CHƯƠNG 7
VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
CHƯƠNG 7
VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Vạn Lý Trường Thành dài 3,946
miles (6,350 km) chạy từ Liêu Đông gần biên giới giáp Mãn Châu ở phiá Ðông đến
Cam Túc, Hoàng Hà về hướng Tây là công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới. Sử
sách không ghi rõ được xây từ năm nào nhưng người ta đã thấy nó từ năm 656
trước Tây Lịch thời Xuân Thu Chiến Quốc. Qua các triều đại Tần, Tề, Sở, Ngụy,
Yên, Triệu, Trung Sơn đều tu bổ và xây thêm để ngăn chận giặc Hung nô từ phương
Bắc. Nhà Hán và nhà Minh có công rất nhiều trong việc xây trường thành.
Gần Bắc Kinh có 3 địa điểm để
viếng thăm Vạn Lý Trường Thành là Bát Đạt Lĩnh (Badaling) , Mộ Điền Cốc
(Mutianyu) và Tư Mã Đài (Simatai). Ðoạn Vạn Lý Trường Thành Bát Ðạt Lĩnh nằm về
hướng Tây Bắc trên dãy núi Thái Hà cách Bắc Kinh 60 km được xây từ năm 1505
thời vua Chính Đức nhà Minh. Bát Ðạt Lĩnh là vị trí chiến lược phòng thủ cho
thành Bắc Kinh vì nằm ngay phiá Bắc của đèo Cư Dụng Quan (Juyongguan), phòng
tuyến Bát Ðạt Lĩnh mất, địch quân có thể tràn vào đường đèo mà kéo xuống Bắc
Kinh. Trường Thành Bát Đạt Lĩnh dài 4,770 mét nằm vắt vẻo qua vùng núi trùng
điệp nối nhau bằng 19 tháp canh hiện là một đoạn Vạn Lý Trường Thành tiêu biểu
thường xuyên được gìn giữ bảo trì. Còn những đoạn khác xây qua những vùng núi
xa xôi hiểm trở bị bỏ phế hoang tàn, dây leo cỏ mọc hoặc dân làng làm sân phơi
lúa tiểu mạch.
Vạn Lý Trường Thành Bát Đạt
Lĩnh nằm trên cao độ 600 mét, công trình nơi đây gồm có: tường thành, đài
thành, phong hỏa đài và tháp canh. Đầu tiên năm 1505 chỉ xây đài thành và phong
hỏa đài trên nền cũ tường thành do Tần Thủy Hoàng xây. Ðến năm 1571 xây tiếp
những tường thành nối liền các phong hỏa đài lại với nhau tạo thành một dãy
tường thành chạy ngoằn ngoèo như con rắn qua các ngọn núi mà mỗi ngọn là một
tháp canh. Tường thành cao trung bình 7.5 mét, dầy 4 mét, chiều rộng phần đáy
6.5 mét và chiều rộng bên trên 5.8 mét đủ rộng cho 10 quân sĩ dàn hàng ngang
hay 6 con ngựa cùng đi một lúc. Vật liệu xây là đá tảng xây tường và gạch nung
lót lối đi và chất kết dính làm bằng vôi và mật mía thay thế xi măng. Phiá trên
tường thành còn xây thêm mỗi bên một tường thấp cao 1 mét với nhiều lỗ vuông
châu mai để đặt súng thần công chống quân địch phiá dưới tràn lên. Mỗi khi quân
địch xuất hiện, lính trên tường thành đốt khói bằng phân chó sói nếu là ban ngày
và ban đêm thì đốt lửa. Từ năm 1468 những ước hiệu đã được đặt ra: một phát
súng và một ngọn lửa hay cột khói là báo hiệu có 100 địch quân, 2 phát súng và
2 điểm lửa hay khói là có 500 địch quân và 3 phát súng là hơn 1,000 quân địch.
Những phong hỏa đài khi nhận đuợc tín hiệu từ đài bên ngoài liền lập lại và cứ
thế như vết loang từ ngoài vào trong và trong vài tiếng đồng hồ tín hiệu báo
động có thể truyền đi 500 cây số.
Năm 1900 khi liên quân bát
quốc Âu Châu tiến chiếm thành Bắc Kinh, Từ Hy Thái Hậu bôn tẩu về phiá Vạn Lý
Trường Thành. Khi tới Bát Ðạt Lĩnh bà trèo lên phóng hỏa đài để nhìn Bắc Kinh
mà tiếc nuối cuộc sống xa hoa nhung lụa đã qua. Từ đó một ngọn phóng hỏa đài ở
đây được đặt tên là “Bắc Kinh Vọng Thạch”.
Tường thành Bát Ðạt Lĩnh năm
1987 được Liên Hiệp Quốc phong tặng là “Di Sản Văn Hóa Thế Giới” và hàng năm
được cấp ngân khoản trùng tu bảo quản từ đó chính quyền mới xây nhà bảo tàng và
hệ thống xe cáp treo đưa lên ngọn núi. Giá vé tham quan Bát Ðạt Lĩnh hiện nay
là 80 yuan.
