Pages

Powered By Blogger

Friday, March 24, 2017


NHỮNG KIẾN TRÚC LỊCH SỬ Ở LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM







Luân Đôn có chiều dài lịch sử đến hai ngàn năm, là một thành phố cổ xưa lập nên từ thời hưng thịnh của đế quốc La Mã lúc ấy cai trị khắp Âu Châu. Đến Luân Đôn có nhiều di tích cần xem, hàng chục cung điện phải viếng. Mỗi kiến trúc là kỳ công sáng tạo của một triều đại vua chúa, đánh dấu một giai đoạn lịch sử lừng lẫy.



Ngày thứ nhì ở Luân Đôn, buổi sáng đoàn du lịch chúng tôi được bà Diana của hãng du lịch Trafalgar đưa đi một vòng thành phố để viếng qua các cung điện, giáo đường, công viên, các khu mua sắm nổi tiếng của thủ đô vương quốc Anh. Xe buýt chúng tôi dừng lại ở quảng trường phía trước Cung Điện Westminster. Sau khi xem qua bên ngoài và chụp ảnh Tháp Đồng Hồ Big Ben và tòa nhà Nghị Viện tức Houses of Parliament, chúng tôi đi về hướng Tây sang nhà thờ St. Margaret và Tu Viện Westminster Abbey cả hai kiến trúc này đều rất cổ xưa, trải qua nhiều triều đại vua chúa và chứng kiến nhiều biến cố lịch sử thăng trầm của vương quốc Anh.



NHÀ THỜ ST. MARGARET



Nhà thờ St. Margaret nằm ở góc đường phía Bắc Tu Viện Westminster Abbey, so với Tu Viện nhà thờ có vẻ khiêm tốn vì nhỏ hơn, diện tích chỉ bằng 1/8 của Tu Viện. Đây là nhà thờ thuộc giáo hội Anh giáo được xây lần đầu vào thế kỷ 12 bởi các tu sĩ dòng Benedictine dùng làm nhà thờ giáo xứ cho các tín đồ cư ngụ trong vùng. Nhà thờ xây lại vào năm 1486 và kéo dài đến 1523 mới xong hoàn toàn và trở thành nhà thờ họ đạo Palace of Westminster. Tháp chuông bên trái nhà thờ được xây vào năm 1734 bằng đá tảng lấy từ Ba Lan. Bên trong nhà thờ được bảo tồn nguyên vẹn do công lao của Sir George Gilbert Scott từ năm 1877 và còn lưu lại những cổ vật từ các triều vua Tudor. Nhà thờ đã từng làm lễ thành hôn cho nhiều nhân vật danh tiếng trong đó có Thống Chế Hải Quân Samuel Pepys (1633-1703) và Sir Winston Churchill (1874-1965) người giữ chức Thủ Tướng Anh trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Nhà Thờ St. Margaret còn là nhà thờ riêng của Nghị Viện Anh (Houses of Parliament) là cơ quan nằm bên cạnh.



TU VIỆN WESTMINSTER ABBEY



Tu viện Westminster nằm về phía Tây tòa nhà Nghị Viện, là một kiến trúc lịch sử hơn là cơ sở tôn giáo. Từ năm 1066 mỗi khi có lễ đăng quang phong vương đều được cử hành tại đây trừ các vua Edward V và Edward VIII. Tu viện còn là nơi an táng rất nhiều vua chúa, chính khách và giới nghệ sĩ. Bên trong tu viện tàng trữ rất nhiều huyệt mộ, hình tượng và bia ghi công. Nhiều quan tài phải để dựng đứng vì thiếu chỗ. Người ta ước lượng có khoảng 3,300 người được chôn cất trong tu viện này và các sảnh đường phụ thuộc! Nhiều người rất nổi tiếng như Charles Darwin, Sir Isaac Newton và David Livingstone.



