CHƯƠNG 14
CHÙA BẠCH MÃ Ở LẠC DƯƠNG
Chùa Bạch Mã tọa lạc cách
thành phố Lạc Dương (Luoyang) 12 km (7 miles) về hướng Ðông được xây vào năm 68
dưới thời Ðông Hán là ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên ở Trung Hoa. Tục truyền rằng
thời ấy có hai nhà sư Ấn Ðộ chuyên chở kinh Phật đến Lạc Dương trên những con
ngựa trắng nên ngôi chùa hai nhà sư ấy trụ trì được đặt tên là chùa Bạch Mã.
Ngày 12-10-2005 khởi hành
buổi sáng từ Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam sau khi viếng Thiếu Lâm Tự chúng
tôi đến viếng chùa Bạch Mã. Xe len lỏi qua những xóm nhà xưa cũ và ngừng lại
trong bãi đậu vắng vẻ, chúng tôi đi bộ qua những dãy phố cổ xưa mái ngói rêu
phong người ta bày bán tượng Phật, nhang đèn, tranh ảnh, đồ kỷ niệm. Người bán
mời chào bằng tiếng Phổ Thông vì nghĩ chúng tôi cũng là người Tàu. Trước cổng
chùa là một sân rất rộng tráng xi măng có những hồ sen nuôi cá vàng. Tiết trời
vào Thu hoa sen rơi rụng, lá sen úa tàn và đàn cá sắp vào giấc Ðông Miên nên
cũng lừ đừ nằm yên một chỗ. Cổng tam quan chùa màu huyết dụ, mái ngói âm dương
rêu phong cổ kính, hai bên có tượng hai con kỳ lân bằng đá hán bạch ngọc to lớn
và một hàng chậu trồng cây thiên tuế.
Trong bảng giới thiệu di tích
lịch sử chùa bằng Anh ngữ để trước cổng Tam Quan đại ý ghi như sau: Chùa Bạch
Mã ở Lạc Dương là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung quốc và là thiền tu viện
vang danh thế giới, được công nhận là nguồn gốc đạo Phật bởi tăng đoàn Phật
giáo trong và ngoài nước. Chùa Bạch Mã được xây vào năm 68 sau Tây lịch trong
triều đại Ðông Hán. Tục truyền rằng một đêm vào năm 64 Hán Minh Ðế (Mingdi)
(58-75) nằm chiêm bao thấy một đại nhân mình bằng vàng chói lọi cao hơn một
trượng sáu, từ trên đầu hào quang tỏa sáng khắp căn phòng ngài đứng.
Sáng hôm sau nhà vua kể lại
những điều mình nằm mộng trong buổi họp triều đình xem coi có ý nghĩa gì? Thái
sử Phó Nghị (Fu Yi) bốc chiêm tinh rồi tấu trình rằng nhà vua đã được Ðức Phật
là thánh nhân giáng thế ở Tây phương báo mộng, Phó Nghị nhắc lại chuyện thời
Chu Chiêu Dương thời tiết lạ lùng, trời đêm xuất hiện những tia sáng 5 màu xoay
vần trên sao Thái Vi mà thưỏ ấy thái sử Tô Do đã phụng tấu rằng “Nhất định có
thánh nhân giáng sinh tại Phương Tây nên mới xuất hiện điều cảm ứng tốt lành
trên trời như vậy. Một ngàn năm sau, giáo Pháp của vị thánh nhân đó sẽ được
truyền sang Trung thổ”. Nghe xong nhà vua bèn sai đoàn sứ giả 18 người cầm đầu
bởi hai người là Cai Yin và Qin Jing lên đường sang Thiên Trúc (miền Trung Ấn
Ðộ) để tâm cầu Phật pháp. Khi hai ông đến vùng đất A Phú Hãn bây giờ thì gặp
hai nhà sư Nhiếp Ma Ðằng (Kasyapamatanga)
và Trúc Pháp Lan (Dharmaranya) người Ấn Ðộ đang tu thiền Phật giáo ở đây. Năm
67 hai vị sư người Ấn Ðộ cùng đoàn sứ giả chở kinh Phật bằng tiếng Sanskrit và
tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá trắng trên lưng con ngựa bạch trở về Lạc
Dương . Nhà vua tiếp đãi và cho hai vị sư trú ngụ tạm trong nhà khách Hồng Lô
Tự (Honglu) trong lúc chờ xây một ngôi
chùa mới để hai nhà sư có nơi dịch kinh và rao truyền Phật pháp và chùa được
đặt tên là Chùa Bạch Mã để người ta nhớ lại con ngựa trắng đã chở kinh Phật. Từ
đó chùa đã tồn tại và thay đổi nhiều lần vì hư cũ theo thời gian nhưng cũng
trên cùng một miếng đất này. Chùa chúng ta thấy ngày nay là một khu đất hình
chữ nhựt rộng 40,000 thước vuông với những kiến trúc miếu đền nhìn về hướng Nam
được xây dựng trong đời nhà Minh (1368-1644).
