CHƯƠNG
1
ĐƯỜNG
ĐẾN BẮC KINH
Thứ
sáu 07-10-2005 chúng tôi lên đường du lịch Trung Quốc trong hơn hai tuần do AV
Travel của cô Simone Nga tổ chức. Chuyến đi này do chính cô Nga hướng dẫn gồm
40 người tuổi từ độ 35 cho đến người già nhất là cụ Lai Văn Lợi 83 tuổi mái tóc
trắng phau mà mọi người trong đoàn sau khi đi thăm Tử Cấm Thành thường gọi cụ
là “hoàng thượng”. Đặc biệt còn có xướng ngôn viên Vũ Chung của đài phát thanh
VNCR FM 106.3 và bà xã tháp tùng chuyến đi để thỉnh thoảng dùng điện thoại
tường trình về đài. Chuyến đi thăm thú rất nhiều địa danh nổi tiếng về thắng
tích liên hệ đến lịch sử, những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Quan Công, Đường
Minh Hoàng, Dương Qúy Phi, Tây Thi, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Nhạc Phi, Tần
Cối... Chúng tôi trèo lên Vạn Lý Trường Thành mệt muốn đứt hơi, vượt sông Li
Giang ở Quế Lâm tỉnh Quãng Tây, viếng quảng trường Thiên An Môn lớp lóp rừng
người và về bãi Thượng Hải bên bờ sông Hoàng Phố để xem...máu có còn nhuộm nữa
hay không? Máu chắc đã được rửa sạch từ lâu và ngày nay nơi bến Hoàng Phố là
những tòa cao ốc cao ngất trời. Thời tiết những ngày chúng tôi sang rất đẹp
nhưng không hiểu sao hơn quá nửa số người trong đoàn đều nhuốm bịnh ho gà kiểu
Ðắc Kỷ khiến nguyên cả đoàn phải dẫn nhau đi mua thuốc ho và dầu cù là nhưng
bệnh ho cũng không bớt. Cuối cùng Simone Nga là trưởng đoàn vốn có sức khoẻ nữ
thần cũng chịu không thấu, ngày 21 tháng 10 phải ngồi xe còi hụ vào phòng cấp
cứu ở bịnh viện Thượng Hải và nằm trong đó một ngày. Hôm sau trên đường về lại
Los Angeles, cô cười cười nói với tôi: “Cháu chỉ sợ...cúm gà nên đi bịnh viện
cho chắc ăn!”
Nói
chung chuyến đi nhiều thú vị, cười nói uyên thuyên, gọi nhau ơi ới suốt ngày
đêm. Tôi là người giang hồ trôi nổi đã nhiều nhưng chuyến đi Trung Quốc lần này
gây một ấn tượng khá sâu đậm nhất là sự bao la rộng lớn của đất nước Trung Hoa
và phát triển như sóng triều dâng của Trung Quốc: đứng trên ngọn tháp TV Tower
bên khu Phố Đông (Pudong) nhìn xuống thành phố Thượng Hải năm xưa từng bị các
nước Tây Phương xâu xé chia nhiều mảnh đất gọi là tô giới, ngày nay hơn 4,000
tòa cao ốc cao hơn 22 tầng, hoành tráng và mới mẻ hơn Nữu Ước. Sự phát triển
này có vững bền không hay xây lâu đài “kinh tế thị trường” trên nền móng “xã
hội chủ nghĩa” rệu rã ? Không ai có thể đoán được nhưng trước mắt là Trung Quốc
đang phát triển.
Xin
mời các bạn cùng chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình viếng thăm Trung Quốc trong
hai tuần.
