CHƯƠNG 6
LĂNG MỘ TRIỀU MINH
Thập Tam Lăng cách thành phố
Bắc Kinh 50 kí lô mét về hướng Tây Bắc trong vùng thung lũng núi Thiên Thọ là
khu lăng tẩm của 13 đời vua nhà Minh. Năm 1403 Chu Ðệ còn có tên là Trường Minh
là vua thứ 3 sau khi lên ngôi lấy hiệu là Vĩnh Lạc bỏ Nam Kinh mà dời đô lên
Bắc Kinh. Chu Ðệ phá thành cũ và xây lại thành Bắc Kinh mới, tu sửa xây thêm
Vạn Lý Trường Thành và xây lăng mộ cho mình trong vùng thảo nguyên xinh đẹp
rộng 120 cây số vuông, bên trong có điện thờ và tượng đồng vua Vĩnh Lạc, mộ
chôn nhà vua và con đuờng Thần Lộ với nhiều tượng đá các loài linh vật. Triều
Minh tổng cộng truyền được 16 đời vua, 2 đóng đô ở Nam Kinh và 14 ở Bắc Kinh.
Triều Minh cai trị Trung Quốc
276 năm (1368-1644) bắt đầu từ khi Chu Nguyên Chương xuất thân là con nhà nông
nổi lên dấy binh đánh đuổi quân Mông Cổ là nhà Nguyên. Thuận Ðế, vua cuối cùng
của nhà Nguyên, nửa đêm trốn ra ngoài thành, chạy lên phương Bắc qua Mông Cổ
sau khi cai trị dân Hán 162 năm. Theo “Sử Trung Quốc” của học giả Nguyễn Hiến Lê:
“Chu Nguyên Chương lên ngôi lấy quốc hiệu là Minh, niên hiệu là Hồng Vũ đóng đô
ở Kim Lăng tức Nam Kinh ngày nay. Ông có công dẹp các vùng phương Bắc vẫn còn
các tướng nhà Nguyên chiếm cứ và bọn anh hùng ở phương Nam đang chiếm Thành Ðô
và đất Vân Nam. Sau cùng năm 1387 lại thu được Liêu Ðông ở phiá Ðông Bắc mà
thống nhất Trung Quốc từ Bắc tới Nam, từ Tây qua Ðông. Ðó là công lớn của Chu
Nguyên Chương sử sách không phủ nhận nhưng kèm theo ông là một bạo chúa, một
vua Hán độc tài nhất trong lịch sử Trung Hoa không kém Tần Thủy Hoàng. Cũng như
Lưu Bang và đa số các vua sáng nghiệp, khi thành công Chu không dùng các bạn
chiến đấu nữa vì họ qúa thân với mình, họ biết sở trường cùng sở đoản của mình
ra sao, khó mà trị họ. Sợ nhất là khi mình chết rồi, con mình còn nhỏ, họ
chuyên quyền uy hiếp, nên ông tìm cách chia rẽ, vu hãm họ, lần lần họ bị giết
hết, làm liên lụy đến mấy vạn người lương thiện nữa. Ông không khôn khéo như
vua Thái Tổ nhà Tống mà tàn nhẫn vô cùng.”
Khi Chu Nguyên Chương mất năm
1398 ông lập con trưởng lên nối ngôi nhưng thái tử lại chết sớm, ngôi vua về
cháu nội ông tức Huệ Ðế. Huệ Ðế lo ngại các phiến vương chư hầu mạnh thế có thể
nguy hại cho triều đình trong đó có vua nước Yên tại Yên Kinh (Bắc Kinh) vốn là
chú ông, con thứ của Chu Nguyên Chương. Mối nghi kỵ xích mích này dẫn đến việc
vua nước Yên là Chu Ðệ đánh kinh đô và Huệ Ðế phải bôn tẩu về phương Nam và
chết, rốt cục làm vua chỉ đuợc 4 năm. Chu Ðệ lên làm vua và dời kinh đô về Bắc
Kinh năm 1403 để dễ dàng chống lại giặc phương Bắc là Mông Cổ, ông cho xây lại
thành Bắc Kinh và Vạn Lý Trường Thành. Ðồng thời xây lăng mộ của mình trong
vùng đất cây cối xanh tốt, núi non thanh tú mà ông cho là có long mạch, ngôi
vua sẽ bền vững truyền được nhiều đời cho con cháu.
