CHƯƠNG
3
THĂM
THIÊN ÐÀN Ở BẮC KINH
Thành
phố Bắc Kinh có diện tích 16,808 cây số vuông, phiá Bắc là vùng núi non có Vạn
Lý Trường Thành và phiá Nam là vùng đồng bằng. Về phương diện hành chánh thành
phố Bắc Kinh được chia làm 16 quận nội thành và 2 huyện ngoại vi. Bắc Kinh có
lịch sử hơn 3 ngàn năm, được chọn làm thủ đô từ năm 1153 trải qua các triều đại
Liêu, Kim, Lương, Minh và Thanh vì vậy Bắc Kinh có nhiều công trình kiến trúc
có giá trị về lịch sử như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Thiên Ðàn và Cung
Ðiện Mùa Hạ.
HỘI
CHỢ SÁCH BẮC KINH
Mười
một giờ trưa 9-10-2005 chúng tôi lên xe buýt để đi ăn trưa, bữa cơm đầu tiên ở
Trung Quốc và sau đó sẽ đi thăm Thiên Ðàn nơi hàng năm nhà vua đến để tế lễ
trời đất. Xe rời khách sạn Tianlun Dynasty ở trung tâm Bắc Kinh và chạy lên
hướng Bắc. Buổi sáng chủ nhật mùa thu trời thật đẹp nên đường phố Bắc Kinh tấp
nập những người, xe đạp từng đoàn chen nhau với xe hơi, xe buýt. Còn đi trong
khu phố cổ nên nhà cửa xưa cũ, phố xá thấp lè tè, nhiều đình chùa, am miếu. Những
con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, người già ngồi trước hiên nhà, trẻ con đi lại trong
xóm, hàng quán bán mì nước, bánh bao, khoai nướng trông giống những khu trong
Chợ Lớn VN. Xe chạy ngang khu chùa Lạt Ma dọc theo lề đường người ta bày hàng
bán nhang đèn, hoa qủa để cúng và đồ kỷ niệm. Xe đến công viên Ditan Park với
nhiều bãi cỏ và cây xanh bóng mát rất hiếm thấy trên đường phố Bắc Kinh. Con
đường lớn phiá ngoài công viên xe hơi nhỏ nối đuôi nhau đậu hàng dài. Xe ra xe
vào gây cảnh kẹt xe mặc dù đã có cảnh sát giao thông đến điều hòa trật tự. Tôi
hỏi ông Lương Kiện là hướng dẫn viên của đoàn du lịch chúng tôi thì ông cho
biết hôm nay là ngày cuối cùng của hội chợ sách được tổ chức trong công viên
nên người ta đến mua sách rất đông. Xe buýt chúng tôi quanh lại chữ U trên con
đường giữa có con lươn trồng bông hoa để đến nơi đâu xe dành riêng cho xe buýt
chở du khách. Nơi bãi đậu không rộng lắm có chừng 5, 6 chiếc xe buýt đã đậu nơi
đây trước một nhà hàng nhiều tầng lầu, cột sơn đỏ, mái ngói cong như một ngôi
chùa và lồng đèn tròn đỏ được treo lủng lẳng trên mỗi tầng lầu. Chúng tôi xuống
xe và tưởng rằng sẽ vào ăn trưa nơi nhà hàng này vì thấy trên lầu qua lớp kính
thấp thoáng bóng dáng của du khách da trắng đang kẻ đứng người ngồi. Những
người da trắng lớn tuổi thường đi trong những Tour du lịch chỉ những anh chàng
trẻ mới du lịch theo lối quảy ba lô. Nhưng ông Lương Kiện cũng như hướng dẫn
viên David cằm cờ vàng AV Travel hướng
dẫn chúng tôi đi thẳng vào cổng công viên. Nơi cổng người ta ra vào tấp nập,
người nào cũng tay xách nách mang những bao đựng sách. Có người còn đẩy càng
hai bánh (dolly) di chuyển những thùng sách, có lẽ họ mua về bán lại nơi những
quày sách trên lề đường. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao dân Bắc Kinh lại ham mê đọc
sách đến như vậy? Có lẽ truyền thống Nho học chuộng chữ nghĩa, đạo lý thánh
hiền còn di căn trong huyết quản? Nhớ lại thị trường buôn bán sách ở Bolsa lòng
chợt mênh mang một nỗi buồn khó tả:
Cái
học ngày nay đã hỏng rồi!
