CHƯƠNG 8
QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN
CHƯƠNG 8
QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN
Quảng trường Thiên An Môn ở
Bắc Kinh là trái tim của đất nước Trung Hoa, nối với Tử Cấm Thành ở hướng Bắc
bằng cổng Thiên An Môn là biểu tượng của Bắc Kinh. Những biến cố trong lịch sử
cận đại đều xảy ra nơi đây như Cách Mạng Văn Hớa, biểu tình đòi mở rộng tự do
dân chủ của sinh viên năm 1989. Đến Bắc Kinh là phải viếng quảng trường Thiên
An Môn để thấy hàng lớp rừng người Trung Hoa trên mọi miền đất nước đổ về đây
như đi trẩy hội. Giấc mơ trong đời của họ là một lần được đến Thiên An Môn và
viếng Tử Cấm Thành.
Tám giờ sáng ngày thứ ba
11-10-2005 chúng tôi đã có mặt ngoài quảng trường Thiên An Môn. Hôm nay là một
ngày mùa Thu nắng lên rất đẹp và hàng hàng lớp lớp rừng người đã tụ tập nơi
đây, họ đi thành từng đoàn có đồng phục hẳn hoi như học sinh áo trắng quần xanh
quàng khăn đỏ, những người cao niên bước đi khệnh khạng trong áo khoác xanh
đậm, nam nữ cùng một kiểu, họ có lẽ là cựu chiến binh hồng quân hay là vệ binh
đỏ. Có những đoàn hình như là công nhân một nhà máy nào đó ở tỉnh xa lần đầu
được đi du lịch Bắc Kinh nên nét mặt người nào cũng hân hoan, phấn khởi, kêu
réo, cười nói xôn xao cộng thêm những tiếng loa hướng dẫn của trưởng đoàn và
những cây cờ tam giác đủ màu sắc của các đoàn du lịch khiến quảng trường Thiên
An Môn như một ngày hội lớn. Khách sạn chúng tôi cư ngụ là Tianlun Dynasty
Hotel cách chỉ hơn 1 mile về hướng Đông Bắc nhưng chúng tôi vẫn đi xe và xe
buýt đậu bên ngoài vì quảng trường chỉ dành cho người đi bộ. Con đường lớn chạy
xuyên qua quảng trường là đại lộ Trường An (Chang An) là con đường huyết mạch
của thành phố Bắc Kinh dài 50 km chạy theo hướng Đông Tây và nơi đây được mở
rộng ra 100 mét cũng không cho xe buýt đi vào mà chỉ xe hơi nhỏ và xe đạp mà
thôi. Trước khi xuống xe ông Lương Kiện đã căn dặn rằng nơi đây rất đông người
coi chừng bị lạc, phải luôn đi theo lá cờ vàng của ông và đề phòng bị móc túi
hay giựt bóp, phải cảnh giác khi có người lạ mặt chen vào đoàn chúng ta cũng
như không nên cho tiền những người ăn xin vì hàng chục người khác sẽ bám theo.
Quảng trường Thiên An Môn
rộng 440,000 thước vuông, chiều rộng theo hướng Đông Tây 500 mét, chiều dài
theo hướng Nam Bắc là 880 mét có thể chứa lối một triệu người tập họp nơi đây,
là quảng trường rộng lớn nhứt thế giới. Cuối phiá Nam quảng trường có Đại Tiền
Môn là cửa của hoàng thành ngày xưa như một đài cao. Hoàng thành ngày trước là
một khu hình chữ nhật rộng 50 kí lô mét vuông có bức tường thành cao dài 30 km
bao bọc nhưng tường này đã bị phá bỏ vào những năm 1960 để mở rộng thành phố
Bắc Kinh. Cửa chính Đại Tiền Môn chỉ dành cho nhà vua ra vào. Phiá Bắc Đại Tiền
Môn là một toà lầu đài khác có tên là Vương Chính Môn là nơi các tiểu vương,
quan trấn các địa phương về trú ngụ chờ vào yết kiến nhà vua. Cách một khoảng
đất trống về phiá Bắc là nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông được xây năm 1977 một
năm sau khi họ Mao chết, bên trong chia ra Bắc Đại Sảnh, Nam Đại Sảnh, nơi đây
có để xác ướp của Mao cũng là một nhà bảo tàng trưng bày hình ảnh, tư liệu cuộc
đời của Mao Trạch Đông cũng như của Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Chu Đức. Phiá
trước ngôi nhà hình vuông tường trắng này hôm chúng tôi tới thì hàng ngàn người
đang xếp hàng rồng rắn để vào xem, họ đi thành từng nhóm đông nhiều khi mặc
đồng phục từ các điạ phương xa xôi về tham quan. Vé vào tham quan là 15 yuan
nhưng có lẽ miễn phí đối với các đoàn thể trong nước.
