KÝ SỰ DU LỊCH TÂY ÂU (BÀI 10)
MARSEILLE HẢI CẢNG MIỀN NAM NƯỚC PHÁP
Bài và hình: TRỊNH HẢO TÂM
Ngày xưa khi chưa có đường hàng không, Marseille là cửa ngõ để
vào nước Pháp, sinh viên Việt Nam
sang Pháp du học đều ghé qua đây trước khi đi xe lửa lên Paris . Vì vậy Marseille là nơi có cộng đồng
người Việt đầu tiên ở hải ngoại. Trong cuộc Cách Mạng Pháp 14-7-1789 Marseille
gởi 500 dân quân lên Paris năm 1792 để giúp chính quyền cách mạng. Trên đường
tiến về thủ đô trong khí thế tưng bừng phấn khởi họ đồng ca bài La Marseillaise
và bài hát này đã đi vào lịch sử trở thành quốc ca Pháp hiện nay.
Tôi đến thành phố Marseille vào sáng ngày Thứ Bảy 25-5-2013
cũng bằng tàu nhưng là tàu du lịch Preziosa của hãng Ý MSC tiện nghi sang trọng.
Ngủ trong phòng Cabin máy điều hòa không khí, TV, tủ lạnh, ăn ở nhà hàng Buffet
mở cửa 24/24 toàn là đồ Tây, đồ Ý. Đọc sách “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” (Tập I) tác
giả đã đi tàu Pháp Champollion sang Pháp du học vào tháng 8 năm 1950. Trang
333, 334 tác giả đã viết như sau: “Khi xuống tàu, tôi mới hay số sinh viên VN
xuất dương đông đúc đến thế, hạng ba có gần 40, 30 nữ và gần 10 nam sinh viên, đang
khi đó thì hạng tư được gần 200, phân nửa ở hầm giữa hai bên máy tàu và phân nửa
ở đàng mũi tàu, trong số này có tôi. Cái võng đã thiếu bề dài để có thể nằm
ngay chơn được, mà bề rộng cũng không thể đu đưa được vì chỉ cách người nằm kế
không qúa một thước. Đồ đạc là một cái rương hay cái va li lớn, ai nằm đâu thì để
ngay dưới võng của mình…Tám giờ tối, thủy thủ bưng đồ cho chúng tôi ăn tối. Chúng
tôi ngồi ngay xuống sàn tàu, làm thành từng ô tám người. Lần đầu tiên chúng tôi
nếm bánh mì đen cứng như củi và thịt bò hộp có mùi ten. Nước thì mỗi ô cho người
thay phiên đi ra sau tàu lấy nước trà đen có mùi gỗ mục. Tôi e ngại nhứt là cái
màu đen, cái màu đen của nước nhuộm quần lãnh hay vải săn đầm.”
Còn học giả nhà báo Phạm Quỳnh đến Marseille năm 1922 để
tham dự hội chợ đấu xảo của các thuộc địa Pháp (tiếng Pháp gọi là Marseille
Exposition Coloniale được mở làm 2 lần vào năm 1906 và 1922, có vua Khải Định đến
tham dự). Trong quyển “Pháp Du Hành Trình Nhật Ký” viết vào ngày Thứ Tư
12-4-1922 như sau: “Ở Marseille có cảnh đẹp nhất là nhà thờ Đức Bà Bảo Hộ
(Notre Dame de la Garde) xây trên cái đống cao 150 thước, trấn hãm cả địa thế
thành Marseille thờ Đức Bà bảo hộ cho con nhà đi bể, khác nào như bà Thiên Hậu
của người Tàu. Một tòa nhà thờ chon von ở giữa cái đống cao, trên đỉnh gác chuông
lại có một cái tượng Đức bà lực lưỡng cao ngót mười thước, nặng hơn bốn nghìn năm
trăm cân, những buổi mây quang trời tạnh, đứng khắp thành Marseille ở đâu cũng
trông thấy, rõ như bức tranh vẽ, thật cũng là một cái kỳ quan. Tự dưới phố đi lên
nhà thờ, hoặc đi chân thời phải theo đường thang khuất khúc, hoặc đi bằng một thứ
thang máy làm theo kiểu ròng rọc có khấc (système à crémaillère). Lượt lên đi bằng
thang máy, phải mất tiền, lượt xuống đi chân, qua những ngõ xóm hẻo lánh của bọn
bình dân ở, biệt ra một cái cảnh riêng ở thành Marseille.”
