Pages

Powered By Blogger

Sunday, August 21, 2016


Viếng Đền Thờ Ấn Độ Giáo Ở Chino

Hills, California








Trong những năm gần đây ai có công việc lái xe trên xa lộ 71 ngang qua thành phố Chino Hills đều trông thấy một đền đài đồ sộ mang nét kiến trúc Ấn Độ. Đó là ngôi đền thờ của Ấn Độ Giáo tọa lạc ở địa chỉ 15100 Fairfield Ranch Road, Chino Hills, California 91709. Đây là một kỳ công kiến trúc với hàng ngàn khối đá được tạc tỉ mỉ từ Ấn Độ mang sang và xây dựng với kỹ thuật hiện đại. Ngôi đền ngoài mục đích quảng bá triết lý của Ấn Giáo còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người không phân biệt nguồn gốc sắc tộc, tôn giáo.



Chino Hills là vùng nông thôn trước đây chuyên về chăn nuôi và trồng trọt thuộc San Bernardino County nằm về phía Đông và cách Los Angeles khoảng một giờ lái xe. Những năm gần đây di dân từ các nước Á Châu đổ xô đến định cư ở Mỹ và họ thường chọn California là nơi có khí hậu ấm áp quanh năm. Thành phố Los Angeles không còn đất đai để xây cất, phía Tây là biển nên các công ty địa ốc tiến về phía Đông vào những quận hạt như San Bernardino, Riverside. Chino Hills nằm trong số này, từ một miền đất trồng rau, nuôi bò trở thành một vùng gia cư êm đềm, thanh lịch với những khu thương xá mới xây đầy đủ những cửa hàng nổi tiếng. Di dân Á Châu như người Ấn Độ, Trung Đông, Đài Loan, Đại Hàn nhất là Trung Quốc về đây định cư sinh sống rất đông.



Vào năm 1977 một vị lãnh đạo của Ấn giáo là ông Pramukh Swami Maharaj viếng thăm California và quy tụ một số tín đồ để thành lập hội đồng Ấn giáo tại tiểu bang này. Sau đó hàng năm ông thường trở lại Cali để thuyết giảng và tổ chức những khóa tu học. Năm 1984 tu sĩ Maharaj dự lễ khánh thành trung tâm Ấn giáo đầu tiên ở thành phố Whittier gần Los Angeles. Đến năm 1996 hội đồng Ấn giáo tại đây có ý định xây dựng một trung tâm lớn hơn với một ngôi đền bằng đá theo truyền thống của Ấn Độ giáo theo ý nguyện của tu sĩ Maharaj trước đây hằng mong muốn. Sau khi đi tìm và chọn lọc hàng chục địa điểm, hội đồng đã đồng ý địa điểm ngay cạnh xa lộ 71 thuộc thành phố Chino Hills. Nhưng thủ tục xin giấy phép xây dựng gặp phải sự chống đối của người dân địa phương họ không muốn có một tôn giáo lạ xây cất tại đây. Nhất là việc xây dựng ngôi đền thật lớn với những ngọn tháp cao đến 80 feet, lưu lượng xe cộ sẽ đông hủy hoại môi trường nông thôn hiện có.



Với hàng chục buổi điều trần với dân chúng và chính quyền thành phố Chino Hills, những vụ biểu tình chống việc xây cất với hơn 1,500 cư dân tham dự. Họ cho rằng không thích hợp để xây dựng một trung tâm lớn giữa một cộng đồng nông nghiệp nhỏ bé như thế này. Nhưng cũng có một số người ủng hộ trong đó có thị trưởng Chino Hills lúc đó là ông Larson, ông này cho rằng “Tôi ủng hộ bất cứ một trung tâm tôn giáo nào đem lại sự tốt lành cho cộng đồng ở đây”.



Sau cùng vấn đề được đem ra hội đồng thành phố biểu quyết và kết quả số phiếu chấp thuận xây cất cao hơn. Ngày 4 Tháng 9, 2005 buổi lễ động thổ để bắt đầu xây dựng đền Ấn giáo ở Chino Hills.



Ngôi đền Ấn giáo nằm cạnh xa lộ 71 về phía Nam của exit Chino Hills Parkway, từ trên xa lộ cảnh đền màu đá đỏ hiện ra rất rõ, sừng sững giữa trời như ngôi đền Đế Thiên, Đế Thích ở Cambodia. Thật là một quan cảnh khá lạ mắt trên đất Mỹ này khiến dân cư người Mỹ lái xe ngang qua rất ngạc nhiên, tò mò muốn biết đây là cơ sở, kiến trúc gì? Chúng tôi đến buổi sáng ngày thường nên khách đến viếng đền không đông. Khuôn viên đền được bao bọc bằng hàng rào sắt xây cao kiên cố và cổng chính vào nằm trên đường Fairfield Ranch Road như địa chỉ đã ghi. Sau khi đem xe vào bãi đậu chúng tôi đi bộ vào sân đền với bãi cỏ xanh và những luống hoa đã được trồng. Mặc dù đã được khánh thành vào ngày 23 Tháng 12, 2012 nhưng hiện nay công việc trang trí vườn cảnh trong khuôn viên trước ngôi đền vẫn còn đang được thực hiện chung quanh hồ nước có hình đóa sen trước đền. Đền Ấn Độ giáo (Hinduism) nào phía trước đều có xây một hồ nước lớn biểu tượng một con sông vì chữ “Hindu” trong tiếng Ấn cổ Sanskrit (tiếng Phạn) là “Sindhu” có nghĩa là sông Indus, một con sông lớn nằm ở vùng Tây Bắc Ấn Độ.



Ngôi đền chính được gọi là Mandir là nơi cử hành các nghi thức thờ phượng là một tòa kiến trúc có hai tầng, phía trên là đền thờ và tầng dưới là phòng trưng bày triển lãm (Exhibition). Ngôi đền bên trên có 5 tháp lớn (pinnacle) và những mái vòm nhỏ hình bán nguyệt cầu cùng hàng chục ngàn tượng, phù điêu là những khối đá hồng sa thạch (pink sandstone) được khai thác và điêu khắc bằng tay từ Ấn Độ và chuyên chở đến Mỹ, được ráp nối với nhau tại Chino Hills. Một cầu thang lớn hàng trăm bậc dẫn lên đền thờ, bên trong chánh điện một khung cảnh huy hoàng lộng lẫy hiện ra một màu trắng toát với hàng chục cây cột bằng đá cẩm thạch trắng, trên tường những bức tượng, phù điêu trang trí cũng bằng cẩm thạch trắng lấy từ Ý Đại Lợi. Phía trên chánh điện không thấy tượng Phật hay thần thánh nào mà là tượng hai vị thần thiếu nữ trong trang phục màu đỏ nét mặt vui tươi mỉm cười. Chúng tôi đến đúng vào thời điểm tế lễ gọi là Darshan mỗi trưa từ 11 giờ 15 đến 12 giờ, các tín đồ ngồi dưới sàn đá bóng đọc và hát kinh trong lúc bên trên trước tượng hai vị nữ thần một sư ông mặc cà sa vàng làm những động tác tế lễ.Trong điện thờ mỗi ngày có 4 lần cử hành nghi thức Arti là hình thức chào đón vị Thần Linh (God) và 3 lần cử hành nghi lễ tắm Thần gọi là Abhishek.



Qua một cửa thang máy chúng tôi xuống tầng 1 là tầng dưới để xem phòng trưng bày triển lãm hình ảnh và phim video về công trình xây dựng ngôi đền thờ tại Chino Hills này. Từ ngày khởi công đào đất làm nền móng vào năm 2004 đến công việc điêu khắc đá bằng tay tại Ấn Độ và Ý Đại Lợi với hàng trăm tín đồ làm thiện nguyện. Cho đến nâng ráp những khối đá với nhau bằng cần trục cơ giới để xây đền tại Chino Hills và những lễ hội sau khi công trình xây dựng hoàn tất. Có tất cả 35,000 phiến đá được khắc đẻo bằng thủ công trong đó có đá cẩm thạch Carrara marble của Ý và hồng sa thạch Pink sandstone của Ấn Độ,



Trong video còn cho thấy những chân trụ bê tông lớn trong nền móng để giữ vững cả ngôi đền, đây là ngôi đền thờ Mandir đầu tiên trên thế giới có thiết kế chịu đựng động đất. Theo các nhà thiết kế ngôi đền có thể đứng vững trên 1,000 năm. Áp dụng việc dùng năng lượng sạch toàn bộ khu đền đều dùng điện bằng ánh sáng mặt trời. Ban đêm đền Mandir được chiếu sáng bằng những đèn pha cực sáng với nhiều màu sắc rực rỡ.



Trong khuôn viên đền thờ ngoài đền chính Mandir còn có ngôi nhà Visitor Center vào bên trong trang trí rất đẹp, nơi đây có tiệm sách, cửa hàng lưu niệm với các hình tượng, tranh ảnh về Ấn giáo. Bên cạnh là cửa hàng giải khát cà phê với những loại bánh ngọt truyền thống Ấn Độ. Ngôi nhà phía sau cách một sân rộng là Nhà Văn Hóa và hội trường (Narayan Cultural Center & Assembly Hall) cho những buổi thuyết giảng, triển lãm nghệ thuật và văn nghệ. Bên cạnh còn có nhà sinh hoạt giới trẻ Yogi Youth Center và sân vận động.



Ấn Độ Giáo (Hinduism) là tôn giáo lớn thứ 3 trên thế giới hiện có khoảng 800 triệu tín đồ ở Ấn Độ và các nước lân cận. Ấn Độ Giáo là một tôn giáo cổ xưa, ra đời ở Ấn Độ cách đây khoảng 4,000 năm nhưng không có người sáng lập. Ấn Độ Giáo không đặt nặng giáo quyền và tín lý, người theo đạo có thể tin và thờ nhiều thần nhưng có 3 thần chính là Brahma, Vishnu và Shiva. Ngày nay Ấn Độ Giáo pha trộn với Bà La Môn và Phật Giáo. Ấn Độ Giáo tin vào thuyết luân hồi, con người và các động vật đều có các thần ngự trị và chia xã hội Ấn ra 4 giai cấp: tăng lữ, quan quyền, điền chủ và nông dân. Ngày xưa Ấn Độ Giáo truyền bá tới Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, ngôi đền Angkor Thom, Angkor Wat ở Cambodia và các tháp Chàm ở Việt Nam đều ảnh hưởng bởi tôn giáo này.



Đền thờ Ấn Giáo ở Chino Hills là một kiến trúc uy nghi và nghệ thuật, du khách đến thăm sẽ thấy tâm hồn an nhiên thư thái trong không khí yên bình và thoáng đãng. Vì là một nơi thờ phượng tôn nghiêm nên có những hạn chế khi bước vào đền chính như không mang giày dép, ăn mặc kín đáo: áo phải che vai, quần dài dưới đầu gối, không mang thức ăn đồ uống và không được chụp hình.

Monday, August 8, 2016


CHƯƠNG 28
CHÙA LINH ẨN Ở HÀNG CHÂU










Chùa Linh Ẩn nằm trong thung lũng cây cối xanh tươi với nhiều thạch động ở vùng núi phía Tây Bắc của Tây Hồ cách trung tâm thành phố Hàng Châu khoảng 7 km. Chùa được xây lần đầu vào năm 326 AD (năm thứ nhất đời vua Tây An Hy (Xianhe) triều Ðông Tấn (Eastern Jin, 317-420AD) do thiền sư Lý Công từ Ấn Ðộ đi bộ sang Trung Hoa giảng kinh. Ông thấy đỉnh núi giống như Thiên Tử Sơn bên Ấn Ðộ nên cho rằng Thiên Tử Sơn đã bay qua đây nên đặt tên núi là Phi Lai Phong và tên chùa là Linh Ẩn có nghĩa là nơi ẩn cư của các vị tiên linh. Chùa Linh Ẩn là ngôi chùa Thiền Tông lớn nhất miền Hoa Ðông và là một trong 10 cổ tự nổi tiếng của Trung Hoa, đứng thứ nhì chỉ sau chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Trong vùng núi quanh chùa có 345 tượng Phật điêu khắc trên vách núi đá, những tượng này được khắc trong 3 thời kỳ từ Ngũ Ðại kế đến nhà Tống và nhiều nhất là thời nhà Nguyên.



