Pages

Powered By Blogger

Monday, August 1, 2016


CHƯƠNG 16

MỘ QUAN CÔNG Ở LẠC DƯƠNG









Rời Long Môn Ðộng nơi có hơn 100 ngàn tượng Phật được điêu khắc trên vách núi, chúng tôi tiếp tục đến lăng mộ Quan Vân Trường tức Quan Công, một võ tướng của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc được mọi người biết đến trong bộ truyện Tam Quốc Chí. Ông là vị anh hùng trung kiên nghĩa khí, không hề khiếp sợ trước bạo lực, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.



Trước Lăng Mộ Quan Công giống như chùa Bạch Mã cũng có một khoảng sân xi măng rất rộng mà trên đó có một ngôi đền nhỏ nằm cheo leo như một ốc đảo trên sân rộng. Ðối diện là cổng tam quan tường đỏ mái ngói lưu ly xanh ngọc thạch chạm hoa văn rồng và những linh vật, hai tượng sư tử đá đứng chầu hai bên. Ngày xưa cổng tam quan thuần túy tạo vẻ uy nghiêm bề thế cho lăng mộ đồng thời cũng bảo vệ mộ phần không bị kẻ gian hay địch quân đào lên dày xéo linh thể hoặc cải táng đi nơi khác vì khi an táng đã nghiên cứu phương hướng địa dư phong thủy để dòng họ con cháu tiếp tục hưng thịnh mà trị quốc an dân. Linh thể người chết bị xâm phạm đồng nghĩa với dòng họ sẽ sa cơ, quyền lực sẽ bị hủy diệt. Cho nên cổng tam quan một lăng mộ cũng quan trọng như cổng hoàng thành, kiến trúc với nhiều lớp cửa và tường cao bao bọc xung quanh. Ngày xưa cổng tam quan giữ an ninh cho lăng mộ nhưng ngày nay trở thành phòng bán vé cho du khách vào tham quan hay cúng tế và cửa vào chính là nơi soát vé và đếm người, hai cửa phụ hai bên là lối ra.



Qua khỏi cổng tam quan chúng tôi bước trên lối đi dẫn vào chính điện ngôi đền mà hai bên là rừng cây tùng bách Cypress cổ thụ thân nổi xớ xù xì nhưng cây cao, cành lá xum xê trông thật êm đềm nhàn nhã. Hai dãy hàng rào bằng đá dọc theo lối đi mà trên mỗi cột là tượng kỳ lân bằng bạch ngọc không con nào giống con nào. Tổng cộng nơi lăng có đến 200 tượng đá qúy. Không biết lễ hội hay giỗ chạp gì mà cờ ngũ sắc đuôi nheo được treo bay phất phới hai bên con đường dẫn đến đền thờ Quan Công. Ðền chính cũng mái ngói âm dương, kiến trúc hiện tại có lẽ được xây cách đây vài mươi năm, sau Cách Mạng Văn Hóa nên bảng hướng dẫn không đề năm xây cất, chỉ nói một cách tổng quát về đền Quan Công như sau: “Quan Lăng ở Lạc Dương là một quần thể kiến trúc vừa đền thờ vừa lăng mộ của Quan Công còn tồn tại duy nhất ở Trung Quốc. Ngược dòng thời gian khoảng 1,700 năm về trước, Tào Tháo (Cao Cao) cữ hành lễ an táng Quan Công tại đây vào tháng Giêng năm 219 trước khi nhà Thục Hán suy vong. Từ ngày ấy đến nay Quan Lăng nhiều lần được tôn tạo và xây lại nhưng ngôi mộ không hề bị xâm phạm. Ngày nay Quan Lăng tọa lạc trong khu vực có hơn 180 căn phòng (rooms), 50 bức cổ họa và hơn 200 tượng điêu khắc là nơi linh thiêng để thờ Quan Công”.