Phiá trước nhà kỷ niệm Mao
Trạch Đông cũng là tâm điểm quảng trường là tháp bia tưởng niệm “anh hùng nhân
dân” đã bỏ mình cho đất nước Trung Hoa từ 1840 cho đến ngày hồng quân của Mao
Trạch Ðông chiếm chính quyền năm 1945, tháp được gọi một cách nôm na là Đài
Liệt Sĩ được xây từ năm 1952 đến 1958 cao 36 mét bằng đá hoa cương (granite)
lấy từ Thanh Ðảo (Qingdao). Bên phiá Tây của quảng trường là tòa nhà Đại Sảnh
Nhân Dân tương tự như tòa nhà quốc hội. Ngôi nhà lớn này được xây năm 1958 và
hoàn tất kỷ lục trong vòng 10 tháng. Toàn bộ sảnh đường có tất cả 300 gian
phòng, trong đó có gian Vạn Nhân Đại Sảnh là phòng họp có thể chứa đến 10 ngàn
người, Yến Hồ Đại Sảnh chứa 7 ngàn người và tòa văn phòng ủy ban quốc hội.
Ngoài ra còn có Hội Nghị Sảnh mà mỗi gian phòng tiêu biểu cho một tỉnh hay một
khu tự trị. Ðại Sảnh Nhân Dân thường được chọn để đón tiếp quốc khách (Tổng
Thống Richard Nixon có dự đại yến ở đây năm 1972) hay các buổi lễ tưởng niệm
như mới đây làm lễ tưởng niệm cho Hồ Diệu Bang qua đời năm 1989, cái chết của
ông châm ngòi cho biến cố Thiên An Môn. Ông này được coi như là ủng hộ sinh
viên trong phong trào đòi tự do dân chủ nên bị Ðặng Tiểu Bình cất chức Tổng Bí
Thư Ðảng năm 1987. Việc tưởng niệm ông đánh dấu Hồ Cẩm Ðào muốn phục hồi danh
dự cho ông vì ông đã từng tiến cử Hồ với
Ðặng Tiểu Bình từ đó Hồ mới đạt đến nấc thang chính trị cao nhứt như ngày nay.
Đối xứng với tòa quốc hội phiá Đông là Viện Bảo Tàng Quốc Gia, Lịch Sử và Cách
Mạng, trong đó không biết có gì giá trị đáng xem không mà không có trong chương
trình các Tour du lịch và cũng ít tài liệu du lịch nào nói tới!