Theo
chương trình đoàn chúng tôi sẽ đi chuyến bay hàng ngày với số hiệu 201 của
Asiana Airlines cất cánh vào lúc 1 giờ 30 chiều để đi Seoul (Hán Thành). Sau
một đêm ngủ tại Hán Thành sẽ đáp chuyến bay thứ nhì số hiệu 331 để đến Bắc Kinh
vào lúc 10 giờ 45 sáng chủ nhật 09-10-2005. Nhưng không hiểu vì lý do gì chuyến
bay 201 hôm đó dời lại trễ một giờ đồng hồ. Cô Simone Nga báo cho mọi người
biết trước và hẹn có mặt tại phi trường Los Angeles vào lúc 10 giờ sáng để làm
thủ tục check-in, gởi hành lý cũng như khám xét người bằng máy dò tìm vũ khí
trước khi vào khu vực chờ đợi ra cổng bay. Mọi thủ tục tiến hành êm xuôi nhưng
đến 2 giờ 30 loa mới thông báo là chuyến bay bị đình trễ vì lý do kỹ thuật và
không biết bao giờ mới cất cánh được. Mọi người đâm ra xôn xao bàn tán vì chưa
kịp lên đường đã gặp trục trặc nhưng sau đó không lâu có một ông người Ðại Hàn
phụ trách giao tế Asiana Airlines đến cho đoàn chúng tôi biết là vì chiếc cầu
tuột khẩn cấp bằng cao su trên máy bay bị một nhân công quét dọn nhấn nhầm nút
nên chiếc cầu bung ra. Ðã bỏ vào được và định hôm nay máy bay đến phi trường
Los Angeles sẽ có chuyên viên chuyên môn giám định lại cho an toàn nhưng giờ
chót tại Los Angeles không có chuyên viên này và ông ta cho biết chuyến bay sẽ
phải bỏ lại 60 người là những chỗ ngồi gần chiếc cầu tuột rắc rối nọ. Ông ta đề
nghị đoàn chúng tôi ở lại, ông sẽ dàn xếp chuyển chúng tôi sang hãng Air China
của Trung Quốc cất cánh vào đêm nay lúc 1 giờ 30 sáng. Ông sẽ đưa chúng tôi ra
khách sạn Holiday Inn ngoài đường Century nghỉ ngơi và ăn tối chờ đến 9 giờ 30
trở lại phi trường. Chúng tôi cảm thấy không an tâm khi đi chuyến bay như vậy
nhất là mới đây chứng kiến cảnh phi cơ Blue Jet đáp với bánh xe trẹo qua một
bên nên vui vẻ theo ông lên xe buýt ra khách sạn Holiday Inn gần xa lộ 405 lấy
phòng, tắm rữa, nghỉ ngơi. Tôi chưa ăn trưa vì định lên máy bay lúc 2 giờ 30 ăn
luôn nên bây giờ cũng hơi đói. Gọi xuống quày lễ tân thì nơi này cho biết nhà
hàng trong khách sạn 6 giờ mới có phục vụ ăn tối. Nằm xem TV và gọi điện thoại
về nhà báo tin cho mấy đứa con biết rằng chưa đi được mà còn ở trong phi trường
LAX. Ðúng 6 giờ chúng tôi xuống quày lễ tân lấy giấy ăn tối và đến nhà hàng
trong khách sạn, giấy này ghi giới hạn chi phí ăn tối là 15$ cho mỗi người.
Chúng tôi kêu một món súp củ hành, hai món “Early Birds” (giá được bớt cho
những người đi ăn sớm từ 6 đến 7 giờ) mỗi món giá 10$ và một bánh cheese cake.
Xong nội vụ cũng hơn 35$ nên chúng tôi phải bù thêm tiền cộng với tiền tip
nhưng cũng đáng vì món súp củ hành ở đây nấu rất tuyệt vời. Hơn 9 giờ chúng tôi
lên xe buýt nhỏ của khách sạn để vào Terminal 2 nơi đặt quày vé và cửa ra máy
bay của Air China. Ðại diện hãng Asiana Airlines có mặt tại nơi đây giúp chúng
tôi lấy vé lên tàu còn hành lý chúng tôi
đã gởi cho Asiana Airlines thì vẫn tiếp tục được chở đến Bắc Kinh, chúng tôi
không cần phải bận tâm đến vì cô Nga sẽ cho người ra phi trường lấy. Theo lời
cô Nga cho biết vì những đường bay nội địa trong Trung Quốc họ giới hạn hành lý
mỗi hành khách là 20 kí lô nếu thặng dư
sẽ tính tiền lối 2US$ mỗi kí nên khuyên chúng tôi mỗi người chỉ nên gởi
một hành lý không quá 20 kí (khoảng 44 pounds). Ở đường bay cuối cùng về lại Mỹ
là chặng Thượng Hải đến Los Angeles thì tự do mua sắm vì được gởi theo mỗi
người 2 hành lý và mỗi hành lý nặng đến 70 pounds.
