CHƯƠNG 23
CỔ THÀNH TÂY AN
Rời chùa Từ Ân là nơi Ðường
tăng Tam Tạng trụ trì dịch kinh Phật sau khi thỉnh về từ Ấn Độ, chúng tôi đến
khách sạn Orient Hotel Xian để ăn trưa. Khách sạn là một cao ốc hàng chục tầng
tọa lạc trong khu vực ngân hàng, văn phòng các hãng ngoại quốc. Nhà hàng hình
tròn ở tầng cao nhất của khách sạn, từ nơi đây có thể nhìn bao quát thành phố
Tây An (Xian) thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Ban đầu tôi tưởng nhà hàng xoay vòng
quanh trục giữa nhưng ngồi ăn một hồi thấy cảnh phiá dưới vẫn vậy không có gì
thay đổi mới biết nhà hàng không xoay. Ăn uống ở nhà hàng trên tháp xoay vòng
cũng thích vì cảnh phiá dưới thay đổi, lúc nhìn núi, lúc nhìn biển với những du
thuyền khổng lồ đèn đóm sáng rực ở ngoài khơi nhưng cũng làm thực khách bối rối
khi đi lấy thức ăn. Món mình thích vừa mới nằm ở đây, ăn xong dĩa định trở lại
lấy thêm thì nó lại di chuyển sang chỗ khác! (Khu các bàn ăn phiá vòng ngoài
xoay, nhưng chỗ để món ăn ở giữa cố định không xoay) Lấy thức ăn xong tìm bàn
của mình ngồi cũng khó, phải đi trở lại gần hết một vòng tròn nhà hàng. Đi xong
nhìn lại thì bàn mình ngồi chỉ cách nơi vừa lấy món ăn...chỉ vài bước! Nhà hàng
Buffet của Orient Hotel Xian chỗ ngồi tốt vì có cảnh thành phố nhưng thức ăn
không có gì đặc biệt, tôi chỉ chấm món súp hoành thánh nóng và trái cây còn
những món khác cũng là những món Trung Hoa nhiều dầu mỡ.
Ăn trưa xong xe đưa chúng tôi
ra khu cổ thành Tây An ở khu trung tâm thành phố để xem những bức tường thành
quách ngày xưa và đi dạo phố mua sắm vì khu chung quanh đó có rất nhiều cửa
hàng Department Stores. Xe đi vào cửa thành phía Nam là cổng chính. Sau khi
ngừng lại mua vé cho cả đoàn (10 yuan mỗi người), xe chui qua tường vào đậu bên
trong thành, sân này khá lớn bốn bề vây kín bởi tường cao, là một thành nhỏ
trong thành lớn. Ngày xưa nơi đây gọi là “Wong Cheng” để binh sĩ cắm trại đồn
trú, thành lớn bên ngoài có mất vào tay giặc thi binh lính vào bên trong này cố
thủ chờ viện binh kéo về tiếp cứu. Nơi đây có đường bậc thang rất rộng để lên
sân trên tường thành, ngày xưa là đường dốc không có bậc thang để kỵ binh đem
ngựa lên. Chúng tôi leo bậc thang để lên phiá trên thành. Bên trên có một ngôi
tháp 2 tầng rất cổ, kèo cột chạm trổ hoa văn cầu kỳ sơn xanh đỏ, mái ngói tháp
phủ rêu xanh. Cả hai tầng ngôi tháp làm phòng trưng bày đồ gỗ và bán những món
hàng thủ công nhưng không thấy ai mua. Hai ông công nhân viên bán hàng ngồi
uống trà, chúng tôi vào xem cũng không buồn chào hỏi câu nào. Một nhóm binh
lính hải quân đi phép, mặc quần áo đại lễ, đi tới lui nhìn ngắm, bàn tán và
chuyện trò cười giỡn.
Trên tường thành sân rộng
chạy dọc theo tường như một con đường, hai bên treo cờ đuôi nheo ngủ sắc và
lồng đèn đỏ phất phới trong gió nổi bật trên nền trời thu xanh ngát. Ở đây có
cho mướn xe đạp để du khách đạp vòng quanh cổ thành và những gian hàng cho mướn
long bào, vương miện, nhung y hoàng hậu, lộng che để du khách chụp hình. Từ
trên cổng thành nhìn lên phiá Bắc là một đại lộ thẳng tấp, xe cộ nối đuôi, hai
bên là những dãy cao ốc cửa hàng thương mại người ta đi dập diù. Chúng tôi có
hơn 2 tiếng đồng hồ ở đây nên xuống thành đi dạo phố xem Trường An kinh đô nhà
Ðường bán thứ gì và phụ nữ có đẹp như
Dương Qúy Phi hay không?