Mười
người đi học chín người thôi.
Cô
hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy
khoá tư lương nhấp nhỏm ngồi!
(Cái
học ngày nay - Trần Tế Xương)
Bên
trong công viên người ta còn đông hơn nữa vây quanh những lều sách, chăm chú
đọc. Không những chỉ ông già râu bạc mà còn những cô gái trẻ tuổi. Không chỉ
lớp sinh viên ốm o đeo kính cận mà còn từng lớp lao động da xạm nắng, thịt bắp
vai u. Trải qua những thăng trầm thời cuộc từ nội chiến quốc cộng sau khi giành
độc lập đến cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, nay là kinh tế thị trường mở
tung cánh cửa đón luồng gió từ bên ngoài, dân chúng Trung Hoa vẫn còn qúy trọng
chữ nghĩa, ham mê sách vở. Dân có ham học, chuộng sách vở thì đất nước mới phát
triển vì sách vở là kho tàng hiểu biết, tập trung những kinh nghiệm qúy báu, những nghiên cứu công phu. Vì
phải đi theo đoàn nên tôi không có dịp nhập vào đám đông xem sách tại Trung
Quốc in ấn, giá cả như thế nào? Nhưng qua tuần sau, khi có dịp đi riêng vào
tiệm sách ở Nam Kinh Lộ thành phố Thượng Hải, tôi thấy sách in rất đẹp hình
màu, bìa láng và giá rất hời. Trên những vĩa hè, góc phố đều có những quán sách
và công viên mỗi sáng những người cao niên quây quần với nhau tập khí công,
uống trà, đọc báo và họ đọc rất kỹ chứ không phải như dân Mỹ mua tờ báo xong
chỉ rút ra phần thể thao còn lại thì quăng vào thùng rác!
Qua
khỏi khu hội chợ sách là một vùng cây cối xanh tươi thấp thoáng nhiều mái chùa
cổ và ngạc nhiên hơn nữa không biết tại sao lại được đưa vào một ngôi chùa, có
lẽ hôm nay mình sẽ được chiêu đãi một bữa cơm chay chăng? Bên trong chùa không
thấy chánh điện, tượng Phật đâu mà là những bàn tròn lớn bên trên có những chai
bia, nước ngọt và chén đủa. Có những cô gái mặc đồng phục hao hao như những nữ
tỳ ngày xưa, các cô rót nước, bưng thức ăn lên. Thấp thoáng bên ngoài những
đoàn du khách người da trắng đang được các hướng dẫn viên du lịch đưa vào những
gian nhà bên cạnh chắc là cũng đi ăn trưa như chúng tôi. Có lẽ ngày trưóc nơi
đây là những ngôi chùa và công viên bên ngoài là khu lâm viên của nhà chùa và
trong cuộc cách mạng văn hóa nhà nước đã tịch thu, khu vườn biến thành công viên
và nhà chùa trở thành hội trường hay cung văn hóa gì đó. Đến thời kỳ mở cửa của
Đặng Tiểu Bình nhằm kinh doanh thu hút ngoại tệ cho Sở Văn Hóa nên nhà chùa đã
trở thành nhà hàng chuyên phục vụ cho các đoàn du lịch nước ngoài mà thường dân
không vào ăn được. Vừa kinh doanh lại không lộ liễu, dân chúng không biết là
đình chùa miếu mạo đã biến thành nhà hàng, thấy du khách đi vào tưởng là tham
quan các di tích cổ!
VIỆC
ĂN UỐNG TRONG CÁC CHUYẾN DU LỊCH TRUNG QUỐC
Khi
nghe tôi đi Trung Quốc bạn bè bảo tôi là thức ăn tệ lắm, không có thịt cá toàn
là dầu mở và bột ngọt, cách nấu nướng nêm nếm của họ mình nuốt không trôi nên
khuyên tôi đem theo mì gói, thịt chà bông (ruốc) và nhất là ớt trái. Khi đến AV
Travel đóng tiền làm thủ tục và lấy vé máy bay, cô Simone Nga còn bảo tôi nên
đem theo xì dầu Maggi để ăn với cơm! Tôi cũng đâm ra lo vì cô là người tổ chức
chuyến đi trong đó có các bữa ăn mà khuyên đem theo xì dầu! Nhưng đối với tôi
ham đi hơn ham ăn, nghĩ đi du lịch là thăm thú
khám phá những gì mới lạ ở xứ người chứ đâu phải đi để ăn nhậu vã lại
mỗi ngày còn có bữa buffet ăn sáng trong khách sạn, mình ăn no vào mỗi bữa sáng
sau đó bữa ăn trưa chiều có qua loa cũng không sao. Ở nhà thì tôi vẫn rau đậu
mỗi ngày và thường xuyên “chuyên trị” cơm chỉ chứ có cao lương mỹ vị, cơm gà cá
gỏi gì đâu nên tôi chỉ đem theo phòng hờ 4 ly mì Thái chua cay và cho tới ngày
về vẫn còn 4 gói y nguyên. Bốn ly mì Made in China nay lại quy hồi cố quốc và
mua ở Cali rốt cục lại đem về Cali! Có lần soạn hành lý vợ tôi quăng vào giõ rác
trong khách sạn, tiếc công mang đi nửa vòng trái đất nên tôi nhặt lại:
“Cầm
vàng mà lội qua sông
Vàng
rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng!”
