Pages

Powered By Blogger

Thursday, March 23, 2017


THÁP BIG BEN VÀ CUNG ĐIỆN WESTMINSTER Ở LUÂN ĐÔN
Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm







Luân Đôn là một thành phố lâu đời có lịch sử hơn 2 ngàn năm từ thời đế quốc La Mã nên Luân Đôn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử qúy giá trong đó có cung điện Westminster (Palace of Westminster). Cung điện Westminster được xây cách đây hơn 150 năm, hiện là toà nhà Lập Pháp của Vương Quốc Liên Hiệp Anh. Bên cạnh là tháp đồng hồ Big Ben hoành tráng và cổ kính tọa lạc cạnh bờ sông Thames. Cả hai kiến trúc này thu hút du khách viếng đông nhất mỗi khi đến Luân Đôn.

 

Hôm nay ngày 3 tháng Năm 2008 là buổi sáng đầu tiên ở Luân Đôn. Vì trái giờ giấc nên 5 giờ sáng không sao ngủ được nữa và bên ngoài trời cũng đã sáng. Từ khách sạn Park Plaza County Hall cạnh cầu Westminster nhìn xuống thành phố Luân Đôn buổi sáng thứ Bảy êm đềm vắng lặng. Những con đường dưới khách sạn đèn lưu thông vẫn hoạt động xanh đỏ nhưng lâu lâu mới có một chiếc xe nhỏ chạy qua. Nhà ga xe điện Waterloo, lấy tên trận đánh cuối cùng Napoléon đại bại trước quân Anh, là một nhà ga lớn có đường tàu sang Pháp nằm cạnh khách sạn vẫn im lặng như tờ. Quang cảnh nhà ga chính ở một thành phố lớn, buổi sáng phải ồn ào náo nhiệt, đằng này trên sân ga nhiều đoàn tàu nằm ụ, không hành khách, không hồi còi. Tôi lấy làm lạ chẳng lẽ nước Anh nhịp sống lại lặng lờ, êm ả đến như vậy hay sao? Sau này tôi mới biết nhà ga Waterloo mở cửa từ năm 1848 đã ngưng hoạt động từ tháng 11 năm 2007 vì hãng xe điện Eurostar đã chuyển những tuyến đường sang nhà ga St. Pancras sau khi hoàn tất tuyến đường “HS1” (High Speed Route 1). Nhà ga đóng cửa, có thể trở thành thương xá sau này nhưng trạm xe điện ngầm Underground Waterloo vẫn hoạt động bình thường.



Lúc 6 giờ 30 chúng tôi xuống tầng số 1 để ăn sáng nơi nhà hàng. Du lịch trong thời kỳ kinh tế khó khăn bữa ăn nào bao gồm trong Tour du lịch không nên bỏ phải ăn tận tình chứ làm quân tử Tàu:



Người quân tử ăn chẵng cần no,

Ngày ba bữa vỗ bụng rau...bình bịch!

(Nguyễn Công Trứ)



Khi đói ăn bên ngoài rất tốn kém. Bữa ăn sáng ở đây dù là Buffet nhưng thức ăn cũng thường, nếu trả tiền cũng phải 40 đô la Mỹ một người! Trong bữa ăn sáng gặp đủ mặt những người trong Tour du lịch Âu Châu do hãng Trafalgar tổ chức chúng tôi tham dự. Chúng tôi tự giới thiệu và làm quen với nhau, dù gì cũng sẽ đồng hành, chia vui sẻ buồn trong 13 ngày tới. Thành phần Tour nhân số chẳng chòi 30 người xuất phát từ 4 quốc gia: Mỹ 17 người (có 4 người Việt), Úc (8 người), Nam Phi (South Africa, 3 người đàn bà) và Sri Lanka (là vợ chồng chủ đồn điền trà lớn tuổi, hiền lành ít nói). Hôm qua nhân viên hãng du lịch Trafalgar có đến gặp chúng tôi ở khách sạn, trao một số tài liệu và hẹn sáng hôm nay lúc 8 giờ sẽ có người đến đón đưa đi tham quan tổng quát thành phố Luân Đôn (City Tour) trong buổi sáng, sau đó ai muốn tham dự Tour Optional (nhiệm ý) thì trả tiền thêm sẽ đi thăm Lâu Đài Windsor ở ngoại ô phía Tây Luân Đôn. Những người không đi sẽ giải tán ở trụ sở Trafalgar gần nhà ga Victoria và tự do trong suốt ngày còn lại.



