CHƯƠNG 22
CHÙA TỪ ÂN NƠI TAM TẠNG TRỤ
TRÌ Ở TÂY AN
Tọa lạc về phiá Nam Tây An
(Xian) và cách trung tâm thành phố khoảng 4 km (2.49 miles), chùa Từ Ân khởi
thủy được xây từ năm 648 sau Công Nguyên là nơi tàng trữ kinh Phật do nhà
sư Huyền Trang (Tam Tạng) thỉnh về từ Ấn
Ðộ. Năm 629 nhà sư Huyền Trang xuất phát từ Trường An (tên của Tây An ngày xưa)
theo con đường Tơ Lụa (con đường các thương buôn đem lụa bán sang Tây Á) đi về
hướng Tây xuyên qua sa mạc gian khổ mất 16 năm, qua hơn 100 vương quốc, cuối cùng
đến được Ấn Ðộ là đất Phật sinh ra. Ông du khảo về đạo Phật, thuyết giãng, mang
về được 657 bộ kinh nguyên bản bằng tiếng Sanskrit và một số ngọc xá lợi. Khi
sư Huyền Trang trở về đã đến đời vua Ðường Cao Tông (Gaozong) (628-683), nhà
vua xây chùa để ông làm nơi dịch thuật kinh sách và đặt tên chùa là Từ Ân để
báo hiếu thái hậu mới vừa qua đời.
Sáng sớm ngày 15-10-05 chúng
tôi di chuyển hành lý ra khỏi phòng để nhân viên khách sạn đưa xuống xe buýt vì
chương trình hôm nay sau khi viếng chùa Từ Ân, bức tường cổ thành Tây An ở
trung tâm thành phố đoàn du lịch chúng tôi sẽ ra phi trường Tây An để bay xuống
miền Nam thăm thành phố Quế Lâm tỉnh Quảng Ðông. Ăn sáng xong là chúng tôi khởi
hành vào lúc 8 giờ, cô hướng dẫn viên địa phương nói còn sớm qúa chùa chưa mở
cửa nên chúng tôi lại đi...mua ngọc thạch! Ðây là lần thứ ba được đưa tới cửa
hàng bán ngọc thạch. Các bà các cô thì thích, còn bọn đàn ông chúng tôi chỉ đi
theo cho vui và thường “bàn ra” để các bà không mua, đỡ tốn tiền. Có nhiều bà
vàng trắng, hột xoàn, đá qúy xanh đỏ đeo đầy tay, không ngón nào được ở không
mà vẫn còn thích mua thêm. Tôi “cà khịa” hỏi đeo ở đâu thì có bà cho biết là
mua...cho con gái, cho con dâu. Ðây là chủ trương của nhà nước, hễ đến địa
phương nào là du khách sẽ được đưa đi mua cẩm thạch. Vì có kinh nghiệm trong
hai lần mua trước nên các bà cho biết lần này mua được rẻ lắm, lại nữa hàng ở
đây là hàng..độc, chỗ trước không đẹp bằng! Lần nào tôi cũng thấy các bà vui
mừng hớn hở cho rằng rẻ qúa nhưng sau đó đến nơi khác thì thấy lần trước mình
mua hố cho nên ông Lương Kiện là hướng dẫn viên lâu năm cho AV Travel ở Trung
Quốc mới nói: “Càng mua càng hố, càng hố lại càng mua!” Nhiều bà lên xe ngồi
rồi, thấy tiếc không mua thì uổng, trở về Phước Lộc Thọ làm sao được giá đó,
nên nhảy xuống xe đi vào trả giá thêm lên. Cô hướng dẫn viên không biết có được
chia hoa hồng không nhưng cũng chìu các bà tới bến, sẵn sàng chờ đợi và hăng
hái vào trong cửa hàng trả giá phụ!
Trên đường đến chùa Từ Ân tôi
có dịp quan sát thành phố Tây An một thời là cố đô của nhiều triều đại trước
Công Nguyên. Ðường lộ, công viên, cao ốc đang được xây dựng ở khắp mọi nơi, có
những khu phố cổ mái ngói cong tường vách loang lỗ bên cạnh những cao ốc hiện
đại mới vừa hoàn thành. Có một con đường chuyên bán những bộ phận của xe hơi
như vỏ xe, bình điện, máy xe và trong một tiệm thay bánh, vá vỏ xe cũng trang
bị máy nạy vỏ xe ra khỏi mâm cũng như ở Mỹ. Nhớ lại ở VN trước 1975 ở Hàng Xanh
hay Phú Lâm nhiều tiệm vỏ xe phải nạy bằng những dầm sắt rất khó khăn nặng
nhọc. Trước sân của một nhà hàng tôi thấy người ta tập trung nhân viên lại từ
những tiếp viên chạy bàn mặc đồng phục cho đến những người nấu bếp mặc áo
trắng, đội chụp trắng họp “giao ban” để ban giám đốc kiểm điểm hay phổ biến
những lời dặn. Họ đứng rất kỷ luật có hàng ngủ như trong quân đội và cảnh này
tôi thấy rất nhiều nơi ở Trung Quốc vào buổi sáng.
