CHƯƠNG 10
CUNG ÐIỆN MÙA HẠ Ở BẮC KINH
Cung Ðiện Mùa Hạ (Summer
Palace) là một quần thể tập hợp những kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật cổ của
Trung Hoa bao gồm những đền đài miếu mạo, núi đồi, ao hồ và vườn cảnh nằm
ở ngoại ô Tây Bắc và cách Tử Cấm Thành
Bắc Kinh 15 cây số (9.3 miles). Cung Ðiện Mùa Hạ là công viên hoàng gia lớn
nhất Trung Quốc được bảo tồn toàn vẹn sau nhiều biến cố chiến tranh được bà Từ
Hi Thái Hậu chọn làm nơi nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống xa hoa vật chất. Cung
Ðiện Mùa Hạ là điển hình của vườn cổ Trung Hoa được tổ chức Văn Hóa Thế Giới
của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) năm 1998 xếp vào loại Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
Ngày 11-10-2005 buổi sáng
chúng tôi ra quảng trường Thiên An Môn để vào viếng Tử Cấm Thành nơi hai triều
đại Minh và Thanh đóng đô cai trị toàn nước Trung Hoa rộng lớn suốt gần 500 năm
từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Sau đó đi ăn trưa trên tầng lầu thứ mười
mấy của một tòa nhà cao tầng mà ông Lương Kiện hướng dẫn viên đoàn du lịch
chúng tôi cho biết thuộc Sở Văn Hóa Thành Phố Bắc Kinh. Ông nói rằng nhà hàng
thường phục vụ cho những quan chức nhà nước trong bộ máy chính quyền Bắc Kinh
đến ăn trưa nên họ không cho chụp hình. Khi chúng tôi dùng thang máy để lên
thấy nhà hàng đã đông khách, các cô tiếp viên trẻ đồng phục đứng đầy chỉ dẫn
mọi thứ. Người Trung Hoa bao giờ cũng biết hưởng thụ nhất là trong vấn đề ăn
uống từ Từ Hi Thái Hậu với món óc khỉ cho đến Mao Trạch Ðông hô hào cách mạng
thắt lưng buộc bụng, chống phong kiến xa hoa lãng phí nhưng suốt ngày đêm toàn
là cao lương mỹ vị từ trứng cá Nga Xô, bò non Thanh Hải, xì gà Cuba, rượu ngon
Pháp quốc nên mặt lãnh tụ lúc nào cũng tròn đầy, hồng hào béo tốt. Nay đến thế
hệ thứ 3 các quan chức Bắc Kinh cũng có nơi ăn riêng trên lầu cao, cỗ bàn mười
mấy món cách biệt với nhân dân nông thôn nhất là vùng Trịnh Châu tỉnh Hà Nam
đêm nay tôi sẽ tới suốt đời chỉ biết ngô khoai và nhiều gia đình còn sống trong
hang. Có thể quan chức ăn trưa nơi đây viện dẫn rằng câu lạc bộ này kín đáo để
họ vừa ăn vừa bàn chuyện nội bộ hay sắp đặt thảo luận trước những kế hoạch
chương trình cho cơ quan nhưng cũng có thể là nơi hò hẹn tình nhân mà “sư tử Hà
Ðông” không bao giờ lên được!
Rời cao ốc của Sở Văn Hóa
chúng tôi lên xe để đến Cung Ðiện Mùa Hạ. Xe chạy trên xa lộ một quảng ngắn và
ra khỏi xa lộ đi vào vùng ngoại ô Bắc Kinh ít cao ốc, nhà cửa xưa cũ vách xây
bằng gạch nung không tô bên ngoài, mái ngói âm dương được tô điểm hoa văn nơi 4
góc. Trời nhiều mây có vẽ sắp mưa nhưng cuối cùng chỉ lất phất những hạt mưa
Thu. Phía trước cổng khu Cung Ðiện Mùa Hạ xe buýt đậu rất đông và du khách địa
phương tấp nập cười nói ồn ào. Nơi bãi đậu xe có nhiều mương nước được rào lại
bằng rào lưới sắt nhưng dưới mương giấy rác, bao ny lông, lon nhôm bỏ đầy trông
mất thẫm mỹ một chốn du lịch nhiều khách ngoại quốc!
