CHƯƠNG
5
ÐI
MUA NGỌC THẠCH Ở BẮC KINH
Xe chúng tôi ra đến vùng ngoại ô hướng Bắc thành phố Bắc
Kinh, đây là vùng nông thôn ngày xưa có những ngôi nhà tường gạch xám , mái
ngói cong rất xưa cũ. David nói rằng kiểu nhà xưa trong vùng nông thôn người ta
gọi là gia trang là một ngôi nhà lớn có sân rộng thường lát gạch để chứa nông
phẩm như lúa mì hay bắp và xung quanh là tường gạch rất cao và một cổng trước
để vào gia trang. Tường không rào xung quanh nhà mà bắt đầu từ vách tường của
ngôi nhà kéo dài ra phía trước, nghĩa là bên hông hay sau nhà không có tường,
có lẽ để tiết kiệm gạch làm tường. Khi con cái trưởng thành, lập gia đình ra
riêng sẽ xây thêm những ngôi nhà nhỏ cũng trong sân rào đó. Cho nên trong một
gia trang có nhiều gia đình thuộc nhiều thế hệ cùng cư ngụ. Ngày nay đất đai có
giá, nên gia trang thay đổi không còn sân rộng nữa, nông dân bán đất xây nhà
lầu có khi lên tới 3, 4 tầng và chia cho con cháu cùng ở chung trong ngôi nhà
lớn đó. Bắc Kinh không thấy nhiều nhà riêng to lớn nhưng khi đi trên đường từ Hàng
Châu về Thượng Hải nhà nông dân vùng này rất to lớn và trên chóp nhà thường xây
kiểu tháp nhọn kiểu Tân Cương,Tây Tạng.
Xe chạy thêm 30 phút nữa khi gần đến vùng lăng tẩm triều
Minh cây cối xanh tươi rậm rạp, bên xa lộ có xây một pho tượng lớn hình người
cỡi ngựa. Ông Lượng Kiện cho biết đó là tượng của thủ lãnh nghĩa quân Lý Tự
Thành, người đã nổi lên chống lại vua nhà Minh là Sùng Trinh vì sưu cao thuế
nặng, nông dân đói khổ đưa đến việc kết thúc nhà Minh và dẫn đến triều đại Mãn
Châu cai trị tức là nhà Thanh. Theo lịch sử Trung Hoa, năm 1642 Lý Tự Thành là
giặc nổi lên chống triều đình và được dân chúng theo rất đông, ông ta chiếm
được nhiều thành phố và kéo quân về Bắc Kinh khiến vua Sùng Trinh phải treo cổ
tự vận trên đồi giả sơn phía sau Tử Cấm Thành. Lý Tự Thành lên ngôi vua nhưng
chẳng bao lâu bị tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế kéo quân về đánh. Lẽ ra Ngô Tam
Quế đem quân đi đánh giặc Mãn Châu là quân Thanh nhưng khi hay Sùng Trinh đã
tuẩn tiết, Ngô Tam Quế liên kết với nhà Thanh để đánh Lý Tự Thành khiến Thành
phải bỏ chạy ít lâu rồi bị dân làng giết chết. Theo “Sử Trung Quốc” của học giả
Nguyễn Hiến Lê: “Quế hy vọng sau khi đuổi được Tự Thành rồi, nhường cho nhà
Thanh một số quyền lợi nào đó thì họ sẽ lui về Mãn Châu. Không dè viên phụ
chính chú của vua Thanh bảo chưa lập lại được trật tự nên không về. Lại sai Quế
đem quân Thanh đuổi theo Lý Tự Thành đến Thiểm Tây. Trong khi đó vua Thanh mới
7 tuổi được chú (tức viên phụ chính) đưa vào Bắc Kinh, đặt lên ngai vàng.”
Có lẽ vì khi quân của Lý Tự Thành kéo về Bắc Kinh đi ngang
qua vùng lăng mộ nhà Minh đốt phá cho nên chính quyền Bắc Kinh cho xây tượng
nơi đây là ngả ra xa lộ để đi vào lăng nhà Minh. Lý Tự Thành là giặc loạn nổi
lên chống triều đình nhà Minh nhưng với cái nhìn của nhà nước Bắc Kinh thì ông
ta là anh hùng nhân dân, cầm đầu nghĩa quân chống lại chế độ quân chủ phong
kiến. Trước khi vào thăm lăng nhà Minh chúng tôi được dừng lại ở một xưởng ngọc
thạch, đó là chương trình sắp xếp của Sở Du Lịch nhằm kiếm ngoại tệ của du
khách.
