CHƯƠNG 11
RỜI BẮC KINH ĐI HÀ NAM
Sau khi thăm viếng Cung Ðiện
Mùa Hạ hay còn được gọi là Di Hòa Viên (có nghĩa là di dưỡng, song hòa), chúng
tôi trở lại xe buýt và vào xa lộ để ra phi trường Bắc Kinh cách đây lối 40 km
về hướng Ðông Bắc đáp máy bay đi Trịnh Châu (Zhengzhou) là thủ phủ tỉnh Hà Nam
(Henan). Nhà ga hàng không của đường bay nội địa chúng tôi vào cách nay 4 năm
là nhà ga của đường bay quốc tế, nay Bắc Kinh đã có nhà ga quốc tế mới nên nhà
ga cũ được tu sửa trở thành nhà ga nội địa. Mặc dù phục vụ hành khách những
chuyến bay nội địa nhưng nhà ga rất lớn và mới mẻ hơn nhiều nhà ga phi trường ở
thành phố lớn bên Mỹ.
Trong vòng chỉ vài năm trở
lại đây Trung Quốc lo phát triển hạ tầng cơ sở nhất là về giao thông: xa lộ xây
khắp mọi nơi, phá nhà, giải tỏa, đền bù, xây dựng phi trường và mua thêm máy
bay từ hai hãng Boeing của Mỹ và Air Bus của Pháp. Trung Quốc đã ký Memorandum
với hãng Boeing để đặt mua 50 phản lực tối tân 787 Dreamliner trị giá 6 tỉ đô
la và chiếc đầu tiên sẽ được giao trước tháng 6 năm 2008 nghĩa là trước ngày
Bắc Kinh khai mạc Thế Vận Hội. Trong năm 2005 vừa qua hãng Boeing kết thúc một
năm huy hoàng với số máy bay được đặt mua là 1,002 chiếc vượt qua kỷ lục năm
1988 là 877 chiếc. Trong đó có 68 chiếc gồm 737, 777 và 787 bán cho Air India
của Ấn Ðộ và những hãng hàng không địa phương của Trung Quốc đã đặt mua loại
máy bay 737 gồm China Southern Airlines 20 chiếc, Xiamen Airlines 10 chiếc,
Hainan Airlines 6 chiếc, Shanghai Airlines 5 chiếc, Shenzhen Airlines 5 chiếc
và China Eastern Airlines 4 chiếc. Vietnam Airlines trong năm 2006 này chỉ được
Boeing giao cho một chiếc 737 để bay tạm vì Boeing bận hai khách hàng là Trung
Quốc và Ấn Ðộ là hai nhà giàu mới phất lên nhờ sáng chế “phần mềm” vi
tính.
Trong nhà ga hàng không trang
bị máy móc vi tính, nhà hàng bán đồ ăn thức uống đều ngăn nắp sạch sẽ và nhà vệ
sinh sạch bóng luôn có người ở bên trong lau chùi quét dọn. Ðặc biệt sàn nhà
thường được lót bằng đá hoa cương (granite) bóng loáng vì Trung Quốc sản xuất
đá hoa cương. Hành lý chúng tôi ở khách sạn được David là hướng dẫn viên du
lịch Bắc Kinh thuê xe truck chở thẳng ra phi trường trong lúc viếng Di Hòa Viên
nên chúng tôi khỏi phải làm thủ tục gởi hành lý. Cô Simone Nga phát thẻ lên tàu
(boarding pass) và chúng tôi cầm thẻ đó với sổ hộ chiếu (passport) mà qua cổng
kiểm soát an ninh để vào cửa ra máy bay. Hãng hàng không chúng tôi đi là China
Southern Airlines là một hãng bay đường bay nội địa nối liền tỉnh này qua tỉnh
kia dùng máy bay Boeing 737 hay Airbus 320 loại chở từ 140 đến 200 hành khách.
