Pages

Powered By Blogger

Monday, March 27, 2017


CẦU THÁP LUÂN ĐÔN

Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM




  

Cạnh Tháp Luân Đôn (Tower of London) là cây Cầu Tháp (Tower Bridge) bắc ngang dòng sông Thames. Là một trong những kiến trúc biểu tượng cho thành phố Luân Đôn, Cầu Tháp được hoàn thành năm 1894 có kiểu Gothic, là cây cầu treo (suspension) vừa là cầu quay (bascule), nhịp giữa có thể được quay lên cao để tàu thuyền có thể lưu thông qua lại dưới cầu.



Ai đến viếng Tháp cổ thành Luân Đôn chắc phải bước lên Cầu Tháp vì đây là một công trình đồ sộ vừa cổ kính và mỹ thuật rất hấp dẫn lôi cuốn du khách mọi lứa tuổi. Hai kiến trúc, Tháp cổ thành và Cầu Tháp, nằm cạnh bên nhau rất cân đối hài hòa, người ta tưởng rằng cả hai đều được xây dựng trong cùng thời gian nhưng thật ra khác biệt đến 800 năm. Trong khi Tháp Luân Đôn được xây dựng vào cuối thế kỷ 11 thì Cầu Tháp được xây vào cuối thế kỷ 19. Cả hai đều là di tích cổ, một cái xưa thật là xưa, một cái xưa...vừa vừa.



LỊCH SỬ CẦU THÁP



Khởi thủy từ khi thành lập, Luân Đôn chỉ có một cây cầu duy nhất bắc ngang sông Thames là cầu Luân Đôn (London Bridge, khoảng 1965 khi làm cầu mới, cây cầu cũ được dời về hồ Havasu, Arizona). Khi thành phố phát triển dần về hướng Tây để thành lập vùng Westminster, rất nhiều cây cầu được xây thêm cũng về phía Tây Luân Đôn (ở về hướng Tây an toàn hơn vì khi cướp biển Vikings từ biển tràn vào phải đến phía Đông trước và nơi đây đã có thành Luân Đôn áng ngữ). Vào thế kỷ 19 nước Anh phát triển vượt bực, được xem là đế quốc hùng mạnh có thuộc địa khắp 5 châu. Trên bờ sông Thames phía Đông Luân Đôn trở thành một giang hải cảng sầm uất, từ nơi đây tàu thuyền ra vào bằng cửa biển ở hướng Đông chỉ cách 70 km. Hàng ngày qua lại giữa hai bờ sông Thames chỉ có cầu London Bridge nên giao thông rất chậm chạp vì nạn kẹt cầu hàng giờ. Chính quyền Luân Đôn muốn xây thêm cầu về phía Đông để giải tỏa bớt lưu thông nhưng vấn đề được đặt ra là xây cầu phía hạ lưu sẽ gây trở ngại cho tàu thuyền ra vào bến cảng. Xây cầu cao rất tốn kém và ngựa thời ấy kéo xe lên không nỗi, do đó giải pháp là phải xây cầu nhịp giữa có thể nhấc lên được để tàu thuyền chui qua bên dưới?



Cuối cùng năm 1876, một ủy ban xây “cây cầu đặc biệt” được thành lập và mở cuộc thi vẽ kiểu. Có hơn 50 họa đồ dự án được đệ nạp (còn lưu giữ, du khách có thể xem ở Tower Bridge Exhibition). Duyệt xét và bàn cãi lợi hại cho đến cuối năm 1884 mới chấp thuận đồ án của 2 kiến trúc sư Horace Jones và John Wolfe Barry.



CÔNG TÁC XÂY CẦU



Công tác xây cầu mất đến 8 năm ròng rã, 5 hãng thầu kết hợp cùng nhau xây và mướn đến 432 thợ đủ mọi ngành nghề về xây dựng. Hai trụ móng cầu khổng lồ được chôn sâu dưới lòng sông cho đến lớp đất cứng để chịu đựng sức nặng cả công trình. Hơn 11 ngàn tấn thép dùng làm khung sườn cho 2 tháp và cầu đi bộ (walkways) ở phía trên cây cầu (cây cầu đi bộ này có nhiệm vụ nối kết 2 tháp bên trên và 2 trụ móng dưới sông làm cấu trúc chắc hơn). Phần phía ngoài 2 tháp xây bằng đá hoa cương Cornish và đá xanh Portland để bảo vệ khung thép bên trong và tô điểm vẻ đẹp bên ngoài (du khách có thể tìm hiểu thêm về cách xây cầu và thành phần nhân sự liên hệ ở Tower Bridge Exhibition).



