CHƯƠNG 15
LONG MÔN ĐỘNG Ở LẠC DƯƠNG
Long Môn Động (Longmen
Grottoes) cách Lạc Dương 17 cây số về hướng Nam nổi tiếng với trên 110,000
tượng Phật được điêu khắc trên đá. Nơi đây có hai ngọn núi Hương Sơn và Hổ Sơn
đối mặt nhau và dòng sông Di chảy ở giữa. Hai ngọn núi giống như hai ngọn tháp
của một cổng vào nên thời xưa gọi là “Yi Que” có nghĩa là Cổng Sông Di (Gate of
Yi River). Đến thời Đông Chu (1,122 BC) đời đô về Lạc Dương, cổng hoàng thành
xây hướng mặt về phía Cổng Sông Di nên “Di Giang Môn” được đổi thành Long Môn
có nghĩa Cổng Rồng (rồng ngụ ý là vua). Vì là vùng núi được xem là linh thiêng
nên khoảng năm 493 AD sau khi Bắc Triều dời đô trở về Lạc Dương đã cho điêu
khắc hàng vạn tượng Phật trên vách núi ở Long Môn trong suốt bốn trăm năm khiến
Long Môn Động trở thành một động đá trong 3 động có nhiều tượng Phật nhất ở
Trung Hoa. Năm 2000 Long Môn Động được
UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới.
Sáng ngày 13-10-2005 chúng
tôi đưa hành lý ra để trước cửa phòng
khách sạn Poeny ở Lạc Dương (Luoyang) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan) để nhân
viên khách sạn đưa xuống xe buýt vì chiều nay sau khi thăm viếng Long Môn Động
(Longmen Grottoes) và đền thờ Quan Công đoàn du lịch AV Travel sẽ dùng đường bộ
đi Tây An (Xian) tỉnh Thiễm Tây. Khách sạn Poeny 3 sao nhưng cũng đầy đủ tiện
nghi mặc dù chỉ nghỉ qua một đêm nên không dùng đến những tiện nghi này. Ăn
sáng ở nhà hàng Buffet trong khách sạn xong, chúng tôi trả phóng ra xe qua cầu
bắc ngang con sông Lạc (Luohe River) ở phiá Nam thành phố. Sông Lạc là một
nhánh nằm bên hữu ngạn của trường giang Hoàng Hà (Yellow River) là con sông lớn
chảy ngang tỉnh Hà Nam. Cũng như những thành phố khác của Trung Quốc, Lạc Dương
đang phát triển và phát triển về phía Nam của sông Lạc nơi đây đất còn trống ít
nhà cửa dân cư. Vùng này hôm chúng tôi đi ngang qua, đường xá đang làm và chung
cư cao tầng đã mọc lên hàng chục cái. Những bãi đất đang dọn trống dựng bảng
lên với hình tòa cao ốc sẽ xây để thu hút dân ghi tên mua nhà. Xe chúng tôi vẫn
tiếp tục chạy về hướng Nam đến một vùng có những dãy núi thấp cây cối xanh tươi
nhiều cây phong và liễu. Những dãy phố lầu mới xây nhưng làm dáng theo kiểu xưa
cổ dọc theo hai bên đường và thấp thoáng dòng sông trước mặt. Chúng tôi đã đến
khu di tích Long Môn Động với vạn tượng Phật điêu khắc trong đá núi cách đây
hơn 1,500 năm.