Sau cổng Tam Quan là một vườn
cây cảnh gồm tùng bách, bạch qủa và vườn hoa trồng thược dược (còn được gọi là
mẫu đơn, peony) nhưng cuối Thu nên cây lá xác xơ héo tàn. Vườn quanh chùa khá u
nhàn tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ thân già ngã nghiêng xiêu đổ được chống đở
bằng những trụ bê tông. Trong một khoảng sân có tượng bạch mã làm bằng đá
trắng, tượng có lẽ mới được tạc sau này. Chùa có 4 ngôi Phật điện và một đài
các phía sau, tất cả các kiến trúc trong khuôn viên Chùa Bạch Mã đều xây trên
trục chính theo hướng Bắc Nam. Ngôi điện đầu tiên sau cổng Tam Quan là Ðiện
Thiên Vương (Hall of Heavenly King) bên trong có tượng 4 vị Thiên Vương. Hai
bên Ðiện Thiên Vương có hai ngôi mộ xây bằng những khối đá đó là nơi yên nghỉ
của hai vị đại tăng là Nhiếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan từ Thiên Trúc về Lạc
Dương dịch kinh. Ngôi điện thứ nhì là điện Ðại Phật (Mahavira) bên trong thờ
Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngôi điện thứ ba là điện Ðại Hùng ở đó có tòa an vị tượng
Phật Thế Tôn bên cạnh là tượng 18 vị La Hán. Ngôi điện sau cùng là Ðiện Tiếp
Dân. Bên cách Ðông có những dãy nhà như vãng lai phòng, niệm Phật đường, nơi
tăng sinh trú ngụ. Bên cánh Tây là thiền đường, phòng hoằng pháp và lưu trữ
kinh kệ. Hậu viện là đài các Thanh Lương Ðài bên trong có lầu Tùng Lô là nơi
chứa kinh, chính nơi đây hai nhà sư Nhiếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan ngàn năm
trước đã dịch bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương từ tiếng Ấn Ðộ sang chữ Hán.
Chúng tôi viếng chùa trong
cảnh trời chiều âm u nhiều mây xám, vắng bóng du khách với tính cách “cỡi ngựa
xem hoa” vì không có nhiều thời giờ. Nhân viếng chùa Bạch Mã tôi xin đề cập sơ
qua về cụm từ “cỡi ngựa xem hoa”. “Cỡi ngựa xem hoa” không chỉ để diễn tả trạng
thái đi thăm viếng một nơi mà chỉ lướt qua hời hợt bên ngoài mà cụm từ ấy là
một điển tích xuất phát từ nền văn học Trung Hoa. Số là ngày xưa có một anh
chàng lùn đi hỏi vợ. Sợ vợ và nhà vợ chê không ưng nên anh chàng giấu sự thiếu
thước tấc bằng cách mặc áo thụng và cỡi ngựa để đi coi mắt vợ. Bên đàng gái cô
dâu cũng không khá gì hơn vì cô có khuôn mặt rổ do bịnh trái rạ từ nhỏ. Cô giấu
khuôn mặt rổ bằng cách cầm bó hoa đứng sau rèm, che hoa lên mặt. Chàng lùn cỡi
ngựa xem mặt cô dâu rổ trái rạ mà chỉ thấy bông hoa cho nên mới có thành ngữ
“cỡi ngựa xem hoa”. Ý nghĩa nguyên thủy không phải là “xem qua hời hợt bên
ngoài” mà là “bên tám lạng, người nửa cân” đàng trai, đàng gái, đôi bên cùng
“ma giáo” như nhau và còn mang hàm ý
“nồi nào vun nấy”.
Nhiều từ ngữ khi phổ biến
trong quần chúng bình dân đã thay đổi ngược hẳn ý nghĩa nguyên thủy của nó thí
dụ như chữ “ma giáo” ngày nay được dùng như một tĩnh từ chỉ một việc làm có ý
đồ mưu mẹo trong khi nguyên thủy có lẽ là xuất phát từ chữ Lạt Ma Giáo là tôn
giáo lớn ở Tây Tạng?