Sáng ngày song thập 10-10-2005
chúng tôi theo đoàn du lịch đến viếng cảnh Thập Tam Lăng trong vùng thung lũng
có sông suối và núi bao xung quanh, cây cối xanh tươi. Trên đường vào lăng hai
bên là vườn cây trái xanh tươi, những quán xạp bán trái cây như táo, lê và hồng
trái rất to, dòn ngọt. Ðến nơi xe dừng ở bãi đậu có những dãy gian hàng bán áo
thun, áo lụa in hay thêu phong cảnh và đồ kỷ niệm. Họ bày hàng dài những chiếc
dù nhiều màu bên trên và nón lá phiá dưới nhìn rất vui mắt. Buổi sáng rất ít du
khách nhưng dường như khu buôn bán này có luật lệ riêng nên người bán vẫn đứng
phiá sau quầy hàng cất tiếng mời khách chứ không có chạy ra níu kéo mời mua.
Chúng tôi đi bộ đến cổng bán vé cũng là cổng tam quan đồ sộ để vào lăng, giá vé
là 70 yuan và giờ mở cửa từ 8 giờ 40 đến 4 giờ 30 chiều. Hướng về phiá Chính
Lăng của vua Chu Ðệ là một tòa nhà lớn lợp ngói lưu ly màu vàng, cửa và vách gỗ
sơn hồng tiá, xây trên nền cao bước lên bằng 3 lối khác nhau, mỗi lối 16 bậc
thềm đá trắng. Bên trong tòa Chính Lăng rộng 1956 mét vuông gồm có 32 cột gỗ
bằng cây long não cao 14 mét. Giữa lăng là tượng đồng của Chu Ðệ vạm vỡ to lớn
ngồi oai nghi trên ngai vàng. Chính Lăng được Chu Ðệ cho xây từ năm 1409 đến
1427 để làm lăng cho mình và sau đó khu lăng tẩm rộng 120 kí lô mét vuông này
còn chôn 12 vua dòng họ nhà Minh khác nữa.
Trong tòa nhà Chính Lăng còn
trưng bày triển lãm những vật dụng vua chúa triều Minh thường dùng được chôn
trong mộ vua Vạn Lịch ở Ðịnh Lăng tình cờ được phát hiện và khai quật từ năm
1957 đến 1959 khi đào để xây hồ chứa nước. Vạn Lịch hiệu là Thần Tôn lên ngôi
năm 1572 là đời vua thứ 13 triều nhà Minh là vua ngự trên ngôi lâu nhất được
chôn trong Ðịnh Lăng là một trong 13 lăng trong khu lăng tẩm này. Vì không muốn
địch quân đào xới nên Vạn Lịch cho xây Ðịnh Lăng ngầm trong lòng đất không rõ
nơi nào. Năm 1957 khi đào đất tình cờ người ta phát hiện tấm bia đá chỉ hướng
cửa mộ và theo lịnh của Chu Ân Lai cho phép khai quật và khám phá dưới độ sâu
27 mét là cả một công trình lăng mộ gồm 3 cửa bằng đá chia lăng làm 3 khu vực
với 5 gian phòng làm đại sảnh mà căn tiền sảnh dài 26 mét, rộng 6 mét và cao 7
mét có 3 ngai vàng bằng đá cẩm thạch. Những phòng kế tiếp là nhan đèn, những
bình ngọc chứa dầu mè để thắp đèn và vật dụng, áo quần. Hậu sảnh là căn hầm
cuối cùng xây rộng nhất chứa quan tài vua Vạn Lịch và hai hoàng hậu. Người ta
tìm thấy nơi đây vô số những vật dụng qúy giá như vưong miện vua và hoàng hậu
bằng vàng và những vật dụng, đồ trang sức bằng vàng, bạc và ngọc thạch. Ðịnh
Lăng ngầm trong lòng đất vài năm trước đây mở cửa cho công chúng và du khách
tham quan mặc dù xuống dưới đó ẩm thấp, thiếu dưỡng khí nên nay đã đóng cửa để
tu sửa không biết đến bao giờ mới có thể mở lại?
