Pages

Powered By Blogger

Friday, July 23, 2021

 

HỒI KÝ VƯỢT BIÊN

BÀI 1: HÌNH THÀNH CHUYẾN ĐI

BÀI VÀ HÌNH: TRINH HAO TAM

Cuối năm 1978 một người nhát gan như tôi đã làm một chuyện vô cùng nguy hiểm là đưa tất cả 44 người kể luôn tôi vào một chuyến phiêu lưu mà phần chết rất nhiều, phần sống rất ít. Nhiều người biết có thể chết nhưng vẫn mong muốn được tháp tùng, đưa tiền và vàng bạc để theo tôi, họ bỏ lại nhà cửa, mồ mả ông bà, xóm giềng thân thương với bao nhiêu kỷ niệm để mà ra đi, họ chỉ cần đi thoát ra khỏi đất nước thân yêu của mình với hai bàn tay trắng cũng được. Miễn là được đến bất cứ một vùng đất nào mà không có những chính sách, những luật lệ quái đản của những người cầm quyền không biết họ bị thần kinh hay quá độc ác, ngu đần? Tôi không hiểu được nhưng chỉ biết một điều là phải ra đi. Việc làm rất nguy hiểm nhưng tôi cố hết sức mình nên cho dù có thất bại, chết chóc hay ở tù mình cũng không than trách vì đã làm hết khả năng sức lực.

Tôi xuất thân từ trường Cao Đẳng Công Chánh Phú Thọ Sài Gòn năm 1969. Ra trường tôi được Nha Thủy Vận thuộc Bộ Giao Thông Công Chánh tuyển dụng và học việc ở Sở Hàng Hải Thương Thuyền nằm trong khuôn viên Bộ Công Chánh ở góc Lê Lợi và Pasteur. Mới làm vài tháng đến tháng 10 thì tôi bị bịnh sốt rét phải về nằm bịnh viện Trà Vinh để có gia đình săn sóc. Noel 1969 trình diện để nhập ngũ khóa 1/1970, sau 9 tuần huấn luyện ở Quang Trung tôi được biệt phái trở vế nhiệm sở cũ trong khi những người cùng khóa phải lên đường tiếp tục khóa sĩ quan ở Thủ Đức.

Thông thường những người ra từ trường Công Chánh làm ở Nha Thủy Vận phải ra công trường xa thành phố vài năm như đi làm trưởng xáng đào kinh, khai thông các thủy lộ, đi đo đạc thủy đạo để kiểm soát độ sâu các đường thủy quan trọng như tuyến sông từ Vũng Tàu vế Cảng Sài Gòn hay coi các hải đăng, thả các phao hiệu trên biển để đánh dấu các xác tàu chìm. Sau nhiều năm xa nhà họ có thể được bổ nhiệm làm trưởng ty các Ty Hàng Hải ở miền Trung hay các ty sở chuyên môn ở Sài Gòn. Riêng tôi có lẽ thấy tôi bệnh sốt rét xanh xao vàng vọt nên ông giám đốc Nha Thủy Vận cho tôi làm ở Phòng Giám Thị Giang Thuyền kiểm soát an toàn, đăng bộ ghe tàu, cấp giấy phép lưu thông, huấn luyện và tổ chức thi cấp bằng Tài Công, Thợ Máy điều khiển tàu thuyền. Năm 1974 tôi tu nghiệp ở Nhật Bản về ngành Đo Đạc Thủy Đạo trong 6 tháng là một ngành mà tôi rất thích vì có dịp khám phá những vùng sông biển và là một ngành quan trọng để phát triển kinh tế vì nước ta chằng chịt sông ngòi chưa khai thác trong việc lưu thông chuyên chở hàng hóa, nông hải sản.

Từ Nhật về nước tháng 11 năm 1974 đến tháng 4/1975 thì VNCH bị CS Miền Bắc xâm chiếm thi hành chủ nghĩa bành trướng của các quan thầy Nga Xô và Trung Cộng. Khi còn ở Nhật các bạn bè VN khuyên tôi ở lại học thêm khóa Đại Dương Địa Lý Học (Oceanography) nhưng vì muốn thấy mặt thằng con thứ hai vợ tôi mới sanh trong lúc tôi không có ở nhà nên tôi trở về để sau đó nếm mùi vị thiên đường CS.