Chúng tôi rời chùa lên xe để
đi Lạc Dương mà xa xa tiếng pháo từng tràng nổ dòn tan, có lẽ một đám rước dâu
hay một cửa hàng nào đó tưng bừng khai trương. Chúng tôi đến Lạc Dương khoảng
20 phút sau đó và “check-in” khách sạn Luoyang Peony được xếp hạng 3 sao.
Luoyang Peony có nghĩa “mẫu đơn đất Lạc Dương” vì hoa mẫu đơn được chọn là loài
hoa tiêu biểu đất Lạc Dương. Khách sạn này cũ và kém nhất trong 7 khách sạn của
chuyến du lịch Trung Quốc này nhưng cũng đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, bữa ăn sáng
cũng đủ các món có lẽ vì Lạc Dương là thành phố nhỏ chưa có khách sạn sang
trọng.
THÀNH PHỐ LẠC DƯƠNG
Lạc Dương nằm về phiá Tây của
tỉnh Hà Nam là điểm khởi đầu của “Con Ðường Tơ Lụa” đem lụa bán sang các nước
Phương Tây như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Diện tích 15,208 cây số vuông (km2) với
dân số 6.1 triệu người và vùng ngoại ô 1.38 triệu, đa số là người Hán tộc. Khí
hậu gió mùa lục địa với nhiệt độ hàng năm trung bình 14.7 độ C. Mùa mưa vào
tháng 6, 7 và 8 với vũ lượng trung bình hàng năm là 45.83 mm. Ðịa hình Lạc
Dương là đồng bằng, núi đồi, có các sông Hoàng Hà (Yellow River), sông Lạc (Luohe),
sông Di (Yihe), sông Li (Lihe) và Jianhe River. Lạc Dương là một trong 7 cố đô
của Trung Hoa, đã từng là đế đô kéo dài trong thời gian 1,592 năm vào trước Tây
lịch qua 13 triều đại vua chúa trong đó
đáng kể là các đời nhà Hạ (khoảng 2205-1766 BC), nhà Thương (hay Ân) (1766-1122
BC), Ðông Chu (1122-255 BC), nhà Tần (255-207 BC), Ðông Hán (208 BC-220 AC).
Thời Tam Quốc (213-280) Lạc Dương là thủ đô của nhà Đông Hán mà Tào Tháo (nhà
Ngụy) cố đánh để chiếm cho bằng được.
(Những niên đại được trích từ
“Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê).
ÐÊM LẠC DƯƠNG ÐI MASSAGE
Lạc Dương không có nghĩa là
“dê đi lạc” (vì dê sống thành từng đàn không đi lạc được, chỉ có bò mới hay
lạc) mà chắc có nghĩa là “lạc thú dương trần” nên mới gọi là Lạc Dương! Ðêm Lạc
Dương là “đêm buồn tỉnh lẻ” nên sau khi cơm nước xong không biết đi đâu chơi,
nhà truyền thanh quận Cam là Vũ Chung nhờ biết chút đỉnh tiếng Phổ Thông học
bên Ðài Loan nên hỏi thăm biết chỗ đấm bóp truyền thống Trung Quốc rủ chúng tôi
đi. Bốn người ngoài tôi và Vũ Chung còn có anh Phú (cựu sĩ quan binh chủng Nhảy
Dù, anh chị này đã từng đi chung với tôi trong Tour Du Lịch Thái Lan cuối năm
2003 cũng do AV Travel tổ chức) và Trung, chàng trai đất Bôn Sa, trẻ trung độc
thân vui tính và nhất là có hiếu vì không dẫn bồ mà dẫn mẹ đi du lịch. Chúng
tôi lên hai chiếc Taxi đến nơi Massage là một căn phố lầu. Nhân viên nam đồng
phục đón tiếp và đưa tất cả vào một phòng trên lầu có 4 chiếc ghế bành bọc nhựa
“simili” mà bật lưng dựa xuống trở thành một chiếc giường nhỏ. Mỗi người ngồi
vào ghế, một lát sau có 4 cô gái mang mỗi người một thùng nhựa vào. Trong thùng
nhựa đựng nước nóng với nhiều rễ lá cây khô có màu nâu đen như nước trà và xông
lên thoang thoảng mùi thuốc Bắc. Trong lúc chúng tôi ngâm chân vào nước nóng
thì các cô nói chuyện líu lo đi lấy trà nóng mang lên cho chúng tôi dùng. Ngâm
