CHƯƠNG 12
THĂM THIẾU LÂM TỰ Ở HÀ NAM
Tỉnh Hà Nam (Henan) như tên
đã gọi nằm về phiá Nam của con sông Hoàng Hà có thủ phủ là thành phố Trịnh Châu
(Zhengzhou) và hai thành phố từng là đế đô của Trung Quốc là Lạc Dương
(Luoyang) và Khai Phong (Kaifeng). Ðây là cái nôi của dân tộc Hán, là vùng đất
cổ xưa khai sinh đất nước Trung Quốc nên Hà Nam có nhiều đền chùa di tích của
Phật giáo từ Ấn Ðộ truyền sang như Thiếu Lâm Tự
(Shaolin Temple) tọa lạc trên núi Tung Sơn (Songshan) là ngôi chùa cổ
nổi tiếng về võ môn phái Thiếu Lâm, chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên của
Trung Quốc, Long Môn Ðộng với hàng trăm ngàn tượng Phật tạc trên vách núi và
đặc biệt là mộ chôn Quan Công Vân Trường trong đời Tam Quốc.
Ðêm 11-10-2005 đoàn du lịch
chúng tôi từ Bắc Kinh bay xuống Trịnh Châu (Zhengzhou) thủ phủ tỉnh Hà Nam bằng
Boeing 737 của hãng máy bay nội địa China Southern Airlines. Sau khi máy bay hạ
cánh một cách không an toàn đụng phi đạo một cái “Rầm” (có người nói do viên
phi công phụ lái), chúng tôi lấy hành lý và lên xe buýt để về thành phố Trịnh
Châu. Nhà ga phi trường Trịnh Châu cũng mới xây, nhỏ hơn phi trường John Wayne
ở Santa Ana một chút và đã 8 giờ tối nên cũng vắng hành khách. Từ phi trường về
thành phố khoảng 20 km đi về hướng Bắc, xa lộ mỗi chiều 2 làn xe theo hướng dẫn
viên du lịch địa phương là một anh chàng trẻ tuổi người cao tóc hớt ngắn họ Di
cho biết xa lộ mới hoàn thành cách nay mới mấy tháng. Lạ một điều là vùng này
thắp đèn rất dữ dội, dọc theo xa lộ vừa đèn đường áp suất trên cột cao, dọc
theo lan can đường cũng thắp bóng đèn màu như bên Mỹ treo đèn mừng lễ Giáng
Sinh vậy! Nhất là những nơi xa lộ giao nhau gọi là “cầu vượt” đèn xanh đèn đỏ
từng hàng gắn vĩnh viễn khắp nơi mà xe lưu thông thì chỉ vài chiếc. Tôi hỏi anh
chàng hướng dẫn viên chứ vùng này thủy điện dư dã lắm sao mà đốt đèn nhiều vậy?
Anh ta nói thủy điện thì không có nhưng mỏ than đá rất nhiều. Trong thời điểm
hiện nay giá năng lượng tăng cao nhất là xăng dầu nên họ khai thác hầm mỏ than
đá ngày đêm nên đã xảy ra nhiều tai nạn sụp hầm gây chết chóc cho nhiều thợ
mỏ.Vùng gần phi trường không thấy nhà cửa chỉ là đồng trống, đêm tối không thấy
họ canh tác hay khai thác gì nhưng khi gần tới Trịnh Châu thì bắt đầu có những
nhà cao tầng không cao lắm như ở Bắc Kinh, chỉ chừng 5, 7 tầng cho dân chúng cư
ngụ. Trên nóc những cao ốc này lại cũng giăng đèn màu suốt cả con đường
như khu phố cũ ở Las Vegas!
Trung tâm thành phố Trịnh
Châu nhà cao tầng nhiều hơn nữa, thường những tầng trên cao là văn phòng hay
các căn hộ dân cư nhưng tầng dưới ngay mặt đường là những cửa hàng chiếm vài
căn phố hay tiệm buôn chiếm một căn ban đêm đốt đèn néon sáng choang. Có những
kiến trúc to lớn hoành tráng lại xây theo kiểu cổ La Mã với những cột tròn to,
tượng đá người, ngựa, vòi phun nước vì đề chữ Hoa nên không biết là cơ quan gì?
