HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
BÀI 3: KÉO DÀI VIỆC ĐÓNG GHE
Bài và hình: TRINH HAO TAM
Bắt đầu đóng ghe từ tháng 4 năm 1978 sau khi ông Lê
Xâu thuyết phục tôi nên ra đi vì ở lại không biết cuộc sống sẽ đi về đâu khi đất
nước rơi vào tay bọn khỉ rừng này! Bao nhiêu lần đưa tiền cho ông Hai và ông hứa
sẽ xong cho chúng tôi ra đi vào tháng 7 hoặc tháng 8 này nhưng cho đến cuối
tháng 9 tôi xuống Cần Thơ thì ghe chỉ mới xong phần lường, máy, hộp số, láp,
chân vịt, bánh lái vừa được gắn vào. Tôi đôn đốc ông làm mau lên vì mùa giông
bão tháng 10, tháng 11 sẽ đến ra đi không được. Ông nói không sao đâu, mùa đó
vùng Vịnh Thái Lan có bão cũng không đến nỗi nào, vẫn đi được. Dù không kinh
nghiệm đi biển trong mùa đó nhưng nhìn bản đồ thấy ông Hai nói cũng có lý vì vịnh
nhỏ được bao bọc bằng đất liền bởi Việt Nam và Cambodia. Việt Nam có hai mùa
gió: Mùa mưa từ tháng 4 cho đến tháng 11 gió Nồm thổi từ hướng Tây Nam lên hướng
Đông Bắc. Mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 3 gió Bấc hay trong Nam gọi là gió Chướng
thổi ngược lại từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Mùa bão ở VN thường xảy ra trong khoảng
từ tháng 7 đến tháng 12 là do đuôi các trận bão từ hướng Đông thổi vào.
Ông Hai than hết tiền, tôi và ông Lê Xâu phải nhận
thêm bà con tham gia vào chuyến đi. Thấy công chuyện có vẽ chậm chạp quá trong
lúc đó tôi có thằng bạn thân nhất đang ở Cần Thơ nên tôi kêu nó tham gia vào
chuyến đi, vừa thương giúp nó vừa có người ngay tại địa phương theo dõi, đôn đốc,
báo cho tôi biết công việc để tôi có thể đáp ứng tiền bạc, cung cấp đồ đạc kịp
thời. Chứ để ông Hai đơn độc, một mình ở đây tôi lo quá. Tháng trước ông nói
ông trở về Sông Ông Đốc cất lại căn nhà, rồi mua radio cassette nghe cải lương
trong khi ghe tôi nằm ở đây 4, 5 tháng rồi chỉ mới xong cái lường! Kéo dài càng
lâu công việc càng trở nên dễ bại lộ. Lúc đó phong trào vượt biên đã lên rất
cao, sau 3 năm nếm mùi thiên đường CS dân miền Nam đã liều mạng ra đi bất chấp
bị bắt, tiêu tan của cải, ghe chìm mất mạng, đói khát khi ghe chết máy lênh
đênh trên biển hay bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết chết. Mỗi ngày tỉnh nào
cũng có người bị bắt vì vượt biên.
Ông Lê Xâu rất nôn nóng vì hai thằng con lớn đã ra
đi với em tôi đang ở đảo thuộc Mã Lai, bàn với tôi liệu mình có nên đem ghe ra
để đi bán chính thức không? Tôi nhận xét cho rằng tới giờ này ghe mình vẫn còn
giữ được an toàn chưa bị lộ, ông bà Hai trong con mắt công an vẫn còn là “cha mẹ
chiến sĩ cách mạng”, vẫn đơn thuần là dân chài có công với cách mạng, ngày đêm
lam lũ lui cui lo sửa ghe để đem về Cà Mau đánh cá kiếm cơm qua ngày. Không thấy
có dấu hiệu dính dáng gì đến bọn vượt biên phản động. Nếu mình đem ghe ra trình
diện đăng ký bán chính thức trước hết mình sẽ mất quyền chủ động, không còn làm
chủ ghe mình được nữa. Bọn công an địa phương sẽ khống chế mình, muốn đưa ai xuống
chỉ huy mình cũng được, nhận vàng bắt mình phải nhận người của họ. Ra khơi họ
có súng còn mình tay không! Nhiếu tàu đi bán chính thức bị lật chìm vì chở quá
đông, hành khách mất trật tự, vô kỹ luật, sợ ngộp kéo nhau lên boong khiến tàu
chênh vênh mất thăng bằng bị lật!