Báu vật tìm thấy dưới mộ
trong Ðịnh Lăng một số được lịnh Mao Trạch Ðông đưa vào bảo tàng viện và đem
triển lãm khắp thế giới, một phần nhỏ còn lại được trưng bày nơi đây tức Chính
Lăng của vua Chu Ðệ. Chúng tôi dạo bước xem những vật dụng ngày xưa được bày
trong lồng kính chiếu đèn sáng có đặt những ly đựng chất chống ẩm. Những chén
bát, muỗng nĩa mạ vàng, thau chậu rữa mặt bằng vàng và cẩm thạch, tiền bạc, ấn
triện của nhà vua, gươm dao, áo giáp, nón sắt quân sĩ cũng được trưng bày. Long
bào của vua, xiêm y của hoàng hậu, cung phi ngày xưa lá ngọc cành vàng, huy
hoàng lộng lẫy ra sao nhưng bây giờ bạt màu, trông nhếch nhác dơ bẩn, kiểu cách
luộm thuộm lạ kỳ! Nhất là những chiếc mũ nón to lớn rườm rà lại gắn trên đó
không biết bao nhiêu trâm cài, lòng thòng dây nhợ lại xỏ vào những khúc cây tựa
như mái chèo! Hoàng hậu, thứ phi ngày xưa cổ chắc cứng lắm mới có thể đội được
một đống hầm bà lằng thứ ấy trên đầu? Cũng kiểu cách ấy nhưng ngay đêm nay
chúng tôi được đưa đi xem show vũ nhạc “Beijing By Night”, các cô vũ công đội
trên đầu bước đi tha thướt nhịp nhàng uyễn chuyễn làm sao! Y trang kiểu cách
tương tợ như đưọc trưng bày ở đây nhưng được may bằng lụa Tô Châu mỏng lộ lên
những đường cong kín đáo nhưng gợi tình, cổ xưa nhưng lại tân thời, khiến cho
tôi muốn sống lại đời Minh làm quan làm lính gì cũng được nhưng đừng bắt
tôi...gánh đá xây Vạn Lý Trường Thành!
Ra khỏi ngôi lăng Chu Ðệ bằng
ngõ sau, chúng tôi đi về hướng Bắc ngang một khoảng sân rộng toàn cây giá tỵ
hàng trăm năm để đến ngôi Minh Lầu. Minh Lầu có hai tầng mái ngói vàng tường đỏ
được xây trên một khúc tường thành cao phải đi lên bằng những bậc thang đặt bên
ngoài, thang bên trái lên và bên phải xuống. Bên trong Minh Lầu có dựng bia đá
lăng mộ ghi lại lý lịch những người an táng trong lăng. Sau Minh Lầu về hướng
Bắc là một ngọn đồi tròn dốc thoai thoải trồng tùng bách và giá tỵ được bao
quanh bằng tường đá kín là nơi chôn Chu Ðệ vua thứ 3 nhà Minh và hoàng hậu (bị
chôn sống) tôi không biết tên gì nhưng bảng đề bằng tiếng Anh thì ghi
là...Xushi! Ngọn đồi quá lớn nên người ta không biết mộ 2 người chôn nơi đâu?
