Pages

Powered By Blogger

Friday, August 5, 2016


CHƯƠNG 21

TIỆC CUNG ÐÌNH ÐƯỜNG NHẠC Ở TÂY AN

 







Ðêm 14-10-05 là đêm thứ hai cũng là đêm cuối cùng ở thành phố Tây An (Xian) tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi). Buổi sáng chúng tôi đi xem Lăng Mộ Tần Thủy Hoàng, buổi chiều viếng suối nước nóng Hoa Thanh Trì có cung điện nghỉ mát của Dương Qúy Phi và vua Huyền Tôn (Ðường Minh Hoàng). Sau khi trở về khách sạn tắm rữa, nghỉ ngơi chúng tôi gặp nhau dưới quày tiếp tân để cùng đi xe buýt đến hí viện để xem buổi trình diễn có tên là “The Tang Dynasty Dinner Show”. Ðã nói là “Dinner Show” có nghĩa là vừa ăn tối vừa xem ca vũ nhạc thời vương triều đời Ðường, vừa thưởng thức những món ăn mà hí viện cho rằng...Ðường Minh Hoàng thường ăn có nghĩa là tiệc cung đình nhà Ðường và sau đó xem những màn vũ nhạc trong đó có vũ khúc Nghê Thường do chính người đẹp Dương Qúy Phi làm biên đạo sáng chế để làm vui Huyền Tôn.



Hí viện tọa lạc trên một con đường lớn sầm uất chỉ cách khách sạn Xian chúng tôi ở vài khu phố. Mỗi đêm có hai xuất diễn, chúng tôi đi xem xuất đầu tiên lúc 6 giờ 30 với giá mỗi người là 300 yuan (37.5 USD) bao gồm bữa ăn tối lịch sự sang trọng. Chi phí xem show này AV Travel bao luôn chứ không có “optional” phải trả tiền thêm. Khi chúng tôi vào thì rạp hát đã đầy phân nửa, trên sân khấu để đèn sáng và người ta đang trình tấu bằng những nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn cò, tiêu sáo...Trên bàn trải khăn bày những chậu hoa nhỏ có cánh hoa sen cắm rất mỹ thuật, chén dĩa men sứ bóng loáng, muỗng dao nĩa bằng bạc lấp lánh và mỗi người một thực đơn to lớn in màu rất đẹp. Nhân viên hí viện đồng phục đến hỏi khách uống gì như các loại nước ngọt, bia để họ mang đến, ngoài ra trên bàn còn để những hủ rượu nhỏ giống như rượu sa kê của Nhật mà họ cho biết đó là rượu nếp cổ truyền từ thời Ðường có hương vị ngọt ngọt như rượu sa kê. Sau đó họ dọn ăn từ món một, tuần tự hết món này đến món khác trong lúc ăn uống thì trên sân khấu hòa nhạc cổ truyền hay những nữ ca viên mặc áo sường xám trình bày những bài ca cổ bằng giọng mũi ở VN ngày trước gọi là hát Tiều hay hát xẩm. Thực đơn thì mọi người đều giống nhau, ai ăn chay thì có thực đơn món chay không thịt cá. Thực đơn tiệc cung đình (Dynasty Dinner Menu) gồm có:



-Ðầu tiên là món khai vị “finger food” ăn lai rai để uống bia hay rượu có tên là “Pearls of Cathay” (Ngọc trai Quốc Thái) tên nghe dữ dội nhưng chỉ là thịt ức gà rô ti với thứ sốt chua ngọt ăn với hạnh nhân (walnut).

-Món kế đến là “The Royal Marriage” (Hôn lễ hoàng cung) là nấm đông cô xào với tương đen.

-Món thứ ba là “Heart of The Dragon” (Tim Rồng) gồm có tép tươi 4 con lớn hấp với một loại sốt có tên là “GouTie” có mùi vị lạ miệng.

-Món thứ tư  có tên là “The Princess’s Pin” (Chiếc trâm công chúa) là món chính gồm thịt bò non mềm (tenderloin) nướng với sốt nấm ăn với chút cơm chiên gói trong lá sen và sà lách.

-Món cuối cùng là món ngọt tráng miệng với trái cây, sơn sa và bánh ngọt uống với trà Jasmine. Trước kia trà là một thức uống chỉ có triều đình và quan lại mới được thưởng thức vì qúy hiếm chỉ trồng ở Hàng Châu miền Ðông gần biển. Ðến thời nhà Ðường trà khá phổ biến vì được trồng nhiều nơi và uống trà trở thành phong trào  trong giới thi văn.