Thật sự mà nói, không phải tự hào nổ sảng, tôi chỉ
tin tưởng ở tôi mà thôi! Chuyện gì không biết thì phải học, phải nghiên cứu tìm
hiểu, phải làm hết sức mình. Không giao sinh mạng mình, người thân mình vào tay
những người khác. Nhiều chuyến tàu nhờ tôi đi làm hoa tiêu, đem hết gia đình
không mất tiền bạc nhưng hỏi qua về cách tổ chức tôi không dám nhận lời. Khi đã
nổ lực hết sức mình, nếu có thất bại mình cũng bằng lòng hả dạ.
Trong khi ghe đóng ở Cần Thơ, ở Sài Gòn tôi vẫn là
công nhân viên nhà nước ngày ngày chạy Honda đi làm bên Thị Nghè. Sau 1975 từ
Võ Tánh tôi dọn về Phạm Ngũ Lảo nơi góc Đề Thám thuộc Phường 17 Quận 2 lúc đó.
Căn phố này của chú tôi là nha sĩ học bên Tây vế, là rể của ông Benoit Châu một
nhà giàu ở quận 3, con cháu của ông Huyện Sĩ. Ông Huyện Sĩ ngày xưa là chủ đất
hết cả vùng chợ Thái Bình, mới cất dãy phố trên đường Phạm Ngủ Lảo này và ông
Benoit Châu mới cho chú tôi một căn để làm phòng nha khoa. Sau 1975 trước khi
sang Pháp, vì thím tôi quốc tịch Pháp, chú tôi làm giấy sang căn nhà cho tôi.
Lúc đó là cán bộ công nhân viên nên tôi nhập hộ khẩu dễ dàng và dân ở đây lại bầu
tôi làm Tổ Phó tổ dân phố vì tôi làm cho nhà nước và hay giúp đỡ tranh đấu phản
ảnh các vụ gạo đường bột ngọt cho đồng bào. Tổ trưởng khu phố này là đạo diễn
Lưu Bạch Đàn ông ta chỉ là thành viên Hội Nghệ Sĩ chứ đâu là công nhân viên
lãnh lương nhà nước như tôi! Nhờ nhản hiệu đó mà cái đám “cách mạng 30” nể mặt
không dám dòm ngó.
Lúc đó từ việc cung cấp bản đồ hàng hải cho những
chuyến vượt biên chui hay bán chính thức tôi làm thêm một nghề ít người làm là
buôn bán la bàn đi biển. La bàn thời đó rât hiếm hoi nên đắt tiền và là một mặt
hàng quốc cấm mặt dù không có luật lệ nào ban hành nhưng hể ai buôn bán là bị bắt.
Nhưng ở VN cái gì cũng có, muốn tìm mua la bàn ra đầu đường Nguyễn Huệ gần bồn
phun nước, các tay buôn bán la bàn, vàng và đô la ngồi ở các ki ốt bán hoa. Trước
1975 giới ngư nghiệp đánh cá biển ngoài xa chuộng la bàn loại gắn trên thiết vận
xa M88 màu đen có mặt kính bán cầu, dĩa mặt số phương hướng chao lượng được khi
tàu lắc. Loại lớn hơn trang bị trên tàu Mỹ há mồm BCF nên la bàn này gọi là la
bàn BCF, loại này to lớn mặt kính phẳng có đèn chiếu sáng rất đẹp. Còn các tàu
hàng dân sự to lớn thì dùng các la bàn mặt số đường kính 2, 3 tất thường do
hãng Seiki của Nhật Bản chế tạo.