Những ngày di tản cuối tháng 4/1975 tôi cũng không đi mặc dù Passport VNCH tôi vẫn còn hiệu lực, máy bay trực thăng di tản lính Mỹ đậu trên nóc buyn đinh đường Đinh Công Tráng bên cạnh buyn đinh tôi ở là 60 Võ Tánh Sài Gòn. Tôi nghĩ CS cũng là người VN, tôi còn rất trẻ mới 28 tuổi chỉ làm công tác chuyên môn kỹ thuật, ở lại để gắn bó với quê hương, xây dựng lại đất nước. Lúc đó chưa nếm mùi nên ngây thơ tin tưởng như vậy!

Họ lưu dụng tôi lại, mỗi tháng lãnh lương 50$ là số lương thấp nhất bằng với các cô thư ký và những bác lao công. Họ nói đất nước sau chiến tranh còn khó khăn, từ từ ổn định sẽ sắp xếp lại theo đúng khã năng mỗi ngành nghề. Tôi vẫn bị kỳ thị là “ngụy”, là nhân viên chế độ cũ, không được tin dùng, cán bộ họp cả buổi không biết bàn chuyện gì, ra là thảy cho chúng tôi một lô những công tác như khảo sát lòng sông Lòng Tào để đưa tàu Thống Nhất vào Sài Gòn, tu bổ các hải đăng, đánh dấu những xác tàu chìm. Tôi vẫn tích cực công tác và làm hết khả năng của mình nhưng vô ích không khác gì làm với lủ khỉ vừa ngu đần, nghi kỵ lại chỉ huy mình. Họ bắt các cô thư ký của tôi ngày trước xuống trộn hồ, đưa con cháu của họ ở nông thôn vào thay thế các công việc văn phòng. Những người chuyên môn cuối tuần không được nghỉ bắt vào Đầm Sen móc bùn hay lên Tân Uyên cuốc đất trồng khoai mì!

Lâu lâu họ kêu lên phòng nhân sự hỏi tôi tại sao đi lính rồi được biệt phái trở về, đi Nhật học cái gì? Tại sao tôi không di tản đi Mỹ mà ở lại? Gia đình ba tôi buôn bán đồ phụ tùng xe hơi ở Trà Vinh bị đánh tư sản, họ tịch thu sạch sẽ. Gia đình chị tôi vượt biên từ Trà Vinh sau hai ngày đêm đi vào Hòn Khoai tưởng là Thái Lan bị bắt, nhà cửa phố xá cạnh chợ Trà Vinh bị tịch thu. Ngôi nhà lớn của ông nội tôi nơi thời thơ ấu tôi chơi ở đây, đám cưới tôi cũng được đãi đằng ở đây bị xung công làm xưỡng dệt! Mà có sản xuất gì đâu vì ăn chia mua máy dệt phế thải, vài tháng sau cũng đóng cửa nhưng nhà ông nội tôi cũng không trả! Ba tôi xin lại để trồng trọt hoa mầu, họ nói xuống trại cải tạo mà trồng!

Ở Sài Gòn tôi vẫn đi làm công nhân viên nhà nước, kéo dài thời gian để tìm đường vượt biên nhưng không biết mình ra đi bằng cách nào, ghe ở đâu và ra đi ở đâu, thật là một bài toán khó khăn nan giải. Sau 2 lần đổi tiền nhiều người trắng tay trở nên chuyên chính vô sản nhưng tôi vẫn sống qua ngày được. Vì sao? Tôi làm ở Ty Thủy Đạo nên có một kho bản đồ hàng hải mà bọn khỉ đâu có biết là cái gì, lâu lâu hết tiền xài kêu ve chai vô bán. Đó là những công trình đo đạc tốn kém vô cùng nên tôi đem về nhà một mớ bản đồ liên hệ đến những cửa sông và những vùng biển tới các nước lân cận. Ban đầu tặng không cho bà con bạn bè cần đến để vượt biên nhưng sau đó nhiều người cần họ được giới thiệu tìm tới tôi để hỏi han cố vấn. Từ đó tôi phải bất đắc dĩ làm tư vấn vượt biên, cung cấp bản đồ và la bàn đi biển vì không phải trên con sông, giữa sông là sâu, hai bên bờ là cạn. Nói ngay là tiền bạc lúc đó dư giả, có thể mua ghe để ra đi nhưng vẫn còn ngần ngại khó khăn nguy hiểm, nhất là công an dầy đặc.

