Pages

Powered By Blogger

Saturday, July 30, 2016


CHƯƠNG 14

CHÙA BẠCH MÃ Ở LẠC DƯƠNG

 







Chùa Bạch Mã tọa lạc cách thành phố Lạc Dương (Luoyang) 12 km (7 miles) về hướng Ðông được xây vào năm 68 dưới thời Ðông Hán là ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên ở Trung Hoa. Tục truyền rằng thời ấy có hai nhà sư Ấn Ðộ chuyên chở kinh Phật đến Lạc Dương trên những con ngựa trắng nên ngôi chùa hai nhà sư ấy trụ trì được đặt tên là chùa Bạch Mã.



Ngày 12-10-2005 khởi hành buổi sáng từ Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam sau khi viếng Thiếu Lâm Tự chúng tôi đến viếng chùa Bạch Mã. Xe len lỏi qua những xóm nhà xưa cũ và ngừng lại trong bãi đậu vắng vẻ, chúng tôi đi bộ qua những dãy phố cổ xưa mái ngói rêu phong người ta bày bán tượng Phật, nhang đèn, tranh ảnh, đồ kỷ niệm. Người bán mời chào bằng tiếng Phổ Thông vì nghĩ chúng tôi cũng là người Tàu. Trước cổng chùa là một sân rất rộng tráng xi măng có những hồ sen nuôi cá vàng. Tiết trời vào Thu hoa sen rơi rụng, lá sen úa tàn và đàn cá sắp vào giấc Ðông Miên nên cũng lừ đừ nằm yên một chỗ. Cổng tam quan chùa màu huyết dụ, mái ngói âm dương rêu phong cổ kính, hai bên có tượng hai con kỳ lân bằng đá hán bạch ngọc to lớn và một hàng chậu trồng cây thiên tuế.



Trong bảng giới thiệu di tích lịch sử chùa bằng Anh ngữ để trước cổng Tam Quan đại ý ghi như sau: Chùa Bạch Mã ở Lạc Dương là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung quốc và là thiền tu viện vang danh thế giới, được công nhận là nguồn gốc đạo Phật bởi tăng đoàn Phật giáo trong và ngoài nước. Chùa Bạch Mã được xây vào năm 68 sau Tây lịch trong triều đại Ðông Hán. Tục truyền rằng một đêm vào năm 64 Hán Minh Ðế (Mingdi) (58-75) nằm chiêm bao thấy một đại nhân mình bằng vàng chói lọi cao hơn một trượng sáu, từ trên đầu hào quang tỏa sáng khắp căn phòng ngài đứng.



Sáng hôm sau nhà vua kể lại những điều mình nằm mộng trong buổi họp triều đình xem coi có ý nghĩa gì? Thái sử Phó Nghị (Fu Yi) bốc chiêm tinh rồi tấu trình rằng nhà vua đã được Ðức Phật là thánh nhân giáng thế ở Tây phương báo mộng, Phó Nghị nhắc lại chuyện thời Chu Chiêu Dương thời tiết lạ lùng, trời đêm xuất hiện những tia sáng 5 màu xoay vần trên sao Thái Vi mà thưỏ ấy thái sử Tô Do đã phụng tấu rằng “Nhất định có thánh nhân giáng sinh tại Phương Tây nên mới xuất hiện điều cảm ứng tốt lành trên trời như vậy. Một ngàn năm sau, giáo Pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung thổ”. Nghe xong nhà vua bèn sai đoàn sứ giả 18 người cầm đầu bởi hai người là Cai Yin và Qin Jing lên đường sang Thiên Trúc (miền Trung Ấn Ðộ) để tâm cầu Phật pháp. Khi hai ông đến vùng đất A Phú Hãn bây giờ thì gặp hai nhà sư  Nhiếp Ma Ðằng (Kasyapamatanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaranya) người Ấn Ðộ đang tu thiền Phật giáo ở đây. Năm 67 hai vị sư người Ấn Ðộ cùng đoàn sứ giả chở kinh Phật bằng tiếng Sanskrit và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá trắng trên lưng con ngựa bạch trở về Lạc Dương . Nhà vua tiếp đãi và cho hai vị sư trú ngụ tạm trong nhà khách Hồng Lô Tự  (Honglu) trong lúc chờ xây một ngôi chùa mới để hai nhà sư có nơi dịch kinh và rao truyền Phật pháp và chùa được đặt tên là Chùa Bạch Mã để người ta nhớ lại con ngựa trắng đã chở kinh Phật. Từ đó chùa đã tồn tại và thay đổi nhiều lần vì hư cũ theo thời gian nhưng cũng trên cùng một miếng đất này. Chùa chúng ta thấy ngày nay là một khu đất hình chữ nhựt rộng 40,000 thước vuông với những kiến trúc miếu đền nhìn về hướng Nam được xây dựng trong đời nhà Minh (1368-1644).



Sau cổng Tam Quan là một vườn cây cảnh gồm tùng bách, bạch qủa và vườn hoa trồng thược dược (còn được gọi là mẫu đơn, peony) nhưng cuối Thu nên cây lá xác xơ héo tàn. Vườn quanh chùa khá u nhàn tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ thân già ngã nghiêng xiêu đổ được chống đở bằng những trụ bê tông. Trong một khoảng sân có tượng bạch mã làm bằng đá trắng, tượng có lẽ mới được tạc sau này. Chùa có 4 ngôi Phật điện và một đài các phía sau, tất cả các kiến trúc trong khuôn viên Chùa Bạch Mã đều xây trên trục chính theo hướng Bắc Nam. Ngôi điện đầu tiên sau cổng Tam Quan là Ðiện Thiên Vương (Hall of Heavenly King) bên trong có tượng 4 vị Thiên Vương. Hai bên Ðiện Thiên Vương có hai ngôi mộ xây bằng những khối đá đó là nơi yên nghỉ của hai vị đại tăng là Nhiếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan từ Thiên Trúc về Lạc Dương dịch kinh. Ngôi điện thứ nhì là điện Ðại Phật (Mahavira) bên trong thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngôi điện thứ ba là điện Ðại Hùng ở đó có tòa an vị tượng Phật Thế Tôn bên cạnh là tượng 18 vị La Hán. Ngôi điện sau cùng là Ðiện Tiếp Dân. Bên cách Ðông có những dãy nhà như vãng lai phòng, niệm Phật đường, nơi tăng sinh trú ngụ. Bên cánh Tây là thiền đường, phòng hoằng pháp và lưu trữ kinh kệ. Hậu viện là đài các Thanh Lương Ðài bên trong có lầu Tùng Lô là nơi chứa kinh, chính nơi đây hai nhà sư Nhiếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan ngàn năm trước đã dịch bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương từ tiếng Ấn Ðộ sang chữ Hán.



Chúng tôi viếng chùa trong cảnh trời chiều âm u nhiều mây xám, vắng bóng du khách với tính cách “cỡi ngựa xem hoa” vì không có nhiều thời giờ. Nhân viếng chùa Bạch Mã tôi xin đề cập sơ qua về cụm từ “cỡi ngựa xem hoa”. “Cỡi ngựa xem hoa” không chỉ để diễn tả trạng thái đi thăm viếng một nơi mà chỉ lướt qua hời hợt bên ngoài mà cụm từ ấy là một điển tích xuất phát từ nền văn học Trung Hoa. Số là ngày xưa có một anh chàng lùn đi hỏi vợ. Sợ vợ và nhà vợ chê không ưng nên anh chàng giấu sự thiếu thước tấc bằng cách mặc áo thụng và cỡi ngựa để đi coi mắt vợ. Bên đàng gái cô dâu cũng không khá gì hơn vì cô có khuôn mặt rổ do bịnh trái rạ từ nhỏ. Cô giấu khuôn mặt rổ bằng cách cầm bó hoa đứng sau rèm, che hoa lên mặt. Chàng lùn cỡi ngựa xem mặt cô dâu rổ trái rạ mà chỉ thấy bông hoa cho nên mới có thành ngữ “cỡi ngựa xem hoa”. Ý nghĩa nguyên thủy không phải là “xem qua hời hợt bên ngoài” mà là “bên tám lạng, người nửa cân” đàng trai, đàng gái, đôi bên cùng “ma giáo” như nhau và còn mang hàm ý  “nồi nào vun nấy”.