Buổi sáng đầu tiên ở thành phố Hàng Châu là ngày 18-10-05, từ khách sạn Ramada chúng tôi lên đường đi chùa Linh Ẩn. Xe chạy dọc theo bờ phía Bắc của Hồ Tây có nhiều đền chùa, tháp miếu chen lẫn trong rừng cây cối xanh um nhiều cổ thụ, chúng tôi thấy nhân viên thành phố đang dùng xe có thang cao để mé nhánh. Cây long não (camphor) được trồng rất nhiều ở đây, ngắt một chiếc lá đưa lên mũi ngửi có mùi thơm cay nồng của hương long nảo. Ðường xá sạch sẽ, mặt đường nhựa mới láng bóng, ngăn đôi giữa hai chiều lưu thông là những con lươn trồng hoa cảnh đẹp mắt. Ðến bãi đậu, chúng tôi rời xe qua cổng soát vé (giá vé tham quan là 45 yuan) xây theo lối tam quan bên trên có đề chữ “Linh Ẩn Tự” bên cạnh là cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhang đèn rất đông người, có nhiều người bán chiếc kèn sáo làm bằng một khúc trúc thổi kêu ríu rít như tiếng chim oanh. Những người bán dạo nói giá 1 dollar một cái nhưng sau đó có người mua 1 dollar đến...10 cái! Mua xong, chúng tôi đi bộ vào chùa, con đường khá xa gần một cây số và du khách địa phương đi đông như ngày hội. Con đường tráng nhựa hay lát đá chỉ dành cho người đi bộ nằm dọc trong thung lũng theo hướng Ðông Tây hai bên là hai ngọn núi với nhiều tùng bách và một dòng suối chảy róc rách qua những tảng đá lớn, cây cối dây leo chằng chịt khung cảnh núi rừng. Bên kia bờ suối là những tượng đủ mọi thánh nhân được tạc trên vách đá, có tượng Phật Thích Ca, La Hán, Phật Bà nhưng thành thật mà nói thì nghệ thuật tạc tượng còn kém, tỉ lệ thiếu cân đối có những tượng đầu qúa lớn, tay chân quá ngắn thiếu nét sống động, không sắc sảo và to lớn như những tượng Phật ở Long Môn Ðộng gần Lạc Dương mà chúng tôi đã viếng qua. Chỉ có tượng Phật Di Lạc là khá hơn hết, tượng ngồi để bụng to bệ vệ có vẻ sung sướng an lạc, miệng cười toe toét, hai má chảy xệ, mắt híp lại. Ðây là tượng có nghệ thuật điêu khắc khá nên được mọi người để ý và đứng thắp nhang khấn vái khẩn cầu. Có những bà cụ xách giỏ đem nhang đèn đến, cung kính đứng thật lâu lâm râm khấn vái khiến con cái cùng đi kiên nhẫn đợi chờ.



Theo bảng giới thiệu bằng Anh ngữ đặt ở đây ghi rằng: “Tượng 3 thánh nhân từ phương Tây ở Thanh Lâm Ðộng (Green Forest Cave) được biết là tạc sớm nhất vào năm 951 AD. Ða số những tượng đời Tống đều nhỏ và được khắc bên trong và xung quanh động Thanh Lâm cũng như động Milky Icicles. Trong những tượng sắc sảo phải kể là tượng Phật Locana được tạc vào năm 1022 AD trong thời Bắc Tống và Phật Maitreya theo kiểu Nam Tống. Những tượng lớn được tạc trong thời Nguyên đa số nằm rải rác bên bờ Nam dòng suối Hàn Tuyền (Cold Spring) và ở trên mặt đá trước cửa những hang động.”



Ðến một cửa động, các hướng dẫn viên chỉ một bệ đá dài trên cao và nói rằng đây là chiếc giường ngày xưa Tế Công (Ji Gong) Hoà Thượng ban đêm thường ngủ.Tế Công Hòa Thượng là một người tu hành nhưng điên điên khùng khùng nên người ta còn gọi là Tế Ðiên Hòa Thượng, tuy vậy nhưng ông thuyết pháp và giảng kinh Phật rất hay, ông giảng cho cả vua nghe và dân chúng theo rất đông. Ông ăn mặc lôi thôi, không tắm rữa hay móc ghét trong người vò viên lại cho dân làm... thuốc tể uống trị bịnh. Ông uống rượu, ăn thịt chó nên các nhà sư trong chùa không cho ở trong chùa, ông phải ra ngoài hang ngủ ban đêm. Bệ đá chỗ ngủ của ông mặt đá bằng phẳng láng bóng vì nhiều người đặt tay vào sờ để lấy hên, bên trên lại có một hàng tượng Phật khắc trên vách. Tôi sờ tay thấy mát lạnh, không hiểu  đêm Ðông tháng giá nằm nơi đây rất lạnh làm sao ngủ được? Chuyện của ông tôi thấy người ta viết nguyên cả một cuốn sách dày có dịch ra tiếng Việt, trong đó có kể chuyện một hôm ông xông vào một đám cưới và ôm xốc cô dâu mà chạy, dân làng đuổi theo thì ngọn núi lở, đất đá chuồi xuống chôn cả ngôi làng. Người ta tin rằng ông giả vờ cướp cô dâu để cứu cả làng khỏi chết! Cử chỉ ngang tàng, thái độ điên điên khùng khùng của Tế Ðiên Hòa Thượng khiến tôi nhớ tới thi sĩ Bùi Giáng. Bùi Giáng cũng dở điên, ăn mặc quái dị và thường gánh theo nồi niêu soong chảo như một cái bang homeless “a bum”chính hiệu nhưng ông ta có tài ứng khẩu thành thơ lục bát một cách tự nhiên còn Tế Ðiên Hòa Thượng thì ứng khẩu thành bài giảng kinh. Bên trên hang này là núi đá cũng có tượng Phật và dây leo chằng chịt như những con trăn. Nơi hang động này tác giả truyện Thủy Hử mượn bối cảnh để cho Võ Tòng và Lỗ Trí Thâm vào đây giả tu lánh nạn.



Cổng chùa là một ngôi nhà lớn sơn màu vàng, mái nhiều tầng lợp ngói âm dương và cửa ra vào rộng hình bán nguyệt. Sau cổng hiện ra một rừng đại thụ tùng bách mà giữa đám cây xanh là ngôi chùa lớn hiện ra cổ kính và hoành tráng vô cùng. Chùa to lớn có 3 tầng, tầng dưới lớn nhất là chính điện bên trên có 4 chữ “Vân Lâm Thiền Tự” do vua Khang Hy (Kangxi) nhà Thanh (Qing Dynasty, 1644-1911) năm 1681 phong tặng sau khi chùa được xây lại trên nền chùa cũ. Khang Hy xúc cảm cảnh trí thanh tịnh của ngôi chùa ở giữa núi rừng lãng đãng những màn sương trắng nên phong tặng tên chùa là “chùa ở rừng mây”. Qua khỏi khoảng sân rộng, bước vào đầu tiên là tiền điện có trần cao 60 feet trang trí hình vẽ rồng phượng có tên là Ðiện Thiên Vương (Hall of the Heavenly Kings). Tại cửa điện có khắc câu thơ chữ Hán: “Hãy ngồi đợi ngay ngạch cửa này, nơi đây sẽ thấy ngọn núi bay đến từ xa. Hãy đón chào mùa Xuân với nụ cười như băng tan và ngọn suối trên cao bắt đầu chảy trở lại”.



Trong tiền điện có tượng 4 thiên vương đứng bên cạnh Phật Di Lạc bụng to miệng cười vui vẻ như chào đón bất cứ ai bước vào trong điện. Qua khỏi Ðiện Thiên Vương và một khoảng sân sẽ đến chánh điện là điện rộng lớn nhất chùa có tên là Ðại Hùng Bảo Ðiện hay điện Mahavira (Hall of the Great Hero) có chiều ngang 7 gian và sâu 5 gian. Từ sàn nhà cho đến nóc 33.6 mét (110 feet) là ngôi điện cao nhất ở Trung Hoa xây toàn bằng những cột gỗ. Giữa chính điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen cao đến 24.8 mét (82 feet) được tạc bằng 24 miếng gỗ long nảo ghép lại và thếp bên ngoài bằng những lá vàng mõng. Ðây là một trong những tượng Phật bằng gỗ lớn nhất. Hai bên tượng là 20 vị thần bảo vệ chánh pháp và 12 hộ thần đứng nơi vách cuối gian điện. Khung cảnh nơi đây hoành tráng và toát lên một vẻ huyền bí linh thiêng, khách thập phương cung kính vái lạy rất đông nhưng không được thắp đèn nhang, chỉ được thắp bên ngoài để tránh không khí ô nhiễm, ngộp ngạt bên trong.



Bên cạnh ngôi cổ tự Linh Ẩn xây từ thời nhà Thanh là một ngôi đền to lớn mới xây cách nay vài năm cùng lối kiến trúc nhưng đơn giản hơn và bằng vật liệu kiến trúc hiện đại như xi măng và sắt. Bên trong trên những bệ cao là 500 tượng Phật La Hán (Arhats) cao gấp đôi người thật và khác nhau, mỗi tượng là một nhân vật riêng không người nào giống người nào, tất cả đều được sơn một màu vàng ánh và chất liệu bên trong chắc là bằng xi măng hay đất sét nung gì đó. Chúng tôi đi bên trong xem qua và chụp ảnh vì quá rộng và quá nhiều tượng nên đi lòng vòng một hồi không biết đường ra! Ði đâu cũng gặp những ông La Hán mặt mũi dữ dằn, mắt trợn ngược, tay cầm thanh đao. Tượng làm tuy đẹp nhưng để bụi bám quá nhiều, rửa sạch hết 500 tượng lớn như vậy chắc cũng phải tốn rất nhiều nước!



Phía sau chùa là rừng cây phong (maple) loại lá xanh lớn bản mùa Ðông khô đi chứ không đổi sang màu đỏ, loại này có nhiều người gọi là cây ngô đồng. Ở đây cũng có những cây tùng bách cổ thụ mà người ta ghi số tuổi cả ngàn năm có thân sần sùi, vỏ cây bên ngoài đã tróc mất nên đưa những sớ gỗ vằn vện bên trong.