VIẾNG XƯỞNG NGỌC THẠCH
Bãi đậu xe rất đông xe buýt của những đoàn du lịch khác,
chúng tôi đuợc tiếp đón và đưa vào phòng trưng bày các sản phẩm làm bằng ngọc
thạch. Một cô gái nhân viên hãng giới thiệu về ngọc thạch và ông Lương Kiện
dịch lại. Cô ta nói rằng ngọc thạch được gọi là “phĩ thúy” là một loại đá qúy
và cứng chỉ đứng sau kim cương mà thôi. Người ta dùng ngọc thạch để cắt kính và
dùng làm đồ trang sức vì màu sắc ngọc thạch sáng óng ánh. Ngọc thạch tùy theo
phẩm chất được chia làm 3 hạng A, B và C. Cô ta đưa lên một vòng đeo tay màu
xanh lá cây đậm và cho biết đây là ngọc thạch hạng A rất cứng càng đeo lâu màu
càng đậm và nên đeo bên tay trái vì gần tim, giúp tim...điều hòa nhịp đập. Cô
nói rằng hãng này rất nổi tiếng về ngọc thạch đã kinh doanh hơn 30 năm và hàng
toàn là hàng thật. Cô treo chiếc vòng bằng một sợi chỉ và bật quẹt đốt sợi chỉ
quấn quanh chiếc vòng nhưng chỉ không cháy! Cô nói vì ngọc thật nên chỉ không
cháy. Cô ta giới thiệu một chiếc gối hình hộp chữ nhật dài dài được kết bằng
hàng trăm viên đá cẩm thạch vuông vuông. Cô ta nói rằng ngủ trên chiếc gối này
sẽ an thần, chữa được bịnh đau đầu, khi ngủ chân phải ấm, đầu phải mát thì mới
tốt cho sức khỏe và chiếc gối đá này giúp cho có một giấc ngủ ngon lại còn chữa
được bịnh cao máu và tiểu đường. Cô ta giới thiệu một tượng củ cải làm bằng cẩm
thạch trắng, cô nói củ cải tiếng Phổ Thông đọc lên âm nghe giống như là “chiêu
tài” có nghĩa là “chiêu mộ tài sản”, mua về trưng bày trong nhà rất may mắn,
những người chơi mạt chược có củ cải này sẽ rất hên, đánh đâu thắng đó! Trong
đoàn có người cất tiếng: “Ai thường đi Las Vegas nên mua củ cải này mang theo.
Củ cải còn tất cả đều còn!” Cô ta nói qúy vị cứ mua nhiều đi vì hôm nay bổn
hãng sẽ giãm giá 10% cho du khách...Hoa kiều hải ngoại, những vị nào mua nhiều lại
còn đuợc tặng quà!
Vừa dứt màn giới thiệu là các bà trong đoàn nô nức, ơi ới
gọi nhau đi vào các phòng trưng bày mà xem và hỏi giá cả này nọ. Thấy tôi không
mua gì (vì biết gì mà mua) nên có bà hỏi tôi để đổi đô la ra tiền Trung Quốc vì
ở khách sạn bà đổi có 100 đô đã xài hết rồi! Tôi nói tôi đổi không được
vì...không có license đổi tiền mà chỉ cho mượn thôi nhưng cho mượn thì
phải...có lời! Bà cười cười rồi bỏ đi luôn! Vì biết trước là nói thách, các bà
cũng trả giá dữ lắm! Có nhiều chiếc vòng đeo tay đề giá 1,000 US$ các bà rất
vui mừng khi mua được có... 200$. Các bà khác khen lấy khen để nào là vòng đẹp
quá, trong Phước Lộc Thọ chắc cũng 5, 6 trăm là giá chót! Sau này đi chỗ khác,
vòng tương tự như vậy có người mua có 50$! Bà đã từng mua chiếc vòng 200$ thấy
mình đã mua hớ nhưng biết đâu vòng mình mua là đồ thật không phải đồ nhuộm, đồ sơn? Bây giờ thấy
cũng đẹp và giá quá rẻ nên lại mua thêm. Vì vậy ông Lương Kiện mới nói “Càng
mua càng hố, càng hố lại ...càng mua! Nhưng cứ mua những gì mình thích để sau
này khỏi hối tiếc những gì mình thích mà không mua!”