Theo truyền thuyết cho rằng ngày xưa nơi đây đã có một đền thờ, thờ kính Thánh Phêrô do các ngư phủ dựng nên vì vị thánh này đã giúp ngư dân đánh bắt được nhiều cá hồi. Tu viện Westminster Abbey bắt đầu được xây bằng đá từ năm 1045 đến 1050 bởi vua Edward the Confessor để dùng làm tu viện cho các tu sĩ dòng Benedictine Anh giáo. Sau đó được xây thêm từ năm 1245 đến 1272 khi vua Henry III quyết định cho xây tu viện theo kiểu Gothic. Phần lớn kiến trúc hiện nay được vua Henry VII cho xây thêm từ 1503 đến 1512 và hai ngọn tháp chuông phía Tây được xây năm 1745. Phần mới nhất là cửa vào phía Bắc hoàn tất trong thế kỷ 19.



Nhà thờ Westminster Abbeycó kiến trúc kiểu Gothic với hai tháp chuông hai bên đối xứng nhau (như nhà thờ Đức Bà Paris, Sài Gòn...) là tài sản của Hoàng Gia Anh và là địa điểm truyền thống dùng làm nơi đăng quang, quốc táng, đám cưới hoàng gia và những nghi lễ trọng đại. Hôn lễ của Công Nương Diana vào năm 1981 được cữ hành tại nhà thờ St. Paul chứ không ở Westminster Abbey vì nhà thờ St. Paul nhiều ghế cho qua khách hơn, nhưng đám tang Công Nương ngày 6 tháng Chín 1997 được tổ chức trọng thể tại nhà thờ này.



Nhà thờ mở cửa cho du khách vào tham quan từ thứ Hai cho đến thứ Bảy và ngày Chủ Nhật chỉ dành cho việc thờ phượng. Vé vào cửa cho người lớn là 12 Pound và với vé này có thể vào nhà bảo tàng và nhà thờ St. Margaret. Trong nhà bảo tàng có trưng bày những cổ vật của hoàng gia như yên ngựa, kiếm, nón giáp của vua Henry V mang theo trong lễ an táng vào năm 1422, ngai vàng của nữ hoàng Mary II ngồi trong lễ tấn phong v.v...Tuy nhiên khi vào trong nhà thờ du khách không được quay phim, chụp hình và ăn mặc đứng đắn.



Rời nhà thờ Westminster Abbey, bà hướng dẫn du lịch Diana đưa chúng tôi sang tòa nhà lớn bên kia đường là Middlesex Guidhall để giải khát và dùng nhà vệ sinh vì theo luật du lịch cứ đi 2 tiếng đồng hồ là phải cho chúng tôi nghỉ giải lao. Bên trong có bán cà phê và thức ăn nhẹ. Xong đâu đó chúng tôi ra xe và tiếp tục hành trình theo con đường Victoria Street đi ngang qua Vương Cung Thánh Đường Công Giáo La Mã Westminster Cathedral. Nhà thờ cổ kính được xây vào thế kỷ 19 theo kiến trúc La Mã với một tháp chuông bên cạnh nhà thờ (chứ không hai tháp chuông đối xứng với nhau như kiến trúc Gothic). Xe tiếp tục ngang qua nhà ga lớn Victoria, nhà ga này cũng  đồ sộ và cổ kính cả trên trăm năm. Vùng xung quanh nhà ga người đi tấp nập vì ngoài ga xe điện đi các tỉnh xa còn có 3 trạm xe điện ngầm và những khách sạn lớn ở xung quanh như khách sạn Mỹ Holiday Inn.



CÔNG VIÊN HYDE PARK



Xe tiếp tục rẽ lên hướng Bắc đến công viên Hyde Park là một trong 3 công viên nằm cạnh nhau (2 công viên kia là Green Park và St. James Park) được gọi là Công Viên Hoàng Gia (Royal Parks) vì tất cả nằm gần hoàng cung Buckingham Palace. Luân Đôn nổi tiếng nhiều khoảng cây xanh vì có rất nhiều công viên và công viên Hyde Park là công viên lớn nhất ở khu trung tâm thành phố lại rất gần khu mua sắm sang trọng Mayfair. Đặc điểm của Luân Đôn là các công viên và nhà bảo tàng đều miễn phí cho công chúng và du khách vào xem.



