CHUONG 25
Quế Lâm (Guilin) nằm về phiá
Bắc tỉnh Quảng Tây (Guangxi) từ thời nhà Minh là trung tâm chính trị, kinh tế
và văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Tây. Nói đến Quế Lâm là phải nói đến dòng
sông Li nước xanh trong vắt, hai bên bờ có hàng ngàn núi đá vôi phong cảnh sơn
thủy rất hữu tình. Quế Lâm có nghĩa là rừng quế nhưng quế trồng ở đây không
phải là cây quế cay người ta bốc vỏ phơi khô để làm gia vị như tôi vẫn tưởng
khi nghĩ về Quế Lâm. Cũng rừng quế nhưng đây là quế hoa, hoa quế nhỏ li ti màu
trắng nở rộ từ rằm tháng 8 cho đến đầu tháng 10. Thời gian đó khắp thành phố đi
đâu cũng thoang thoảng mùi hương hoa quế dịu dàng.
Quảng Tây là tỉnh cực Nam của
Trung Quốc sát với biên giới VN, thành phố Quế Lâm nằm trên đường bộ từ Hà Nội
đi Bắc Kinh và cách Hà Nội 800 km. Nhà bác học Lê Qúi Ðôn trải hai năm trời
(1760-1762) đi sứ sang Trung Quốc, khi về phái đoàn mua được cả ngàn cuốn sách
quý. Lúc thuyền về đến Quế Lâm thì có sở quan xuống thuyền đòi khám và họ lạm
quyền tịch thu một số lớn sách. Phó sứ Lê Quý Ðôn phải nhọc công thương thuyết
và mất tiền mới lấy lại được. Năm thứ 13 đời Gia Long (1813), thi hào Nguyễn Du
cũng đi sứ sang Tàu ghé qua đây, ngậm ngùi trước di tích Bách Việt (một nguồn
gốc của dân tộc VN) cảm tác bài thơ sau:
Việt Tây sơn trung đa giản
tuyền
Thiên niên hợp chú thành nhất
xuyên
Tự cao nhi hạ như bác thiên
Thiên thượng hà sở văn?
Ứng long kịch nộ lôi điền
điền.
Nhà thơ Thanh Vân ở VN đã
diễn Nôm:
Trong núi Việt Tây khe suối
tuôn
Ngàn năm dồn lại hợp nên
nguồn
Ngất cao ào ạt như trời trút
Xanh xanh nghe thấy gì?
Tưởng rồng vùng vẫy sấm mười
phương.
Ngày nay từ Hà Nội du khách
có thể đến Quế Lâm bằng máy bay hay bằng đường bộ hoặc xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn
- Nam Ninh - Quế Lâm. Ðoạn Nam Ninh - Quế Lâm hiện là một xa lộ rộng rãi mới
vừa hoàn tất cách đây vài năm. Hôm nay chúng tôi cũng là người Việt nhìn lại
con đường những danh nhân VN đi sứ mà lòng ngậm ngùi cho nổi buồn nhược tiểu
phải đi cống sứ đại cường.
Ngày 16-10-05 chúng tôi đi du
thuyền và ăn trưa trên sông Li ngắm cảnh sông núi thơ mộng như tranh vẽ và tối
nay sẽ đi xem chương trình ca vũ của các sắc dân thiểu số sống ở Quảng Tây.
Miền Quế Lâm cũng như tỉnh Quảng Tây có nhiều sắc dân địa phương sống tại nơi
đây hàng chục ngàn năm trước khi người Hán từ phương Bắc di dân xuống. Ðáng kể
là các sắc dân Zhuang, Yao, Hui, Miao, Mulao, Dong v.v...Mỗi dân tộc có ngôn
ngữ, phong tục và lễ hội riêng làm phong phú nét văn hóa đa dạng của Quảng Tây
và chính quyền Bắc Kinh để Quảng Tây là một tỉnh tự trị nhưng tôi cũng không rõ
quy chế “tự trị” có những quy định, luật lệ riêng như thế nào?