Trịnh Châu ở về phiá Nam cách Bắc Kinh 380 miles (608 km) và Boeing 737 bay mất
1 giờ 20 phút. Trên phi cơ chỉ cho ăn một bịch bánh bích quy lạc có mùi hành và
một ly nước. Có hai chiêu đãi viên nữ và một nam tất cả đều phục vụ vui vẻ.
Chúng tôi khởi hành lúc 5 giờ 30 nên khi hạ cánh thì trời đã tối và một tiếng
“Rầm” vang lên khi bánh phi cơ chạm phi đạo và phi cơ sốc tưng lên! Tôi tưởng
phi cơ có thể gãy trục đưa bánh ra vì cách hạ cánh thiếu an toàn, bánh phi cơ
đụng với mặt đường bay bằng một góc thẳng đứng thay vì song song và chạm từ từ
xuống. Nhưng bánh Boeing chắc chắn thật, sau một cú sốc mạnh phi cơ tiếp tục
giữ thăng bằng và chạy trên phi đạo. Mọi người thở ra nhẹ nhõm sau một chốc
kinh hoàng!
Như vậy là chúng tôi đã tới
Trịnh Châu thủ phủ tỉnh Hà Nam an toàn trong đêm 11-10-2005. Nhớ lại đêm qua là
đêm cuối cùng ở Bắc Kinh chúng tôi đi ăn trong một tữu lầu nhiều tầng với cách
nấu miền Hàng Châu tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) rất nhiều món trong đó có cá
chưng và thịt kho Tô Ðông Pha là món ăn có thịt và mỡ kho với xì dầu do ông Tô Ðông Pha sáng chế. Ông Tô Ðông Pha
là nhà thơ đời Ðường, làm quan ở Hàng Châu nhưng rất thanh liêm sống cuộc đời
đạm bạc, có lúc không có gì ăn ông phải đi hái bông cúc dại ăn cho đỡ đói. Lúc
xây con đê trên Tây Hồ ở Hàng Châu ông sáng chế ra món thịt kho Tàu này để cho
dân công ăn vừa ngon miệng lại vừa kinh tế vì món mặn nên không tốn đồ ăn
nhiều. Sau cơm tối chúng tôi đi xem trình diễn ca vũ nhạc có tên là Beijing
Night Show ở hí viện của binh chủng không quân quản lý kinh doanh. Chương trình
nhạc hay, diễn viên trẻ đẹp, y trang lộng lẫy tiêu biểu cho sinh hoạt của nhiều
sắc tộc khác nhau ở những tỉnh xa xôi của nước Trung Hoa rộng lớn. Tấm phong
trên sân khấu được chiếu những đền đài, thắng cảnh mọi miền của đất nước Trung
Hoa mà trong những ngày tới tôi sẽ lần lượt đến viếng. Nhạc thâu sẳn và hát
nhép nhưng vũ công trẻ đẹp, miệng luôn cười tươi, y trang lộng lẫy, động tác
nghệ thuật và gợi cảm. Tôi nghĩ những nhà làm Show ca nhạc VN ở Mỹ nên sang đây
học cách của họ để phong phú hóa động tác trong điệu vũ cũng như đổi mới trang phục và phong cách, nhạc điệu
trình diễn. Phải đi nhiều nơi, học hỏi nghệ thuật của nhiều dân tộc với những
nền văn hóa khác nhau mới thấy rằng họ tiến bộ vượt bực mà bao năm qua mình cứ
mãi ngủ quên vì tưỏng rằng đất nước này văn minh nhất nên cái gì cũng nhất. Hoa
Kỳ qủa thực văn minh và mạnh nhất nhưng về nghệ thuật vẫn là một chú Sam nhà
quê, già nua và bảo thủ. Bắc Kinh về đêm không biết có bao nhiêu nhà hát trình
diễn từ những tuồng tích hát theo lối cổ điển, diễn viên hoá trang như hát bội
và giọng ca mũi giữa nam và nữ không khác nhau mấy cho đến những ca vũ nhạc như
Beijing Night như tôi đã xem vừa phô trương văn hóa dân tộc phong phú đa dạng
với y trang, nhạc cụ cổ điển vừa đề cao cảnh đẹp hoành tráng, trên mọi miền đất nước bằng âm thanh, điệu vũ
trong một nền nhạc và phong cách trình diễn rất nghệ thuật và hiện đại. Trong
