Pages

Powered By Blogger

Monday, August 8, 2016




 CHƯƠNG 27

HÀNG CHÂU TỈNH CHIẾT GIANG









Người Trung Hoa có câu “Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô, Hàng” có nghĩa là “Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô Châu và Hàng Châu” để ca tụng vẻ đẹp thành phố Hàng Châu. Hàng Châu (Hangzhou) là thủ đô đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) nằm cuối đầu phiá Nam của Đại Vận Hà là con kinh đào nối liền Bắc Kinh với Hàng Châu sau khi đi qua Nam Kinh và Thượng Hải và Hàng Châu chỉ cách Thượng Hải 150 km . Với cảnh thiên nhiên núi non, sông hồ xinh đẹp và một di sản văn hóa lâu đời, Hàng Châu là một nơi chốn mà du khách không thể nào bỏ qua khi viếng Trung Quốc.



Buổi chiều mùa Thu ngày 17-10-2005 từ Quế Lâm dưới miền Nam chúng tôi đáp máy bay hãng Shandong Airlines để đến Hàng Châu. Dưới nắng chiều vàng vọt từ trên cao nhìn xuống khi gần tới Hàng Châu là dãy núi trùng điệp và những con đường ngoằn ngoèo phiá dưới. Phiá Tây Nam Hàng Châu là vùng núi nhưng hướng Ðông Bắc là vùng đồng bằng ra tới Thượng Hải. Rồi nhà cửa đông đúc như bàn cờ và phi trường Xiaoshan của Hàng Châu nằm ở phiá Đông của thành phố chầm chậm hiện ra. Phi cơ đáp khá êm và đây là chuyến phi cơ thứ ba cũng là chuyến bay cuối cùng của chúng tôi trong nội địa Trung Quốc. Chúng tôi sẽ ở Hàng Châu 2 đêm và Thượng Hải 3 đêm nữa, rồi sẽ trở về Hoa Kỳ. Lấy hành lý ra, gặp hướng dẫn viên địa phương là một anh chàng cao ốm tên Johny thì trời đã tối. Johny có vẻ nghệ sĩ bụi đời, tính tình hệch hạc, sau mỗi câu nói đều cười khặc khặc vài tiếng. Để vào Hàng Châu xe chúng tôi phải đi qua khu công nghệ và chế xuất mới vừa thành lập có vẻ còn hoang vắng thưa thớt các hãng xưởng. Một mùi hôi thối phảng phất trong xe và Johny cho biết đó là mùi phát ra từ nhà máy lọc nước cống. Xe chúng tôi qua cây cầu bắt ngang sông Tiền Đường (Qiantang) là dòng sông nơi Thúy Kiều nhảy xuống toan kết liễu cuộc đời truân chuyên của mình nhưng may nhờ có ông lão chèo thuyền cứu kịp. Qua khỏi cầu đi vào trung tâm thành phố đèn điện sáng choang, xe cộ dập dìu đúng như câu “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Xe ghé vào một nhà hàng lớn ăn tối với những món ăn đặc sản miền Hàng Châu như thịt kho Tô Ðông Pha (Su Dongpo). Món này mỗi người một thố đựng 3 miếng thịt vuông đỏ sậm nửa nạt nửa mỡ, kho rục rất mềm trong thứ nước tương xì dầu ngọt ngọt. Thịt kho này ăn rất bắt cơm, thịt ngọt mềm nhưng không bủn và lớp mỡ bên trên với da thì béo nhưng không ngậy, giống như món thịt kho Tàu của VN ta thường ăn trong mấy ngày Tết và có lẽ món thịt kho VN xuất xứ từ món này nên có tên là thịt kho Tàu. Món thịt kho này có lịch sử hơn 900 năm do ông Tô Ðông Pha thi sĩ đời Ðường...pha chế để chiêu đãi dân công đào Tây Hồ thêm sâu trong thời ông là quan trấn nhậm Hàng Châu. Một món khác cũng nổi tiếng của Hàng Châu là món cá chép (carp, còn gọi là cá lý ngư) bắt ở Tây Hồ chiên dòn ăn với sốt chua ngọt làm bằng dấm và đường. Món này dân Hàng Châu gọi là món “Tình người em dâu đối với ông anh chồng” theo truyền thuyết thời Nam Tống có một phụ nữ tên Thị Tống sáng chế ra món đặc biệt này để nuôi ông anh chồng vì ông này bịnh không ăn được những món thông thường! (Có lẽ ông anh này độc thân nên cô em dâu trong nhà phải lo lắng luôn?)



