hóa nghệ thuật có
Viện Royal Academy of Arts là cơ quan dẫn đầu về nghiên cứu nghệ thuật Anh Cát
Lợi. Buổi sáng sớm thứ Bảy khách mua sắm không đông nhưng toàn đi trên những hiệu
xe sang trọng đắt tiền như Rolls Royce, Ferrari, Lamborghini, Mercedes, BMW
v.v...Khu phố mua sắm sang trọng này đông đảo nhất là những đêm thứ Sáu và ngày
Chủ nhật, dập dìu người dạo phố đi lũ lượt như ngày hội.
Xe chúng tôi chạy về hướng Nam để tới khu St. James nằm giữa 2 công viên Green Park
và St. James Park. Ở góc Đông Bắc
Green Park
có khách sạn The Ritz nằm ở số 150 đường Piccadilly là một trong những khách sạn
sang trọng nhất Luân Đôn. Khách sạn mở cửa từ năm 1906 rất nổi tiếng về cung cách
phục vụ thanh lịch và hiện nay giá một phòng cũng phải từ 250 Pound trở lên.
Qua khỏi khách sạn Ritz xe chúng tôi vào con đường St. James vắng vẻ tìm chỗ đậu
và chúng tôi xuống xe đi bộ về hướng Nam tới đại lộ The Mall là con đường dẫn đến
điện Buckingham là nơi hiện nay Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị cư ngụ. Trên đường
St. James hẹp và vắng, hai bên là những cửa hàng sang trọng và những biệt thự cổ
kính, tường gạch đỏ cao khỏi đầu. Chúng tôi đi ngang qua một lâu đài nhỏ bên
tay phải, ngoài cổng có một ngự lâm quân gác và bà hướng dẫn du lịch cho biết đó
là St. James Palace
ngày xưa một thời cũng là hoàng cung trước khi có điện Buckingham.
CUNG ĐIỆN ST. JAMES
Cung điện St James được xây bằng
gạch đỏ, mặt tiền có đồng hồ lớn ở giữa và hai bên là hai tháp kiến trúc như thành
quách thời trung cổ. Cung điện được xây từ năm 1531 đến năm 1536 bởi vua Henry
VIII. Sau khi cung điện Whitehall bị hỏa hoạn
thiêu rụi vào năm 1702, nữ hoàng Anne cho di chuyển hoàng cung về cung điện St. James này. Nữ hoàng Victoria sau khi lên ngôi năm 1837 cũng chọn
nơi đây làm hoàng cung trong khi chờ sửa sang lại điện Buckingham. Đám cưới của
bà và hoàng tử Albert năm 1840 cũng được tổ chức tại đây và năm 1952 nữ hoàng
Elizabeth II cũng đọc bài diễn văn đầu tiên tại cung điện này. Đây cũng là nhà
của mẹ nữ hoàng cho tới khi bà mất cách đây vài năm. Hiện nay cung điện St. James vẫn dùng làm hoàng cung là nơi cư trú của Thái
Tử Charles và người vợ mới (nhưng người tình cũ) là bà Camilla. Bà Camilla làm đám
cưới với Thái Tử Charles năm 2005 tại lâu đài Windsor và hiện nay có tước hiệu
của công nương Diana trước kia là “Her Royal Highness Princess of Wales” nhưng
bà ngại người ta nghĩ đến Diana nên dùng tước hiệu là “Her Royal Highness The
Duchess of Cornwall” ba chữ “The Duchess of Cornwall” là tước hiệu trước đây của
bà. Bà quen với Thái Tử Charles từ năm 1970 nhưng có chồng vào năm 1973 và sau đó
ly dị với ông này năm 1996 vì có chuyện vụng trộm với Thái Tử Charles. “Xấu đẹp
tùy người đối diện”, trong đôi mắt của thái tử Charles, Camilla... là tất cả mặc
dù bà hơi luống tuổi. Con tim có những lý lẻ mà “ở chốn nhân gian không thể hiểu”,
thái tử Charles có Diana, vừa xinh người lại đẹp nết nhưng thái tử không nhận ra mà chỉ mơ...màng những chuyện gì
đâu! Hay là:
Có duyên lấy được vợ già
Vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh.
(Ca dao)
Chúng tôi đã thăm qua cung điện
Kensington ngày trước Diana đã từng giam
hãm tuổi xuân, giờ đây được xem là giang sơn riêng của nàng mặc dù chỉ lảng vảng
vong linh. Cung điện St. James là chốn tự do của thái tử Charles sau khi ly thân
với Diana, nay lại toại lòng bên bà Camilla. Hai người không ở điện Kensington
vì ngại hình bóng Diana. Chúng tôi sẽ tới điện Buckingham bên cạnh đây là nơi mẹ thái tử Charles là nữ hoàng Elizabeth II cư
trú. Khổng Tử có nói: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng đối với nữ hoàng,
đâu cần gì “tề gia” mà vẫn “trị quốc” vững vàng. Trên chính trường nhiều ông
theo đạo “thờ bà”, vợ hét một tiếng là run lên cầm cập nhưng ra ngoài là những
lãnh tụ lẫm liệt oai phong!
No comments:
Post a Comment