Nhiều từ ngữ khi phổ biến trong quần chúng bình dân đã thay đổi ngược hẳn ý nghĩa nguyên thủy của nó thí dụ như chữ “ma giáo” ngày nay được dùng như một tĩnh từ chỉ một việc làm có ý đồ mưu mẹo trong khi nguyên thủy có lẽ là xuất phát từ chữ Lạt Ma Giáo là tôn giáo lớn ở Tây Tạng?



Chúng tôi rời chùa lên xe để đi Lạc Dương mà xa xa tiếng pháo từng tràng nổ dòn tan, có lẽ một đám rước dâu hay một cửa hàng nào đó tưng bừng khai trương. Chúng tôi đến Lạc Dương khoảng 20 phút sau đó và “check-in” khách sạn Luoyang Peony được xếp hạng 3 sao. Luoyang Peony có nghĩa “mẫu đơn đất Lạc Dương” vì hoa mẫu đơn được chọn là loài hoa tiêu biểu đất Lạc Dương. Khách sạn này cũ và kém nhất trong 7 khách sạn của chuyến du lịch Trung Quốc này nhưng cũng đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, bữa ăn sáng cũng đủ các món có lẽ vì Lạc Dương là thành phố nhỏ chưa có khách sạn sang trọng.



THÀNH PHỐ LẠC DƯƠNG

Lạc Dương nằm về phiá Tây của tỉnh Hà Nam là điểm khởi đầu của “Con Ðường Tơ Lụa” đem lụa bán sang các nước Phương Tây như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Diện tích 15,208 cây số vuông (km2) với dân số 6.1 triệu người và vùng ngoại ô 1.38 triệu, đa số là người Hán tộc. Khí hậu gió mùa lục địa với nhiệt độ hàng năm trung bình 14.7 độ C. Mùa mưa vào tháng 6, 7 và 8 với vũ lượng trung bình hàng năm là 45.83 mm. Ðịa hình Lạc Dương là đồng bằng, núi đồi, có các sông Hoàng Hà (Yellow River), sông Lạc (Luohe), sông Di (Yihe), sông Li (Lihe) và Jianhe River. Lạc Dương là một trong 7 cố đô của Trung Hoa, đã từng là đế đô kéo dài trong thời gian 1,592 năm vào trước Tây lịch qua 13 triều đại vua chúa  trong đó đáng kể là các đời nhà Hạ (khoảng 2205-1766 BC), nhà Thương (hay Ân) (1766-1122 BC), Ðông Chu (1122-255 BC), nhà Tần (255-207 BC), Ðông Hán (208 BC-220 AC). Thời Tam Quốc (213-280) Lạc Dương là thủ đô của nhà Đông Hán mà Tào Tháo (nhà Ngụy) cố đánh để chiếm cho bằng được.

(Những niên đại được trích từ “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê).



ÐÊM LẠC DƯƠNG ÐI MASSAGE

Lạc Dương không có nghĩa là “dê đi lạc” (vì dê sống thành từng đàn không đi lạc được, chỉ có bò mới hay lạc) mà chắc có nghĩa là “lạc thú dương trần” nên mới gọi là Lạc Dương! Ðêm Lạc Dương là “đêm buồn tỉnh lẻ” nên sau khi cơm nước xong không biết đi đâu chơi, nhà truyền thanh quận Cam là Vũ Chung nhờ biết chút đỉnh tiếng Phổ Thông học bên Ðài Loan nên hỏi thăm biết chỗ đấm bóp truyền thống Trung Quốc rủ chúng tôi đi. Bốn người ngoài tôi và Vũ Chung còn có anh Phú (cựu sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, anh chị này đã từng đi chung với tôi trong Tour Du Lịch Thái Lan cuối năm 2003 cũng do AV Travel tổ chức) và Trung, chàng trai đất Bôn Sa, trẻ trung độc thân vui tính và nhất là có hiếu vì không dẫn bồ mà dẫn mẹ đi du lịch. Chúng tôi lên hai chiếc Taxi đến nơi Massage là một căn phố lầu. Nhân viên nam đồng phục đón tiếp và đưa tất cả vào một phòng trên lầu có 4 chiếc ghế bành bọc nhựa “simili” mà bật lưng dựa xuống trở thành một chiếc giường nhỏ. Mỗi người ngồi vào ghế, một lát sau có 4 cô gái mang mỗi người một thùng nhựa vào. Trong thùng nhựa đựng nước nóng với nhiều rễ lá cây khô có màu nâu đen như nước trà và xông lên thoang thoảng mùi thuốc Bắc. Trong lúc chúng tôi ngâm chân vào nước nóng thì các cô nói chuyện líu lo đi lấy trà nóng mang lên cho chúng tôi dùng. Ngâm chân độ 10 phút thì các cô lấy khăn lông lau khô và bắt đầu bóp bàn chân, sau đó bấm huyệt dưới lòng bàn chân. Bấm rất đau, tôi phải gồng người chịu đựng vì nghĩ rằng có đau mới...đã tật, mới đả thông được huyệt đạo bế tắc lâu ngày, giúp khoẻ khoắn sau một ngày dài đi viếng 2 cảnh chùa là Thiếu Lâm Tự và Bạch Mã Tự. Sau đó nằm xuống, các cô gái ngồi ghế thấp bóp ống quyển và đùi. Bóp khá mạnh tay, bóp tới đâu làm nóng lên vùng đó, chập chờn nửa tỉnh nửa mê, tận hưởng và đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Anh Phú nằm kế bên thì đã ngáy khò khò từng hồi cao thấp, bổng trầm. Ðang ngủ thì tôi giật người đau điếng vì bị bóp nhằm khớp xương đầu gối vốn bị phong thấp kinh niên và mấy ngày nay đi bộ quá nhiều nên càng đau, bây giờ lại bị bóp nhằm chỗ nhược! Nhưng tới phần lưng, vai và cánh tay thì thật sảng khoái. Trong lúc làm 4 cô nói chuyện với nhau cười khúc khích mà sau này anh Vũ Chung nghe được mới thuật lại trên xe buýt cho cả đoàn nghe. Một cô lanh nhứt tưởng rằng không ai trong bọn tôi hiểu tiếng Quan Thoại nên tự nhiên hỏi các cô kia: “Mấy thằng cha này không biết ở đâu tới ? Họ không phải là người Ðài Loan và nói tiếng nghe rất lạ, không biết người nước nào nhỉ?” Cô gái khi bắt đầu vén ống quần bóp chân cho Trung kêu lên: “Quái! Chân cha này như...giò heo không có lông lá gì hết!”, “Mà sao người nó trắng dễ sợ! Chắc bọn họ ở bên Mỹ?...” Vũ Chung nằm nghe hết nhưng không nói gì để cho các cô tự nhiên phê bình “hội luận”, một lát sau anh chàng mới lên tiếng. Các cô ré lên cười, mắc cở thụi nhau thình thịch.



Tôi mơ màng nhưng vẫn nghe các cô nói cười bổng bị vực ngồi dậy để bấm huyệt trên đầu và sau đó tỉnh hẳn để uống ly trà nóng mà cảm thấy người sảng khoái nhẹ nhàng. Chín mươi phút “foot massage” nhưng được làm khắp người mà chỉ trả có 50 yuan (6.25 US$) thật là rẻ! Tôi đề nghị các bạn khác cho tiền “tip” mỗi cô bằng nhau là 50 yuan nữa. Các cô gái nhận tiền, cám ơn và lộ vẽ vui vì “tip” như vậy là hậu rồi. Các cô gái người nào cũng ốm yếu nhưng làm việc rất tận lực, cũng đổ mồ hôi chứ không phải nhẹ nhàng gì. Có lẽ các cô từ nông thôn mới lên thành phố và đã học nghề đấm bóp truyền thống này, đi làm độ nhựt sau đó dần dà hy vọng sẽ tìm được việc làm khá hơn.



Trung Quốc thành phố nào cũng to lớn, dân đông mười mấy triệu người, Lạc Dương 6 triệu được xem là thành phố nhỏ, ít du khách nên giá sinh hoạt rẻ. Chín mươi phút “foot massage” ở Bắc Kinh hay những thành phố lớn khác thường trên 15 US$ và đắt nhất là Thượng Hải. Sau khi đi massage ở Lạc Dương có lẽ trở thành “ghiền” nên những đêm sau ở thành phố nào chúng tôi cũng đều rủ nhau đi massage mà người cầm đầu không ai rành bằng nhà truyền thanh Vũ Chung! Muốn biết thêm chi tiết xin cứ hỏi anh, còn tôi thì...ai dẫn đi đâu thì theo đó, không biết gì!





