CHƯƠNG 9
TỬ CẤM THÀNH Ở BẮC KINH
Tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, Tử Cấm Thành là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, là nơi cư ngụ của các vị hoàng đế Trung Hoa trong suốt gần 500 năm, từ thế kỷ thứ 15 đến đầu thế kỷ 20. Một thời đã là nơi an ninh nghiêm nhặt tường cao hào rộng, dân chúng không được héo lánh. Ngày nay Tử Cấm Thành là Viện Bảo Tàng Hoàng Cung (Palace Museum) mở rộng cửa cho mọi người vào tham quan, chiêm ngưỡng công trình đồ sộ như chủ nhân của nó là nước Trung Hoa đã mở rộng cửa với thế giới bên ngoài.
Triều Minh bắt đầu với Chu Nguyên Chương đánh đuổi được quân Mông Cổ là nhà Nguyên chạy về phương Bắc năm 1368. Triều Minh có 2 vua đầu đóng đô ờ Nam Kinh là Chu Nguyên Chương tức Thái Tổ và Huệ Đế. Thái Tổ xây thành ở Nam Kinh nhưng bị cháy rụi. Chu Đệ tức Thành Tổ cướp ngôi của cháu là Huệ Đế rồi dời đô lên Yên Kinh (Bắc Kinh) và cho xây thành Bắc Kinh suốt 14 năm từ năm 1406 đến 1420 theo nguyên mẫu và đúng kích thước như ỏ Nam Kinh.
Theo tài liệu, sách vở của Trung Quốc hiện nay thì người thiết kế và tổ chức công trình vĩ đại này là một vị Mộc công thời triều đại Nhà Minh. Ông họ Khoái, tên là Tường, người Hương Sơn, huyện Ngô, phủ Tô Châu. Ở Tô Châu từ xa xưa đã là một vùng đất nổi tiếng về nghề mộc với nhiều nghệ nhân tài ba. Năm 1417, Khoái Tường cùng một nhóm thợ được mời về Bắc Kinh đảm nhận công việc thiết kế và thi công xây dựng các cung điện cho vua và hoàng gia. Lúc bấy giờ Khoái Tường ở vào tuổi 40, vẫn còn trẻ trung, kinh nghiệm dồi dào. Ông được nhà vua bổ nhiệm làm chức “Doanh thiện sở thừa” một chức quan trông coi sửa chữa xây dựng các công trình trong hoàng cung.) Theo sử sách ghi chép, các công trình này xây dựng phải mất ba năm mới hoàn thành, trong đó Thừa Thiên Môn sau này đổi tên là Thiên An Môn. Kỹ thuật thiết kế được tính toán tinh vi và công việc xây dựng thật khéo léo.
XÂY DỰNG TỬ CẤM THÀNH LÀ MỘT NGƯỜI VIỆT NAM
Trong thư viện Trung Quốc có rất nhiều sách và tài liệu ngay cả truyện mô tả rằng thành Bắc Kinh cũng như nhiều cung điện trong Tử Cấm Thành được thiết kế và xây dựng bởi một người Việt Nam đó là ông Nguyễn An một quan thái giám bị quân Minh bắt khi họ xâm lược VN dưới thời Hồ Qúy Ly. Ông này giỏi về xây cất nên được nhà Minh trọng dụng làm trưởng công trình sư.
