Pages

Powered By Blogger

Monday, August 8, 2016


CHƯƠNG 28
CHÙA LINH ẨN Ở HÀNG CHÂU










Chùa Linh Ẩn nằm trong thung lũng cây cối xanh tươi với nhiều thạch động ở vùng núi phía Tây Bắc của Tây Hồ cách trung tâm thành phố Hàng Châu khoảng 7 km. Chùa được xây lần đầu vào năm 326 AD (năm thứ nhất đời vua Tây An Hy (Xianhe) triều Ðông Tấn (Eastern Jin, 317-420AD) do thiền sư Lý Công từ Ấn Ðộ đi bộ sang Trung Hoa giảng kinh. Ông thấy đỉnh núi giống như Thiên Tử Sơn bên Ấn Ðộ nên cho rằng Thiên Tử Sơn đã bay qua đây nên đặt tên núi là Phi Lai Phong và tên chùa là Linh Ẩn có nghĩa là nơi ẩn cư của các vị tiên linh. Chùa Linh Ẩn là ngôi chùa Thiền Tông lớn nhất miền Hoa Ðông và là một trong 10 cổ tự nổi tiếng của Trung Hoa, đứng thứ nhì chỉ sau chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Trong vùng núi quanh chùa có 345 tượng Phật điêu khắc trên vách núi đá, những tượng này được khắc trong 3 thời kỳ từ Ngũ Ðại kế đến nhà Tống và nhiều nhất là thời nhà Nguyên.



Buổi sáng đầu tiên ở thành phố Hàng Châu là ngày 18-10-05, từ khách sạn Ramada chúng tôi lên đường đi chùa Linh Ẩn. Xe chạy dọc theo bờ phía Bắc của Hồ Tây có nhiều đền chùa, tháp miếu chen lẫn trong rừng cây cối xanh um nhiều cổ thụ, chúng tôi thấy nhân viên thành phố đang dùng xe có thang cao để mé nhánh. Cây long não (camphor) được trồng rất nhiều ở đây, ngắt một chiếc lá đưa lên mũi ngửi có mùi thơm cay nồng của hương long nảo. Ðường xá sạch sẽ, mặt đường nhựa mới láng bóng, ngăn đôi giữa hai chiều lưu thông là những con lươn trồng hoa cảnh đẹp mắt. Ðến bãi đậu, chúng tôi rời xe qua cổng soát vé (giá vé tham quan là 45 yuan) xây theo lối tam quan bên trên có đề chữ “Linh Ẩn Tự” bên cạnh là cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhang đèn rất đông người, có nhiều người bán chiếc kèn sáo làm bằng một khúc trúc thổi kêu ríu rít như tiếng chim oanh. Những người bán dạo nói giá 1 dollar một cái nhưng sau đó có người mua 1 dollar đến...10 cái! Mua xong, chúng tôi đi bộ vào chùa, con đường khá xa gần một cây số và du khách địa phương đi đông như ngày hội. Con đường tráng nhựa hay lát đá chỉ dành cho người đi bộ nằm dọc trong thung lũng theo hướng Ðông Tây hai bên là hai ngọn núi với nhiều tùng bách và một dòng suối chảy róc rách qua những tảng đá lớn, cây cối dây leo chằng chịt khung cảnh núi rừng. Bên kia bờ suối là những tượng đủ mọi thánh nhân được tạc trên vách đá, có tượng Phật Thích Ca, La Hán, Phật Bà nhưng thành thật mà nói thì nghệ thuật tạc tượng còn kém, tỉ lệ thiếu cân đối có những tượng đầu qúa lớn, tay chân quá ngắn thiếu nét sống động, không sắc sảo và to lớn như những tượng Phật ở Long Môn Ðộng gần Lạc Dương mà chúng tôi đã viếng qua. Chỉ có tượng Phật Di Lạc là khá hơn hết, tượng ngồi để bụng to bệ vệ có vẻ sung sướng an lạc, miệng cười toe toét, hai má chảy xệ, mắt híp lại. Ðây là tượng có nghệ thuật điêu khắc khá nên được mọi người để ý và đứng thắp nhang khấn vái khẩn cầu. Có những bà cụ xách giỏ đem nhang đèn đến, cung kính đứng thật lâu lâm râm khấn vái khiến con cái cùng đi kiên nhẫn đợi chờ.



Theo bảng giới thiệu bằng Anh ngữ đặt ở đây ghi rằng: “Tượng 3 thánh nhân từ phương Tây ở Thanh Lâm Ðộng (Green Forest Cave) được biết là tạc sớm nhất vào năm 951 AD. Ða số những tượng đời Tống đều nhỏ và được khắc bên trong và xung quanh động Thanh Lâm cũng như động Milky Icicles. Trong những tượng sắc sảo phải kể là tượng Phật Locana được tạc vào năm 1022 AD trong thời Bắc Tống và Phật Maitreya theo kiểu Nam Tống. Những tượng lớn được tạc trong thời Nguyên đa số nằm rải rác bên bờ Nam dòng suối Hàn Tuyền (Cold Spring) và ở trên mặt đá trước cửa những hang động.”



