CHƯƠNG
2
PHỐ
PHƯỜNG BẮC KINH
Bắc
Kinh có tên quốc tế hiện nay là Beijing phiên âm từ tiếng Quan Thoại trong khi
trước đây là Peking phiên âm từ tiếng Quãng Ðông, là thủ đô của Trung Quốc với
dân số hiện nay là 14,560,000 người trong đó có 3 triệu người là dân nhập cư
không có sổ hộ khẩu. Người Hán chiếm 95 phần trăm, số còn lại thuộc 55 sắc tộc
thiểu số. Thành phố Bắc Kinh có diện tích 16,808 cây số vuông, phiá Bắc là vùng
núi non có Vạn Lý Trường Thành và phiá Nam là vùng đồng bằng. Về phương diện
hành chánh thành phố Bắc Kinh được chia làm 16 quận nội thành và 2 huyện ngoại
vi. Bắc Kinh có lịch sử hơn 3 ngàn năm, được chọn làm thủ đô từ năm 1153 trải
qua các triều đại Liêu, Kim, Lương, Minh và Thanh.
Sau
13 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay Air China từ Los Angeles tôi đến Bắc Kinh
lúc 5 giờ 30 sáng ngày chủ nhật 09-10-2005 cùng với đoàn du lịch do AV Travel
tổ chức. Ra đón tại phi trường có ông Lương Kiện một người VN sinh quán tại Hải
Phòng, giáo sư đại học Bắc Kinh hồi hưu hiện làm cho AV Travel từ 7 năm nay và anh
chàng người Bắc Kinh trẻ tuổi tên David nhân viên công ty du lịch Bắc Kinh chưa
được vào biên chế nên không lương nhà nước chỉ sống nhờ tiền tip của du khách.
Theo chương trình lẽ ra chúng tôi đi máy bay hãng Ðại Hàn Asiana Airlines nhưng
vì chiếc máy bay này bị nhân viên quét dọn nhấn nhầm nút khiến cầu tuột khẩn
cấp bằng cao su bung ra, đã bỏ trở vào được nhưng chưa có chuyên viên kiểm soát
nên để an toàn họ bỏ bớt 60 người lại trong đó có đoàn chúng tôi. Asiana
Airlines chuyển chúng tôi sang hãng Air China của Trung Quốc tuy cất cánh trễ
hơn nhưng nhờ không có ngủ ở Ðại Hàn nên chúng tôi đến Bắc Kinh sớm hơn dự định
5 tiếng đồng hồ. Hành lý đã gởi bên Asiana Airlines nên chúng tôi khỏi chờ lấy
và lên xe buýt về thẳng khách sạn. Trưa nay David sẽ trở lại phi trường Bắc
Kinh để lấy 38 hành lý của 38 người trong đoàn và đưa về khách sạn.
KHÁCH
SẠN TIANLUN DYNASTY
Chúng tôi về tới khách sạn Tianlun Dynasty Hotel ở số 50
đại lộ Wangfujing (Vương Phủ Tĩnh) lúc 9 giờ sáng. Khách sạn thuộc loại 5 sao
nên khá sang trọng gồm có 408 phòng, không biết công ty du lịch địa phương hợp
đồng với khách sạn và tính AV Travel bao nhiêu tiền cho 2 ngày chúng tôi lưu
tại khách sạn chứ vào website của khách sạn (tianlunhotel.com) thấy giá phòng
rẽ nhất cũng đã 290 US$ cho một đêm. Khách sạn có 9 tầng lầu xây vòng quanh
theo hình vuông và chính giữa để trống dùng làm sân đặt những bàn ăn cho nhà
hàng nhưng phiá trên bầu trời có che kính trong cho mưa khỏi ướt. Trong lúc chờ
đợi lấy phòng chúng tôi lên tầng lầu 2 nhà hàng để ăn sáng. Buổi sáng nhà hàng
cho ăn theo lối buffet mà ông hướng dẫn viên Lương Kiện gọi là ăn “tự chọn”.
