HỆ THỐNG XE ĐIỆN NGẦM Ở LUÂN ĐÔN
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM
Rời hoàng cung Buckingham
Palace xe buýt hãng du lịch Trafalgar đưa chúng tôi về trụ sở chính của
Trafalgar nằm trên đường Bressenden Place ở phía Bắc và rất gần nhà ga xe điện
Victoria Station. Đến đây thì coi như chương trình tham quan thành phố Luân Đôn
(London City Tour) kết thúc và sau đó ai muốn đi thêm các Tour nhiệm ý
(Optional Tour) phải trả tiền thêm, còn không thì tự do dong ruỗi. Bà hướng dẫn
viên du lịch Diana chào từ giã và tiếp tục dẫn những người theo Tour nhiệm ý đi
thăm lâu đài Windsor .
Tuy chia tay nhiều người còn nán lại ở văn phòng du lịch để lấy bản đồ, chương
trình những chuyến du lịch khác và cũng để trao đổi kinh nghiệm sau một ngày thăm
thú ở Luân Đôn với những chuyện vui khi lần đầu đến một thành phố lạ như không
biết mở nước phòng tắm trong khách sạn, đi mua sắm, ăn uống giá cả trên trời và
đi xe điện ngầm lộn tàu, lạc tùm lum v.v...Nhiều chuyện cười ra nước mắt nhưng
không thể kéo dài câu chuyện được vì chỉ còn một buổi chiều và một đêm ở Luân Đôn,
ngày mai mạnh ai nấy bắt đầu nhập Tour của mình. Gia đình chúng tôi ba người phải
tìm một nơi nào để ăn trưa nên kéo nhau đi về hướng nhà ga Victoria .
NHÀ GA VICTORIA Ở LUÂN ĐÔN
Nhà ga có 3 tầng lầu kiến trúc
khá xưa xây bằng gạch đỏ, dĩ nhiên là phải có đồng hồ thật lớn gắn trên cao. Ngày
xưa không có đồng hồ đeo tay nên cần xem giờ ngưòi ta phải tìm các đồng hồ công
cộng ở chợ búa, nhà thờ, bưu điện, nhà ga. Nhà ga Victoria lớn và đông khách nhất
ở Luân Đôn sau khi nhà ga Waterloo đóng cửa ngưng hoạt động vì trang bị qúa xưa
lỗi thời cho những đoàn tàu cao tốc. Năm 2007 nhà ga Victoria này đón đến 66 triệu lượt hành khách.
Ga Victoria về xe điện chia ra hai khu: Khu phía Đông thuộc tuyến đường Chatham
Line với các sân ga (platform) từ số 1 đến 8 là đầu tuyến đường từ Luân Đôn đi
thành phố Kent và khu phía Tây tuyến đường Brighton Line với các sân ga số 9 đến
19 để đi về thành phố Surrey và Sussex kể cả đi phi trường Gatwick (phi trường
thứ 2 ở Luân Đôn sau phi trường Heathrow) và Brighton. Nhà ga hoạt động từ năm
1862 đến đầu thế kỷ 20 được xây lại và hoàn tất năm 1908 với kiến trúc hiện
nay. Năm 1980 sửa lại khu thương mại bên trong nhà ga (Victoria Place) với các
quán bán thức ăn như Burger King, Starbucks Coffee như ta thấy hiện nay. Bước vào
bên trong thấy nhà ga thật lớn, trần cao lợp kính trong nên ánh sáng mặt trời lùa
vào, hàng quán bán buôn nhộn nhịp, người đi tấp nập. Lướt qua các tiệm bán thức
ăn chỉ thấy các món ăn liền như hotdog, hamburger, fish and chips nên chúng tôi
trở ra ngoài tìm món nào khá hơn fast food và cũng muốn vào nhà hàng để xem ẩm
thực nước Anh thế nào?
Chúng tôi trở ra con đường Victoria Street , đây
là con đường lớn đi về hướng tháp đồng hồ Big Ben. Hai bên đường là những dãy
phố lầu với tiệm buôn, nhà hàng, quán cà phê tấp nập khách hàng. Đi ngang qua rạp
hát Victoria Palace là một rạp hát cổ hoạt động từ năm
1911 có 1,550 ghế. Đặc biệt mái rạp có thể đóng mở đuợc bằng cách trượt lên
nhau (sliding roof) giúp bên trong rạp có thoáng khí nhất là lúc rạp đông người
ngột ngạt với khói thuốc hút. Ở Luân Đôn tôi thấy nhiều kiến trúc có loại mái
nhà trượt như vậy và họ làm mái bằng nhựa plastic trong vừa nhẹ, vừa lấy được ánh
sáng mặt trời khỏi tốn điện thắp đèn.