Nơi khu Cung Ðiện Mùa Hạ ngày
nay lui ngược thời gian vào thế kỷ 12 khoảng năm 1115 đến 1234 sau khi nhà Kim
dời đô đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh bây
giờ) thì cho đào một hồ lớn để chứa nước mưa cho kinh đô dùng. Hồ được đặt tên
là hồ Thanh Thủy và nhà Kim thiết lập một hệ thống dẫn nước từ trên núi Kim Sơn
cạnh đó xuống hồ. Ðến đời Nguyên đầu thế kỷ 13 đổi tên núi Kim Sơn thành núi
Ung Sơn và hồ Thanh Thủy thành hồ Ung Sơn lý do có lẽ muốn bỏ chữ Kim mang tên
triều cũ. Ðời nhà Minh từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 cho xây ngôi chùa lớn trên
núi Ung Sơn. Ung có nghĩa là cái chum đựng nước. Ðến đời nhà Thanh lúc thịnh
trị khoảng năm 1750 vua Càn Long học theo Hán Vũ Ðế cho đào rộng thêm hồ và đổi
tên thành hồ Côn Minh với diện tích là 220 mẫu chiếm ¾ diện tích công viên. Mô
phỏng theo cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu, hồ Côn Minh cũng có Trường Cầu là cây cầu
vòng vua Càn Long cho xây có 17 vòm, dài 150 mét, rộng 8 mét nối từ bờ ra đảo
nhỏ có tên là đảo Nam Hồ. Trên lan can hai bên thành cầu có những cột đá mà mỗi
cột là tượng của một sư tử bằng đá đại lý. Tổng cộng trên cầu có tất cả 544
tượng sư tử không con nào giống con nào. Trên đảo ngoài đình Quách Như với phong cảnh rộng mở, tầm nhìn bao la còn
có tượng con trâu bằng đồng nằm nhìn ra hồ để trấn lụt. Tượng trâu đen láng hình
dáng oai hùng nhưng nằm có vẻ thư thái là một tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Năm 1750 để mừng thọ mẹ 60
tuổi vua Càn Long còn cho xây ngôi điện tại cổng chính vào công viên ở phía
Ðông đặt tên là điện Nhân Thọ và núi Ung Sơn ông đổi tên thành núi Vạn Thọ. Vua
Càn Long mở rộng khu đất, xây dựng cầu kiều, đền đài, chùa chiền để biến khu
quanh hồ thành một vườn thượng uyển để hoàng gia thư giãn nghỉ ngơi. Ông mô
phỏng những cảnh đẹp khắp nước và cho dân công xây dựng nơi đây như cảnh Tây Hồ
liễu rũ ở Hàng Châu, cảnh sông nước ghe thuyền ở Tô Châu và đặt tên khu vườn
cảnh là Thanh Di Viên.
Sau khi bị liên quân Anh Pháp
đốt phá năm 1860, năm 1888 thái hậu Từ Hi vốn thích sa hoa hưởng thụ và bà
thường ra đây nghỉ mát trong mùa hè nên lấy trong công quỹ trang bị hải quân
300 triệu lượng tiền để xây lại công viên hoàng gia và đổi tên thành Di Hòa
Viên, có nghĩa là “di dưỡng song hòa” (song hòa có nghĩa thiên hòa, địa hòa).
Năm 1900 Bát Quốc Liên Quân sau khi chiếm thành Bắc Kinh lại đốt phá và lấy đi
những vật đáng giá nơi Di Hoà Viên. Từ Hi Thái Hậu sau khi ẩn trốn ở Tây An trở
về lại cho tu sửa lần nữa. Những năm cuối đời Từ Hi Thái Hậu thường sống ở Di
Hòa Viên để giải trí nghỉ ngơi và điều hành việc nước. Trải qua hai triều vua
Ðồng Trị và Quang Tự, mọi quyền hành đều trong tay Từ Hi Thái Hậu, vua Quang Tự
là cháu của bà được xem như bị giam lỏng, tiếp các phái bộ ngoại giao cũng ở
đây cho đến Cách Mạng Tân Hợi 1911 do ông Tôn Dật Tiên lãnh đạo mới chấm dứt
nhà Thanh.
Di Hòa Viên một cách tổng
quát là gồm núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh chiếm một diện tích là 294 mẫu (726.5
acres) trong đó có đến 3,000 kiến trúc như đền đài, tháp miếu, cổng môn, hành
lang và cầu cống.