Thành Trường An được xây từ
đời Bắc Triều, năm thứ hai vua Sui Wendi (520 sau Công Nguyên) có hình chữ nhật,
chu vi 4 mặt dài tổng cộng 13.74 km (8.5miles), cao 12 mét (40 feet), phiá trên
tường dầy từ 12 đến 14 mét (40-46 feet) và chân tường từ 15 đến 18 mét (50-60
feet). Cứ cách nhau 120 mét có một tháp canh nhô cao lên, tổng cộng có tất cả
98 tháp canh, trong tháp canh binh sĩ được che chắn an toàn, có thể dùng cung
nỏ để bắn địch quân ở phiá dưới. Khoảng cách 120 mét là tầm bắn của cung nỏ.
Thành Trường An xây để bảo vệ dân chúng sống trong thành gọi là nội thành, có 4
cửa lớn ở 4 mặt Nam Bắc Ðông Tây và hào sâu đào dọc bên ngoài tường thành.
Thành được xây lại năm 1568 thời nhà Minh do quan tổng đốc Zhang Zhi trách
nhiệm xây bằng gạch đen. Năm 1781 thời nhà Thanh, tổng đốc Bi Yuan đại tu bổ và
xây thêm những ngôi tháp ở 4 cửa. Gần đây nhất là năm 1983, chính quyền tỉnh
Thiểm Tây tu bổ tường thành, đào sâu hào nước dọc theo tường và trồng cây, xây
các công viên làm đẹp thêm diện mạo thành phố Tây An. Hiện nay khi chúng tôi
đến đang xây lại khu phố cổ bên trong thành kế cận cửa Nam, khu này tôi thấy
bán nhiều các sản phẩm văn hoá như bút lông, mực tàu, tranh thư họa v.v...mà
khách hàng là người trong nước. Dù sống trong thời đại tin học, mọi việc đều
dùng vi tính nhưng người Trung Hoa vẫn trọng chữ nghĩa, chuộng thư họa (nghệ
thuật viết chữ), họ rất ham mê đọc sách, những quán sách báo mọc lên khắp nơi,
đường phố nào cũng có.
Chúng tôi đi trên con đường
chính lên hướng Bắc, chiều thứ bảy người ta dạo phố rất đông, tôi có cảm giác
như đi trên phố Ðông Kinh Nhật Bản năm 1974 khi sang tu nghiệp Đo Đạc Thủy Đạo
(Hydrographic Survey) nửa năm bên đó. Vào tiệm KFC (Kentucky Fried Chicken) mua
một cốc cà phê xem ngon dở thế nào? Nhưng thất vọng vì cà phê ở đây nhạt quá
như cà phê instant trong gói nhỏ! Tới công trường Tháp Chuông nhìn thấy Tháp
Trống gần đó về hướng Tây, cả hai tháp có kiến trúc như ngôi đền cổ. Xuống hầm
băng qua con đường chính để vào một Department Store ở hướng Ðông. Thương xá
nhộn nhịp đông người nhất là giới trẻ, có nhiều tầng, mỗi tầng bán một mặt hàng
riêng. Tầng bán nữ trang đèn sáng choang, các cô bán hàng đồng phục mời chào.
Vợ tôi muốn xem ngọc trai, các cô chìu khách đem ra đủ các loại khác nhau nhưng
chúng tôi thấy giá đắt mà không biết có trả giá được hay không nên không mua.
Ra khỏi thương xá thì bên ngoài vĩa hè thấy một đám đông vây quanh, bên trong
đám đông có hai bé gái, một đứa ốm yếu đang nằm bất động trên vĩa hè, còn đứa
chị độ 14, 15 tuổi thì qùy, trên đầu chít khăn tang và cầm một bức ảnh của một
người đàn ông có lẽ là cha hai đứa bé. Dưới bức ảnh có ghi những dòng chữ Tàu
chắc kể hoàn cảnh gia đình của chúng: có thể là cha làm công nhân hầm mỏ tử
nạn, em bịnh kinh niên cần được giúp đỡ. Có vài người cũng cho tiền. Có thể hai
bé này là ăn mày chuyên nghiệp, dàn cảnh để đánh động lòng từ tâm của mọi
người. Nhưng có thể hoàn cảnh hoạn nạn thật sự, không ai biết được? Trên đường
phố còn có nhiều nghệ sĩ lang thang, có hai người mù kết hợp với nhau thành một
ban nhạc cổ truyền, họ chơi đàn gáo, ca hát để xin tiền. Cũng có micro, loa
điện nhưng cột dây vá víu chằng chịt trông rất thảm nảo!