Xe buýt chúng tôi đậu vào bãi
trong khu phố du lịch bán đồ kỷ niệm và chúng tôi ngồi xe điện shuttle vào khu
Long Môn Động. Hai hướng dẫn viên du lịch đến mua vé vào cửa cho cả đoàn. Trước
văn phòng quản lý và bán vé vào cửa tôi thấy trên bảng đề giá vé tham quan là
80 yuan (10USD) và giờ mở cửa từ 7 giớ 10 đến 17 giờ 30. Trời nhiều mây và dự
báo hôm nay có mưa giông nhưng hiện thời trời không lạnh, gió mát và cảnh trí
nơi đây rất đẹp, sơn thủy hữu tình. Chúng tôi đi bộ về hướng Nam trên con đường
tráng nhựa dọc theo bờ sông Di (Yihe River) hai bên là những hàng liễu lá rũ
đong đưa theo gió. Phía trước là một chiếc cầu cao ba nhịp bằng bê tông có dáng
dấp Âu Châu nhưng không thấy xe cộ lưu thông trên cầu mà chỉ một vài du khách
đi bộ, tôi đọc thấy ghi là cầu Longmen xây năm 1959. Phía xa là một cây cầu sắt
khác nhưng không đẹp bằng cây cầu này. Sông Di là một nhánh của sông Lạc nơi
đây chảy theo hướng Bắc Nam, hai bên là hai dãy núi Hương Sơn nằm bên hướng
Đông và Hổ Sơn bên hướng Tây nơi có Long Môn Động mà chúng tôi đang đi đến. Bên
kia sông là núi Hương Sơn có đền và mộ của nhà thơ Bạch Cư Dị (772-864) là một
trong 3 nhà thơ Đường nổi tiếng là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị.
Con đường chúng tôi đang đi
chỉ dành cho du khách đi bộ dài một cây số, bên trái là dòng sông Di và bên
phải là triền núi Hổ Sơn trên đó người
xưa đã điêu khắc hơn 100,000 tượng Phật có kích thước từ 2 cm đến 17 mét vào
trong khoảng 2,300 động và hốc đá. Nhiều vách núi nhìn như những tổ ong bên
trong những hộc đó đều có tượng Phật. Các tượng Phật và thần linh ở đây có dáng
người Ấn Độ hay Trung Hoa, nam có, nữ có trong các tư thế đứng hoặc ngồi hay
khiêu vũ. Những tượng tuy to lớn nhưng có thân hình cân xứng, đầu không qúa lớn
như những tượng Phật mà ta thường thấy. Nghệ thuật tạc tượng đường nét hài hòa,
sống động, sắc sảo và công phu. Tuy điêu khắc trên đá núi thiên nhiên nhưng
người tạc thể hiện được nét mặt vui tươi, thanh thãn, đôi lúc tươi cười để lộ
hàm răng, nét nhăn trên trán như người thật. Tiếc rằng nhiều tượng Phật đã bị
đánh cắp chỉ còn lại chân đế, hốc đá trống không hay bị phá hoại như tượng mất
đầu hoặc thiếu tay chân.
Những động đá ở Long Môn
không sâu và to rộng như Động Phong Nha hay Vịnh Hạ Long mà nhỏ và cạn mà ta có
thể gọi là những hốc đá. Tuy nhiên vẫn có những động khá lớn như một gian đại
sảnh nhưng cạn, ánh sáng mặt trời soi rõ được các tượng Phật bên trong nên
không cần phải thắp đèn màu như những động khác. Chúng tôi leo lên những bậc
thang bằng đá để tham quan một số động và để ý thấy tượng Phật Bà có dáng giống
như Phật Bà Quan Âm chiếm ¾ số tượng ở
đây. Có lẽ vào thời kỳ 1,500 năm về trước Phật Bà được dân Trung Hoa sùng bái
hơn các Phật Thích Ca, Như Lai, Di Lạc và các Phật La Hán?
Tôi đến trước một tấm bảng to
dựng cạnh chân cầu Long Môn bắt ngang sông Di và đọc được lời giới thiệu di
tích lịch sử Long Môn Động đại khái như sau: Long Môn là một trong 3 động có
nhiều tượng Phật điêu khắc trong đá nổi tiếng nhất Trung Hoa là Long Môn, Đôn
Hoàng (Mogao) ở Cam Túc và Vân Cương (Yungang) tỉnh Sơn Tây. Những tượng trong
Long Môn Động được điêu khắc lần đầu vào thời Bắc Triều khoảng năm 493 AD khi
hoàng đế Xiaowen dời đô từ Pingcheng (nay là thành phố Datong, tỉnh Sơn Tây
(Shanxi)) đến Lạc Dương và công cuộc điêu khắc kéo dài 400 năm cho đến thời Bắc
Tống. Đa số các tượng nằm bên dãy đồi phiá Tây, còn những tượng bên đồi phiá
Đông được tạc sau đó vào đời nhà Đường.