Công viên Hyde Park rộng 360 acres (142 hectares) là nơi hàng năm diễn ra nhiều lễ hội như kỷ niệm, ăn mừng, hoà nhạc, là nơi dân chúng có thể picnic, chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền và cỡi ngựa. Giữa công viên có hồ nước lớn The Serpintine người ta có thể xuống bơi lội hoặc chèo thuyền, có sân khấu hòa nhạc và nhiều đền tưởng niệm như đền tưởng niệm nạn nhân chiến tranh (War Memorial), tưởng niệm nạn nhân Đức Quốc Xã (Holocaust Memorial). Ở góc Đông Bắc công viên có một cổng tam quan bằng đá hoa cương rất đẹp tên là Marble Arch. Cổng được xây năm 1827 thiết kế bởi John Nash mô phỏng theo kiểu cổng Constantine ở Roma, dùng làm cổng chính cho hoàng cung Buckingham Palace. Vì xây qúa hẹp nên xe ngựa không đi vào được nên cổng được dời đến nằm ở góc công viên như vị trí hiện giờ. 



Cạnh cổng Marble Arch về phía bên trong công viên là Speaker’s Corner nơi người ta có thể tự do diễn thuyết, truyền đạt những tư tưởng, học thuyết dù đối nghịch với hoàng gia cũng không bị khép tội phá rối an ninh trật tự. Vào thế kỷ 19 công viên Hyde Park là nơi dân chúng thường tập trung để hội thảo nhiều vấn đề thời sự. Năm 1872 sau biến cố cảnh sát đàn áp giải tán một buổi hội thảo chính trị gây rối loạn. Chính quyền đồng ý dùng góc công viên này làm nơi mọi người tự do phát biểu ý kiến. Từ đó mỗi ngày Chủ Nhật người ta có thể đứng trên bục diễn đàn nói lên ý kiến của mình, mọi người lắng nghe nhưng đôi khi cử tọa cũng phản đối cắt ngang lời nói hoặc tranh luận.



Về lịch sử công viên Hyde Park, năm 1536 vua Henry VIII thu nhận vùng đất này từ các tu sĩ ở Westminster Abbey và nhà vua dùng làm nơi săn bắn. Đến đời vua Charles I cho rào lại và dùng làm công viên mở cửa cho dân chúng vào năm 1637. Công viên hiện nay được quy hoạch theo họa đồ năm 1825 của kiến trúc sư Decimus Burton. Hồ nước nhân tạo giữa công viên được hoàng hậu Caroline vợ vua George II cho đào năm 1730 và hiện nay người ta dùng để chèo thuyền hoặc bơi lội. Phía Nam công viên có một con đường dài đến 4 miles (6.4 km) được gọi là Rotten Row. Vào thế kỷ 17 vua William III vẫn dùng con đường này để đi từ cung điện Kensington Palace (nằm về phía Tây) để đến cung điện St. James ở phía Đông. Nhận thấy con đường qúa tối tăm nguy hiểm nên nhà vua cho dựng những cột đèn dầu dọc theo con đường. Đây là công lộ đầu tiên ở Luân Đôn được thắp sáng và tên gọi “Rotten Row” thoát thai từ chữ Pháp “route du roi” (con đường vua đi).



Xe buýt chúng tôi chạy quanh công viên Hyde Park và vườn Kensington Gardens vì 2 công viên này nằm cạnh nhau và cách bởi hồ nước nhân tạo nằm giữa 2 công viên. Ngày xưa 2 nơi này là một nhưng sau đó được tách làm hai: Hyde Park phần nhiều là bãi cỏ xanh, nhà hàng và những nơi picnic vui chơi, Kensington Gardens có nhiều vườn hoa và trồng nhiều cây cối, kỳ hoa dị thảo.



