Pages

Powered By Blogger

Thursday, September 26, 2013

Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 14)
NAPLES, MIỀN NAM NƯỚC Ý
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Naples (tiếng Ý gọi là Napoli) là thủ đô của vùng Campania nước Ý. Đây là thành phố hải cảng với khoảng 1 triệu dân là thành phố lớn thứ 3 của Ý sau Rome và Milan và lớn nhất ở miền Nam nước này. Naples nằm giữa hai vùng núi lửa là Vasuvius và Phlegraean Fields. Thành phố được thành lập vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên bởi người Hy Lạp và được đặt tên là Neápolis có nghĩa là “Thành Phố Mới”.



Với một thủy trình khá dài 348 hải lý từ Genoa đi Naples, mãi tới 11 giờ sáng ngày Thứ Hai 27-5-2013 du thuyền MSC Preziosa mới cập bến Naples (các nơi khác thường thì 7, 8 giờ sáng là cập bến rồi). Bến tàu ngay tại thành phố nên từ trên tàu ở nhà hàng Buffet tầng thứ 14 chúng tôi có một tầm nhìn rất đẹp xuống hải cảng và trong thành phố. Nhà cửa ở đây toàn là dinh thự lầu cao và sơn nhiều màu sặc sỡ như vàng, xanh, tím đủ mọi loại kiến trúc từ cổ xưa thế kỷ 18, 19 cho đến những cao ốc tân thời ngày nay. Những dãy núi xanh bao bọc phía Bắc và núi lửa Mt.Vasuvius với hai đỉnh cao nằm ở hướng Đông cách Naples 9 km. Đây là vùng núi lửa duy nhất ở lục địa Tây Âu và nổi tiếng trong lịch sử là vào năm 79 sau Công Nguyên đã bùng nổ thiêu rụi và chôn vùi hai thành phố của đế quốc La Mã thời ấy là Pompeii và Herculaneum. Lần phun cuối cùng vào năm 1944, hiện núi lửa đã tạm ngủ yên nhưng không biết sẽ bùng nổ hoạt động trở lại bất cứ lúc nào và là mối đe dọa vùng ngoại ô Naples dân cư rất đông đúc.

Chúng tôi rời tàu vào thăm thành phố Naples vốn được biết như nhiều rác rến và băng đảng Mafia hoạt động nhưng với tôi sau khi thăm qua thấy nơi đây cũng bình thường như nhiều thành phố Âu Châu khác. So với Genoa mới ghé hôm qua thì Naples lượng lưu thông như xe hơi, xe gắn máy khá đông đảo, nạn kẹt xe và bộ hành khó băng qua đường. Genoa vắng vẻ còn nơi đây người đi tấp nập và buôn bán sầm uất nhất là ở trung tâm thành phố gần bến tàu vì đây là khu phố cổ nên đường xá nhỏ hẹp nhưng cửa hàng buôn bán ăn uống rất đông.

THÀNH TRÌ CỔ CASTEL NUOVO

Từ trên tàu đã thấy cổ thành đen đúa sừng sững ngự trị ở phía Tây bến tàu. Sau khi ra khỏi nhà ga bến cảng tân tiến sạch sẽ chúng tôi tiến về hướng cổ thành. Cổ thành hình vuông có 4 tháp canh tròn ở 4 góc với nhiều lỗ châu mai để đặt súng. Tường thành rất cao bằng đá đen Sandstone, xung quanh là hào sâu nhưng không có nước và cửa ra vào ở mặt phía Tây thông với mặt đường bằng một chiếc cầu. Về lịch sử cổ thành thì trước khi vua Carlo I of Anjou lên ngôi năm 1266, thủ đô vương quốc Naples đặt ở Palermo trên đảo Sicily và ở Naples chỉ có hoàng cung Castel Capuano là nơi vua trú ngụ khi đến thăm nơi đây. Khi dời đô về Naples nhà vua ra lệnh xây thành trì mới không xa biển để canh chừng hải cảng và có sân rộng bên trong. Công việc được giao cho một kiến trúc sư người Pháp khởi công vào năm 1279 và hoàn tất 3 năm sau đó. Lâu đài thời Trung Cổ này từng là nơi diễn ra nhiều biến cố lịch sử như năm 1294, Giáo Hoàng Celestine V từ nhiệm và sau đó hồng y đoàn đã bầu giáo hoàng mới là Boniface VIII lên thay thế trước khi  chuyển về Rome để thành lập toà thánh Vatican.



Thành cổ có tên Castel Nuovo tức “New Castle” (thành mới) hay còn được gọi là Maschio Angioino (nhà của vua Anjou) là danh thắng cũng là biểu trưng (landmark) của thành phố, nay đã 800 năm nhưng vẫn còn kiên cố vững chắc vì đã được tu bổ và nới rộng nhiều lần. Đứng ngoài cửa chính nhìn vào bên trong sân thành vắng lặng, một vài khẩu thần công bằng đồng và một số viên đạn tròn như trái banh nằm ở trên sân lát đá. Ở cửa có tấm bảng cho biết đây là nhà bảo tàng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật thời Trung Cổ như tranh tượng, vật dụng của hoàng gia với giá vào cửa là 6 Euros nhưng không thấy ai vào xem và ông bán vé thản nhiên ngồi xem báo không buồn chào mời chúng tôi! Thấy vắng vẻ chắc không có gì hấp dẫn nên chúng tôi chụp hình xong bèn rút lui rời thành cổ đi xem nơi khác.

THƯƠNG XÁ CỔ GALLERIA UMBERTO I

Tiến lên hướng Bắc một đoạn đường ngắn là tới quảng trường có nhiều kiến trúc cổ nguy nga đồ sộ đó là nhà hát Opera San Carlo được khánh thành năm 1737. Đối diện bên kia đường một kiến trúc khác đường nét cầu kỳ với nhiều hoa văn tượng đá trên mặt tiền, trên cao nhất có hàng chữ “Galleria Umberto I”. Đây là thương xá được xây trong khoảng 1887 đến 1891 trong chương trình phục hồi thành phố kéo dài nhiều thập niên có tên là Risanamento có nghĩa “making healthy again” cho đến trước Thế Chiến Thứ Nhất. Thương xá lấy tên vị vua đương thời lúc đó là Umberto I và do Emanuele Rocco họa kiểu cùng với nhiều kiến trúc sư khác. Thương xá là nơi gặp gỡ của dân chúng bao gồm các cửa hàng thương mại, nhà hàng, quán cà phê và chung cư apartments trên tầng thứ ba. Thương xá có kiến trúc hình chữ thập, mái nhà cong hình vòm (dome) lợp bằng kính trong suốt nhìn thấy bầu trời. Bốn cánh thương xá nhìn về bốn phương và cửa chính hướng về thủ đô Roma tức hướng Tây ra sẽ đụng đường Via Toledo.



Vào bên trong chan hòa ánh nắng ban mai từ bên trên đổ xuống trên sàn đá hoa cương bóng loáng như vào một thánh đường hơn là nơi buôn bán vì không có mấy cửa hàng nơi đây. Có vài nhà hàng bán Pizza, quán cà phê, tiệm tranh còn hai tầng trên lầu vắng ngắt! Thương xá cổ xưa kiến trúc rất đẹp nhưng thương mại không phồn thịnh, không biết vì lý do gì? Phải chi thương xá Phước Lộc Thọ ở Little Saigon được như vầy thì hay biết mấy! Người đẹp nhiều khi cũng khó kiếm chồng!

CON ĐƯỜNG MUA SẮM VIA TOLEDO

Ra khỏi thương xá ở cửa Tây thì gặp ngay con đường lát đá người đi tấp nập và phố xá cao ốc hai bên có vẻ nguy nga cổ kính. Tìm bảng tên đường mới biết là Via Toledo là con đường rất cổ xưa của thành phố Naples được kiến tạo năm 1536 bởi Phó Vương Tây Ban Nha tên Pedro Álvarez de Toledo. Phó Vương (Viceroy) là người thay mặt vua để cai trị một vùng vì thời ấy Naples là thuộc địa của Tây Ban Nha. Con đường ngày nay vẫn mang tên Phó Vương Toledo chắc hẳn ông cũng có công lao với người dân Naples và khu vực này được gọi là Khu Tây Ban Nha (Spanish Quarter). Con đường dài gần 1.2 km chạy theo hướng Nam Bắc từ quảng trường Piazza del Plebiscito cho tới quảng trường Piazza Dante.

Những cửa tiệm nơi đây là phố một căn, trên lầu có thể là văn phòng hoặc là chung cư apartment, bên dưới bán hàng. Đủ mọi mặt hàng như đồng hồ, nữ trang, kính mắt, điện tử, vi tính, quần áo, có những tiệm may đồ vét đo kích thước và vài hôm đến lấy giống như ở Việt Nam. Đây là con đường mua sắm chính của thành phố nhưng những món hàng ở đây có tính cách bình dân, giá cả rẻ hơn so với khu mua sắm Via Chiaia đi từ quảng trường Piazza del Plebiscito về hướng Tây.

Đi lên hướng Bắc một chút có những con hẻm, cửa hàng nhỏ hơn, tôi mua được một sợi dây nịt da đề là Made in Italy nhưng chỉ có 5 Euros. Dây hơi dài, ông bán hàng tháo đầu dây ra cắt bớt một đoạn và bấm lỗ mới cho vừa vòng bụng. Sẵn dịp tôi nhờ ông bấm một lỗ mới ở dây nịt tôi đang dùng vì mấy hôm rày vòng bụng to ra (không biết bây giờ mấy tháng rồi hỡi…em!). Ông vui vẻ làm mà không tính thêm tiền công. Chúng tôi tiếp tục theo con hẻm vì thấy bán buôn tấp nập, có những hàng rau, trái cây, hàng thịt người ta treo những con heo sữa hoặc dê trừu trông hơi ghê rợn. Lại có những cửa hàng Pizza, bánh mì, bánh ngọt bày biện xem ngon lành vui mắt. Cũng cần nói thêm thành phố Naples là nơi khai sinh ra bánh Pizza, Pizza nguyên thủy rất đơn giản phía trên mặt bánh chỉ có phó mát (cheese) và cà chua bầm nhỏ chứ không có thịt thà xúc xích, nấm tươi, ớt bị như ở Mỹ. Thấy nhiều người ăn một chiếc bánh tròn như bánh tiêu nhưng to hơn, tôi mua một chiếc giá 1.5 Euros rất ngon, dòn và thơm mùi phó mát như Pizza và bên trong lại có nhân thịt “ham”, không biết tên bánh là gì?



Chúng tôi đi nửa con đường Via Toledo đến ngã ba gặp đường Via Cesare Battisti thì theo đường này rẽ hướng Đông Nam để tìm địa điểm Internet như người ta chỉ. Tìm gặp hóa ra là một trạm như bưu điện làm dịch vụ gởi hàng và có vài máy vi tính. Nhân viên ở đây gồm hai người đàn ông lớn tuổi chắc là công chức, tiếng Anh không thạo, bắt điền nhiều chi tiết như tên họ, địa chỉ, số điện thoại mới cho sử dụng Internet. Nhưng bật lên toàn là tiếng Ý, phải đoán mò mới vào được Email của mình! Khi trả lời Email cũng trật vuột vì bàn đánh chữ (keyboard) có dấu nhưng là dấu tiếng Ý! Thật chán nản không thể tả, tiền không bao nhiêu nhưng mất thời giờ lại không được việc! Sau đó trở về bến tàu, gặp được tiệm Internet có WiFi. Lên tàu đi ăn trưa, ngủ một giấc ngắn xong mang Ipad trở lên tiệm Internet gặp cô gái Ý trẻ tiếng Anh như gió và vào mạng nhanh chóng bằng tiếng Anh, sử dụng ngon lành. Cô ta còn tặng cho một chai nước lạnh, thật…mát cả lòng!