Các động còn lại ngày nay
điển hình là các động Guyang, Binyang, Lianhua, Weizi và Huangfugong. Trong số
đó động Guyang được xem là được tạc sớm nhất và có số tượng phong phú nhất.
Khoảng 60% động và tượng ở Long Môn Động được tạc vào đời nhà Đường. Tiêu biểu
trong số này là các động Fengxiansi, Qianxisi, Động 10 ngàn tượng Phật,
Gaopingjinwang và Kanjingsi. Đặc biệt hơn hết là nhóm tượng Phật Bà Vairocana ở
động Fengxian với nghệ thuật sắc sảo làm bức tượng sinh động như có linh hồn
tiêu biểu cho nghệ thuật đời Đường trong lịch sử văn hóa của nhân loại. Những
tượng Phật ở Long Môn Động được xếp hạng nhiều tượng nhất trong các động tượng
Phật ở Trung Hoa. Không những là di tích để tìm hiểu lịch sử mà là dấu khắc cụ
thể trong từng giai đoạn khác nhau và phong cách nghệ thuật khác nhau.
Tôi đến động Binyang đọc tài
liệu thấy các tượng trong động này được tạc trong thời gian kéo dài đến 24 năm,
có lẽ là lâu nhất trong các động ở đây. Binyang có 3 động lấy tên là động
Binyang giữa, Bingyang Nam và Binyang Bắc, là những động tráng lệ nhất thời Bắc
Triều. Động Binyang giữa quan trọng nhất trong 3 động. Nó được xây dựng trong khoảng
năm 500 đến 523 AD. Với vòm mái che bằng đá phiá trên, động giữa có kích thước
12 mét chiều dài, 10.9 mét ngang và 9 mét cao. Giữa dộng là tượng Phật Thích Ca
với một môn đệ và thần Bodhisattva ở mỗi bên. Ngày trước có hai tượng khác nữa
rất lớn khiến động Binyang trở thành nơi thờ tự chính mà mỗi khi vua Xiaowen và
hoàng hậu thường cúng tế nơi đây. Sau này hai tượng bổng biến mất và ngày nay
là tài sản của hai viện bảo tàng Texas và New York!
Động thứ hai mà tôi chú ý là
động đền thờ Fengxian ở gần cuối con đường và động ở trên cao phải bước lên
hàng trăm bậc thang và là động lớn nhất có chiều dài 39 mét và chiều ngang 35
mét, được đục trong núi 1,300 năm về trước (khoảng năm 672 đến 675 AD dưới
triều đại nhà Đường. Ngày xưa động có vòm mái che bên trên bằng đá thiên nhiên,
ngày nay mái đã sập và những tượng điêu khắc nằm ra giữa trời. Bảo vật đẹp và
hoành tráng nhất ở động Fengxian là tượng Phật Bà Vairocana trong tư thế ngồi
thiền với nét mặt an nhiên tự tại. Tượng cao 17.14 mét là tượng lớn nhất ở Long
Môn Động với đầu tượng dài 4 mét và tai dài 1.9 mét. Tượng ngồi giữa động đền
thờ, dung nhan đức Phật Bà là một sự phối hợp toàn hảo triết thuyết an nhiên,
tinh thần tự tại và tư tưởng vị tha rộng mở. Cặp môi hơi cong lên và đầu cuối
xuống, điểm nụ cười nhẹ khiến diện mạo của bà trông thông minh sắc sảo của một
phụ nữ trung niên làm cho người ta tôn kính nhưng không sợ sệt.