chân độ 10 phút thì các cô lấy khăn lông lau khô và bắt đầu bóp bàn chân, sau
đó bấm huyệt dưới lòng bàn chân. Bấm rất đau, tôi phải gồng người chịu đựng vì
nghĩ rằng có đau mới...đã tật, mới đả thông được huyệt đạo bế tắc lâu ngày,
giúp khoẻ khoắn sau một ngày dài đi viếng 2 cảnh chùa là Thiếu Lâm Tự và Bạch
Mã Tự. Sau đó nằm xuống, các cô gái ngồi ghế thấp bóp ống quyển và đùi. Bóp khá
mạnh tay, bóp tới đâu làm nóng lên vùng đó, chập chờn nửa tỉnh nửa mê, tận
hưởng và đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Anh Phú nằm kế bên thì đã ngáy khò khò từng
hồi cao thấp, bổng trầm. Ðang ngủ thì tôi giật người đau điếng vì bị bóp nhằm
khớp xương đầu gối vốn bị phong thấp kinh niên và mấy ngày nay đi bộ quá nhiều
nên càng đau, bây giờ lại bị bóp nhằm chỗ nhược! Nhưng tới phần lưng, vai và
cánh tay thì thật sảng khoái. Trong lúc làm 4 cô nói chuyện với nhau cười khúc
khích mà sau này anh Vũ Chung nghe được mới thuật lại trên xe buýt cho cả đoàn
nghe. Một cô lanh nhứt tưởng rằng không ai trong bọn tôi hiểu tiếng Quan Thoại
nên tự nhiên hỏi các cô kia: “Mấy thằng cha này không biết ở đâu tới ? Họ không
phải là người Ðài Loan và nói tiếng nghe rất lạ, không biết người nước nào
nhỉ?” Cô gái khi bắt đầu vén ống quần bóp chân cho Trung kêu lên: “Quái! Chân
cha này như...giò heo không có lông lá gì hết!”, “Mà sao người nó trắng dễ sợ!
Chắc bọn họ ở bên Mỹ?...” Vũ Chung nằm nghe hết nhưng không nói gì để cho các
cô tự nhiên phê bình “hội luận”, một lát sau anh chàng mới lên tiếng. Các cô ré
lên cười, mắc cở thụi nhau thình thịch.
Tôi mơ màng nhưng vẫn nghe
các cô nói cười bổng bị vực ngồi dậy để bấm huyệt trên đầu và sau đó tỉnh hẳn
để uống ly trà nóng mà cảm thấy người sảng khoái nhẹ nhàng. Chín mươi phút
“foot massage” nhưng được làm khắp người mà chỉ trả có 50 yuan (6.25 US$) thật
là rẻ! Tôi đề nghị các bạn khác cho tiền “tip” mỗi cô bằng nhau là 50 yuan nữa.
Các cô gái nhận tiền, cám ơn và lộ vẽ vui vì “tip” như vậy là hậu rồi. Các cô
gái người nào cũng ốm yếu nhưng làm việc rất tận lực, cũng đổ mồ hôi chứ không
phải nhẹ nhàng gì. Có lẽ các cô từ nông thôn mới lên thành phố và đã học nghề
đấm bóp truyền thống này, đi làm độ nhựt sau đó dần dà hy vọng sẽ tìm được việc
làm khá hơn.
Trung Quốc thành phố nào cũng
to lớn, dân đông mười mấy triệu người, Lạc Dương 6 triệu được xem là thành phố
nhỏ, ít du khách nên giá sinh hoạt rẻ. Chín mươi phút “foot massage” ở Bắc Kinh
hay những thành phố lớn khác thường trên 15 US$ và đắt nhất là Thượng Hải. Sau
khi đi massage ở Lạc Dương có lẽ trở thành “ghiền” nên những đêm sau ở thành
phố nào chúng tôi cũng đều rủ nhau đi massage mà người cầm đầu không ai rành
bằng nhà truyền thanh Vũ Chung! Muốn biết thêm chi tiết xin cứ hỏi anh, còn tôi
thì...ai dẫn đi đâu thì theo đó, không biết gì!
CAPTIONS:
5690 Tam quan chùa Bạch Mã ở
cố đô Lạc Dương
5691 Tượng bạch mã chở kinh
Phật từ Ấn Độ về Lạc Dương
5692 Thanh Lương Đài ở cuối
sân chùa là nơi chứa kinh
5694 Vườn cây cổ thụ quanh
chùa
No comments:
Post a Comment