Thức ăn theo lối Âu Mỹ có đủ loại bánh mì, trứng chiên, bacon, sausage,
croissant, cereal, sữa, nước trái cây, xà lách, trái cây các loại như ở Mỹ còn theo
lối Tàu có cháo thịt, cháo trắng ăn với hột vịt muối, thịt chà bông, dưa món
mặn và bánh bao, xà cháo quảy, cơm chiên, mì xào. Thường thì tôi chọn món cháo
trắng ăn cho ấm lòng, lại khỏi phải lo cholesterol nhưng vì cháo loãng toàn là
nước nên bất tiện một điều là hay tìm nhà vệ sinh nhưng nhà vệ sinh tại Trung
Quốc thường thiếu vệ sinh, là một vấn đề nên đặt lên hàng “quốc nạn” cho ngành
du lịch của Trung Quốc mà tôi sẽ nói sau. Ăn vừa xong đang ngồi nhấm nháp tách
cà phê trong lúc các nam nữ đồng phục hầu bàn chờ cho uống vơi lại mau mắn châm
thêm thì cô Simone Nga là người tổ chức chuyến đi đưa cho tôi tấm cạt chìa khóa
phòng số 786 và nhắn rằng sẽ tập trung đi ăn trưa vào lúc 11 giờ. Thế là tôi có
gần 3 tiếng đồng hồ tự do thăm thú đường phố Bắc Kinh gần khách sạn là khu tập
trung những thương xá thuộc loại sang trọng nhất xem như thế nào? Trước 1975
còn ở VN nghe nói tới Bắc Kinh, nói tới Thiên An Môn tưởng chừng như xa xôi mịt
mù, không mong gì có ngày đặt chân tới. Nhưng cuộc diện thế giới đã thay đổi
nhanh chóng, hôm nay tôi lại ngồi nhâm nhi tách cà phê tại Bắc Kinh, khách sạn
này chỉ cách hơn 1 mile về hướng Ðông của Thiên An Môn.
Chúng tôi lấy thang máy lên lầu 7 và mở cửa vào phòng,
phải bỏ ngay tấm cạt chìa khoá vào hộp trên tường thì mới bật đèn lên được nhằm
tiết kiệm điện vì mỗi khi rời khỏi phòng, cửa đóng lại một phút sau là điện
trong phòng sẽ cúp nếu không có tấm cạt trong hộp. Trường hợp khách sạn chỉ
giao có 1 tấm cạt mà ta có 2 người ở, bà xã có tật ngủ sớm và ban đêm tôi hay
đóng vai vua...cỏ, rời bỏ hoàng cung giả dạng thường dân, xuống lang thang dạo
phố thăm dân cho biết sự tình, tôi chỉ cần lấy một tấm danh thiếp quảng cáo nào
đó bỏ vào hộp là trong phòng vẫn có điện và tôi thong dong mang tấm chìa khóa
ra đi, lúc nào về cũng được.
Lại còn vấn đề là điện ở Trung Quốc là điện 220 volts mà
các chấu cắm điện thường là hai chia tròn. Ðể sạt điện cho các cục pin dùng cho
máy hình digital, trước khi đi tôi đã phải mua các adapter đủ mọi loại. Nhưng
khách sạn này cũng như 5 khách sạn khác
nữa mà tôi ở trong những ngày tới, trong phòng tắm đều có lỗ cắm điện với hai
chia dẹp như ở Mỹ, không cần tới những adapter mà tôi đã bõ công ra tìm mua.
Trong các khách sạn 4 sao trở lên đều có máy xấy tóc, bàn chải và kem đánh
răng, lược, xà phòng, dầu gội đầu, áo ngủ kimono, dép cao su, dù, máy nấu nước
sôi, trà, cà phê và hai chai nước lọc không phải trả tiền. Còn bất cứ những gì
trong tủ lạnh như bia, nước ngọt, mì ly đều phải trả tiền và trả tiền rất đắt,
không nên đụng tới. Khách sạn 5 sao còn có thêm nhiều thứ nữa như bàn ủi và
phòng tắm đứng (shower). Tôi rất cần máy xấy tóc, không phải để làm đẹp mà là
xấy quần áo sau khi giặt và phơi một đêm vì đưa cho khách sạn giặt giá rất đắt,
khoảng 7 US$ cho một bộ quần áo, gần bằng giá mua bộ mới bên ngoài!
Khách sạn Trung Quốc còn một chuyện lạ nữa là những khăn
tắm khi dùng xong muốn họ thay cái khác thì ta bỏ dưới sàn hay trong bồn tắm,
nếu để trên kệ thì họ sẽ không thay. Tấm trải giường và áo gối, muốn thay thì
ta đặt tấm cạt lên trên giưòng. Họ có thông báo điều này trên những tờ giấy đặt
trong phòng.