Ngoài ra còn nhiều món đặc sản của Hàng Châu trong đó có món “Gà Ăn Mày” (Beggar’s chicken), gà được nuôi béo mập và mềm, bao trong lá sen rồi nướng trên lửa than. Khi chín thịt mền nhưng xương dòn như sụn, ăn luôn cả xương. Món này chúng tôi không ăn vì nghe nói gà nuôi trong chuồng kín không thấy ánh sáng mặt trời, để cho thiếu sinh tố D và cho ăn không có chất vôi để xương gà mềm rụm. Gà đi không nổi chỉ lê lết nên gọi là “Gà Ăn Mày”! Không ăn món này là vì mới nghe nói cách nuôi phản thiên nhiên và người nuôi hành hạ súc vật đã ơn ớn làm sao nuốt được!



Ăn tối xong chúng tôi đến khách sạn Ramada Plaza ngày trước có tên là Haihua Hotel, gần đây liên doanh với hệ thống khách sạn Ramada nên đổi tên là Ramada Plaza là khách sạn hạng 4 sao nằm cách Tây Hồ chỉ một con phố. Xe vừa ngừng trước khách sạn là những người đạp xe đạp tràn tới bao vây. Tôi không biết có chuyện gì thì ông Lương Kiện là hướng dẫn viên cho biết đó là những người bán bóp xách của phụ nữ đồ hiệu như LV, Channel nhưng là hàng nhái, hàng giả họ chở trên xe đạp và tay cầm hàng giơ cao mời mua. Mấy tháng trước còn khu chợ trời hàng giả, chỉ bán ban đêm nhưng nay đã bị dẹp nên họ phải bán trên xe đạp di động để tránh công an.



Lấy phòng xong và chờ hành lý đem lên là chúng tôi vọt ngay ra phố thì gặp 3 người nữa trong đoàn (một đôi vợ chồng và một cô độc thân) cũng lang thang ngoài phố, thế là chúng tôi nhập bọn cho vui. Đối diện khách sạn là một department store có nhiều tầng, vào thử thấy bán nhiều quần áo, giày bóp nhưng giá không rẻ. Chúng tôi theo con đường lớn trước khách sạn là đường Qingchun Road đi về hướng Ðông mà tôi tưởng là hướng Tây để định ra Tây Hồ xem cảnh Tây Hồ liễu rũ thơ mộng thế nào? Hướng Ðông đi vào trung tâm thương mại, những dãy phố từng căn một, có cửa hàng 2 căn và có vài thương xá lớn cũng bán quần áo, giày dép giá cả khá rẻ, một cái áo sơ mi dài tay độ 3 USD, quần tây 7 USD. Ba bạn trong đoàn mua nhưng tôi vì lười biếng phải vào phòng thử lôi thôi nên không mua. Ði dạo phố khá xa mà không thấy Hồ Tây nên tôi biết là đã lộn hướng bèn nói với các bạn đi ngược trở lại bằng cách lên cầu băng qua con đường. Dãy phố bên này có tiệm sách ngoại ngữ rất lớn, một cửa hàng kim hoàn sang trọng sàn lát đá hoa cương (granite) có an ninh mặc đồng phục gác trong ngoài nhưng bên trong tiệm đóng kín cửa mà không có máy lạnh nên nóng và ngộp qúa mặc dù ban đêm gần 9 giờ. Về đến khách sạn Ramada Plaza thì 3 bạn kia vì mua sắm xách đồ nhiều quá nên không chịu đi tiếp ra Tây Hồ và nói chúng tôi cứ đi đi, bỏ đồ vào phòng xong họ sẽ đi sau và hẹn có thể gặp ngoài bờ hồ.



Ði về hướng Tây chỉ một block là con đường lớn đụng công viên quanh bờ hồ. Ông Lương Kiện có dặn là cẩn thận khi ra Hồ Tây vào ban đêm nhưng đến nơi thấy khung cảnh êm đềm, thơ mộng, ánh trăng gần tròn lên khá cao phản chiếu xuống mặt hồ lung linh, ngoài khơi có những ngọn đèn thắp trong lỗ tròn trông như những ánh trăng và những thi sĩ đã từng nói không biết trăng nào thật vì có quá nhiều ánh trăng. Bên bờ hồ tráng xi măng có vài ba chiếc thuyền gỗ (lớn hơn chiếc tam bản) cập bờ, trên thuyền có chiếc bàn con phủ khăn trắng và một ngọn đèn dầu đặt ở giữa khi tỏ khi mờ và hai chiếc ghế hai bên. Những ông chèo thuyền đội nón tre đứng đợi khách thuê bao để du ngoạn trên hồ. Quanh bờ hồ trồng rất nhiều liễu và những loại cây khác cũng như những khóm hoa được chiếu đèn trông rất lung linh huyền ảo. Thiên hạ dạo chơi, từng cặp nam nữ dựng xe đạp ngồi tâm tình trên những chiếc băng đá.