Sau chánh điện chùa Linh Ẩn là phòng y dược, nơi đây nhà chùa phơi khô tích trữ những cây củ dùng làm thuốc bố thí cho khách thập phương. Bên cạnh dược phòng là phòng Ðại Ân và mái hiên Mùa Xuân, hàng hiên này nguyên thủy được xây từ đời Ðường cách nay hơn một ngàn năm. Nơi đây khách thập phương ngồi thiền hay thư giãn tâm trí trong những ngày hè nóng bức, thưởng thức những làn gió mát có hơi sương phù vân từ núi rừng bên ngoài đưa vào. Ở phố Bolsa  thuộc Little Saigon cũng có những mái hiên nhưng là mái hiên...Tây, không phải để ngồi thiền mà để cho khách Việt ngồi hút thuốc và uống cà phê vào những “buổi sáng sương mai vừa lắng đọng”. Không gian nơi đây ít êm đềm trầm mặc mà thường xôn xao xua động...những lời bàn. Người Bolsa thích đọc báo, nhưng vẫn ngồi đây nhâm nhi ly cà phê để nghe những tin tức thuộc loại hậu trường (behind the scene) vừa người thật, việc thật vừa hư cấu sấm truyền, muốn hiểu sao cũng được mà báo chí không đăng. Nhiều người chọn làm ca hai buổi chiều để còn được cái thú mỗi sáng ra tham dự bên bàn cà phê họp báo! Ðó cũng là nét sinh hoạt văn hóa của người Bolsa phảng phất không khí quán cà phê Catinat, Brodard, ngã tư Quốc Tế của Sài Gòn ngày trước. Thật là “Chúng ta đi mang theo quê hương” như nhà báo Ngô Mạnh Thu đã từng nói. 



Trịnh Hảo Tâm

(Cali tháng Sáu cuối Xuân

Hàng cây phượng tím tưng bừng nở hoa)

CAPTIONS:

6148 Chùa Linh Ẩn được xây lần đầu vào năm 326 AD

6144 Những tượng trên vách núi chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu

6145 Tượng Phật Di Lạc tạc trong vách đá

6160 Những tượng Phật được tạc cách nay 1,000 năm

6161 Du khách đang xem bệ đá Tế Công thường ngủ

6153 Tượng Phật Thích Ca bằng gỗ thếp vàng trong chính điện cao 82 feet

6156 500 tượng Phật La Hán trong điện bên cạnh chùa

  





 CHƯƠNG 27

HÀNG CHÂU TỈNH CHIẾT GIANG









Người Trung Hoa có câu “Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô, Hàng” có nghĩa là “Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô Châu và Hàng Châu” để ca tụng vẻ đẹp thành phố Hàng Châu. Hàng Châu (Hangzhou) là thủ đô đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) nằm cuối đầu phiá Nam của Đại Vận Hà là con kinh đào nối liền Bắc Kinh với Hàng Châu sau khi đi qua Nam Kinh và Thượng Hải và Hàng Châu chỉ cách Thượng Hải 150 km . Với cảnh thiên nhiên núi non, sông hồ xinh đẹp và một di sản văn hóa lâu đời, Hàng Châu là một nơi chốn mà du khách không thể nào bỏ qua khi viếng Trung Quốc.



Buổi chiều mùa Thu ngày 17-10-2005 từ Quế Lâm dưới miền Nam chúng tôi đáp máy bay hãng Shandong Airlines để đến Hàng Châu. Dưới nắng chiều vàng vọt từ trên cao nhìn xuống khi gần tới Hàng Châu là dãy núi trùng điệp và những con đường ngoằn ngoèo phiá dưới. Phiá Tây Nam Hàng Châu là vùng núi nhưng hướng Ðông Bắc là vùng đồng bằng ra tới Thượng Hải. Rồi nhà cửa đông đúc như bàn cờ và phi trường Xiaoshan của Hàng Châu nằm ở phiá Đông của thành phố chầm chậm hiện ra. Phi cơ đáp khá êm và đây là chuyến phi cơ thứ ba cũng là chuyến bay cuối cùng của chúng tôi trong nội địa Trung Quốc. Chúng tôi sẽ ở Hàng Châu 2 đêm và Thượng Hải 3 đêm nữa, rồi sẽ trở về Hoa Kỳ. Lấy hành lý ra, gặp hướng dẫn viên địa phương là một anh chàng cao ốm tên Johny thì trời đã tối. Johny có vẻ nghệ sĩ bụi đời, tính tình hệch hạc, sau mỗi câu nói đều cười khặc khặc vài tiếng. Để vào Hàng Châu xe chúng tôi phải đi qua khu công nghệ và chế xuất mới vừa thành lập có vẻ còn hoang vắng thưa thớt các hãng xưởng. Một mùi hôi thối phảng phất trong xe và Johny cho biết đó là mùi phát ra từ nhà máy lọc nước cống. Xe chúng tôi qua cây cầu bắt ngang sông Tiền Đường (Qiantang) là dòng sông nơi Thúy Kiều nhảy xuống toan kết liễu cuộc đời truân chuyên của mình nhưng may nhờ có ông lão chèo thuyền cứu kịp. Qua khỏi cầu đi vào trung tâm thành phố đèn điện sáng choang, xe cộ dập dìu đúng như câu “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Xe ghé vào một nhà hàng lớn ăn tối với những món ăn đặc sản miền Hàng Châu như thịt kho Tô Ðông Pha (Su Dongpo). Món này mỗi người một thố đựng 3 miếng thịt vuông đỏ sậm nửa nạt nửa mỡ, kho rục rất mềm trong thứ nước tương xì dầu ngọt ngọt. Thịt kho này ăn rất bắt cơm, thịt ngọt mềm nhưng không bủn và lớp mỡ bên trên với da thì béo nhưng không ngậy, giống như món thịt kho Tàu của VN ta thường ăn trong mấy ngày Tết và có lẽ món thịt kho VN xuất xứ từ món này nên có tên là thịt kho Tàu. Món thịt kho này có lịch sử hơn 900 năm do ông Tô Ðông Pha thi sĩ đời Ðường...pha chế để chiêu đãi dân công đào Tây Hồ thêm sâu trong thời ông là quan trấn nhậm Hàng Châu. Một món khác cũng nổi tiếng của Hàng Châu là món cá chép (carp, còn gọi là cá lý ngư) bắt ở Tây Hồ chiên dòn ăn với sốt chua ngọt làm bằng dấm và đường. Món này dân Hàng Châu gọi là món “Tình người em dâu đối với ông anh chồng” theo truyền thuyết thời Nam Tống có một phụ nữ tên Thị Tống sáng chế ra món đặc biệt này để nuôi ông anh chồng vì ông này bịnh không ăn được những món thông thường! (Có lẽ ông anh này độc thân nên cô em dâu trong nhà phải lo lắng luôn?)



Ngoài ra còn nhiều món đặc sản của Hàng Châu trong đó có món “Gà Ăn Mày” (Beggar’s chicken), gà được nuôi béo mập và mềm, bao trong lá sen rồi nướng trên lửa than. Khi chín thịt mền nhưng xương dòn như sụn, ăn luôn cả xương. Món này chúng tôi không ăn vì nghe nói gà nuôi trong chuồng kín không thấy ánh sáng mặt trời, để cho thiếu sinh tố D và cho ăn không có chất vôi để xương gà mềm rụm. Gà đi không nổi chỉ lê lết nên gọi là “Gà Ăn Mày”! Không ăn món này là vì mới nghe nói cách nuôi phản thiên nhiên và người nuôi hành hạ súc vật đã ơn ớn làm sao nuốt được!



Ăn tối xong chúng tôi đến khách sạn Ramada Plaza ngày trước có tên là Haihua Hotel, gần đây liên doanh với hệ thống khách sạn Ramada nên đổi tên là Ramada Plaza là khách sạn hạng 4 sao nằm cách Tây Hồ chỉ một con phố. Xe vừa ngừng trước khách sạn là những người đạp xe đạp tràn tới bao vây. Tôi không biết có chuyện gì thì ông Lương Kiện là hướng dẫn viên cho biết đó là những người bán bóp xách của phụ nữ đồ hiệu như LV, Channel nhưng là hàng nhái, hàng giả họ chở trên xe đạp và tay cầm hàng giơ cao mời mua. Mấy tháng trước còn khu chợ trời hàng giả, chỉ bán ban đêm nhưng nay đã bị dẹp nên họ phải bán trên xe đạp di động để tránh công an.



Lấy phòng xong và chờ hành lý đem lên là chúng tôi vọt ngay ra phố thì gặp 3 người nữa trong đoàn (một đôi vợ chồng và một cô độc thân) cũng lang thang ngoài phố, thế là chúng tôi nhập bọn cho vui. Đối diện khách sạn là một department store có nhiều tầng, vào thử thấy bán nhiều quần áo, giày bóp nhưng giá không rẻ. Chúng tôi theo con đường lớn trước khách sạn là đường Qingchun Road đi về hướng Ðông mà tôi tưởng là hướng Tây để định ra Tây Hồ xem cảnh Tây Hồ liễu rũ thơ mộng thế nào? Hướng Ðông đi vào trung tâm thương mại, những dãy phố từng căn một, có cửa hàng 2 căn và có vài thương xá lớn cũng bán quần áo, giày dép giá cả khá rẻ, một cái áo sơ mi dài tay độ 3 USD, quần tây 7 USD. Ba bạn trong đoàn mua nhưng tôi vì lười biếng phải vào phòng thử lôi thôi nên không mua. Ði dạo phố khá xa mà không thấy Hồ Tây nên tôi biết là đã lộn hướng bèn nói với các bạn đi ngược trở lại bằng cách lên cầu băng qua con đường. Dãy phố bên này có tiệm sách ngoại ngữ rất lớn, một cửa hàng kim hoàn sang trọng sàn lát đá hoa cương (granite) có an ninh mặc đồng phục gác trong ngoài nhưng bên trong tiệm đóng kín cửa mà không có máy lạnh nên nóng và ngộp qúa mặc dù ban đêm gần 9 giờ. Về đến khách sạn Ramada Plaza thì 3 bạn kia vì mua sắm xách đồ nhiều quá nên không chịu đi tiếp ra Tây Hồ và nói chúng tôi cứ đi đi, bỏ đồ vào phòng xong họ sẽ đi sau và hẹn có thể gặp ngoài bờ hồ.



Ði về hướng Tây chỉ một block là con đường lớn đụng công viên quanh bờ hồ. Ông Lương Kiện có dặn là cẩn thận khi ra Hồ Tây vào ban đêm nhưng đến nơi thấy khung cảnh êm đềm, thơ mộng, ánh trăng gần tròn lên khá cao phản chiếu xuống mặt hồ lung linh, ngoài khơi có những ngọn đèn thắp trong lỗ tròn trông như những ánh trăng và những thi sĩ đã từng nói không biết trăng nào thật vì có quá nhiều ánh trăng. Bên bờ hồ tráng xi măng có vài ba chiếc thuyền gỗ (lớn hơn chiếc tam bản) cập bờ, trên thuyền có chiếc bàn con phủ khăn trắng và một ngọn đèn dầu đặt ở giữa khi tỏ khi mờ và hai chiếc ghế hai bên. Những ông chèo thuyền đội nón tre đứng đợi khách thuê bao để du ngoạn trên hồ. Quanh bờ hồ trồng rất nhiều liễu và những loại cây khác cũng như những khóm hoa được chiếu đèn trông rất lung linh huyền ảo. Thiên hạ dạo chơi, từng cặp nam nữ dựng xe đạp ngồi tâm tình trên những chiếc băng đá.



