HỒI KÝ VƯƠT BIÊN
BÀI 2: ĐÓNG GHE LỚN
BÀI VÀ HÌNH: TRINH HAO TAM
Vậy là chuyến vượt biên bắt đầu được lên kế hoạch,
an toàn là điều quan trọng nhất, làm sao để không bị bắt? Muốn vậy cần phải giữ
hết sức bí mật, ngoài những người tham gia trong chuyến đi và những người cộng
tác nhưng ở lại, số người biết về chuyến đi càng ít càng tốt. Số người đi toàn
là gia đình họ hàng hay bạn rất thân và cùng chí hướng, con số này càng ít càng
an toàn khi di chuyển. Lúc đầu tính toán chỉ gồm khoảng 30 người nhưng sau đó
vì cần thêm tài chánh nên cuối cùng con số tăng lên tới giờ cuối cùng rời khỏi
VN là 44 người trong đó phân nửa là con nít dưới 16 tuổi.
Ông Lê Xâu và tôi thỏa thuận tất cả chi phí góp đều
nhau mỗi người một nửa, số người đi hai bên cũng đều nhau nếu bên nào hơn thì
bên đó trả thêm bằng cách tính toán chi phí của mỗi người so với tổng chi phí
cho chuyến đi. Thật ra lúc đó tôi còn quá trẻ nên không chú trọng mấy vấn đề tiền
bạc này chỉ mong sao đi thoát là được nhưng ông Lê Xâu là người lớn tuổi hơn, đầu
óc tính toán thực tế hơn. Thấy cũng đúng, thà là giao kết sòng phẳng trước, để
khỏi phải tranh chấp mất lòng sau này. Nguyên nhân thất bại trong sự cộng tác của
người Việt chúng ta cũng là vì không giao kết rõ ràng trước cũng như không giữ
chữ tín. Tôi xem chữ tín rất quan trọng khi cộng tác công việc với ai.
Việc đầu tiên là phải đóng ghe trước, ghe đóng phải
đi biển an toàn, lướt sóng vững vàng không dễ lật ngang, gỗ tốt, ráp nối toàn
dùng bù lon chứ không dùng đinh đóng, xảm trét ván thuyền làm kỹ lưởng không vô
nước. Tôi đã từng là Trưởng Ban Đăng Bộ Giang Thuyền, Sở Hàng Hà (sau này VC gọi
là Cục Đường Sông) nên hiểu biết kỹ thuật đóng ghe tàu nhưng đi vào chi tiết thực
tế ngư dân Miền Nam áp dụng trong việc đóng ghe thật tình tôi còn thiếu kinh
nghiệm nhưng việc này có ông Hai ở Sông Ông Đốc là người tổ chức lèo lái khi
còn trên bờ lo. Còn khi ra biển là nhiệm vụ của tôi. Nghĩ tới đây tôi lấy làm cảm
kích sự tin tưởng của 43 người đã phó thác sinh mạng của mình vào tay tôi, một
người yếu đuối 31 tuổi đời!
Nói về nhân vật ông Hai thật sự nếu không có ổng thì
chắc tôi đi cũng không được mặc dù ổng không phải là người hoàn toàn tốt lành. Ổng
kéo dài công việc đóng ghe ra để moi tiền tôi và ông Lê Xâu nhưng được là ổng
không kéo dài mãi, cuối cùng cũng phải xong để chúng tôi ra đi. Năm đó ông Hai
khoảng 60, ông Lê Xâu khoảng 50, ông Hai thời chiến tranh trước 1975 là ngư dân
ở làng Ông Đốc nơi có cửa sông đâm ra biển. Làng Ông Đốc thuộc tỉnh Cà Mau là
vùng xôi đậu, tranh tối tranh sáng nhưng đa phần là do VNCH kiểm soát, khi VC đến
thì người dân phải sống với họ. Khi quân đội VNCH hành quân thì VC phải rút vào
rừng, ông Hai cũng như dân làng cũng phải che chở và giúp di tản vô rừng mắm
hay ra biển lên ghe đi nơi khác. Vì vậy ông Hai rất am tường địa thế vùng Sông
Ông Đốc, ngày nay ông là “cha mẹ chiến sĩ”, hình như con gái ông tập kết ra Bắc
và hiện nay con gái ông trở về ở với ông và chồng là bộ đội giải ngũ người Bắc
tên Hiên.