Truyền hình trong khách sạn đều có các đài tiếng Anh
như CNN, BBC, đài Nhật, Pháp để theo dõi
tin tức quốc tế hàng ngày. Còn đài địa phương Trung Quốc có hàng chục đài,
chương trình phong phú, đa dạng, hình ảnh sáng sủa nhưng không hiểu họ nói gì,
tôi chỉ xem hình và đoán nội dung. Hai tuần ở Trung Quốc tôi đã theo dõi việc
Trung Quốc phóng phi thuyền với 2 phi hành gia lên không gian, trân động đất ở
Pakistan, đất chuồi ở Nam Mỹ và cúm gà lan tới Nga. Trong phòng có lỗ cắm dây
internet cho máy vi tính xách tay nhưng phải gọi thông báo cho khách sạn biết
để tính tiền. Trường hợp dùng internet qua máy của khách sạn, phải hỏi ở quày
tiếp tân họ sẽ chỉ nơi có dịch vụ internet, thường ở phòng có tên Business
Center và lệ phí thường là 1 yuan (nhân dân tệ) (1US$=8 yuan) cho mỗi phút.
Việc đổi để lấy tiền Trung Quốc chi dùng, du khách có thể
đổi ở quày lễ tân khách sạn (không nên đổi ở ngoài đường vì có thể tiền giả) và
lấy biên lai để sau này đổi lại tiền đô la Mỹ. Theo quy định chỉ đổi lại được
dưới phân nửa số tiền đã đổi trước và chỉ đổi được ở phi trường mà thôi (ở cổng
gate ra máy bay vẫn có chỗ đổi). Khi mua hàng lúc trả tiền phải xem lại tiền
thối có đủ không vì mua từ những người bán dạo ngoài đường đôi khi họ cố tình
thối thiếu vì biết mình không rành mấy giấy bạc Trung Quốc, tôi đã gặp một lần
ở Quế Lâm. Nói chung đa số người Tàu tốt, giữ chữ tín và sòng phẳng, hai lần
tôi bỏ quên áo khoát họ cất và khi tôi trở lại tìm họ hoàn lại cho tôi trong khi
ở Mỹ tôi thường quên ở tiệm fast food và mất luôn! Tiền Trung Quốc tiền giấy có
nhiều mệnh giá như 1, 5, 10, 20, 50, 100 yuan một mặt in hình Mao Trạch Ðông,
mặt kia in hình một thắng cảnh nào đó. Nên đổi lấy nhiều giấy 10 yuan vì dễ xài
và tiện để cho tiền tip nhưng khi đổi họ không chịu đưa nhiều giấy 10 yuan cho
mình. Mua những món hàng lớn giá thường họ chịu nhận tiền đô la hoặc Credit
Card.
PHỐ MUA SẮM WANGFUJING
Cạnh khách sạn Tianlun Dynasty là ngôi nhà thờ công giáo
La Mã có tên là nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph Church) còn được dân Bắc Kinh
gọi là nhà thờ phiá Ðông để phân biệt với nhà thờ phiá Nam là nhà thờ Ðức Bà
Maria. Nhà thờ này được xếp vào bậc vương cung thánh đường (cathedral) và được
xây từ năm 1655 bởi linh mục Luigi Buglio thuộc dòng truyền giáo Jesuit. Khi
chúng tôi đến thì nhà thờ vừa tan lễ chủ nhật lúc 9 giờ, bổn đạo là những người
cao niên hãy còn đứng trong nhà thờ chuyện trò thăm hỏi nhau rất thân mật.
Nhưng chẳng bao lâu thì đèn tắt hết và có tiếng người tôi hiểu là họ bảo ra
ngoài để đóng cửa. Giáo dân vẫn tiếp tục ra bên ngoài chuyện vãn và trước nhà
thờ cũng có một bàn bán tượng ảnh, xâu chuổi và kinh sách. Sân trước nhà thờ
cao hơn mặt đường được tráng xi măng trồng hai hàng cây có cành rũ xuống mà ông
Lương Kiện gọi là cây móng rồng vì mùa Ðông cây không còn lá, cuối cành xoè ra
những nhánh như chân rồng. Cây này thấy trồng nhiều ở Bắc Kinh nhất là ở vườn
thượng uyển trong Tử Cấm Thành. Sân nhà thờ còn được sở công viên nhà nước
trang trí các thảm hoa bằng những chậu hoa nhỏ ghép sát vào nhau. Lối bày hoa
này không cần đất, có thể bày trên vĩa hè tráng xi măng được thấy khắp các
thành phố Trung Quốc. Ban đêm tôi trở về khách sạn ngang sân nhà thờ thấy người
ta tụ tập ngồi chơi nơi đây rất đông trên những băng đá, một ông đệm đàn
accordion cho một ông hát, lời ca tha thiết theo nhịp valse có lẽ là một bản
tình ca. Ðến chơi nơi đây đa số là đàn ông trung niên, họ mặc áo veste và đi xe
đạp đến. Vài cặp tình nhân trẻ ngồi tâm tình trong chỗ khuất vắng còn nhà thờ
được chiếu đèn sáng.