CAPTIONS:

5690 Tam quan chùa Bạch Mã ở cố đô Lạc Dương

5691 Tượng bạch mã chở kinh Phật từ Ấn Độ về Lạc Dương

5692 Thanh Lương Đài ở cuối sân chùa là nơi chứa kinh

5694 Vườn cây cổ thụ quanh chùa





CHƯƠNG 12

THĂM THIẾU LÂM TỰ Ở HÀ NAM (PHẦN 2)

 







Thiếu Lâm Tự  (Shaolin Temple) tọa lạc trên núi Tung Sơn tỉnh Hà Nam (Henan) miền Trung nước Trung Hoa là ngôi chùa cổ nổi tiếng về võ môn phái Thiếu Lâm. Chùa đuợc xây năm 496 dưới thời Bắc Ngụy để vinh danh nhà sư người Ấn Ðộ là Bạt Ðà và sau đó trở thành ngôi tổ tự của nhà sư Bồ Ðề Ðạt Ma là người sáng lập ra Phật Giáo Thiền Tông vì vậy ngôi chùa đuợc xem là một trong những chùa Phật Giáo đầu tiên ở Trung Hoa vốn trước đây theo Lão giáo. Núi Tung Sơn là một trong 5 ngọn núi linh thiêng của Trung Hoa, núi có hai đỉnh là Thái Thất Sơn cao nhất (1,440 mét) ở hướng Ðông và Thiếu Thất Sơn ở hướng Tây. Chùa nằm trong rừng Thiếu Thất Sơn nên có tên là Thiếu Lâm Tự.



Rời khỏi cửa hàng ngọc thạch ở làng dưới chân núi Tung Sơn, xe chúng tôi tiếp tục con đường lên Thiếu Lâm Tự. Dọc hai bên đường rất nhiều trường dạy võ Thiếu Lâm cho học sinh ăn ở nội trú tuổi từ 8 cho đến 18, chúng ở khắp các tỉnh được cha mẹ gởi gắm về đây ăn học. Chương trình học cũng giáo dục phổ thông từ tiểu đến trung học ngoài ra thêm phần võ thuật, kỹ luật chặt chẽ hơn các trường bên ngoài vì các võ sinh phải sống tập thể, được giáo dục để trở nên con người “trí óc minh mẫn trong một thể xác tráng kiện”. Chúng tôi tới một trường xây trên khu đồi cao phải bước lên vài chục bậc thang ở cổng trường xây theo kiểu Trung Hoa màu sắc xanh đỏ vẽ hoa văn rất đẹp với những dòng chữ Hán mà...tôi không hiểu họ nói cái gì? Trường ốc là những dãy buyn đinh nhà cao tầng, trước sân rộng hàng trăm võ sinh đồng phục màu xanh hoặc đỏ tùy theo lớp đang tập thể thao, đi đường quyền, múa roi, đao hay côn bằng những cây dài. Một nhóm vài chục em tuổi chừng 8, 9 tuổi đang luyện cho khớp xương chậu mềm dẻo bằng cách ngồi bệt xuống đất duỗi một chân ra thẳng đụng vào vách tường.



XEM BIỂU DIỄN KUNGFU



Chúng tôi ở ngoài sân trường trước ngôi nhà có dòng chữ  “Kungfu Exhibition Hall” (Phòng biểu diễn Kungfu) một lúc chờ cho màn biểu diễn võ thuật trước chấm dứt. Khách xem màn biểu diễn là những du khách người da trắng chắc là người Pháp vừa ra hết là chúng tôi vào hội trường có những hàng ghế cho khán giả ngồi và phiá trước là sân biểu diễn trải thảm, phong phiá sau là mặt tiền “Thiếu Lâm Tự “ màu huyết dụ giữa có một cổng hai cánh cửa mở ra khi các võ sinh bước ra sân biểu diễn. Hai bên là hai giá gỗ cắm các vũ khí mà môn phái Thiếu Lâm luyện tập.



Trong nền nhạc võ truyền thống Trung  Hoa vang dội có khi được xen kẻ bởi những nhịp điệu nhanh và sôi động tạo ấn tượng cho người xem và thuyết minh bằng tiếng Anh tất cả đã được thâu sẳn, màn trình diễn võ thuật bắt đầu. Chương trình biểu diễn được chia làm nhiều phần: quyền cước, khí công và binh khí. Về quyền cước các võ sinh trong áo cà sa vàng cam dài tới gối để lộ một bên vai, thắt lưng đen, quần túm ống bằng xà cạp, mang hài trắng biểu diễn nhiều bài quyền ngoạn mục như hầu quyền (giả điệu bộ con khỉ), xà quyền (nằm di chuyển uốn lượn như rắn bò), hổ quyền, báo quyền...Về khí công, dùng thanh gỗ đánh vào ngực, gỗ gãy ngang. Một võ sinh đưa cho chúng tôi xem một thanh sắt bề ngang chừng 2 inches, dầy lối nửa inches và dùng thanh sắt này đập mạnh vào đầu một võ sinh khác trông rất rùng rợn nhưng người bị đập vẫn tỉnh bơ. Môn khí công này được gọi là “thiết đầu công”. Bốn người dùng 4 cây giáo nhọn nhấc bổng một võ sinh nằm ngang đưa lên cao khỏi đầu, khi xong võ sinh đứng xuống mà trên người không một vết trầy. Dùng một cái tô úp trước bụng võ sinh luyện nội công để cái tô dính chặt vào bụng, năm người trong đoàn tôi cùng nhau nắm eo ếch như con rắn cố kéo cái tô ra, đã không tài nào kéo được mà còn vuột tay té nhào! Về binh khí các võ sinh biểu diễn côn, kiếm, đao và roi, quất mạnh roi xuống tấm thảm trải sàn kêu bốp bốp như tiếng pháo nổ. Có biểu diễn vũ khí của Lý Tiểu Long là hai khúc côn được nối nhau bằng sợi dây xích sắt. Về uốn dẻo các võ sinh đứng dạng chân ra, đưa đầu ngược và ngẫng lên từ... háng. Có một em 8 tuổi hai tay chấp lại đứng một chân, chân kia đưa thẳng lên đầu tới... lỗ tai và cu cậu đứng trong tư thế đó hàng chục phút cho mọi người trong đoàn đứng bên cạnh chụp hình! Mặc dù ai chụp hình cũng “bồi dưỡng” nhét tiền vào túi cậu nhưng một hồi để ý thấy mặt cu cậu nhăn nhăn mới biết đã mỏi và ngưng chụp để cậu ta nghỉ!



Giống như các gánh sơn đông ở các chợ VN ngày trước, sau màn biểu diễn võ thuật là đến phần bán thuốc thoa bóp trị đau nhức. Cô Simone Nga cho biết nhiều người đi các chuyến đi trước đã mua thuốc này và cho rằng rất hiệu nghiệm nên đã gởi nhờ cô mua thêm. Các võ sinh còn bán DVD quay các màn biểu diễn võ Thiếu Lâm.



Rời trường biểu diễn võ chúng tôi lên xe trở lại cửa hàng ngọc thạch để ăn trưa. Hướng dẫn viên trẻ tuổi họ Di cho biết “tửu lầu” này nấu rất ngon và cũng là duy nhất trong làng võ thuật này nên không có quyền lựa chọn! Chúng tôi ăn cũng tạm được, ngoài đoàn chúng tôi ra còn có một đoàn khác người Pháp cao niên, họ cao ốm không nặng cân như người Mỹ, thấy sử dụng đũa gắp thức ăn một cách nhuần nhuyễn! Ăn xong trong lúc chờ các bà mua cẩm thạch, một ông VN trong đoàn người Pháp đến nói chuyện hỏi thăm về khu VN ở Bolsa. Ông cho biết sang Pháp du học từ nhỏ thưở thập niên những năm 1960 và biết những nhân vật du học bên Pháp như Lý Chánh Trung, Lý Chánh Ðức, Trương Bữu Ðiện và ông Phạm Biển Thước là một độc giả cao niên của tôi ở Santa Ana.