Ở VN cái gì cũng có đồ giả, la bàn cũng vậy do trong
Chợ Lớn làm, cũng rất công phu phối hợp giữa các thợ tiện làm body la bàn, thợ
làm mặt kính đồng hồ Seiko giả để làm mặt số và thợ làm chụp đèn lái xe Honda để
làm mặt cầu cho la bàn. Loại giả này làm khá tinh xảo, người không chuyên môn
khó phân biệt được. Loại giả này cũng xài được nhưng độ sai lệch cao, chao lượng
xong , mặt số chậm về vị trí đúng của nó. Thời 1978 giá loại giả này cũng bằng
1, 2 lượng vàng (giá vàng thời đó khoảng 2,000 đồng tiền mới một lượng).
Để tránh bị bắt bớ, tôi không trực tiếp bán, chỉ
giao thiệp với 1, 2 người gốc Hoa ở chợ trời Nguyễn Huệ trong đó quen nhất anh
tên Hùng, đã vượt biên nhưng tới nay không biết sống chết hay định cư ở đâu
chưa gặp lại. Hoặc là giao cho bạn bè đi bán, cũng có vài lần bạn bè bị công an
bắt nhưng cũng được thả ra sau khi tịch thu la bàn! Có một lần tôi bị một đàn
em gạt, thằng này rất hiền lành đã từng bán cho tôi vài cái. Lần sau cùng hắn
ta nói có một mối đi bán chính thức ở Vũng Tàu muốn xem vài cái, tôi chở anh ta
đến một con hẻm đường Nguyễn Thông. Anh ta nói người ta ngại nên kêu tôi ngồi
trên xe Honda ở ngoài chờ và mang đi 3 cái la bàn vừa thật vừa giả. Ngồi chờ
hơn một tiếng đồng hồ là biết đã bị gạt! Làm nghề nào cũng có lúc gặp điều
không như ý! Ngoài la bàn người ta cũng cần ống dòm lúc đó cũng rât hiếm.
Muốn sống dưới chế độ đó tôi thường đùa rằng “Nói
như Cộng Sản, sống như Tư Bản và suy nghĩ như Lão Trang”. Họp tổ dân phố, tôi
là người bị công an khu vực yêu cầu đứng ra thuyết minh, giải thích về những
chính sách mới của nhà nước. Kêu người ta làm nhưng tôi không làm. “Đi với sư mặc
cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thời Hồ Mạt là phải giả dối nhưng chớ hại ai là
được.
Có một chuyện cũng rất thót tim mà cũng buồn cười! Một
hôm tôi ngồi trong nhà, trên bàn viết tôi ngồi đồ lại bản đồ đi biển để cung cấp
cho khách hàng vì bản chính tôi chỉ còn duy nhất một tấm mà ra tiệm photocopy
là dính. Nhìn ra cửa thấy anh công an khu vực xâm xâm đi vào! Anh ta thường tới
để hỏi han này kia hay chỉ là muốn tôi dẫn đi uống cà phê như bao lần khác. Cất
giấu thì không kịp, tôi thản nhiên tiếp tục làm. Anh ta hỏi tôi làm gì thế? Tôi
nói “Công tác ở cơ quan dạo này khá khẩn trương nên phải mang về tranh thủ
làm!” Rồi đưa anh ta ra quán cà phê trước nhà. Thấy anh ta cũng vô tư không
nghi ngờ gì! Chắc anh ta chỉ nghĩ đến ly cà phê và điếu thuốc Vàm Cỏ mà không
biết bản đồ hàng hải là cái thứ gì? Cũng tội nghiệp cho anh ta mua được một chiếc
xe đạp, không dám để dưới công an phường mà gởi ở nhà tôi. Trước khi tôi ra đi,
năm lần bảy lược kêu anh ta đem xe đạp gởi chỗ khác. Tôi lấy lý do là về quê cất
nhà hơi lâu, sợ để ăn trộm rinh mất. May là anh ta cũng đã mang đi, nếu không
tôi đi rồi, nhà sẽ bị niêm phong, anh ta không còn có dịp mang xe về Bắc!
No comments:
Post a Comment