Ðến một cửa động, các hướng dẫn viên chỉ một bệ đá dài trên cao và nói rằng đây là chiếc giường ngày xưa Tế Công (Ji Gong) Hoà Thượng ban đêm thường ngủ.Tế Công Hòa Thượng là một người tu hành nhưng điên điên khùng khùng nên người ta còn gọi là Tế Ðiên Hòa Thượng, tuy vậy nhưng ông thuyết pháp và giảng kinh Phật rất hay, ông giảng cho cả vua nghe và dân chúng theo rất đông. Ông ăn mặc lôi thôi, không tắm rữa hay móc ghét trong người vò viên lại cho dân làm... thuốc tể uống trị bịnh. Ông uống rượu, ăn thịt chó nên các nhà sư trong chùa không cho ở trong chùa, ông phải ra ngoài hang ngủ ban đêm. Bệ đá chỗ ngủ của ông mặt đá bằng phẳng láng bóng vì nhiều người đặt tay vào sờ để lấy hên, bên trên lại có một hàng tượng Phật khắc trên vách. Tôi sờ tay thấy mát lạnh, không hiểu  đêm Ðông tháng giá nằm nơi đây rất lạnh làm sao ngủ được? Chuyện của ông tôi thấy người ta viết nguyên cả một cuốn sách dày có dịch ra tiếng Việt, trong đó có kể chuyện một hôm ông xông vào một đám cưới và ôm xốc cô dâu mà chạy, dân làng đuổi theo thì ngọn núi lở, đất đá chuồi xuống chôn cả ngôi làng. Người ta tin rằng ông giả vờ cướp cô dâu để cứu cả làng khỏi chết! Cử chỉ ngang tàng, thái độ điên điên khùng khùng của Tế Ðiên Hòa Thượng khiến tôi nhớ tới thi sĩ Bùi Giáng. Bùi Giáng cũng dở điên, ăn mặc quái dị và thường gánh theo nồi niêu soong chảo như một cái bang homeless “a bum”chính hiệu nhưng ông ta có tài ứng khẩu thành thơ lục bát một cách tự nhiên còn Tế Ðiên Hòa Thượng thì ứng khẩu thành bài giảng kinh. Bên trên hang này là núi đá cũng có tượng Phật và dây leo chằng chịt như những con trăn. Nơi hang động này tác giả truyện Thủy Hử mượn bối cảnh để cho Võ Tòng và Lỗ Trí Thâm vào đây giả tu lánh nạn.



Cổng chùa là một ngôi nhà lớn sơn màu vàng, mái nhiều tầng lợp ngói âm dương và cửa ra vào rộng hình bán nguyệt. Sau cổng hiện ra một rừng đại thụ tùng bách mà giữa đám cây xanh là ngôi chùa lớn hiện ra cổ kính và hoành tráng vô cùng. Chùa to lớn có 3 tầng, tầng dưới lớn nhất là chính điện bên trên có 4 chữ “Vân Lâm Thiền Tự” do vua Khang Hy (Kangxi) nhà Thanh (Qing Dynasty, 1644-1911) năm 1681 phong tặng sau khi chùa được xây lại trên nền chùa cũ. Khang Hy xúc cảm cảnh trí thanh tịnh của ngôi chùa ở giữa núi rừng lãng đãng những màn sương trắng nên phong tặng tên chùa là “chùa ở rừng mây”. Qua khỏi khoảng sân rộng, bước vào đầu tiên là tiền điện có trần cao 60 feet trang trí hình vẽ rồng phượng có tên là Ðiện Thiên Vương (Hall of the Heavenly Kings). Tại cửa điện có khắc câu thơ chữ Hán: “Hãy ngồi đợi ngay ngạch cửa này, nơi đây sẽ thấy ngọn núi bay đến từ xa. Hãy đón chào mùa Xuân với nụ cười như băng tan và ngọn suối trên cao bắt đầu chảy trở lại”.