Phi
cơ Air China cũng là loại Boeing 747 chở được lối 390 hành khách cất cánh đúng
1 giờ 30 sáng thứ bảy 08-10-05. Hành khách trên chuyến bay hơn phân nửa là
người Mỹ lớn tuổi theo các đoàn du lịch do các bà người Hoa nhưng sinh sống tại
Hoa Kỳ hướng dẫn. Trong khi hành khách Asiana Airlines chờ đợi ở phi trường lúc
chiều phần đông là người Đại Hàn. Các cô tiếp viên của Air China cũng duyên
dáng và lịch sự nhưng không bằng các cô Đại Hàn bên Asiana Airlines. Trên
chuyến bay dọn hai bữa ăn gồm có cháo thịt heo bầm và bữa ăn về sáng là thịt
vịt hoặc bò kho ăn với cơm trắng. Phi cơ bay một mạch suốt 13 tiếng đồng hồ
toàn là đêm tối vì đuổi theo bóng đêm và tới Bắc Kinh 5 giờ 30 sáng chủ nhật
09-10-05 nghĩa là tới trước chuyến bay dự trù là Asiana Airlines sẽ đến vào lúc
10 giờ 45. Tôi hỏi về chuyến bay Asiana Airlines trở ngại về chiếc cầu tuột
khẩn cấp thì cô Nga cho biết đến 5 giờ chiều mới cất cánh đi Ðại Hàn.
Máy
bay đáp êm ái trên phi đạo trong lúc trời hãy còn tối. Nhà ga phi trường cho
những chuyến bay quốc tế mới vừa xây cách nay 4 năm còn nhà ga cũ cạnh đó cũng
được tu sửa lại cho mới mẻ và dùng làm nhà ga cho những chuyến bay nội địa. Phi
trường Bắc Kinh cách thành phố 30 cây số. Về thủ tục nhập cảnh Trung Quốc du
khách phải điền 3 mẫu khác nhau được phát từ trên máy bay là mẫu khai y tế, di
trú và quan thuế và lần lượt qua 3 cửa theo thứ tự đó. Mỗi cửa thu một tờ, cuối
cùng du khách chỉ còn lại sổ thông hành (passport) mà thôi. Nhân viên nam có nữ
có trẻ tuổi trên dưới 30, đồng phục, làm việc chăm chỉ trước máy vi tính, cũng
vui vẻ nhưng ít thấy nụ cười và luôn có người chỉ huy giám sát. Quày cuối cùng
là quan thuế nơi đây trên tường vẽ cảnh Vạn Lý Trường Thành chạy dài suốt bức
tường. Vì chỉ có hành lý xách tay mà thôi nên cả đoàn ra khỏi phi trường cũng
nhanh. Ra đón chúng tôi có ông Lương Kiện là người Việt gốc Hoa sinh quán Hải
Phòng. Theo ông tự giới thiệu ông rời VN sang Trung Quốc từ thời còn trẻ, là
giáo sư môn lịch sử tại đại học Bắc Kinh và vừa về hưu trong năm qua. Ông đã
cộng tác với AV Travel trong suốt 7 năm qua để tiếp đón và hướng dẫn các đoàn
của AV Travel qua du lịch Trung Quốc và theo đoàn trong suốt chuyến đi. Ngoài
ra tại mỗi tỉnh khi đoàn tới còn có một hướng dẫn viên làm cho Sở Du Lịch địa
phương sắp xếp khách sạn, nơi ăn, xe buýt di chuyển và lịch trình thăm viếng
các thắng cảnh, đền chùa. Tại Bắc Kinh có anh chàng trẻ tuổi David người cao
ốm, vui vẻ, tiếng Anh cũng thông thạo vì anh chàng cho biết đã tốt nghiệp đại
học về Anh văn. David cho biết anh là hướng dẫn viên ngoài biên chế nên chưa có
lương nhà nước, thu nhập của anh là từ tiền tip của các đoàn du lịch mà thôi.