Người Trung Hoa thường tự hào về phong cảnh đất nước mình, họ có câu: “Sống ở Tô Châu, chơi ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu”. Tô Châu gần Thượng Hải nổi tiếng về tơ lụa và gái đẹp có giọng nói thánh thót như thơ nhạc, Hàng Châu cảnh đẹp nhiều trà thất, tửu lầu với trà Long Tĩnh nổi tiếng thơm ngon, Quảng Châu nấu ăn rất ngon và Liễu Châu ở gần Quế Lâm có nhiều gỗ qúi để đóng quan tài mà không bị mục. Phố Hàng Châu được xây dựng cách nay 8,000 năm và có lịch sử được ghi chép cách đây 2,200 năm từ thời Tần Thủy Hoàng, từng là đế đô của triều Nam Tống (1127-1279) là một trong 7 cố đô của Trung Hoa. Khí hậu bán nhiệt đới ấm áp và có bốn mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm là 16.2 độ C. Thành phố được thành lập ngày 24-5-1949 có diện tích 16,596 km vuông trong đó vùng đô thị là 3,068 km vuông. Dân số tính vào cuối năm 2004 là 6,516,800 người có hơn 4 triệu sống ở vùng đô thị, đa số là người Hán và có 23 sắc tộc thiểu số khác gồm người Hui, Mông Cổ, Man, Urgar và Chaoxian...Cây tượng trưng cho thành phố là cây long nảo (camphor). Hàng Châu nội Tây Hồ không thôi đã có 10 cảnh đẹp (Tây Hồ Thập Cảnh), ngoài ra còn có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử khác như chùa Linh Ẩn (Ling Yin Temple), mộ anh hùng Nhạc Phi (Yue Fei), tháp Lục Hòa (Six Harmonies Pagoda) v.v...



Trong Sử Trung Quốc học giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả Hàng Châu dưới thời Nam Tống như sau:



“Thương mãi phát đạt thì thị trấn thành thị cũng phát triển. Trung tâm kinh tế đã từ miền Bắc chuyển xuống miền Nam. Kinh đô đã không còn ở trung lưu sông Hoàng Hà nữa; nó từ Trường An chuyển lại Lạc Dương, rồi từ Lạc Dương đến Biện Kinh (Khai Phong ngày nay), đời Nam Tống nó xuống Hàng Châu. Năm 1170 Hàng Châu đã có nửa triệu người. Chợ búa phố xá rất đông đúc. Miền Nam khí hậu ấm áp hơn miền Bắc, cây cỏ xanh tươi nhiều hồ, nhiều sông, đời sống dễ chịu nên tính tình của con người cũng thay đổi, bớt khắc khổ, đạm bạt, nghiêm ngặt mà phóng khoáng hơn, vui vẻ, ham hưởng lạc, lãng mạn hơn. Giới thương gia ở kinh đô sống trong những dinh cơ rộng: phía trước là ngôi nhà lộng lẫy tiếp khách, có nhà thờ tổ tiên, phía sau là khu cho phụ nữ, trẻ con, chung quanh là vườn rộng có cây cảnh, cây ăn quả, non bộ. Họ có nhiều cao lâu, tửu quán, trà thất để ăn tiệc, chơi bời, ngắm trăng, nước, nghe hát. Muốn biết đời sống của họ, chúng ta có thể đọc những truyện Thuỷ Hử, nhất là Kim Bình Mai, hoặc cuốn “La vie quotidienne en Chine la veille de l'invasion Mongole” của Jacques Gernet. Trụy lạc là giới thương nhân đó và giới quan lớn mà hầu hết là đại điền chủ. Ở Trung Quốc, thời xưa các quan đều ăn hối lộ không nhiều thì ít, vì lương của họ thấp quá mà họ lại có nhiều vợ, nhiều con, nhiều kẻ hầu người hạ, có khi phải giúp đỡ cho anh em, họ hàng nữa. Một người làm quan thì cả họ được nhờ. Vua Cao Tôn hiểu vậy tăng lương cho họ, không rõ bao nhiêu nhưng có tăng gấp đôi, gấp ba cũng không đủ. Cho nên ông quan nào cũng không có di sản của tổ tiên, hoặc vợ giàu, đảm đang, mà ráng giữ đức thanh liêm thì phải sống đạm bạc như Phạm Trọng Yêm: Vợ con không được bận đồ tơ lụa, bữa cơm chỉ dọn một món thịt, trừ khi có khách mà ông là một đại thần ở triều Nhân Tôn đấy. Còn Tô Đông Pha hồi còn làm chức quan nhỏ, thất phẩm ở Mật Châu (lúc đó triều đình đã giảm lương quan lại), phải chịu mọi cảnh thiếu thốn, con cái nheo nhóc, không đến nỗi chết đói, nhưng có lúc cùng một bạn đồng sự, phải đi hái cúc trong các vườn hoang để ăn cho đầy bao tử.


Khi rợ Kim chiếm Biện Kinh rồi, vua Cao Tôn đầu đời Nam Tống lưu lạc hai ba nơi rồi sau lại Hàng Châu lúc đó chỉ là một cái phủ ở ngay tỉnh lị, tỉnh Chiết Giang. Mới đầu triều đình chỉ tính ở tạm tại đó, coi đó là một "hành tại" (người Âu phiên âm là Quinsay) cũng như hành cung vậy thôi. Sau thấy phong cảnh nơi đó đẹp đẽ, khí hậu mát mẽ, cây cối xanh tươi, nhất là miền đó có nhiều đồi, nhiều hồ, sông rạch và chằm, rợ Kim quen chiến đấu ở miền Bắc, phi ngựa trên những đồng cỏ mênh mông, gặp những sông rạch, chằm đó sẽ bất lợi, nên triều đình Nam Tống lựa Hàng Châu làm kinh đô. Nó nằm trên bắc ngọn sông Chiết Giang- khúc đó cách bờ biển không xa, còn có tên là Tiền Đường (nơi nàng Kiều gieo mình xuống để chấm dứt 15 năm đau khổ), phía nam nó dựa lưng vào núi Ngô Sơn, phía tây nó soi bóng trên Tây Hồ, nổi danh là nơi linh tứ bật nhất của Trung Hoa nhờ cảnh đồi núi, hồ biển tuyệt đẹp, nhờ khí hậu ấm áp, nhờ dân trong miền tính tình vui vẻ, nam thanh nữ tú, tiếng ca hát ngâm thơ vang lên trong các vườn hoa, các trà thất, bên bờ nước, dưới các hàng liễu. Đầu Nam Tống, nó chỉ độ 200.000 dân, cả Nam Tống được độ 60 triệu dân, Bắc Tống được độ 40 triệu nữa. Nhưng nó phát triểu rất mau vào cuối đời Nam Tống, đầu đời Nguyên, nó đã có một triệu dân, thành thị trấn đông dân nhất, giàu có nhất thế giới. Mà coi trên bản đồ chúng ta thấy rất hẹp. Nó có hai vòng thành, vòng trong xây vào thế kỷ VII. Thị trần ở vòng trong: từ Nam tới Bắc độ bảy cây số, chiều ngang độ 2 cây số. Thành trong đắp bằng đất, đá và gạch cao chín thước, dưới chân dày ba thước, có 13 cửa mà 3 ở phía đông quan trọng nhất, xây cất rất vững chắc, canh gác suốt ngày đêm. Từ năm 893 người ta bắt đầu xây thêm vòng ngoài. Dưới chân thành có hào rộng. Có một con đường chính rộng trăm bước chân từ Bắc tới Nam, nơi có cung điện, tôn miếu và đàn Nam giao. Có nhiều đường từ Đông qua Tây cắt ngang đường chính đó, và nhiều kinh chạy song song với đường chính. Không biết ngoại ô lan tới đâu. Và người ta chỉ đoán rằng vào khoảng 1274. Thị trấn rộng trên 20 cây số vuông, mà chứa một triệu người cho nên rất chật chội.”





Trịnh Hảo Tâm

(Cali nắng ấm tháng Năm

Những hàng phượng tím âm thầm đươm hoa)





 209 Hoàng hôn trên Tây Hồ ở Hàng Châu

6213 Khách sạn Ramada Plaza ở Hàng Châu

6215 Buổi sáng trên một ngã tư ở Hàng Châu

 6241 Ðoàn du khách VN từ Cali vào một nhà hàng





CHƯƠNG 26

ÐỒI VOI VÀ ÐỘNG SÁO TRÚC Ở QUẾ LÂM










Ðộng Sáo Trúc (Reed Flute Cave) còn gọi là Ðộng Lô Ðịch là thắng cảnh đẹp ở Quế Lâm sau cảnh sông Li. Ðộng Sáo Trúc cách trung tâm Quế Lâm 5 km về hướng Tây Bắc nơi đây có những động đá rộng, vào sâu bên trong quang cảnh lung linh huyền ảo với những thạch nhũ tạo thành những hình tượng muôn hình vạn trạng khiến du khách mê hồn như lạc vào động thiên thai. Thật ra gọi là Ðộng Sáo Sậy thì đúng hơn vì chữ “reed” có nghĩa là sậy (một loại cỏ lớn có đốt và thẳng thường mọc ở vùng đầm lầy). Ðộng mang tên này vì vùng bên ngoài có rất nhiều sậy mọc và người ta dùng nó để làm sáo, một nhạc cụ dùng để thổi, hơi gió qua những lỗ nhỏ phát ra thanh âm.



Buổi sáng ngày 17-10-2005 chúng tôi lên xe đến Ðồi Voi (Elephant Hill) ở về phiá Nam thành phố cạnh bờ sông Li và một nhánh nhỏ của nó có tên là sông Taohua (Hoa đào nở). Con đường dọc bờ sông Li gần điểm du lịch Ðồi Voi rất đẹp, là khu phố cổ với những hàng cây râm mát, biệt thự xưa cũ nay được biến thành cơ quan nhà nước hay nhà hàng, khách sạn. Xe chúng tôi đậu bên lề đường chờ Dean là hướng dẫn viên vào thu xếp chỗ đậu xe và mua vé tham quan cho cả đoàn. Trong lúc ngồi trên xe có một anh chàng cỡi xe đạp đến mời mua chôm chôm và chôm chôm của anh ta tươi và rất ngọt. Dean trở ra xe phát vé (giá 20 yuan) và hướng dẫn chúng tôi vào cửa. Dọc theo hàng rào trước cửa vào là những bảng hiệu quảng cáo bán các sản phẩm như máy vi tính, điện thoại di động, thuốc bổ v.v...tôi không đọc chữ được nhưng xem hình. Qua cửa bước xuống những bậc thang bờ sông thấp ở phía dưới, du khách rất đông nói cười rộn rã trước dãy cửa hàng bán phim chụp ảnh, pin, bưu ảnh (postcard), nước ngọt, đồ kỷ niệm v.v...Nhìn về hướng Nam là một ngọn đồi nằm chận dòng sông nhưng chân đồi ở ngoài sông bị nước chảy tạo thành một cái hang thông gió nhìn như  con voi đang uống nước. Bên trên đỉnh đồi có một khối đá nghiêng có dạng một đuôi kiếm. Người ta kể rằng: ngày xưa, có một con voi vốn là tướng trời được phái xuống trần làm việc. Khi tới Quế Lâm, thấy cảnh đẹp nên ở lại trần gian. Thượng đế tức giận sai thiên lôi đem gươm đâm vào lưng voi và đày nó thành đá đứng muôn đời bên bờ sông Li. Câu chuyện có ý muốn nói rằng làm tướng trời cũng không bằng làm dân Quế Lâm (?). Ðêm trăng mặt sông phản chiếu ánh trăng như dát bạc, nhìn mặt sông qua hang tròn, thấy như một mặt trăng. Các thi nhân ngày xưa cho rằng có hai mặt trăng: trên trời một mặt trăng và dưới sông một mặt trăng!



Ðồi Voi ngày xưa được gọi là đồi Li, đồi Yi, đồi Chenshui có lịch sử hàng trăm triệu năm, có cao độ 200 mét, đỉnh đồi cách mặt sông là 55 mét. Bên trong vách động có 70 câu thơ khắc trên đá ca tụng vẻ đẹp nơi đây, ghi niên đại đời nhà Ðường, nhà Tống. Trên đỉnh đồi Voi hiện lên nền trời tháp chùa cổ có tên là chùa Puxian được xây từ thời nhà Minh (1368-1644). Ðồi Voi là hình ảnh biểu tượng của Quế Lâm.