Phiá Bắc khu chùa Từ Ân là
một quảng trường lớn, hôm nay thứ bảy cuối tuần người ta tập họp rất đông để
giải trí vui chơi mà không phải tốn tiền. Có một hồ nước lớn với hàng chục vòi
đang phun nước lên cao và ban đêm có đèn màu rọi vào những vòi nước nhảy múa
theo điệu nhạc. Xe chỉ ngang qua chứ chúng tôi không viếng nơi đây và theo tài
liệu thì đây là công viên văn hoá đời Ðường rộng 110,000 mét vuông thêm 20,000
mét vuông là “vườn cảnh bằng nước” (waterscape) trong đó có một khu trưng bày
những tượng điêu khắc chạy dài đến 200 mét. Phiá sau quảng trường là tháp Ðại
Nhạn 7 tầng của chùa Từ Ân cao vút lên trên không.
Xe buýt chúng tôi đậu trước
cổng chùa, cũng giống như những đền đài khác ở Trung Quốc, chùa Từ Ân cũng có
cửa chính hướng về phiá Nam. Giá vé vào thăm chùa là 25 yuan và muốn lên tháp
Ðại Nhạn phải mua vé loại 30 yuan. Sau cổng là khoảng sân rộng trồng nhiều bông
hoa, cây cảnh với nhiều cây tùng Cypress và những cây hồng trái chín vàng, nơi
đây có quán giải khát, nhà bán sách vở, kinh kệ, xâu chuỗi hạt bồ đề, nhang
đèn, nhà vệ sinh công cộng. Nhiều người đứng chụp hình tháp Ðại Nhạn ở trên sân
này vì đến gần qúa sẽ không thấy được hết 7 tầng và ngọn tháp. Tháp Ðại Nhạn
(Big Wild Goose Pagoda) lần đầu được xây vào năm 652 do lệnh của vua Ðường Cao
Tôn sau khi xây chùa Từ Ân được 4 năm.
Một buổi sáng một đàn chim thiên di ngỗng trời bay ngang qua chùa và một con
rơi xuống chết, tin là do Phật trên trời gởi tín hiệu là đừng sát sinh nữa nên
các nhà sư trong chùa từ đó không ăn thịt nữa mà chỉ chay trường bằng rau cỏ.
Tháp được xây ngay tại nơi con ngỗng chết và được đặt tên là tháp Ðại Nhạn.
Tháp xây bằng gạch có hình vuông, nguyên thủy có 5 tầng và sau xây thêm 2 tầng
nữa, mỗi tầng có một cửa sổ nhỏ cho mỗi mặt, hiện nay tháp cao 64.5 mét (211.6
feet). Bên trong có tất cả 245 bậc thang để lên tháp. Muốn lên tháp phải gởi đồ
đạc, túi xách lại có người giữ vì cho rằng tháp yếu, chỉ được đem theo máy ảnh
và máy quay phim mà thôi. Từ tầng cao nhất du khách có thể ngắm cảnh bao quát
thành phố Tây An.
Qua khỏi tháp Ðại Nhạn là đến
khu chùa Từ Ân là những dãy kiến trúc cũ có, mới xây cũng có, hai bên có Tháp
Chuông ở phiá Ðông và Tháp Trống phiá Tây. Trong Tháp Chuông có quả đồng chung
nặng 15 tấn được đúc năm 1548 dưới thời nhà Minh. Ngôi chánh điện là điện
Mahavira có 3 tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ và 18 nhà sư trong đó có sư
Huyền Trang. Những điện bên cạnh trưng bày những bộ kinh Phật, những bức tranh
khắc trên gỗ ghi lại những hình ảnh nhà sư Huyền Trang đi Tây Tạng, Ấn Ðộ thỉnh
kinh.