NHÀ HÀNG Ở LUÂN ĐÔN
Chúng tôi vào một khu thương
xá ở hướng Bắc nhà ga với những cửa hiệu bán buôn lẻ. Đi qua nhiều nhà hàng, đặc
biệt luật lệ ở đây bắt buộc nhà hàng phải dán thực đơn ở bên ngoài để thực khách
biết có những món gì và giá cả ra sao trước khi vào. Nhà hàng trong thương xá mới
xây tương đối lịch sự, giá món ăn khá đắt, mỗi món trung bình cũng khoảng 20
pound (40 USD). Vốn họ hàng với ông Trùm Sò nên tôi nhẩm tính với giá tiền này ở
Bolsa ăn được gia đình 4 người! Cuối cùng cũng phải vào một nhà hàng có lối
trang trí Mễ Tây Cơ, thực đơn có một số món ăn Mễ nhưng vẫn có các món người
Anh thường ăn. Các món truyền thống của người Anh là thịt bò quay (roast) hay
heo hoặc trừu ăn với khoai tây nướng hay chiên. Họ cũng thường ăn dồi heo (ham)
luộc hoặc chiên. Mỗi món ăn chính thường đuợc trang trí với chút rau cải như đậu
que, cải bông xanh hoặc trắng, cà rốt, dưa leo, cà chua v.v...Món nổi tiếng ở
Anh là món “fish and chips” là cá lăn bột chiên và khoai tây chiên ăn với muối
và...dấm chua. Món này thông dụng nhất để mang đi (bên Mỹ gọi là “to go” nhưng ở
Anh gọi là “carry out”!)
Trong nhà hàng ăn này cũng khá
đông khách, nhân viên phục vụ là các thanh niên và thiếu nữ trẻ đều bận rộn. Người
lấy order cho bàn chúng tôi là một anh chàng giống như người Ấn Độ rất vui vẻ
nhiệt tình. Tôi hỏi thì chàng ta nói là người Nepal. Tôi gọi món Beefsteak và thấy
bàn bên cạnh người ta có dĩa bánh mì Pháp nướng bơ vàng và sốt cà đỏ, củ hành bên
trên, đang đói nên thấy rất hấp dẫn. Anh ta nói bánh mì phải kêu riêng chứ không
đi chung với thịt bò! Tôi gọi bánh mì nhưng một lúc sau anh ta bưng ra một dĩa
với vài lát bánh mì Pháp không có bơ hay cà gì cả mà chỉ có một chén nhỏ dầu
olive. Bánh mì chấm dầu olive ăn theo lối Địa Trung Hải nghe nói rất tốt cho sức
khỏe nhưng tôi chưa ăn bao giờ. Tôi nhờ anh ta đổi cho bánh mì có bơ. Nhìn vào
thực đơn thấy giá bánh mì không với dầu olive là 3 đồng bảng Anh (pound) và bánh
mì bơ sốt cà là 4 pound. Chỉ 4 miếng bánh mì nhỏ mà đến 8 đô la! Món Beefsteak được
dọn ra dĩa không to như ở Mỹ và thịt được sắc vuông vuông như thịt bò lúc lắc,
bên cạnh là khoai tây chiên cũng sắc như vậy. Trong thực đơn món này là 15
pound (30 USD) nhưng ăn không được no, trong khi bên Mỹ thì dĩa Beefsteak ở các
nhà hàng như Coco, Denny’s nhiều khi ăn không hết, bánh mì lại không tính tiền
và muốn bao nhiêu cũng được! Thật tình ở xứ Ăng lê này cái gì cũng mắc mỏ, chắc
là đồng lương phải cao dân chúng mới sống nổi.