Khi cầu xây xong, Cầu Tháp Luân Đôn là cây cầu quay lớn nhất từ trước đến nay. Muốn quay được nhịp giữa cầu lên thời ấy người ta phải dùng những máy bôm (pumping engines) chạy bằng hơi nước. Nước được nấu sôi cho bốc hơi và hơi nước được tích lũy trong 6 bồn chứa khổng lồ cho đến khi đủ hơi nước để nhấc nhịp cầu lên. Lúc đó đã sẵn sàng để đưa hơi nước qua máy kéo mà nâng nhịp cầu lên hoặc hạ xuống. Chỉ cần một phút để nâng nhịp cầu lên tối đa là 86 độ. Hai tháp hai bên mỗi tháp chỉ nâng nửa nhịp cầu mà thôi. Cho tới năm 1976 hơi nước để chạy máy kéo được thay thế bằng máy chạy diesel và điện. Máy kéo chạy bằng hơi nước, bồn chứa và nồi nấu nước hiện vẫn còn trưng bày ở Tower Bridge Exhibition (khu chân cầu phía Nam).



Ngày nay du khách có thể viếng phòng triển lãm Cầu Tháp (Tower Bridge Exhibition) nằm trong hai tháp, hai cầu đi bộ trên cao và phòng máy hơi nước ở chân cầu phía Nam. Vé vào xem (giá 6 pound đồng Anh cho người lớn) bán ở phòng vé nơi đầu cầu phía Bắc và có thể mua trước qua mạng Internet. Hai cầu đi bộ trên cao, ngày xưa bộ hành có thể qua cầu trong lúc cầu đang quay. Đến năm 1910 hai cầu đi bộ này đóng cửa vì nhiều vấn đề như mãi dâm và móc túi diễn ra ngay trên cầu. Năm 1982 hai cầu đi bộ được mở lại cho du khách lên xem và là một phần của phòng tiển lãm. Cầu đi bộ cách mực nước lúc thủy triều cường 143 feet (44 m) là điểm để khách du ngắm cảnh khu phố cổ Luân Đôn như Tháp Cổ Thành, nhà thờ cổ St. Paul và dòng sông Thames thơ mộng, đẹp nhất là lúc hoàng hôn.



Hiện nay hàng ngày có hơn 40,000 xe cộ qua lại vì cây cầu nằm trên trục lộ Vòng Đai Bên Trong Luân Đôn (London Inner Ring Road) và không phải trả lộ phí khi qua cầu. Tốc độ giới hạn qua cầu là 20 mile/giờ (32 km/g) và cấm xe nặng trên 18 tấn. Trên cầu có gắn máy ảnh để chụp hình  những xe phạm luật lưu thông (Luân Đôn là thành phố gắn nhiều máy ảnh nhất thế giới). Cầu quay khoảng 1,000 lần trong một năm và từ năm 2000 điều khiển quay cầu bằng vi tính. Số lượng tàu thuyền qua lại dưới cầu nay đã giảm nhưng nếu muốn qua cần phải báo trước 24 tiếng đồng hồ để biết giờ giấc khi nào cầu sẽ được quay lên. Hôm nay khi chúng tôi đến đây cầu ở vị trí bình thường nhưng hôm sau trên đường ra bến phà để sang đất Pháp nhằm đúng lúc cầu quay, xe cộ sắp hàng dài chờ đợi nên xe buýt chỡ đoàn du lịch chúng tôi phải quanh lại và tìm đường khác để qua sông. Cũng có nhiều tai nạn do cầu gây ra như ngày cuối năm 1952 một xe buýt hai tầng đã rơi xuống sông khi cầu mới vừa quay lên. Ngày 5 tháng Tư 1968 một phi công phản lực FGA 9 đã lái chui qua dưới cầu đi bộ và anh chàng phi công đã bị bắt khi máy bay vừa đáp. Tháng Năm 1997 đoàn xe hộ tống Tổng Thống Bill Clinton qua chưa hết thì bất ngờ cầu quay lên khiến đoàn xe bị cắt làm hai đoàn!