Trong lúc ăn bánh uống trà thì trên sân khấu nhữ ng màn trình tấu nhạc cụ cổ truyền, hát Tiều, hát Quảng để câu giờ cũng đã chấm dứt. Bổng nhiên vang lên khúc nhạc “Happy Birthday to you” đánh theo điệu nhanh Techno với tiếng trống dồn dập. Ánh sáng “spot light” trên nóc rạp chiếu thẳng xuống bàn đó và bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về chiếc bàn có người được chúc “Happy...Budday” . Một chiếc bánh sinh nhựt hình chỏm cầu màu vàng được các cô hầu bàn trong y phục tỳ nữ mang ra đặt trên bàn bên trên có một đoá sen hồng lớn mà mỗi cánh sen gắn một ngọn đèn cầy nhỏ. Nhụy hoa sen ở giữa là một ngọn lửa lớn rực cháy. Người được mừng sinh nhật phải phùng mang thổi tắt hết các ngọn đèn. Một võ quan mặc chiến bào đội mũ đứng phiá sau tiến lên trao cho người được mừng sinh nhật một cây... thiết long đao lớn và người đó phải cắt bánh sinh nhật bằng thanh long đao!



Trong đoàn du lịch AV Travel cũng có vài ba người có ngày sinh trong tuần này mà cô Simone Nga đã xem thấy ở sổ thông hành và kín đáo báo cho hí viện biết để làm nghi lễ chúc mừng trong đêm nay. Ðặc biệt nhà truyền thanh Vũ Chung ở Cam Quận không phải là ngày sinh nhựt mà là “20 Year Anniversary”, kỷ niệm “20 năm tình cũ” với người bạn đời đang bán nước...uống ở tiệm Good Water trong khu chợ Á Châu nơi góc đường Magnolia và Edinger thành phố Fountain Valley thuộc Cam Quận. Anniversary không chơi nhạc Happy Birthday được mà chơi bản đám cưới khi cha cô dâu dẫn cô dâu, đi một bước đứng lại một bước, từ từ tiến vào nhà thờ. 



Hết phần ăn bánh uống trà mừng sinh nhật thì tới phần ca vũ Ðường Nhạc. Các nhân viên nhà hàng dọn dẹp rất nhanh những dĩa bánh, muỗng nĩa còn trên bàn và chỉ chừa lại mỗi người một ly nước. Ánh sáng chuyển sang tối dần ở khu khán giả và một giọng nữ vang lên giới thiệu chương trình ca vũ nhạc bằng tiếng Anh giọng Trung Hoa: “Thưa qúy bà và qúy ông, hí viện và nhà hàng Ðường Vương Triều hân hạnh trình diễn hầu quý vị một chương trình vũ nhạc Trường An xuất phát cách đây hơn một ngàn năm tại Trường An thủ đô của nhà Ðường mà nay gọi là Tây An. Vương triều nhà Ðường kéo dài từ năm 618 đến năm 907 sau Công Nguyên. Trong giai đoạn này Trung Hoa đã từng phát sinh một nền văn hóa đầy bản sắc, nghệ thuật cũng như khoa học nhiều thành tựu. Cho đến ngày nay văn hóa Trung Hoa hiện đại vẫn còn vay mượn rất nhiều từ nền văn minh lịch sử nhà Ðường. Kính thưa qúy vị...xin hân hạnh gởi đến qúy vị nền văn hóa rực rỡ đó, phản ánh một thời đại huy hoàng và hùng tráng của nước Trung Hoa ngàn năm về trước.”

Tiếng vỗ tay của khán giả và màn nhung sân khấu từ từ được kéo ra. Chương trình được mở đầu bằng một màn trình tấu những nhạc cụ cổ điển mà nay không còn được dùng nữa và màn trình tấu này có tên là “The King Of Ever”. Màn này diễn lại nghi lễ dân chúng nói lên sự biết ơn của họ đối với những nhà lãnh đạo cai trị đã mang đến cho họ hòa bình, thịnh vượng và niềm thoãi mái, hoan lạc. Tại buổi yến tiệc triều đình có vua, hoàng hậu và các cung phi, ban nhạc triều đình đã hòa tấu những bản nhạc nhằm chúc cho vua trường sinh và hạnh phúc. Kết thúc màn này, tiếng nữ xướng ngôn viên lại tiếp: “Cũng mong qua màn trình diễn sống động này sẽ mang không khí hòa bình thịnh vuợng đời Ðường đến tất cả khán giả có mặt đêm nay.”



Kế tiếp là 4 màn vũ với 4 thể điệu và phong cách khác nhau. Ðầu tiên là vũ khúc “White Ramie Cloth Costume Dance” nhằm phô diễn nét đẹp của y phục may bằng lụa Ramie, một loại tơ lụa được người Trung Hoa chế tạo từ 1,500 năm về trước. Màn vũ thứ nhì có tên là “Dan Ou” là vũ điệu trừ tà, những vũ công mang mặt nạ để hù dọa tà ma không ám ảnh gia chủ, trả lại gia chủ một sức khoẻ thể chất dồi dào sinh lực và tâm trí an lạc. Vũ điệu này đời Ðường thường được trình diễn ở cung đình hay các gia trang phú hộ trong đêm giao thừa. Màn vũ thứ ba có tên là “Rainbow Costume Dance” diễn tả Ðường Minh Hoàng trong giấc chiêm bao thấy mình du nguyệt điện rồi gặp Hằng Nga trong áo lông ngỗng vây quanh là những áng mây hình hoa hồng trắng cùng nhảy múa trên trời. Khi Đường Minh Hoàng tỉnh giấc kể lại cho nàng cung phi được ông sủng ái nhất là Dương Quý Phi, một trong bốn người đàn bà đẹp nhất Trung Hoa, Dương Qúy Phi ghi chép lại và sáng tác vũ khúc Nghê Thường mà các nữ vũ công mặc áo sặc sỡ như cầu vòng trên trời.