VÀI DÒNG LỊCH SỬ THÀNH PHỐ NAPLES

Naples là một trong những thành phố xưa nhất trên thế giới liên tục có người ở. Từ thời đại Đồ Đồng hai ngàn năm trước Công Nguyên người Hy Lạp đã định cư tại đây và họ đem nền văn hóa Hy Lạp vào cộng đồng người La Mã để làm thành văn hoá La Hy. Khi đế quốc La Mã phía Tây suy tàn, Naples vẫn đứng vững như thủ đô của vương quốc Naples từ 1282 cho đến 1816. Sau đó kết hợp với đảo quốc Sicily trở thành thủ đô của hai nước cho đến khi thống nhất vào nước Ý Đại Lợi vào năm 1861.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) thành phố Naples bị dội bom nhiều nhất trên nước Ý vì hầu hết các kiến trúc được xây dựng trong thế kỷ 20 đều do chính quyền phát xít của nhà độc tài Mussolini thực hiện. Sau thế chiến thành phố tái thiết nhanh chóng và mở mang mạng lưới giao thông tân tiến như đường hỏa xa cao tốc Alta Velocità nối với thủ đô Roma và Salerno, mở rộng thêm mạng lưới xe điện ngầm bao phủ hơn nửa khu vực trung tâm và ngoại ô. Thành phố Naples có nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong những thập niên gần đây mặc dù mức thất nghiệp vẫn còn cao như hiện nay. Với hải cảng là một trong những hải cảng quan trọng nhất Âu Châu và hạng nhì thế giới về số lượng hành khách chỉ sau Hồng Kông, Naples có nền kinh tế đứng hạng tư nước Ý sau Milan, Rome và Turin. Nhiều công ty lớn của Ý đặt bản doanh tại đây trong đó có hãng du thuyền MSC.

Naples có chiều dài lịch sử 2,800 năm còn lưu lại nhiều di tích, kiến trúc qúy giá nhất là khu trung tâm thành phố là khu phố lịch sử cổ xưa lớn nhất Âu Châu trải rộng trên diện tích 1,700 hectares (4,200 acres) được Liên Hiệp Quốc xếp vào Di Sản Thế Giới. Vì vậy Naples là trung tâm du lịch hàng năm thu hút du khách về thăm viếng rất đông. Ngoài ra gần Naples còn có những thành phố biển nhà cửa xây cheo leo trên những vách núi như Sorrento, nổi tiếng qua bản nhạc “Come Back To Sorrento” mà nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang lời Việt với tựa đề “Về Mái Nhà Xưa”. Cũng phía Đông của thành phố còn có núi lửa Vesuvius với thành phố Pompeii còn lưu lại những di tích do núi lửa tàn phá vào năm 79 sau Công Nguyên. Tất cả tạo sự tò mò khám phá cho du khách mỗi lần ghé thăm Naples và thành phố còn là quê hương của minh tinh màn bạc núi lửa Sophia Loren mặc dù…xuân xanh nay đã tới tuần tám mươi. Đất núi lửa trồng cái gì cũng to cũng lớn, ở đây thấy trái chanh to bằng trái bưởi.


Những tua du lịch phải trả tiền thêm do tàu MSC Preziosa tổ chức hôm nay khi tàu ghé bến Naples là những tua đi thăm núi lửa Vesuvius, thăm thành phố Pompeii và Sorrento, thăm đảo Capri và thăm trung tâm phố cổ Naples. Là những tua du lịch rất đáng tham gia nhưng tôi chưa tới thăm Naples lần nào và đây là lần đầu tiên nên tôi phải đích thân khám phá Naples trước đã, lần sau nếu còn duyên tái ngộ chắc tôi sẽ thăm những nơi vừa kể.
Ký Sự Du Lịch Tây Âu (Bài 13)
GENOA, HẢI CẢNG CỔ XƯA NƯỚC Ý
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Genoa là thủ đô của vùng Liguria và là thành phố lớn thứ sáu của nước Ý Đại Lợi (Italia) với dân số khoảng 600 ngàn người. Genoa là một hải cảng nằm bên bờ Địa Trung Hải được thành lập từ thời cổ đại xa xưa, thành phố có biệt danh là “La Superba” tiếng Ý có nghĩa là “The Superb One” vì lịch sử huy hoàng và những kỳ quan kiến trúc lộng lẫy gây khó quên cho khách du mỗi lần ghé thăm.

Sáng ngày Chủ Nhật 26 tháng 5, 2013 lúc 7 giờ còn đang chập chờn cơn tỉnh cơn mê trên du thuyền MSC Preziosa thì nghe những tiếng động mạnh và con tàu lắc lư vài cái. Biết là tàu đã cập bến và va chạm vào vách của bến cảng. Thủ tục cập bến bao giờ cũng có một chiếc ca nô chở hoa tiêu (pilot) ra tàu khi tàu còn chờ ở ngoài xa. Sau đó hoa tiêu lên tàu và hướng dẫn thuyền trưởng lái tàu đi đúng theo tuyến đường để vào cảng. Tuyến này phải sâu không có chướng ngại vật và thường được đánh dấu bằng hai hàng phao hiệu có đèn vào ban đêm.



Rửa mặt thay đồ nhanh, quơ máy chụp hình chạy lên boong ở tầng 14 để xem bến cảng Genoa tân tiến như thế nào và thành phố lộng lẫy ra sao vì đây là lần đầu tiên đặt chân đến hải cảng nước Ý này? Nhìn xuống bến cảng rất ngăn nắp sạch sẽ, bên cạnh là một dãy nhà dài có lẽ khi xưa là kho hàng hóa để chờ lên xuống tàu, ngày nay là nhà ga hành khách làm thủ tục lên tàu. Đây là bến cảng riêng của hãng du thuyền Ý MSC, chiếc tàu chúng tôi đang đi là chiếc Preziosa được đóng ở Pháp theo đơn đặt hàng của con trai đại tá Gaddafi. Cách Mạng Hoa Lài trong thế giới Hồi Giáo bùng lên, đại tá ra đi không thấy hẹn ngày về và du thuyền được MSC mua lại với giá 550 triệu Euros (715 triệu USD) và đưa về Genoa. Vào một đêm tháng 3, 2013 trong khi pháo bông rực rỡ bến cảng này thì nữ tài tử Sophia Loren đã đập chai Champagne khánh thành tàu Preziosa. Hôm nay trùm sò tư ếch như tôi được đặt chân lên du thuyền hoành tráng lộng lẫy mang tính chất lịch sử như thế này cũng nhờ Cách Mạng Hoa Lài. Thứ Tư 29-5-13 tới đây tôi cũng lại đặt chân đến thủ đô Tunis của Tunisia cái nôi xuất phát Cách Mạng Hoa Lài, cũng lại một sự may mắn kỳ thú khác nữa. Thật là một chuyến đi có nhiều cơ duyên trùng hợp được đi đến nhiều địa danh mang tính cách lịch sử hiện đại, một chuyến đi phải nói là đáng đồng tiền bát gạo!

Trở lại với thực tế trên boong tàu nhìn xuống thành phố Genoa, phải nói là huy hoàng tráng lệ hay văn chương hiện đại gọi là “hoành tráng”. Thành phố chi chít hàng vạn dinh thự, nhà lầu mái ngói đỏ kéo dài đến rặng núi xanh bao quanh thành phố ở hướng Bắc. Vài giáo đường cổ tháp chuông cao vượt lên trên nền trời xanh mây trắng. Từ thời cổ xưa người ta đã chọn thành phố được bao bọc bằng những dãy núi là những tường thành thiên nhiên ngăn giặc Bắc phương đến cướp phá. Nhờ đó thành phố còn giữ được những kỳ quan kiến trúc là những di tích lịch sử tuổi đời cả nhiều trăm năm.

ĐI VIẾNG THÀNH PHỐ

Sau khi ăn sáng Buffet cũng trên tầng 14, chúng tôi xuống tàu đi vào thành phố. Ở cửa kiểm soát du khách rời tàu, hỏi nhân viên du thuyền từ bến cảng đi vào trung tâm thành phố bao xa? Anh ta nói rất gần, 20 phút đi bộ. Nhà ga bến cảng du thuyền MSC như một thương xá với nhiều cửa hàng đồ kỷ niệm, quần áo, nón dù, kính mát, nước nôi bánh kẹo v.v…Mặt tiền nhà ga bến cảng theo kiến trúc cuối thế kỷ 19 nhiều đường nét hoa văn với hàng chữ Ý bên trên “Stazione Marittima” tôi đoán có nghĩa là “Bến Tàu” chắc cũng không sai? Nếu không đúng xin các nhà chữ nghĩa sửa dùm, xin đừng mắng mỏ “dịch tầm bậy tầm bạ”, muôn vàn đa tạ.

Dọc theo bờ biển về hướng phải (Đông) phía trên cao là xa lộ, dưới là đường bộ hành với các hàng quán như chợ trời bán quần áo, giày dép, nón dù, ví bóp đa số là hàng Trung Quốc với giá năm mười đồng một món. Có những anh chàng da đen bán tranh ảnh, tượng gỗ thổ sản các xứ Phi Châu và bóp xách phụ nữ hàng giả. Dưới bến tàu ngoài những du thuyền ca nô, tàu kéo, thấy có một chiếc tàu lặn và đặc biệt bắt mắt hơn hết là một thuyền hải tặc màu đen cũ kỹ, du khách thường đứng lại chụp hình. Chiếc tàu hải tặc này được đóng để nhà làm phim Roman Polanski thực hiện cuốn phim “Pirates” vào những năm 1980. Bên cạnh đó là hồ nuôi cá Aquarium Genoa rất nổi tiếng, là Aquarium lớn thứ nhì ở Âu Châu, thấy người ta sắp hàng vào mua vé rất đông. Vì chỗ đông người tập trung nên có vài xe cảnh sát đậu ở đây giữ trật tự.



Bên kia đường là ngôi nhà Palace of St. George được xây bằng đá trắng vào năm 1260 với bức tranh hiệp sĩ cỡi ngựa vung lao đâm con quái vật. Từ đây đi về phía quảng trường để lên hướng Bắc vào trung tâm thành phố là những quán cà phê ngồi dưới hiên trên vĩa hè, những kios sách báo bán cho những vị cao niên hàng ngày vẫn còn đọc báo giấy.

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ST. LAWRENCE



Hôm nay là ngày Chủ Nhật, tín đồ Thiên Chúa Giáo phải đi lễ nên chúng tôi hỏi một ông đi đường nhà thờ ở đâu? Ông ta chỉ tay hướng phía trước và khi chúng tôi tới đó là một nhà thờ nhỏ nhưng rất cổ kính thì thánh lễ vừa tan, tín hữu tản mác ra về. Tìm đến nhà thờ chính toà là Vương Cung Thánh Đường St. Lawrence cũng vắng lặng, phải đến chiều mới có lễ. Chúng tôi vào bên trong trước là đọc vài kinh thay thế thánh lễ sau là viếng cảnh vì đây là một di tích rất lâu đời. Thánh đường St. Lawrence (tiếng Ý gọi là San Lorenzo) là nhà thờ chính tòa giáo phận Genoa hiện nay được xây xong vào thế kỷ 17 theo kiểu kiến trúc Romanesque-Renaissance với hai tháp chuông hai bên khác nhau. Phần mái vòm bên trong là những tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ nổi tiếng vẽ những truyện tích tôn giáo từ thời Trung Cổ bị hư hại phai mờ được tôn tạo lại trong khoảng năm 1894 đến 1900. Đây là những họa phẩm qúy báu, rất may trong trận pháo kích từ tàu chiến Anh tên HMS Malaya vào ngày 9 Tháng 2, 1941 nhà thờ không hư hại bao nhiêu vì các thủ pháo trên tàu định vị không chính xác. Đệ Nhị Thế Chiến Ý nằm trong liên minh Trục gồm Nhật Đức Ý nên bị quân Đồng Minh Anh Mỹ Nga đánh. Một trong những bức tranh tường nổi tiếng trong nhà thờ là bức tranh “Cuộc Tử Đạo Của Thánh Lawrence’ của họa sĩ Lazzaro Tavarone (1556-1641) ông là người Genoa thuộc trường phái Phục Hưng. Ông cũng có vẽ cuộc đời của nhà thám hiểm Columbus cũng người quê Genoa.