Ngôi đền chính là một dãy nhà cũng khá lớn nhưng về 180 căn phòng thì tôi hơi thắc mắc chắc là không tới số đó kể cả ngôi đền nhỏ phía sau? Trước ngôi đền chính là một ngôi nhà khá rộng cùng kiểu mái ngói nhưng phiá chính diện để trống không có vách chỉ có một hàng cột tròn sơn màu đỏ. Nơi đây đặt một lư hương rất lớn để người đến chiêm bái thắp nhang đèn. Sau đó là một bệ cao phủ vải điều đỏ trên đó bày lễ vật cúng tế gồm có trái cây và bánh mứt. Lạ một điều là có những dĩa bánh trái đã lâu ngày (có lẽ hàng tháng trời) đã ôi mốc bay mùi chua thối nhưng người ta không quăng bỏ mà vẫn bày biện trên bệ, những trái chuối, trái đào đã ngã màu đen và bánh thì đã nổi mốc trắng xanh, ruồi nhặng vo ve bu đậu! Không xa đó một phụ nữ tuổi trung niên mặt mày trang điểm, có lẽ nhân viên trong đền, bình thản ngồi nơi chiếc bàn con không tỏ vẻ gì khó chịu. Bánh trái hư cũ nằm phiá bên trong và người ta đôn dần những đồ cúng mới vào phiá ngoài. Có lẽ quy tắc ở đây không được loại bỏ những gì mà người ta dâng cúng?



Bước vào trong đền, chính điện là tượng Quan Công to lớn cao khoảng 3 mét, mặt đỏ sậm, râu dài, đội mảo kim hoa, mặc giáp trụ có thêu rồng phiá ngoài khoác lục bào đang ngồi trên ngai hai bên là tượng những thuộc hạ thân tín đứng chầu mà tôi chỉ biết hai người là Châu Xương và Quan Bình vốn là con nuôi của Quan Công. Châu Xương đứng bên tả mặt rằn tay cầm thanh long đao. Quan Bình bên hữu nét mặt thanh tú. Gian chính điện có vẽ âm u tối tăm vì thiếu ánh điện và ánh sáng bên ngoài lọt vào, không khí huyền bí và trẻ con vào đây rất sợ sệt trước những bức tượng to lớn, một vài tượng nét mặt dữ dằn như những hung thần. Không thấy tượng con ngựa Xích Thố mà Quan Công thường cỡi ra trận mạc. Sau khi Quan Công bị giết, con ngựa qúy bị Mã Trung bắt được đem về dâng cho Tôn Quyền. Quyền thưởng cho Mã Trung cỡi nhưng mấy hôm nó không chịu ăn cỏ rồi cũng chết. Những chùa thờ Quan Công của người Hoa ở VN như ở Hội An hay Trà Vinh là quê tôi đều có tượng con ngựa Xích Thố, nhưng nơi đây chính là mộ chôn Quan Công lại không? Tôi không hiểu tại sao? Trước tượng Quan Công người ta qùy lạy nhưng không được thắp nhang đèn vì sợ khói ngộp ô nhiễm vì ngôi đền qúa kín, đó là lý do tại sao người ta xây thêm gian nhà phụ để trống không có vách trước đền nơi khách thập phương có thể đốt đèn nến và thắp nhang.



Rời ngôi đền chính, tôi ra phía sau là một gian đền phụ cửa đóng then gài và có bảng đề: “Ðền thứ hai: được xây cất năm 1592 AD niên hiệu thứ 20 triều đại Wanli nhà Minh”. Qua khỏi đền phụ là khu mộ phần của Quan Công có bia đá ghi tiểu sử, công đức và bên trên mái che hình bát giác trang trí nhiều phù điêu có vẽ mới xây cất sau này. Trước cửa mộ có cổng tam quan bằng đá trắng với nhiều tượng kỳ lân, chó ngao, lư nhang. Mộ của Quan Công là một ngọn đồi giả sơn trồng cỏ và những cây tùng Cypress được rào kín bằng tường gạch nung xanh và có cửa đi vào khu đồi nhưng đóng kín với một bảng đề: “Mộ Quan Vũ (Tomb of Guan Yu): Năm 219 AD, năm thứ 24 triều đại Jian’ an nhà Ðông Hán, Quan Vũ bị giết và thủ cấp (đầu) được chôn tại đây bởi Tào Tháo (Cao Cao). Tường rào quanh mộ được bắt đầu xây đời nhà Thanh.”