Trước 8 giờ, hướng dẫn viên City Tour là bà Dianna, một phụ nữ gầy khoảng hơn 50 đã có mặt ở khách sạn. Bà vui vẻ hướng dẫn mọi người ra xe buýt đậu bên ngoài. Bà nói về thành phố Luân Đôn đại khái là hiện nay Luân Đôn có dân số là 7.4 triệu người và được chia ra làm 33 đơn vị hành chánh có 31 Quận (Boroughs) và 2 thành phố LondonWestminster. Trước tiên bà cho xe qua cầu Westminster rồi dừng lại ở quảng trường Palace of Westminster. Từ quảng trường này cạnh bờ sông Thames là tháp Big Ben, toà nhà lập pháp Houses of Parliament, phiá Tây là nhà thờ cổ St. Margeret và tu viện Westminster Abbey. Để hiểu lai lịch của những kiến trúc này đồng thời cũng biết qua về chính thể Anh quốc, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ lược về lịch sử thành phố Luân Đôn.



LỊCH SỬ LUÂN ĐÔN



Lịch sử Luân Đôn gắn liền với lịch sử Anh quốc, dù là một nước hùng mạnh hiện nay nhưng thời xưa nước Anh cũng đã từng bị những dân tộc khác đến cai trị (như Trung Hoa từng bị nhà Nguyên (Mông Cổ) và nhà Thanh (Mãn Châu) cai trị). Người ta chia lịch sử thành phố Luân Đôn thành nhiều thời kỳ căn cứ vào những triều vua đã nắm quyền cai trị:



- Luân Đôn thời kỳ La Mã (Roman London): Từ cổ xưa vùng Luân Đôn đã có nhiều sắc dân sinh sống, năm 43 sau Dương Lịch đế quốc La Mã lãnh đạo bởi vua Claudius xâm lăng Anh quốc và trong khoảng thời gian này gọi vùng này là Londinium. Vị trí của thành phố là vùng phía Bắc cạnh bờ sông Thames gần cầu London (London Bridge) ngày nay. Thành phố phát triển nhanh chóng có đến 60 ngàn dân. Người La Mã đã xây dựng nhiều cung điện, đền thờ, hội trường, nhà tắm công cộng v.v...Có lúc Londinium thay thế cho thành phố Colchester trở thành thủ đô của nước Anh Quốc La Mã (Roman Britain hay Britannia). Trong khoảng thời gian từ 190 đến 225 AD người La Mã đã xây Tường Thành (London Wall) dài 3 km, cao 6 mét và dầy 2.5 mét có 6 cửa dân chúng ra vào (ngày nay một đoạn bức tường còn thấy ở ga Tower Hill). Cuối thế kỷ thứ 3, Londinium nhiều lần bị cướp biển Saxon đánh phá. Vào thế kỷ thứ 5 Đế Quốc La Mã nhanh chóng suy tàn, đến năm 410 AD sự chiếm đóng của La Mã ở Anh được xem như chấm dứt và sau đó thành phố điêu tàn, bị bỏ hoang trong một thế kỷ.



- Luân Đôn thời kỳ Anglo-Saxon: người Anglo-Saxon là sắc dân đã từng cư ngụ ở vùng phía Đông và Nam của Anh quốc. Theo các sử gia họ thuộc từ 3 bộ lạc gốc người Đức là các bộ lạc Angles, Jutes và Saxons, nói ngôn ngữ gần giống như tiếng Đức nhưng họ xưng là người...Englisc (từ đó mới có chữ “English”). Người Anglo-Saxon đến cư ngụ cả hai bên bờ sông Thames sau 100 năm đế quốc La Mã suy vong. Đến thế kỷ thứ 7 một làng thương mại của người Anglo-Saxon được thành lập cách thành Londinium cũ khoảng 1.6 km về hướng Tây có tên là Lundenwic. Trong khoảng thời gian vào năm 600 AD người Anglo-Saxon cai trị nước Anh chia ra nhiều vương quốc nhỏ và Lundewic thuộc vương quốc East Saxons. Vương cung thánh đường St. Paul được xây trong khoảng thời gian này.