Anh đưa chúng tôi ra xe buýt để về khách sạn. Lên xe thì trời vừa sáng, bầu
trời xám đục, sương thu lãng đãng khắp nơi. Trên đường từ phi trường về thành
phố những rừng cây cao, thân trồng san sát vào nhau dọc theo xa lộ. Theo ông
Lương Kiện cho biết cây này có tên là bạch dương được trồng để ngăn bụi từ sa
mạc, mùa Xuân cây nở hoa trắng trắng bay bay trong gió như tuyết rơi. Khi xe
gần tới thành phố những cao ốc chung cư vài chục tầng san sát nhau. Vùng này là
ngoại ô trước kia đất trống không có phố xá hay nhà cũ, những chung cư mới được
xây trong vòng 20 năm trở lại. Những cao ốc cũ, máy lạnh từng cái nhỏ được gắn
phía bên ngoài, dây điện lòng thòng trong khi những cao ốc mới thiết trí hệ
thống điều hòa không khí trung ương (central air) nên trông thẩm mỹ hơn. Những
khoảng trống trên mỗi từng người ta phơi quần áo đủ màu sắc và David gọi đó là
những “lá cờ quốc tế” (international flags). Hệ thống xa lộ cũng khá nhiều, Bắc
Kinh có đến 5 xa lộ vòng đai bao bọc và những xa lộ đi thẳng từ bên ngoài vào
nối với các xa lộ vòng đai. Xa lộ vẫn tiếp tục xây ở mọi nơi nhưng tận dụng sức
người hơn là máy móc. Công việc làm bằng tay tuy chậm nhưng kiến tha lâu cũng
đầy ổ. Ðặc biệt vài khúc xa lộ trên cao còn có gắn thêm kính nhựa để che gió
cho xe cộ. Ở mỗi con đường có rất nhiều người phu quét đường mặc áo quần màu
vàng hay cam, họ cầm chổi gom lá, đôi khi đi thẳng ra đường trong khi xe chạy
đan vào nhau chỉ để gom một vài miếng giấy quảng cáo. Tôi thấy những người phu
lớn tuổi nam có nữ có làm việc cần mẫn hơn là những anh chàng trẻ tuổi! Có lẽ
những anh chàng này chê đồng lương không xứng đáng, làm tạm thời để chờ tìm
việc khác! Trung Quốc có đến 1.3 tỷ ( tức 1,300 triệu) dân, là nước dẫn đầu dân
số cao nhất trên thế giới nên nhân công dư thừa là phải. Trên đường phố xe hơi
rất nhiều không thua mấy bên Mỹ, nhưng toàn kiểu xe lạ khác với Mỹ, ít thấy xe
Nhật mà là những xe của Đại Hàn cũng như của hãng Volkswagen, Buick, Chrysler nhưng lắp ráp tại
Trung Quốc. Nghe nói mỗi người trước khi mua một xe hơi phải có 5,000 đô la để
trả tiền đăng bộ. Tại Bắc Kinh không có xe gắn máy, chỉ có xe hơi và xe đạp nên
cũng đỡ phần nào ô nhiễm khói xe. Không có xích lô mà chỉ có loại xe gắn máy 3
bánh đóng thùng chở người phía sau bít bùng sơn màu xanh đậm trông như
những...cầu tiêu di động!
Bắc
Kinh ngày xưa là kinh đô của các triều đại Liêu, Kim, Lương, Minh và Thanh,
hiện là thủ đô của Trung Quốc rộng 16,000 cây số vuông, dân số 14 triệu người
đứng thứ tư trong các thành phố đông dân nhất của Trung Quốc sau Trùng Khánh
(hạng nhất 34 triệu dân), Thượng Hải (18 triệu), Thiễm Tây (15 triệu). Thu nhập
bình quân mỗi đầu người Bắc Kinh là 1,200 US$ một năm.
No comments:
Post a Comment