Kinh đô Tràng An dưới thời
Ðường đã được Nguyễn Hiến Lê mô tả như sau trong Sử Trung Quốc do nhà Văn Nghệ
xuất bản ở hải ngoại: “Thị trấn lớn nhất đời Đường là Tây Kinh Tràng An. Theo
Eberhard thì kinh đô đó có thời đông tới 2 triệu. Thị trấn chiếm một khu hình
chữ nhật, một chiều 9.7 cây số, một chiều 8.6 cây số, ở phía Đông Nam kinh đô
đời Hán. Những chi tiết đó hợp với bản đồ Trường An in trong cuốn Li Che Min
của Fitzgerald. Chắc chắn thị trấn đó lớn nhất Đông Á, có thể lớn nhất thế giới
thời đó nữa.
Nó nằm ở bờ phía Nam sông Vị, gồm ba phần: Phía Bắc là cung điện với khu thành nội, phía Nam là khu của dân chúng. Chung quanh có lũy bằng đất. Khu dân chúng có 11 đại lộ từ Đông qua Tây và 14 đại lộ từ Bắc tới Nam, tất cả đều thẳng góc với nhau, chia thành 108 xóm, mỗi xóm lại có một lũy tre đất bao chung quanh với 2 hay 4 cổng, ban đêm đóng. Những nơi đông đúc nhất là dọc theo đại lộ chính giữa đưa từ Bắc xuống Nam, và xóm chợ Đông và Tây, chỗ có cửa hàng và nhà của các thương nhân ngoại quốc. Có trên ba chục ngôi đền, chùa lớn.
Phía Bắc, ngay trên bờ sông Vị là một vườn thượng uyển mênh mông, trong đó năm 634 cất thêm một cung nữa, cung Đại Minh, nơi ở của vua, gồm ba chục lâu đài cách biệt nhau, rải rác trong vườn. Lâu đài rộng nhất (77.6 mét x 130.4 mét) có một cái nóc lớn chống bằng 164 cột. Trong một góc vườn có sân chơi polo (mã cầu: cưỡi ngựa mà đánh cầu), trò chơi này người Trung Hoa bắt chước của người Ba Tư.
Phía Bắc sông Vị có khu mộ
địa của hoàng tộc. Mỗi ông vua khi còn sống cho xây trước một cái lăng cho
mình. Những vật khai quật được gần đây (gương đồng, cây trâm cài tóc, đĩa chén,
tượng nhỏ bằng ngọc, đồng...) cho ta biết được đời sống xa hoa của mỗi hạng
người sống trong cung thời đó, từ các cung phi bó chân (cuối đời Đường tục bó
chân đã bắt đầu lan rồi), các vũ nữ, nhạc công, tới bọn người chơi polo, bọn
tôi tớ, bọn giữ ngựa đi những cái ủng thật rộng, mũi quặm, râu quặm, rõ ràng là
gốc ở Tây Vực.
Tràng An thời đó là nơi tụ họp của đủ các giống người: Nhà sư Ấn Độ, tu sĩ đạo Cảnh giáo, con buôn Samarcande, quân lính Đột Quyết, sinh viên Nhật Bản…Dân bốn phương tụ lại: Thư sinh lên kinh để thi tiến sĩ, người đậu rồi thì đợi bổ dụng,; bọn hảo hán đi tìm nhà quyền quý biết dùng mình; thương gia buôn muối, trà, thuốc bắc, quan lớn ở tỉnh về kinh để bệ kiến... Cao lâu, tửu điếm, trà thất, kĩ viện mọc lên như nấm, ồn ào suốt đêm tiếng ca tiếng nhạc. Cả một xã hội thích ca nhạc, mĩ nhân và thơ. Con buôn cũng biết làm thơ. Mê thơ nhất có lẽ là kĩ nữ. Một số ít có thanh, có sắc lại biết làm thơ thì nổi danh khắp nước; không biết làm thơ thì ít nhất cũng thuộc thơ của danh sĩ thời ấy.”