Bữa
cơm đầu tiên trong chuyến đi có đến 10 món không ngon cũng không dỡ nhưng có
vài món lạ miệng và nêm nếm tất cả hơi mặn hơn những tiệm Tàu bên Mỹ. Thức ăn
nhiều rau cải, ít thịt thà và không có cá tôm. Những ngày kế tiếp trong chuyến
du lịch thức ăn đều như vậy: cải, đậu, ngô, bí, trứng, đậu hũ là chính, thịt
thì có heo và gà vịt, thỉnh thoãng có cá, rất hiếm có thịt bò và không có tôm
cua. Vì đi nhiều tỉnh khác nhau nên mỗi miền có phong cách nêm nếm khác nhau
khi mặn khi ngọt, rau cải thường là xào tươm mở bóng loáng chỉ có miền Quế Lâm
tỉnh Quảng Tây ở về phiá Nam là có rau luộc. Bữa ăn nào cũng có trứng chiên với
cà tô mát và rau cần tây xào không thịt và canh “đại dương” vì toàn là nước!
Miền Bắc thời tiết lạnh không trồng được lúa nên dân Trung Hoa ít ăn cơm và
thay bằng bánh bao không nhân. Nếu có cơm thì là cơm rang tươm mỡ, có phân nửa
bữa ăn là có cơm trắng nhưng cơm lại được dọn sau cùng lúc đồ ăn đã gần hết
trong khi dân VN ta có thói quen ăn cơm kèm với đồ ăn! Không biết vì cách nấu
nướng lạ miệng hay đi nhiều mau đói nên hầu như tất cả các bữa ăn tôi đều chiếu
cố tận tình nên đối với tôi khi ai hỏi đi Trung Quốc ăn được không thì tôi trả
lời là... ngon. Có thể bây giờ Trung Quốc kinh tế phát triển mau, thay đổi
nhanh chóng và bữa ăn được cải tiến hay là vì Tour du lịch có phẩm chất nên nhà
hàng bữa ăn tối toàn là những khách sạn 4 sao trở lên nên đồ ăn khá là phải.
Bữa trưa có thể ăn ở những nhà hàng quốc doanh nhỏ trên đuờng đi nhưng buổi tối
khá thịnh soạn. Đặc biệt trước mỗi bữa ăn mỗi người có một ly thức uống đầu
tiên miễn phí có thể là bia, nước ngọt hay nước lạnh còn trà nóng thì bữa ăn
nào cũng có. Hướng dẫn viên du lịch nói rằng các đoàn du lịch nước ngoài bắt
buộc phải ăn trong các nhà hàng quốc doanh vì thực phẩm được kiểm soát vấn đề
vệ sinh và nhà hàng phải chịu trách nhiệm. Có người hỏi còn các nhà hàng tư
nhân nấu có ngon hơn không thì được trả lời là quý vị ăn không nỗi đâu vì nấu
rất dỡ vả lại vấn đề vệ sinh thì không đảm bảo an toàn.
Vấn
đề nước uống trên nguyên tắc cho rằng nước trong vòi an toàn nhưng họ khuyên
chúng ta không nên thử mà nên luôn dùng nước trong chai nhưng cũng có loại nước
chai giả thiếu vệ sinh. Mỗi ngày trong phòng khách sạn có để 2 chai miễn phí
tôi thường lấy đem theo để uống đủ cho 2 người một ngày. Nếu thiếu thì đun nước
sôi trong khách sạn và để nguội rót vào chai. Thường trên các xe buýt người tài
xế có bán nước uống với giá 10 yuan cho 3 chai. Suốt chuyến đi tôi không hề bị
đau bụng có lẽ nhờ uống toàn là...bia! Còn cà phê Trung Quốc thì rất dỡ chỉ có
bữa ăn Buffet sáng trong khách sạn là cà phê đậm đà hương vị hơn cà phê Mỹ.