ĐI XE ĐIỆN NGẦM
Ăn trưa xong chúng tôi định bụng
phải đi thăm thú nhiều nơi ở thành phố Luân Đôn này, chứ chẳng lẽ về khách sạn
ngủ? Kêu taxi (có xe đen kiểu xưa và xe vàng kiểu mới) thì rất đắt nên tôi định
bắt chước người Luân Đôn đi xe điện ngầm. Trước nhà ga Victoria có cầu thang dẫn xuống ga xe điện
ngầm. Hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn gọi là “Underground” hay nhiều người gọi
là “Tube” vì đường xe như cái ống có tiết diện hình bán nguyệt. Bên trên mỗi nhà
ga xe điện ngầm đều có tấm bảng vẽ dấu hiệu vòng tròn đỏ với một gạch ngang màu
xanh lục và chữ “London Underground”. Ga xe điện ngầm Victoria cũng là ga nhộn nhịp nhất Luân Đôn.
Có 3 tuyến đường quan trọng chạy ngang qua là các tuyến Circle line, District
line và Victoria line nối được với đường xe trên
mặt đất National Rail vì nhà ga Victoria
nằm ngay bên trên. Ga xe điện ngầm Victoria
là một trong những nhà ga xe điện ngầm đầu tiên của Luân Đôn và cả thế giới, hoạt
động từ năm 1868. Năm 2007 có 76 triệu hành khách sử dụng nhà ga này. Nhà ga xây
cách nay 140 năm hiện qúa tải với số người hàng ngày lên xuống qúa đông, nguy
hiễm nhất là khi đám đông chen lấn trên thềm ga, có người té xuống đường tàu (năm
qua 2007 một sinh viên Việt Nam thiệt mạng tại Luân Đôn, có lẽ là án mạng vì kỳ
thị chủng tộc). Vì vậy ga này có hệ thống an toàn khi dưới ga qúa đông người
thi cửa xuống ga đóng lại, chỉ cho người lên mà thôi. Hiện có kế hoạch nâng cấp
và cải tiến nhà ga (thêm ngõ lên xuống ở phía đường Bressenden Place ) dự định hoàn tất năm
2014.
Chúng tôi đi xuống nhà ga mua
vé, tiện lợi và tiết kiệm nhất là mua vé có gía trị nguyên ngày, lên xuống bao
nhiêu chuyến xe cũng được. Không biết giá vé là bao nhiêu cũng như làm biếng đọc
các bảng hướng dẫn, thấy có quày chỉ dẫn và bán vé (information and ticket) với
một ông đội kết, mang kính ngồi trong đó. Tôi đến hỏi và mua mỗi người một vé
(tôi quên mất giá vé, dường như là 6 hay 7 pound gì đó). Giá này chỉ đi được
trong phạm vi vùng 1 (Zone 1) là trung tâm Luân Đôn. Tôi thấy chỉ cần đi trong
vùng 1 vì các di tích lịch sử cũng nằm trong trung tâm thành phố mà thôi. Hệ thống
London Underground chia ra 6 vùng bao phủ hầu hết 32 “Quận” của Đại Đô Thị Luân
Đôn (Greater London) và các vùng ngoại ô như Essex, Hertfordshire và
Buckinghamshire với 275 nhà ga, tổng chiều dài 400 km (250 miles) đường sắt là
hệ thống xe điện ngầm có đường tàu dài nhất thế giới. Tuy nhiên phân nửa đường
tàu ngầm lại nằm trên mặt đất nhất là những vùng ngoại ô. Nằm sâu nhất dưới mặt
đất là ga Hampstead, phải đi xuống sâu 181 feet trong khi cạn nhất là ga
Westminster, nóc đường hầm chỉ cách mặt đất 8 feet. Hệ thống xe điện ngầm ở Luân
Đôn bắt đầu hoạt động từ ngày 10 Tháng Giêng 1863 do hãng Metropolitan Railway
khai thác. Hiện nay hệ thống có tất cả 11 tuyến đường, năm 2007 mở thêm tuyến
12 là East London line nhưng đã ngưng để xây
thêm và chuyển giao cho hãng London Overground sẽ mở lại vào năm 2010. Cũng nên
biết là vùng phía Đông Luân Đôn là khu dân nghèo, nhiều dân da màu. Người dân
Luân Đôn không cần phải sắm xe hơi, đi đâu chỉ cần xe điện ngầm và các phương
tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, xe “tram” là xe điện chạy trên mặt đất
hoặc đi tàu buýt chạy trên sông Thames . Giá xăng
ở Luân Đôn rất đắt khoảng 1 pound 1 lít (tức khoảng 8 USD 1 gallon) nhưng người
Luân Đôn vẫn phớt tỉnh Ăng lê trong khi giá xăng ở Cali lên 4.5 USD 1 gallon là
dân Mỹ đã kêu ca om sòm!