QUẢNG TRƯỜNG PIAZZA DE FERRARI

Tiếp tục rảo bước về hướng Đông là đến quảng trường Ferrari là quảng trường chính của thành phố. Giữa quảng trường là bồn phông tên nước tròn như ở bồn binh Nguyễn Huệ Sài Gòn, phông tên nước này có từ thời xa xưa nay được phục hồi trở lại. Hôm nay khi chúng tôi đến bồn nước lại đang tu sửa sao đó nên khô queo không thấy một giọt nước nào. Sáng Chủ Nhật quang cảnh nơi đây vắng vẽ rất ít xe cộ lưu thông. Phía Tây quảng trường là nhà hát thành phố đang có một đội nhạc kèn đồng đứng trước nhà hát chơi những bản nhạc Ý trong đó có bản quen thuộc mà tôi biết là bản “Come Back To Sorento”. Sorento là thành phố biển nằm gần Naples mà du thuyền sẽ đến vào ngày mai. Sau đó ban nhạc bắt đầu đi tuần hành trong thành phố, chỉ còn nghe tiếng nhạc văng vẳng từ xa.

Nhà hát thành phố Genoa tiếng Ý gọi là “Teatro Carlo Felice” dùng để trình diễn những buổi hòa nhạc, hát thính phòng (recitals), nhạc kịch (opera) và vũ ballet. Hí viện này được xây từ năm 1826 và chứa được 2,500 khán giả. Hí viện lấy tên Carlo Felice (tên Pháp là Charles Felix) (1765-1831) có thời làm vua đảo quốc Sardinia từ 1821 đến lúc băng hà, trước đó cha ông cũng là vua Sardinia. Hí viện bị tàu Anh quốc pháo kích ngày 9 Tháng 2, 1941 làm nóc bị thủng một lỗ lớn, sau đó 1943 bị dội bom làm cháy sân khấu và dân hôi của lẻn vào cạy những vật trang hoàng bằng kim loại mang đi bán sắt vụn khiến hí viện huy hoàng ngày nào trở thành ngôi nhà trơ xương ngay cả nóc cũng không còn. Sau Đệ Nhị Thế Chiến việc tu sửa được nhanh chóng tiến hành nhưng nhiều dự án bị bác. Mãi đến Tháng Sáu năm 1991 hí viện mới chính thức hoạt động với rạp chính có 2,000 ghế và phòng họp có 200 ghế.



Phía Đông quanh quảng trường Ferrari là những dãy nhà lầu 3, 4 tấng kiểu cổ xưa thế kỷ 19 hiện là những cửa hàng bán đồ hiệu nổi tiếng, tầng trên là văn phòng các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và những công ty lớn. Quảng trường Ferrari là trung tâm tài chính lớn của Ý ngang hàng với thành phố Milan là thành phố lớn thứ nhì của nước Ý. Ở quảng trường còn có nhà ga xe điện ngầm Genoa Metro gồm vài tuyến đường nối trung tâm thành phố với vùng ngoại ô Rivarolo Ligure và tuyến ngắn lên hướng Tây Bắc, tất cả chỉ dài 5 km với đường rây khổ tiêu chuẩn 1.435 mét.

Gần quảng trường có quán ăn McDonald’s tôi cần đến để vào mạng WiFi, chờ 11 giờ trưa quán mới mở cửa. Vào mua phần ăn trưa 3 thứ hamburger, khoai chiên, nước ngọt giá 5 Euros nhưng vào không được vì mạng Internet nơi đây chỉ nhận các máy tính bảng (tablet) của khối Liên Âu mà thôi! Tôi thì xài Mini Ipad mua ở California, mở máy vào WiFi Connection thì bị từ chối. Thôi thì đi tìm nơi khác vậy!

Thấy phía Tây có hai pháo đài cao kiểu thời Trung Cổ, chúng tôi đi bộ lên dốc tìm đến xem, qủa đúng đó là cửa của bức tường thành xây vào thế kỷ 17 mà dân địa phương gọi là “Porta Soprana”. Cũng tại nơi đây thời La Mã là bức tường thành cổ nay đã mất dấu. Gần đây là ngôi nhà tương truyền rằng Christopher Columbus sinh ra và lớn lên tại đây. Từ đây chúng tôi đi vào những hẻm nhỏ theo dốc xuống tìm đường trở lại bến tàu. Những con hẻm lát đá dân địa phương gọi là “Caruggi”, hai bên là hai dãy nhà lầu cao có lẽ được xây cả trăm năm, nhiều căn người ta phơi quần áo trên những mái hiên trên lầu. Thú thật đi trong những hẻm nhỏ trong thành phố lạ này thấy hơi sờ sợ vì rất vắng vẽ, lâu lâu mới thấy một cụ bà chống gậy hoặc là một phụ nữ son phấn trong chiếc váy ngắn chỉ vừa đủ che đúng theo luật thành phố. Cứ theo dốc xuống thế nào cũng tới bờ biển mặc dù nhiều nơi con hẻm chấm dứt, phải vào những con hẻm khác cùng hướng. Cuối cùng cũng gặp xa lộ nằm trên cao chạy dọc theo bờ biển và chúng tôi băng ngang qua con đường nằm dưới xa lộ để trở ra bến tàu.

Bến tàu nơi đây là “Bến Cảng Cũ” (Old Port) có những bãi trống chắc ngày xưa là kho hàng nay bị phá bỏ biến thành công viên. Trưa Chủ Nhật dân chúng thành phố đưa trẻ con ra chơi rất đông với những trò chơi miễn phí như đánh đu, cầu tuột. Có những đoàn thể thanh thiếu niên ra tổ chức các trò chơi cộng đồng cho trẻ con cũng rất vui tươi nhộn nhịp. Cũng đã mỏi chân nên chúng tôi ngồi băng nơi đây nhìn trẻ con Ý chơi đùa, quan sát cảnh những gia đình trẻ đưa con cái ra đây chơi trong ngày cuối tuần. Cách ăn mặc quần áo giày vớ mới tinh sạch sẽ không khác gì dân chúng Mỹ. Nhìn thấy một quán cà phê Internet chúng tôi vào ngồi nơi chiếc bàn kê ngoài sân và gọi một cà phê nóng. Anh chàng chạy bàn trẻ tuổi mang ra một tách Expresso nhỏ như một chung rượu đế nhưng nhấp một hớp nhỏ thấy đắng còn hơn thuốc Bắc. Tôi vào được Internet, đọc và trả lời Email, xem lại trương mục ngân hàng, đọc tin tức Bolsa xem có gì lạ không? Gọi anh chàng tính tiền cà phê, chỉ 2 Euros không thuế má gì cả. Tôi giữ hóa đơn làm kỷ niệm và đánh giá quán cà phê Ý này hơn hẳn McDonald’s. Chúng tôi kết thúc cuộc chơi phố Genoa và thơ thẩn cất bước trở về tàu.




Thành phố hải cảng Genoa là một địa điểm du lịch rất đáng ghé thăm với nhiều kiến trúc thuộc hàng di tích lịch sử, ngoài những nơi tôi vừa đi qua bên ngoài hải cảng còn có ngọn hải đăng Lanterna được xây cả ngàn năm trước. Hải đăng cao 117 mét vẫn còn hoạt động, tàu thuyền cách 30 km vẫn nhìn thấy được ánh đèn và là hình ảnh biểu trưng cho Genoa. Ngoài ra thành phố còn sở hữu nhiều kho tàng nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực, món đặc trưng là Pesto Sauce để ăn với các loại mì Pesta mà dân Ý dùng hàng ngày. Pesto Sauce được làm bằng rau quế basil, hạt walnut, tỏi, phó mát Parmesan nghiền nát và trộn với dầu olive thêm muối và tiêu. Chỉ biết các vật liệu pha chế còn cách thức làm, người viết không bảo đảm vì nấu món nào ra tro món đó, tốt nhất là mua ở chợ Mỹ, thấy Stater Bros có bán Pesto Sauce này.
KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 12)
LÀNG BIỂN CASSIS GẦN MARSEILLE
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Cách Marseille 20 km (12.4 miles) về hướng Đông, Cassis là địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp có những vịnh nước sâu, trong vắt chung quanh là vách đá trắng mà người Pháp gọi là những “Calanques”. Du khách từ trên ghềnh đá cao có thể phóng mình xuống nước hoặc chèo thuyền ngắm từng đàn cá dưới đáy nước. Ngoài những vịnh nước trong nơi đây còn có những bãi biển cát trắng thu hút rất đông du khách về đây tắm nắng, bơi lội trong những tháng Hè. Cassis còn là một bình nguyên hoa lá xanh tươi với những vườn nho làm rượu vang rất nổi tiếng, những ruộng rau cải hoa mầu và những đồi Olive trên sườn núi.



Gần Cassis có mũi Cap Canaille cao 394 mét (1,203 ft) là một trong những mỏm núi mà hàng ngàn năm trước các nhà hàng hải vẫn dùng làm điểm mốc để định hướng hải hành. Cũng như Cap Saint Jacques tức Mũi Vũng Tàu ở Việt Nam với hai núi lớn và nhỏ cùng với ngọn hải đăng, các nhà hàng hải định hướng để vào cảng Sài Gòn.

Sau khi ăn trưa ở Cảng Cũ (Vieux Port) thành phố Marseille chúng tôi sáu người lên xe đi về hướng Đông bằng xa lộ A50, sau đó rẽ vào đường làng để tới thị trấn Cassis. Đây là một làng quê hẻo lánh có từ xa xưa nên đường phố rất chật hẹp, khúc khuỷu vì dốc núi, đến nơi rất khó tìm chỗ đậu xe. Cuối cùng Julian bạn trai của cháu gái chúng tôi là Kim Chi cũng tìm được nơi đậu ngay trong nhà đậu xe của sòng bạc (casino) cách bờ biển vài trăm thước. Chúng tôi đi bộ xuống bến tàu, buổi trưa du khách cũng khá đông ngồi trong những nhà hàng quán nước cạnh bờ biển. Những nhà hàng này cũng chuyên về hải sản, cũng có món súp cá Bouillabaisse nhưng qua những hình ảnh trưng trước cửa tiệm, thấy món ăn nhỏ hơn và chỉ vài ba thứ cá điểm thêm vài ba con chem chép (mussels) vỏ đen. Lòng vòng các khu phố thấy có nhà hàng đề bảng hiệu tiếng Việt: Restaurant “Nguyễn Ngọc Sơn”.



Cassis hiện nay có dân số 7,793 người (2008), về lịch sử nơi này đã có người Ligures từ miền Tây Bắc Ý đến sinh sống vào khoảng 500 đến 600 năm trước Công Nguyên. Họ xây cất thành trì ở trên chóp núi Baou Redon và sinh sống bằng bắt cá, săn thú và trồng trọt. Sau đó cũng như Marseille, làng Cassis cũng có người Phoceans (Hy Lạp) đến cư ngụ và trong thời La Mã cai trị nơi đây là hải cảng tàu bè ghé bến trên tuyến đường Âu Châu sang Trung Đông và Bắc Phi. Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10, giặc rợ từ phương Bắc xăm lăng cướp phá, dân chúng phải bỏ lên núi lánh nạn và xây thành trì chống giặc. Từ 1223 thành trì trên núi trở thành lâu đài của lãnh chúa vùng Les Baux-de-Provence tức vùng Nam nước Pháp hiện nay. Hiện nay vết tích thành lũy lâu đài Cassis còn trên núi và trở thành khách sạn, đứng dưới bến cảng nhìn lên thấy rất rõ. Thế kỷ 15 Cassis thuộc lãnh thổ Counts of Provence và lãnh chúa René of Anjou hiến làng cho thành phố Marseille cai trị quản lý cho đến Cách Mạng Pháp 1789. Về kinh tế kỹ nghệ làng Cassis sản xuất khô cá, dầu olive, vải vóc, rượu vang và xi măng, đá vôi như đá dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do ở New York cũng là đá lấy từ Cassis. Hiện nay Cassis chỉ thuần là một địa điểm du lịch với nhiều khách sạn, nhà hàng rất đông khách đến nghỉ mát trong những tháng Hè ngoài ra còn sản xuất rượu nho rất nổi tiếng.