Đại lộ Trường An với xe cộ
đông đúc từ xe đạp cho tới xe chở hàng chạy ngang quảng trường và ngăn cách
quảng trường với Thiên An Môn. Du khách từ quảng trường dùng con đường hầm vượt
qua phiá dưới đại lộ Trường An để qua Thiên An Môn. Trước Thiên An Môn có 7 cây
cầu bắt qua con kinh thoát nước nhỏ. Thiên An Môn là một kiến trúc đồ sộ uy
nghi đậm nét Trung Hoa với tầng lầu mái kép lợp ngói lưu ly màu vàng phiá dưới
toà nhà là một bức tường thành cao màu đỏ có 3 cửa ra vào. Hiện nay du khách
chỉ đi cửa chánh mà ngày xưa dành cho vua đi còn hai cửa bên đóng kín. Phiá trên cổng chính treo bức
hình lớn chân dung Mao Trạch Đông được vẽ bằng tay với tóc chải ngược nét mặt
hồng hào phương phi với nốt ruồi trên mặt. Theo ông Lương Kiện là hướng dẫn
viên đoàn du lịch cho biết hiện nay hình ảnh của Mao Trạch Đông chỉ còn được
treo duy nhất nơi đây. Kiểm nghiệm thấy ông nói đúng vì sau đó suốt chuyến đi
từ Bắc xuống Nam gần khắp nước Trung Hoa chúng tôi không còn thấy hình ảnh của
Mao Trạch Đông treo bất cứ nơi đâu nữa. Ðó là đường lối của đảng CS Trung Quốc
hiện nay thống nhất không muốn đề cao, tôn sùng bất cứ một cá nhân nào. Hai bên
hình Mao là hai khẩu hiệu “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc muôn năm” và “Tình đoàn
kết của nhân dân thế giới muôn năm”. Thiên An Môn được xây năm 1417 đặt tên là
Thừa Thiên Môn và việc xây kéo dài suốt 3 năm liền dưới thời Chu Ðệ Vương là
vua thứ ba nhà Minh còn có hiệu là Vĩnh Lạc, người đã dời đô từ Nam Kinh lên
Bắc Kinh. Năm 1651 Thiên An Môn được tu sửa lại và đổi tên thành Thiên An Môn
có nghĩa là “cổng trời bình an”. Trước 1988 tầng lầu của Thiên An Môn là chốn
nghiêm ngặt chỉ những buổi duyệt binh, tầng lớp lãnh đạo như Mao Trạch Đông,
Chu Ân Lai đứng trên đó như lễ đài để
chứng kiến duyệt binh. Ngày 1-10-1949 Mao Trạch Ðông đã đọc bảng tuyên ngôn
thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Bắt đầu từ 1-1-1988 tầng lầu Thiên An
Môn được mở cửa cho mọi người lên xem sau khi đã mua vé lên tham quan là 15
yuan.
Quảng trường Thiên An Môn đã
từng chứng kiến những biến chuyển của lịch sử Trung Quốc như thay triều, đổi
ngôi, những biến cố trọng đại mà ta nhận thấy toàn là biểu dương lực lượng,
chống đối chính quyền như:
-
Phong Trào Ngũ Tứ
phát động ngày 4-5-1919 là phong trào vận động dân tộc đầu tiên do sinh viên
Bắc Kinh phát động rồi lan tràn khắp nước để phản đối hội nghị Versailles cho
Nhật hưởng những quyền của Đức ở Sơn Đông.
-
Cuộc Phản Ðế toàn
quốc ngày 30-5-1925 nhân vụ thãm án Ngũ Châu, tẩy chay ngoại nhân, đình công
-
Năm 1935 học sinh
sinh viên triệu tập quần chúng mít tinh, diễn hành
-
Tháng 3 năm 1976
sau khi Chu Ân Lai chết sinh viên và dân chúng tập trung đông đảo để tưởng niệm
Chu Ân Lai, ủng hộ Ðặng Tiểu Bình vừa bị nhóm Tứ Nhân Bang gồm Giang Thanh,
Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Dương Văn Nguyên áp lực với Mao Trạch Ðông
cất chức Tổng Bí Thư Ðảng. Ngày 4-4-76 số người biểu tình lên đến hàng trăm
ngàn người. Giang Thanh ra lệnh đàn áp và bà ta đứng trong Ðại Sảnh Nhân Dân
nhìn ra quan sát. Ðến ngày 9-9-1976 Mao Trạch Ðông qua đời.
-
Biến cố Thiên An
Môn 1989: sau khi ông Hồ Diệu Bang chết ngày 15-4-1989 sinh viên tụ tập tại
quảng trường Thiên An Môn làm lễ tưởng niệm vì ông này năm 1986-87 đã ủng hộ
sinh viên đòi cải tổ dân chủ và bị Đặng Tiểu Bình cách chức Tổng Bí Thư. Rồi
những cuộc tập trung của sinh viên ở quảng trường tăng dần có lúc lên đến hàng
trăm ngàn người để chống đối chính quyền và đòi hỏi tự do dân chủ. Ngày
4-6-1989 quân đội với xe tăng được đưa ra quảng trường để đàn áp biểu tình đưa
đến vụ thãm sát hàng trăm sinh viên (có dư luận nói là hàng ngàn).