- Luân Đôn vào tay Vikings: vì sự chia rẽ của các tiểu vương Anglo-Saxon nên bọn cướp biển Vikings thường xuyên vào cướp phá nhất là thời kỳ tử năm 830 về sau. Năm 842 London bị tàn sát đẫm máu, lần tấn công kế tiếp vào năm 851 cướp biển Vikings huy động đến 350 chiếc thuyền đánh phá London và năm 871 họ vào cắm trại trong cổ thành xây từ thời La Mã, kiểm soát London trong một thời gian. Tuy nhiên đến năm 878, quân Anh chỉ huy bởi vua Alfred the Great (gốc người Saxon) đè bẹp được bọn cướp Vikings trong trận chiến Edington buộc vua cướp biển tên Guthrum phải ký hòa ước chia nước Anh làm 2 phần: một nửa vẫn còn kiểm soát bởi Vikings, một nửa độc lập do vua Alfred cai trị. Vua cho xây lại hoàng thành có từ thời La Mã, đào thêm hào nước xung quanh và xây dựng lại thành phố London ngay tại vị trí hiện nay. Sau khi dòng họ vua Alfred gốc Saxon chết, vương quyền quốc gia về tay các vua người Anh và phần đất do Vikings kiểm soát cũng được thu hồi về một mối. Vào thế kỷ thứ 10 London là trung tâm chính trị, thương mại quan trọng mặc dù thủ đô Vương quốc Anh vẫn đặt ở Winchester. Năm 978 thủ đô mới Anh chính thức dời về London.



- Luân Đôn thời Trung Cổ: Người Norman là sắc dân gốc Vikings sinh sống ở miền Bắc nước Pháp đã xâm lăng Anh quốc vào năm 1066 và giết chết vua Anh Harold Godwinson. Vua Normandy là William the Conqueror đốt phá phía Nam cầu London nhưng không đụng đến thành phố London, sau đó ông ta cho xây hoàng thành Tower of London như ta thấy ngày nay để chống lại cướp biển Vikings và những nhóm nổi loạn. Năm 1097 con của William là William Rufus bắt đầu xây lại cung điện Westminster để làm hoàng cung cho gia đình mình ở. Năm 1176 xây cầu London bằng đá để thay thế cho cầu gỗ, công việc xây cất mãi đến 1209 mới hoàn thành và công trình này tồn tại cho đến 600 năm sau. Phải công nhận dưới thời các vua William đã xây dựng rất nhiều công trình đồ sộ và London trong thời kỳ Trung Cổ đã phát triển trong hai khu vực: khu Westminster là hoàng cung nơi đặt cơ sở chính quyền và thành phố London là trung tâm thương mại và mậu dịch. Cũng trong thờ kỳ Trung Cổ Luân Đôn nhiều lần bị hỏa hoạn thiêu rụi và năm 1348 cũng như 1665 bị hai trận dịch hạch kinh hoàng.