Chúng tôi vào một hí viện có
chừng 1,000 chỗ ngồi và chương trình mở màn lúc 7 giờ. Diễn viên là những cô
gái trẻ đẹp và dáng người nhỏ nhắn khác với show ở Bắc Kinh và Tây An là những
phụ nữ người Hán da trắng, cao lớn. Trước khi vào màn vũ nhạc hay có những
tiếng la là những mẫu đối thoại bằng tiếng dân tộc giữa các cô gái đứng trên
nhà sàn với những chàng trai đứng xa ngoài bìa rừng hay nương rẫy. Phần nhiều
chương trình nói lên sinh hoạt đời sống hàng ngày của các sắc dân trong các bản
làng ở giữa núi rừng, họ cần cù giản dị, gắn bó với thiên nhiên.
Ðầu chương trình trên sân
khấu lớn bày cảnh ruộng bậc thang, các cô thôn nữ gánh lúa đi thành hàng một.
Họ mặc váy, trên đầu vấn khăn, bước đi thân hình khoan thai, uốn lượn, đong đưa
theo sức nặng của gánh lúa. Người thiết kế điệu vũ gánh lúa này khai thác dáng
đi độc đáo, mộc mạc nhưng đầy nét dễ thương khêu gợi của các cô thôn nữ thơ
ngây. Các cô gái uốn lượn thân người từ đầu, cổ, ngực xuống tới bụng và mông,
ẻo lã khoan thai như con rắn. Một người thì không đẹp mấy nhưng một hàng vài
chục cô, cùng uốn theo điệu nhạc thì động tác rất đẹp, thơ ngây nhưng làm dáng,
kín đáo nhưng gợi tình. Mới vào màn đầu mà người xem đã có ấn tượng đẹp.
Màn kế tiếp là các cô gái đay
con sau lưng đi làm mùa rẫy như cuốc đất làm cỏ, đào lỗ gieo hạt. Cảnh một cặp
vợ chồng trẻ vác giàn cày ra rẫy. Người chồng đặt cày xuống ruộng và tra vòng
dây vào cổ vợ. Cô vợ cúi xuống, khom lưng kéo cày còn người chồng bước theo sau
kềm lưỡi cày xuống ruộng cứng. Cô vợ oằn vai kéo cày, tay nắm dây cho đỡ xiết
cổ, có lúc gặp đất khô quá cứng, cô té qụy xuống đất, hai tay vơ lên để lấy thế
đứng lên. Màn hoạt cảnh này diễn tả nỗi kham khổ, nhọc nhằn trong đời sống nông thôn, lấy sức người để thay trâu bò kéo
cày vẫn là cảnh thường gặp ở Trung Quốc ngày nay. Kế tiếp là cảnh bên dòng
suối, các cô gái đứng thành hàng dưới suối gội tóc. Cùng một lúc họ nghiêng đầu
hất mái tóc dài ra phiá sau và chấp thêm một lọn tóc mượn thật dài rồi bới lên
đầu thành một vành tóc tròn dựng cao trước trán. Cảnh gội đầu bên suối này vẫn
thường gặp ở miền núi các tỉnh miền Nam như Vân Nam, Quảng Tây. Sân khấu chuyển
sang cảnh chiều tối trong gian nhà tre có một vại nước nóng hình tròn ghép bằng
những thanh ván gỗ. Một phụ nữ đang trầm
mình bên trong với những động tác thư giãn như đang tắm. Sự thật trong bồn
không có nước nhưng với những động tác của vũ công khán giả có cảm tưởng là
trong bồn có nước nóng. Người chồng xuất hiện theo điệu múa ba lê, nhẹ nhàng
bước vào bồn nước cùng tắm chung với vợ. Cảnh quấn quít bên nhau thật là êm đềm
hạnh phúc và lãng mạn nói lên đời sống thư thái miền rừng núi, hạnh phúc chỉ
đơn giãn tìm thấy trong sinh hoạt hàng ngày chứ không cần hồ spa bóng láng
trong nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền!