Trong Sử Trung Quốc của học
giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả chuyến đi của thầy Tam Tạng Huyền Trang như sau:
“Huyền Trang sinh năm 602 ở
Hà Nam, năm thứ 3 đời Thái Tôn (629), một mình qua sa mạc Qua Bích dài non 500
cây số, tới nước Cao Xương, được vua nước đó rất trọng, rồi leo núi Thông Lãnh
cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn, tiến theo đường chở lụa tới Thiết Môn Sơn
một nơi vô cùng hiểm trở. Từ đây ông theo hướng Đông Nam qua nhiều nước nhỏ,
vòng qua Đại Tuyết Sơn rồi vào Tây Trúc.
Ông thật là một nhà mạo hiểm, đời sau không chắc có ai hơn; lại có tinh thần nhận xét của nhà khoa học, ghi rất kỹ và rất đúng những điều mắt thấy tai nghe ở các nơi ông đi qua. Ông đi một vòng nước Tây Trúc, coi hết các nơi có di tích của Thích Ca, lại ở hơn một năm tại chùa Nalanda, một ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất mà cũng là một trường đại học cổ nhất. Ông tả cảnh chùa đó, giọng bóng bảy như giọng thi sĩ Tràng An. Ông học hết bộ Du Già Luận, học thêm triết lý Bà La Môn và Phạn Ngữ, rồi đi chu du Tây Trúc tìm hiểu thêm các giáo phái khác: Thăm xứ Bengale, tính qua đảo Tích Lan mà không qua được. Tới đâu ông cũng thuyết pháp, được hoan nghênh, ai cũng muốn lưu ông lại. Lần về ông theo một con đường khác, ghé nhiều nơi để giảng đạo.
Năm 645 ông tới Tràng An sau khi xa quê 16 năm, đi gần 30.000 cây số, qua 128 nước, đem về được 657 bộ kinh, không kể nhiều vật quý khác.
Mới về nước được hơn một tháng, ông bắt đầu ngay công việc dịch kinh đại quy mô và mải miết làm luôn 19 năm cho tới khi tắt thở. Ông tổ chức một ban dịch thuật, mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Công việc làm rất có phương pháp và kỹ lưỡng, soát đi soát lại nhiều lần. Ông dịch những kinh khó nhất và chỉ huy việc dịch những kinh khác. Tới năm 663 ông dịch được 600 quyển.
Ngoài ra ông còn cho hậu thế:
- Bản dịch Đạo Đức kinh ra tiếng Phạn để giới thiệu triết học Trung Hoa với Ấn Độ.
- Bản dịch Đại thừa khởi tín luận từ Hoa ngữ ngược về Phạn ngữ. Nguyên bản chữ Phạn của Ấn Độ đã thất lạc từ lâu, nhưng ở Trung Hoa còn giữ lại được bản chữ Hán. Làm công việc đó ông muốn đền ơn những tôn sư và bạn thân Ấn đã niềm nở dạy bảo, tiếp đón ông.
-Soạn một cuốn ngữ pháp Phạn,
giản lược mà sáng sủa và đúng.
- Viết bộ Đại Đường Tây Vực Ký gồm 12 quyển chép những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thỉnh kinh. Bộ này chứa những tài liệu rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á sau này, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức... và đã giúp các học giả Ấn sửa lại nhiều điều sai lầm trong lích sử của họ về thế kỉ VII.
- Công việc dịch kinh của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
- Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được 3,5 vạn tiếng, căn cứ vào bộ Phật giáo đại từ điển, có tiếng dịch âm tiếng Phạn như Nát bàn, sát na, phù đồ; có tiếng dịch nghĩa tiếng Phạn như vô minh, nhân duyên, chân nhu... Mà thêm được 3,5 vạn tiếng là thêm được 3,5 vạn ý niệm.
- Văn bạch thoại phát đạt vì lẽ khi dịch, người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu, do đó dùng bạch thoại xen với cổ văn; lại thêm vì là kinh để tụng, cho nên phải chú trọng đến âm vận, và thứ văn đặc biệt đó gọi là biến văn. Do ảnh hưởng của Phạn ngữ, biến văn không dùng hư từ, đối ngẫu mà rất hay đảo trang.
- Văn nhân Trung Hoa ít tưởng tượng mà hay thuyết li, nhờ những truyện tân kỳ trong kinh Phật mà bắt chước viết những truyện thần quái. Như bộ Sưu thần ký, và những truyện Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng sau này đều chịu ảnh hưởng của các kinh Đại trang nghiêm, Hoa nghiêm, Niết bàn...
Huyền Trang tịch năm 664, một triệu người ở Tràng An và tứ xứ đi đưa linh cữu ông.” (Ngưng trích dẫn)
- Viết bộ Đại Đường Tây Vực Ký gồm 12 quyển chép những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thỉnh kinh. Bộ này chứa những tài liệu rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á sau này, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức... và đã giúp các học giả Ấn sửa lại nhiều điều sai lầm trong lích sử của họ về thế kỉ VII.