- Luân Đôn phát triển dưới quyền cai trị của các vua Anh: như các triều vua Henry VII (Đệ Thất), Henry VIII (Đệ Bát) và Elizabeth Đệ Nhất được gọi là thời kỳ Tudor từ 1485 đến 1603. Trong thời kỳ Stuart kế tiếp (1603-1707) nước Anh phát triển vượt bậc từ một nước yếu kém chuyển sang một quốc gia hùng mạnh trong suốt nhiều thế kỷ sau đó đóng góp vào sự hưng thịnh của cả thế giới. Trong thế kỷ 18 Anh quốc được gọi là Kingdom of Great Britain (1707-1800) sáp nhập với nước Scotland ở phía Bắc, chính quyền và quốc hội đặt tại Westminster. Giai đoạn kế tiếp (1801-1922) sáp nhập thêm đảo quốc Ireland) tiếp tục phát triển và sau Cách Mạng Kỹ Nghệ sáng chế ra máy hơi nước, Luân Đôn đã trở thành trung tâm kỹ nghệ của Đế quốc Ăng lê và là thành phố lớn nhất thế giới trong khoảng từ năm 1831 đến 1925 Trong thế kỷ 19 Luân Đôn đã có hệ thống hỏa xa (1836) giúp cho giao thông và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng giữa vùng nông thôn, ngoại ô nối liền với đô thị. Năm 1863 Luân Đôn xây đường xe điện ngầm đầu tiên trên thế giới là hệ thống London Underground đến nay vẫn còn sử dụng và nới rộng thêm ra. Những công trình xây dựng ở London vào thế kỷ 19 gồm có: Công Trường Trafalgar, Tháp Big Ben và Tòa Nhà Quốc Hội Anh (Houses of Parliament), Thính Đường Royal Albert, Viện Bảo Tàng Victoria và Albert, Cầu Tower Bridge. Trong lịch sử Anh quốc thế kỷ 19 nổi tiếng nhất là nữ hoàng Alexandrina Victoria (1819-1901). Bà lên ngôi ngày 20 tháng Sáu 1837 là cháu nội của vua George III, là cháu gái vua William IV (dòng vua người Normandy). Bà làm vua lâu nhất nước Anh kéo dài đến 63 năm 7 tháng (Nữ hoàng Elizabeth II cũng thuộc dòng họ của bà, lên ngôi tháng Hai 1952 đến nay được 56 năm). Thời đại của bà nước Anh về kinh tế, quân sự phát triển từ những thế kỷ trước và có thuộc địa khắp năm châu.


Bà khôn khéo gả con cháu của mình cho vua các nước Âu Châu nên ngày nay nhiều vua, hoàng hậu Âu Châu đều là cháu chắt của bà.



-Nước Anh từ 1922 đến nay: Từ 1919 đến 1921 Ireland có cuộc nội chiến của du kích quân Irish Republican Army (IRA) đòi độc lập với nước Anh và năm  1922 Ireland được độc lập nhưng một phần phía Bắc vẫn trung thành với nước Anh. Trong Đệ Nhị Thế Chiến Anh quốc thuộc phe Đồng Minh chống với Đức và Ý và Anh là nước duy nhất không bị quân Đức chiếm đóng mặc dù Luân Đôn bị dội bom thiệt hại rất nhiều. Hiện nay Liên Hiệp Anh có nền kinh tế đứng hạng thứ 6 thế giới.



THÁP BIG BEN VÀ TÒA NHÀ LẬP PHÁP




Tháp Big Ben và toà nhà Lập Pháp Houses of Parliament cùng nằm trong miếng đất cạnh bờ sông từ ngày xưa có tên là Palace of Westminster. Đây là vị trí chiến lược rất quan trọng từ thời Trung Cổ vì vị trí cạnh bờ sông là bến tàu để giao thông với các nước khác và thế giới bên ngoài. Những kiến trúc ở đây có từ thời Anglo-Saxon (thế kỷ thứ 7), được dùng làm hoàng cung trong triều vua Canute de Great (trị vì năm 1016 đến 1034). Những triều vua sau đó cũng xây lại cung điện Westminster làm hoàng cung. Ngày 16 Tháng Mười 1834 hỏa hoạn thiêu rụi hầu hết các cung điện Westminster chỉ còn lại Westminster Hall, Jewel Tower và nhà nguyện St. Stephen.