Lang thang bên bờ sông chụp hình thì có các cô gái che dù mặc quần áo sắc tộc mời đứng chung chụp hình. Mỗi cô ra giá 5 yuan cho một lần chụp (tôi chụp cả chục tấm cho chắc ăn!). Các bà trong đoàn cũng kêu các cô đứng chụp. Các cô gái kiếm được bộn tiền sáng nay nên mặt mày cô nào cũng tươi rói.



Rời đồi Voi xe chúng tôi chạy lên hướng Bắc vào cổ thành cũng nằm cạnh bờ sông Li, nơi đây là trung tâm Quế Lâm ngày xưa nhưng bây giờ muốn giữ cảnh cổ nên không cho cất những kiến trúc mới. Thành cũng xây bằng gạch  nung đen nhưng tường thấp và mõng không cao hơn nhà dân bao nhiêu nên khó thấy, thêm nữa lại bị cây cối che phủ. Bên trong thành là tư dinh của hoàng tử Jingjiang họ hàng trong hoàng tộc nhà Minh, làm quan trấn ở đây. Xung quanh tư dinh quan trấn là những ngôi nhà lớn tường vàng, ngói đỏ kiến trúc có vẽ Âu Châu xây khoảng đầu thế kỷ 20 ngày nay là trường Ðại Học Sư Phạm. Chúng tôi vào đây để viếng một thắng cảnh có tên là Solitary Beauty Peak (Ðộc Tú Sơn - Duxiu Peak) là một ngọn núi thẳng đứng như cột nhà cao 216 mét, người Trung Hoa gọi là Nam Thiên Nhất Trụ (Sky-Supporting Pillar in the South). Thời Nam Triều (420-589) Yan Yanzhi tổng trấn Quế Lâm đã cho khắc dòng chữ  “Không nơi nào đẹp hơn ngọn độc đỉnh này” từ đó mới có tên là Solitary Beauty Peak.



Xe chúng tôi đậu lại dưới chân núi là khu trường đại học nên có rất nhiều nhà cửa và cây cối lâu đời nhưng được chăm sóc khá sạch sẽ, lối đi trồng hoa tươi mát. Cạnh đó là phòng tranh của trường đại học, hướng dẫn viên cho biết ai muốn vào xem và mua tranh thì vào, ai thích lên núi Ðộc Tú Sơn thì có đường lên nhưng khá vất vả, bù lại đứng trên ngọn sẽ thấy vẻ đẹp của thành phố Quế Lâm phiá dưới chân mình (vé tham quan là 5 yuan đã mua cho cả đoàn khi vào khu này).



Chúng tôi vào xem tranh vẽ bằng đủ mọi thể loại, cũng đẹp và giá tương đối hợp lý. Bà qủa phụ Hoài Trung (ban tam ca Thăng Long gồm Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh) có vẻ thích bức tranh vẽ một bầy ngựa (có lẽ bà nhìn bức tranh nhớ lại nhạc phẩm “Ngựa Phi Ðường Xa” không ai ca hay hơn ông Hoài Trung với những tiếng ngựa hí bằng giọng của ông). Bà nhờ tôi hỏi giá với các cô bán tranh và sau khi trả giá mua được với giá 25 USD. Tôi nói thêm với bà đó là bức tranh “Mã Ðáo Thành Công” theo tích “Phú Ông Thất Mã” (Phú ông mất ngựa rồi mấy hôm sau ngựa mất dẫn một bầy ngựa khác về).



Bà vợ nhà tôi rũ lên núi Ðộc Tú Sơn hay là Ðộc Tuyệt Ðỉnh, đường lên núi 396 bậc thang lát đá tảng, cây cối, hoa lá, dây leo dọc theo đường lên rất đẹp. Chúng tôi leo qua các tảng đá Dushu (Học Vấn), Taiping (Hòa Bình) và vũng nước Yueya (Lưỡi Liềm). Tôi lười và cũng muốn dành sức vì chút nữa còn phải vô...động nên tôi leo nửa chừng thì tuyên bố leo không nỗi nữa nên không có dịp ngắm bức tranh toàn cảnh Quế Lâm và những ngọn núi bao quanh. Nhưng đứng nửa chừng núi vẫn thấy được những cao ốc và ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo nhỏ gần đó.



Rời khu cổ thành xe chúng tôi đến Ðộng Sáo Trúc chỉ cách cổ thành khoảng 5 km về hướng Tây Bắc. Thành phố Quế Lâm nhỏ nên vùng Ðộng Sáo Trúc được xem là vùng ngoại ô rất nhiều cây cối xanh tốt, ao đầm và những vườn rau cải. Xe qua cây cầu phiá xa có nhiều quả núi vôi đứng thẳng rồi  xe đi vào con đường ngoằn ngoèo để lên một ngọn núi nhiều cây cối, đó là núi Ðộng Sáo Trúc. Phía bên ngoài người ta bày hàng quán bán khoai lang nướng, những khúc mía màu nâu đỏ, hàng thủ công làm bằng gỗ và cũng có bán những cây sáo nhỏ làm bằng sậy sơn màu đỏ thẫm (mua ở đây nhớ trả giá). Sau đó phải bước lên những nấc thang để lên khu bán vé có những cửa hàng giải khát và bán qùa lưu niệm. Vé vào cửa để tham quan động là 60 yuan. Con đường đi trong động có hình chữ U dài 240 mét, vào một cửa và theo hướng dẫn viên vào động tham quan nghe thuyết trình mất độ một giờ và ra cửa khác cách cửa vào cũng không bao xa. Bên trong động không tối lắm nhờ những ngọn đèn xanh đỏ chiếu lên trần động cho ta thấy những hình thù lạ lùng, có những tảng đá như khu rừng nấm, có những tảng như con hạc đứng trầm ngâm, như con bạch tuột có những chân dài tủa xuống phía dưới. Tất cả do nước trên ngọn núi mang chất vôi nhỏ xuống hàng triệu năm xoi mòn những tảng đá mà tạo thành. Có những dòng giọt nước nhỏ xuống, đóng vôi tạo thành những cột thạch nhũ tua tủa. Cảnh vật muôn hình vạn trạng tùy theo người tưởng tượng: nào là tiệc bàn đào của Tây Vương Mẫu, chỗ kia là thủy cung của Ngưu Ma Vương. Người Trung Hoa có thói quen thần thánh hóa mọi sự vật bằng những huyền thoại, hư cấu nên trong động có nhiều chỗ được mang tên là Ðiện Thủy Ngọc (Crystal Palace), Long Tự (Dragon Pagoda), Trinh Nguyên Lâm (Virgin Forest), Hoa Qủa Sơn (Flower and Fruit Mountain). Trong những tên đó nhiều nơi ta phải vận dụng óc tưởng tượng nhưng những huyền thoại chung quanh nó nghe kể cũng thú vị toàn là chuyện thần tiên, lãng mạn. Có một vũng nước trong động được đèn màu phiá vách động chiếu xuống mặt nước lung linh, phía sau là hàng trăm tảng đá nhú lên cao thấp hình thù khác nhau, đứng xa nhìn như khung cảnh thành phố New York ban đêm từ biển nhìn vào, vách động là nền trời, những hòn đá nhô lên    những cao ốc, lại có chóp đá giống như tượng nữ thần tự do giơ cao ngọn đuốc (chóp đá này dám họ tạc rồi gắn thêm vào?). Cảnh “thành phố New York” này được giăng đèn rất lung linh huyền ảo.



Mặc dù trong động có nhiều loại đèn khác nhau nhưng với máy chụp ảnh cá nhân vẫn không đủ ánh sáng cho ta hình rõ đẹp ngoại trừ máy ảnh chuyên nghiệp có đèn chụp cực mạnh. Vì vậy vài nơi như Crystal Palace và Flower and Fruit Mountain có thợ hình nhà nghề chụp dạo với máy và đèn tốt, giá là 20 yuan cho mỗi tấm ảnh. Trong động có khoảng 70 câu thơ ca tụng cảnh đẹp Ðộng Sáo Trúc người ta cho rằng được khắc từ đời Ðường, chứng tỏ động đã nổi tiếng là một thắng cảnh từ thời ấy.



Rời Ðộng Sáo Trúc chúng tôi đi ăn trưa rồi được đưa đi xem ngọc trai trong một cửa hàng chuyên môn về ngọc trai được nuôi ngoài biển. Theo lời giới thiệu của cửa hàng thì ngọc trai tại nơi đây được nuôi tại nhiều điạ điểm khác nhau trong đó có một trại nuôi trai ở vùng biển Vịnh Hạ Long ở Việt Nam mà ông ta cho rằng phẩm chất được xếp hạng cao cấp chỉ thua ngọc trai Nhật Bản mà thôi. Hạt trai ngày trước chỉ có màu trắng tinh và trắng ngà, bây giờ lại có thêm màu đen tuyền. Ở cửa hàng ngọc trai được xem những màn trình diễn thời trang do các cô người mẫu trong những kiểu y phục khác nhau, đeo những chuỗi hạt trai ra trình diễn.



Sau đó chúng tôi ra phi trường Quế Lâm ở hướng Nam thành phố đáp chuyến máy bay của hãng Shandong Airlines để đi Hàng Châu (Hangzhou) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang). Trong lúc chờ đợi ở phi trường có một cô gái hỏi chúng tôi là người Hoa ở tỉnh nào sao tiếng nói lạ quá? Tôi nói là người VN nhưng ở  Mỹ. Cô không hiểu nhiều tiếng Anh và có vẻ không biết VN là nước nào? Tôi hỏi cô ta biết VN ở đâu không? Cô lắc đầu. Tôi nói VN ở phiá Nam gần đảo Hải Nam đó. Tôi hỏi cô ta đi đâu? Cô trả lời đi về Sơn Ðông, cô ở trong đoàn nhân viên một nhà máy thuộc tỉnh Sơn Ðông đi du lịch Quế Lâm 5 ngày. Cô gái hỏi tôi chứ biết Sơn Ðông không? Tôi nói ngày xưa ở chợ tỉnh Trà Vinh tôi hay có những đoàn hát sơn đông mãi võ, chắc họ là người Sơn Ðông đến nhổ răng, múa võ và bán thuốc. Hàng xóm phố tôi ở cũng có một tiệm làm răng hiệu là Ðỗ Ðoàn Viên là người Sơn Ðông. Cả gia đình nói tiếng Sơn Ðông , nói nhanh và giọng xì xồ như gây lộn. Ông có một bà mẹ già bị bó chân từ nhỏ nên đi từng bước ngắn như sáo nhảy. Bà hay đút cơm cho mấy thằng cháu nội, khi tụi nó không muốn ăn, chạy chỗ khác thì bà đành chịu, đứng một chỗ, cầm chén cơm, miệng xì xồ la mắng! Tôi ghét cái ông thợ làm răng này vì mỗi lần nhức răng là má tôi “áp tải” tôi đến tiệm ông. Tôi bị vợ ông kềm chặt trên chiếc ghế làm răng và ông ta mài răng tôi để trám bằng cái lưỡi khoan chạy bằng bánh xe mà ông vừa mài răng vừa đạp lia lịa như người ta đạp máy may!



Máy bay cất cánh, nhìn xuống đất chen chúc những cụm núi xanh như những gò mả, những cánh rừng, ao hồ đây đó và dòng sông Li dài uốn khúc như rắn lượn. Nó lượn mãi và mất hút tận chân trời.



TRỊNH HẢO TÂM

(Mùa Xuân còn ở Cali

Hoa vàng chắn lối Xuân đi chưa đành!)