Rời lăng tẩm nhà Minh tức
Thập Tam Lăng chúng tôi đi ăn trưa ở xưởng sản xuất bình đồng tráng men sứ
(Cloisonne) sau đó lên xe buýt đi về huớng Tây Bắc độ 6 miles. Đây là vùng núi
Thái Hà nằm trên cao độ 600 mét nên sương mù lãng đãng khắp vùng núi che mất
ánh thái dương. Trời giữa Thu nên núi đồi đã ngã màu xám và một vài ngọn cây lá
đã đỏ. Sau khi trả tiền lệ phí xa lộ, xe rẽ ra khỏi xa lộ nơi có bảng “Exit
Badaling Great Wall”. Chúng tôi qua khu đông đúc du khách với bãi đậu xe có
hàng chục xe buýt du lịch đang đậu nơi đó và tiến thẳng lên vùng cao hơn. Có lẽ
địa điểm này mới mở nên vắng vẻ du khách, hai bên đường mở rộng ra làm bãi đậu
xe nhưng chỉ có vài chiếc xe buýt. Sau khi ăn trưa và xe chạy chầm chậm nên ai
cũng buồn ngủ và đoạn đường vài miles đó chúng tôi cũng đã “chập chờn nửa tỉnh
nửa mê” nhưng khi nghe ông Lương Kiện hô lên: “Đã đến...Vạn Lý Trường Thành!
Mời qúy vị xuống” thì ai cũng tỉnh giấc vì đi Trung Quốc là phải biết Vạn Lý
Trường Thành! Ông Lương Kiện nói tiếp: “ Bây giờ là 3 giờ, giờ Bắc Kinh, 4 giờ
30 quý vị nhớ trở lại ngay địa điểm này”.
Chúng tôi kẻ trước người sau
xuống xe, gió lạnh bần bật thổi, những người bán hàng mặt xạm nắng cũng co ro
trong những chiếc áo ấm và trên đầu thì đội nón chạy đến mời mua áo thun, áo
ấm, nón, quà lưu niệm. Vài người trong đoàn chúng tôi không có mang theo áo ấm
nên trả giá mua ngay tại chỗ. Cô trưởng đoàn Simone Nga AV Travel vui cười khi
mua được một cái mũ lông chồn kiểu người Mông Cổ, có ông thì mua áo mão vua Càn
Long và đội để lên Vạn Lý Trường Thành! Nơi đây có xe cáp treo đưa chúng tôi
lên một đoạn trường thành ở lưng chừng núi. Đưa vé cho người giữ cổng chúng tôi
vào nhà xe cáp treo, từng xe không chạy đến, cứ 4 người vào xe và xe tự động
đóng cửa lại mà không có một nhân viên nào ở đây giữ an toàn cho khách đi xe.
Chúng tôi ngồi xe treo lơ lửng giữa trời, phiá dưới là núi với những lùm cây
nho nhỏ, phiá trên là bầu trời xám sương phủ la đà. Xe chầm chậm lên núi độ 10
phút sau thì tới, ra khỏi nhà xe cáp và ra phiá tường thành thì gặp lại những
người trong đoàn đang co ro cười nói đứng ở đó. Nhìn ra phiá xa dãy trường
thành như con rắn đang nằm vắt ngang những trái núi, nhìn dốc cao đoạn trường
thành gần nhất thấy người ta nho nhỏ như đàn kiến nhiều màu sắc lố nhố lên
xuống từ đỉnh cao nhất là một tháp canh. Ông Lương Kiện cho biết nếu ai chọn
con đường dễ đi thì đi trường thành phiá tay trái còn ai chọn con đường “chông
gai” dốc đá thì đi về phía tay phải. Hình như mọi người chúng tôi đều thuộc
lòng câu:
“Ví như đường đời bằng phẳng
cả.
Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”
Và Mao Trạch Đông đã từng
nói: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (không lên tới trường thành không phải
là anh hùng) nên mọi người đều chọn con đường đi lên chứ không đi xuống. Và
trên đỉnh núi cao có tháp canh kia mà trường thành đang bò lên là điểm đích nơi
đó có dựng tấm bảng in nét chữ của Mao với câu vừa nói cũng như có người cấp
tấm bằng “Đáo Trường Thành” với giá 30 yuan có tên tuổi và mộc son cùng ngày
tháng. Chúng tôi hì hục leo lên, thấy dễ mà không dễ, leo chừng một trăm nất
thì chân mỏi, gối đau, người mệt. Phải níu vào ống thanh sắt lan can đặt sát
tường đá mà từng bước leo lên thật là cảnh... “mỏi gối chồn chân cũng phải
trèo!” Bọn nhà Minh ngày xưa chẳng có tiêu chuẩn “standard” gì hết, nất thang
nào cũng cao từ 1 feet rưỡi trở lên và lại không đều nhau, có nất cao gần 2
feet!