ĐI
VIẾNG THIÊN ĐÀN
Rời
khỏi công viên Ditan Park với hội chợ sách tấp nập người mua, xe chúng tôi chạy
về hướng Nam để đi Thiên Ðàn ( The Temple of Heaven). Thiên Ðàn là một khu đất
rộng với nhiều công trình kiến trúc cách nay gần 600 năm nằm giữa rừng tùng cổ
thụ. Huế có Ðàn Nam Giao, Bắc Kinh có Thiên Ðàn là nơi hàng năm các vua của 2
triều Minh, Thanh đến thiết đàn với nhiều lễ vật để cầu trời cho mưa thuận gió
hoà, trong nước dân an, bên ngoài thế giới thái bình. Thiên Ðàn tại Bắc Kinh
nằm về phiá Nam nơi cửa Vĩnh Ðịnh của kinh thành Bắc Kinh và cách Tử Cấm Thành
không xa lối 4 miles, rộng 2 triệu 700 trăm ngàn thước vuông và được xây năm
1420 là năm Vĩnh Lạc thứ 18 dưới triều Minh. Thiên Ðàn rộng hơn Tử Cấm Thành là
nơi vua ở vì các vua Trung Hoa thường tự nhận là thiên tử có nghĩa là “con của
Trời” nên không dám xây nhà lớn hơn nhà của cha là Trời. Nhưng Thiên Ðàn lại
nhỏ hơn Cung Ðiện Mùa Hè của Từ Hy Thái Hậu là nơi Từ Hy thường đến để vui chơi
gió trăng yến tiệc!
Thiên
Ðàn có 2 vòng thành bao bọc với tường cao, phiá Bắc vòng thành có hình bán
nguyệt tượng trưng cho trời và vòng tường phiá Nam có hình vuông tượng trưng
cho đất ngụ ý là “Trời tròn, đất vuông”. Phiá Bắc đất cao và phiá Nam đất thấp
muốn nói rằng “Trời cao, đất thấp”. Xe chúng tôi qua cổng Ðông của thành ngoài
và đậu vào bãi đậu nơi đây có rất nhiều cây hồng trái chín mà người ta đang
hái. Một người cầm một cây sào trên cột lưỡi dao giựt rớt từng trái và người
kia cầm tấm đệm hứng. Trái tròn dẹp giống như hồng dòn ở Cali nhưng lại lớn gấp
đôi và 1/3 trái phiá cuống lại có một ngấn vòng quanh trái vì không có thử nên
tôi không biết hòng dòn hay hồng mềm? Chúng tôi đi qua cổng soát vé để vào bên
trong sau bức tường thứ nhì. Giá vé là 50 yuan (1 US$=8 yuan) và giờ mở cửa là
từ 6 giờ sáng đến 7 giờ 50 tối, nếu đi
xe buýt công cộng là tuyến đường 6, 34 và 35.
Bên
trong là bãi cỏ xanh không trồng bông hoa hay những cây thấp mà toàn là những
cây tùng bách cổ thụ hàng mấy trăm năm để tạo không khí trang nghiêm, tĩnh
mịch. Có một cây tùng cypress được rào xung quanh và cây được đặt tên là Cửu
Long (Chín con rồng) vì thân cây khúc khuỷu, vỏ cây đã tróc tự bao giờ lộ ra
cuồn cuộn những thớ cây như những con rồng quấn quít lấy nhau. Cây này theo
bảng đề có tuổi thọ hơn 500 năm! Qua sân cỏ chúng tôi đi dọc theo hành lang
những dãy nhà nơi đây có những nghệ nhân tài tử
múa may, ca hát, thổi sáo, đánh những loại đàn dây cổ truyền giúp vui
cho du khách mà không cần đến tiền bạc nhưng cũng có vài người bán những đồ kỷ
niệm như mũ nón, dù che...