Trong bài viết “Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam” của ông Nguyễn Sang viết tại San Jose ngày 12-4-1994 có đoạn nguyên văn xin được trích dẫn như sau:
“Cách đây hơn 40 năm, có một nhà sử học Trung Quốc tên là Trương Tú Dân liên tiếp phát biểu một số bài vở ghi nhớ công lao của Nguyễn An trên các báo chí đương thời với những đầu đề như "Dân chúng Bắc Bình nên kỷ niệm Nguyễn An, vị Thái giám nhà Minh, người An Nam", "Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng Ðại Bắc Kinh" , "Sự đóng góp của người Giao Chỉ cho Trung Quốc đời Minh". Sau năm 1953, các nhà sử học Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Ðào Duy Anh và Ðặng Thái Mai lần lượt sang thăm Trung Quốc, đến thư viện Bắc Kinh thu thập sử liệu Việt Nam. Phía Trung Quốc nhiều lần giới thiệu với khách Việt Nam về những cống hiến của Nguyễn An đối với công cuộc xây dựng Bắc Kinh và coi đó là giai thoại về mối tình hữu nghị Việt-Trung lâu đời. Nhưng những năm gần đây, nhiều tài liệu Trung Quốc khi nói tới các công trình xây dựng Bắc Kinh đời Minh, chẳng hạn như quyển "Niên Biểu Ðại Sự Lịch Sử Trung Quốc" và quyển "Giới Thiệu Sơ Lược Về Cố Cung" của Thẩm Khởi Vĩ khi nhắc tới chuyện Minh Thành Tổ và Minh Anh Tôn xây dựng Bắc Kinh, đều không có tên của Nguyễn An. Quyển "Danh lam cổ tích Bắc Kinh" liệt kê danh sách những người tham dự công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh, có Ngô Trung, Thái Tài, thợ mộc Khoái Tường, thợ nề Dương Thanh và thợ đá Lục Tường, nói "Lục Tường có đóng góp rất to trong công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh". Tuy quyển này có thừa nhận sự đóng góp về quy hoạch thiết kế và thi công của Nguyễn An cũng không nhỏ, nhưng đặt tên của Nguyễn An ở chỗ cuối cùng, đứng sau cả thợ nề, thợ đá. Ðiều đó hiển nhiên là một sự bất công.”
Cố cung Tử Cấm Thành có dòng sông đào bao quanh bảo vệ gọi là Hộ Thành Hà rộng 50 mét chạy song song với tường thành cố cung cao 10 mét dài 3,000 mét tạo nên một hệ thống phòng thủ cuối cùng thật kiên cố với 4 vọng lâu ở 4 góc thành. Đây là một công trình quân sự, văn hóa có giá trị và cảnh quan nơi đây uy nghiêm trầm mặc và thơ mộng. Bốn mặt Tử Cấm Thành có 4 cổng ra vào là Ngọ Môn cửa chính lớn nhứt ở hướng Nam, Thần Vũ Môn ở hướng Bắc, Đông Hoa Môn, Tây Hoa Môn ở hai bên. Hiện nay Ngọ Môn đón khách vào thì Thần Vũ Môn là cửa tiển khách ra. Bên ngoài Ngọ Môn là Thiên An Môn, Thiên An Môn là cổng chính của hoàng thành trong khi Ngọ Môn là cổng chính của Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành nằm gọn trong lòng hoàng thành. Bức tường hoàng thành dài 30 cây số đã bị phá bỏ từ thập niên 1960 để xây dựng thành phố Bắc Kinh.Tử Cấm Thành có hình chữ nhựt bao gồm 980 tòa cung điện, lầu cát với tất cả 8,707 căn phòng được xếp đặt vuông vắn hài hòa trên môt khu đất rộng 720,000 mét vuông. Nếu một thái tử mỗi đêm ngủ trong một căn phòng thì phải mất gần 24 năm mới ngủ hết các phòng trong Tử Cấm Thành!
Tử Cấm Thành có nghĩa là thành có tường màu tím. Chính giữa Tử Cấm Thành có 2 cụm lầu đài quan trọng là Ngoại Triều Tam Điện phiá trước và Nội Đình Tam Cung phiá sau. Ngoại Triều Tam Điện có Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện. Nội Đình Tam Cung có Càng Thanh Cung, Giao Thái Điện và Khôn Ninh Cung. Cửa Ngọ Môn hình chữ U có 5 cửa (3 cửa trước và 2 bên hông) và 5 tòa điện nên còn được gọi là Ngũ Phượng Lầu. Chỉ đứng trước Ngọ Môn nhìn vào bên trong là ta cảm nhận được sự bao la hùng vĩ của quần thể kiến trúc là nơi trị vì của 24 hoàng đế Trung Hoa thuộc 2 đế chế Minh (14 triều vua) và Thanh (10 triều) trải dài suốt 5 thế kỷ từ 1424 đến 1911.