Trèo một đoạn trường thành
đến một khoảng bằng phẳng thì dừng lại nghỉ mệt và chụp ảnh. Nghề chụp ảnh của
tôi vốn đã...không khá, ốm chụp thành mập vì tôi không có theo một trường lớp
nào chỉ là “tự biên tự diễn” mà hôm nay lên đến đây cảnh cần chụp nhứt lại mây
giăng sương phủ che khuất vạn lý trường thành làm sao chụp cho đẹp được! Vừa
chụp ảnh vừa thở phì phò nghỉ mệt trong khi đám du khách trẻ qua mặt vừa đi vừa
cười giỡn vui vẻ ồn ào. Còn một đoạn chừng 200 bậc thang nữa đến tấm bảng “Bất
đáo trường thành phi hảo hán” thì tôi đành bỏ cuộc vì sợ cố quá sẽ trở thành
“quá cố”, thối lui trở xuống mà có người “xuyên tạc” chế diễu cho rằng ai lên
nửa chừng mà thối lui thì không phải là “hảo hán” mà là...thối háng! Thôi cũng
đành chấp nhận và làm theo lời thầy thiền sư là nhắm mắt lại, hít thật sâu, thở
ra chầm chậm và...miệng mỉm cười!
Đứng trên trường thành nhìn
hàng cờ đuôi nheo ngủ sắc bần bật bay trong gió, nghe tiếng gió vi vu trong
chiều Thu ảm đạm mà nghe như tiếng rên than ai oán của hàng vạn sinh linh đã bỏ
mình khi xây vạn lý. Vương Sơn Linh một nhà thơ thời Đường khi quá bước đến đây
đã chạnh lòng cảm tác bài thơ sau:
Tỳ bà đổi tấu khúc tân thanh
Vấn điệu quan san hận biệt
tình.
Biên ải nhạc sầu lan bất tận
Trăng thu biên ải phủ trường
thành.
Trong thi văn VN học thời
trung học cũng tả lại cảnh trống trường thành vang động và khói bốc cao báo
động giặc thù đang kéo đến, người thanh niên phải giã nhà theo nghiệp đao cung
để lại người chinh phụ bao năm ngóng đợi:
Trống trường thành lung lay
bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền (1) mờ mịt
thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày
xuất chinh
(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị
Điểm)
(1) Một địa điểm trong tỉnh Cam Túc
Đó là cảnh chiến sĩ ra biên
ải nơi trường thành ít khi trở lại. Còn hàng triệu người bị trưng tập đập đá
xây trường thành thay nhau phơi thây trên núi cao hố thẫm xác thân bị vùi chôn
đâu đó. Chuyện kể rằng thời Tần Thủy Hoàng có chàng thư sinh ở xứ Giang Nam tên
Vạn Hỉ Lương vừa cưới được nàng Mạnh Khương thì có lịnh vua Tần bắt đi trưng
tập xây Vạn Lý Trường Thành. Thấy đã quá lâu không tin tức và muốn gửi áo ấm
cho chồng, Mạnh Khương phải lặn lội đi tìm nhưng không gặp, người ta nói chồng
nàng đã thác. Nàng khóc lóc thảm thiết, mặc tấm áo định mang cho chồng vào và
nhảy xuống Bắc Hải tự trầm. Ngày nay ngoài cửa Ðông của Sơn Hải Quan còn ngôi
miếu thờ người trinh nữ, trong miếu có hai câu đối mà người ta cho là của nhà
văn Văn Thiên Tường:
Tần Hoàng an tại tai,
Vạn Lý Trường Thành túc oán!
Khương nữ vị vong dã
Thiên thu phiến thạch minh
trinh.
Tạm dịch:
Vua Tần ngồi yên sao đành?
Oán xây Vạn Lý Trường Thành.
Khương nữ nàng ơi không chết
Nghìn thu bia đá chữ trinh!
Kéo dài hơn 2600 năm trải qua
biết bao đời vua, người Trung Hoa đã hy sinh hàng triệu sinh linh xây Vạn Lý
Trường Thành để làm một công trình quân sự hiểm hóc chưa từng thấy trong lịch
sử nhân loại . Đối với ngày nay công lao kia trở thành mây khói, tường đá dầy
hàng chục lớp, thành cao hàng trăm thước cũng không ngăn được hỏa tiển phóng từ
xa, bom nguyên tử từ máy bay dội xuống! Vạn Lý Trường Thành ngày nay chỉ để thu
hút du khách nhằm thu ngoại tệ và là một nơi chốn để người Trung Hoa hảnh diện
trong niềm đau xót về sức mạnh và sự hy sinh của tổ tiên họ như tấm bia có khắc
6 chữ “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan” ở cổng vào Vạn Lý Trường Thành.
No comments:
Post a Comment