Chúng tôi lang thang xuống bến tàu, trời đã trưa nắng nóng nên các gian hàng bán hải sản đã dọn dẹp chỉ còn lại bán trái cây và các đồ kỷ niệm. Thấy các tàu đậu dưới bến chở người ra biển câu cá hay du ngoạn với bảng giá đi thăm các vịnh đá như: 3 Calanques 45 phút 15 Euros mỗi người, 5 Calanques 1 giờ 18.5 Euros và 7 Calanques 1 giờ rưỡi 30 Euros. Có nghĩa càng đi nhiều vịnh giá càng rẻ. Chúng tôi không có thời giờ để đi thăm các vịnh vì 6 giờ 30 phải trở về tàu mặc dù trên mạng du lịch bảo rằng nếu tới Cassis mà không đi thăm các Calanques thì quả là đều đáng tiếc. Có thể đi thăm thú các vịnh nước xanh từ bến Cassis hay Marseille, hoặc có thể tới thăm bằng xe hơi hay cả xe lửa đến Cassis rồi đi bộ.

Phía Nam bến tàu Cassis là bãi tắm nước xanh cát trắng rất thơ mộng hữu tình, hôm nay mùa Xuân tiết trời và nước biển còn hơi lạnh nên không thấy ai xuống tắm mặc dù trên bãi cát rất nhiều người nằm phơi nắng. Tháng Hè như tháng 7 và 8 bãi tắm rất đông người bơi lội, tắm nắng và chắc không thiếu những phụ nữ ngực trần cũng như ở những bãi biển Cannes và Nice. Từ bãi biển nhìn lên đỉnh núi gần đó sẽ thấy lâu đài Cassis sừng sững bên những hàng cọ xanh tươi và hoa giấy đỏ rực.



Thăm Cassis là một trong những tua phải trả tiền thêm của du thuyền MSC Preziosa khi tàu ghé bến Marseille, còn 3 tua khác nữa là: Marseille City Tour, Marseille và thành phố Avignon và tua đi Aix-en provence. Những tua này giá từ 60 Euros trở lên và đi thường mất cả ngày. Tôi chưa biết Marseille nên lên bờ là thăm Marseille chứ không bỏ thành phố lịch sử có nhiều liên hệ đến người Việt mà đi thăm nơi khác. May mà có cháu Phùng Kim Chi từ Genève xuống đưa đi chơi một ngày, ăn những món đặc sản của Marseille mà khi trở về Mỹ không làm sao tìm được. Thế là tôi đã nếm qua món cá Bouillabaisse, gan ngỗng và hương vị nấm Truffles, nói là hương vị vì trong món ăn tôi không nhìn thấy hình thù nó ra làm sao cả! Chắc chỉ là bột nấm mà thôi!

NGƯỜI VIỆT Ở MARSEILLE

Rời làng biển Cassis chúng tôi lên xe trở về Marseille. Ngày xưa từ Việt Nam sang Pháp phải đi bằng tàu biển nên thành phố cảng Marseille là một trong những nơi đầu tiên có cộng đồng người Việt sinh sống. Mặc dù chính phủ Pháp không thống kê con số người Pháp gốc Việt tại Marseille là bao nhiêu nhưng theo ước tính có khoảng 10,000 người Việt sinh sống tại Marseille. Là nơi có cộng đồng Việt Nam đông thứ nhì tại Pháp sau thủ đô Paris. Toàn nước Pháp theo ước tính có khoảng 250,000 người Việt sinh sống, họ di cư sang thành nhiều đợt khác nhau nhưng đông nhất là số thuyền nhân vượt biển sau biến cố 1975.

Theo lịch sử có ghi chép, người Việt đến Marseille vào cuối thế kỷ 18 là Hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh con của vua Gia Long khi theo Giám mục Bá Đa Lộc cầm đầu phái đoàn sang Pháp cầu viện để chống lại nhà Tây Sơn. Cậu bé 3 tuổi này chỉ ở lại Pháp vài năm nhưng để lại ấn tượng tốt trong dư luận Pháp. Sau đó Pháp thôn tính Việt Nam và người Việt bắt đầu sang định cư tại Pháp. Sứ bộ do ông Phan Thanh Giản cầm đầu trong chuyến Tây du để chuộc lại Nam Kỳ đã ghi nhận sự có mặt của người Việt tại Pháp, số đó chỉ là những người có quan hệ gia đình với người Pháp.

Đến khi Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) xảy ra, thanh niên Pháp phải động viên và chính phủ Pháp phải tìm nhân công để bổ xung vào các hãng xưởng sản xuất. Pháp tuyển lính thợ tại Đông Dương, khi đình chiến đã có 48,922 lính gốc Đông Dương và 51,000 lính thợ gốc Việt trong các công xưởng của Pháp. Tuy nhiên sau chiến tranh đa số đã hồi hương chỉ còn ở lại khoảng 3,000 người. Khi Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) sắp bùng nổ thì chính quốc Pháp lại có lịnh tuyển mộ người Việt sang làm lao công thuộc địa nhưng lần này dưới dạng cưỡng bách. Đợt này đưa sang Pháp 93,000 người cả lính thợ lẫn lính chiến đấu. Kế đến sau khi thắng trận Đệ Nhị Thế Chiến, Pháp trở lại Việt Nam cho tới Hiệp Định Genève, trong thời gian này số sinh viên Việt Nam sang du học rất đông, cộng thêm số người Việt lập gia đình với người Pháp hồi hương sau hiệp định (khoảng 50,000 người). Tính đến đầu năm 1975 cộng đồng Việt Nam ở Pháp là cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Làn sóng người Việt sang định cư đông nhất là sau 1975, cho tới năm 1989 Pháp đón nhận khoảng 150,000 người tỵ nạn, là quốc gia đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Úc về số luợng tiếp nhận người tỵ nạn. Ngoài chính sách của chính phủ cho người Việt nhập cư, giới nhân sĩ Pháp như triết gia Jean-Paul Sartre, Michel Foucault, Raymond Aron còn tổ chức chiến dịch “Một con tàu cho Việt Nam”, hội Y Sĩ Không Biên Giới tài trợ cho con tàu ra khơi cứu vớt người vượt biên.

Người Việt tại Pháp định cư khắp nơi nhưng đông nhất là hai thành phố lớn Paris và Marseille, tại Marseille có nhiều chợ thực phẩm Việt Nam, nhà hàng và các văn phòng dịch vụ. Có 5 chùa Phật giáo sinh hoạt tôn giáo, văn hoá và cộng đoàn Công Giáo có thánh lễ tiếng Việt hàng tuần, lớp dạy Việt ngữ v.v…

Một trong những người Việt nổi tiếng nhất ở Marseille phải kể đến ông Georges Nguyễn Văn Lộc là một cảnh sát trưởng người Pháp gốc Việt. Ông sinh năm 1933 tại thành phố Marseille trong gia đình cha mẹ là người Việt sang Pháp từ 1914 (có thể cha là lính thợ sang thời Đệ Nhất Thế Chiến). Học xong trung học, Nguyễn Văn Lộc gia nhập vào lực luợng cảnh sát thành phố Marseille. Sau đó ông theo khoá chuyên môn ở Trưòng Quốc Gia Cảnh Sát  Saint-Cyr-au-Mont-d’Or, thành phố Lyon. Tốt nghiệp ông trở về phục vụ trong ngành cảnh sát ở quê nhà Marseille

Năm 1972, Nguyễn Văn Lộc được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng quận 7  thành phố Marseille. Sau một thời gian nhậm chức, với biệt danh Le Chinois (người Trung Hoa), Nguyễn Văn Lộc đã góp phần làm tình hình mất an ninh ở thành phố Marseille giảm hẳn. Tháng 10 năm 1972, vì xảy ra nhiều vụ bắt cóc con tin, cảnh sát trưởng thành phố Marseille yêu cầu Nguyễn Văn Lộc thành lập một nhóm giải cứu đặc biệt chuyên tham gia can thiệp các vụ khủng bố để cứu thoát con tin. Nhóm giải cứu này mang tên Groupes d'intervention de la police nationale được viết tắt là GIPN, với 15 cảnh sát và Nguyễn Văn Lộc làm đội trưởng, đã lập được nhiều thành tích chống tội phạm, khủng bố. Nhiều lần chính ông nhận thay thế cho các con tin để giải cứu họ. Nguyễn Văn Lộc còn được giao nhiệm vụ bảo vệ nhiều phái đoàn, nguyên thủ quốc gia khi họ tới thăm thành phố Marseille.
Năm 1987, Nguyễn Văn Lộc được vinh dự trao huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh. Tên ông xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí. Sau đó ông về hưu. Từ năm 1992, hãng phim Pháp France Films Production đã sản xuất một bộ phim truyền hình gồm 6 phần mà Nguyễn Văn Lộc là nhân vật kiêm diễn viên chính. Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 2008 tại thành phố Cannes.

SINH HOẠT TỐI TRÊN TÀU

Chúng tôi lái xe về bến tàu MSC ở phía Bắc thành phố có chiếc Preziosa sừng sững đậu vào lúc 5 giờ 30 và cháu Kim Chi cùng bạn trai Julian từ giã để ngày mai lên đường trở lại Genève làm việc. Chúng tôi bốn người trở về phòng Cabin tắm rữa nghỉ ngơi để 7 giờ xuống nhà hàng L’Arabesque ở tầng 6 về phía cuối tàu ăn tối, hôm nay vói những món Pháp. Thường tàu ghé bến cảng nào thì thực đơn hôm ấy là những món đặc sản của địa phương đó. Nên nhớ ăn thì đã tính trong tiền tàu còn uống dù nước lạnh hay rượu phải trả thêm. Chúng tôi đã mua 12 chai nước suối nên mỗi bữa ăn tối là họ đem ra và trừ lần trong trương mục.