Người Trung Hoa thường tự hào về phong cảnh đất nước mình, họ có câu: “Sống ở Tô Châu, chơi ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu”. Tô Châu gần Thượng Hải nổi tiếng về tơ lụa và gái đẹp có giọng nói thánh thót như thơ nhạc, Hàng Châu cảnh đẹp nhiều trà thất, tửu lầu với trà Long Tĩnh nổi tiếng thơm ngon, Quảng Châu nấu ăn rất ngon và Liễu Châu ở gần Quế Lâm có nhiều gỗ qúi để đóng quan tài mà không bị mục. Phố Hàng Châu được xây dựng cách nay 8,000 năm và có lịch sử được ghi chép cách đây 2,200 năm từ thời Tần Thủy Hoàng, từng là đế đô của triều Nam Tống (1127-1279) là một trong 7 cố đô của Trung Hoa. Khí hậu bán nhiệt đới ấm áp và có bốn mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm là 16.2 độ C. Thành phố được thành lập ngày 24-5-1949 có diện tích 16,596 km vuông trong đó vùng đô thị là 3,068 km vuông. Dân số tính vào cuối năm 2004 là 6,516,800 người có hơn 4 triệu sống ở vùng đô thị, đa số là người Hán và có 23 sắc tộc thiểu số khác gồm người Hui, Mông Cổ, Man, Urgar và Chaoxian...Cây tượng trưng cho thành phố là cây long nảo (camphor). Hàng Châu nội Tây Hồ không thôi đã có 10 cảnh đẹp (Tây Hồ Thập Cảnh), ngoài ra còn có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử khác như chùa Linh Ẩn (Ling Yin Temple), mộ anh hùng Nhạc Phi (Yue Fei), tháp Lục Hòa (Six Harmonies Pagoda) v.v...



Trong Sử Trung Quốc học giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả Hàng Châu dưới thời Nam Tống như sau:



“Thương mãi phát đạt thì thị trấn thành thị cũng phát triển. Trung tâm kinh tế đã từ miền Bắc chuyển xuống miền Nam. Kinh đô đã không còn ở trung lưu sông Hoàng Hà nữa; nó từ Trường An chuyển lại Lạc Dương, rồi từ Lạc Dương đến Biện Kinh (Khai Phong ngày nay), đời Nam Tống nó xuống Hàng Châu. Năm 1170 Hàng Châu đã có nửa triệu người. Chợ búa phố xá rất đông đúc. Miền Nam khí hậu ấm áp hơn miền Bắc, cây cỏ xanh tươi nhiều hồ, nhiều sông, đời sống dễ chịu nên tính tình của con người cũng thay đổi, bớt khắc khổ, đạm bạt, nghiêm ngặt mà phóng khoáng hơn, vui vẻ, ham hưởng lạc, lãng mạn hơn. Giới thương gia ở kinh đô sống trong những dinh cơ rộng: phía trước là ngôi nhà lộng lẫy tiếp khách, có nhà thờ tổ tiên, phía sau là khu cho phụ nữ, trẻ con, chung quanh là vườn rộng có cây cảnh, cây ăn quả, non bộ. Họ có nhiều cao lâu, tửu quán, trà thất để ăn tiệc, chơi bời, ngắm trăng, nước, nghe hát. Muốn biết đời sống của họ, chúng ta có thể đọc những truyện Thuỷ Hử, nhất là Kim Bình Mai, hoặc cuốn “La vie quotidienne en Chine la veille de l'invasion Mongole” của Jacques Gernet. Trụy lạc là giới thương nhân đó và giới quan lớn mà hầu hết là đại điền chủ. Ở Trung Quốc, thời xưa các quan đều ăn hối lộ không nhiều thì ít, vì lương của họ thấp quá mà họ lại có nhiều vợ, nhiều con, nhiều kẻ hầu người hạ, có khi phải giúp đỡ cho anh em, họ hàng nữa. Một người làm quan thì cả họ được nhờ. Vua Cao Tôn hiểu vậy tăng lương cho họ, không rõ bao nhiêu nhưng có tăng gấp đôi, gấp ba cũng không đủ. Cho nên ông quan nào cũng không có di sản của tổ tiên, hoặc vợ giàu, đảm đang, mà ráng giữ đức thanh liêm thì phải sống đạm bạc như Phạm Trọng Yêm: Vợ con không được bận đồ tơ lụa, bữa cơm chỉ dọn một món thịt, trừ khi có khách mà ông là một đại thần ở triều Nhân Tôn đấy. Còn Tô Đông Pha hồi còn làm chức quan nhỏ, thất phẩm ở Mật Châu (lúc đó triều đình đã giảm lương quan lại), phải chịu mọi cảnh thiếu thốn, con cái nheo nhóc, không đến nỗi chết đói, nhưng có lúc cùng một bạn đồng sự, phải đi hái cúc trong các vườn hoang để ăn cho đầy bao tử.