NGOẠI TRIỀU TAM ĐIỆN
Vượt qua Ngọ Môn đến khu đất ngày trước là nơi người bình thường không thể nào đặt chân tới được, là một khoảng sân rộng có dòng sông Kim Thủy hình cánh cung chắn ngang phiá bên trên có 5 cây cầu bằng đá bạch ngọc bắt ngang. Trước khi du khách tới Thái Hòa Điện phải đi qua Thái Hòa Môn là cửa chánh của Ngoại Triều Tam Điện xây năm 1420. Thái Hòa Điện cũng được xây lần đầu năm 1420 nhưng sau đó cháy nhiều lần vì bị sét đánh và điện hiện tại được xây năm 1695. Thái Hòa Điện lợp ngói lưu ly màu vàng cao 35 mét có 11 gian cung điện rộng 2,377 mét vuông được xây trên nền đá bạch ngọc. Chính giữa nội thất là ngai vàng của hoàng đế để vua nhà Minh chủ tọa các lễ mừng như Tết Nguyên Đán, Tết Đông Chí, đăng quang hoàng đế, sinh nhật vua, tấn phong hoàng hậu, xướng danh tân khoa tiến sĩ và lễ xuất quân ra trận. Thái Hòa Điện lớn nhất trong Ngoại Triều Tam Điện. Nơi sân rộng lát đá trước Thái Hòa Điện chúng tôi thấy có tượng sư tử, rùa và hạc trang trí đứng chầu. Có hai cái đồng hồ làm bằng dĩa đá dựng nghiêng trên đó có ghim một cây sắt xuyên qua tâm dĩa đá và người xưa nhìn vào bóng cây sắt do mặt trời chiếu xuống để đọc giờ. Ngoài ra trên sân còn có những lư đồng lớn trước kia mạ vàng đã bị liên quân Bát Quốc dùng dao cạo mất lớp vàng bên ngoài. Những lư đồng này ngày xưa có công dụng để đựng nước để chữa cháy các cung điện.
Sau điện Thái Hòa là Trung Hòa Điện là kiến trúc nhỏ nhất trong Ngoại Triều Tam Điện cũng được xây lần đầu năm 1420, điện hiện tại xây năm 1627. Trung Hòa Điện là nơi nhà vua nghỉ ngơi, chuẩn bị trước khi cử hành các nghi lễ như thực tập đọc bài tế trời đất, giám định các dụng cụ tế lễ như các nông cụ để tế đất cầu cho mùa màng.
Điện cuối trong khu Ngoại Triều Tam Điện là Bảo Hòa Điện cũng được xây năm 1420 và cháy vài lần còn lại rường cột sau đó được xây lại. Rộng 1,240 mét vuông gồm 9 gian điện là nơi cử hành hôn lễ các hoàng tử, công tước và các tiểu vương các sắc tộc và các nghi lễ giỗ chạp trong hoàng gia. Nơi đây cũng dùng làm nơi vua khảo hạch sĩ tử lần cuối trước khi chọn tiến sĩ. Có hai vua chọn nơi đây làm ngự phòng để trú ngụ.
NỘI ĐÌNH TAM CUNG
Ngoại Triều Tam Điện là nơi nhà vua chủ tọa các nghi lễ, họp triều chính còn Nội Đình Tam Cung là nơi nhà vua và hoàng gia sinh hoạt và trú ngụ. Khu Nội Đình Hậu Tam Cung có diện tích nhỏ hơn bằng 1/4 khu Ngoại Triều Tam Tiền Điện và khu ngoại triều rộng lớn chiếm 1/5 diện tích hoàng cung. Sách Thanh Cung Sử có ghi các cung điện trong Nội Đình Tam Cung đều tượng trưng cho sự phối hợp giữa trời đất, nhật nguyệt. Càng Thanh Cung và Khôn Ninh Cung tượng trưng cho trời và đất trong khi Giao Thái ở giữa tượng trưng cho sự giao hòa.
Sau khi đi qua Càng Thanh Môn là cửa chính của Nội ĐìnhTam Cung khách mới vào được Càng Thanh Cung là tiền điện của nội đình, là tổng cung của vua và hoàng hậu, cho đến đời Khang Hy là nơi vua phân xử giãi quyết việc nội đình. Khi Ung Chính về ở điện Dưỡng Tâm thì Càng Thanh Cung là nơi ông duyệt các tấu báo của các quan thần cũng là nơi ở của hoàng thái hậu. Chính nơi đây Từ Hy Thái Hậu đã lộng hành thao túng và tiếm quyền vua Quang Tự là con của mình. Nơi đây có bức hoành phi “Chính Đại Quang Minh” do Ung Chính sai treo để răn đe con cháu không được hãm hại lẫn nhau để tranh đoạt ngôi vua. Khi chọn thái tử kế vị ông viết tên vào một tờ giấy, ông giữ một nửa và một nửa được để trong bức hoành phi. Sau khi ông chết triều đình sẽ họp và nối nửa mảnh giấy lại để biết ai là người nối ngôi.