Vua thời xưa sợ quân thù đào mả lên dày xéo xác nên rất giữ mật vị trí chôn
mình. Những người tham gia việc xây mộ hay chôn cất vua có khi còn bị giết chết
để giữ mật! Thời cổ khi vua chết người ta chôn sống theo nhà vua hoàng hậu, thứ
phi và một số quan quân cận vệ để theo hầu nhà vua bên kia thế giới. Ðến đời
nhà Tần (255-207 BC) và Hán (208 BC-220 AD) bãi bỏ tục chôn sống mà chôn
“nhọng” tức tượng người bằng đất nung (như lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An).
Nhà Minh phục hồi lại chế độ chôn sống, Chu Nguyên Chương chôn sống 38 người,
Chu Ðệ chôn 16 người! Xác của họ có lẽ được chôn đâu đó trong ngọn đồi này?
Những người bị chôn thời ấy rất bằng lòng với tục lệ quái đản đó! Ðến đời Dụ
Minh vua thứ 7 mới chấm dứt tục chôn sống người.
Ngọn đồi nơi có mộ Chu Ðệ là
phần đầu tiên ở về hướng Bắc của Thập Tam Lăng, sau đó chúng tôi đi về hướng
Nam để đến con đường rộng rãi lát đá dài 1,700 mét. Con đường có tên là Thần Lộ
(Sacred Way) chạy đúng theo hướng Bắc Nam là trục chính của Thập Tam Lăng qua
một cây cầu nhỏ có tên là Di Hong Bridge và 2 cửa lớn. Hai bên Thần Lộ phiá xa
bên phải hướng Tây có ngọn Hổ Sơn và bên trái hướng Ðông có ngọn Long Sơn đúng
theo phép phong thủy “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” (Rồng chầu Hổ phục). Hướng
Bắc lăng là những dãy núi và hướng Nam có dòng sông nhỏ chảy qua nơi cầu Di Hồng
có địa thế “Huyền Vũ” trên đầu được núi bao che và dưới chân có long mạch.
Những triều đại Trung Hoa thời ấy rất sợ giặc Mông Cổ ở phương Bắc và khi mạnh
luôn muốn mở mang bờ cõi về hướng Nam cho nên hoàng thành, cung điện, lăng miếu
đều có cửa chính quay về hướng Nam.
Thay vì phải đi bộ trên con
đường Thần Lộ dài gần 1 mile để xuống cửa Nam của Thập Tam Lăng, AV Travel sợ
chúng tôi đi không nổi nên thuê xe điện đưa chúng tôi đi. Ngồi trên xe bóp còi
chạy ngang qua những đoàn du khách da trắng cuốc bộ, họ vẫy tay chào chúng tôi
và không biết bọn tôi là ai mà ngồi xe có vẻ “xêng xang áo gấm về làng”! Con
đường Thần Lộ rất thơ mộng hai bên cỏ xanh mượt mà, hoa lá xanh tươi, liễu rũ
la đà lại có những tượng linh vật xếp hàng đứng chầu hai bên. Linh vật là những
con thú linh thiêng, không có ngoài đời mà chỉ có trong tưởng tượng như rồng,
lân, quy và có tượng những con thú có thật như voi, ngựa, lạc đà, sơn dương.
Những tượng thú này rất to lớn cao gần 4 mét bằng đá nguyên khối màu trắng, nét
điêu khắc sắc sảo và dáng điệu của chúng trông dễ thương lại không kém oai
phong, lẫm liệt. Tượng mỗi loại thú có hai thế đứng và nằm xen nhau trông rất
ngộ nghĩnh. Xe điện đưa chúng tôi đến nửa đường thì đổ chúng tôi xuống để ngắm
cảnh chụp hình, mua đồ kỷ niệm hay ghé nhà vệ sinh và xe trở lại vị trí khởi
hành để đón những người còn lại trong đoàn chúng tôi. Ði hai chuyến xe điện thì
chúng tôi tới cổng hướng Nam và xe buýt chờ ở đó. Cổng phiá Bắc đông người hơn,
bãi đậu xe có những gian hàng bán áo và dù trong khi bãi đậu xe phiá Nam là
những gian hàng bán trái cây. Môt bà bán hàng có lẽ vì ế khách nên ra khỏi quày
và đến bên xe buýt cắt trái cây như lê, táo, hồng mời chúng tôi ăn thử. Tôi thử
một miếng lê trắng và thấy rất dòn ngọt nhưng không biết những trái khác có
ngọt như vậy không? Vì xe buýt chạy và khác ngôn ngữ nên tôi mua không kịp, ái nái vì đã thử mà
không mua, dường như bà bán hàng nói giá là 10 yuan 3 hay 4 trái gì đó!