Cùng một tác giả đã phát hành 2 quyển ký sự du lịch “Trên Những Nẻo Đường Việt Nam” và “Miền Tây Hoa Kỳ” kể lại những chuyến đi VN và Hoa Kỳ với nhiều chi tiết rất thú vị. Cả hai sách đồng giá 15 US$ mỗi quyển, có bán tại các nhà sách.  Ở xa gởi ngân phiếu 15 US$ về tác giả, sách có chữ ký được gởi đến tận nhà:



TRỊNH HẢO TÂM

3683 Hawks Drive

Brea CA 92823

Ðiện thoại 714-528-1413 Nhà

                  909-395-2134 Sở

Email: trinhhaotam@hotmail.com



CAPTIONS:

6070 Cửa vào thắng cảnh Ðồi Voi ở Quế Lâm

6076 Những thiếu nữ sắc tộc chụp hình với du khách ở Ðồi Voi

6083 Ðồi Voi có hình dáng như con voi uống nước

6091 Bức tranh Lảo Bà trong phòng tranh dưới chân Ðộc Tú Sơn

6094 Quế Lâm nhìn từ Ðộc Tú Sơn

6098 Trên đường đi Ðộng Sáo Trúc ở Quế Lâm

6108 Bên trong Ðộng Sáo Trúc



 






Friday, August 5, 2016


CHUONG 25

XEM CA VŨ DÂN TỘC Ở QUẾ LÂM






Quế Lâm (Guilin) nằm về phiá Bắc tỉnh Quảng Tây (Guangxi) từ thời nhà Minh là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Tây. Nói đến Quế Lâm là phải nói đến dòng sông Li nước xanh trong vắt, hai bên bờ có hàng ngàn núi đá vôi phong cảnh sơn thủy rất hữu tình. Quế Lâm có nghĩa là rừng quế nhưng quế trồng ở đây không phải là cây quế cay người ta bốc vỏ phơi khô để làm gia vị như tôi vẫn tưởng khi nghĩ về Quế Lâm. Cũng rừng quế nhưng đây là quế hoa, hoa quế nhỏ li ti màu trắng nở rộ từ rằm tháng 8 cho đến đầu tháng 10. Thời gian đó khắp thành phố đi đâu cũng thoang thoảng mùi hương hoa quế dịu dàng.



Quảng Tây là tỉnh cực Nam của Trung Quốc sát với biên giới VN, thành phố Quế Lâm nằm trên đường bộ từ Hà Nội đi Bắc Kinh và cách Hà Nội 800 km. Nhà bác học Lê Qúi Ðôn trải hai năm trời (1760-1762) đi sứ sang Trung Quốc, khi về phái đoàn mua được cả ngàn cuốn sách quý. Lúc thuyền về đến Quế Lâm thì có sở quan xuống thuyền đòi khám và họ lạm quyền tịch thu một số lớn sách. Phó sứ Lê Quý Ðôn phải nhọc công thương thuyết và mất tiền mới lấy lại được. Năm thứ 13 đời Gia Long (1813), thi hào Nguyễn Du cũng đi sứ sang Tàu ghé qua đây, ngậm ngùi trước di tích Bách Việt (một nguồn gốc của dân tộc VN) cảm tác bài thơ sau:



Việt Tây sơn trung đa giản tuyền

Thiên niên hợp chú thành nhất xuyên

Tự cao nhi hạ như bác thiên

Thiên thượng hà sở văn?

Ứng long kịch nộ lôi điền điền.



Nhà thơ Thanh Vân ở VN đã diễn Nôm:



Trong núi Việt Tây khe suối tuôn

Ngàn năm dồn lại hợp nên nguồn

Ngất cao ào ạt như trời trút

Xanh xanh nghe thấy gì?

Tưởng rồng vùng vẫy sấm mười phương.



Ngày nay từ Hà Nội du khách có thể đến Quế Lâm bằng máy bay hay bằng đường bộ hoặc xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh - Quế Lâm. Ðoạn Nam Ninh - Quế Lâm hiện là một xa lộ rộng rãi mới vừa hoàn tất cách đây vài năm. Hôm nay chúng tôi cũng là người Việt nhìn lại con đường những danh nhân VN đi sứ mà lòng ngậm ngùi cho nổi buồn nhược tiểu phải đi cống sứ đại cường.



Ngày 16-10-05 chúng tôi đi du thuyền và ăn trưa trên sông Li ngắm cảnh sông núi thơ mộng như tranh vẽ và tối nay sẽ đi xem chương trình ca vũ của các sắc dân thiểu số sống ở Quảng Tây. Miền Quế Lâm cũng như tỉnh Quảng Tây có nhiều sắc dân địa phương sống tại nơi đây hàng chục ngàn năm trước khi người Hán từ phương Bắc di dân xuống. Ðáng kể là các sắc dân Zhuang, Yao, Hui, Miao, Mulao, Dong v.v...Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục và lễ hội riêng làm phong phú nét văn hóa đa dạng của Quảng Tây và chính quyền Bắc Kinh để Quảng Tây là một tỉnh tự trị nhưng tôi cũng không rõ quy chế “tự trị” có những quy định, luật lệ riêng như thế nào?



Chúng tôi vào một hí viện có chừng 1,000 chỗ ngồi và chương trình mở màn lúc 7 giờ. Diễn viên là những cô gái trẻ đẹp và dáng người nhỏ nhắn khác với show ở Bắc Kinh và Tây An là những phụ nữ người Hán da trắng, cao lớn. Trước khi vào màn vũ nhạc hay có những tiếng la là những mẫu đối thoại bằng tiếng dân tộc giữa các cô gái đứng trên nhà sàn với những chàng trai đứng xa ngoài bìa rừng hay nương rẫy. Phần nhiều chương trình nói lên sinh hoạt đời sống hàng ngày của các sắc dân trong các bản làng ở giữa núi rừng, họ cần cù giản dị, gắn bó với thiên nhiên.



Ðầu chương trình trên sân khấu lớn bày cảnh ruộng bậc thang, các cô thôn nữ gánh lúa đi thành hàng một. Họ mặc váy, trên đầu vấn khăn, bước đi thân hình khoan thai, uốn lượn, đong đưa theo sức nặng của gánh lúa. Người thiết kế điệu vũ gánh lúa này khai thác dáng đi độc đáo, mộc mạc nhưng đầy nét dễ thương khêu gợi của các cô thôn nữ thơ ngây. Các cô gái uốn lượn thân người từ đầu, cổ, ngực xuống tới bụng và mông, ẻo lã khoan thai như con rắn. Một người thì không đẹp mấy nhưng một hàng vài chục cô, cùng uốn theo điệu nhạc thì động tác rất đẹp, thơ ngây nhưng làm dáng, kín đáo nhưng gợi tình. Mới vào màn đầu mà người xem đã có ấn tượng đẹp.



Màn kế tiếp là các cô gái đay con sau lưng đi làm mùa rẫy như cuốc đất làm cỏ, đào lỗ gieo hạt. Cảnh một cặp vợ chồng trẻ vác giàn cày ra rẫy. Người chồng đặt cày xuống ruộng và tra vòng dây vào cổ vợ. Cô vợ cúi xuống, khom lưng kéo cày còn người chồng bước theo sau kềm lưỡi cày xuống ruộng cứng. Cô vợ oằn vai kéo cày, tay nắm dây cho đỡ xiết cổ, có lúc gặp đất khô quá cứng, cô té qụy xuống đất, hai tay vơ lên để lấy thế đứng lên. Màn hoạt cảnh này diễn tả nỗi kham khổ, nhọc nhằn trong đời sống  nông thôn, lấy sức người để thay trâu bò kéo cày vẫn là cảnh thường gặp ở Trung Quốc ngày nay. Kế tiếp là cảnh bên dòng suối, các cô gái đứng thành hàng dưới suối gội tóc. Cùng một lúc họ nghiêng đầu hất mái tóc dài ra phiá sau và chấp thêm một lọn tóc mượn thật dài rồi bới lên đầu thành một vành tóc tròn dựng cao trước trán. Cảnh gội đầu bên suối này vẫn thường gặp ở miền núi các tỉnh miền Nam như Vân Nam, Quảng Tây. Sân khấu chuyển sang cảnh chiều tối trong gian nhà tre có một vại nước nóng hình tròn ghép bằng những thanh ván gỗ. Một phụ nữ  đang trầm mình bên trong với những động tác thư giãn như đang tắm. Sự thật trong bồn không có nước nhưng với những động tác của vũ công khán giả có cảm tưởng là trong bồn có nước nóng. Người chồng xuất hiện theo điệu múa ba lê, nhẹ nhàng bước vào bồn nước cùng tắm chung với vợ. Cảnh quấn quít bên nhau thật là êm đềm hạnh phúc và lãng mạn nói lên đời sống thư thái miền rừng núi, hạnh phúc chỉ đơn giãn tìm thấy trong sinh hoạt hàng ngày chứ không cần hồ spa bóng láng trong nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền!



Những màn sau đó có cảnh mưa rừng với nước thật, sấm chớp vang rền trên một cây cầu dây kết bằng dây hoa rừng để diễn tả một chuyện tích nào đó giống như chuyện tình ly biệt giữa Ngưu Lang và Chúc Nữ. Cảnh trong làng miền sơn cước, các cô gái và thanh niên làng chuyền những tảng đá để xây đền tháp nào đó. Cuối cùng là màn vũ tập thể, nam nữ với y phục thổ cẫm nhiều màu nắm tay nhau thành vòng tròn vừa đi vừa vung chân đá lên. Màn vũ này mời khán giả bên dưới lên tham dự, có hai cô trong đoàn tôi được các diễn viên nắm tay mời lên sân khấu cùng với vài ông Mỹ trong đoàn khác. Không có tập dợt nhưng làm coi cũng được, điệu bộ cũng ăn rập nhịp nhàng theo tiếng nhạc vui tươi. Sau đó khán giả lên sân khấu tự do chụp hình với các vũ công, có típ thì tốt không có các cô gái rất xinh cũng vui vẻ như thường.



Trên đường về khách sạn Guilin Bravo xe chạy qua những chiếc cầu, những công viên bên hồ nước, ban đêm hàng vạn ngọn đèn màu lung linh huyền ảo trên những ngọn liễu tàng cây. Trên hồ giữa thành phố một phông tên nước bắn cột nước trắng xóa lên cao và những tia đèn sáng chiếu vào cột nước, trông hoành tráng vô cùng. Một ngọn tháp nhiều tầng được xây giữa hồ cũng giăng đèn rất đẹp. Công nhận hệ thống chiếu sáng công viên ở Quế Lâm được thiết kế kỹ càng và đẹp.



Về tới khách sạn đã hơn 9 giờ, vợ tôi nói buồn ngủ nên ngủ sớm còn tôi máu giang hồ vẫn thích lang thang khám phá này nọ. Du lịch là tìm tòi học hỏi chuyện đường xa xứ lạ chứ đâu phải để ngủ? Tôi muốn tìm chổ “foot massage” để xem miền Quế Lâm tỉnh Quảng Tây này nghệ thuật đấm bóp có hơn các tỉnh miền Bắc tôi vừa đi qua hay không? Hỏi nhân viên ở quày tiếp tân khách sạn, họ nói ra ngoài khách sạn rẽ tay phải bỏ vài căn phố là thấy ngay. Vừa ra khỏi cửa khách sạn, bãi xe đậu, bổng đâu một bóng trắng từ công viên bên bờ hồ chạy về phiá tôi. Tôi cũng cảnh giác vì nghe đồn miền Quế Lâm này gần Vân Nam, Miến Ðiện, Tam Giác Vàng nhiều xì ke, ma túy, cướp bóc. Nhưng người đến gần là một cô gái trẻ hỏi tôi đi massage không? “Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu” tôi lắc đầu. Cô ta vừa bỏ đi thì một cô khác từ đâu đó trong công viên tiến tới chận đầu tôi cũng hỏi câu tương tự. Ðêm trên phố mua sắm Vương Phủ Tĩnh ở Bắc Kinh khi đi với vợ tôi cũng có hai người đàn ông gạ hỏi chỉ vừa đủ tôi nghe và nói là “người đẹp Nga Xô”! Tôi vào tiệm “foot massage” đúng như nhân viên khách sạn chỉ. Trong tiệm có chừng một chục ghế đã đầy khách, cũng có vài người trong đoàn tôi đang được đấm bóp ở đây. Chờ một lúc mới có ghế trống, tôi ngồi cạnh hai bà người Canada nhưng nói tiếng Pháp, các bà khen nhân viên nam đấm bóp ở đây làm rất tuyệt diệu.