Sau ngày hỏa hoạn tháp Big Ben và tòa nhà lập pháp được xây lại và thời gian xây dựng kéo dài 30 năm do kiến trúc sư Sir Charles Barry (1795-1860) thiết kế. Chiếc đồng hồ 4 mặt trên tháp Big Ben cứ đúng mỗi giờ là ngân lên những tiếng như chuông nhà thờ đổ. Chuông đổ rất đúng giờ và liên tục từ năm 1854 đến nay là năm hoàn thành đồng hồ, sau đó mới hoàn tất ngọn tháp. Có vài lần đồng hồ ngưng chạy để tu sửa như lần đầu tiên vào tháng Tám 1976 ngưng vì kim loại bị hao mòn cho đến tháng Năm 1977 việc tu sửa mới hoàn tất và lần khác vào tháng Tám 2007. Big Ben là tên thân mật để gọi tháp đồng hồ, là hình ảnh quen thuộc của dân chúng Luân Đôn chứ thật ra tên chính thức của nó là Great Bell. Đây là chiếc đồng hồ 4 mặt có đổ chuông lớn nhất thế giới. Mặt đồng hồ có đường kính 7 mét (23 feet) được đặt trên tháp cao 96 mét (316 feet) kiểu dáng cổ kính, uy nghi như có nạm vàng.



Phía Nam tháp đồng hồ là Tòa Nhà Lập Pháp (Houses of Parliament) hay còn được gọi là Westminster Palace. Trong quần thể kiến trúc này còn có 2 tháp khác nữa là Tháp Victoria (cao nhất 98.5 m) và Tháp St. Stephen (91.4 m) vì nằm bên trong nên không được mấy chú ý. Tòa Nhà Lập Pháp của Vương Quốc Liên Hiệp Anh có tổng cộng hơn 1,100 phòng, 100 cầu thang. Là nơi hội họp của hai viện là House of Commons (Hạ Viện) và House of Lords (Thượng Viện) là 2 cơ quan duy nhất soạn thảo các luật lệ mà ta có thể gọi chung là Nghị Viện. Hạ Viện có quyền lực cao hơn với 646 thành viên do bầu cử trực tiếp từ những khu vực bầu cử được quy định theo dân số. Thượng Viện có 724 thành viên (con số này không cố định) được chỉ định từ giới qúy tộc và hàng giám mục Anh giáo. Nghị Viện có quyền chỉ định Thủ Tướng thường là lãnh tụ những đảng lớn (Thủ Tướng hiện nay là ông Gordon Brown thuộc Đảng Lao Động). Vương quốc Anh theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến, vua hay nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia, trên lý thuyết nắm mọi quyền hành pháp nhưng thực tế chính Thủ Tướng mới là người lãnh đạo chính phủ (được gọi là Chính Phủ của Nữ Hoàng tức Thủ Tướng và các Bộ Trưởng phải chịu trách nhiệm trước Nữ Hoàng). Nghị Viện cũng chịu sự chi phối của Nữ Hoàng, Nữ Hoàng trao cho Nghị Viện quyền nhóm họp và soạn thảo luật và một văn bản không thể trở thành luật được nếu không có sự phê chuẩn của Nữ Hoàng (trong qúa khứ chưa có đạo luật nào Nghị Viện đưa lên mà nữ hoàng không ký!).



Về lãnh thổ vào thế kỷ 19 Anh quốc có nhiều thuộc địa trên khắp thế giới nhưng ngày nay Vương Quốc Liên Hiệp Anh chỉ còn các phần đất: Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland. Anh, Wales, Scotland cùng nằm trong một đảo và Bắc Ireland nằm trên đảo nhỏ phía Tây. Ngày xưa 4 phần đất này là 4 nước độc lập nhưng nay đã hợp chung thành Vương Quốc Anh tuy nhiên họ áp dụng những luật lệ khác nhau. Phía Nam đảo Ireland lại là một quốc gia riêng không nằm trong Vương Quốc Liên Hiệp Anh, không dùng đồng Pound Sterling mà dùng đồng Euro như các nước trong Liên Hiệp Âu Châu (EU: European Union). Vì không thống nhất được nội bộ nên đến nay Vương Quốc Anh vẫn dùng tiền riêng là đổng bảng Anh (Pound Sterling) mặc dù đã gia nhập khối Liên Hiệp Âu Châu.

No comments:

Post a Comment