- Công việc dịch kinh của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
- Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được 3,5 vạn tiếng, căn cứ vào bộ Phật giáo đại từ điển, có tiếng dịch âm tiếng Phạn như Nát bàn, sát na, phù đồ; có tiếng dịch nghĩa tiếng Phạn như vô minh, nhân duyên, chân nhu... Mà thêm được 3,5 vạn tiếng là thêm được 3,5 vạn ý niệm.
- Văn bạch thoại phát đạt vì lẽ khi dịch, người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu, do đó dùng bạch thoại xen với cổ văn; lại thêm vì là kinh để tụng, cho nên phải chú trọng đến âm vận, và thứ văn đặc biệt đó gọi là biến văn. Do ảnh hưởng của Phạn ngữ, biến văn không dùng hư từ, đối ngẫu mà rất hay đảo trang.
- Văn nhân Trung Hoa ít tưởng tượng mà hay thuyết li, nhờ những truyện tân kỳ trong kinh Phật mà bắt chước viết những truyện thần quái. Như bộ Sưu thần ký, và những truyện Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng sau này đều chịu ảnh hưởng của các kinh Đại trang nghiêm, Hoa nghiêm, Niết bàn...
Huyền Trang tịch năm 664, một triệu người ở Tràng An và tứ xứ đi đưa linh cữu ông.” (Ngưng trích dẫn)
Sau khi viếng chùa, xem qua
những bộ kinh để trong tủ kính, thấy đa số bộ kinh đều có vẻ mới, bộ kinh nguyên
thủy do Tam Tạng mang về cách nay hơn 1,300 năm trải qua nhiều thăng trầm chùa
chiền bị đốt phá nên đã thất tán. Phật giáo cực thịnh trong đời Đường do các
vua sùng đạo nhưng cũng có một ông vua cấm đạo là Võ Tôn đã ra lịnh cấm đạo từ
năm 842 cho là có hại cho văn hóa, quốc gia. Võ Tôn có thái độ cương quyết sau
nhiều triều đại chùa chiền khuynh đảo triều đình, là nơi các thương buôn, quan
lại giàu có cất giấu tài sản, cấu kết với tăng lữ mua một số lớn đất đai (có
sách nói bằng 2/3 tài sản quốc gia), nhiều chùa qúa giàu còn cho vua vay tiền
lại dung chứa một số người trốn lính đi ở chùa khiến triều đình thu thuế không
được mà bắt lính cũng không được. Theo Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê: “Từ
năm 842 Võ Tôn đã cấm một số chùa và một số tăng ni, năm 844 lại cấm nghiêm
hơn, gắt gao nhất là năm 845 hạ lệnh trong hai kinh thành Tràng An và Lạc Dương
mỗi nơi chỉ để lại 4 ngôi chùa và 30 vị tăng ni, các châu quận mỗi nơi một ngôi
chùa và từ 6 đến 20 tăng ni, ngoài ra hết thảy đều bị phá hủy, tăng ni đều phải
hoàn tục. Kết quả có 44,600 ngôi chùa bị phá, tượng Phật bằng đồng bị nấu ra để
đúc tiền và có 260,500 tăng ni hoàn tục. Nhưng khi Võ Tôn băng, Tuyên Tôn kế vị
lại lập tức phục hưng Phật Giáo”. Lịch sử có những sự kiện hay lập lại như đến
thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, chùa chiền cũng lại bị đốt phá vì cho rằng tàng tích
phong kiến, mê tín, lạc hậu...Sau đó đến thời kỳ mở cửa đổi mới các chùa chiền
bên Trung Quốc lại được phục hồi tu bổ, Phật giáo được nhà nước tổ chức trở lại
và dân chúng tự do đi chùa, cúng tế, các lễ hội tôn giáo được tổ chức rầm rộ
vừa mang màu sắc văn hóa dân tộc vừa thu hút khách du lịch, hành hương mang về
ngoại tệ.
CAPTIONS:
5925 Tháp Đại Nhạn trong chùa
Từ Ân
5937 Tháp Đại Nhạn hình vuông
cao 7 tầng xây năm 652 AD
5930 Khuôn viên chùa Từ Ân ở
Tây An
5941 Một góc vườn trong sân
chùa
5921 Nhân viên nhà hàng tập
họp mỗi sáng nghe nhật lệnh
5922 Nhân viên tiếp thị cửa
hàng cẩm thạch giới thiệu chén hồng ngọc
No comments:
Post a Comment