Pages

Powered By Blogger

Monday, August 8, 2016


CHƯƠNG 26

ÐỒI VOI VÀ ÐỘNG SÁO TRÚC Ở QUẾ LÂM










Ðộng Sáo Trúc (Reed Flute Cave) còn gọi là Ðộng Lô Ðịch là thắng cảnh đẹp ở Quế Lâm sau cảnh sông Li. Ðộng Sáo Trúc cách trung tâm Quế Lâm 5 km về hướng Tây Bắc nơi đây có những động đá rộng, vào sâu bên trong quang cảnh lung linh huyền ảo với những thạch nhũ tạo thành những hình tượng muôn hình vạn trạng khiến du khách mê hồn như lạc vào động thiên thai. Thật ra gọi là Ðộng Sáo Sậy thì đúng hơn vì chữ “reed” có nghĩa là sậy (một loại cỏ lớn có đốt và thẳng thường mọc ở vùng đầm lầy). Ðộng mang tên này vì vùng bên ngoài có rất nhiều sậy mọc và người ta dùng nó để làm sáo, một nhạc cụ dùng để thổi, hơi gió qua những lỗ nhỏ phát ra thanh âm.



Buổi sáng ngày 17-10-2005 chúng tôi lên xe đến Ðồi Voi (Elephant Hill) ở về phiá Nam thành phố cạnh bờ sông Li và một nhánh nhỏ của nó có tên là sông Taohua (Hoa đào nở). Con đường dọc bờ sông Li gần điểm du lịch Ðồi Voi rất đẹp, là khu phố cổ với những hàng cây râm mát, biệt thự xưa cũ nay được biến thành cơ quan nhà nước hay nhà hàng, khách sạn. Xe chúng tôi đậu bên lề đường chờ Dean là hướng dẫn viên vào thu xếp chỗ đậu xe và mua vé tham quan cho cả đoàn. Trong lúc ngồi trên xe có một anh chàng cỡi xe đạp đến mời mua chôm chôm và chôm chôm của anh ta tươi và rất ngọt. Dean trở ra xe phát vé (giá 20 yuan) và hướng dẫn chúng tôi vào cửa. Dọc theo hàng rào trước cửa vào là những bảng hiệu quảng cáo bán các sản phẩm như máy vi tính, điện thoại di động, thuốc bổ v.v...tôi không đọc chữ được nhưng xem hình. Qua cửa bước xuống những bậc thang bờ sông thấp ở phía dưới, du khách rất đông nói cười rộn rã trước dãy cửa hàng bán phim chụp ảnh, pin, bưu ảnh (postcard), nước ngọt, đồ kỷ niệm v.v...Nhìn về hướng Nam là một ngọn đồi nằm chận dòng sông nhưng chân đồi ở ngoài sông bị nước chảy tạo thành một cái hang thông gió nhìn như  con voi đang uống nước. Bên trên đỉnh đồi có một khối đá nghiêng có dạng một đuôi kiếm. Người ta kể rằng: ngày xưa, có một con voi vốn là tướng trời được phái xuống trần làm việc. Khi tới Quế Lâm, thấy cảnh đẹp nên ở lại trần gian. Thượng đế tức giận sai thiên lôi đem gươm đâm vào lưng voi và đày nó thành đá đứng muôn đời bên bờ sông Li. Câu chuyện có ý muốn nói rằng làm tướng trời cũng không bằng làm dân Quế Lâm (?). Ðêm trăng mặt sông phản chiếu ánh trăng như dát bạc, nhìn mặt sông qua hang tròn, thấy như một mặt trăng. Các thi nhân ngày xưa cho rằng có hai mặt trăng: trên trời một mặt trăng và dưới sông một mặt trăng!



Ðồi Voi ngày xưa được gọi là đồi Li, đồi Yi, đồi Chenshui có lịch sử hàng trăm triệu năm, có cao độ 200 mét, đỉnh đồi cách mặt sông là 55 mét. Bên trong vách động có 70 câu thơ khắc trên đá ca tụng vẻ đẹp nơi đây, ghi niên đại đời nhà Ðường, nhà Tống. Trên đỉnh đồi Voi hiện lên nền trời tháp chùa cổ có tên là chùa Puxian được xây từ thời nhà Minh (1368-1644). Ðồi Voi là hình ảnh biểu tượng của Quế Lâm.