Vũ khúc cuối cùng là “Warriors Triumphal Dance” (Chiến sĩ mừng khải hoàn), người giới thiệu chương trình cho biết: “Lý Thái Tôn trước khi trở thành hoàng đế nhà Đường (627- 649) ông ta mang tên Thái Tử Qin là một nghệ nhân giỏi cả vũ nhạc lẫn binh bị. Ông đã sáng tác vũ khúc mừng chiến thắng nói trên để diễn đạt niềm tự hào về quân đội của mình”. Trong một nền nhạc hùng tráng vang mạnh các nam diễn viên trong chiến bào tay cầm long đao, thiết trượng và cờ quạt diễn tả lúc trở về thành Trường An trong chiến thắng được các thiếu nữ mang hoa nghênh đón.



Hết 4 màn vũ sôi động và ngoạn mục, chương trình chuyển trở lại phần trình tấu nhạc cụ có phụ diễn bởi các vũ công. Đầu tiên là màn biểu diễn “Happy Spring Outing” (Hạnh Phúc Đầu Xuân) gồm có những thiếu nữ chơi đàn giây (tỳ bà, nhị, nguyệt), đàn kéo và sáo trúc diễn tả cảnh giới qúy tộc ra bờ sông Vị (Qujiang) bên ngoài cổ thành Trường An để đón ngày Tết Nguyên Đán. Sau đó là màn biểu diễn sáo trúc có nhiều ống đã có từ 3,000 năm trước có tên là Pai Xiao. Màn này có tên là “Spring Orioles Song” (Khúc Xuân Ca Chim Oanh) nói về trong buổi lễ đăng quang của Đường Cao Tông (Gao Zong) trong lúc nghi thức diễn ra trên cây có đàn chim hoàng oanh hót líu lo. Nhà vua vui thích tiếng chim may mắn này nên truyền ban nhạc triều đình sáng tác khúc nhạc bắt chước tiếng chim ca bằng tiếng sáo trúc Pai Xiao. Nhạc khúc này được biểu diễn bởi tiếng sáo Gao Ming là giám đốc chương trình Đường Nhạc. Nghệ sĩ sáo trúc này khoảng tuổi 50 thổi rất líu lo như tiếng chim kêu.



Kết thúc là màn vũ có tên là “The Tage” (?) được giới thiệu là một vũ khúc dân gian truyền thống có từ đời xưa. Màn vũ trình bày

cảnh dân chúng tụ tập trong một vùng xinh đẹp gần Hoa Thanh Cung dưới chân núi Ly Sơn để đón Tết Trung Thu. Trong lúc dân chúng ca hát nhảy múa vua Đường xuất hiện và tham gia lễ hội. Vào thời đó đối với dân chúng là một vinh hạnh lớn. Trong màn vũ này vua Đường cùng đi với những người quý tộc vào khu lễ hội Trung Thu và ban chúc lành đến thần dân. Cũng xin nhắc lại là vua Đường Minh Hoàng (Huyền Tôn) là người đặt ra tục ăn Tết Trung Thu sau khi nằm mơ thấy mình lên cung trăng gặp bầy tiên nữ và Hằng Nga. Trong Sử Trung Quốc ông Nguyễn Hiến Lê đã viết về Đường Minh Hoàng như sau: “Huyền Tôn là một ông vua tài hoa nhiều nghệ sĩ tính, ông sành âm nhạc, lập giáo phường để dạy tục nhạc, đặt ra lối múa Nghê thường vũ y, vũ nữ bận áo sặc sỡ như cầu vồng múa theo điệu nhạc. Ông lại lập ra một viện gọi là Lê viên (vườn lê), dạy 300 thanh niên múa hát (gọi là Lê viên tử đệ) để làm vui tai mắt cho ông và Dương Quí Phi. Có thể coi đó là bước đầu tiến tới ca”.



Chương trình ca vũ nhạc nhà Đường chấm dứt, đèn bật sáng khán giả đứng lên vỗ tay trong lúc các diễn viên đứng trên sân khấu vẩy tay chào từ giã. Sau đó khán giả lên chụp hình chung với đoàn nghệ sĩ có giám đốc chương trình là cây sáo Gao Ming và luôn cả nàng Dương Quý Phi và vua Đường Minh Hoàng. Người chụp ảnh là nhân viên của hí viện và họ sẽ gởi ảnh đến khách sạn sau.



CAPTIONS:

5914 Rạp hát Đường Nhạc ở Tây An

5889 Trình tấu nhạc cụ cổ truyền đời Đường

5899 Vua Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi

5902 Vũ khúc “Nghê Thường” do Dương Qúy Phi sáng tác

5896 Múa Rồng Hội Xuân

5910 Các diễn viên chụp chung với hai khán giả từ Los Angeles


No comments:

Post a Comment