Rời nhà thờ chúng tôi tản bộ về hướng Nam trên đường
Wangfujing mà tiếng Hán Việt dịch là Vương Phủ Tĩnh hình như có nghĩa là cái
giếng nước. Con đường rộng rãi hiện dành riêng cho người đi bộ mua sắm, hai bên
đường là những tòa nhà lầu to lớn nhiều tầng treo cờ quạt xanh đỏ đề chữ Tàu
nên tôi không hiểu là cửa hàng gì có thể là kim hoàn vàng bạc, tiệm thuốc phối
hợp đông và tây y nhưng nhiều nhất là những thương xá, mỗi tầng lầu một mặt
hàng riêng biệt như mỹ phẩm, điện tử như máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại cầm
tay, áo quần phụ nữ, đồ chơi trẻ em...Trong một tầng bán thực phẩm khô như bánh
mứt, xí muội, mì gói có bày những bọc nhựa cầm lên nặng nặng in hình con vịt quay màu đỏ đậm và đề chữ
Roasted Peking Duck. Tôi không hiểu mua về làm sao ăn? Vì là ngày chủ nhật nên
người đi cũng khá đông, ăn mặc đẹp và dường như ai cũng có điện thoại di động.
Ðến một ngã tư đèn xanh đèn đỏ có đường xe cộ chạy ngang, một xe mô tô đậu và 2
cảnh sát sắc phục đứng bên lề đường trông chừng cho bộ hành băng qua lộ. Một
ông mặc đồng phục nhưng không phải là cảnh sát có lẽ là tình nguyện viên hay
nhân dân tự phòng cầm loa quát tháo những người đi xe đạp lưu thông không đúng
cách. Có hai người đàn ông gầy ốm chạy hai chiếc xe ba bánh chở than đá ép
thành bánh tròn có lẽ bán dạo bị ông trật tự viên vừa quát om sòm vừa chỉ chỏ
điểm mặt, có lẽ khu này cấm xe ba bánh đi vào. Một chiếc xe hơi chạy ngang qua
bị hai cảnh sát thổi còi chận lại. Hoá ra xe không có gắn bảng số, người lái xe
là một trung niên mặc đồ veste, chạy đến gặp hai cảnh sát. Một lát sau anh ta
trở lại xe và lấy ra tấm bảng số dùng bạc cắc làm dụng cụ loay quay gắn bảng số
vào phiá sau xe.
Ði vào những hẻm nhỏ là những quán bán đồ ăn như mì, thịt
xâu nướng, mực nướng, những con đuông vàng, những con dế cơm ,bò cạp cũng được
xỏ xâu nướng luôn. Trong nguyệt san National Geographic số thật xưa tháng
5/1930 có hình những người đàn ông Trung Hoa bán dạo tay cầm những que xỏ xâu
những viên tròn mà tôi không biết là thứ gì? Bây giờ thấy bán nhiều ở đây, theo
anh chị Quãng ở San Diego cùng đoàn cho biết đó là kẹo hồ lô họ làm bằng trái
cây áo đường bóng loáng bên ngoài. Chị Quãng mua vài que với giá 4 yuan mỗi que
và đưa cho tôi ăn thử. Que kẹo của tôi làm bằng những trái cà chua tròn nhỏ
trong khi những que khác là trái táo apple nhưng ở vùng Bắc Kinh có loại trái
rất nhỏ màu vàng. Gần đó có con đường tên là Hawker Street mỗi đêm có hơn 100
quày hàng bày dọc theo con lộ bán mọi thứ đồ chiên và nướng đốt đèn sáng choang
trông rất vui mắt và ngào ngạt mùi thịt nướng. Làng nướng này có tên là
Donhuamen Night Market người ta ăn uống rất tấp nập. Hướng dẫn viên du lịch
David nói chúng tôi không nên ăn những thứ bày bán ở đây, dân địa phương ăn
được nhưng chúng tôi ăn vào sẽ có vấn đề. Du khách Tây ba lô rất thích khu này
và tận tình chiếu cố những món ăn nơi đây.
No comments:
Post a Comment