Lang thang bên bờ sông chụp hình thì có các cô gái che dù mặc quần áo sắc tộc mời đứng chung chụp hình. Mỗi cô ra giá 5 yuan cho một lần chụp (tôi chụp cả chục tấm cho chắc ăn!). Các bà trong đoàn cũng kêu các cô đứng chụp. Các cô gái kiếm được bộn tiền sáng nay nên mặt mày cô nào cũng tươi rói.



Rời đồi Voi xe chúng tôi chạy lên hướng Bắc vào cổ thành cũng nằm cạnh bờ sông Li, nơi đây là trung tâm Quế Lâm ngày xưa nhưng bây giờ muốn giữ cảnh cổ nên không cho cất những kiến trúc mới. Thành cũng xây bằng gạch  nung đen nhưng tường thấp và mõng không cao hơn nhà dân bao nhiêu nên khó thấy, thêm nữa lại bị cây cối che phủ. Bên trong thành là tư dinh của hoàng tử Jingjiang họ hàng trong hoàng tộc nhà Minh, làm quan trấn ở đây. Xung quanh tư dinh quan trấn là những ngôi nhà lớn tường vàng, ngói đỏ kiến trúc có vẽ Âu Châu xây khoảng đầu thế kỷ 20 ngày nay là trường Ðại Học Sư Phạm. Chúng tôi vào đây để viếng một thắng cảnh có tên là Solitary Beauty Peak (Ðộc Tú Sơn - Duxiu Peak) là một ngọn núi thẳng đứng như cột nhà cao 216 mét, người Trung Hoa gọi là Nam Thiên Nhất Trụ (Sky-Supporting Pillar in the South). Thời Nam Triều (420-589) Yan Yanzhi tổng trấn Quế Lâm đã cho khắc dòng chữ  “Không nơi nào đẹp hơn ngọn độc đỉnh này” từ đó mới có tên là Solitary Beauty Peak.



Xe chúng tôi đậu lại dưới chân núi là khu trường đại học nên có rất nhiều nhà cửa và cây cối lâu đời nhưng được chăm sóc khá sạch sẽ, lối đi trồng hoa tươi mát. Cạnh đó là phòng tranh của trường đại học, hướng dẫn viên cho biết ai muốn vào xem và mua tranh thì vào, ai thích lên núi Ðộc Tú Sơn thì có đường lên nhưng khá vất vả, bù lại đứng trên ngọn sẽ thấy vẻ đẹp của thành phố Quế Lâm phiá dưới chân mình (vé tham quan là 5 yuan đã mua cho cả đoàn khi vào khu này).



Chúng tôi vào xem tranh vẽ bằng đủ mọi thể loại, cũng đẹp và giá tương đối hợp lý. Bà qủa phụ Hoài Trung (ban tam ca Thăng Long gồm Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh) có vẻ thích bức tranh vẽ một bầy ngựa (có lẽ bà nhìn bức tranh nhớ lại nhạc phẩm “Ngựa Phi Ðường Xa” không ai ca hay hơn ông Hoài Trung với những tiếng ngựa hí bằng giọng của ông). Bà nhờ tôi hỏi giá với các cô bán tranh và sau khi trả giá mua được với giá 25 USD. Tôi nói thêm với bà đó là bức tranh “Mã Ðáo Thành Công” theo tích “Phú Ông Thất Mã” (Phú ông mất ngựa rồi mấy hôm sau ngựa mất dẫn một bầy ngựa khác về).



Bà vợ nhà tôi rũ lên núi Ðộc Tú Sơn hay là Ðộc Tuyệt Ðỉnh, đường lên núi 396 bậc thang lát đá tảng, cây cối, hoa lá, dây leo dọc theo đường lên rất đẹp. Chúng tôi leo qua các tảng đá Dushu (Học Vấn), Taiping (Hòa Bình) và vũng nước Yueya (Lưỡi Liềm). Tôi lười và cũng muốn dành sức vì chút nữa còn phải vô...động nên tôi leo nửa chừng thì tuyên bố leo không nỗi nữa nên không có dịp ngắm bức tranh toàn cảnh Quế Lâm và những ngọn núi bao quanh. Nhưng đứng nửa chừng núi vẫn thấy được những cao ốc và ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo nhỏ gần đó.