Sau đó đi loanh quanh trên tàu xem họ buôn bán, ca hát bên cạnh dương cầm ở ba rượu hoặc lên nhà hàng Buffet (tầng 14) uống cà phê ngắm cảnh biển lúc hoàng hôn hay ra trước boong tàu quay phim chụp hình cảnh mặt trời lặn trên biển (lúc 9 giờ). Chờ tới 10 giờ đến rạp Platinum Theatre xem chương trình ca vũ nhạc, đây là chương trình văn nghệ đặc sắc nhất trên tàu,  mỗi đêm có hai xuất 8 giờ và 10 giờ. Đêm nay chương trình có tên là “The Witches of Paris” được giới thiệu trên tờ “Daily Program” là những vũ khúc tân kỳ và xiếc ngoạn mục với màn vũ Cancan gồm một hàng mỹ nhân chân dài, mặc Tuxido nhưng không mặc…quần, đội nón qủa dưa Charlot và vừa ca hát vừa đá chân cái nào cái nấy thật cao. Kiểu múa này theo lối rạp hát Moulin Rouge ở khu Montmartre Paris. Tôi nghĩ là họ hát nhép với nền nhạc đã được thu sẵn và chương trình thường kéo dài khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Công nhận là cảnh trí ánh sáng tân kỳ và âm thanh sống động, lời ca rõ nét. Trước chương trình trong lúc chờ đợi có 3, 4 anh chàng hoạt náo viên làm hề cho khán giả cười. Chẳng hạn như khi có một ông khán giả từ cửa bước vào rạp, bốn anh chàng đi theo sau, ông khán giả làm gì, vuốt tóc, sửa cà vạt, nhìn lại tìm thân nhân, bốn anh chàng bắt chước làm theo với điệu bộ khôi hài hóa với dèm ý cho rằng ông khán giả khó tánh, lẩm cẩm. Những khán giả mới vào các anh chàng làm khán giả cả rạp cười và khi ông ta ngồi xuống ghế mới biết mình đã bị bắt chước. Sau cùng có một ông khán giả vào dẫn theo một bé gái 6, 7 tuổi. Đi được vài bước ông ta biết mình bị bắt chước làm trò cười cho cả rạp nên ông ta chơi khăm bồng bé gái lên. Anh chàng bắt chước phải bồng anh bạn đồng nghiệp của mình lên. Chàng này to con nên rất nặng, anh ta ẵm không nỗi, đi ngã nghiêng xiêu vẹo làm khán giả tức cười. Ông khán giả tiếp tục chơi khăm cho bé gái ngồi trên cổ của mình mà vác đi. Anh chàng làm không được cùng kéo nhau lắc đầu bỏ chạy ra khỏi rạp! Mỗi đêm chương trình ca vũ nhạc thay đổi các sắc thái khác nhau, đêm hát giọng cao ténor, opéra tiếng Ý, đêm Wonderland với xiếc cho trẻ con, đêm Pandora với các dân tộc cổ Nam Mỹ, đêm cuối với âm nhạc Anh Cát Lợi vui tươi hùng tráng…Nhưng trong một tuần có một đêm rạp nghỉ không có hát. Trên bờ có báo chí, dưới du thuyền mỗi ngày phân phối tận phòng tờ “Daily Program” để phổ biến những chương trình vui chơi và căn dặn những điều cần thiết.

Saturday, September 21, 2013

KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (Bài 11)
MÓN SÚP CÁ BOUILLABAISSE CỦA VÙNG MARSEILLE
Bài và ảnh: TRỊNH HẢO TÂM

Mỗi vùng có những món ăn riêng gọi là đặc sản. Thành phố Marseille có món súp cá Bouillabaisse rất nổi tiếng khắp thế giới. Món này của dân ngư phủ ngày xưa thường ăn khi đi đánh cá xa bờ lâu ngày, gồm nhiều loại cá khác nhau nấu với một số gia vị rau qủa và bỏ thêm nghệ, ớt, tỏi, dầu olive.

Chúng tôi đậu xe trong một cao ốc chứa xe nhiều tầng (parking building) gần đại lộ Canebière rồi tản bộ về phía Cảng Cũ trung tâm thành phố Marseille. Nơi ngã ba Canebière và Rue Paradis có một bức tranh khổng lồ vẽ cảnh đường phố nên ở xa mình tưởng con đường kéo dài nhưng đến gần  hoá ra đó chỉ là bức tranh vẽ lên tường của trụ sở Phòng Thương Mại Marseille.

BẾN CẢNG CŨ MARSEILLE

Tiếp tục đi về hướng Tây là đến Cảng Cũ người Pháp gọi là Vieux Port, đây là khu du lịch của Marseille người đi tấp nập với những hàng quán bán áo thun trắng sọc xanh nước biển như áo của thủy thủ. Có gian hàng bán toàn xà phòng tắm đủ màu sắc, ngày nay xem thường nhưng xưa kia rất qúy. Dưới bến tàu những chiếc ca nô, thuyền buồm neo đậu, trên bến là chợ cá lộ thiên bày hàng trong những quán che bằng dù vải bố. Dọc theo đường bến tàu là những dãy nhà hàng, ba rượu, quán cà phê, bàn ăn từ bên trong nhà đặt ra đến tận vĩa hè. Quang cảnh thật là tấp nập đông vui với du khách đủ mọi quốc tịch. Nơi góc phố mũi tàu nhà hàng La Samaritaine có tượng con nai sơn màu xanh dương trông lạ mắt nhưng không hiểu ý nghĩa gì?



Cảng Cũ Marseille là trung tâm của thành phố được người Hy Lạp thành lập từ 600 năm trước Công Nguyên như một địa điểm bán buôn trao đổi hàng hóa khi họ di chuyển đến đây từ phương Đông. Đây là một hải cảng do thiên nhiên tạo thành, nước không sâu lắm nhưng đủ cho những thuyền buồm ngày xưa cập bến. Vùng bờ biển Marseille kéo dài về hướng Đông đến thành phố Cassis có nhiều vịnh nước nhỏ như hang động dưới biển gọi là Calanques, đáy biển khá sâu do thiên nhiên tạo thành mà không cần phải đào vét như những hải cảng nhân tạo khác. Marseille phát triển dần, thời Trung Cổ trên bờ gần bến cảng người ta trồng một loại cây có tên Cannabis hay Hemp để phơi khô đánh sợi làm dây thừng neo cột tàu, từ tên loại cây đó nên có tên đường Canebière là đại lộ huyết mạch của thành phố dẫn tới bến Cảng Cũ. Vào giữa thế kỷ 19 cảng Marseille có thể tiếp nhận đến 1,000 tàu thuyền bỏ neo trong bến và 18,000 tàu thuyền cập bến mỗi năm. Tuy nhiên mỗi ngày tàu thuyền đóng to lớn dần nên Cảng Cũ không kham nỗi trở thành cạn nên người ta phải di chuyển bến tàu về vùng La Joliette phía Bắc. Thời Đệ Nhị Thế Chiến quân Đức Quốc Xã Nazis khi chiếm đóng thành phố đã đập phá muốn xóa sổ bến tàu và khu phố lịch sử Battle of Marseille. Sau năm 1948 có chương trình tái thiết lại Cảng Cũ và ngày nay trở thành khu phố nhộn nhịp mặc dù bến tàu giờ chỉ cho đậu những du thuyền nhỏ có tính cách giải trí. Khu Tân Cảng ở hướng Bắc ngày nay giữ vai trò thương cảng chính, trang bị những bến tàu với những cần trục bốc dỡ thùng hàng Containers. Nếu những ai thích máy móc cơ giới hay ồn áo tiếng động có thể đến đây nhưng bình thường Tân Cảng không mở cửa cho du khách viếng thăm.

THỨC ĂN ĐẶC SẢN MARSEILLE

Trước ngày lên đường du lịch Tây Âu gặp anh Sim chồng ca sĩ Thanh Mai ở nhà sách Tú Quỳnh trên đường Bolsa. Biết anh Sim từng sống ở Paris trước khi sang định cư ở Mỹ, anh và ca sĩ Thanh Mai từng mở nhà hàng ở Little Saigon nên tôi hỏi anh Marseille có món gì đặc biệt? Anh cho biết là món Bouillabaisse, hỏi bao nhiêu một dĩa anh nói khoảng 45 Euros. Tôi thấy cũng hơi đắt vì với số tiền đó ở Bolsa ăn được hơn 3 người. Nhưng một đời người đi Tây được mấy chuyến? Nhất định phải thử cho biết! Hỏi có ngon không? Anh nói ngon dở tùy người đối diện nhưng nên ăn thử một lần sẽ…nhớ một đời!

Sáng nay đến Marseille, Kim Chi cháu gái tôi gọi tôi bằng cậu muốn đãi chúng tôi những món ăn đặc biệt của Marseille. Tôi hỏi có phải món Bouillabaisse không? Kim Chi nói đúng rồi, cậu Ba cũng hay qúa vậy! Kim Chi nói sẽ đưa chúng tôi đến nhà hàng nổi tiếng nhất chuyên về món này, đó là nhà hàng Le Miramar ở số 12 Quai du Port 13 002 Marseille. Thế là “D’accord!” chúng tôi hăm hở tiến bước về phía nhà hàng tọa lạc bên tay phải, đối diện là bến tàu, nơi đây nhìn thấy nhà thờ Notre Dame de la Garde chót vót trên núi.



Nhà hàng Le Miramar nằm phía dưới trong dãy phố lầu nhìn ra bến tàu, phía trước có che một mái hiên (patio) kín như một căn nhà. Vào bên trong đặt sẵn những bàn ăn trải khăn trắng, ghế đỏ, mỗi bàn trang hoàng lọ hoa đèn cầy khá lịch sự. Các anh chàng phục vụ bồi bàn mặc đồng phục đen vui vẻ chào đón mời chúng tôi vào. Chúng tôi chọn bàn ở Patio cho sáng sủa và nhìn thấy được quang cảnh bến tàu. Chúng tôi gồm 6 người: vợ chồng tôi, vợ chồng em gái tôi ở Đức, Kim Chi và bạn trai tên Julian. Kim Chi cho biết mẹ của Julian là một phụ nữ người Pháp đang sống ở Marseille cũng sẽ tới. Vừa nói xong bà tới thật, đó là một phụ nữ vui tính khoảng 65 biết chút tiếng Anh nên tôi có thể đối thoại được. Chúng tôi giới thiệu nhau về nơi ăn chốn ở, lý do chuyến Tây du để làm gì?

Vào bữa ăn trưa chúng tôi gọi 2 chai nước lọc, chai rượu vang Chablis 1er Fourchau (79 Euros) và chai rượu Champagne hiệu Marnier của “Château de Sancerre” (65 Euros). Nhà hàng mang ra mỗi người món khai vị gồm bánh mì nướng chấm với ly sốt cà chua ngọt màu đỏ hồng rất ngon. Bánh mì nhiều loại đen vàng và bơ Pháp hiệu Échiré. Nội mấy món ăn chơi đã thấy ngon rồi vì lạ miệng, còn ở Bolsa quanh năm tôi chỉ chuyên trị phở, bún, cơm. Lâu lâu thay đổi thực đơn qua bánh canh, cháo lòng, lẩu mắm! 

Mẹ của Julian là đầm chính gốc, rất sành đồ Tây gọi món gan ngỗng “Terrine de foie gras”, món này trong Internet mô tả là món ăn vương giả trong ẩm thực Pháp, chữ “terrine” chỉ một loại nồi đất với vung đậy thật kín và gan ngỗng được hấp trong đó cho tới chín với nước cốt từ gan tươm ra trong một loại sốt đặc biệt. Gan ngỗng tròn cắt như một khúc chả lụa. Món này giá 26 Euros và mẹ Julian lấy dao phết lên từng miếng bánh mì đưa chúng tôi mỗi người thử một miếng. Món gan ngỗng hiện bị cấm ở California vì tính chất đối xử bất nhân với thú vật, dồn vào bao tử ngỗng nhiều thức ăn để gan nó lớn lên trước ngày làm thịt.



Trên dĩa gan ngỗng có hai khúc dài dài to hơn chiếc đũa, không biết làm bằng thực phẩm gì? Kim Chi cho biết có món nấm Truffle trong đó. Truffle là một loại nấm thường mọc dưới mặt đất gần rễ cây, tay nấm tròn hình dạng như trái cây. Truffle mọc ở miền Nam nước Pháp, vùng Tuscane của Ý và một số nước Đông Âu. Có hai loại nấm Truffle: loại trắng và loại đen. Loại nấm trắng tên khoa học là “Tuber magnatum” mọc ở vùng Bắc nước Ý, có giá đắt nhất khoảng từ 1,000 đến 2,200 USD mỗi pound. Loại nấm Truffle đen 45% mọc ở Pháp giá khoảng 500 USD mỗi pound. Nấm mọc dưới mặt đất trong rừng, muốn tìm nấm người ta dùng heo hoặc chó đi đánh hơi. Ăn miếng bánh mì có phết gan ngỗng và nấm Truffle do mẹ của Julian đưa cho, thấy rất ngon, có mùi vị thịt rất lạ nhưng tôi không rõ là do nấm Truffle tạo ra hay do gan ngỗng và các thứ gia vị khác. Theo nhà ẩm thực Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin gọi Truffle là “những hạt kim cương trong nhà bếp”.