VÀO THIẾU LÂM TỰ



Chúng tôi lên xe để vào ngôi chùa Thiếu Lâm Tự, trên đường đi gặp rất nhiều đoàn võ sinh đi bộ để ra bãi tập, các em vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Ngang qua những bãi tập là những khoảng sân rộng tráng nhựa, mỗi đoàn hàng trăm em ngồi trên ghế nhựa thấp theo dõi những bài giảng của huấn luyện viên giống như cảnh quân trường ở VN ngày trước. Hướng dẫn viên họ Di cho biết đã tới Thiếu Lâm Tự và xe đi vào bãi đậu. Nhìn quanh chẳng thấy ngôi chùa cổ ở đâu? Trước khi đến qua các sách vở tôi mường tượng cảnh chùa mái ngói cong phủ rêu xanh nằm trong rừng tùng bách cổ thụ dưới chân núi. Nhưng ở đây chỉ là một công viên có bồn hoa, bãi cỏ, tượng các võ sinh đang múa võ và những ngôi nhà mái cong, cột tròn màu huyết dụ kiểu Tàu nhưng tất cả đều mới xây và người ta bày hàng bán trong các cửa tiệm đó như quần áo, đồ thêu, tranh vẽ, đồ kỷ niệm v.v... như một khu du lịch. Chúng tôi xuống xe theo hướng dẫn viên đi bộ qua khu công viên để tới bãi đậu của những chiếc xe điện shuttle, xe này sẽ đưa chúng tôi vào chùa cách đây khoảng 4 km. Có lẽ chính quyền muốn giữ cảnh chùa thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi khói xe và tiếng động nên xây trạm trung chuyển du khách nơi đây vừa bán hàng, đồ ăn thức uống và điều hành một đội xe điện đưa du khách ra vào chùa.



Chúng tôi chia làm 3 toán nhỏ lên 3 xe và xe chạy trên con lộ nhỏ tráng nhựa băng qua những khu đất trống cỏ tranh lau sậy chen với những cây tùng cypress, tre vàng và vài loại cây khác người ta đang trồng. Tới lúc xe men theo một bờ suối có dòng nước chảy qua những tảng đá là đã gần tới chùa. Trước sân chùa là những cây tùng bách cypress cổ thụ cao lớn như những cây thông, loại cây này người ta gọi là “thiết mộc” làm vũ khí như côn, cán đao rất chắc và không bao giờ mục.



Về lịch sử ngôi chùa theo nhiều tài liệu ghi chép vào năm 464 nhà sư Bạt Ðà một vị tăng người Ấn Ðộ đầu tiên đến Trung Hoa truyền bá Phật Pháp. Năm 496 thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Nguyên (có nơi ghi là Hiếu Văn) (471-499) chỉ thị xây cất ngôi chùa Thiếu Lâm Tự cho ngài Bạt Ðà có nơi truyền đạo. Theo truyền thuyết nhà sư có hai đệ tử là Tuệ Quang và Tăng Trù đều biết võ thuật. Về sau đến đời hoàng đế Tuyên Võ (499-515) một thầy tu khác cũng người Ấn Ðộ là Bồ Ðề Ðạt Ma năm 520 đến Trung Hoa, sau một thời gian du hành, ngài lưu lại, chỉnh đốn ngôi cổ tự Thiếu Lâm trở thành một tổ tự danh trấn giang hồ về Thiền Tông và võ học.

Nhờ vào địa thế rộng rãi, bằng phẳng của đỉnh núi Thiếu Thất, cũng như qua nhiều triều đại từ Ngụy lần đến Tùy, Ðường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh các vị sư trưởng Thiếu Lâm luôn luôn cải cách và xây dựng thêm. Từ đó chùa Thiếu Lâm đã trở nên một ngôi chùa cổ tích danh tiếng lớn nhất trong 15 thế kỷ lịch sử Trung Hoa. Ngôi chùa trải qua những biến cố thăng trầm có lúc được nhà vua ưu đãi vì có công giúp vua khi chưa nắm được ngôi báu, có khi nhà chùa hổ trợ những tiểu vương chống lại triều đình bị xem là giặc và bị đốt phá triệt hạ nhưng tựu chung Thiếu Lâm Tự là lò đào tạo những bậc anh tài võ nghệ cao cường nên Trung Hoa có câu thành ngữ “Tất cả công phu trong thiên hạ đều phát xuất từ chùa Thiếu Lâm”
 

Thiếu Lâm Tự chiếm một diện tích đất rộng trên đỉnh núi Thiếu Thất, dãy Tung Sơn. Tính từ tòa nhà Tam Quan ở phía Nam dọc về hướng Bắc đến dãy nhà sau cùng lớn nhất, Ðại Hùng Bảo Ðiện, dài hơn 800 mét có tất cả bảy dãy nhà chính là: 1-Tam Quan, 2-Thiên Hoàng Cung, 3- Bảo Chánh Ðiện, 4-Tàng Kinh Các, 5-Thiền Phòng, 6-Ðạt Ma Ðường và 7-Ðại Hùng Bảo Ðiện.
Trừ tòa nhà Tam Quan ra, mỗi dãy nhà chính đều có một tòa nhà lớn (chánh) và nhiều nhà nhỏ (phụ) riêng biệt. Mặt trước cửa Tam Quan nhìn về hướng Nam có một con đường rộng lớn, nằm ngang chạy dài từ Ðông sang Tây. Bên cạnh con đường này là một dòng suối chảy vòng quanh bên chùa.



Tòa nhà Tam Quan nguyên thuỷ được xây cất bằng đá núi. Trên tầng lầu thứ nhất có treo một đại hồng chung rất lớn, cao 12 mét, nặng ba ngàn (3,000) cân, bằng đồng pha vàng. Sức nặng của chuông được treo lên bởi một cột trục xà ngang bằng cây Thiết Mộc, lớn hơn hai tay ôm. Ðến năm 1735 đời nhà Thanh, tòa nhà Tam Quan không còn như trước, được xây cất lại với tường gạch, mái ngói cong, có ba cửa lớn ra vào. Cửa chính giữa rộng lớn nhất, so với hai cửa trái phải. Phía trên cửa chính giữa treo một bảng to lớn, sơn son thếp vàng với ba chữ "Thiếu Lâm Tự" do bút tự của vua Khang Hy đời nhà Thanh. Bước vào cửa chính giữa của Tam Quan, một pho tượng to lớn của ngài Di Lặc đang tươi cười chào đón, dọc lên hướng Bắc dẫn đến Thiên Hoàng Cung thuộc dãy nhà thứ nhì là con đường chính giữa rộng lớn lát gạch. Hai bên trái phải có hai con đường nhỏ, được ngăn cách với con đường giữa bởi hai sân cỏ xanh tươi, phảng phất bóng mát của hàng cây bạch qủa điểm thêm rừng bia đá thẳng đứng uy nghiêm lưu lại văn tự được khắc bởi các danh tài qua nhiều đờ Ðường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh.

Theo kiến trúc nguyên thủy, Thiên Hoàng Cung, Bảo Chánh Ðiện và Tàng Kinh Các, mỗi dãy đều có hai khu nhà ở hai bên cánh Ðông và Tây. Bên cánh Ðông, có các tòa nhà Tháp Chuông, nhà Vọng Lâu (để canh gác) và nhà Tiếp Tân Ðông. Bên cánh Tây có nhà Tháp Trống, Tổ Sư Ðường và nhà Tiếp Tân Tây. Tất cả ba dãy này đều bị thiêu hủy trong cuộc thánh chiến vào năm 1928. Dấu tích còn lại chỉ là những nền nhà và những tường gạch đá sụp đổ hoang tàn. Ngoài ra, bên cánh Ðông khu Thiên Hoàng Cung các di tích chỉ còn một pho tượng Phật cao lớn bằng sắt và một chiếc chuông to lớn bằng hợp kim bị rạn nứt, chuông này nặng độ 5,500 kí lô được đúc vào thời nhà Nguyên (1115 - 1234).

Khu Thiền Phòng thuộc dãy thứ năm gồm nhiều phòng riêng biệt, nơi cư ngụ của các tăng sĩ cũng như các thượng khách lưu lại thăm chùa. Trên tường cánh Ðông được gắn một bia đá lớn với chữ khắc: "Ðền Diện Bích", kế bên phải là chân dung ngài Huệ Khã, tổ sư Thiền Tông thứ ha sau Bồ Ðề Ðạt Ma với nét khắc điêu luyện, giá trị nghệ thuật của một danh tài thời Nam Tống.

Dãy thứ sáu là Ðạt Ma Ðường gồm có ba phòng lớn, kiến trúc bằng gạch và gỗ vào đời nhà Thanh. Phòng chính giữa là nơi thờ phượng Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma với một pho tượng đứng cao lớn, uy nghiêm của ngài. Sau cùng, dãy nhà thứ bảy là Ðại Hùng Bảo Ðiện (hay Chư Phật Ðại Ðiện) rộng lớn và đồ sộ nhất được nằm trên một đại thế cao ráo nhất. Dãy nhà này được xây cất vào năm 1588 triều đại nhà Minh về sau được vua Càn Long nhà Thanh chỉ thị tu bổ vào năm 1736.