Cuối thời nhà Hán nước Trung Hoa chia làm 3 mảnh, trong lịch sử gọi là thời Tam Quốc (213-280). Tào Tháo là tướng của Hiến Đế tự xưng là Ngụy Vương chiếm ngôi nhà Hán đóng đô ở Lạc Dương, lộng quyền ở phương Bắc. Tôn Quyền ở Đông đóng đô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay) gọi là nước Ngô và Lưu Bị cũng xưng đế nước Thục Hán, trấn ở phương Tây, kinh đô là Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Ba nước Ngụy, Thục và Ngô trong thế chân vạc kình chống nhau, Ngô và Thục Hán có lúc thỏa hiệp để cùng chống Ngụy.



Trong nội bộ nước Thục Hán, Lưu Bị là một ông vua tầm thường nhưng biết trọng người hiền nên được Gia Cát Luợng {Khổng Minh) giúp sức. Khổng Minh giỏi hiến kế bày mưu và rất trung thành nhưng vì ông có đức nhân, cả nể Lưu Bị, bỏ lỡ nhiều cơ hội nên có khi thất bại. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đã cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em ở vườn đào. Lời thề huynh đệ sống chết có nhau thể hiện qua hàng trăm trận đánh đẫm máu với quân thù. Quan Công can đãm anh hùng được dân chúng mến phục trong khi Trương Phi cương trực, nóng nảy không chịu được giả dối khiến người đời thương mến gần gũi.



Năm 219 Quan Công và Quan Bình thua chạy ra Mạch Thành và bị Mã Trung là người của Tôn Quyền nước Ngô bắt được cả hai cha con. Tôn Quyền rất sợ Quan Công, ngày nào Quan Công còn sống là Quyền ăn ngủ không yên nên hành hình hai cha con Quan Công nhưng sợ Lưu Bị kéo quân đánh báo thù nên sai người đem thủ cấp của Quan Công dâng cho Tào Tháo để Lưu Bị tưởng rằng cái chết của Quan Công là do Tào Tháo chủ mưu. Tào Tháo biết thâm ý này và cũng sợ Lưu Bị đánh mình nên hoá giải bằng cách cho tổ chức đám tang Quan Công long trọng, cho tạc một thân thể bằng gỗ trầm và chắp đầu Quang Công vào để chôn ngụ ý là chính Tôn Quyền giết Quan Công. Đám tang Quan Công cử hành long trọng, Tào Tháo sai giết trâu mổ bò làm lễ cúng tế và chôn đầu Quan Công ở ngoài cửa Nam thành Lạc Dương, các quan lớn nhỏ đều phải đi đưa đám ma. Bấy giờ là năm Kiến An thứ 24 (219) tháng 10 mùa đông và Quan Công thọ 58 tuổi.



Sau khi chết Quan Công được tương truyền rất hiển linh và thành thánh nên người Trung Hoa trong và ngoài nước đều lập những đền chùa để thờ Quan Công mà người ta thường gọi là chùa Ông. Đến ngày giỗ vào mùa Xuân tại đền và mộ Quan Công ở Lạc Dương này người ta cữ hành lễ hội cúng tế rất long trọng, nhiều phái đoàn người Hoa từ Đài Loan, Singapore về tham dự đông đảo. Hầu hết các tỉnh ở VN cộng đồng người Hoa đều có lập chùa thờ Quan Công. Tại Little Saigon trên lầu thương xá Phước Lộc Thọ cũng có bàn thờ Quan Công và thường xuyên có người đến thắp nhang khấn vái với tất cả lòng thành kính. Nhiều người thờ kính Quan Công nhưng không có dịp nhìn tận mắt ngôi mộ Quan Công, trong khi hôm nay tôi chỉ là một du khách không thờ Quan Công lại đến được nơi đây với lòng thành kính một hảo hán đầy nghĩa khí.



CAPTIONS:

5755 Ngôi miếu đối diện khu mộ Quan Công ở Lạc Dương

5756 Cổng tam quan dẫn vào đền mộ Quan Công

5759 Ngôi chính điện đền thờ Quan Công

5761 Bánh trái dâng cúng có nhiều món đã mốc meo vẫn được bày biện

5766 Ba bức tượng  của Châu Xương, Quan Công, Quan Bình

5768 Khu đồi có mộ chôn Quan Công Vân Trường

No comments:

Post a Comment