Show có một diễn viên nam còn trẻ tôi không nhớ tên, anh ta có biệt tài thay
đổi cách hóa trang trên mặt như kép hát bội rất nhanh. Anh khoác tay lên mặt
một cái là từ nhân vật trong tuồng tích này đổi sang nhân vật khác. Nghe nói
khi hóa trang trước lúc trình diễn anh đóng cửa phòng lại không cho ai vào để
giữ bí mật nhà nghề có một không hai này. Tan buổi trình diễn, tất cả diễn
viên, vũ công đều ra sân khấu cám ơn và chào tạm biệt, khán giả được mời lên
sân khấu chụp hình với nghệ sĩ. Ra phía ngoài cửa rạp tôi có mua một DVD để về
xem lại chương trình ca vũ nhạc hoành tráng và tạo ấn tượng đẹp này.
Ðêm Bắc Kinh còn có những rạp
trình diễn xiếc Acrobat như uốn dẻo thân hình, tung hứng chậu sành và dùng cổ
để hứng chậu, xe đạp chở đến 13 cô gái, nhào lộn mô tô bay và biểu diễn võ
Thiếu Lâm (Kungfu) nhưng chúng tôi không có xem vì võ Thiếu Lâm sẽ đi xem biểu
diễn ngay tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam, còn xiệc sẽ xem ở
Thượng Hải là nơi rất nổi tiếng về xiệc Acrobat. Ðêm Bắc Kinh còn có những tụ
điểm trình diễn nhạc trẻ mà khán giả là giới trẻ và ca sĩ là người Trung Quốc
hay Hồng Kông, Singapore sang hoặc là những ca sĩ da trắng nổi tiếng của các
nước như Anh, Mỹ, Pháp, Úc rất được giới trẻ Trung Quốc hâm mộ. Dân Bắc Kinh
cũng rất thích điện ảnh, bắt đầu từ bộ phim đầu tiên Định quân sơn vào
năm 1905, cho đến nay 100 năm qua Trung Quốc đã sản xuất khoảng 6,800 bộ phim.
Điện ảnh Trung Quốc tuy trải qua nhiều giai đoạn chìm nổi nhưng vẫn tạo ra được
những khoảnh khắc huy hoàng qua những lần đoạt giải thưởng tại những liên hoan
phim quốc tế và hiện nay bừng sống trở lại, đang sản xuất những phim tốn hàng
triệu mỹ kim để tạo một trung tâm điện ảnh như Hollywood trong khu vực Á Châu.
Theo hồi ký của bác sĩ Lý Phục Huy là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông thì Mao
cũng rất mê điện ảnh, trong thời gian sống trong khu Trung Nam Hải cạnh Tử Cấm
Thành vào thập niên 1960 mỗi tuần đều xem phim Mỹ Pháp trong phòng chiếu riêng
cùng với những người thân tín. Bà Giang Thanh vợ thứ tư của Mao Trạch Ðông là
một đào hát tuồng cũng là diễn viên điện
ảnh ở Thượng Hải đã bỏ nghề theo Đảng Cộng Sản từ năm 1933 mà theo bà là để
“đóng trò cho nhân dân coi”. Là một đào hát nên khi bước sang chính trường bà
đã diễn rất khá để lấy lòng Mao Chủ Tịch. Khi Mao chết ngoài mặt bà khóc lóc
thảm thiết nhưng trong bụng mở cờ, định cùng với bộ tam xên trong nhóm tứ nhân
bang, bà sẽ thay thế Mao để lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng tình thế không như mộng
tưởng, mấy ngày sau đó bà bị Hoa Quốc Phong nhốt vào ngục thất và ra tòa vì
cuộc cách mạng văn hóa sát hại hàng vạn người. Bà bị kêu án tử hình sau đó giảm
xuống thành chung thân và đã tự tử chết trong ngục! Trung Hoa có nhiều người
đàn bà khuynh đảo chính trường nhưng rốt cuộc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì
như Lữ Hậu vợ Hán Cao Tổ tức Lưu Bang, Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu và Giang
Thanh.