Phía bên trái Tam Quan, dọc về hướng Tây Bắc có một con đường nhỏ dài khoảng một ngàn thước dẫn đến một rừng bảo tháp bằng gạch đá nhiều tầng cao thấp, lớn nhỏ với những khối hình trụ khác nhau: vuông, chữ nhật, tròn, tứ giác, lục giác và bát giác. Tất cả có khoảng hai trăm ba chục (230) bảo tháp. Ngọn cao nhất 15 thước, thấp nhất là 2 thước là những mộ phần, chứa tro tàn sau khi hỏa táng thân xác các vị cao tăng danh tiếng, từ thời nhà Ðường cho đến các triều đại về sau và khi chúng tôi đến có tháp mới xây cách đây vài năm. Tháp cổ nhất có lẽ cùng tuổi với chùa nghĩa là xây cách nay hơn 1,500 năm đã lún muốn sụp, người ta phải dùng cây chống đở. Cổng chính của khu rừng bảo tháp được đánh dấu bởi hai tòa bảo tháp tứ giác cao lớn, thờ pho tượng cao lớn của Ðức Phật Thích Ca trong tháp bên trái và tượng của ngài Di Lặc trong tháp bên phải.


Hiện tại chùa là di sản văn hóa, một bảo tàng về tôn giáo không còn nuôi dạy môn sinh học võ nữa nên quang cảnh rất êm đềm thanh tịnh. Dạy võ là những trường ở làng bên ngoài, có lúc lên đến 46 trường với hơn 40,000 học sinh nên chính quyền phải đặt ra những luật lệ để bảo đảm chương trình giáo dục. Trong lúc chờ ở sân trước Tam Quan có nhiều cây tùng bách Cypress cổ thụ thấy sân đất không tráng xi măng nhưng rất sạch vì có nhiều vị cao niên vừa đàn ông lẫn đàn bà mặc đồng phục màu lam vừa quét vừa hốt rác. Có ông du khách Trung Quốc đến dúi tiền cho nhưng ông lão quét sân nhất định khoát tay chối từ và có vẽ thẹn thùng. Trong chùa có nhà vệ sinh nhưng không đáp ứng được số đông du khách và vì cũ kỹ không sạch sẽ nên phiá bên kia đường ngang cổng Tam Quan có một dãy nhà vệ sinh tiền chế, di động được tăng cường. Các nhà vệ sinh này cũng như bên Mỹ làm bằng nhựa có màu xanh. Các nhà cầu có hình đàn ông thì đã có người nên tôi mở cửa cái vừa hình đàn ông vừa có hình đàn bà, cầu này là ai sử dụng cũng được. Vừa mở cửa ra thì gặp...một mông trắng hếu và tiếng đàn bà la oai oái! Thì ra bà ta không biết gài chốt cửa vì cầu quá mới mẻ cho người dân Trung Quốc cho nên mới có sự ...cố như vừa kể! Tôi chỉ còn biết nói tiếng “Sorry!” và quay đầu về ngọn Thiếu Lâm là núi thiếu...rừng!


CHƯƠNG 12

THĂM THIẾU LÂM TỰ Ở HÀ NAM








Tỉnh Hà Nam (Henan) như tên đã gọi nằm về phiá Nam của con sông Hoàng Hà có thủ phủ là thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) và hai thành phố từng là đế đô của Trung Quốc là Lạc Dương (Luoyang) và Khai Phong (Kaifeng). Ðây là cái nôi của dân tộc Hán, là vùng đất cổ xưa khai sinh đất nước Trung Quốc nên Hà Nam có nhiều đền chùa di tích của Phật giáo từ Ấn Ðộ truyền sang như Thiếu Lâm Tự  (Shaolin Temple) tọa lạc trên núi Tung Sơn (Songshan) là ngôi chùa cổ nổi tiếng về võ môn phái Thiếu Lâm, chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc, Long Môn Ðộng với hàng trăm ngàn tượng Phật tạc trên vách núi và đặc biệt là mộ chôn Quan Công Vân Trường trong đời Tam Quốc.



Ðêm 11-10-2005 đoàn du lịch chúng tôi từ Bắc Kinh bay xuống Trịnh Châu (Zhengzhou) thủ phủ tỉnh Hà Nam bằng Boeing 737 của hãng máy bay nội địa China Southern Airlines. Sau khi máy bay hạ cánh một cách không an toàn đụng phi đạo một cái “Rầm” (có người nói do viên phi công phụ lái), chúng tôi lấy hành lý và lên xe buýt để về thành phố Trịnh Châu. Nhà ga phi trường Trịnh Châu cũng mới xây, nhỏ hơn phi trường John Wayne ở Santa Ana một chút và đã 8 giờ tối nên cũng vắng hành khách. Từ phi trường về thành phố khoảng 20 km đi về hướng Bắc, xa lộ mỗi chiều 2 làn xe theo hướng dẫn viên du lịch địa phương là một anh chàng trẻ tuổi người cao tóc hớt ngắn họ Di cho biết xa lộ mới hoàn thành cách nay mới mấy tháng. Lạ một điều là vùng này thắp đèn rất dữ dội, dọc theo xa lộ vừa đèn đường áp suất trên cột cao, dọc theo lan can đường cũng thắp bóng đèn màu như bên Mỹ treo đèn mừng lễ Giáng Sinh vậy! Nhất là những nơi xa lộ giao nhau gọi là “cầu vượt” đèn xanh đèn đỏ từng hàng gắn vĩnh viễn khắp nơi mà xe lưu thông thì chỉ vài chiếc. Tôi hỏi anh chàng hướng dẫn viên chứ vùng này thủy điện dư dã lắm sao mà đốt đèn nhiều vậy? Anh ta nói thủy điện thì không có nhưng mỏ than đá rất nhiều. Trong thời điểm hiện nay giá năng lượng tăng cao nhất là xăng dầu nên họ khai thác hầm mỏ than đá ngày đêm nên đã xảy ra nhiều tai nạn sụp hầm gây chết chóc cho nhiều thợ mỏ.Vùng gần phi trường không thấy nhà cửa chỉ là đồng trống, đêm tối không thấy họ canh tác hay khai thác gì nhưng khi gần tới Trịnh Châu thì bắt đầu có những nhà cao tầng không cao lắm như ở Bắc Kinh, chỉ chừng 5, 7 tầng cho dân chúng cư ngụ. Trên nóc những cao ốc này lại cũng giăng đèn màu suốt cả con đường như  khu phố cũ ở Las Vegas!



Trung tâm thành phố Trịnh Châu nhà cao tầng nhiều hơn nữa, thường những tầng trên cao là văn phòng hay các căn hộ dân cư nhưng tầng dưới ngay mặt đường là những cửa hàng chiếm vài căn phố hay tiệm buôn chiếm một căn ban đêm đốt đèn néon sáng choang. Có những kiến trúc to lớn hoành tráng lại xây theo kiểu cổ La Mã với những cột tròn to, tượng đá người, ngựa, vòi phun nước vì đề chữ Hoa nên không biết là cơ quan gì? Những khách sạn quốc tế Âu Mỹ cũng có mặt ở đây nhưng có bảng đèn màu tiếng Anh nên dễ nhận biết và khách sạn chúng tôi cư ngụ một đêm ở Trịnh Châu là Sofitel Zhengzhou cũng to lớn mười mấy tầng phía mặt tiền đèn màu như khách sạn ở Las Vegas. Xe chúng tôi chạy ngang qua khách sạn nhưng không vào mà đi ăn tối trước rồi khi trở về mới lấy phòng. Nhà hàng ăn cũng ở trong một khách sạn khác gần đó nhưng không có chỗ đậu cho xe buýt nên xe phải đậu bên kia một ngã tư xe cộ giao thông đông đúc. Ông Lương Kiện và hướng dẫn viên địa phương phải rất cẩn thận cầm cờ cao lên đưa đoàn du lịch chúng tôi từ từ băng qua 2 con đường. Nhà hàng trên lầu cao và thức ăn cũng rất thịnh soạn nhiều dầu mỡ trong đó có bắp luộc và rau đậu trồng tại địa phương. Trở về khách sạn chúng tôi lấy phòng, tắm rửa cho sạch bụi phong trần sau một ngày viếng quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành rồi Cung Ðiện Mùa Hạ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh và đêm nay lại ngủ ở Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam cách Bắc Kinh 360 miles (680 km).