Những khách sạn quốc tế Âu Mỹ cũng có mặt ở đây nhưng có bảng đèn màu tiếng Anh
nên dễ nhận biết và khách sạn chúng tôi cư ngụ một đêm ở Trịnh Châu là Sofitel
Zhengzhou cũng to lớn mười mấy tầng phía mặt tiền đèn màu như khách sạn ở Las
Vegas. Xe chúng tôi chạy ngang qua khách sạn nhưng không vào mà đi ăn tối trước
rồi khi trở về mới lấy phòng. Nhà hàng ăn cũng ở trong một khách sạn khác gần
đó nhưng không có chỗ đậu cho xe buýt nên xe phải đậu bên kia một ngã tư xe cộ
giao thông đông đúc. Ông Lương Kiện và hướng dẫn viên địa phương phải rất cẩn
thận cầm cờ cao lên đưa đoàn du lịch chúng tôi từ từ băng qua 2 con đường. Nhà
hàng trên lầu cao và thức ăn cũng rất thịnh soạn nhiều dầu mỡ trong đó có bắp
luộc và rau đậu trồng tại địa phương. Trở về khách sạn chúng tôi lấy phòng, tắm
rửa cho sạch bụi phong trần sau một ngày viếng quảng trường Thiên An Môn, Tử
Cấm Thành rồi Cung Ðiện Mùa Hạ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh và đêm nay lại ngủ ở
Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam cách Bắc Kinh 360 miles (680 km).
VÀI NÉT VỀ TỈNH HÀ NAM
Hà Nam nằm về phiá Nam tỉnh
Hà Bắc (Hebei) là tỉnh có thủ đô Bắc Kinh tọa lạc, là một vùng có độ cao lối
100 mét so với mực biển nằm trong nội địa. Như tên đã gọi Hà Nam có nghĩa là
“phiá Nam của con sông”, tỉnh có con sông Hoàng Hà chảy ngang qua và đổ ra biển
ở tỉnh Sơn Ðông (Shandong). Hà Nam có một chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm vì
có hai cố đô là Lạc Dương (Luoyang) và Khai Phong (Kaifeng). Lạc Dương là kinh
đô bắt đầu thời Ðông Chu (770 đến 221 trước Dương Lịch) kéo dài cho đến 7 triều
đại. Khai Phong là kinh đô đời Bắc Tống từ năm 960 cho đến năm 1127. Tỉnh Hà
Nam rộng 160,000 km vuông (khoảng 62,000 dặm vuông), dân số gần 100 triệu người
là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc gồm người Hán, Hui, Mãn Châu và Mông Cổ. Khí
hậu nóng và ẩm, mùa Ðông và Xuân khí hậu khô và có gió, mùa Hè nóng và mưa,
nhiệt độ trung bình hàng năm là 12.8 độ C ở miền Bắc và 15.5 độ C ở miền Nam.
Về khoáng sản Hà Nam có nhiều mỏ than đá hiện giao cho quân đội khai thác,
ngoài ra còn có mỏ nhôm, cẩm thạch và thủy tinh (hòm của Mao Trạch Ðông ở Quảng
Trường Thiên An Môn cũng được làm bằng thủy tinh Hà Nam). Nông nghiệp Hà Nam
sản xuất lúa mì, bắp, bông vải, thuốc lá và đặc sản có cá lý ngư (carp) sông
Hoàng Hà, dưa hấu Trịnh Châu, chà là Xinzheng, trái hồng.
Trịnh Châu là thủ phủ tỉnh Hà
Nam, thành phố rộng 7,446 cây số vuông, dân số 6 triệu và vùng ngoại ô 2 triệu.
Trịnh Châu là giao điểm của hai thiết lộ quan trọng là tuyến Bắc Kinh đi Quãng
Châu và tuyến đường sắt Long Hải chạy từ Ðông sang Tây. Sở dĩ chúng tôi đến
Trịnh Châu là vì Trịnh Châu là thủ phủ có phi trường thương mại chứ thực ra
Thiếu Lâm Tự cũng như Long Môn Ðộng và chùa Bạch Mã, mộ Quan Công đều nằm gần
thành phố Lạc Dương. Ðối với người có máu du lịch như tôi càng đi nhiều thành
phố càng thích vì biết được nhiều địa phương khác nhau, khám phá nhiều điều mới
lạ để chia sẻ với độc giả ham thích du lịch như tôi.