Bắc Kinh và Thượng Hải là hai
thành phố tạo cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm trong chuyến du lịch Trung Quốc
lần này. Cũng như Washington DC và New York, Bắc Kinh là thủ đô văn hóa, chính
trị nên cổ kính, trầm mặc, nhiều đền đài, công viên, ao hồ và cây xanh râm mát.
Cách kiến trúc của Bắc Kinh mặc dù là những cao ốc mới xây nhưng vẫn mang nặng
màu sắc Trung Hoa cổ kính, nặng nề để phô trương sự hoành tráng. Trái lại
Thượng Hải là thành phố kỹ nghệ, tài chánh, thương mại nên tưng bừng, nhộn
nhịp, kiến trúc nhiều màu sắc và mang đường nét Âu Châu. Người Bắc Kinh cũng
vậy, mang niềm kiêu hãnh cho rằng mình chánh nguồn gốc Hán tộc oai hùng từng
xây Vạn Lý Trường Thành nên tư cách đi đứng đàng hoàng, nói năng thâm trầm
chừng mực và coi thường người Thượng Hải. Trong khi dân Thượng Hải cởi mở, thực
tế, nhiều sáng kiến và qúa khứ hàng trăm năm tiếp xúc với bên ngoài nên họ giõi
ngoại ngữ, đa số giới trẻ biết tiếng Anh và ăn mặc trang phục trẻ trung, đơn
giản, màu sắc tươi vui.
Bắc Kinh và Thượng Hải có rất
nhiều người giàu có so với những thành phố khác, theo cuộc thăm dò được thực
hiện bởi tổ chức nghiên cứu thị trường Cenozoic cho thấy 60% người
giàu nhất ở Trung Quốc đều thuộc thế hệ
trẻ sinh những năm 1970 và là những người có học vấn cao. Theo hãng tin Tân Hoa
Xã thì đi du lịch, bơi lội và xài đồ hiệu là những thú tiêu khiển được giới nhà
giàu ở Trung Quốc "khoái" nhất. Đó là kết quả từ cuộc khảo sát về sở
thích cá nhân của 600 doanh nhân nước này có tài sản 10 triệu nhân dân tệ
(khoảng hơn 1,2 triệu USD) trở lên do Công ty Hurun thực hiện. Theo đó, gần 1/3
số người được hỏi cho biết điều đầu tiên họ muốn làm khi rảnh rỗi là đi du
lịch, kế đó là đi bơi và chơi golf. Đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước
ngoài, đang là mốt thời thượng của giới nhiều của lắm tiền ở quốc gia đông dân
nhất hành tinh. Úc là điểm đến mà họ yêu thích nhất nhưng riêng người dân Bắc
Kinh lại thích đi du lịch Mỹ hơn còn người Thượng Hải thì rất thích châu Âu,
đặc biệt là Pháp. Về hàng hóa, ngoài những mặt hàng nội địa đặc biệt được ưa
chuộng, các nhãn mác ngoại quốc được giới triệu phú mới nổi ở Trung Quốc quan
tâm gồm xe hơi Bentley, đồng hồ Cartier, rượu cognac Hennessy và quần áo hiệu
Giorgio Armani.
No comments:
Post a Comment