VÀI NÉT VỀ TỈNH HÀ NAM

Hà Nam nằm về phiá Nam tỉnh Hà Bắc (Hebei) là tỉnh có thủ đô Bắc Kinh tọa lạc, là một vùng có độ cao lối 100 mét so với mực biển nằm trong nội địa. Như tên đã gọi Hà Nam có nghĩa là “phiá Nam của con sông”, tỉnh có con sông Hoàng Hà chảy ngang qua và đổ ra biển ở tỉnh Sơn Ðông (Shandong). Hà Nam có một chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm vì có hai cố đô là Lạc Dương (Luoyang) và Khai Phong (Kaifeng). Lạc Dương là kinh đô bắt đầu thời Ðông Chu (770 đến 221 trước Dương Lịch) kéo dài cho đến 7 triều đại. Khai Phong là kinh đô đời Bắc Tống từ năm 960 cho đến năm 1127. Tỉnh Hà Nam rộng 160,000 km vuông (khoảng 62,000 dặm vuông), dân số gần 100 triệu người là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc gồm người Hán, Hui, Mãn Châu và Mông Cổ. Khí hậu nóng và ẩm, mùa Ðông và Xuân khí hậu khô và có gió, mùa Hè nóng và mưa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 12.8 độ C ở miền Bắc và 15.5 độ C ở miền Nam. Về khoáng sản Hà Nam có nhiều mỏ than đá hiện giao cho quân đội khai thác, ngoài ra còn có mỏ nhôm, cẩm thạch và thủy tinh (hòm của Mao Trạch Ðông ở Quảng Trường Thiên An Môn cũng được làm bằng thủy tinh Hà Nam). Nông nghiệp Hà Nam sản xuất lúa mì, bắp, bông vải, thuốc lá và đặc sản có cá lý ngư (carp) sông Hoàng Hà, dưa hấu Trịnh Châu, chà là Xinzheng, trái hồng.



Trịnh Châu là thủ phủ tỉnh Hà Nam, thành phố rộng 7,446 cây số vuông, dân số 6 triệu và vùng ngoại ô 2 triệu. Trịnh Châu là giao điểm của hai thiết lộ quan trọng là tuyến Bắc Kinh đi Quãng Châu và tuyến đường sắt Long Hải chạy từ Ðông sang Tây. Sở dĩ chúng tôi đến Trịnh Châu là vì Trịnh Châu là thủ phủ có phi trường thương mại chứ thực ra Thiếu Lâm Tự cũng như Long Môn Ðộng và chùa Bạch Mã, mộ Quan Công đều nằm gần thành phố Lạc Dương. Ðối với người có máu du lịch như tôi càng đi nhiều thành phố càng thích vì biết được nhiều địa phương khác nhau, khám phá nhiều điều mới lạ để chia sẻ với độc giả ham thích du lịch như tôi.



Sáng ngày 12-10-2005 trời nhiều mây, tin thời tiết trên truyền hình cho biết sẽ có mưa trong vài ngày sắp tới. Trong lúc ăn sáng Buffet trong khách sạn cách vài bàn có hai người trung niên nói tiếng VN. Nhìn cách ăn mặc với áo veste, giày da biết là người trong nước sang giao dịch thương mại gì đó. Thức ăn cũng như ở Bắc Kinh nghĩa là cũng có hai thứ là Tây Phương và Á Ðông nhưng có thêm bắp luộc, dưa hấu và trái thanh long. Chúng tôi ra xe lên đường, hành lý chỉ cần để ngoài cửa phòng là có nhân viên khách sạn mang ra xe.



Trịnh Châu có 6 triệu dân nên cũng khá lớn, cỡ thành phố Sài Gòn nhưng đường xá rộng rãi, dinh thự nhiều và cao ốc cũng cao hơn. Nhiều con đường lớn mỗi bên 2 làn xe hơi và một làn xe đạp, trồng dọc theo đường là những hàng cây phong loại lá lớn không đổi màu vàng và đỏ vào mùa Thu. Tiếng Anh là cây Maple có nhiều ở xứ lạnh và nước Canada lấy chiếc lá cây này làm quốc kỳ nhưng ông Trương Kiện lại gọi là cây...ngô đồng chứ không gọi là cây phong như trong truyện Kiều “Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san!” Những cây phong ở đây không cho mọc thẳng lên mà lại cắt ngang thân cây khi nó cao chừng 3 mét nên thân chẻ làm hai nhánh khiến cây có tàng lá rộng ra um tùm. Từ xa nhìn hàng cây cùng hình dáng “hàng cây thấp nến lên hai hàng” cũng lạ mắt.



Rời thành phố xe vào xa lộ, xa lộ tráng bằng xi măng có vẻ mới làm nên các lằn vạch kẻ còn màu sơn mới sáng trắng. Con lươn ngăn đôi giữa xa lộ lại trồng cây cao lên chừng 2 mét rồi lại cắt ngang cho đều để che ánh đèn chói mắt và ngăn cho xe không lạc tay lái đâm qua. Trồng cây thì phải tưới nước hàng tuần tốn công và tốn tiền nhưng có màu cây xanh mát mắt trong khi bên California tiết kiệm hơn thì đúc tường xi măng ngăn đôi xa lộ. Khi phải xẻ đồi cho xa lộ vượt qua, hai bên triền dốc tránh đất lở khi trời mưa, ở đây người ta phun xi măng và vẽ phong cảnh bằng sơn màu lên triền dốc đó, thật nhiều công lao hơn!



Xe chúng tôi đi về hướng Tây Nam độ 40 cây số tới vùng đồi núi thoai thoải đất vàng đỏ, cây cối thấp lưa thưa và ít nhà cửa xóm làng. Thỉnh thoảng một căn nhà gạch lợp ngói xưa cũ nằm chơ vơ giữa vùng đất trống cỏ khô có vài con bò vàng ốm gặm cỏ và cạnh nhà là một khoảng rau xanh, vài cây hồng trái đỏ và một ruộng bắp đã thu hoạch. Nhiều nhà phơi đầy bắp trái trên mái nhà trông thật tiêu đìu, quạnh quẽ. Tôi nghĩ vùng này chắc suốt đời chỉ ăn...bắp mà thôi. Không thấy hàng quán xe cộ, không thấy những cột ăng ten truyền hình và thanh niên thiếu nữ chắc bỏ ra thành phố hết.



Xe chạy thêm 20 cây số nữa và càng đi càng leo dốc, đã thấy ngọn núi Tung Sơn trước mặt, khung cảnh bớt khô cằn hơn có lẽ vào vùng thung lũng có mây mù đụng núi nên cây cối xanh tươi và hai bên người ta trồng rau đậu gì đó. Ngọn Tung Sơn cao 1,440 mét so với mực biển nhưng ở vùng cao nguyên này nó không cao hơn mặt đất ở đây bao nhiêu nên không thấy cao lắm. Tung Sơn là ngọn núi trên đỉnh rất đẹp với những cổ thụ tùng bách thân khúc khuỷu mọc cheo leo trên những ghềnh đá mà ta thường thấy trong những tranh thủy mạc (mạc có nghĩa là mực, tranh thủy mạc là tranh được vẽ bằng mực nước). Xe đi ngang một làng nhỏ, đường xá rộng rãi nhưng vắng người và xe cộ. Làng này chuyên phục vụ cho những trường dạy võ thuật Thiếu Lâm, các trường này rất to lớn như những quân trường, có sân vận động, nhà ăn, nhà giải trí nằm dọc hai bên con đường chính từ làng đi vào Thiếu Lâm Tự. Làng có dân số 30 ngàn người nhưng số võ sinh nội trú ở các trường là 40 ngàn em từ các nơi được cha mẹ gởi về đây học vừa học văn hóa, đức dục vừa học võ rèn luyện cơ thể đúng như câu: “Một trí óc minh mẫn trong một thể xác lành mạnh”. Văn minh tân tiến thì đạo đức suy đồi nên phụ huynh gởi con em về đây học đông đảo để các em khỏi sa vào con đường ma túy nghiện ngập. Ngồi trên xe thấy các em tuổi từ 8, 9 đến 18 đồng phục tùy theo trường, đi từng đoàn hàng trăm em để ra bãi tập, mỗi em mang theo một chiếc ghế nhựa vừa đi vừa cười giỡn vui vẻ. Qua những bãi tập, các em ngồi theo hàng ngay ngắn như những đại đội tân binh quân dịch ở quân trường Quang Trung ngày trước.Vì đã ngồi xe gần hai tiếng đồng hồ nên xe buýt ngừng lại ở một cửa hàng cẩm thạch bên tay trái con đường để giải lao, đi vệ sinh và ai muốn mua cẩm thạch thì mua. Cửa hàng có hai tầng lầu rất lớn như một khách sạn tỉnh lẻ, ngoài cẩm thạch còn bán quần áo, đồ thêu, lụa là, tranh thêu, qùa kỷ niệm và là một nhà hàng phục vụ cho các đoàn du lịch vì trưa nay sau khi xem biểu diễn võ thuật Thiếu Lâm ở một võ đường chúng tôi sẽ trở lại đây ăn trưa trước khi vào viếng cảnh Thiếu Lâm Tự.