Giữa hai bậc thang của lối lên Càng Thanh Cung có một tảng đá bạch ngọc nguyên khối rất to lớn gọi là Vân Long Thạch Điện có điêu khắc hình rồng và mây được chế tác từ thời Minh sau Càn Long sai khắc lại. Tảng đá dài đặt nghiêng theo độ nghiêng của bậc thang hai bên được xem là tảng đá trắng điêu khắc lớn nhứt thế giới.
Giao Thái Điện nằm ở giữa là nơi cử hành các nghi lễ dưới triều nhà Thanh như sắc phong hoàng hậu, tấn phong thái tử, tết nguyên đán, đoan ngọ, đông chí, sinh nhựt hoàng hậu đều được cử hành nơi đây. Ở đây có treo hai chữ “Vô Vi” trong triết lý đạo Lão nói lên sự hòa hợp giữa vua và hoàng hậu. Giao Thái Điện còn là nơi hoàng hậu tiếp đãi hoàng thân quốc thích cũng là nơi cất giữ 25 bảo ấn do vua Càn Long sưu tầm được.
Khôn Ninh Cung là nơi ở của hoàng hậu nhưng đến triều đại nhà Thanh cho sửa lại theo phong tục Mãn Thanh làm hai là Tây Noản Thần là nơi vua tế thấn và Đông Noản Thần là nơi vua và hoàng hậu động phòng sau lễ cưới. Ngoài Ngoại Triều Tam Điện và Nội Đình Tam Cung trong cố cung Tử Cấm Thành còn vô số những cung điện miếu mạo khác như Khâm An Điện, Hoàng Nghĩa Cát, Dũng Tâm Điện, Thể Nhân Cát, Đại Phật Đường, Nội Cát Phật Đường đều là những kiến trúc lộng lẫy sắc thái riêng có mục đích sử dụng khác nhau, là những đơn thể góp phần vào sự hoành tráng vĩ đại của toàn bộ Tử Cấm Thành.
Trong Nội Ðình Tam Cung chúng tôi bắt gặp một nhà vệ sinh 4 sao (Four Star Toilet) có gắn bảng đồng đàng hoàng do cơ quan du lịch Bắc Kinh xếp hạng. Bên ngoài là một kiến trúc cổ, tôi thử vào bên trong xem sao? Thấy khá sạch sẽ không có bốc mùi nước tiểu như những nhà vệ sinh công cộng khác. Trung Quốc ngày càng văn minh tiến bộ nhưng nhà vệ sinh vẫn còn... mất vệ sinh! Một chị trong đoàn du lịch hỏi hướng dẫn viên David sao trong Tử Cấm Thành có gần 9,000 căn phòng sao không thấy một phòng vệ sinh nào hết vậy? Vậy ngày xưa vua chúa, hoàng gia đi vệ sinh ở đâu? David cười trả lời là họ dùng “night pot” tức là ống nhổ!
Phía sau Nội Đình Tam Cung là vườn thượng uyển gọi là Ngự Hoa Viên rộng 11,000 mét vuông. Đây là nơi duy nhất trong Tử Cấm Thành có trồng cây cối còn những nơi khác không có cây kiểng vì sợ thích khách ẩn núp, chẳng những là người bên ngoài mà còn người trong triều đình sát hại lẫn nhau! Trong Ngự Hoa Viên có 20 lầu cát, đình đài nhưng lớn hơn hết là Khâm An Đài có mái kép và những vật trang trí trong vườn thường làm bằng đồng và đá qúy. Ngự Hoa Viên trồng toàn những cây cổ thụ quý hiếm phương Bắc xen lẫn là những bông hoa xuất xứ từ phiá Nam trong đó chúng tôi thấy hai cây tùng bách trồng cạnh nhau nhưng hai thân xuyên qua nhau và được đặt tên là Cây Uyên Ương, các đôi trai gái hay vợ chồng rất thích chụp hình trước cây này.