Buổi sáng khi vừa mới đến chúng tôi đã đi lên núi viếng nhà
thờ Đức Bà Hằng Cứu Giúp rồi, bây giờ vào trung tâm thành phố xem cho biết thế
nào, luôn tiện đi ăn trưa luôn thể.
MARSEILLE ĐA VĂN HÓA NHIỀU CHỦNG TỘC
Marseille là thành phố lớn thứ nhì của Pháp với dân số
853,000 dân, nếu kể luôn các khu ngoại ô lân cận thì dân số lên đến 1 triệu 6.
Về địa hình ba mặt tiếp giáp với núi, chỉ phía Tây thông ra biển Địa Trung Hải.
Một vịnh nhỏ như cửa sông thoát nước từ trên núi đổ xuống, nơi đây ngày xưa là
bến tàu nay gọi là Cảng Cũ (Vieux-Port), nay chỉ dùng neo những chiếc ca nô,
thuyền buồm và là khu du lịch trung tâm thành phố với nhiều nhà hàng, quán rượu.
Ở cửa Vịnh còn lưu lại hai thành quách cũ là thành Saint-Jean ở phía Bắc và thành
Saint-Nicolas ở hướng Nam nằm hai bên trấn giữ cửa vào Cảng Cũ. Đại lộ chính của
thành phố là đường Canebière chạy từ Cảng Cũ đi về hướng Đông và chấm dứt ở quảng
trường Réformés, hai bên là những thương xá hiệu buôn danh tiếng. Khu thương xá
lớn nhất là Centre Bourse cũng nằm trên đại lộ này nơi góc đường Canebière và
St Ferréol. Trung tâm thành phố có nhiều phố đi bộ nổi tiếng như đường St Ferréol,
quảng trường Julien gần Music Conservatory, quảng trường Honoré-d’Estienne-d’Orves
cạnh Cảng Cũ và khu vực xung quanh tòa thị sảnh (Hôtel de Ville). Phía Đông Nam
của thành phố là Quận 6 với quảng trường phun nước Place Castellane nơi các tuyến
đường xe điện ngầm (Métro) và xe buýt gặp nhau. Phía Tây Nam thành phố là Quận 7 có nhà thờ Đức
Bà Hằng Cứu Giúp trên núi. Ga xe lửa trung ương có tên là Gare de Marseille
Saint-Charles ở hướng Bắc thương xá Centre Bourse thuộc Quận 1. Phi trường
Marseille nằm ở hướng Tây Bắc trong vùng có tên là Marignane.
Khí hậu Marseille là khí hậu vùng Địa Trung Hải ấm áp, mưa vào
mùa Đông, khô vào mùa Hạ. Lạnh nhất là những tháng 12, 1 và 2 với nhiệt độ
trung bình ban ngày 12 độ C (54 độ F) và ban đêm khoảng 4 độ C (39 độ F). Tháng
7 và 8 nóng nhất với nhiệt độ khoảng 30 độ C (86 độ F) ban ngày và 19 độ C (66 độ
F) vào ban đêm. Marseille được xem là khí hậu ấm nhất nước Pháp.
VÀI DÒNG LỊCH SỬ
Marseille là thành phố cổ xưa nhất nước Pháp, khoảng 600 năm
trước Thiên Chúa đã có người Hy Lạp sinh sống vì là nơi nằm trên tuyến đường hàng
hải từ Phocaea (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) sang Tây Âu. Marseille ngày xưa có tên là
Massalia dân số lúc đó trên 1,000 người liên kết với các thuộc địa của Hy Lạp
như Etruscans (vùng Tuscany Ý), Carthage (thuộc Tunisia, tôi sẽ đến trong chuyến
đi này) và Celts (dân tộc thuộc Bắc Âu) cùng nhau chịu sự bảo hộ của Đế quốc Cộng
Hòa La Mã. Vì nằm dưới sự bảo vệ của La Mã nên Marseille phải cung cấp cho La Mã
xuyên qua đất Pháp (lúc đó cũng thuộc La Mã) nhiều lương thực, hải sản và rượu
vang kể cả người nô lệ. Ảnh hưởng của La Mã qua việc tìm thấy các hầm mộ
(catacombs) ở gần Cảng Cũ và bia danh sách những người tử đạo cũng như giáo phận
Marseille được thành lập từ thế kỷ Thứ Nhất.