Những màn sau đó có cảnh mưa
rừng với nước thật, sấm chớp vang rền trên một cây cầu dây kết bằng dây hoa
rừng để diễn tả một chuyện tích nào đó giống như chuyện tình ly biệt giữa Ngưu
Lang và Chúc Nữ. Cảnh trong làng miền sơn cước, các cô gái và thanh niên làng
chuyền những tảng đá để xây đền tháp nào đó. Cuối cùng là màn vũ tập thể, nam
nữ với y phục thổ cẫm nhiều màu nắm tay nhau thành vòng tròn vừa đi vừa vung
chân đá lên. Màn vũ này mời khán giả bên dưới lên tham dự, có hai cô trong đoàn
tôi được các diễn viên nắm tay mời lên sân khấu cùng với vài ông Mỹ trong đoàn
khác. Không có tập dợt nhưng làm coi cũng được, điệu bộ cũng ăn rập nhịp nhàng
theo tiếng nhạc vui tươi. Sau đó khán giả lên sân khấu tự do chụp hình với các
vũ công, có típ thì tốt không có các cô gái rất xinh cũng vui vẻ như thường.
Trên đường về khách sạn
Guilin Bravo xe chạy qua những chiếc cầu, những công viên bên hồ nước, ban đêm
hàng vạn ngọn đèn màu lung linh huyền ảo trên những ngọn liễu tàng cây. Trên hồ
giữa thành phố một phông tên nước bắn cột nước trắng xóa lên cao và những tia
đèn sáng chiếu vào cột nước, trông hoành tráng vô cùng. Một ngọn tháp nhiều
tầng được xây giữa hồ cũng giăng đèn rất đẹp. Công nhận hệ thống chiếu sáng
công viên ở Quế Lâm được thiết kế kỹ càng và đẹp.
Về tới khách sạn đã hơn 9
giờ, vợ tôi nói buồn ngủ nên ngủ sớm còn tôi máu giang hồ vẫn thích lang thang
khám phá này nọ. Du lịch là tìm tòi học hỏi chuyện đường xa xứ lạ chứ đâu phải
để ngủ? Tôi muốn tìm chổ “foot massage” để xem miền Quế Lâm tỉnh Quảng Tây này
nghệ thuật đấm bóp có hơn các tỉnh miền Bắc tôi vừa đi qua hay không? Hỏi nhân
viên ở quày tiếp tân khách sạn, họ nói ra ngoài khách sạn rẽ tay phải bỏ vài
căn phố là thấy ngay. Vừa ra khỏi cửa khách sạn, bãi xe đậu, bổng đâu một bóng
trắng từ công viên bên bờ hồ chạy về phiá tôi. Tôi cũng cảnh giác vì nghe đồn
miền Quế Lâm này gần Vân Nam, Miến Ðiện, Tam Giác Vàng nhiều xì ke, ma túy,
cướp bóc. Nhưng người đến gần là một cô gái trẻ hỏi tôi đi massage không?
“Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu” tôi lắc đầu. Cô ta vừa bỏ
đi thì một cô khác từ đâu đó trong công viên tiến tới chận đầu tôi cũng hỏi câu
tương tự. Ðêm trên phố mua sắm Vương Phủ Tĩnh ở Bắc Kinh khi đi với vợ tôi cũng
có hai người đàn ông gạ hỏi chỉ vừa đủ tôi nghe và nói là “người đẹp Nga Xô”!
Tôi vào tiệm “foot massage” đúng như nhân viên khách sạn chỉ. Trong tiệm có
chừng một chục ghế đã đầy khách, cũng có vài người trong đoàn tôi đang được đấm
bóp ở đây. Chờ một lúc mới có ghế trống, tôi ngồi cạnh hai bà người Canada
nhưng nói tiếng Pháp, các bà khen nhân viên nam đấm bóp ở đây làm rất tuyệt
diệu.