Du lịch Trung Quốc thường hay kèm theo màn đưa vào các cửa
hàng cẩm thạch, ngọc trai, tranh vẽ, tranh thêu, đồ xứ, lụa mền...và Tour của
chúng tôi lần lượt cũng đi qua hết các cửa hàng đó. Cẩm thạch thì qua 3 cửa
hàng, một Bắc Kinh như kể trên, một ở Lạc Dương gần chùa Thiếu Lâm Tự và một ở
Hàng Châu. Ðó là chính sách của nhà nước nhằm thu ngoại tệ của du khách thông
qua các công ty du lịch. Công ty du lịch địa phương có nhiệm vụ phải đưa các đoàn
du khách đến và để đãi ngộ những hướng dẫn viên du lịch đưa đoàn đến cửa hàng
của mình nhiều công ty trao tay tiền trà nước cho các hướng dẫn viên, có nơi
còn chia hoa hồng phần trăm tùy theo số tiền cửa hàng bán được cho đoàn du
khách hôm đó. Nhà nước đặt vấn đề bán hàng cho du khách lên hàng quốc sách, nói
theo Ðặng Tiểu Bình: “Khách trắng, khách đen, miễn qua Trung Quốc là được!” nên
có nhiều Tour du lịch Trung Quốc giá rất rẻ như ta thấy quảng cáo “799$ Tour
Trung Quốc 8 ngày” hay “999$ Tour Trung Quốc 10 ngày” bao gồm máy bay khứ hồi,
khách sạn, đưa đi tham quan và ăn ngày 3 bữa trong khi nội vé máy bay đã hơn
900$ rồi! Có thể nhà nước bù lỗ và lấy lại sau vì biết rằng du khách qua Trung
Quốc thì tiêu tiền ít nhất cũng vài trăm đô và hơn phân nửa du khách xài trên
một ngàn đồng.
Hàng hóa Trung Quốc giá rất rẻ vì dân đông giá nhân
công rẻ và mẫu mã kiểu cách hợp nhản quan của người Á Ðông. Vì hết đồ mặc mà bỏ
giặt trong khách sạn rất đắt tiền nên tôi đi tìm mua quần áo. Quần áo kích
thước nhỏ nhắn nên đối với người VN khi đi mua rất dễ lựa chọn và người bán
hàng hòa nhã, kiên nhẫn chìu ý khách hàng họ sẳn sàng lên lai quần tại chỗ mà
không tính tiền thêm. Tôi cẩn thận lựa sao cho kiểu cách đơn giản không có hoa
lá cành để về còn mặc bên Cali chứ không thì người Bolsa tưởng tôi là người
Trung Quốc sang bán thuốc cao đơn hoàn tán! Có một vấn đề mà khắp nơi trên đất
nước Trung Hoa đi mua hàng đâu cũng gặp là giá cả không nhất định, người bán
thường nói thách với giá cả trên trời dưới đất mà người muốn mua cần phải biết
trả giá không thôi sẽ mua hớ và lẽ đương nhiên là mua rồi không được đổi hay
trả lại.
“DU LỊCH DÍNH CHẤU”
Theo
báo chí trong nước kể lại: Ở những thành phố thuộc các tỉnh phiá Nam Trung Quốc
sát biên giới VN như Quảng Tây, Vân Nam nổi tiếng về thuốc Bắc. Các đoàn du
lịch người Á Châu thường được đưa vào những “trung tâm y dược cổ truyền”. Sau
khi mời du khách an vị và uống trà sâm, đại diện công ty dược phòng giới thiệu
về sự nổi tiếng của công ty và những loại thuốc đặc chế của dược phòng như thuốc trị cao máu, cao mỡ, tiểu đường,
viêm gan, yếu thận, đau bao tử, nhức mõi, đau khớp xương, tăng cường trí
nhớ...toàn là những bệnh mà người cao tuổi thường gặp phải. Du khách sẽ được
các cô mời ngâm chân trong chậu nước nóng pha dược liệu thơm mùi thuốc Bắc và
một ông y sĩ mặc áo blouse trắng cầm tay bắt mạch. Sau vài phút xem mạch thì
người nào cũng đều có bệnh và được ông y sĩ kê toa. Khi hốt thuốc thì giá mỗi
thang đều xấp xỉ gần trăm đô la và muốn hết bịnh phải uống 5 thang trở lên! Còn
những hộp thuốc đã bào chế sẳn, rẻ nhất cũng phải vài chục. Nhiều người nể tình
vì cung cách tiếp đãi nên cũng mua vài hộp thuốc bổ loại rẻ nhất. Báo Người Lao
Ðộng tường thuật đoạn cuối như sau:
“Anh
Đ. trong đoàn không hiểu vì sao lại trở nên âm thầm, ít nói cười hơn mọi bữa!