Chúng tôi ra khỏi Tử Cấm Thành bằng cửa Thần Vũ Môn ở hướng Bắc và qua cây cầu lớn bắt ngang Hộ Thành Hà. Chúng tôi phải đi bộ một khoảng dọc theo Hộ Thành Hà để đến nơi xe buýt đậu. Đoạn đường này rất nhiều ăn mày có người lê lết dưới đất bằng miếng ván có gắn bánh xe nhưng ông Lương Kiện có dặn trước là đừng cho tiền ai hết vì họ sẽ xúm tới chèo kéo rất hỗn độn.
Phiá Bắc Tử Cấm Thành là một ngọn đồi giả sơn cây cối xanh tươi mà đất đấp tạo thành ngọn núi nhân tạo đó là do đào Hộ Thành Hà ngày xưa. Trên đồi ấy có một cây bách mà vua cuối cùng của nhà Minh là Tư Tôn (hiệu Sùng Trinh) bị phiến quân Lý Tự Thành kéo quân về phải treo cổ tuẫn tiết trên cây bách đó. Theo lời ông Lương Kiện thì 2 năm trước cây bách ấy chết và người ta đã trồng cây cùng loại thay thế vào nơi chỗ cây đó. Biến cố lịch sử chấm dứt triều đại nhà Minh đã được học giả Nguyễn Hiến Lê mô tả trong “Sử Trung Quốc” như sau:
“Năm 1642 Lý Tự Thành bao vây Khai Phong trong 4 tháng, đánh tan quân triều đình tới để giải vây, danh vang dậy, dân chúng càng theo nhiều, uy tín hơn hẳn Trương Hiến Trung. Lý cũng chỉ là một nông dân vô học, một tướng cướp tàn bạo nhưng can đảm, có tài cầm quân, thông minh, có óc làm chính trị.
....Tháng 3 ông vượt Hoàng Hà, chiếm Sơn Tây như vào chỗ không người. Triều đình hoảng hốt, bàn tán xôn xao, mỗi người một ý...Sau cùng chỉ còn một giải pháp triệu tướng Ngô Tam Quế đương chống với Mãn Thanh ở biên giới về cứu nguy! Trễ quá rồi Ngô Tam Quế lúc đó cách Bắc Kinh 400 cây số, mà quân của Lý ở Sơn Tây gần hơn, tới Bắc Kinh trước...Ngày 19 tháng 4, Lý tới đốt phá khu lăng tẩm nhà Minh rồi thẳng tiến tới Bắc Kinh. Ngày 24, họp triều, tất cả các đại thần chỉ khóc ròng, không thốt được lời nào.
Hôm sau Tư Tôn sai vài hoạn quan thân tín cải trang cho thái tử và hoàng tử, đưa ra ngoài thành trốn đi. Sau đó ông cùng với hoàng hậu và một qúy phi rầu rĩ uống vài chung rượu. Khi cạn chén, qúi phi đứng dậy rút lui trước, ông rút gươm chém nàng một nhát, nàng ngã gục dưới chân ông. Hoàng hậu vội vàng về cung, tự ải bằng chiếc dây lưng. Nhà vua chém xong hai công chúa rồi vô phòng hoàng hậu, thấy thây vợ lủng lẳng, ông lẩm bẩm “tốt, tốt”.
Sáng sớm ngày 26, chuông vẫn đổ báo giờ họp triều nhưng không ai tới cả. Tư Tôn cùng với viên thái giám thân tín cuối cùng Vương Thừa Ân leo lên Môi Sơn (một núi giả sau cung điện) đứng nhìn kinh thành và đồng ruộng một hồi lâu, có lẽ để xem Ngô Tam Quế có sắp tới không? Rồi ông viết lên mặt trong vạt áo: “Trẫm bạc đức, đáng khinh bỉ, đã bị Thượng Đế trừng phạt. Các đại thần của trẫm đã lừa trẫm. Trẫm xấu hổ gặp các tiên vương ở suối vàng. Cho nên trẫm tự lột mũ miện, xõa tóc che mặt, đợi cho quân địch xé thây. Đừng đụng đến một thần dân nào của trẫm”.
Viết xong ông tự treo cổ trên một nhánh cây. Vương Thừa Ân cũng tuẫn quốc theo chủ với trên 40 người nữa. Vài giờ sau Lý Tự Thành vô cung điện cùng với bộ hạ và leo lên ngai vàng”.
No comments:
Post a Comment