Trên cầu gió thoang thoãng rất mát, nhìn lên hướng Bắc là khu Luân Đôn có từ thời đế quốc La Mã thống trị đất Anh, ngày nay khu vực này là khu kinh tế tài chính với nhiều cao ốc ngân hàng đồ sộ trong đó có Bank of England là một ngôi nhà cổ kính trong khi ngân hàng Thụy Sĩ mới xây có hình nhọn ở đầu như trái cà na. Chúng tôi đi qua cầu về hướng Nam, trên sông là chiến hạm Belfast neo nơi cầu tàu cho du khách viếng thăm như một nhà bảo tàng. Trên bờ là Tòa Thị Chính của đô thị Đại Luân Đôn, tòa nhà cũng có hình dáng rất đặc biệt như vỏ của loài tôm tích. Trước Tòa Thị Chính giáp với bờ sông là công viên, dập dìu du khách dạo chơi hóng mát. Trời đã về chiều trong khi chúng tôi dự trù còn đi nhiều nơi nữa nên không ghé lại hai nơi này mà xuống cầu đi dọc bờ sông phía Đông Nam để tìm quán cà phê có nhà vệ sinh (ở đây không có nhà vệ sinh công cộng). Đây là khu bến tàu ngày còn lưu lại những kho hàng là những dãy nhà lầu tường gạch lợp ngói đỏ, ngày nay biến cải thành văn phòng dịch vụ, cửa hàng tạp hóa, hàng hoa tươi và nhà hàng, quán cà phê. Chúng tôi vào một quán cà phê nho nhỏ nhưng khá đông du khách, gọi cà phê (giá tương đối rẻ là 2 pound) và bánh ngọt. Nhân viên quán là những người trẻ (chắc là sinh viên đi làm thêm) rất tử tế và vui vẻ. Mặc dù có bảng là phòng vệ sinh chỉ dành cho khách hàng nhưng tôi thấy du khách ngoài đường buớc vào sử dụng, các nhân viên trẻ này cũng không nói gì.



Chúng tôi đi ngược qua cầu để trở lại nhà ga xe điện ngầm Tower Hill dùng tuyến District để tới ga Monument rồi lấy tuyến  Central ra ở ga  St. Paul để viếng nhà thờ St. Paul cổ kính. Nhưng khi tới ga Monument thì đường đi qua tuyến Central đóng lại sửa chữa nên đi không được. Thôi đành trở lại tuyến District mà trở về ga Embankment rồi đổi qua tuyến Northern đi lên hướng Bắc viếng khu đông vui Soho một lần nữa. Hôm nay chìều thứ Bảy khu ăn chơi có phố Tàu Soho đông nghẹt người đi bộ nhất là ở khu chung quanh nhà ga Tottenham Court Road, người ta từ dưới nhà ga tuôn ào lên để đi dạo phố, ăn uống, mua sắm. Chúng tôi không ăn ở đây mà đi bộ trở về hướng khách sạn mình cư ngụ cạnh nhà ga Waterloo. Đi trên cây cầu xe điện Hungerford Bridge nhìn phía bờ sông thấy người ta tập trung rất đông trong những ngôi nhà lớn cạnh cầu tàu Festival Pier, không biết họ ở đó làm gì, xem hòa nhạc hay văn nghệ gì đó? Qua khỏi cầu, đi xuống con đường dẫn vào những ngôi nhà lầu lớn mới biết là “food court” những quán ăn và quán bia lộ thiên bên Đức gọi là “Vườn Bia” (Beer Garden). Nhìn menu trưng bên ngoài thấy các món không mấy hạp khẩu vị (phần nhiều là món Ý, Mễ Tây Cơ và có nhà hàng Nhật nữa) chúng tôi trở về vòng quay London Eye và ăn ở nhà hàng China Buffet với giá 7 pound một người. Giá này tương đối là rẻ nhất cho một bữa ăn ở Luân Đôn nên “tiền nào của nấy”, mấy hôm nay “ chuyên trị” toàn là đồ Tây nên được cơm trắng, rau cải xào chấm xì dầu cũng hạnh phúc...lang thang lắm rồi, còn đòi cơm gà, cá gỏi với lại...xôi gấc gì nữa!