Té ra anh lặng lẽ khám phá cái điều mà không một ai trong đoàn để ý và không
một ai mong điều tồi tệ ấy xảy ra? Anh mang hộp thuốc “Quy Lộc Bổ Thận Hoàn” đã
mua giá 300.000 đồng VN có công dụng chữa thận, gan suy thoái, đau lưng, mỏi
gối... vào Nhà thuốc Khâm Hải Đường, đối diện siêu thị Bách Hội hỏi cô nhân
viên bán thuốc nói rất sõi tiếng Việt về giá thuốc. So sánh hai hộp thuốc cùng
tên, một của Đức Nhân Ðường, một của nhà thuốc Khâm Hải Ðường thì thấy bao bì
mẫu mã, số đăng ký y tế quốc gia... không có gì khác. Thuốc thật nhưng giá
chênh lệch nhau đến 20 lần! Giá hộp thuốc “Quy Lộc Bổ Thận Hoàn” ở nhà thuốc
bán chỉ có 15.000 đồng VN! Anh Đ. gọi vài người trong đoàn cùng vào nhà thuốc
kiểm chứng, đối chiếu, so sánh giá một vài loại thuốc khác thì thấy thuốc mình
đã mua đều có giá cao, gấp từ 15 đến 20 lần giá thuốc ở Khâm Hải Ðường! Trong
đoàn bắt đầu râm ran chuyện mua phải giá thuốc... chót vót phát khiếp, phát
tức! Có người xâu chuỗi các sự kiện lại để chứng minh rằng mình đã bị... gài thế:
Tại sao phải vào nghe giới thiệu dược liệu trước, tại sao cô hướng dẫn viên lại
hào phóng chiêu đãi món gà hấp cho đoàn ăn trưa...
Có
người lẳng lặng... gặm nhắm nỗi đau bị hớ mà không hề hé miệng. Thiệt là “có
những niềm riêng một đời câm nín”! Có người nổi nóng rủa thành tiếng cô hướng
dẫn viên chơi ác, các thầy thuốc Trung Quốc ở Đức Nhân Ðường chẳng phải...
lương y! Số đông đề nghị tôi phải... lên tiếng để giúp bà con mình có sang du
lịch Đông Hưng thì tránh sa vào bẫy của những kẻ làm ăn gian dối, ma mãnh đã
cấu kết nhau hưởng lợi trên những đồng tiền cắc ca cắc củm của những viên chức
thu nhập thấp, người lao động nghèo thích du lịch đó đây rất thật thà, nhẹ
dạ...
Hôm
sau, vào chợ trung tâm Móng Cái, Quảng Ninh, thấy bà con người Việt mình du lịch
chuẩn bị sang Đông Hưng, không ai bảo ai, nhiều người trong đoàn chúng tôi đều
nhắc bà con phải đề cao cảnh giác khi vào Đức Nhân Ðường và nếu có mua hàng gì
ở chợ thì nhớ trả giá thật thấp kẻo... dính chấu!”
Trung Quốc hiện nay có một nền kinh tế phát triển nhanh
nhứt thế giới, đã cải tiến về nhiều mặt nhưng trong ngành du lịch còn hai vấn
đề “bức xúc” mà khi đi Trung Quốc về nhiều người vẫn than phiền là nhà vệ sinh
vẫn...mất vệ sinh và hàng hóa vẫn còn nói thách. Cùng một món hàng nhưng có
nhiều giá khác nhau! Có lẽ đó là chỉ thị của nhà nước: “Cứ nói giá cao, bán
được thì tốt, nếu không thì giá nào có lời là bán!”
No comments:
Post a Comment