Chúng tôi định đi xem Tower
Bridge là cây cầu có 2 tháp bên trên, kỳ quan này nằm cạnh Tower of London tức
hoàng thành Luân Đôn ngày xưa. Đây là vùng Luân Đôn cũ có từ thời đế quốc La Mã
cách nay hai ngàn năm cách ga Victoria , Westminster khoảng 5 km về hướng Đông nằm cạnh sông Thames . Tìm trong bản đồ hệ thống xe điện ngầm thấy hoàng
thành Luân Đôn gần ga Tower Hill và muốn đến ga đó phải đi tuyến xe District hoặc
Circle và cách Victoria 6 ga. Tôi chọn tuyến District và nhìn bảng chỉ dẫn xem
bến ga (platform) tuyến đó nằm ở đâu? Đến bến đậu của tuyến District còn phải tìm
bến nào đi về hướng Đông để khỏi đi nhầm hướng ngược lại. Thường họ ghi hướng đường
tàu là Nam Bắc hay Đông Tây, gặp tuyến đường không đúng 4 hướng chính thì họ
ghi tên nhà ga cuối tuyến đó, nhìn trong bản đồ tuyến District ga cuối cùng hướng
Đông là ga Upminster. Trong xe trên trần cũng có bản đồ tuyến xe đang đi và khi
tàu tới ga nào, tên của ga đó vẽ to rất dễ thấy, để hành khách biết mình đang đi
đến đâu và còn mấy ga nữa là đến ga mình xuống xe. Đại khái là đi xe điện ngầm ở
thành phố lạ là phải có bản đồ để mình chọn đúng tuyến đường và đúng ga mình xuống.
Bản đồ hệ thống xe điện ngầm có thể lấy miễn phí ở nhiều nơi hay trong Internet
cũng có.
Chúng tôi đến bến chờ xe điện
tới. Khoảng 5 phút thì có đoàn tàu chạy tới, cửa mở, chờ cho người xuống hết thì
mình lên. Ở Luân Đôn thấy hành khách chờ lên xe không có sắp hàng trong khi bên
Nhật là phải sắp hàng. Lên xe không có ghế trống chúng tôi phải đứng và nắm những
dây thòng lọng nhưng khi tàu chạy gần tới ga kế là Westminster thì có một cô gái xuống và cô ta
ra hiệu nhường ghế cho tôi chắc là vì...thấy tôi đẹp lão! Lúc đứng, trên xe đông
người, bên cạnh là một thanh niên da đen, anh ta nói với tôi là hãy cẩn thận
coi chừng bị móc túi. Trước đó tôi cảm thấy túi quần sau hình như có bàn tay nào
đó làm bộ đụng, rờ vào nhưng tôi đã nhanh lấy tay giữ túi quần. Dám anh ta lắm
chứ ai nữa? Vụ này tôi đã đề phòng trước nên tiền bạc để trong nhiều túi khác
nhau, mỗi nơi một ít, túi sau mà anh ta sờ nắn nhìn thấy cộm nhưng bên trong chỉ
có bản đồ và mấy coupon giãm giá!
Vì là hệ thống xe điện ngầm xưa
nhất trên thế giới nên London Underground có những vấn đề và khuyết điểm như:
toa xe điện nhỏ hẹp hơn các nước khác, dưới nhà ga đôi khi rất nóng nực tháng Hè
có thể lên đến 100 độ F (38 độ C), nhiều nhà ga không có nhà vệ sinh hay có nhưng
phải trả tiền, khoảng cách giữa thềm ga và sàn xe nhiều khi rất xa, nguy hiểm
cho trẻ con và người tàn tật có thể lọt xuống đường rây, giá vé cao nhất so sánh
với các thành phố khác. Nhiều khi sửa chữa, sân ga và đuờng tàu bị đóng, nên
khi xuống nhà ga phải xem có bảng trắng thông báo điều gì không? Biết cách sử dụng
xe điện ngầm thì di chuyển trong thành phố Luân Đôn rất nhanh, dễ dàng và không
tốn nhiều tiền. Bây giờ di chuyển ở Luân Đôn tôi không còn ngán nữa mà dễ như cơm
sườn, đi đâu cũng tới! Tôi cảm thấy mình...sành điệu như người Luân Đôn thứ thiệt
mặc dù không có áo đuôi tôm và nón Charlot!
No comments:
Post a Comment