Một dĩa cá Raimu và món Pissaladière như một loại bánh Pizza nướng với chả cá cơm Anchovy và hành, tỏi, dầu olive. Hai món này là đặc sản của vùng Marseille, Nice, Toulon. Mỗi món 29 Euros.

Sau cùng là món súp cá thập cẩm Bouillabaisse, ăn súp trước đựng trong dĩa với bánh mì và nước chấm Rouille (một loại mayonnais với thành phần gồm tròng trắng trứng, dầu olive, tỏi, tiêu và nghệ vàng). Sau đó người phục vụ mang tới một dĩa lớn cá gồm có nhiều loại cá mú (rockfish) là loại nằm sâu dưới đáy biển hình thù có nhiều gai nhọn như các loại rascasse đỏ, grondin (sea robin), monfish, John Dory, Greater Weever. Món này nấu hầm nhiều tiếng đồng hồ với nhiều gia vị khác như ớt đỏ, tỏi, hành, cà chua, dầu olive, khoai tây, nghệ và người ta có thể thêm các loại hải sản khác như mực, cầu gai (sea urchins), cua nhỏ và đôi khi có tôm hùm. Món này có từ nhiều ngàn năm trước do dân đánh cá phát minh nên họ có thứ gì bỏ vào nồi nấu chung. Thường nấu bằng những loại cá tạp, chừa cá đắt tiền (con lớn, ít xương, không tanh) để bán cho các thương lái. Chúng tôi đặt 4 dĩa rồi chia cho 7 người ăn, mỗi dĩa Bouillabaisse nhà hàng tính 59 Euros.



Ăn trưa xong buồn ngủ chúng tôi gọi thêm 5 tách cà phê (5 Euros mỗi tách). Kết thúc buổi ăn trưa kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ với hóa đơn là 537 Euros (698 USD) cho 7 người. Tính ra mỗi người 100 USD, tôi chưa bao giờ ăn một bữa ăn giá 100 đô cho nên anh Sim đã nói “ăn một lần nhớ một đời” là đúng qúa chứ gì? Hỏi có ngon không? Tùy người nhận xét nhưng tôi thấy không ngon nhưng lạ miệng, ăn cho biết. Tôi đã định trước nên tôi nói với cháu Kim Chi là để cậu trả tiền cho. Cháu đã bỏ công mướn xe đưa chúng tôi thăm viếng Marseille cả ngày rất vui và hữu ích, cũng như gặp bạn trai cháu là Julian và mẹ của anh chàng, một phụ nữ Pháp lịch sự và vui tính. Sau đó em gái tôi đòi chia chi phí bữa ăn một nửa.

Nhân viên nhà hàng rất lịch sự vui vẻ, trong đó có một cháu là người Việt. Hỏi sang Pháp lâu chưa, cháu nói hơn một năm rưỡi và là sinh viên du học đi từ Sài Gòn. Nhà hàng thực khách rất đông chiếm gần 80% các bàn, đa số là các cặp Pháp lớn tuổi họ có vẻ thưởng thức món ăn rất tận tình mà không quan tâm đến vấn đề giá cả. Qủa dân Tây có tinh thần hưởng thụ, ăn ngon mặc sang là ưu tiên, còn các thứ khác chỉ là chuyện nhỏ.


Rời nhà hàng Julian xách theo bao đồ ăn toàn là món Bouillabaisse, thấy một ông vô gia cư (homeless) râu tóc xồm xàm ngồi trong góc phố, Julian đến đưa cho ông ta. Ông ta từ từ ngước lên nhìn anh chàng mà nét mặt vẫn thản nhiên không lộ vẻ gì. Có lẽ đưa ông rượu thì thích hơn là món Bouillabaisse đắt tiền.
KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 10)
MARSEILLE HẢI CẢNG MIỀN NAM NƯỚC PHÁP
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Ngày xưa khi chưa có đường hàng không, Marseille là cửa ngõ để vào nước Pháp, sinh viên Việt Nam sang Pháp du học đều ghé qua đây trước khi đi xe lửa lên Paris. Vì vậy Marseille là nơi có cộng đồng người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Trong cuộc Cách Mạng Pháp 14-7-1789 Marseille gởi 500 dân quân lên Paris năm 1792 để giúp chính quyền cách mạng. Trên đường tiến về thủ đô trong khí thế tưng bừng phấn khởi họ đồng ca bài La Marseillaise và bài hát này đã đi vào lịch sử trở thành quốc ca Pháp hiện nay.

Tôi đến thành phố Marseille vào sáng ngày Thứ Bảy 25-5-2013 cũng bằng tàu nhưng là tàu du lịch Preziosa của hãng Ý MSC tiện nghi sang trọng. Ngủ trong phòng Cabin máy điều hòa không khí, TV, tủ lạnh, ăn ở nhà hàng Buffet mở cửa 24/24 toàn là đồ Tây, đồ Ý. Đọc sách “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” (Tập I) tác giả đã đi tàu Pháp Champollion sang Pháp du học vào tháng 8 năm 1950. Trang 333, 334 tác giả đã viết như sau: “Khi xuống tàu, tôi mới hay số sinh viên VN xuất dương đông đúc đến thế, hạng ba có gần 40, 30 nữ và gần 10 nam sinh viên, đang khi đó thì hạng tư được gần 200, phân nửa ở hầm giữa hai bên máy tàu và phân nửa ở đàng mũi tàu, trong số này có tôi. Cái võng đã thiếu bề dài để có thể nằm ngay chơn được, mà bề rộng cũng không thể đu đưa được vì chỉ cách người nằm kế không qúa một thước. Đồ đạc là một cái rương hay cái va li lớn, ai nằm đâu thì để ngay dưới võng của mình…Tám giờ tối, thủy thủ bưng đồ cho chúng tôi ăn tối. Chúng tôi ngồi ngay xuống sàn tàu, làm thành từng ô tám người. Lần đầu tiên chúng tôi nếm bánh mì đen cứng như củi và thịt bò hộp có mùi ten. Nước thì mỗi ô cho người thay phiên đi ra sau tàu lấy nước trà đen có mùi gỗ mục. Tôi e ngại nhứt là cái màu đen, cái màu đen của nước nhuộm quần lãnh hay vải săn đầm.”



Còn học giả nhà báo Phạm Quỳnh đến Marseille năm 1922 để tham dự hội chợ đấu xảo của các thuộc địa Pháp (tiếng Pháp gọi là Marseille Exposition Coloniale được mở làm 2 lần vào năm 1906 và 1922, có vua Khải Định đến tham dự). Trong quyển “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” viết vào ngày Thứ Tư 12-4-1922 như sau: “Ở Marseille có cảnh đẹp nhất là nhà thờ Đức Bà Bảo Hộ (Notre Dame de la Garde) xây trên cái đống cao 150 thước, trấn hãm cả địa thế thành Marseille thờ Đức Bà bảo hộ cho con nhà đi bể, khác nào như bà Thiên Hậu của người Tàu. Một tòa nhà thờ chon von ở giữa cái đống cao, trên đỉnh gác chuông lại có một cái tượng Đức bà lực lưỡng cao ngót mười thước, nặng hơn bốn nghìn năm trăm cân, những buổi mây quang trời tạnh, đứng khắp thành Marseille ở đâu cũng trông thấy, rõ như bức tranh vẽ, thật cũng là một cái kỳ quan. Tự dưới phố đi lên nhà thờ, hoặc đi chân thời phải theo đường thang khuất khúc, hoặc đi bằng một thứ thang máy làm theo kiểu ròng rọc có khấc (système à crémaillère). Lượt lên đi bằng thang máy, phải mất tiền, lượt xuống đi chân, qua những ngõ xóm hẻo lánh của bọn bình dân ở, biệt ra một cái cảnh riêng ở thành Marseille.”

Buổi sáng khi vừa mới đến chúng tôi đã đi lên núi viếng nhà thờ Đức Bà Hằng Cứu Giúp rồi, bây giờ vào trung tâm thành phố xem cho biết thế nào, luôn tiện đi ăn trưa luôn thể.

MARSEILLE ĐA VĂN HÓA NHIỀU CHỦNG TỘC

Marseille là thành phố lớn thứ nhì của Pháp với dân số 853,000 dân, nếu kể luôn các khu ngoại ô lân cận thì dân số lên đến 1 triệu 6. Về địa hình ba mặt tiếp giáp với núi, chỉ phía Tây thông ra biển Địa Trung Hải. Một vịnh nhỏ như cửa sông thoát nước từ trên núi đổ xuống, nơi đây ngày xưa là bến tàu nay gọi là Cảng Cũ (Vieux-Port), nay chỉ dùng neo những chiếc ca nô, thuyền buồm và là khu du lịch trung tâm thành phố với nhiều nhà hàng, quán rượu. Ở cửa Vịnh còn lưu lại hai thành quách cũ là thành Saint-Jean ở phía Bắc và thành Saint-Nicolas ở hướng Nam nằm hai bên trấn giữ cửa vào Cảng Cũ. Đại lộ chính của thành phố là đường Canebière chạy từ Cảng Cũ đi về hướng Đông và chấm dứt ở quảng trường Réformés, hai bên là những thương xá hiệu buôn danh tiếng. Khu thương xá lớn nhất là Centre Bourse cũng nằm trên đại lộ này nơi góc đường Canebière và St Ferréol. Trung tâm thành phố có nhiều phố đi bộ nổi tiếng như đường St Ferréol, quảng trường Julien gần Music Conservatory, quảng trường Honoré-d’Estienne-d’Orves cạnh Cảng Cũ và khu vực xung quanh tòa thị sảnh (Hôtel de Ville). Phía Đông Nam của thành phố là Quận 6 với quảng trường phun nước Place Castellane nơi các tuyến đường xe điện ngầm (Métro) và xe buýt gặp nhau. Phía Tây Nam thành phố là Quận 7 có nhà thờ Đức Bà Hằng Cứu Giúp trên núi. Ga xe lửa trung ương có tên là Gare de Marseille Saint-Charles ở hướng Bắc thương xá Centre Bourse thuộc Quận 1. Phi trường Marseille nằm ở hướng Tây Bắc trong vùng có tên là Marignane.

Khí hậu Marseille là khí hậu vùng Địa Trung Hải ấm áp, mưa vào mùa Đông, khô vào mùa Hạ. Lạnh nhất là những tháng 12, 1 và 2 với nhiệt độ trung bình ban ngày 12 độ C (54 độ F) và ban đêm khoảng 4 độ C (39 độ F). Tháng 7 và 8 nóng nhất với nhiệt độ khoảng 30 độ C (86 độ F) ban ngày và 19 độ C (66 độ F) vào ban đêm. Marseille được xem là khí hậu ấm nhất nước Pháp.

VÀI DÒNG LỊCH SỬ

Marseille là thành phố cổ xưa nhất nước Pháp, khoảng 600 năm trước Thiên Chúa đã có người Hy Lạp sinh sống vì là nơi nằm trên tuyến đường hàng hải từ Phocaea (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) sang Tây Âu. Marseille ngày xưa có tên là Massalia dân số lúc đó trên 1,000 người liên kết với các thuộc địa của Hy Lạp như Etruscans (vùng Tuscany Ý), Carthage (thuộc Tunisia, tôi sẽ đến trong chuyến đi này) và Celts (dân tộc thuộc Bắc Âu) cùng nhau chịu sự bảo hộ của Đế quốc Cộng Hòa La Mã. Vì nằm dưới sự bảo vệ của La Mã nên Marseille phải cung cấp cho La Mã xuyên qua đất Pháp (lúc đó cũng thuộc La Mã) nhiều lương thực, hải sản và rượu vang kể cả người nô lệ. Ảnh hưởng của La Mã qua việc tìm thấy các hầm mộ (catacombs) ở gần Cảng Cũ và bia danh sách những người tử đạo cũng như giáo phận Marseille được thành lập từ thế kỷ Thứ Nhất.