Ðoàn du lịch chúng tôi rời
khu lăng tẩm qua những vườn cây trái xanh tươi có những suối nước dọc bên đường
và nơi hướng Ðông và Bắc là những dãy núi thấp. Ông Lương Kiện hướng dẫn viên
của đoàn cho biết vào dịp cuối tuần người dân Bắc Kinh thường lên đây nghỉ mát
và mua trái cây bằng cách vào vườn tự hái. Họ cho biết tự hái lấy sẽ chọn được
trái to và chín cây mặc dù phải trả giá cao hơn.
Chúng tôi được đưa đến một
xưởng làm đồ mỹ nghệ tráng men “Cảnh Thái Lam” mà nhiều người tưởng lầm là đồ
gốm. Hãng có vẽ cũ kỹ, trang thiết bị nghèo nàn, vài chục công nhân nam có nữ
có ngồi dùng kẹp gắn những sợi đồng với các hình hoa lá, chim chóc, núi non,
tiên nữ lên vỏ bình bằng đồng. Sau đó bình được tráng lớp men bên ngoài, nung
nóng cho sành chảy ra, tô màu và mài láng. Lớp men bên ngoài vỏ bình sau khi
được nung rất bóng láng thường có màu xanh khói lam nên được gọi là “Cảnh Thái
Lam”. Ngành mỹ nghệ này xuất xứ từ Âu Châu thời xưa được gọi là “Cloisonne” và
du nhập vào Trung Quốc khoảng 500 năm về trước, thời vua Minh Cảnh (1450-1456)
rất thịnh hành để trưng bày trong hoàng cung hay làm lễ vật triều cống. Trong
xưởng này tất cả đều làm bằng tay trần, họ mài bình bằng máy có phun nước, bụi
kim loại và nước văng tung tóe mà không có kiếng đeo mắt. Du khách ngoại quốc
nhìn cảnh làm việc thiếu an toàn này với vẻ chua xót bất bình nhưng với cơ
xưởng quốc doanh này đó là niềm hảnh diện của họ về sự khéo tay, cần mẫn. Hướng
dẫn viên của hãng cho biết nhiều bình phải mất 4, 5 tháng mới xong. Ai cũng tin
điều này vì chứng kiến cảnh những chị công nhân kiên nhẫn ngồi dán từng sợi
đồng nho nhỏ như con sâu! Bước qua phòng trưng bày những sản phẩm, dưới ánh
sáng của đèn chụp trên trần rọi xuống, tất cả bình hoa, chén dĩa, đôn chậu đều
óng ánh lung linh rực rỡ. Nhưng giá cả cũng không rẻ cả trăm đô la một cái!
Nhiều người thấy đẹp, tốn quá nhiều công lao nên không tiếc tiền mà mua giúp.
Sau khi xem những tác phẩm
sành sứ mạ đồng, chúng tôi ăn trưa tại nhà hàng ngay trong xưởng. Nhà hàng quốc
doanh này chắc chỉ phục vụ cho các đoàn du lịch, phòng ăn rộng lớn mấy chục
bàn, cạnh chúng tôi là những đoàn khách du lịch người da trắng có lẽ Âu Châu
hay Canada gì đó. Ăn trưa xong khoảng 2 giờ chiều chúng tôi lên xe đi Vạn Lý
Trường Thành cách đó không xa.
No comments:
Post a Comment