Tràng An thời đó là nơi tụ họp của đủ các giống người: Nhà sư Ấn Độ, tu sĩ đạo Cảnh giáo, con buôn Samarcande, quân lính Đột Quyết, sinh viên Nhật Bản…Dân bốn phương tụ lại: Thư sinh lên kinh để thi tiến sĩ, người đậu rồi thì đợi bổ dụng,; bọn hảo hán đi tìm nhà quyền quý biết dùng mình; thương gia buôn muối, trà, thuốc bắc, quan lớn ở tỉnh về kinh để bệ kiến... Cao lâu, tửu điếm, trà thất, kĩ viện mọc lên như nấm, ồn ào suốt đêm tiếng ca tiếng nhạc. Cả một xã hội thích ca nhạc, mĩ nhân và thơ. Con buôn cũng biết làm thơ. Mê thơ nhất có lẽ là kĩ nữ. Một số ít có thanh, có sắc lại biết làm thơ thì nổi danh khắp nước; không biết làm thơ thì ít nhất cũng thuộc thơ của danh sĩ thời ấy.”
Gần 1,500 năm sau với biết
bao nhiêu biến đổi thăng trầm, chúng tôi đến thăm Tràng An (nay gọi là Tây An
nhưng dân địa phương vẫn thích cái tên Trường An ngày xưa), thành phố vẫn là
một trung tâm văn hoá cho cả nước, là cái nôi phát sinh nền văn minh Trung Hoa
với những di tích văn hóa lâu đời cả 3 ngàn năm như viện bảo tàng bia đá có
khắc chữ cổ, những ngôi chùa cổ chứa kinh sách, những hầm chôn tượng người với
nét điêu khắc sống động và cung điện mùa Ðông của Ðường Minh Hoàng nơi phát
triển các bộ môn thi, ca, vũ, nhạc mà nền văn hóa Trung Hoa ngày nay vẫn còn
vay mượn.
Bốn giờ chiều đoàn chúng tôi
lên xe để ra phi trường Tây An đáp chuyến máy bay hãng China Eastern Airlines
lúc 6 giờ 30 để đi Quế Lâm (Guilin) thuộc tỉnh Quảng Tây. Phi trường nằm ở
hướng Tây Bắc và cách trung tâm Tây An khoảng 20 miles tuy có xa lộ nhưng cũng
phải mất hơn nửa giờ. Qua cầu trên sông Vị thì cảnh đồng quê hiện ra, những
ruộng bắp đã hái trái, còn lại thân cây khô người ta đốt cả ruộng, khói bay
lên. Ngồi trên xe nhìn thấy rải rác đó đây từng đám khói bốc cao lên trên bầu
trời chiều. Hướng dẫn viên địa phương là cô Ngô Nghị cho biết chính quyền ra
lịnh cấm đốt ruộng nhưng nông dân vẫn đốt để lấy tro làm phân bón cho mùa năm
tới. Trên những cánh đồng có rất nhiều đồi nhỏ, cô cho biết là những nấm mồ đời
xưa của những quan lại, phú hào. Nhà cửa ở đây cất xa con lộ mới mở và họ tập
trung lại thành làng nhỏ chung quanh có trồng cây che gió. Xe rẽ phải để vào
phi trường và nhà ga phi trường Tây An cũng mới xây và hàng ngày cũng hơn 50
chuyến bay lên xuống. Ngô Nghị từ giã mọi người và nhận tiền tip, cô chúc: “Có
những ngày tuyệt đẹp ở Quế Lâm và ở nơi đó mùa Thu hoa nở rất đẹp”. Phi cơ A
320 cất cánh thì trời cũng đã tối, bên dưới Tây An còn lại lấp lánh những ánh
đèn và lập loè những đốm lửa đốt rẫy bắp. Hình ảnh hai em bé gái xin tiền và
hai ông nghệ sĩ mù rách rưới khiến tôi xót xa và cay mắt như có hạt bụi lọt
vào! Trung Quốc ngày càng phát triển, nhiều người giàu có nhưng đa số dân quê
vẫn còn nghèo đói, cơ cực. Nhiều người lang thang về thành phố làm đủ mọi nghề
sinh sống nhưng chỉ kiếm được vài đô la mỗi ngày!
CAPTIONS:
5955 Con đường chính trong
thành Tây An nhìn từ tháp cửa Nam
5965 Cờ đuôi nheo, lồng đèn
đỏ treo trên tường thành phiá nam
5976 Tháp chuông điểm giờ và
tháp trống báo động khi giặc về
5977 Tầng bán nữ trang trong
thương xá
5975 Hai bé gái ăn xin trên
hè phố
5982 Hai nghệ sĩ mù rong ca
trên hè phố
No comments:
Post a Comment