Vào thế kỷ thứ 4, 5 đế quốc La Mã suy tàn, thành phố
Marseille rơi vào tay người Visigoths (dân tộc du mục gốc Đức còn gọi là
Goths). Vào giữa thế kỷ thứ 6 vua Pháp là Charlemagne giành lại Marseille nhập
vào nước Pháp và biến nơi đây thành thương cảng nhộn nhịp trong suốt thời kỳ
Trung Cổ. Năm 1348 thành phố bị trận dịch hạch đầu tiên giết mất 15,000 người
trong khi dân số lúc đó chỉ có 25,000. Năm 1437 dân số gia tăng trở lại và có lúc
tách rời nước Pháp để nhập vào vương quốc vùng đảo Sicily của Ý. Năm 1481 gia nhập vào tỉnh
Provence và thuộc lãnh thổ Pháp mặc dù có sự kháng cự của một số nhóm sắc tộc.
Có lúc (1536) Marseille trở thành căn cứ hải quân của liên minh Pháp-Ottoman để
chống lại đế quốc La Mã (Holy Roman Empire) và nhất là với Genoa (trong chuyến đi này tôi cũng sẽ tới đây).
Vào cuối thế kỷ 16, Marseille bị trận dịch hạch lần thứ hai và bịnh viện Hôtel
Dieu được thành lập trong thời gian này. Sang thế kỷ 17 vua Louis 14 (1638-1715)
còn gọi là “Louis le Grand” vị vua huy hoàng nhất nước Pháp, khi chưa nắm quyền
được vì mặc dù lên ngôi sau khi Louis 13 chết, lúc ông mới 5 tuổi còn qúa nhỏ,
quyền hành tập trung vào Hồng Y Mazarin. Ông chống lại triều đình Paris về Marseille xây hai
thành quách Saint-Jean và Saint-Nicolas hiện vẫn còn.
Năm 1720 trận dịch hạch sau cùng giết đi 100,000 người mà người
ta gọi là trận Đại Dịch Marseille. Cách mạng Pháp 1789 bắt giam và sau đó hành
hình vua Louis 16 vì dân chúng qúa nghèo lại bị triều đình sưu cao thuế nặng,
Marseille tham gia cách mạng và gởi 500 dân quân lên Paris, bài hùng ca ái quốc
La Marseillaise trở thành quốc ca nước Pháp cho đến ngày nay. Trong thế kỷ 19
thành phố là một trong những nơi áp dụng cơ khí hóa vào dây chuyền sản xuất
trong cuộc cách mạng kỹ nghệ nhờ lúc đó đã phát minh ra máy hơi nước. Từ đó Pháp
chiếm được nhiều thuộc địa (Algeria, Tunisia, Đông Dương v.v…) cũng như mở cửa
kinh đào Suez vào năm 1869 tàu bè phải ghé Marseille nhờ đó nơi đây phồn thịnh
rất nhanh và tổ chức 2 cuộc hội chợ quốc tế trưng bày các sản phẩm của các thuộc
địa vào năm 1906 và 1922.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Marseille bị máy bay Đức và Ý oanh tạc
năm 1940, sau đó thành phố bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng từ tháng 11-1942 đến
tháng 8-1944. Ngày 22-1-1943 hơn 4,000 người Do Thái bị tập trung và chuyển
sang Ba Lan để bị hành hình. Khu Cảng Cũ bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc vào năm
1944 để mở đường cho việc giải phóng nước Pháp. Trong suốt thập niên 1950 thành
phố được tái thiết với tiền bồi thường của các nước Đức, Ý. Cũng trong thập niên
1950 này Marseille là cửa vào nước Pháp bằng đường biển của dân các nước thuộc địa
và cả con cái người Pháp sinh ra ở các nước thuộc địa (gọi là “pieds-noirs”).