Tháng 4 năm 1978 thằng em trai tôi sinh năm 1957 đã ra đi từ Cà Mau với các bạn bè của nó trong đó có một người bạn cùng lớp Công Chánh với tôi là Hồ Văn Bảy tôi giới thiệu đi với nó để làm hoa tiêu. Trong chuyến đó có gia đình ông Lê Xâu người cùng quê Trà Vinh với tôi nhưng ông có một xưởng sản xuất đồ nhựa trong Chợ Lớn. Qua đợt đánh tư sản, xưởng nhựa của ông bị nhà nước tịch thu, ông trở thành nhân công trong xưởng của mình nên phải bỏ xứ ra đi và nhờ thằng em tôi mua ghe và nó có thằng bạn ở làng Sông Ông Đốc Cà Mau. Thằng này cùng đi với nó và có nhiệm vụ đưa ghe ra biển. Chuyến đi này ông Lê Xâu ra tài chánh và em tôi lo về kỹ thuật.

Em tôi đi được một tuần, không tin tức gì hết nhưng người ta thường nói “No news is good news”, nếu nó bị bắt thì chắc là nhà hay tin rồi. Tôi nghĩ là ghe nó đi thoát nhưng không biết tới bờ bến an toàn hay chìm giữa biển hoặc bị hải tặc giết chết? Mình không biết, chỉ biết cầu nguyện và phó thác cho Thượng Đế.

Rồi một hôm, buổi chiều ông Lê Xâu xuất hiện đạp xe đến nhà tôi ở số 195 đường Phạm Ngũ Lảo, tôi rất ngạc nhiên tưởng ông đã đi rồi, sao giờ này lại còn ở đây? Ông cho biết vì khó khăn trở ngại sao đó, ghe em tôi không đón ông được nơi bãi hẹn nên bỏ ông lại cùng với vợ và hai con nhỏ, các con lớn và họ hàng của ông đã đi được và hình như đã tới đựơc Mã Lai an toàn. Hôm nay ông đến nhà tôi muốn kêu tôi ra đi với ông. Ông sẽ lo tài chánh, bến bãi vì chuyến đi hụt vừa rồi ông có quen với ông Hai một ngư dân trong vùng Sông Ông Đốc và là cha vợ của thằng bạn với em tôi. Ông này sẽ tổ chức giống như chuyến rồi, người từ Sài Gòn xuống sẽ giấu trong rừng U Minh và ghe lớn nửa đêm giả đi đánh cá sẽ ra đón tại bờ biển lầy cạnh rừng ngập mặn. Ông Lê Xâu thiếu người hoa tiêu, tài công nên nhờ tôi phụ trách.

Nghe ông đề nghị tôi rất suy nghĩ đắn đo, từ trước tới nay tôi chưa dám đi trong đó có khó khăn là tìm bến bãi sao cho an toàn để chuyển người ra ghe lớn và làm sao có những ghe xuồng nhỏ để chuyển người đến ghe lớn đi biển. Phần nhiều các chuyến vượt biên thất bại ngay ở trên bờ. Nay đã có sẵn người lo và cách giải quyết rồi. Phần ông Lê Xâu không biết tìm ai vừa biết kỹ thuật đi biển vừa là người tin được?  Ông quen biết với gia đình tôi từ ngày còn ở Trà Vinh, tin tưởng tôi là người thành thật lại biết về hàng hải vì tôi đang làm trong ngành này thêm vào những người Trà Vinh vượt biển thành công là do tôi hướng dẫn chuyến đi.

Từ khởi đầu đó chuyến vượt biên đã thành hình và bắt đầu công việc như đóng ghe lớn, tìm mua máy. Khó khăn nguy hiểm và gian nan vất vả như thế nào lần lượt tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe. Chắc các bạn cũng đoán được chuyến đi đã thành công vì giờ này tôi còn sống và ngồi trên nước Mỹ. Phải nói ngay rằng tài năng hiểu biết chỉ là chuyện phụ, chuyến đi thành công tôi nghĩ là một phép lạ mà ơn trên đã ban cho chúng tôi. Tôi viết hồi ký này để tạ ơn trên và muốn các bạn trẻ đọc để hiểu biết về hoàn cảnh khốn khổ của dân tình miền Nam trong thời kỳ thuyền nhân vượt biên như thế nào?

No comments:

Post a Comment