Sáng ngày 12-10-2005 trời
nhiều mây, tin thời tiết trên truyền hình cho biết sẽ có mưa trong vài ngày sắp
tới. Trong lúc ăn sáng Buffet trong khách sạn cách vài bàn có hai người trung
niên nói tiếng VN. Nhìn cách ăn mặc với áo veste, giày da biết là người trong
nước sang giao dịch thương mại gì đó. Thức ăn cũng như ở Bắc Kinh nghĩa là cũng
có hai thứ là Tây Phương và Á Ðông nhưng có thêm bắp luộc, dưa hấu và trái
thanh long. Chúng tôi ra xe lên đường, hành lý chỉ cần để ngoài cửa phòng là có
nhân viên khách sạn mang ra xe.
Trịnh Châu có 6 triệu dân nên
cũng khá lớn, cỡ thành phố Sài Gòn nhưng đường xá rộng rãi, dinh thự nhiều và
cao ốc cũng cao hơn. Nhiều con đường lớn mỗi bên 2 làn xe hơi và một làn xe
đạp, trồng dọc theo đường là những hàng cây phong loại lá lớn không đổi màu
vàng và đỏ vào mùa Thu. Tiếng Anh là cây Maple có nhiều ở xứ lạnh và nước
Canada lấy chiếc lá cây này làm quốc kỳ nhưng ông Trương Kiện lại gọi là
cây...ngô đồng chứ không gọi là cây phong như trong truyện Kiều “Rừng phong Thu
đã nhuốm màu quan san!” Những cây phong ở đây không cho mọc thẳng lên mà lại
cắt ngang thân cây khi nó cao chừng 3 mét nên thân chẻ làm hai nhánh khiến cây
có tàng lá rộng ra um tùm. Từ xa nhìn hàng cây cùng hình dáng “hàng cây thấp
nến lên hai hàng” cũng lạ mắt.
Rời thành phố xe vào xa lộ,
xa lộ tráng bằng xi măng có vẻ mới làm nên các lằn vạch kẻ còn màu sơn mới sáng
trắng. Con lươn ngăn đôi giữa xa lộ lại trồng cây cao lên chừng 2 mét rồi lại
cắt ngang cho đều để che ánh đèn chói mắt và ngăn cho xe không lạc tay lái đâm
qua. Trồng cây thì phải tưới nước hàng tuần tốn công và tốn tiền nhưng có màu
cây xanh mát mắt trong khi bên California tiết kiệm hơn thì đúc tường xi măng
ngăn đôi xa lộ. Khi phải xẻ đồi cho xa lộ vượt qua, hai bên triền dốc tránh đất
lở khi trời mưa, ở đây người ta phun xi măng và vẽ phong cảnh bằng sơn màu lên
triền dốc đó, thật nhiều công lao hơn!
Xe chúng tôi đi về hướng Tây
Nam độ 40 cây số tới vùng đồi núi thoai thoải đất vàng đỏ, cây cối thấp lưa
thưa và ít nhà cửa xóm làng. Thỉnh thoảng một căn nhà gạch lợp ngói xưa cũ nằm
chơ vơ giữa vùng đất trống cỏ khô có vài con bò vàng ốm gặm cỏ và cạnh nhà là
một khoảng rau xanh, vài cây hồng trái đỏ và một ruộng bắp đã thu hoạch. Nhiều
nhà phơi đầy bắp trái trên mái nhà trông thật tiêu đìu, quạnh quẽ. Tôi nghĩ
vùng này chắc suốt đời chỉ ăn...bắp mà thôi. Không thấy hàng quán xe cộ, không
thấy những cột ăng ten truyền hình và thanh niên thiếu nữ chắc bỏ ra thành phố
hết.