Những di dân này một số lại chọn Marseille làm nơi định cư khiến thành phố có
nhiều khu người nước ngoài như Algeria ,
Maroc , Tunisia
và Việt Nam .
Trong thế kỷ 21 này Marseille lại thiên về hoạt động chính trị ảnh hưởng toàn nước
Pháp chỉ sau Paris .
Nhiều xưởng lọc dầu cũng được thiết lập nơi đây và có đường ống dẫn lên các thành
phố phía Bắc. Hải cảng cũng hoạt động mạnh nhưng thêm vào là kỹ nghệ du lịch với
nhiều hãng du thuyền làm bến để đưa du khách ghé vào nhờ vậy các ngành như ăn uống,
khách sạn, phi trường thêm phát triển. Theo thống kê hàng năm có 2.4 triệu du
khách trong số đó khách đi du thuyền là
890,100 người. Với những bãi biển, di tích lịch sử, kiểu kiến trúc và nền văn hoá lâu đời và 24 viện bảo
tàng, 42 rạp hát, Marseille là một trong những thành phố hấp dẫn du khách nhất
nước Pháp (có 4.1 triệu du khách viếng nước Pháp trong năm 2012).
Kim Chi là cháu gái gọi tôi bằng cậu cùng bạn trai là Julian
lái xe đưa chúng tôi dạo trung tâm thành phố nhất là con đường chính Đại Lộ
Canebière với nhiều cửa hàng bán đồ hiệu nổi tiếng của Pháp, Ý như đồ da, dầu thơm,
mỹ phẩm, nữ trang v.v…Con đường này về hướng Tây là đụng Cảng Cũ nơi đây du khách
tấp nập với Nhà Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố Marseille. Bên trong trưng bày những
hình ảnh, đồ vật cổ của thành phố có chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, tôi tin rằng
rất hấp dẫn mặc dù chuyến đi này chưa có dịp viếng qua.
Chúng tôi ngồi xe chạy trên đường Rue Paradis về hướng Bắc,
thấy con đường dài thẳng tấp với hai dãy phố lầu hai bên. Khi đến cuối con đường
thì đụng ngã ba với đại lộ Canebière chắn ngang, nhưng trước mặt cảnh đường phố
vẫn còn mặc dù có hàng rào sắt phía trước, nhìn kỹ mới biết cảnh đường phố đó là
cảnh giả vẽ trên tường khiến ta thấy như đường phố vẫn còn tiếp tục kéo dài. Cảnh
đường phố được vẽ trên tường của ngôi nhà cổ là trụ sở của Phòng Thương Mại Marseille.
Trụ sở này trang trí hai bên là tượng của Euthymenes (bên trái) là nhà địa dư
Hy Lạp xuất phát đi từ Marseille để khám phá vùng phía Tây Phi Châu. Bên phải là
Pytheas cũng nhà địa dư Hy Lạp khám phá ra vùng phía Bắc Tây Âu
Về Phòng Thương Mại này trong quyển “Pháp Du Hành Trình Nhật
Ký” ghi lại vào ngày Thứ Ba 18-4-1922 học giả Phạm Quỳnh đã viết như sau: “Xem
nhà Thương Nghiệp Công Quán (la Bourse) thành Marseille. Nhà này ở đầu đường
Canebière, là của Hội Thương Mại (Chambre de Commerce) thành Marseille dựng ra
từ năm 1852 đến 1860. Nhà lầu nguy nga, ngoài hiên đi vào hai bên có hai tượng đá
thật lực lưỡng là tượng Thần Hàng Hải và tượng Thần Công Thương. Vào trong thời
có gian chính giữa rộng thênh thang, tức là chỗ ngày ngày các lái hối đoái (agents
de change) đến định giá các giá phiếu (cote des valeurs) cứ tự trưa đến bốn giờ
chiều, người đông nghìn nghịt, kẻ xướng người gọi, tiếng om cả nhà không cảnh gì
vui bằng”. Đó là quang cảnh hoạt động của thị trường chứng khoán vào năm 1922,
cách nay gần 100 năm mà học giả Phạm Quỳng đã ghi lại.
No comments:
Post a Comment