Trong tiền điện có tượng 4 thiên vương đứng bên cạnh Phật Di Lạc bụng to miệng cười vui vẻ như chào đón bất cứ ai bước vào trong điện. Qua khỏi Ðiện Thiên Vương và một khoảng sân sẽ đến chánh điện là điện rộng lớn nhất chùa có tên là Ðại Hùng Bảo Ðiện hay điện Mahavira (Hall of the Great Hero) có chiều ngang 7 gian và sâu 5 gian. Từ sàn nhà cho đến nóc 33.6 mét (110 feet) là ngôi điện cao nhất ở Trung Hoa xây toàn bằng những cột gỗ. Giữa chính điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen cao đến 24.8 mét (82 feet) được tạc bằng 24 miếng gỗ long nảo ghép lại và thếp bên ngoài bằng những lá vàng mõng. Ðây là một trong những tượng Phật bằng gỗ lớn nhất. Hai bên tượng là 20 vị thần bảo vệ chánh pháp và 12 hộ thần đứng nơi vách cuối gian điện. Khung cảnh nơi đây hoành tráng và toát lên một vẻ huyền bí linh thiêng, khách thập phương cung kính vái lạy rất đông nhưng không được thắp đèn nhang, chỉ được thắp bên ngoài để tránh không khí ô nhiễm, ngộp ngạt bên trong.



Bên cạnh ngôi cổ tự Linh Ẩn xây từ thời nhà Thanh là một ngôi đền to lớn mới xây cách nay vài năm cùng lối kiến trúc nhưng đơn giản hơn và bằng vật liệu kiến trúc hiện đại như xi măng và sắt. Bên trong trên những bệ cao là 500 tượng Phật La Hán (Arhats) cao gấp đôi người thật và khác nhau, mỗi tượng là một nhân vật riêng không người nào giống người nào, tất cả đều được sơn một màu vàng ánh và chất liệu bên trong chắc là bằng xi măng hay đất sét nung gì đó. Chúng tôi đi bên trong xem qua và chụp ảnh vì quá rộng và quá nhiều tượng nên đi lòng vòng một hồi không biết đường ra! Ði đâu cũng gặp những ông La Hán mặt mũi dữ dằn, mắt trợn ngược, tay cầm thanh đao. Tượng làm tuy đẹp nhưng để bụi bám quá nhiều, rửa sạch hết 500 tượng lớn như vậy chắc cũng phải tốn rất nhiều nước!



Phía sau chùa là rừng cây phong (maple) loại lá xanh lớn bản mùa Ðông khô đi chứ không đổi sang màu đỏ, loại này có nhiều người gọi là cây ngô đồng. Ở đây cũng có những cây tùng bách cổ thụ mà người ta ghi số tuổi cả ngàn năm có thân sần sùi, vỏ cây bên ngoài đã tróc mất nên đưa những sớ gỗ vằn vện bên trong.



Sau chánh điện chùa Linh Ẩn là phòng y dược, nơi đây nhà chùa phơi khô tích trữ những cây củ dùng làm thuốc bố thí cho khách thập phương. Bên cạnh dược phòng là phòng Ðại Ân và mái hiên Mùa Xuân, hàng hiên này nguyên thủy được xây từ đời Ðường cách nay hơn một ngàn năm. Nơi đây khách thập phương ngồi thiền hay thư giãn tâm trí trong những ngày hè nóng bức, thưởng thức những làn gió mát có hơi sương phù vân từ núi rừng bên ngoài đưa vào. Ở phố Bolsa  thuộc Little Saigon cũng có những mái hiên nhưng là mái hiên...Tây, không phải để ngồi thiền mà để cho khách Việt ngồi hút thuốc và uống cà phê vào những “buổi sáng sương mai vừa lắng đọng”. Không gian nơi đây ít êm đềm trầm mặc mà thường xôn xao xua động...những lời bàn. Người Bolsa thích đọc báo, nhưng vẫn ngồi đây nhâm nhi ly cà phê để nghe những tin tức thuộc loại hậu trường (behind the scene) vừa người thật, việc thật vừa hư cấu sấm truyền, muốn hiểu sao cũng được mà báo chí không đăng. Nhiều người chọn làm ca hai buổi chiều để còn được cái thú mỗi sáng ra tham dự bên bàn cà phê họp báo! Ðó cũng là nét sinh hoạt văn hóa của người Bolsa phảng phất không khí quán cà phê Catinat, Brodard, ngã tư Quốc Tế của Sài Gòn ngày trước. Thật là “Chúng ta đi mang theo quê hương” như nhà báo Ngô Mạnh Thu đã từng nói. 



Trịnh Hảo Tâm

(Cali tháng Sáu cuối Xuân

Hàng cây phượng tím tưng bừng nở hoa)

CAPTIONS:

6148 Chùa Linh Ẩn được xây lần đầu vào năm 326 AD

6144 Những tượng trên vách núi chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu

6145 Tượng Phật Di Lạc tạc trong vách đá

6160 Những tượng Phật được tạc cách nay 1,000 năm

6161 Du khách đang xem bệ đá Tế Công thường ngủ

6153 Tượng Phật Thích Ca bằng gỗ thếp vàng trong chính điện cao 82 feet

6156 500 tượng Phật La Hán trong điện bên cạnh chùa

  


No comments:

Post a Comment