Rời khu cổ thành xe chúng tôi đến Ðộng Sáo Trúc chỉ cách cổ thành khoảng 5 km về hướng Tây Bắc. Thành phố Quế Lâm nhỏ nên vùng Ðộng Sáo Trúc được xem là vùng ngoại ô rất nhiều cây cối xanh tốt, ao đầm và những vườn rau cải. Xe qua cây cầu phiá xa có nhiều quả núi vôi đứng thẳng rồi  xe đi vào con đường ngoằn ngoèo để lên một ngọn núi nhiều cây cối, đó là núi Ðộng Sáo Trúc. Phía bên ngoài người ta bày hàng quán bán khoai lang nướng, những khúc mía màu nâu đỏ, hàng thủ công làm bằng gỗ và cũng có bán những cây sáo nhỏ làm bằng sậy sơn màu đỏ thẫm (mua ở đây nhớ trả giá). Sau đó phải bước lên những nấc thang để lên khu bán vé có những cửa hàng giải khát và bán qùa lưu niệm. Vé vào cửa để tham quan động là 60 yuan. Con đường đi trong động có hình chữ U dài 240 mét, vào một cửa và theo hướng dẫn viên vào động tham quan nghe thuyết trình mất độ một giờ và ra cửa khác cách cửa vào cũng không bao xa. Bên trong động không tối lắm nhờ những ngọn đèn xanh đỏ chiếu lên trần động cho ta thấy những hình thù lạ lùng, có những tảng đá như khu rừng nấm, có những tảng như con hạc đứng trầm ngâm, như con bạch tuột có những chân dài tủa xuống phía dưới. Tất cả do nước trên ngọn núi mang chất vôi nhỏ xuống hàng triệu năm xoi mòn những tảng đá mà tạo thành. Có những dòng giọt nước nhỏ xuống, đóng vôi tạo thành những cột thạch nhũ tua tủa. Cảnh vật muôn hình vạn trạng tùy theo người tưởng tượng: nào là tiệc bàn đào của Tây Vương Mẫu, chỗ kia là thủy cung của Ngưu Ma Vương. Người Trung Hoa có thói quen thần thánh hóa mọi sự vật bằng những huyền thoại, hư cấu nên trong động có nhiều chỗ được mang tên là Ðiện Thủy Ngọc (Crystal Palace), Long Tự (Dragon Pagoda), Trinh Nguyên Lâm (Virgin Forest), Hoa Qủa Sơn (Flower and Fruit Mountain). Trong những tên đó nhiều nơi ta phải vận dụng óc tưởng tượng nhưng những huyền thoại chung quanh nó nghe kể cũng thú vị toàn là chuyện thần tiên, lãng mạn. Có một vũng nước trong động được đèn màu phiá vách động chiếu xuống mặt nước lung linh, phía sau là hàng trăm tảng đá nhú lên cao thấp hình thù khác nhau, đứng xa nhìn như khung cảnh thành phố New York ban đêm từ biển nhìn vào, vách động là nền trời, những hòn đá nhô lên    những cao ốc, lại có chóp đá giống như tượng nữ thần tự do giơ cao ngọn đuốc (chóp đá này dám họ tạc rồi gắn thêm vào?). Cảnh “thành phố New York” này được giăng đèn rất lung linh huyền ảo.



Mặc dù trong động có nhiều loại đèn khác nhau nhưng với máy chụp ảnh cá nhân vẫn không đủ ánh sáng cho ta hình rõ đẹp ngoại trừ máy ảnh chuyên nghiệp có đèn chụp cực mạnh. Vì vậy vài nơi như Crystal Palace và Flower and Fruit Mountain có thợ hình nhà nghề chụp dạo với máy và đèn tốt, giá là 20 yuan cho mỗi tấm ảnh. Trong động có khoảng 70 câu thơ ca tụng cảnh đẹp Ðộng Sáo Trúc người ta cho rằng được khắc từ đời Ðường, chứng tỏ động đã nổi tiếng là một thắng cảnh từ thời ấy.



Rời Ðộng Sáo Trúc chúng tôi đi ăn trưa rồi được đưa đi xem ngọc trai trong một cửa hàng chuyên môn về ngọc trai được nuôi ngoài biển. Theo lời giới thiệu của cửa hàng thì ngọc trai tại nơi đây được nuôi tại nhiều điạ điểm khác nhau trong đó có một trại nuôi trai ở vùng biển Vịnh Hạ Long ở Việt Nam mà ông ta cho rằng phẩm chất được xếp hạng cao cấp chỉ thua ngọc trai Nhật Bản mà thôi. Hạt trai ngày trước chỉ có màu trắng tinh và trắng ngà, bây giờ lại có thêm màu đen tuyền. Ở cửa hàng ngọc trai được xem những màn trình diễn thời trang do các cô người mẫu trong những kiểu y phục khác nhau, đeo những chuỗi hạt trai ra trình diễn.