Vào thế kỷ thứ 4, 5 đế quốc La Mã suy tàn, thành phố Marseille rơi vào tay người Visigoths (dân tộc du mục gốc Đức còn gọi là Goths). Vào giữa thế kỷ thứ 6 vua Pháp là Charlemagne giành lại Marseille nhập vào nước Pháp và biến nơi đây thành thương cảng nhộn nhịp trong suốt thời kỳ Trung Cổ. Năm 1348 thành phố bị trận dịch hạch đầu tiên giết mất 15,000 người trong khi dân số lúc đó chỉ có 25,000. Năm 1437 dân số gia tăng trở lại và có lúc tách rời nước Pháp để nhập vào vương quốc vùng đảo Sicily của Ý. Năm 1481 gia nhập vào tỉnh Provence và thuộc lãnh thổ Pháp mặc dù có sự kháng cự của một số nhóm sắc tộc. Có lúc (1536) Marseille trở thành căn cứ hải quân của liên minh Pháp-Ottoman để chống lại đế quốc La Mã (Holy Roman Empire) và nhất là với Genoa (trong chuyến đi này tôi cũng sẽ tới đây). Vào cuối thế kỷ 16, Marseille bị trận dịch hạch lần thứ hai và bịnh viện Hôtel Dieu được thành lập trong thời gian này. Sang thế kỷ 17 vua Louis 14 (1638-1715) còn gọi là “Louis le Grand” vị vua huy hoàng nhất nước Pháp, khi chưa nắm quyền được vì mặc dù lên ngôi sau khi Louis 13 chết, lúc ông mới 5 tuổi còn qúa nhỏ, quyền hành tập trung vào Hồng Y Mazarin. Ông chống lại triều đình Paris về Marseille xây hai thành quách Saint-Jean và Saint-Nicolas hiện vẫn còn.

Năm 1720 trận dịch hạch sau cùng giết đi 100,000 người mà người ta gọi là trận Đại Dịch Marseille. Cách mạng Pháp 1789 bắt giam và sau đó hành hình vua Louis 16 vì dân chúng qúa nghèo lại bị triều đình sưu cao thuế nặng, Marseille tham gia cách mạng và gởi 500 dân quân lên Paris, bài hùng ca ái quốc La Marseillaise trở thành quốc ca nước Pháp cho đến ngày nay. Trong thế kỷ 19 thành phố là một trong những nơi áp dụng cơ khí hóa vào dây chuyền sản xuất trong cuộc cách mạng kỹ nghệ nhờ lúc đó đã phát minh ra máy hơi nước. Từ đó Pháp chiếm được nhiều thuộc địa (Algeria, Tunisia, Đông Dương v.v…) cũng như mở cửa kinh đào Suez vào năm 1869 tàu bè phải ghé Marseille nhờ đó nơi đây phồn thịnh rất nhanh và tổ chức 2 cuộc hội chợ quốc tế trưng bày các sản phẩm của các thuộc địa vào năm 1906 và 1922.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Marseille bị máy bay Đức và Ý oanh tạc năm 1940, sau đó thành phố bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng từ tháng 11-1942 đến tháng 8-1944. Ngày 22-1-1943 hơn 4,000 người Do Thái bị tập trung và chuyển sang Ba Lan để bị hành hình. Khu Cảng Cũ bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc vào năm 1944 để mở đường cho việc giải phóng nước Pháp. Trong suốt thập niên 1950 thành phố được tái thiết với tiền bồi thường của các nước Đức, Ý. Cũng trong thập niên 1950 này Marseille là cửa vào nước Pháp bằng đường biển của dân các nước thuộc địa và cả con cái người Pháp sinh ra ở các nước thuộc địa (gọi là “pieds-noirs”). Những di dân này một số lại chọn Marseille làm nơi định cư khiến thành phố có nhiều khu người nước ngoài như Algeria, Maroc, Tunisia và Việt Nam. Trong thế kỷ 21 này Marseille lại thiên về hoạt động chính trị ảnh hưởng toàn nước Pháp chỉ sau Paris. Nhiều xưởng lọc dầu cũng được thiết lập nơi đây và có đường ống dẫn lên các thành phố phía Bắc. Hải cảng cũng hoạt động mạnh nhưng thêm vào là kỹ nghệ du lịch với nhiều hãng du thuyền làm bến để đưa du khách ghé vào nhờ vậy các ngành như ăn uống, khách sạn, phi trường thêm phát triển. Theo thống kê hàng năm có 2.4 triệu du khách  trong số đó khách đi du thuyền là 890,100 người. Với những bãi biển, di tích lịch sử, kiểu  kiến trúc và nền văn hoá lâu đời và 24 viện bảo tàng, 42 rạp hát, Marseille là một trong những thành phố hấp dẫn du khách nhất nước Pháp (có 4.1 triệu du khách viếng nước Pháp trong năm 2012).

Kim Chi là cháu gái gọi tôi bằng cậu cùng bạn trai là Julian lái xe đưa chúng tôi dạo trung tâm thành phố nhất là con đường chính Đại Lộ Canebière với nhiều cửa hàng bán đồ hiệu nổi tiếng của Pháp, Ý như đồ da, dầu thơm, mỹ phẩm, nữ trang v.v…Con đường này về hướng Tây là đụng Cảng Cũ nơi đây du khách tấp nập với Nhà Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố Marseille. Bên trong trưng bày những hình ảnh, đồ vật cổ của thành phố có chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, tôi tin rằng rất hấp dẫn mặc dù chuyến đi này chưa có dịp viếng qua.

Chúng tôi ngồi xe chạy trên đường Rue Paradis về hướng Bắc, thấy con đường dài thẳng tấp với hai dãy phố lầu hai bên. Khi đến cuối con đường thì đụng ngã ba với đại lộ Canebière chắn ngang, nhưng trước mặt cảnh đường phố vẫn còn mặc dù có hàng rào sắt phía trước, nhìn kỹ mới biết cảnh đường phố đó là cảnh giả vẽ trên tường khiến ta thấy như đường phố vẫn còn tiếp tục kéo dài. Cảnh đường phố được vẽ trên tường của ngôi nhà cổ là trụ sở của Phòng Thương Mại Marseille. Trụ sở này trang trí hai bên là tượng của Euthymenes (bên trái) là nhà địa dư Hy Lạp xuất phát đi từ Marseille để khám phá vùng phía Tây Phi Châu. Bên phải là Pytheas cũng nhà địa dư Hy Lạp khám phá ra vùng phía Bắc Tây Âu




Về Phòng Thương Mại này trong quyển “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” ghi lại vào ngày Thứ Ba 18-4-1922 học giả Phạm Quỳnh đã viết như sau: “Xem nhà Thương Nghiệp Công Quán (la Bourse) thành Marseille. Nhà này ở đầu đường Canebière, là của Hội Thương Mại (Chambre de Commerce) thành Marseille dựng ra từ năm 1852 đến 1860. Nhà lầu nguy nga, ngoài hiên đi vào hai bên có hai tượng đá thật lực lưỡng là tượng Thần Hàng Hải và tượng Thần Công Thương. Vào trong thời có gian chính giữa rộng thênh thang, tức là chỗ ngày ngày các lái hối đoái (agents de change) đến định giá các giá phiếu (cote des valeurs) cứ tự trưa đến bốn giờ chiều, người đông nghìn nghịt, kẻ xướng người gọi, tiếng om cả nhà không cảnh gì vui bằng”. Đó là quang cảnh hoạt động của thị trường chứng khoán vào năm 1922, cách nay gần 100 năm mà học giả Phạm Quỳng đã ghi lại.
KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 9)
VIẾNG NHÀ THỜ NOTRE DAME DE LA GARDE Ở MARSEILLE, PHÁP
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM

Marseille là thành phố lớn bậc nhì ở nước Pháp với dân số 853,000 người nếu tính luôn vùng phụ cận bên ngoài ranh giới thành phố dân số lên đến khoảng 1.6 triệu người. Tọa lạc ở vùng bờ biển Địa Trung Hải phía Tây Nam của nước Pháp, Marseille là thủ đô của vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur là thành phố có lịch sử cổ xưa nhất nước Pháp. Trước đây thời Pháp thuộc, từ Việt Nam đi Pháp bằng tàu thuyền đều phải ghé vào hải cảng Marseille nên Marseille có cộng đồng người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Ngày nay còn lưu lại danh thơm tiếng tốt cho những người Việt Nam định cư tại đây.

Buổi sáng ngày Thứ Bảy 25-5-2013 thức giấc vào lúc 7 giờ thì chiếc du thuyền Preziosa đã cập bến Marseille từ bao giờ. Nhìn lên bờ hướng Tây Bắc là một dãy núi thấp toàn là đá màu trắng, ít cây cối có lẽ quanh năm mưa ít, phía Đông Nam thành phố Marseille chi chít những mái nhà tường trắng ngói đỏ chạy dài lên đến tận dãy núi phía Đông. Marseille đây rồi, xưa nay từng nghe nói từng đọc sách báo, hôm nay lần đầu tiên mới đến được Marseille.



Ăn sáng trên nhà hàng Buffet trên tàu xong chúng tôi rời tàu lên bến lúc 8 giờ.  Nhà ga bến cảng Marseille của hãng du thuyền Ý MSC có vẻ cũ kỹ, hôm nay trời u ám gió lạnh từng cơn thổi vào nhà ga. Theo chương trình cháu gái kêu tôi bằng cậu tên Phùng Kim Chi con của em gái tôi đang đi làm ở Genève (Thụy Sĩ) sẽ đến đón đưa vợ chồng chúng tôi cũng như ba má Kim Chi đi chơi thăm thú thành phố Marseille suốt ngày hôm nay. Em rể tôi gọi điện thoại thì Kim Chi hãy còn trong khách sạn và nói sẽ tới trong khoảng nửa giờ đồng hồ nữa. Từ bến tàu MSC vào trung tâm thành phố khoảng 10 km, tàu Preziosa có xe buýt đưa du khách vào trung tâm thành phố với vé khứ hồi là 15 Euros. Ngoài ra còn có các tua Excursions dẫn đi viếng thành phố gọi là City Tour, đi viếng các nơi sâu trong đất liền như thành phố Aix-en provence, viếng làng du lịch biển Cassis, viếng thành phố cổ Avignon là nơi ngày xưa tòa thánh Vatican vì giặc giã phải dời về đây.

Trong lúc chờ cháu Kim Chi đến trong nhà ga bến cảng chúng tôi gặp vợ chồng một người Việt Nam là anh chị An (xin lỗi quên mất họ) là chủ môt nhà hàng Việt có tên dường như là Saigon Night. Anh chị cũng đi du thuyền Preziosa và hôm nay trở về bến cũ Marseille đang chờ người thân đem xe ra đón. Nhân tiện trong lúc chờ đợi chúng tôi hỏi thăm về sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại thành phố Marseille. Anh là người Bà Rịa vượt biên sang định cư khoảng 1980 và sinh sống làm thương mại ở Marseille nên biết nhiều về cộng đồng người Việt tại đây.
Tôi sẽ đề cập đến trong phần nói về Cộng Đồng Việt Nam tại Marseille nhất là ông cảnh sát trưởng Charles Nguyễn Văn Lộc tài ba can đảm rất nổi tiếng trên nước Pháp về thành tích trừ gian diệt bạo trong thời gian ông làm cảnh sát trưởng Quận 7 trong thành phố nổi tiếng về những tay anh chị giang hồ trong giới Mafia.