Xe chạy thêm 20 cây số nữa và
càng đi càng leo dốc, đã thấy ngọn núi Tung Sơn trước mặt, khung cảnh bớt khô
cằn hơn có lẽ vào vùng thung lũng có mây mù đụng núi nên cây cối xanh tươi và
hai bên người ta trồng rau đậu gì đó. Ngọn Tung Sơn cao 1,440 mét so với mực
biển nhưng ở vùng cao nguyên này nó không cao hơn mặt đất ở đây bao nhiêu nên
không thấy cao lắm. Tung Sơn là ngọn núi trên đỉnh rất đẹp với những cổ thụ
tùng bách thân khúc khuỷu mọc cheo leo trên những ghềnh đá mà ta thường thấy
trong những tranh thủy mạc (mạc có nghĩa là mực, tranh thủy mạc là tranh được
vẽ bằng mực nước). Xe đi ngang một làng nhỏ, đường xá rộng rãi nhưng vắng người
và xe cộ. Làng này chuyên phục vụ cho những trường dạy võ thuật Thiếu Lâm, các
trường này rất to lớn như những quân trường, có sân vận động, nhà ăn, nhà giải
trí nằm dọc hai bên con đường chính từ làng đi vào Thiếu Lâm Tự. Làng có dân số
30 ngàn người nhưng số võ sinh nội trú ở các trường là 40 ngàn em từ các nơi
được cha mẹ gởi về đây học vừa học văn hóa, đức dục vừa học võ rèn luyện cơ thể
đúng như câu: “Một trí óc minh mẫn trong một thể xác lành mạnh”. Văn minh tân
tiến thì đạo đức suy đồi nên phụ huynh gởi con em về đây học đông đảo để các em
khỏi sa vào con đường ma túy nghiện ngập. Ngồi trên xe thấy các em tuổi từ 8, 9
đến 18 đồng phục tùy theo trường, đi từng đoàn hàng trăm em để ra bãi tập, mỗi
em mang theo một chiếc ghế nhựa vừa đi vừa cười giỡn vui vẻ. Qua những bãi tập,
các em ngồi theo hàng ngay ngắn như những đại đội tân binh quân dịch ở quân
trường Quang Trung ngày trước.Vì đã ngồi xe gần hai tiếng đồng hồ nên xe buýt
ngừng lại ở một cửa hàng cẩm thạch bên tay trái con đường để giải lao, đi vệ
sinh và ai muốn mua cẩm thạch thì mua. Cửa hàng có hai tầng lầu rất lớn như một
khách sạn tỉnh lẻ, ngoài cẩm thạch còn bán quần áo, đồ thêu, lụa là, tranh
thêu, qùa kỷ niệm và là một nhà hàng phục vụ cho các đoàn du lịch vì trưa nay
sau khi xem biểu diễn võ thuật Thiếu Lâm ở một võ đường chúng tôi sẽ trở lại
đây ăn trưa trước khi vào viếng cảnh Thiếu Lâm Tự.
Vừa vào tới bên trong cửa
hàng là một cô tiếp thị tập trung chúng tôi lại để giới thiệu cẩm thạch. Cô nói
ngọc thạch tỉnh Hà Nam tốt nhất nước Trung Hoa rất nổi tiếng trên thế giới, bán
qua Thượng Hải, Hồng Kông. Các bà đã có kinh nghiệm về giá cả sau khi mua hớ ở
gần Lăng Mộ Nhà Minh Bắc Kinh nên biết cách trả giá và trầm trồ khen cẩm thạch
ở đây đẹp và giá lại rẻ hơn Bắc Kinh. Trong khi các bà săm soi ngắm nghía chọn
lựa, trao đổi lời bàn...Mao Tôn Cương thì bọn đàn ông chúng tôi ngồi uống trà
và uống cà phê Trung Quốc loại trong gói instant nhạt thếch mà nhớ cà phê Bolsa
đậm đà hương vị Cali, nhớ quán cà phê Factory, Lilly, Gala, Croissant lao xao
mỗi sáng cuối tuần. Tức cảnh sinh tình vội vàng móc bút đề mấy câu Ðường thi:
Chim về tổ ấm ngọn Tung San
Nhìn núi nhìn mây đất Hà Nam
Chợt nhớ núi non miền... Dĩ
Vãng
Nhớ tô phở nóng đất Quận Cam!
No comments:
Post a Comment