Sau đó chúng tôi ra phi trường Quế Lâm ở hướng Nam thành phố đáp chuyến máy bay của hãng Shandong Airlines để đi Hàng Châu (Hangzhou) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang). Trong lúc chờ đợi ở phi trường có một cô gái hỏi chúng tôi là người Hoa ở tỉnh nào sao tiếng nói lạ quá? Tôi nói là người VN nhưng ở  Mỹ. Cô không hiểu nhiều tiếng Anh và có vẻ không biết VN là nước nào? Tôi hỏi cô ta biết VN ở đâu không? Cô lắc đầu. Tôi nói VN ở phiá Nam gần đảo Hải Nam đó. Tôi hỏi cô ta đi đâu? Cô trả lời đi về Sơn Ðông, cô ở trong đoàn nhân viên một nhà máy thuộc tỉnh Sơn Ðông đi du lịch Quế Lâm 5 ngày. Cô gái hỏi tôi chứ biết Sơn Ðông không? Tôi nói ngày xưa ở chợ tỉnh Trà Vinh tôi hay có những đoàn hát sơn đông mãi võ, chắc họ là người Sơn Ðông đến nhổ răng, múa võ và bán thuốc. Hàng xóm phố tôi ở cũng có một tiệm làm răng hiệu là Ðỗ Ðoàn Viên là người Sơn Ðông. Cả gia đình nói tiếng Sơn Ðông , nói nhanh và giọng xì xồ như gây lộn. Ông có một bà mẹ già bị bó chân từ nhỏ nên đi từng bước ngắn như sáo nhảy. Bà hay đút cơm cho mấy thằng cháu nội, khi tụi nó không muốn ăn, chạy chỗ khác thì bà đành chịu, đứng một chỗ, cầm chén cơm, miệng xì xồ la mắng! Tôi ghét cái ông thợ làm răng này vì mỗi lần nhức răng là má tôi “áp tải” tôi đến tiệm ông. Tôi bị vợ ông kềm chặt trên chiếc ghế làm răng và ông ta mài răng tôi để trám bằng cái lưỡi khoan chạy bằng bánh xe mà ông vừa mài răng vừa đạp lia lịa như người ta đạp máy may!



Máy bay cất cánh, nhìn xuống đất chen chúc những cụm núi xanh như những gò mả, những cánh rừng, ao hồ đây đó và dòng sông Li dài uốn khúc như rắn lượn. Nó lượn mãi và mất hút tận chân trời.



TRỊNH HẢO TÂM

(Mùa Xuân còn ở Cali

Hoa vàng chắn lối Xuân đi chưa đành!)



Cùng một tác giả đã phát hành 2 quyển ký sự du lịch “Trên Những Nẻo Đường Việt Nam” và “Miền Tây Hoa Kỳ” kể lại những chuyến đi VN và Hoa Kỳ với nhiều chi tiết rất thú vị. Cả hai sách đồng giá 15 US$ mỗi quyển, có bán tại các nhà sách.  Ở xa gởi ngân phiếu 15 US$ về tác giả, sách có chữ ký được gởi đến tận nhà:



TRỊNH HẢO TÂM

3683 Hawks Drive

Brea CA 92823

Ðiện thoại 714-528-1413 Nhà

                  909-395-2134 Sở

Email: trinhhaotam@hotmail.com



CAPTIONS:

6070 Cửa vào thắng cảnh Ðồi Voi ở Quế Lâm

6076 Những thiếu nữ sắc tộc chụp hình với du khách ở Ðồi Voi

6083 Ðồi Voi có hình dáng như con voi uống nước

6091 Bức tranh Lảo Bà trong phòng tranh dưới chân Ðộc Tú Sơn

6094 Quế Lâm nhìn từ Ðộc Tú Sơn

6098 Trên đường đi Ðộng Sáo Trúc ở Quế Lâm

6108 Bên trong Ðộng Sáo Trúc



 






No comments:

Post a Comment