Nơi
phiá Bắc kiến trúc lớn nhất là Ðiện Kỳ Niên nơi nhà vua mỗi năm vào tháng Giêng
sau 3 ngày ăn chay, ngồi kiệu ra, thay y phục để tế đất cầu cho mùa màng. Điện
Kỳ Niên có mái ngói tròn màu xanh 3 lớp chồng lên nhau. Bên trong điện có 28
cột lớn: 4 cột ở giữa tượng trưng cho 4 mùa xuân hạ thu đông, 12 cột tạo thành
vòng tròn chính giữa tượng trưng cho 12 tháng và 12 cột vòng ngoài tượng trưng
cho 12 khắc, đơn vị đo thời gian ngày xưa, mỗi khắc bằng 2 giờ. Trên mái điện
được sơn 3 màu: đen tượng trưng cho trời, vàng tương trưng cho đất và xanh lá cây
tương trưng cho vạn vật là tất cả những gì nằm trên mặt đất. Trong ngày chúng
tôi đến Ðiện Kỳ Niên đang được đại trùng tu nên không vào xem được.
Buổi
chiều trời Thu trong xanh, thoang thoảng những làn gió mát, chúng tôi đi trên
sân rộng lát bằng đá tảng nhưng được gọi là Cầu Hồng Linh, các vua ngày xưa
nghĩ rằng được lên trời qua chiếc cầu này. Con đường rộng thênh thang được gọi
là cầu này dẫn đến Hoàng Huyền Vũ một điện hình tròn giống như Điện Kỳ Niên
nhưng quy mô nhỏ hơn cũng lợp ngói lưu ly màu lam dưới là những tấm ngói hình
dợn sóng, dưới lớn và lên trên nhỏ dần nên được gọi là ngói tre. Nhìn mái điện
dưới ngói lớn và trên nhỏ dần như một chiếc nón mà tất cả các đường nan quạt đề
quy về một mối cho thấy việc thiết kế đòi hỏi nhiều tính toán và ngói được nung
nhiều kích cỡ khác nhau. Bên trong Hoàng Huyền Vũ có đặt bài vị Hạo Thiên
Thương Đế. Hoàng Huyền Vũ được xây năm 1530 cao 19.5 mét và đường kính 15.6
mét. Đến năm 1752 năm thứ 17 triều vua Càn Long nhà Thanh được đại trùng tu
theo kiểu cách như chúng ta thấy ngày nay. Ôm vòng theo Hoàng Huyền Vũ là một
bức tường gạch hình bán nguyệt có tên là Hồi Âm Bích. Hai người đứng ở hai đầu
bức tường Hồi Âm Bích cách nhau 193 mét vẫn nghe rõ tiếng nói vì âm thanh
truyền theo bức tường.
Cuối
cùng một kiến trúc quan trọng nhất ở Thiên Đàn là Đàn Viên Khâu là nơi mỗi năm
nhà vua đến để tế trời vào dịp Đông Chí từ 21 đến 23 tháng Giêng âm lịch. Ðiều
lạ là Đàn Viên Khâu nơi tế trời cách Điện Kỳ Niên tế đất 365 mét, không biết vô
tình hay cố ý 365 là số ngày trong một năm! Đàn Viên Khâu hình tròn gồm 3 tầng
được xây bằng đá Hán Bạch Ngọc không có mái che. Mỗi tầng nối nhau bằng 9 bậc
thang muốn mang ý nghĩa là “cữu trùng” và số 9 là số của nhà vua. Ngay tại
trung tâm Đàn Viên Khâu đặt một tảng đá hình tròn gọi là Thiên Tâm Thạch có
nghĩa Đá Lòng Trời, ngày xưa vua đứng trên đó để tế lể, tiếng cầu nhà vua sẽ
dội vào tảng đá đó mà phát tán ra khắp
nơi. Người ta nói rằng dưới tảng đá là một hộc trống có công dụng làm phản hồi
âm thanh. Ngày nay du khách tranh nhau đứng trên đá để chụp hình. Bao quanh Đàn
Viên Khâu là hai bức tường đá, tường trong hình tròn, tường ngoài hình vuông
biểu hiện cho trời tròn đất vuông.
Thiên
Đàn là di tích lịch sử và văn hóa, là một kiến trúc cổ có giá trị về nghệ thuật
trang trí vào bậc nhất ở Bắc Kinh, là một trong 4 kiến trúc mà khi đến Bắc Kinh
du khách đều được hướng dẫn để tham quan là Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành,
Thiên Ðàn và Cung Ðiện Mùa Hạ.
No comments:
Post a Comment