Trên sân sau điện Nhân Thọ có
một tảng đá trắng hình thù đặc biệt dài khoảng 10 mét và cao hơn 3 mét, ông
Lương Kiện cho rằng: Tảng đá này do một tỷ phú muốn lập vườn hoa, non bộ ở Bắc
Kinh thuê người trục lên từ đáy Thái Hồ ở Tô Châu và khi đem về tới Bắc Kinh
thì ông bị khánh kiệt tài sản không còn tiền bạc để làm vườn hoa nữa nên bỏ lăn
lóc giữa đường. Trong khi bảng ghi chú dựng nơi đây ghi rằng “Một vị quan nhà
Minh tên Mi Wanzhong tìm thấy đá ở Fangshan về phía Tây Nam của Bắc Kinh và khi
chuyển được đá về nhà ông ở Shaoyuan thì tán gia bại sản bỏ đá giữa đường người
đi qua gọi nó là “Khuynh gia thạch”. Một ngày vài cận thần tâu vua sự lạ, nhà
vua đích thân đi xem đá và rất ưng ý kiểu dáng của nó nên truyền đem về dựng
trước cung Từ Hy Thái Hậu và đặt tên nó là Thạch Lạc Thọ. Nhưng sau thái hậu
biết chuyện “đá phá sản” bà giận dữ quở trách. Ðám quan xúm vào tâu rằng đá có
hình nấm linh chi vốn là một thứ qúy hiếm dùng làm thuốc bổ mà thái hậu thường
dùng, đá biểu tượng cho sự trường thọ. Bà Từ Hi nghe vậy thích ý nên vui lòng
để đá yên ở vị trí cho đến ngày nay.
Sau khi qua điện Nhân Thọ,
chúng tôi bước đi trong dãy hành lang một bên là hồ Côn Minh còn bên phải là
núi Vạn Thọ. Hành lang có mái che vừa làm lối đi vừa là nơi ngắm cảnh dài 728
mét, tổng cộng có 273 gian nối liền nhau. Trên những đà ngang sát mái dọc suốt
hành lang , Từ Hi Thái Hậu đã cho vẽ 8,000 bức họa danh lam thắng cảnh hoặc
những nhân vật dựa theo các tác phẩm văn chương cổ điển như Tam Quốc, Tây Du
Ký, Hồng Lâu Mộng v.v...Tôi thật sự không biết các bức họa hiện nay nguyên thủy
hơn 100 năm hay đã được vẽ lại nhưng hiện tại thấy phai màu có nhiều nơi gỗ bắt
đầu mục và người ta đang tu sửa. Suốt hành lang dài gần một cây số mà cột kèo,
đà gỗ nào cũng được vẽ hoa văn trang trí chi tiết thật là một công trình tốn
qúa nhiều thời giờ và công sức.
Chúng tôi đi hết dãy hành
lang đến một khu đất rộng nhiều miếu mạo, nơi đây sát bờ hồ và nhìn thấy một
kiến trúc lạ kỳ: nó như một ngôi đền có nét Hy Lạp màu đá trắng nhưng phiá
trước như mũi tàu và đưa ra trên mặt hồ. Ông Lương Kiện cho biết đó là chiếc
thuyền đá mà người Âu làm tặng cho bà Từ Hi năm 1903. Bà Từ Hi thích đi tàu dạo
mát trên hồ nhưng chiếc tàu máy hơi nước người Âu tặng bà, gia nhân không biết
bảo trì nên thường hư không chạy được. Bà nói rằng bà không cần tàu chạy, đậu
một chỗ cũng được nên người Âu xây cho bà chiếc thuyền đá này để bà chiều chiều
lên hóng mát. Ði đến đây chúng tôi đã “oải” nên góp tiền lại mỗi người 10 yuan
để thuê thuyền đưa chúng tôi về lại cổng chính nơi xe buýt đậu. Lúc đi thì đi
bộ, lúc về lại ngồi thuyền thật là “Ði và về không cùng nghĩa như nhau” (Tựa một
bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê). Ngồi thuyền rồng chạy bằng máy cũng vui, vừa hàn
huyên vui như pháo nổ vừa nghe lao xao sóng vỗ mạn thuyền. Trưa hôm nay trên
mặt hồ nước bốc hơi nên lờ mờ như sương phủ, ngang qua chiếc cầu cong 17 vòm
chỉ thấy mơ hồ như một chiếc lược cong, nước và trời đều một màu xám đục. Mùa
Ðông mặt hồ nước sẽ đóng băng và người ta sẽ chơi trượt băng trên mặt hồ. Tôi
nhớ lại hồ trong công viên giải trí Ðầm Sen ở Sài Gòn cũng giống hao hao như hồ
này nhưng nhỏ hơn nhiều. Trung Hoa cái gì cũng to lớn, đồ sộ trong khi ở VN
cũng lối kiến trúc hay vườn cảnh (landscape) đó nhưng tầm vóc khiêm nhường nhỏ
bé thí dụ như thành Huế cũng giống như Tử Cấm Thành cũng có Ngọ Môn, Thái Hòa
Ðiện, Hộ Thành Hào nhưng tầm vóc nhỏ hơn.