Chín giờ cháu Phùng Kim Chi đến, lái xe là bạn trai cháu tên Julian. Kim Chi và cha mẹ là em tôi năm 1978 cùng vượt biên trên một ghe do tôi điều khiển. Có một người bác ruột đang du học tại Đức nên gia đình được Đức nhận sang định cư tại Bremen, Đức. Kim Chi đậu cữ nhân ngay tại Marseille rồi được học bổng cao học ở Los Angeles và đậu Master bên Mỹ. Cháu nói được tiếng Việt, Đức, Pháp, Anh và chút Tây Ban Nha và Ý. Kim Chi và Julian chiều qua Thứ Sáu lái xe từ Genève xuống Marseille mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Sáng nay đi mướn xe SUV 6 chỗ ngồi để chở chúng tôi du ngoạn Marseille.

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG NOTRE DAME DE LA GARDE

Đầu tiên là đi viếng thánh đường Notre Dame de la Garde (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp) nổi tiếng là đệ nhất thắng cảnh của Marseille. Nhà thờ nằm trên núi cao ở hướng Nam thành phố với tháp chuông cao chót vót có tượng Đức Mẹ bồng Chúa (Madonna and Child) bằng đồng mạ vàng lấp lánh nhìn ra hướng biển. Nhà thờ có kiến trúc theo kiểu Neo-Byzantine xây dựng bởi kiến trúc sư Henri-Jacques Espérandieu khởi công vào năm 1864. Nhà thờ được xây trên ngọn núi đá vôi màu trắng xanh có cao độ 149 m (490 ft) ở phía Nam của khu Bến Cảng Cũ (Vieux Port) để thay thế ngôi nhà thờ cũ cùng tên xây từ năm 1214 và được tái thiết phục hồi vào thế kỷ 15. Nhà thờ xưa cũng như ngày nay có tên là Notre Dame De La Garde với niềm tin Đức Mẹ sẽ che chở cho những người đi biển.

Julian lái xe vào những con đường lát đá rất hẹp lại dốc núi, hai bên là những dãy phố liên tiếp nhau nhưng rất ít người lai vãng, có lẽ sáng Thứ Bảy dân chúng chưa thức vội. Đây là những khu phố cổ, đường nhỏ hẹp vì thời xưa chỉ đi bộ hay xe ngựa, những con phố tiêu biểu cho thành phố cổ Marseille. Khó nhất là tìm nơi đậu xe nhưng cuối cùng cũng có chỗ mặc dù đem xe vào rất khó, chỗ trống rất hẹp lại đường dốc. Chúng tôi 6 người đi bộ lên nhà thờ, có nơi phải trèo lên những bậc thang, gió lạnh từ biển thổi lồng lộng vào mặc dù trời đã bắt đầu có nắng.

Cuối cùng chúng tôi cũng tới được sân nhà thờ, nhìn lên thấy tháp chuông cao sừng sững và nhìn xuống núi là biển xanh với những đảo núi đá ngoài xa. Vì Kim Chi và bạn trai Julian chưa cà phê buổi sáng nên chúng tôi vào quán nước (cantine) nhà thờ tìm cà phê và chút gì lót dạ. Vào quán trang trí đơn sơ nhưng sạch sẽ, thấy vài ba chị phụ nữ buôn bán nơi đây ăn mặc đơn giản chỉ áo sơ mi quần tây, không trang điểm và trông giống người Việt. Tôi hỏi thử đúng ra các chị là người Việt và là các dì phước nữ tu Dòng Thừa Sai Khổ Hạnh từ Việt Nam sang. Thấy tôi hỏi thăm bằng tiếng Việt các chị rất vui vẽ trả lời. Cho biết có 8 dì làm việc tại đây, phục vụ dọn dẹp, sổ sách, bán quán nước cho nhà thờ. Tôi xin chụp hình các dì nói rằng luật nhà dòng không cho chụp hình, tôi đành phải tuân thủ. Cà phê và bánh Croissant cho 6 người chỉ có 12 Euros. Sau đó chúng tôi đi vào gian chính nhà thờ phía dưới lúc đó du khách đã bắt đầu vào tấp nập.



Nhìn tổng quát nhà thờ có 3 phần: nhà thờ phía dưới (Crypt), nhà thờ chính và tháp chuông hình trụ vuông phía trên cùng là tượng Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng. Nhà thờ phía dưới là nơi đầu tiên du khách bước vào, nơi đây không trang trí nhiều, có bàn thờ chính và hai bậc thang dẫn lên nhà thờ trên. Khi chúng tôi đến đây thánh lễ đang cử hành nơi bàn thờ chính, vì số ghế có giới hạn nên có một người đàn ông Việt Nam đứng giữ trật tự không cho du khách vào vì đã hết chỗ. Tôi hỏi thăm anh, nhà thờ có linh mục Việt không? Anh ta cho biết dưới thành phố Marseille thì tuần nào cũng có thánh lễ tiếng Việt vì có cộng đoàn Việt Nam ở đó. Anh cũng là người tỵ nạn vượt biên từ thập niên 1980.



Ở gian phía trước nhà thờ dưới có tượng Đức Bà Bồng Chúa giống như trên tháp chuông nhưng kích thước nhỏ hơn. Kim Chi và Julian mua cho chúng tôi mỗi người một cây nến để thắp cùng hàng chục ngọn nến đang cháy trước tượng Đức Mẹ. Sau đó theo bậc thang chúng tôi lên nhà thờ chính phía bên trên.

Chánh điện nhà thờ bên trên trang hoàng bằng đá hoa cương sọc màu đỏ và trắng, trên vòm trang trí bằng những bức tranh cẩn đá màu Mosaics công phu và nghệ thuật với hình ảnh Đức Mẹ, các thánh, tàu thuyền, chim công và két, bảng khắc Luật của ông Moses, thuyền của ông Noah trong trận lụt Đại Hồng Thủy. Những bức tranh ghép đá này ngoài giá trị nghệ thuật còn có tính cách lịch sử vì được sáng tác cách nay hơn 100 năm.

Phần thứ ba là tháp chuông nhà thờ hình trụ vuông cao 41 mét (130 ft) có 4 tầng lầu với cửa sổ và ban công ra ngoài, tháp cũng được xây bằng đá trắng, xanh đường nét rất chi tiết. Bên trên là tượng Đức Mẹ đặt trên một bệ tháp tròn cao 12.5 mét (40 ft), riêng tượng Đức Mẹ Bồng Chúa cao 11.2 mét (36 ft) được đúc bằng đồng và mạ vàng (khoảng nửa ký vàng). Có thang dẫn lên tượng nhưng không mở cho công chúng lên xem vì lý do bảo tồn di tích.

LỊCH SỬ NHÀ THỜ NOTRE DAME DE LA GARDE

Thành phố Marseille có từ thời xa xưa cổ đại, ba bề được bao bọc bằng những dãy núi thấp chỉ có mặt phía Tây trống tiếp giáp với biển gọi là Vịnh Marseille. Ngọn núi phía Nam các nhà hàng hải ngày xưa thường dùng làm một điểm mốc (landmark) để xác định vị trí con thuyền của họ. Năm 1214 tu sĩ Pierre xây một nhà nguyện trên ngọn đồi La Garde để thờ kính Đức Mẹ Đồng Trinh đã phù hộ các ngư phủ đi đánh cá được bình yên. Năm 1302 vua vùng Naples là Charles II of Anjou (lúc đó cai trị luôn Marseille) ra lịnh thành lập hệ thống hải tiêu dọc theo duyên hải vùng Provence thì ngọn núi nơi nhà nguyện là một trong những địa điểm dựng tháp hiệu hải tiêu đó. Vào đầu thế kỷ 15 nhà nguyện lớn hơn được xây lên thay thế nhà nguyện nhỏ.

Qua thế kỷ 16 vào năm 1531 vua Pháp Francis I khi đi kinh lý vùng Marseille nhận thấy việc phòng thủ rất yếu ớt vì trước đó năm 1524 đã bị vua Charles III tấn công và suýt nữa chiếm được Marseille. Vua ra lịnh xây đồn thành lũy ngoài đảo If và đồn thứ nhì cạnh nhà thờ. Hiện nay di tích hai đồn nói trên vẫn còn, thành lũy Chateau d’If trở thành địa điểm du lịch trong khi đồn cạnh nhà thờ chỉ còn một góc tường thành lớn ở phía Nam. Hai thành lũy đó trong lịch sử đã chứng kiến nhiều trận đánh giữa các phe phái để chiếm đóng Marseille. Trong trận Đại Dịch Hạch năm 1720 đã làm chết hơn 100,000 người dân Marseille, giám mục Henri de Belsunce đã ba lần lên nhà thờ Notre Dame de la Garde để cầu nguyện xin Đức Mẹ phù hộ cho dân chúng thành phố được thoát cơn tai ách.



Trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789 nhà thờ bị quân cách mạng chiếm giữ làm ngục thất giam các công hầu bá tước liên hệ tới hoàng gia vua Louis 16. Sau đó nhà thờ bị quốc hữu hóa và cho thuyền trưởng Joseph Escaramagne thuê làm dinh thự riêng nhưng ông này lại là người mộ đạo. Vào tháng Chín 1800 ông ta viết trong thư gởi Bộ Trưởng Chiến Tranh Lazare Carnot xin mở cửa lại nhà thờ. Cuối cùng nhà thờ mở cửa cho dân chúng vào thờ phượng vào ngày 4 Tháng Tư 1807. Ông ta cũng mua lại được tượng Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng và tay phải cầm bó hoa. Tượng được đặt tên là “Virgin of the bouquet” hiện được trưng bày ở nhà nguyện dưới nhà thờ. Từ đó nhà thờ trở nên nổi tiếng nhất là những nhà qúy tộc đến tạ ơn như công nương Caroline của Naples và đảo Sicily con vua Francis I, công chúa Marie Therese of France con vua Louis 16 lặn lội trèo lên nhà thờ trong ngày gió mạnh. Khách nổi tiếng khác là nhà văn Francois-René de Chateaubriand (1768 – 1848) cũng còn là một nhà chính trị, ngoại giao và sử gia.

Sau đó nhà thờ được lên kế hoạch xây mới và phải xin phép từ Bộ Trưởng Chiến Tranh và được chấp thuận năm 1852. Nhà thờ mới lớn hơn được xây trên nền nhà thờ cũ và quân đội sẽ rút khỏi cơ sở thành lũy bên cạnh nhà thờ. Nhà thờ hiện nay như ta thấy khởi công ngày 11-9-1853 nhưng gặp trở ngại thiếu hụt tài chánh vì đá dưới nền móng qúa cứng phải khoan đào rất khó. Công việc xây cất đình trệ, kéo dài cho đến năm 1867 mới xong tháp chuông và phần bệ dưới tượng Đức Mẹ. Tượng này do ba nhà vẽ kiểu ở Paris phát thảo và đưa xuống cho một ủy ban thuộc thành phố Marseille cho ý kiến. Ủy ban đồng ý bảng vẽ của Eugène-Louis Lequesne căn cứ theo sức nặng mà tháp chuông chịu đựng được và giá cả đúc tượng. Vật liệu được chọn là đồng và đúc theo phương pháp mới thời đó là “Galvanoplasty” (đúc không cần lửa). Tượng được đúc làm 4 phần rời nhau và đưa lên ráp hoàn thành vào ngày 24-9-1870. Tượng được mạ bằng 500 grams (18 oz) vàng vào năm 1897, sau đó tu bổ lại vào năm 1936, 1963 và 1989.




Hôm nay là một ngày gió rất mạnh, dân chúng Marseille gọi là gió “Mistral” thổi từ hướng Tây Bắc xuống những tỉnh miền Nam nước Pháp (gần Địa Trung Hải) vào mùa Đông mặc dù hôm nay đã vào Xuân. Đứng từ trên nhà thờ nhìn xuống thành phốMarseille quang cảnh phía dưới rất đẹp nhà cửa chi chít tường vàng ngói đỏ, phía Tây là biển xanh Địa Trung Hải với những đảo đá ngoài khơi. Phía Bắc là hải cảng với những chiếc du thuyền khổng lồ đang neo đậu trong bến cảng.