Sáng ngày mai chúng tôi sẽ
viếng Ðồi Vòi Voi (Elephant Trunk Hill) và Ðộng Sáo Sậy (Reed Flute Cave) một
động đá có hang rộng rất đẹp rồi buổi chiều tối từ giã Quế Lâm bay lên Hàng
Châu tỉnh Chiết Giang trên miền Bắc gần Thượng Hải.
Quế Lâm có đến 24 địa điểm du
lịch trong đó có núi Phục Ba (Fuho Hill) nằm cạnh bờ sông Li gần thành phố bên
trong núi có hang Hoàn Ngọc với nhiều tượng Phật điêu khắc trên vách đá từ đời
nhà Tống. Lăng mộ của hoàng tử Jingjiang một vị quan cai trị Quế Lâm dưới thời
nhà Minh (1368-1644). Quế Lâm còn có nhiều công trình kiến trúc, nhiều di tích
lịch sử như đập Linh do Tần Thủy Hoàng xây dựng để điều hòa lượng nước giúp cho
việc vận chuyển lương thực, quân binh xuống phía Nam. Con đập này đã thông nước
từ sông Tương vào sông Li, nối liền giao thông đường thủy giữa Hồ Nam với Quế
Lâm.
Cùng với những cuộc du ngoạn thú vị, đến Quế Lâm du khách cũng sẽ bị thu hút bởi việc mua sắm trong các khu thương xá mới mở tập trung ở khu trung tâm thành phố, nơi cách đây vài năm chỉ là những nhà phố cũ kỹ, những ngõ hẻm nghèo nàn. Thành phố Quế Lâm đã qui hoạch lại, xây dựng lại. Dọc theo đường phố, thỉnh thoảng bắt gặp một cầu thang đi xuống, khách bước xuống, lại lạc vào một khu mua sắm trong lòng đất. Quảng trường trung tâm thành phố rộng 51,400 mét vuông là nơi người dân tụ tập vui chơi vào mỗi buổi chiều và cuối tuần, cũng là địa chỉ nổi tiếng để mua sắm. Ngay dưới lòng quảng trường này là một Tiểu Hồng Kông với 12 cầu thang lên xuống, có hai lối lên xuống bằng thang cuốn. Từ phố bên kia cũng có hai lối lên xuống chui qua con đường 6 làn xe vào Tiểu Hồng Kông. Cũng như nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, nơi đây cấm xe gắn máy lưu thông trong nội thành. Người ta đi lại bằng xe buýt với giá 1 lần đi 1 yuan và xe đạp. Giờ đây lề đường rất rộng dành cho khách đi bộ dạo quanh các phố bán đầy quần áo, giày dép, máy móc, hàng nông thổ sản…
Tôi thích nhất là thành phố
rất nhiều cây cối và bông hoa, nhiều công viên và sông hồ, thời tiết lại mát mẻ
quanh năm. So sánh với VN tôi không biết nó giống thành phố nào, Hà Nội hay Ðà
Lạt? Có những con đường nhiều biệt thự xưa cũ và tàng cây râm mát của Hà Nội.
Có những công viên muôn hoa phô sắc và hồ nước êm đềm của Ðà Lạt. Nhưng chắc
một điều là đẹp hơn, sạch hơn hai thành phố nói trên.
TRỊNH HẢO TÂM
(Tháng Năm thời tiết nhiều
mây,
Mặt trời đi vắng cỏ cây cũng
buồn)
CAPTONS:
6048 Các thôn nữ sắc tộc từ
ruộng bậc thang đi xuống
6050 Ðiệu vũ gánh củi
6053 Màn vũ các sơn nữ gội
đầu bên bờ suối
6055 Ðoàn vũ sắc tộc thiểu số
ở Quế Lâm
6062 Nét thơ ngây duyên dáng
của các vũ công
6065 Cặp vợ chồng trẻ đang
kéo cày thay trâu
No comments:
Post a Comment