Người ta cho rằng tượng được
điêu khắc theo khuôn mặt của nữ hoàng Võ Tắc Thiên nhà Đường (684-705) theo
lịnh của bà nên người ta cũng còn gọi là tượng Võ Tắc Thiên. Xa hơn vì tính
chất nghệ thuật tuyệt mỹ của bức tượng người ta còn gọi là “Mona Lisa Đông
Phương”, “Thần Vệ Nữ Đông Phương” hay “Bà Mẹ Trung Hoa” (Mother of China). Bên
cạnh bức tượng còn có tượng thần Ananda, Bodhisattva, Thiên Vương và thần
Vajra, tất cả đều có nét điêu khắc sống động và nghệ thuật. Đứng trên động thờ
Fengxian nhìn xuống sông Di mặt nước êm đềm với hàng liễu rũ, cây cầu Long Môn
soi bóng trên sông và phiá xa là ngọn Hương Sơn thấp thoáng mái chùa là một phong
cảnh nên thơ như tranh vẽ.
Sau khi thăm viếng, chụp ảnh,
mua qùa kỷ niệm chúng tôi tập trung ở bến đò để đi thuyền máy trở lại nơi cổng
vào. Trong lúc chờ thuyền tới đón có môt bà cụ người Hoa đi với người con trai
tay xách một thùng nhựa đựng hai con cá Lý Ngư, có lẽ bà muốn phóng sanh chúng
xuống dòng sông Di linh thiêng này. Nhưng không biết sao mà bà chưa thả chúng
xuống nước mà lại bàn tán với những ngườì ở bến thuyền? Vì tôi không biết tiếng
Phổ Thông nên không hiểu câu chuyện họ đang bàn như thế nào?
Thuyền đến chúng tôi lên ghe
và ghe từ từ tách bến xuôi về huớng Nam. Trời mưa lất phất và gió trên sông
lồng lộng thổi. Ngồi trên ghe có mui che nhưng gió luồn từ cửa trước vào nên
rất lạnh. Tôi hỏi ông Lương Kiện là hướng dẫn viên của đoàn để đóng cửa ghe
lại, ông nói với anh chàng tài công đang ngồi phía sau lái ghe thì anh ta cho
biết nếu đóng cửa lại sẽ cản gió ghe chạy rất chậm và có thể lật nghiêng nếu
gió lớn. Đành để cửa mở cho gió luồn từ trước ra sau và đoàn du lịch chúng tôi
chịu lạnh. Ngồi thuyền máy lướt sóng trên sông Di cũng rất thú vị, nghe sóng
xôn xao khua nhẹ mạn thuyền. Chúng tôi chạy dưới gầm cầu Long Môn và cập bên bờ
bên kia là bờ phiá Đông. Chúng tôi lên bờ và đi bộ qua cầu để ra cổng Long Môn
Động. Từ cổng chúng tôi tiếp tục đi về hướng phố xá bán đồ kỷ niệm để tới bãi
đậu xe. Nhiều người cũng còn muốn vào xem hàng hóa, cẩm thạch tại đây nhưng mưa
lất phất và giông gió nổi lên nên đành phải ngưng mua sắm mà lên xe để đi ăn
trưa và sau đó sẽ đi thăm đền và mộ Quan Công Vân Trường thời Tam Quốc.
CAPTIONS:
5709 Cây cầu Long Môn bắt
ngang sông Di trong khu di tích Phật Giáo Long Môn Động
5722 Những hốc đá bên trong khắc những tượng Phật
5735 Tượng Phật Bà Vairocana
được điêu khắc theo lịnh của nữ hoàng Võ Tắc Thiên
5743 Di tích Long Môn Động
nhìn từ thuyền trên sông Di
5750 Bên kia sông Di là Hương Sơn có mộ nhà thơ
Đường Bạch Cư Dị
No comments:
Post a Comment