Khi rợ Kim chiếm Biện Kinh rồi, vua Cao Tôn đầu đời Nam Tống lưu lạc hai ba nơi rồi sau lại Hàng Châu lúc đó chỉ là một cái phủ ở ngay tỉnh lị, tỉnh Chiết Giang. Mới đầu triều đình chỉ tính ở tạm tại đó, coi đó là một "hành tại" (người Âu phiên âm là Quinsay) cũng như hành cung vậy thôi. Sau thấy phong cảnh nơi đó đẹp đẽ, khí hậu mát mẽ, cây cối xanh tươi, nhất là miền đó có nhiều đồi, nhiều hồ, sông rạch và chằm, rợ Kim quen chiến đấu ở miền Bắc, phi ngựa trên những đồng cỏ mênh mông, gặp những sông rạch, chằm đó sẽ bất lợi, nên triều đình Nam Tống lựa Hàng Châu làm kinh đô. Nó nằm trên bắc ngọn sông Chiết Giang- khúc đó cách bờ biển không xa, còn có tên là Tiền Đường (nơi nàng Kiều gieo mình xuống để chấm dứt 15 năm đau khổ), phía nam nó dựa lưng vào núi Ngô Sơn, phía tây nó soi bóng trên Tây Hồ, nổi danh là nơi linh tứ bật nhất của Trung Hoa nhờ cảnh đồi núi, hồ biển tuyệt đẹp, nhờ khí hậu ấm áp, nhờ dân trong miền tính tình vui vẻ, nam thanh nữ tú, tiếng ca hát ngâm thơ vang lên trong các vườn hoa, các trà thất, bên bờ nước, dưới các hàng liễu. Đầu Nam Tống, nó chỉ độ 200.000 dân, cả Nam Tống được độ 60 triệu dân, Bắc Tống được độ 40 triệu nữa. Nhưng nó phát triểu rất mau vào cuối đời Nam Tống, đầu đời Nguyên, nó đã có một triệu dân, thành thị trấn đông dân nhất, giàu có nhất thế giới. Mà coi trên bản đồ chúng ta thấy rất hẹp. Nó có hai vòng thành, vòng trong xây vào thế kỷ VII. Thị trần ở vòng trong: từ Nam tới Bắc độ bảy cây số, chiều ngang độ 2 cây số. Thành trong đắp bằng đất, đá và gạch cao chín thước, dưới chân dày ba thước, có 13 cửa mà 3 ở phía đông quan trọng nhất, xây cất rất vững chắc, canh gác suốt ngày đêm. Từ năm 893 người ta bắt đầu xây thêm vòng ngoài. Dưới chân thành có hào rộng. Có một con đường chính rộng trăm bước chân từ Bắc tới Nam, nơi có cung điện, tôn miếu và đàn Nam giao. Có nhiều đường từ Đông qua Tây cắt ngang đường chính đó, và nhiều kinh chạy song song với đường chính. Không biết ngoại ô lan tới đâu. Và người ta chỉ đoán rằng vào khoảng 1274. Thị trấn rộng trên 20 cây số vuông, mà chứa một triệu người cho nên rất chật chội.”





Trịnh Hảo Tâm

(Cali nắng ấm tháng Năm

Những hàng phượng tím âm thầm đươm hoa)





 209 Hoàng hôn trên Tây Hồ ở Hàng Châu

6213 Khách sạn Ramada Plaza ở Hàng Châu

6215 Buổi sáng trên một ngã tư ở Hàng Châu

 6241 Ðoàn du khách VN từ Cali vào một nhà hàng




No comments:

Post a Comment