Ngày
nay Thiên An Môn là biểu tượng cho Bắc Kinh và Bắc Kinh là diện mạo của Trung
Quốc. Vì vậy Thiên An Môn là trái tim, nhịp đập của đất nước Trung Quốc bao la
và đông dân nhất thế giới (1 tỷ 300 triệu). Vì là một địa điểm rất nhạy cảm về
chính trị nên hàng ngày cả nước theo dõi nhìn về quảng trường Thiên An Môn để
nghe ngóng, hy vọng, suy đoán vận mệnh đất nước và tiên liệu tương lai cho
chính mình.
Buổi
sáng hôm chúng tôi đến mọi sự có vẻ yên bình mặc dù mọi người đổ xô ra đó rất
đông, du khách ngoại quốc vô tư quay phim chụp hình còn những đoàn thể dân quê,
công nhân, học sinh cả đời mới được viếng Bắc Kinh một lần nên hồ hỡi, phấn khởi
trông thấy. Công an thường phục thì mình không biết nhưng công an trong lễ phục
không đông lắm, tất cả đều trẻ dưới 30 dáng người cao ốm và có vẻ hiền lành,
không phản đối khi bị chụp hình. Với cặp mắt chuyên môn của họ, biết ai là du
khách, ai là dân quê và những ai cần phải để ý, theo dõi. Có lẽ vì đề phòng
biểu tình nhất là đối với môn phái Pháp Luân Công nên chính quyền cấm không cho
xe buýt chạy trên đại lộ Trường An trong đoạn quảng trường Thiên An Môn vì với
10 xe buýt đổ xuống một lượt là đã có 570 người có mặt ngoài đó. Dân chúng có
vẻ tự do, muốn làm gì cũng được miễn đừng tham gia chính trị. Tôi thấy có nhiều
dân “vô sản chuyên chính” không nhà (homeless) nằm trùm túi ngủ, ngủ say sưa
bên cột đèn, bồn hoa giữa quảng trường Thiên An Môn mà công an làm ngơ không
nói gì! Có hai vợ chồng trẻ đẩy xe trên đó có đứa con gái hơn một tuổi và một
túi xách đựng quần áo, cả ba ăn mặc tươm tất nhưng đen đúa và có vẻ lâu ngày
không tắm rửa. Trên những cột đèn chiếu sáng đều có gắn nhiều máy thu hình
quảng trường để công an ngồi trong một căn phòng nào gần đó theo dõi đám đông
đang rảo bước trên quảng trường. Ða số người đến quảng trường là họ sẽ vào cổng
Thiên An Môn để viếng Tử Cấm Thành một nơi mà trước 1988 họ mơ ước nhưng không
thể nào đặt chân tới được. Hôm tôi đến về phiá Ðông quảng trường trước Nhà Bảo
Tàng Cách Mạng người ta trưng bày một khán đài toàn hoa đủ màu sắc với hình
những qủa banh bóng tròn và kết hoa với dòng chữ “One World – One Dream” (Một
thế giới - Một giấc mộng) để chào mừng Thế Vận Hội 2008 mà Bắc Kinh được chọn
để đăng cai tổ chức lần đầu tiên.
Khẩu
hiệu “Một Thế Giới - Một Giấc Mộng” cho thấy Trung Quốc ngày nay chọn con đường
hội nhập với thế giới bên ngoài. Nhưng người Trung Hoa lúc nào cũng quan trọng
đối với chữ nghĩa và hay chơi chữ. Vậy
“Một Giấc Mộng” mà Trung Quốc muốn thế giới có là giấc mộng gì? Giấc mộng Tư
Bản mà Ðặng Tiểu Bình áp dụng hay Cộng Sản đại đồng như Mao đã từng hô hào
ngoài miệng ? Họ không xác định mà để lững lờ, ai muốn hiểu sao cũng được!
No comments:
Post a Comment