Em trai tôi có một người bạn thân cũng là rể của ông
Hai và ông đã tổ chức cho tụi nó ra đi mấy tháng trước đây và chuyến đó ông Lê
Xâu cùng vợ và 5 con bị bỏ lại, chỉ 2 người con trai lớn là đi được. Vì vậy ông
Lê Xâu tìm đến tôi để cùng hợp tác làm ghe đi trở lại, tôi lo về hải hành, định
vị, phương hướng. Ông Lê Xâu lo về tài chánh và ông Hai lo đóng ghe, nhiên liệu,
thực phẩm, đưa người vào rừng và đem ghe lớn ra biển. Chúng tôi nhờ ông Hai tìm
dùm một tài công có kinh nghiệm lái ghe đánh cá và biết về máy Diesel chạy ghe
với điều kiện người này ra đi một mình. Ông Hai giới thiệu một ông gốc Tàu đi
lính cho Tưởng Giới Thạch rồi sau này theo ông cha Nguyễn Lạc Hóa vào ở trong
biệt khu Hải Yến ở Cà Mau. Khi VC chiếm miền Nam, dân trong biệt khu này sợ bị
trả thù nên chạy tán loạn. Ông Hai nói ông tài công này đòi 10 lượng vàng vì phải
để lại cho vợ con và chúng tôi đã đưa vàng cho ông Hai. Tới giờ chót khi lên
ghe lớn ra biển ông Hai nói ông tài công Tàu này đã bỏ trốn!
Ông Lê Xâu và ông Hai gặp nhau ở Cần Thơ và tìm kiếm
mua ghe. Khi đó tình hình vượt biên rất rầm rộ vừa đi chui vừa đi bán chính thức
như mua bãi chung tiền cho nhà nước để không bị bắt bớ. Do đó ghe và động cơ chạy
ghe rất khó tìm và lên giá rất cao. Cuối cùng cũng mua được một chiếc ghe đi
sông kiểu Long Xuyên gỗ đóng ghe rất cũ nhiều chỗ đã mục nhưng máy Yanmar 3
block 30 mã lực còn khá. Chủ không chịu bán máy không mà bán luôn cả ghe vói
giá 18 triệu đồng cũ VNCH (tức 36 ngàn tiền mới lúc đó 1978 hay là 3,600$ tiền
VN ngày nay 2018). Để so sánh giá trị tiền lúc đó thì năm 1970 tôi mua căn
chung cư trên cao ốc Hoa Lư số 60 Võ Tánh Quận 2 với giá 2 triệu đồng cũ VNCH.
Ông Hai đem ghe Long Xuyên mới mua về ụ ghe của ông
Tư Chơn ở Cái Răng tháo lấy máy và gắn vào một chiếc ghe biển mới đóng bằng gỗ
cây sao cũ còn tốt. Ghe biển này có giấy tờ mang số đăng bộ MH 3637 là ghe của
ông ở Sông Ông Đốc mà ông có giấy phép lên Cần Thơ để tu bổ. Ghe biển này có
kích thước chiều dài 13.40m, chiều ngang rộng nhất 4.20m và chiều sâu nhất
1.20m. Cứ mỗi cuối tuần vào chiều thứ Bảy, tan sở làm tôi ra xa cảng Miền Tây ở
Phú Lâm để xuống Cần Thơ tiếp tế tiền bạc cho Ông Hai và mang những món trang bị
ghe mà ông cần dùng. Mỗi lần đi phải mua vé xe chợ đen và luôn có sự vụ lịnh
công tác (tôi tự làm cho mình để hộ thân vì lúc đó còn làm công nhân viên). Một
lần phải mang xuống ụ ghe các thiết bị hệ thống lái cồng kềnh như bánh lái, lòi
tói, rẽ quạt, ròng rọc khi xích lô máy vừa ngừng trong xa cảng Miền Tây mấy anh
lơ xe nhào tới la lên “Đồ vượt biên bà con ơi! Mau mau bỏ trên mui! Đại ca chừng
nào đi cho em theo nghen!” Tôi chột dạ: “Đừng giỡn bậy bạ, ở tù chết, mua cho
quốc doanh đánh cá có giấy giới thiệu đàng hoàng”. Mà tôi có giấy giới thiệu thật,
mua từ một người ở công ty quốc doanh đánh cá với giá 50 đồng, mộc tròn đỏ chói
với ngôi sao đàng hoàng. Khi qua trạm kiểm soát ở bắc Mỹ Thuận gần ngả ba đi Sa
Đéc dù có giấy giới thiệu mấy tay du kích cũng thâu 30 đồng thuế!
Tới Cần Thơ đem hàng vào ụ ghe cho ông Hai tôi đóng
vai một anh chàng bán chợ trời, ai cần món hàng nào tôi sẽ tìm mua giùm và cung
cấp đến tận nơi. Nhiều người đóng ghe trong ụ lại nhờ tôi mua món này món kia
như chân vịt, bù lon, máy bôm nước, bình ắc quy.
Khi hoàn thành đem ghe xuống nước thấy nó lớn ra, bề
thế, vững vàng làm tôi thấy vững tin trong lòng nhưng thật sự buồn lo, ngỗn
ngang trăm mối tơ vò. Mình có can đảm ra đi hay không?
No comments:
Post a Comment