Vừa vào tới bên trong cửa hàng là một cô tiếp thị tập trung chúng tôi lại để giới thiệu cẩm thạch. Cô nói ngọc thạch tỉnh Hà Nam tốt nhất nước Trung Hoa rất nổi tiếng trên thế giới, bán qua Thượng Hải, Hồng Kông. Các bà đã có kinh nghiệm về giá cả sau khi mua hớ ở gần Lăng Mộ Nhà Minh Bắc Kinh nên biết cách trả giá và trầm trồ khen cẩm thạch ở đây đẹp và giá lại rẻ hơn Bắc Kinh. Trong khi các bà săm soi ngắm nghía chọn lựa, trao đổi lời bàn...Mao Tôn Cương thì bọn đàn ông chúng tôi ngồi uống trà và uống cà phê Trung Quốc loại trong gói instant nhạt thếch mà nhớ cà phê Bolsa đậm đà hương vị Cali, nhớ quán cà phê Factory, Lilly, Gala, Croissant lao xao mỗi sáng cuối tuần. Tức cảnh sinh tình vội vàng móc bút đề mấy câu Ðường thi:



Chim về tổ ấm ngọn Tung San

Nhìn núi nhìn mây đất Hà Nam

Chợt nhớ núi non miền... Dĩ Vãng

Nhớ tô phở nóng đất Quận Cam!





CHƯƠNG 11

RỜI BẮC KINH ĐI HÀ NAM







Sau khi thăm viếng Cung Ðiện Mùa Hạ hay còn được gọi là Di Hòa Viên (có nghĩa là di dưỡng, song hòa), chúng tôi trở lại xe buýt và vào xa lộ để ra phi trường Bắc Kinh cách đây lối 40 km về hướng Ðông Bắc đáp máy bay đi Trịnh Châu (Zhengzhou) là thủ phủ tỉnh Hà Nam (Henan). Nhà ga hàng không của đường bay nội địa chúng tôi vào cách nay 4 năm là nhà ga của đường bay quốc tế, nay Bắc Kinh đã có nhà ga quốc tế mới nên nhà ga cũ được tu sửa trở thành nhà ga nội địa. Mặc dù phục vụ hành khách những chuyến bay nội địa nhưng nhà ga rất lớn và mới mẻ hơn nhiều nhà ga phi trường ở thành phố lớn bên Mỹ.



Trong vòng chỉ vài năm trở lại đây Trung Quốc lo phát triển hạ tầng cơ sở nhất là về giao thông: xa lộ xây khắp mọi nơi, phá nhà, giải tỏa, đền bù, xây dựng phi trường và mua thêm máy bay từ hai hãng Boeing của Mỹ và Air Bus của Pháp. Trung Quốc đã ký Memorandum với hãng Boeing để đặt mua 50 phản lực tối tân 787 Dreamliner trị giá 6 tỉ đô la và chiếc đầu tiên sẽ được giao trước tháng 6 năm 2008 nghĩa là trước ngày Bắc Kinh khai mạc Thế Vận Hội. Trong năm 2005 vừa qua hãng Boeing kết thúc một năm huy hoàng với số máy bay được đặt mua là 1,002 chiếc vượt qua kỷ lục năm 1988 là 877 chiếc. Trong đó có 68 chiếc gồm 737, 777 và 787 bán cho Air India của Ấn Ðộ và những hãng hàng không địa phương của Trung Quốc đã đặt mua loại máy bay 737 gồm China Southern Airlines 20 chiếc, Xiamen Airlines 10 chiếc, Hainan Airlines 6 chiếc, Shanghai Airlines 5 chiếc, Shenzhen Airlines 5 chiếc và China Eastern Airlines 4 chiếc. Vietnam Airlines trong năm 2006 này chỉ được Boeing giao cho một chiếc 737 để bay tạm vì Boeing bận hai khách hàng là Trung Quốc và Ấn Ðộ là hai nhà giàu mới phất lên nhờ sáng chế “phần mềm” vi tính. 



Trong nhà ga hàng không trang bị máy móc vi tính, nhà hàng bán đồ ăn thức uống đều ngăn nắp sạch sẽ và nhà vệ sinh sạch bóng luôn có người ở bên trong lau chùi quét dọn. Ðặc biệt sàn nhà thường được lót bằng đá hoa cương (granite) bóng loáng vì Trung Quốc sản xuất đá hoa cương. Hành lý chúng tôi ở khách sạn được David là hướng dẫn viên du lịch Bắc Kinh thuê xe truck chở thẳng ra phi trường trong lúc viếng Di Hòa Viên nên chúng tôi khỏi phải làm thủ tục gởi hành lý. Cô Simone Nga phát thẻ lên tàu (boarding pass) và chúng tôi cầm thẻ đó với sổ hộ chiếu (passport) mà qua cổng kiểm soát an ninh để vào cửa ra máy bay. Hãng hàng không chúng tôi đi là China Southern Airlines là một hãng bay đường bay nội địa nối liền tỉnh này qua tỉnh kia dùng máy bay Boeing 737 hay Airbus 320 loại chở từ 140 đến 200 hành khách. Trịnh Châu ở về phiá Nam cách Bắc Kinh 380 miles (608 km) và Boeing 737 bay mất 1 giờ 20 phút. Trên phi cơ chỉ cho ăn một bịch bánh bích quy lạc có mùi hành và một ly nước. Có hai chiêu đãi viên nữ và một nam tất cả đều phục vụ vui vẻ. Chúng tôi khởi hành lúc 5 giờ 30 nên khi hạ cánh thì trời đã tối và một tiếng “Rầm” vang lên khi bánh phi cơ chạm phi đạo và phi cơ sốc tưng lên! Tôi tưởng phi cơ có thể gãy trục đưa bánh ra vì cách hạ cánh thiếu an toàn, bánh phi cơ đụng với mặt đường bay bằng một góc thẳng đứng thay vì song song và chạm từ từ xuống. Nhưng bánh Boeing chắc chắn thật, sau một cú sốc mạnh phi cơ tiếp tục giữ thăng bằng và chạy trên phi đạo. Mọi người thở ra nhẹ nhõm sau một chốc kinh hoàng!