Sáng ngày mai chúng tôi sẽ viếng Ðồi Vòi Voi (Elephant Trunk Hill) và Ðộng Sáo Sậy (Reed Flute Cave) một động đá có hang rộng rất đẹp rồi buổi chiều tối từ giã Quế Lâm bay lên Hàng Châu tỉnh Chiết Giang trên miền Bắc gần Thượng Hải.



Quế Lâm có đến 24 địa điểm du lịch trong đó có núi Phục Ba (Fuho Hill) nằm cạnh bờ sông Li gần thành phố bên trong núi có hang Hoàn Ngọc với nhiều tượng Phật điêu khắc trên vách đá từ đời nhà Tống. Lăng mộ của hoàng tử Jingjiang một vị quan cai trị Quế Lâm dưới thời nhà Minh (1368-1644). Quế Lâm còn có nhiều công trình kiến trúc, nhiều di tích lịch sử như đập Linh do Tần Thủy Hoàng xây dựng để điều hòa lượng nước giúp cho việc vận chuyển lương thực, quân binh xuống phía Nam. Con đập này đã thông nước từ sông Tương vào sông Li, nối liền giao thông đường thủy giữa Hồ Nam với Quế Lâm.

 
Cùng với những cuộc du ngoạn thú vị, đến Quế Lâm du khách cũng sẽ bị thu hút bởi việc mua sắm trong các khu thương xá mới mở tập trung ở khu trung tâm thành phố, nơi cách đây vài năm chỉ là những nhà phố cũ kỹ, những ngõ hẻm nghèo nàn. Thành phố Quế Lâm đã qui hoạch lại, xây dựng lại. Dọc theo đường phố, thỉnh thoảng bắt gặp một cầu thang đi xuống, khách bước xuống, lại lạc vào một khu mua sắm trong lòng đất. Quảng trường trung tâm thành phố rộng 51,400 mét vuông là nơi người dân tụ tập vui chơi vào mỗi buổi chiều và cuối tuần, cũng là địa chỉ nổi tiếng để mua sắm. Ngay dưới lòng quảng trường này là một Tiểu Hồng Kông với 12 cầu thang lên xuống, có hai lối lên xuống bằng thang cuốn. Từ phố bên kia cũng có hai lối lên xuống chui qua con đường 6 làn xe vào Tiểu Hồng Kông. Cũng như nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, nơi đây cấm xe gắn máy lưu thông trong nội thành. Người ta đi lại bằng xe buýt với giá 1 lần đi 1 yuan và xe đạp. Giờ đây lề đường rất rộng dành cho khách đi bộ dạo quanh các phố bán đầy quần áo, giày dép, máy móc, hàng nông thổ sản… 



Tôi thích nhất là thành phố rất nhiều cây cối và bông hoa, nhiều công viên và sông hồ, thời tiết lại mát mẻ quanh năm. So sánh với VN tôi không biết nó giống thành phố nào, Hà Nội hay Ðà Lạt? Có những con đường nhiều biệt thự xưa cũ và tàng cây râm mát của Hà Nội. Có những công viên muôn hoa phô sắc và hồ nước êm đềm của Ðà Lạt. Nhưng chắc một điều là đẹp hơn, sạch hơn hai thành phố nói trên.



TRỊNH HẢO TÂM

(Tháng Năm thời tiết nhiều mây,

Mặt trời đi vắng cỏ cây cũng buồn)



CAPTONS:

6048 Các thôn nữ sắc tộc từ ruộng bậc thang đi xuống

6050 Ðiệu vũ gánh củi

6053 Màn vũ các sơn nữ gội đầu bên bờ suối

6055 Ðoàn vũ sắc tộc thiểu số ở Quế Lâm

6062 Nét thơ ngây duyên dáng của các vũ công

6065 Cặp vợ chồng trẻ đang kéo cày thay trâu

CHƯƠNG 24

DU NGOẠN LI GIANG Ở QUẾ LÂM









Quế Lâm (Guilin) là một thành phố nhỏ nằm về phiá Bắc tỉnh Quảng Tây (Guangxi) diện tích 27,800 km vuông (10,734 sq. miles), dân số độ 500,000 người. Từ thời Bắc Tống (960-1127) Quế Lâm là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Tây. Quế Lâm nằm trong thung lũng sông Li có hàng ngàn núi đá vôi như Vịnh Hạ Long nước ta, phong cảnh sơn thủy rất hữu tình. Trong thành phố bốn mùa hoa nở, cây cối xanh tươi, nhiều sắc dân thiểu số hiền hòa mộc mạc. Quế Lâm có nghĩa là rừng quế nhưng quế trồng ở đây không phải là cây quế cay Trà Mi mà ở Quảng Nam xứ ta người ta bốc vỏ phơi khô để làm gia vị như tôi vẫn tưởng khi nghĩ về Quế Lâm. Cũng rừng quế nhưng đây là quế hoa, hoa quế nhỏ li ti màu trắng nở rộ từ rằm tháng 8 cho đến đầu tháng 10. Thời gian đó khắp thành phố đi đâu cũng thoang thoảng mùi hương hoa quế dịu dàng.



Ðêm 15-10-2005 từ Tây An đáp chuyến máy bay hãng China Eastern sau 2 giờ bay chúng tôi tới Quế Lâm lúc 8 giờ 30. Phi trường ở về phía Nam và cách trung tâm thành phố 7 miles. Nhà ga nhỏ nhưng có vẻ mới xây lại, vì ban đêm ít chuyến bay, vắng hành khách nên chúng tôi lấy hành lý rất mau và gặp ngay anh chàng hướng dẫn viên du lịch địa phương hình như tên Dean. Dean không phải là người Hán mà là người sắc tộc, khoe đã qua VN du lịch và từng quen một cô bạn gái người VN mà anh ta cho rằng...rất đẹp. Ngoài sân phi trường có lối “landscape” rất lạ là “trồng” nhiều cây dừa lớn bằng...nhựa, lại có trái từng quày nhưng màu sắc loè loẹt, nhìn vào là biết ngay cây dỏm. Ðèn sáng rọi vào từng cây và trên nhánh giăng từng dây đèn màu xanh đỏ. Có lẽ nhà thiết kế vườn cảnh muốn có nét thơ mộng của Hawaii đập ngay vào mắt du khách khi họ vừa đặt chân tới đây. Quế Lâm có nét đẹp riêng của nó, có nhiều loại cây địa phương sao không khai thác lại đi mượn cảnh xứ người? Vì là “vùng sâu vùng xa” trong vùng núi rừng xa biển, không có kỹ nghệ gì nên hiện nay Quế Lâm đặt trọng tâm vào ngành du lịch và năm 2005 có hơn 1 triệu du khách đến Quế Lâm.



Chúng tôi về khách sạn Guilin Bravo được xếp hạng 4 sao trước kia là Holiday Inn, mở cửa từ năm 1987 là khách sạn quốc tế đầu tiên ở Quế Lâm, có 259 phòng tọa lạc tại 14 South Ronghu Road, Guilin. Trước khách sạn là vườn cây có một cái hồ lớn cỡ Hồ Gươm do ngày xưa sông Li chảy qua, bây giờ nó đã đổi dòng về hướng Ðông. Quanh bờ hồ trồng liễu ban đêm thắp đèn màu lung linh, huyền ảo rất lãng mạn. Phải công nhận là Quế Lâm có hệ thống đèn chiếu sáng trong các công viên quanh bờ hồ, các cây cầu bắt ngang sông Li rất đẹp, khác với những cây dừa giả ở phi trường. Ðã hơn 9 giờ 30 nên chúng tôi ăn tối tại khách sạn trước khi lấy phòng và bữa ăn này rất ngon miệng mặc dù chúng tôi không mấy đói vì trên chuyến bay đã có cho ăn bánh mì thịt. Cách nấu ở đây khác với miền Bắc Trung Quốc và gần giống với VN, ít chiên xào, ít mỡ dầu, nhiều gia vị bằng ớt cay, trong các món có món “ngầu bà” gồm khoai môn xào với thịt heo quay ăn vừa bùi vừa béo và rau muống xào tỏi. Bỏ hành lý vào phòng xong chúng tôi đi xuống công viên trước khách sạn, dạo quanh bờ hồ, không khí ban đêm mát dịu, gió thổi lao xao những hàng liễu và hàng ngàn ánh đèn màu lung linh phản chiếu xuống mặt hồ. Phải có quán cà phê thì hết xẩy nhưng Trung Quốc không biết uống cà phê mà chỉ thích trà. Ðúng 11 giờ đêm đèn màu vụt tắt hết, công viên trở nên tối tăm, sờ sợ nên chúng tôi trở vào khách sạn.



Sáng hôm sau là ngày Chủ Nhật, sau khi điểm tâm xong chúng tôi lại trở ra bờ hồ, ban ngày trời sáng rõ nhìn quang cảnh cây cối ở đây xanh tươi rất đẹp không thua gì hoa lá ở Hawaii nhưng những loại cây ở đây khác hơn Hawaii. Chúng tôi đi bộ ra con đường lớn và đứng trên dốc cầu nhìn xuống hồ. Có một ông già đầu đội nón đan tre chèo chống trên chiếc bè tre dài ghép bằng 4 cây tre đang vớt những rác trên hồ. Trên dốc cầu vì là thành phố nhỏ nên có những xe gắn máy lưu thông, một anh chàng trung niên chắc còn độc thân hay bị...vợ bỏ, mặc áo “veste” cố đạp xe lên dốc, tay xách một con cá tươi và một bó cải, chắc là phần ăn trong ngày Chủ Nhật hôm nay của anh ta. Ðứng trên cầu nhìn người qua lại tôi cảm nhận được đời sống nơi đây, không khác gì ở VN, dân chúng còn nghèo nhưng có thời giờ và thư thả.



Tám giờ sáng đoàn du lịch chúng tôi lên xe buýt để đi du ngoạn bằng tàu trên Li Giang là thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc được in hình lên trên tiền giấy 20 yuan cũng là điểm du lịch trọng tâm của Quế Lâm. Li Giang là một dòng sông không sâu lắm, nước trong xanh phát nguyên từ rặng núi huyện Hương An cao 2,142 mét phiá Bắc Quế Lâm, dài 437 km, chảy qua Quế Lâm, Dương Sóc (Yangshou), Bình Lạc (Pingle), Ngộ Châu (Lipu) rồi trở thành Quế Giang và đến Vũ Châu (Wushou) đổ nước vào sông Hongshui chảy ra biển ở thành phố Quảng Châu. Đoạn từ Quế Lâm đi Dương Sóc dài 83km dòng sông Li uốn khúc như một dải lụa xanh giữa hàng ngàn đồi núi đá vôi nhô lên như bức tranh thủy mạc. Những ngọn núi này hình thái giống như Vịnh Hạ Long nên người VN đến sông Li cho rằng đây là cảnh Hạ Long trên cạn, trong khi người Trung Hoa đến Vịnh Hạ Long nói rằng đây là cảnh Quế Lâm ở dưới nước. Trải dài theo dòng sông Li, phong cảnh kỳ vĩ với những núi đá hình thù kỳ lạ, những hang động, suối xanh, thác bạc. Núi đồi, cây cỏ nhất là những rừng tre soi bóng trên dòng sông trong xanh tạo nên những bức tranh lung linh sinh động. Dòng sông như  Gallery trưng bày tranh, mỗi khúc sông là một bức tranh có cảnh trí khác nhau nhưng tất cả đều tuyệt tác.