NHẬN XÉT VỀ LUÂN ĐÔN



Ăn tối xong chúng tôi về khách sạn ngủ sớm để ngày mai ra đi khi trời chưa sáng vượt qua eo biển Anh quốc sang đất Pháp. Sau những ngày thăm viếng Luân Đôn qua những cung điện, hoàng thành là những di tích lịch sử oai hùng cũng như ăn uống, tiếp xúc với dân chúng, cá nhân tôi có những cảm nghĩ về nước Anh như sau:



Về dân chúng Anh tôi thấy họ can cường, bảo thủ và thân thiện. Can cường là cho dù vốn bản tính hiếu hòa nhưng cũng sẵn sàng đương đầu nếu an ninh bị đe dọa và có thể áp dụng lối “đánh phủ đầu” nên nhiều khi bị coi là “hiếu chiến”. Họ rất tôn trọng và lo đóng góp cho quân đội, hầu hết các nhân vật hoàng gia đều tình nguyện tham gia quân đội. Trong lịch sử Anh là những chuổi ngày chiến đấu, tham dự hầu hết các cuộc chiến tranh khu vực và thế giới.



Bảo thủ là tuy người Anh thông minh, cầu tiến nhưng luôn coi trọng truyền thống văn hóa dân tộc lên trên hết, muốn duy trì những tập tục cổ xưa, bằng chứng là nước Anh vẫn giữ chế độ quân chủ có vua chúa, nữ hoàng. Nhưng khác với chế độ vua chúa thời phong kiến, ngày nay thể chế chính trị Anh quốc gọi là chế độ “ Quân Chủ Lập Hiến”, nền dân chủ được đảm bảo, vua chỉ có tính cách nghi lễ tượng trưng, quyền lập hiến, lập pháp có Thượng Viện và Hạ Viện do dân bầu nên người dân quyết định được đường lối của quốc gia và những luật lệ trong cuộc sống.



Dân chúng nước Anh, suy nghĩ và tính tình rất gần giống với người Mỹ nhưng tử tế và thân thiện hơn người Mỹ. Hỏi thăm đường đi nước bước là họ chỉ dẫn một cách cặn kẽ tận tình cho tới mình phải ngại. Dân Anh cũng kỹ luật nhưng không làm lụng cật lực như người Mỹ, họ thích hưởng thụ đời sống và ưa chuộng thiên nhiên, văn chương, nghệ thuật như các dân tộc Âu Châu khác.



Đó là người dân, còn thành phố Luân Đôn rất cổ xưa nên đường phố nhỏ hẹp, quanh co không rộng lớn thẳng tắp như bên Mỹ. Nhà cửa thường là nhà lầu, nhỏ hẹp nên người dân thường thích sinh hoạt bên ngoài nhiều hơn. Thành phố Luân Đôn giá cả đắt đỏ đứng thứ 3 trên thế giới sau Moscow và Tokyo nhưng phương tiện giao thông công cộng rẻ tiền và hữu hiệu, các công viên, viện bảo tàng đều miễn phí cho tất cả mọi người không phân biệt cư dân hay du khách. An ninh tương đối tốt hơn Pháp và Ý Đại Lợi và ngang với Đức là cường quốc đứng đầu Âu Châu. Đặc biệt là cuộc sống về đêm ở Luân Đôn rất tưng bừng, vui nhộn. Cuộc sống dân chủ, thoải mái nên Luân Đôn đuợc nhiều chính khách trên thế giới chọn làm nơi sống lưu vong như cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và gần đây nhất là cựu Thủ Tướng Thái Thaksin Sinawatra.



Năm 2012 Luân Đôn đã được chọn để tổ chức (đăng cai) Thế Vận Hội Mùa Hè sau Bắc Kinh, là thành phố đầu tiên tổ chức Thế Vận Hội lần thứ 3 (lần trước là vào năm 1908 và 1948). Làng thế vận nơi diễn ra các cuộc tranh tài đang được xây cất ở vùng phía Đông Luân Đôn là vùng dân nghèo kém phát triển. 

No comments:

Post a Comment