Như vậy là chúng tôi đã tới Trịnh Châu thủ phủ tỉnh Hà Nam an toàn trong đêm 11-10-2005. Nhớ lại đêm qua là đêm cuối cùng ở Bắc Kinh chúng tôi đi ăn trong một tữu lầu nhiều tầng với cách nấu miền Hàng Châu tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) rất nhiều món trong đó có cá chưng và thịt kho Tô Ðông Pha là món ăn có thịt và mỡ kho với xì dầu  do ông Tô Ðông Pha sáng chế. Ông Tô Ðông Pha là nhà thơ đời Ðường, làm quan ở Hàng Châu nhưng rất thanh liêm sống cuộc đời đạm bạc, có lúc không có gì ăn ông phải đi hái bông cúc dại ăn cho đỡ đói. Lúc xây con đê trên Tây Hồ ở Hàng Châu ông sáng chế ra món thịt kho Tàu này để cho dân công ăn vừa ngon miệng lại vừa kinh tế vì món mặn nên không tốn đồ ăn nhiều. Sau cơm tối chúng tôi đi xem trình diễn ca vũ nhạc có tên là Beijing Night Show ở hí viện của binh chủng không quân quản lý kinh doanh. Chương trình nhạc hay, diễn viên trẻ đẹp, y trang lộng lẫy tiêu biểu cho sinh hoạt của nhiều sắc tộc khác nhau ở những tỉnh xa xôi của nước Trung Hoa rộng lớn. Tấm phong trên sân khấu được chiếu những đền đài, thắng cảnh mọi miền của đất nước Trung Hoa mà trong những ngày tới tôi sẽ lần lượt đến viếng. Nhạc thâu sẳn và hát nhép nhưng vũ công trẻ đẹp, miệng luôn cười tươi, y trang lộng lẫy, động tác nghệ thuật và gợi cảm. Tôi nghĩ những nhà làm Show ca nhạc VN ở Mỹ nên sang đây học cách của họ để phong phú hóa động tác trong điệu vũ cũng như  đổi mới trang phục và phong cách, nhạc điệu trình diễn. Phải đi nhiều nơi, học hỏi nghệ thuật của nhiều dân tộc với những nền văn hóa khác nhau mới thấy rằng họ tiến bộ vượt bực mà bao năm qua mình cứ mãi ngủ quên vì tưỏng rằng đất nước này văn minh nhất nên cái gì cũng nhất. Hoa Kỳ qủa thực văn minh và mạnh nhất nhưng về nghệ thuật vẫn là một chú Sam nhà quê, già nua và bảo thủ. Bắc Kinh về đêm không biết có bao nhiêu nhà hát trình diễn từ những tuồng tích hát theo lối cổ điển, diễn viên hoá trang như hát bội và giọng ca mũi giữa nam và nữ không khác nhau mấy cho đến những ca vũ nhạc như Beijing Night như tôi đã xem vừa phô trương văn hóa dân tộc phong phú đa dạng với y trang, nhạc cụ cổ điển vừa đề cao cảnh đẹp hoành tráng,  trên mọi miền đất nước bằng âm thanh, điệu vũ trong một nền nhạc và phong cách trình diễn rất nghệ thuật và hiện đại. Trong Show có một diễn viên nam còn trẻ tôi không nhớ tên, anh ta có biệt tài thay đổi cách hóa trang trên mặt như kép hát bội rất nhanh. Anh khoác tay lên mặt một cái là từ nhân vật trong tuồng tích này đổi sang nhân vật khác. Nghe nói khi hóa trang trước lúc trình diễn anh đóng cửa phòng lại không cho ai vào để giữ bí mật nhà nghề có một không hai này. Tan buổi trình diễn, tất cả diễn viên, vũ công đều ra sân khấu cám ơn và chào tạm biệt, khán giả được mời lên sân khấu chụp hình với nghệ sĩ. Ra phía ngoài cửa rạp tôi có mua một DVD để về xem lại chương trình ca vũ nhạc hoành tráng và tạo ấn tượng đẹp này.

Ðêm Bắc Kinh còn có những rạp trình diễn xiếc Acrobat như uốn dẻo thân hình, tung hứng chậu sành và dùng cổ để hứng chậu, xe đạp chở đến 13 cô gái, nhào lộn mô tô bay và biểu diễn võ Thiếu Lâm (Kungfu) nhưng chúng tôi không có xem vì võ Thiếu Lâm sẽ đi xem biểu diễn ngay tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam, còn xiệc sẽ xem ở Thượng Hải là nơi rất nổi tiếng về xiệc Acrobat. Ðêm Bắc Kinh còn có những tụ điểm trình diễn nhạc trẻ mà khán giả là giới trẻ và ca sĩ là người Trung Quốc hay Hồng Kông, Singapore sang hoặc là những ca sĩ da trắng nổi tiếng của các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Úc rất được giới trẻ Trung Quốc hâm mộ. Dân Bắc Kinh cũng rất thích điện ảnh, bắt đầu từ bộ phim đầu tiên Định quân sơn vào năm 1905, cho đến nay 100 năm qua Trung Quốc đã sản xuất khoảng 6,800 bộ phim. Điện ảnh Trung Quốc tuy trải qua nhiều giai đoạn chìm nổi nhưng vẫn tạo ra được những khoảnh khắc huy hoàng qua những lần đoạt giải thưởng tại những liên hoan phim quốc tế và hiện nay bừng sống trở lại, đang sản xuất những phim tốn hàng triệu mỹ kim để tạo một trung tâm điện ảnh như Hollywood trong khu vực Á Châu. Theo hồi ký của bác sĩ Lý Phục Huy là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông thì Mao cũng rất mê điện ảnh, trong thời gian sống trong khu Trung Nam Hải cạnh Tử Cấm Thành vào thập niên 1960 mỗi tuần đều xem phim Mỹ Pháp trong phòng chiếu riêng cùng với những người thân tín. Bà Giang Thanh vợ thứ tư của Mao Trạch Ðông là một đào hát tuồng cũng  là diễn viên điện ảnh ở Thượng Hải đã bỏ nghề theo Đảng Cộng Sản từ năm 1933 mà theo bà là để “đóng trò cho nhân dân coi”. Là một đào hát nên khi bước sang chính trường bà đã diễn rất khá để lấy lòng Mao Chủ Tịch. Khi Mao chết ngoài mặt bà khóc lóc thảm thiết nhưng trong bụng mở cờ, định cùng với bộ tam xên trong nhóm tứ nhân bang, bà sẽ thay thế Mao để lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng tình thế không như mộng tưởng, mấy ngày sau đó bà bị Hoa Quốc Phong nhốt vào ngục thất và ra tòa vì cuộc cách mạng văn hóa sát hại hàng vạn người. Bà bị kêu án tử hình sau đó giảm xuống thành chung thân và đã tự tử chết trong ngục! Trung Hoa có nhiều người đàn bà khuynh đảo chính trường nhưng rốt cuộc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì như Lữ Hậu vợ Hán Cao Tổ tức Lưu Bang, Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu và Giang Thanh.



Bắc Kinh và Thượng Hải là hai thành phố tạo cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm trong chuyến du lịch Trung Quốc lần này. Cũng như Washington DC và New York, Bắc Kinh là thủ đô văn hóa, chính trị nên cổ kính, trầm mặc, nhiều đền đài, công viên, ao hồ và cây xanh râm mát. Cách kiến trúc của Bắc Kinh mặc dù là những cao ốc mới xây nhưng vẫn mang nặng màu sắc Trung Hoa cổ kính, nặng nề để phô trương sự hoành tráng. Trái lại Thượng Hải là thành phố kỹ nghệ, tài chánh, thương mại nên tưng bừng, nhộn nhịp, kiến trúc nhiều màu sắc và mang đường nét Âu Châu. Người Bắc Kinh cũng vậy, mang niềm kiêu hãnh cho rằng mình chánh nguồn gốc Hán tộc oai hùng từng xây Vạn Lý Trường Thành nên tư cách đi đứng đàng hoàng, nói năng thâm trầm chừng mực và coi thường người Thượng Hải. Trong khi dân Thượng Hải cởi mở, thực tế, nhiều sáng kiến và qúa khứ hàng trăm năm tiếp xúc với bên ngoài nên họ giõi ngoại ngữ, đa số giới trẻ biết tiếng Anh và ăn mặc trang phục trẻ trung, đơn giản, màu sắc tươi vui.



Bắc Kinh và Thượng Hải có rất nhiều người giàu có so với những thành phố khác, theo cuộc thăm dò được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu thị trường Cenozoic cho thấy 60% người giàu  nhất ở Trung Quốc đều thuộc thế hệ trẻ sinh những năm 1970 và là những người có học vấn cao. Theo hãng tin Tân Hoa Xã thì đi du lịch, bơi lội và xài đồ hiệu là những thú tiêu khiển được giới nhà giàu ở Trung Quốc "khoái" nhất. Đó là kết quả từ cuộc khảo sát về sở thích cá nhân của 600 doanh nhân nước này có tài sản 10 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 1,2 triệu USD) trở lên do Công ty Hurun thực hiện. Theo đó, gần 1/3 số người được hỏi cho biết điều đầu tiên họ muốn làm khi rảnh rỗi là đi du lịch, kế đó là đi bơi và chơi golf.  Đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, đang là mốt thời thượng của giới nhiều của lắm tiền ở quốc gia đông dân nhất hành tinh. Úc là điểm đến mà họ yêu thích nhất nhưng riêng người dân Bắc Kinh lại thích đi du lịch Mỹ hơn còn người Thượng Hải thì rất thích châu Âu, đặc biệt là Pháp. Về hàng hóa, ngoài những mặt hàng nội địa đặc biệt được ưa chuộng, các nhãn mác ngoại quốc được giới triệu phú mới nổi ở Trung Quốc quan tâm gồm xe hơi Bentley, đồng hồ Cartier, rượu cognac Hennessy và quần áo hiệu Giorgio Armani.