VƯỜN KENSINGTON GARDENS



Xe chúng tôi chạy gần hết một vòng bên ngoài hai công viên và dừng lại trước một tòa nhà tròn màu huyết dụ có rất nhiều cửa sổ. Bà hướng dẫn du lịch cho biết đó là Royal Albert Hall (Hoàng Gia Đại Sảnh Albert) nằm bên ngoài phía Nam vườn Kensington Gardens. Tòa nhà do nữ hoàng Victoria đặt tên để tưởng nhớ chồng bà là Hoàng Tế Albert đã qua đời. Sảnh Đường Albert trước kia là một thính đường theo kiểu La Mã sau được nữ hoàng trùng tu lại và hiện nay dùng để tổ chức những buổi hòa nhạc, hội họp trong đó có Nhạc Hội Mùa Hè (Summer Music Festival) do đài BBC tổ chức hàng năm. Bên kia đường phía trong Kensington Gardens là Đài Tưởng Niệm Albert (Albert Memorial) xây xong năm 1876 bên trong là tượng Hoàng Tế Albert thếp vàng đứng trên bệ cao rất hoành tráng uy nghiêm.



Nữ hoàng Victoria (1819-1901) được sinh ra ở cung điện Kensington Palce (trong vườn hoa này) là cháu nội vua George III. Khi mới sinh ra, bà chỉ đứng hạng thứ 5 nối ngôi nhưng 4 người đứng trước bà đều bị bịnh và chết bất đắc kỳ tử trong đó có cha bà chết lúc bà mới được 8 tháng. Sáu ngày sau ông nội bà đương kim hoàng đế là vua George III cũng qua đời. Chú bà lên làm vua lấy danh hiệu là George IV đến năm 1830 ông này qua đời và không có con nên truyền ngôi lại cho người em là vua William IV (ông này còn 1 người anh nữa nhưng cũng đã chết). Năm 1837 vua William IV chết lúc đó Victoria mới 18 tuổi  và được đưa lên làm nữ hoàng Anh. Ngày 24 tháng 5 1837 bà tròn 18 tuổi, đến ngày 20 tháng 6 Victoria được mẹ mình đánh thức dậy và cho bà hay là vua William IV 71 tuổi băng hà vì trụy tim. Trong nhật ký bà đã viết như sau khi được báo tin lên ngôi: “Mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy lúc 6 giờ sáng và nói với tôi là Giám Mục Canterbury và Lord Conyngham đã hiện diện tại đây và muốn gặp tôi. Tôi ngồi dậy và một mình bước sang phòng bên cạnh với bộ đồ ngủ để gặp 2 vị đó. Lord Conyngham báo với tôi rằng “Người chú xấu số của cô nương là nhà vua không còn nữa và từ lúc 2 giờ 12 phút sáng nay cô là...nữ hoàng nước Anh!”.



Bà cai trị suốt hơn 63 năm, thời gian trị vì lâu nhất nước Anh. Triều đại Victoria là triều đại huy hoàng nhất nước Anh vì thời ấy nước Anh phát triển và mở rộng các thuộc địa trên khắp thế giới. Bà kết hôn với người anh họ của mình là Hoàng tử Albert vào năm 1840 lúc bà 20 tuổi đang là nữ hoàng. Hoàng tử Albert không những là người đồng hành mà còn là cố vấn cho bà trong những vấn đề chính trị. Bà và chồng đã từng bị ám sát hụt ít nhất là 3 lần.



Hai mươi mốt năm sau (1861) Hoàng tế Albert qua đời vì bịnh thương hàn do ảnh hưởng bởi tình trạng vệ sinh yếu kém ở lâu đài Windsor. Cái chết của chồng khiến nữ hoàng u sầu buồn bã và bà chỉ mặc một màu đen hết suốt cuộc đời còn lại. Bà tránh xuất hiện trước công chúng và ít khi nào ra phố Luân Đôn nhiều năm sau đó và tự gọi mình là “góa phụ Windsor”. Chồng chết lúc bà 42 tuổi và không tái giá cho đến khi bà qua đời  ngày 22 tháng Giêng 1901 hưởng thọ 81 tuổi khi còn đương vị nữ hoàng. Để tạo ảnh hưởng chính trị có lợi cho nước Anh, trong cuộc đời làm vua của bà, nữ hoàng Victoria đã giàn xếp, mai mối hôn nhân cho 9 người con và 42 cháu nội ngoại kết hôn với vua chúa các nước lân bang, kết tình thông gia với các nước này nên bà có danh hiệu là “The grandmother of Europe”.


No comments:

Post a Comment