Sông Li Giang chảy theo hướng Bắc Nam và ngang phía Ðông thành phố Quế Lâm. Bên phiá Tây là khu trung tâm thành phố với nhiều thương xá, khách sạn, đường xá rộng rãi trồng cây thẳng tấp hai hàng và cũng có thành quách cạnh bờ sông. Xe chúng tôi qua cầu bắt ngang sông Li, bên bờ Ðông là khu thành phố mới khang trang với nhiều cao ốc là chung cư nhà ở bán cho dân chúng. Xe đi về hướng Nam để đến bến du thuyền ở đồi Mopan, nơi đây chúng tôi xuống tàu để đi Dương Sóc. Mấy năm trước cầu tàu để xuống du thuyền ở ngay trung tâm thành phố và Dương Sóc ở về hướng Nam phía hạ lưu cách cầu tàu đến 80 km, du thuyền phải đi 7 tiếng đồng hồ mới tới. Một chuyến du ngoạn quá dài mất gần hết một ngày, dù cảnh đẹp đến đâu cũng khiến du khách tây phương ít có thời giờ đâm ra nhàm chán. Thêm vào đó khúc sông gần thành phố cũng không có mấy cảnh đẹp vì nhiều nhà cửa và ghe thuyền lưu thông qua lại gây trở ngại nguy hiểm. Số du thuyền bây giờ tăng lên mấy trăm chiếc nên họ dời cầu tàu xuống phía hạ lưu và cách Quế Lâm 28 km gần ngọn đồi Mopan. Cầu tàu này chiếm dọc bờ sông dài đến 500 mét với nhiều cầu tàu vươn ra sông làm chỗ neo đậu cho hàng chục chiếc du thuyền. Mỗi du thuyền ngoài hầm máy phía dưới bên trên có 2 tầng, tầng giữa là nhà hàng có bàn ăn, tầng trên là phòng lái và ngắm cảnh, chụp hình. Phía đuôi tàu là nhà bếp và phòng vệ sinh, từ trên cầu tàu nhìn xuống thấy mấy bà nấu bếp chiên xào, vợ tôi nói chắc mấy bả múc...nước sông lên nấu?



Chúng tôi xuống tàu chiếm mấy bàn ăn trải khăn có để bình hoa tươi lịch sự  rồi lên phía tầng trên ngắm cảnh. Tàu nổ máy mạnh lên bắt đầu rời bến, từ đây xuống tới bến Dương Sóc khoảng 40 km chạy mất 4 tiếng đồng hồ. Xe buýt chúng tôi sẽ đón ở Dương Sóc và đưa trở lại Quế Lâm. Tàu chạy chầm chậm tốc độ 10 km một giờ, trên sông rất đông tàu du ngoạn, chiếc này cách chiếc kia vài trăm thước. Dòng sông trong vắt thấy rong xanh dưới đáy, hai bên bờ những ngọn núi dựng đứng như hòn non bộ, trên bờ sông là những đám tre xanh dầy đặc và rất cao. Có những đàn trâu to lớn nhởn nhơ gặm cỏ, những bầy dê lang thang và mấy ông già đội nón tre đứng trên bè tre bắt cá bằng những con chim nước màu đen, mõ dẹp như vịt. Ông ta cột hờ cổ chim và đẩy chúng xuống nước lặn bắt cá. Ngoặm được cá chúng trồi lên bè và ông ta chận họng chúng lại lấy cá ra! Tội nghiệp đồ ăn tới miệng còn phải nhả ra! Vài ba người cố chèo theo và cập vào tàu đưa lên những tượng đá mời chào. Các bà ngại trả lời lôi thôi nên kéo cánh cửa kính lại. Thấy các ông này cũng tội, nước da xạm nắng, áo quần lam lũ, mỗi ngày chưa chắc gì bán được một món? Ở đây dùng toàn là bè tre không thấy thuyền gỗ hay bất cứ một loại ca nô hay tàu thuyền nào khác. Nhà nước đã quản lý tất cả chỉ có tàu du ngoạn của các công ty nhà nước, còn dân chỉ có bè tre. Tre ở đây rất nhiều và thân cây cao lớn như tre lồ ồ dài mười mấy thước.



Tàu qua những ngọn núi có hình thiếu phụ bồng con đứng ngóng chồng (Wangfu Rock), động Vương Miện (Crown Cave), núi 9 con ngựa (Painted Cliff) vì cảnh giống bức tranh nổi tiếng “Chín con ngựa”, đồi 5 ngón tay (Five fingers Hill). Cảnh núi giống vật gì thì người ta đặt tên cho núi đó. Hòn Vọng Phu ở VN cũng có, một ở bờ biển miền Trung, một ở biên giới Lạng Sơn miền Bắc. Ðến 11 giờ trưa những món ăn được dọn ra là những đặc sản của Quế Lâm như vịt quay, bò xào, những con cá nho nhỏ chiên dòn, khoai môn, bắp luộc, những con nghêu nhỏ và rong tảo vớt trên sông Li. Rong tảo màu xanh như rong biển nhưng sợi nhỏ như tóc tiên, người ta nói rằng rất bổ và trị được nhiều chứng bịnh, hàng năm Quế Lâm phơi khô ép thành từng bánh xuất cảng ra nước ngoài bán rất đắt giá. Nghe vậy nên tôi chiếu cố tận tình món này, ăn dòn dòn và có mùi...thum thủm như  nghêu sò! Rượu vào lời ra nên mọi người huyên thuyên cười nói. Nhà truyền thông Cam Quận Vũ Chung mặt đỏ gay mua rượu mời mọi người uống, cô Simone Nga nói năng chừng mực từng lời hôm nay trước cảnh non nước hữu tình cũng nhậu tới bến và kêu mang thêm rượu mời tất cả đoàn du lịch uống. Các cô tiếp viên trên tàu thỉnh thoảng mang ra chào hàng một món ăn đặc sản nào đó như tôm chiên, còng chiên, cô cũng mua để làm mồi nhậu. Lạ một điều là các món ăn này cũng trả giá được, tiếp viên nói 50 yuan mỗi dĩa nhưng có người trả 20 yuan cũng bán luôn!



Gần tới bến Dương Sóc hai bên bờ nhiều nhà cửa là những nhà hàng, khách sạn, có bến cho mướn những bè tre có mái che và ghế ngồi và anh chèo bè đứng phiá sau. Từng nhóm du khách nội địa đi thành từng đoàn và có đoàn học sinh đi trên con đường dốc núi cạnh bờ sông vẫy tay chào chúng tôi. Tàu chúng tôi đi ngang qua một cái động, nơi cửa động có những tảng thạch nhũ tua tủa chĩa thẳng xuống. Gần đó một nhóm trẻ con bì bõm bơi lội vui đùa nghịch ngợm, có những đứa trần truồng thân hình ốm o xạm nắng, mặt môi tái xanh vì lạnh, cười đưa ra hàm răng trắng hếu.



Bến thuyền Dương Sóc trên bờ tấp nập người đi, quang cảnh lao xao, hướng dẫn viên du lịch cầm cờ gọi ơi ới. Trên bến nhóm họp như chợ trời với những lều vãi bán hàng kỹ niệm. Ðồ bán ở đây ngoài những món như vòng cẩm thạch, tượng Phật bán khắp nơi ở Trung Quốc, đặc biệt còn có những món làm bằng tre như mặt ông già cười toe khắc bằng gốc tre và chòm râu dài là những rễ tre tua tủa. Ðoàn du lịch chúng tôi không mua đồ kỷ niệm mà hướng dẫn viên Dean dẫn đi tìm mua thuốc ho ở một tiệm thuốc vừa bán thuốc đựng trong hộp như thuốc Tây vừa bán thuốc bắc chứa trong những hộc tủ cao gần tới trần nhà. Nhiều người bị cảm ho từ hôm viếng Long Môn Ðộng khi đi thuyền trên sông bị mưa lất phất và gió lạnh cách nay 3 hôm. Ðược cạo gió trên xe và uống Tylenol nhưng bệnh không thuyên giãm mà lại lây sang gần phân nửa số người trong đoàn. Lạ một điều những người cao niên lại không bịnh mà bịnh là những người tương đối còn trẻ 30-40 tuổi. Tôi thì lại không bịnh cảm ho chắc vì trong mình mang nhiều thứ bịnh khác mà vi khuẩn độc hơn nên cảm ho không xâm nhập được! Không bịnh nên trong khi mấy người kia lo mua thuốc thì tôi có dịp ngắm cảnh phố phường Dương Sóc. Dương Sóc ngày xưa là buôn sóc của người thiểu số có từ đời nhà Minh, ngày nay là một phố huyện chuyên sống bằng du lịch. Nơi đây có những con phố rất đẹp đầy bóng cây cao và râm mát với vài trái núi sừng sững đứng cạnh phố phường.



Chúng tôi lên xe để trở về Quế Lâm, con đường dài khoảng 80 km len lỏi qua những vùng rừng núi rất đẹp, rồi tới những vườn cây ăn trái xanh um trồng chuối, bưởi, vải, nhãn...Qua những làng chuyên nghề làm bàn ghế, giường, xe đẩy con nít bằng tre, họ bày sản phẩm ra hàng hiên trước nhà. Có những nơi họ chuyên nghề điêu khắc đá làm tượng Phật, bàn ghế đá để ngoài vườn, hòn non bộ, bia mộ v.v...Vùng này rất đẹp vì canh cối xanh tươi nhưng hãy còn thưa vắng dân cư, làng này cách xa làng kia bằng những lũy tre và con đường quanh co uốn khúc nên quang cảnh luôn luôn thay đổi đẹp như bức tranh làng quê lại có cảnh núi rừng.



Ðộ hơn một giờ sau chúng tôi về tới Quế Lâm vì thấy vườn cây trái bên đường nên có nhiều người muốn mua trái cây, vì vậy hướng dẫn viên nói với bác tài ghé ngang chợ Quế Lâm cho chúng tôi mặc sức mà mua. Chợ Quế Lâm cũng có nhà lồng chợ như những chợ ở VN và hàng trái cây, bông hoa cũng bày bán trước chợ cạnh con lộ xe ngừng. Tôi mua bưởi và nhãn, giá rẻ và cũng ngon, các bà có người mua lôm chôm, sầu riêng là những loại trái cây không trồng được ở Quế Lâm mà nhập cảng đâu từ Thái Lan nhưng cũng rất tươi và ngọt.



Hướng dẫn viên Dean công bố chương trình tối nay nghe rất hấp dẫn : sau khi về đến khách sạn sẽ tan hàng về phòng tắm rữa, nghỉ ngơi chút đỉnh sau đó tập trung đi ăn tối và kế tiếp là đi xem chương trình ca vũ nhạc của các dân tộc thiểu số sống ở Quế Lâm.



CAPTIONS:

6009 Khu thương mại ở trung tâm Quế Lâm

6023 Ngư ông trên chiếc bè tre

6026 Đàn trâu đang gặm cỏ bên vách đá

6028 Những núi đá vôi bên bờ Li Giang

6032 Rừng cây và núi cao sừng sững

6044 Ngư ông và cặp chim bắt cá